Giá bán cam mật tăng khoảng 5.000 đồng/kg
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn trồng cam mật phấn khởi vì thương lái đến tận vườn thu mua với mức giá khoảng 15.000 đồng/kg, bình quân tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Theo các nhà vườn và thương lái, hiện nay cam mật khá hút hàng nên giá bán tăng cao.
Cam mật được bán tại chợ có giá 35.000 đồng/kg.
Anh Trần Hoàng Minh, ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết: Với 3 công đất vườn trồng cam mật, vụ này được thương lái đến mua mão với giá 110 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư như phân, thuốc, nhân công, gia đình còn lợi nhuận khoảng 90 triệu đồng.
Được biết, mô hình trồng cam mật đang được nhiều bà con nông dân tại các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp chọn làm mô hình phát triển kinh tế của gia đình. Tuy giá bán phụ thuộc nhiều vào thị trường, nhưng trồng cam mật không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, đầu tư thấp, thời gian cho trái ngắn, có thể cho trái rải vụ, đem lại thu nhập khá cho bà con.
MAI THANH
Phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản nơi đầu nguồn sông Tiền
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Nằm ở đầu nguồn sông Tiền (tỉnh Tiền Giang), huyện Cái Bè chú trọng phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản theo hướng "chung sống với lũ", mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân ổn định cuộc sống và nông nghiệp, nông thôn ngày càng đổi mới.
Toàn huyện hiện có trên 27.000 ha vườn trồng cây ăn trái, lớn nhất, nhì tỉnh Tiền Giang với nhiều chủng loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao: xoài cát Hòa Lộc, mít Thái, sầu riêng,... Trong 9 tháng qua, nông dân địa phương đã thu hoạch đạt sản lượng trái cây các loại gần 396.000 tấn trái, tăng trên 2.500 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, trong nỗ lực cụ thể hóa chủ trương "chung sống với lũ" địa bàn khó khăn vùng đầu nguồn sông Tiền, huyện Cái Bè quan tâm công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật thâm canh, định hướng nông dân tuyển chọn cây giống, con giống tốt trong chuyển đổi sản xuất sang lập vườn trồng cây ăn trái đặc sản mang lại hiệu quả.
Nhiều đề tài khoa học được nghiên cứu, ứng dụng đã giúp đổi mới và nâng cao hiệu quả nghề làm vườn tại huyện Cái Bè. Đơn cử như Đề tài khoa học - công nghệ "Chứng nhận vườn đầu dòng xoài cát Hòa Lộc tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang" đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở.
Đáng chú ý, trong năm 2024, địa phương còn thực hiện nhiều mô hình kỹ thuật trên lĩnh vực thâm canh vườn cây ăn trái như mô hình "Sản xuất sầu riêng thương phẩm an toàn" tại các xã Mỹ Tân, Mỹ Lợi B,… đã thiết thực mở ra hướng mới trong thâm canh vườn, nâng chất lượng nông sản khi tham gia thị trường.
Nhằm rộng đường xuất khẩu chính ngạch trái cây chủ lực, toàn huyện cũng đã có trên 8.000 ha vườn cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng và 88 cơ sở đóng gói được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Minh Trí
Tổ hợp tác nấm mèo phố núi
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Trên đất cao nguyên B’Lao, những người nông dân Thôn 3, Thôn 4, xã Đam Bri, TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã gắn bó với nghề trồng nấm mèo 20 năm nay.
Ông Vũ Thành Long đang chuẩn bị ép nước cho trại nấm mèo
Ông Lê Quang Việt, chủ trại nấm Việt Phúc, Thôn 3, xã Đam Bri chia sẻ, bản thân ông và gia đình đã có trên 15 năm chuyên canh tác nấm mèo. Ông Lê Quang Việt thông tin: “Người Thôn 3 học làm nấm mèo từ bà con vùng Long Khánh, Đồng Nai. Chỉ từ ban đầu có một vài hộ, tới nay chúng tôi đã có rất nhiều hộ cùng trồng nấm mèo, trở thành vùng đất mà bà con trong xã gọi là xóm nấm mèo. Cây nấm mèo đã mang lại kinh tế chính cho cư dân ở đây”.
Theo ông Lê Quang Việt, nấm mèo - mộc nhĩ là loại thực phẩm được người tiêu dùng sử dụng rất nhiều trong các món ăn hằng ngày. Cũng vì vậy, cư dân Thôn 3 nhiều hộ gắn bó với nghề làm nấm. Theo ông, nếu nắm được kỹ thuật, trồng nấm mèo cũng không khó với các nông hộ. Nấm cần được trồng trong nhà kính, thường là nhà làm bằng sắt, phía trên có lợp mái tranh dày. Mái tranh giúp dưỡng ẩm cho bịch nấm rất tốt, đồng thời có khả năng hạ nhiệt, giúp cây nấm có điều kiện sinh trưởng tối ưu.
Nấm mèo được trồng trong thời gian 2,5 tháng/vụ, ông Lê Quang Việt thông tin. Giống được nhập về, treo thành dây trong nhà nấm, sau đó phủ lưới đen kín, không để ánh sáng lọt vào nhà nấm. Nấm được treo 10 ngày, nông dân sẽ tiến hành rạch lỗ trên bịch nấm để nấm mọc. Sau 10 ngày nữa, khi nấm con bắt đầu mọc ổn định, người nông dân mới tưới nước hằng ngày với một lượng nước tưới khá nhỏ, tưới phun sương. Ông Lê Quang Việt chia sẻ, có những kỹ thuật trồng nấm mèo để tai nấm to, dày, có giá trị kinh tế cao hơn: “Khi cây nấm đã to ra, chúng tôi ngừng tưới, vén màn che để cho nấm khô quắt trong vòng 10 ngày. Sau 10 ngày, tai nấm khô lại, chúng tôi tưới tiếp trong vòng một tuần để cây nấm tươi, to trở lại. Sau đó lại tắt nước, ép một tuần. Quá trình cắt nước, tưới lại như vậy giúp tai nấm mèo dày hơn, giòn hơn, đạt sản lượng và chất lượng khách hàng mong muốn. Nói chung kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm mèo không khó, chỉ cần giữ gìn vệ sinh thật tốt là cây nấm mèo sẽ ổn định và có năng suất khá”.
Ông Nguyễn Việt Phúc, ông Vũ Thành Long, Thôn 4, xã Đam Bri cũng là người có trên 15 năm kinh nghiệm gắn bó với nấm mèo. Theo ông Long, vùng Đam Bri đất không quá nhiều, chỉ trồng cà phê, một năm mới có một lần thu hoạch. Làm quen với cây nấm mèo, vốn đầu tư ban đầu không cao, lại có thu nhập hàng tháng nên cư dân Thôn 4 có rất nhiều hộ đã gắn bó với cây nấm mèo: “Khu trồng nấm mèo này đã hình thành cả 20 năm, bà con nông dân chúng tôi đã quen với cây nấm mèo và thấy năng suất cũng ổn định. Nói chung giá nấm mèo thì cũng có thời điểm cao, thời điểm thấp nhưng có thu hoạch thường xuyên, tiền ra tiền vào nên bà con cũng vẫn gắn bó”.
Theo ông Vũ Thành Long, một nhà nấm thường trồng được 10 thiên (10 ngàn bịch), sau gần ba tháng là thu được năm tạ nấm khô. Tùy thời điểm, thương lái tới tận trại thu mua nấm cho bà con. Những nhà có vốn, nấm khô được trữ lại để đợi các đợt giá bán cao hơn vào các dịp cuối năm, lễ, tết. Nấm mèo không thu rải rác mà chỉ thu 1 lần, sau khi hái hết nấm, phôi nấm mèo được tiếp tục bán cho các nông hộ để trồng thêm một lứa nấm có nhu cầu dinh dưỡng thấp hơn như nấm bào ngư xám, bào ngư trắng.
Được biết, trên địa bàn TP Bảo Lộc có một số trại chuyên sản xuất phôi nấm như trại nấm Long Thủy. Các trại giống nấm này, ngoài cung cấp phôi nấm đạt chuẩn, còn là nơi tư vấn, hướng dẫn kĩ thuật cho nông dân. Liên kết chặt chẽ giữa trại sản xuất giống và nông dân trồng nấm thương phẩm đã giúp người trồng nấm tại Đam Bri ngày càng phát triển. Bà Nguyễn Thị Thơm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đam Bri cho biết, xã đang tích cực vận động nông dân thành lập tổ hợp tác trồng nấm trên địa bàn. Tổ hợp tác sẽ là tập thể của cư dân trồng nấm, đồng hành cùng bà con trong việc phát triển bền vững nghề trồng nấm mèo như chia sẻ giống, hỗ trợ kĩ thuật, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra với giá cả ổn định cho người nông dân. Khi tập hợp nuôi trồng nấm trở thành một tập thể mạnh, nghề nấm Đam Bri sẽ cho kết quả tốt, mang lại sự no ấm cho những cư dân vùng đất cao nguyên. Bà cho biết, xã Đam Bri cũng đang có mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP từ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, trong đó có cây nấm mèo.
DIỆP QUỲNH
Ca cao tăng giá, người trồng phấn khởi
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Giá ca cao trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tăng mạnh, hiện ở mức 10.000-11.000 đồng/kg, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Người trồng có lãi cao nên rất phấn khởi.
Ông Lê Ngọc Cần, Giám đốc HTX Ca cao Châu Đức kiểm tra chất lượng trái ca cao tại vườn.
Nông dân phấn khởi
Ông Phan Thành Huy (ngụ ấp Vĩnh An, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) có 6 sào trồng ca cao phấn khởi thông tin, với giá HTX thu mua 11.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 20 triệu đồng. “Số cây giống ca cao này được Phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ, cùng với phân bón nên tôi hầu như chỉ tốn công chăm sóc. Ngoài ra, Phòng NN-PTNT còn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc nên cây ca cao phát triển tốt và cho sản lượng ổn định”, ông Huy nói.
Tương tự, ông Trần Như Phong (ấp Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) có 1,2ha ca cao đang canh tác theo hướng hữu cơ, cho thu hoạch ổn định. Sản lượng đạt khoảng 15 tấn trái tươi. Vụ này, sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 100 triệu đồng, cao hơn gấp 2 lần so với phương pháp trồng ca cao truyền thống.
“Năm nay bà con rất phấn khởi, vì mới vào mùa nhưng giá ca cao tươi đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. HTX Ca cao Châu Đức có nhiều đơn hàng từ đối tác, nhưng cung không đáp ứng đủ cầu. Vì vậy, ca cao của bà con thu hoạch đến đâu đều được HTX thu mua hết đến đó, không lo về đầu ra và giá cả”, ông Lê Ngọc Cần chia sẻ.
Xây dựng vùng ca cao bền vững
Cây ca cao đã bén rễ tại huyện Châu Đức khoảng 20 năm, đây là địa phương có vùng nguyên liệu ca cao lớn nhất của tỉnh. Diện tích trồng ca cao của huyện Châu Đức cũng tăng mạnh từ khoảng 300ha trước năm 2020 lên 600ha, tập trung tại các xã: Bình Giã, Bình Trung, Xà Bang, Kim Long, Quảng Thành…
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, xác định ca cao là cây trồng chủ lực của huyện Châu Đức, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển cây ca cao. Chẳng hạn như chương trình hỗ trợ cây giống, phân bón cho bà con nông dân, chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 5 tỷ đồng; tìm kiếm, kêu gọi DN hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao để phát triển cây ca cao cho nông dân… Qua đó nhằm phát triển cây ca cao theo hướng bền vững, đạt mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng.
Hiện nay, sản phẩm ca cao của huyện đã được nhiều công ty trong và ngoài nước thu mua để xuất khẩu. Ngoài ra, một số DN liên kết thu mua trái ca cao tươi của nông dân để sản xuất các sản phẩm như bột ca cao, kẹo socola, rượu ca cao, trà ca cao, nước ép ca cao…
Bài, ảnh: SONG BÌNH
Vụ lúa thu đông: Nông dân vui trúng mùa, được giá
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Nông dân tập trung thu hoạch lúa Thu Đông.
Thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, giá bán lúa ở mức khá nên vụ lúa Thu Đông năm nay, nông dân trong tỉnh Vĩnh Long đã xuống giống vượt kế hoạch về diện tích. Nhiều nông dân phấn khởi khi lúa Thu Đông được mùa, được giá, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Tại huyện Trà Ôn, vụ Thu Đông năm nay toàn huyện xuống giống diện tích trên 1.430ha, đạt 104,3% so kế hoạch, tăng 48,5ha so cùng kỳ. Ước sản lượng đến cuối vụ đạt trên 8.300 tấn, ước lợi nhuận 25-26 triệu đồng/ha.
Vụ lúa này, nông dân chủ yếu sử dụng các giống ngắn ngày, có chất lượng cao, kháng sâu bệnh, cho năng suất cao như: OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 18…
Đây là những loại giống khá an toàn về dịch bệnh và phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng.
Nhiều nông dân sạ giống lúa OM 18 cho hay giống lúa này có những đặc tính vượt trội như năng suất cao, kháng bệnh tốt, cho chất lượng thành phẩm cao và thời gian sinh trưởng ngắn.
Điều này giúp cho nông dân tăng thu nhập từ việc sản xuất lúa, đồng thời giảm thiểu chi phí và rủi ro trong quá trình sản xuất.
Tại các huyện Vũng Liêm, Bình Tân, Tam Bình… nông dân cũng ráo riết thu hoạch lúa Thu Đông. Thu hoạch xong 5 công ruộng, chị Trần Thị Mỹ (xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân), cho biết vụ lúa đạt năng suất cao là nhờ gieo sạ giống lúa OM 18, chống chọi tốt trong mùa mưa bão, ít sâu bệnh, với thời tiết thuận lợi trong lúc gieo sạ cho nên lúa phát triển tốt và đồng thời gieo sạ sớm và thu hoạch sớm né lũ cho nên năng suất cao.
Theo đó, lúa cho năng suất trên 35 giạ/công, sau khi trừ chi phí còn lời trên 3 triệu đồng/công. Sau khi thu hoạch xong thì xả lũ đón phù sa vào ruộng”.
Tuy nhiên, vụ lúa này, nông dân cũng cho hay, một số diện tích đang trong giai đoạn trổ- chín và đến thời điểm thu hoạch bị mưa dông liên tục trong những ngày qua đã làm cho lúa bị đổ ngã giảm chất lượng, năng suất, trong khi chi phí bơm rút nước, thu hoạch tăng khiến người dân bị thiệt hại, giảm lợi nhuận 20-30%.
Theo đó, tỷ lệ thiệt hại 5-10% phân bố rải rác các xã của huyện Trà Ôn, Vũng Liêm.
Mặt khác, mưa lớn kèm triều cường dâng cao làm chân ruộng nhiều cánh đồng ngập nước từ 5-10cm cũng khiến lúa giảm năng suất.
Trong tuần, nông dân bán lúa với giá từ 7.500-8.200 đ/kg đối với các giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 18 và Đài thơm 8. Riêng giống lúa IR 50404 bán với giá khoảng 6.700 đ/kg.
Dù giá bán giảm nhẹ so với tháng trước nhưng với năng suất như hiện nay phần lớn nông dân vẫn đảm bảo lợi nhuận từ 1,5-2 triệu đồng/công.
Theo ngành chức năng, hiện nay, tình hình thời tiết mưa nhiều, kết hợp với triều cường lên cao lúa Thu Đông thu hoạch phải nhanh gọn tránh thất thoát bằng cách như: phơi sấy, thu hoạch bằng máy. Đồng thời, đối với những nơi có khả năng ngập lũ cần tiến hành thu hoạch lúa nhằm giảm bớt thiệt hại do lũ gây ra.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: Hiện nay các trà lúa Thu Đông đang vào giai đoạn đòng trổ đến chắc xanh-chín trong khi tình hình thời tiết diễn biến rất bất thường, thường xuyên có mưa bão kéo dài trên diện rộng.
Đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại như rầy nâu, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá,… phát triển và gây hại.
Vì vậy, cần áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như IPM, IPHM, ngập khô xen kẽ, bón phân cân đối hạn chế tối đa việc bón thừa phân đạm,… nhằm giúp cho cây lúa phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh, chống chịu tốt các loại dịch hại và hạn chế đổ ngã…
Theo đó, nông dân cần phải thực hiện đồng bộ các công việc cụ thể như: gia cố đê bao, cống đập vững chắc, đào rãnh thoát nước tạo điều kiện thuận lợi để chủ động rút nước kịp thời khi có mưa to, đối với những mảnh ruộng không chủ động nguồn nước thì phải chuẩn bị sẵn máy bơm để thoát nước khi cần thiết.
Ngành chức năng cũng khuyến cáo, diện tích nhiễm lúa cỏ có chiều hướng tăng nhanh qua các vụ lúa khuyến cáo nông dân làm đất thật kỹ trước khi xuống giống để tránh thiệt hại đến năng suất lúa Đông Xuân sắp tới.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, tính đến cuối tháng 9/2024, toàn tỉnh đã xuống giống được 35.397ha lúa Thu Đông, đạt 118% so với kế hoạch. Hiện các trà lúa xuống giống sớm đã bắt đầu thu hoạch. Đến nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch trên 13.600ha, năng suất ước đạt khoảng 5,7 tấn/ha với sản lượng trên 9.000 tấn. Nhìn chung, các trà lúa đang phát triển khá tốt, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp-PTNT đã khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống tập trung, né rầy, tăng cường quản lý sâu bệnh, thực hiện tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, chọn giống chất lượng tốt có khả năng chống chịu mặn, hạn, rầy nâu và đạo ôn khi gieo sạ; tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất lúa và phòng trừ sâu bệnh nên đã hạn chế được thiệt hại xảy ra.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thái Lan tăng nhập khẩu khoai lang Lâm Đồng
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Ông Nguyễn Duy Đa - Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn, doanh nghiệp chuyên trồng, chế biến và xuất khẩu nông sản lớn của Lâm Đồng cho biết, công ty đã bắt đầu tăng lượng xuất khẩu khoai lang Nhật - Sweet potato Japan sang thị trường Thái Lan. Theo ông Nguyễn Duy Đa, thị trường Thái Lan từ trước đây đã nhập khoai lang Nhật sang Thái Lan với sản lượng nhỏ nhưng thời gian gần đây, thị trường này tăng sản lượng nhập khoai lang Nhật. Được biết, Thái Lan không có vùng thổ nhưỡng phù hợp với khoai lang Nhật nên chủ yếu nhập khoai để phục vụ nhu cầu nội địa cũng như chế biến. Đây là một thị trường mới nổi cho cây khoai lang Nhật có nguồn gốc Lâm Đồng. Ngoài khoai lang, Thái Lan còn ưa chuộng ớt chuông, chanh, Atiso, cà tím và nhiều loại nông sản Lâm Đồng.
DIỆP QUỲNH
Thu nhập cao từ măng tre điền trúc
Nguồn tin: Báo Bình Định
Ông Trần Ngọc Dũng (SN 1960) ở khu phố Tăng Long 1, phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết, sau nhiều dịp đi tham quan mô hình phát triển kinh tế điển hình trong và ngoài tỉnh, ông tập trung sự chú ý vào mô hình trồng tre điền trúc lấy măng. Năm 2019, khi nghỉ hưu, ông đầu tư gần 100 triệu đồng cải tạo 10.000 m2 đất của gia đình (đang trồng mít, xoài, mãng cầu nhưng hiệu quả không cao) để trồng tre điền trúc.
Vườn tre điền trúc của ông Dũng và sản phẩm măng tre thu hoạch hằng ngày. Ảnh: THANH HÙNG
Để bảo đảm chất lượng nguồn cây giống thật tốt ngay từ đầu, ông Dũng vào tỉnh Tiền Giang học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và mua 300 gốc tre giống về trồng trên 5.000 m2 đất vườn. Đến năm 2022 - chỉ sau hơn 2 năm trồng, tre điền trúc đã cho thu hoạch liên tục. Mỗi ngày ông cắt từ 15 - 20 mụt măng (khoảng 50 kg), bán sỉ cho thương lái tại vườn với giá 8 - 10.000 đồng/kg; măng được giá nhất là vào dịp tết, khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nhờ đó bình quân mỗi tháng ông Dũng thu về từ 10 - 15 triệu đồng từ bán măng.
Ông Dũng chia sẻ, tới đây, khi 500 gốc tre điền trúc cho măng đồng loạt, ngoài việc sản xuất cây giống để bán, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tăng thêm thu nhập, từ nguyên liệu sẵn có tôi sẽ làm thêm một số sản phẩm mới như măng khô, măng chua.
BẢO SƯƠNG - THANH HÙNG
Giỏi trồng màu, vươn lên khá giàu
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Hộ ông Trần Hoàng Vĩnh, Ấp 12, xã Khánh Lâm, là điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại huyện U Minh (tỉnh Cà Mau). Trước đây, gia đình ông Vĩnh có 1 ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng cuộc sống khó khăn, do chỉ độc canh cây lúa, sản xuất kém hiệu quả. Ðể có thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình và lo cho con cái ăn học, vợ chồng ông Vĩnh đã cải tạo hơn 2,5 công đất quanh nhà và bờ xáng trồng dưa leo, đậu đũa, bầu, mướp, khổ qua.Các loại hoa màu này được ông Vĩnh trồng luân phiên trong năm, phù hợp với thời tiết và nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ gia đình chịu khó chăm sóc cũng như áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên hoa màu phát triển tốt, cho năng suất cao.
Nhờ trồng màu mà cuộc sống gia đình ông Vĩnh cải thiện hơn trước rất nhiều, lo được cho 3 đứa con học hành đến nơi đến chốn. Không chỉ thoát nghèo, gia đình còn từng bước vươn lên khá giàu. Trong số 3 người con của ông Vĩnh, 2 người học xong đại học và 1 người xong lớp 12, có việc làm ổn định.
Dưa leo của gia đình ông Trần Hoàng Vĩnh đang trong giai đoạn thu hoạch, ước mang về lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng khi kết thúc vụ.
Mùa này, 2,5 công đất trồng dưa leo đang cho thu hoạch. Ông Vĩnh cho biết: “Dưa leo năm nay trúng mùa, lại trúng giá, bán hết vụ dưa này, chắc gia đình tôi còn lãi từ 30-40 triệu đồng. Vụ màu nào cũng vậy, còn đất trống là tôi trồng xen bắp vào, mỗi vụ được thêm vài triệu đồng trang trải cuộc sống. Trồng màu tuy vất vả nhưng có thu nhập quanh năm, cao hơn trồng lúa”.
Khi thực hiện mô hình hiệu quả, ông Vĩnh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng màu cho người dân trong ấp. Ðồng thời, ông tích cực tìm đầu ra cho nông sản. Từ sự hướng dẫn của ông Vĩnh, không ít hộ tập làm theo và đạt hiệu quả.
Bà Huỳnh Ngọc Thu, Ấp 12, xã Khánh Lâm, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn do làm lúa nhiều năm liền thất bại. Khoảng 4 năm trở lại đây, nhờ ông Vĩnh hướng dẫn cách thức trồng, lựa chọn giống phù hợp từng mùa nên việc trồng màu của gia đình tôi mang lại hiệu quả. Hiện vợ chồng tôi tận dụng diện tích đất bờ xáng ngang 7 m, dài 120 m để trồng dưa leo, khổ qua, bắp và đậu đũa, mỗi vụ được từ 15-20 triệu đồng, từ đó cuộc sống thoải mái hơn trước rất nhiều”.
Ông Phan Văn Quang, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 12, xã Khánh Lâm, cho biết: “Thời gian qua, nhờ sự hướng dẫn của ông Vĩnh nên hiện trên địa bàn ấp có 13 hộ trồng màu, với khoảng 15 ha. Hầu hết các hộ trồng màu trong ấp đều đạt hiệu quả và có nguồn thu nhập khá, nhờ thực hiện mô hình này mà nhiều hộ đã thoát nghèo và từng bước vươn lên khá giàu. Nhiều năm liền ông Vĩnh được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp”./.
T. Thể
Phá thế độc đạo cho thủ phủ sầu riêng
Nguồn tin: Báo Khánh Hoà
Với sản lượng mỗi năm đạt từ 15.000 - 17.000 tấn, sầu riêng Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hoà) đang trở thành nông sản mang lại giá trị cao, giúp người dân huyện miền núi thoát nghèo, kinh tế ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc địa phương chỉ có Tỉnh lộ 9 là con đường duy nhất đi ra ngoài khiến việc vận chuyển nông sản đi tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí.
Vận chuyển nông sản gặp khó khăn
Hiện nay, huyện Khánh Sơn kết nối với các địa phương khách bằng con đường duy nhất là Tỉnh lộ 9. Tuyến Tỉnh lộ 9 dài 56,3km có điểm đầu từ Quốc lộ 1 (TP. Cam Ranh) đi qua xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) để kết nối với huyện Khánh Sơn. Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các cơ quan chức năng đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp đường cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn. Tuy nhiên, trên tuyến có nhiều đoạn quanh co khúc khuỷu, xe tải lớn hoặc xe container lưu thông rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Văn Bính - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Phương Đài (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn cho biết, sầu riêng Khánh Sơn có sản lượng lớn, chất lượng hiếm nơi nào bằng. Tuy nhiên, nhiều năm nay việc tiêu thụ sầu riêng Khánh Sơn vẫn khá manh mún, nhỏ lẻ do hạ tầng giao thông không phát triển. Mỗi năm, hàng chục nghìn tấn sầu riêng ở Khánh Sơn phải trung chuyển bằng xe nhỏ về TP. Cam Ranh rồi mới lên xe lớn đi các tỉnh khác vì xe container không thể lên Khánh Sơn được. Tình trạng này khiến phát sinh thêm nhiều chi phí, thời gian giao hàng chậm, ảnh hưởng chất lượng sầu riêng.
Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn, hiện nay toàn huyện có 2.600ha sầu riêng với sản lượng hàng năm đạt từ 15.000 - 17.000 tấn. Hầu hết đều đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được bình chọn là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, trong đó có các loại sầu riêng nổi tiếng như như: Mongthong, Ri6, Musang King, Chín Hóa… Thời gian qua, địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích người dân trồng sầu riêng trong vùng quy hoạch, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng. Đặc biệt, trên địa bàn có 15 mã vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích 430ha.
Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho rằng, huyện có tiềm năng lớn để phát triển vùng sản xuất nông sản, nhất là sầu riêng. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác hoặc phát triển chưa tương xứng. Nguyên nhân chính là do hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ. Con đường duy nhất để kết nối Khánh Sơn với các vùng là Tỉnh lộ 9 nhỏ hẹp, đèo dốc, cua gấp, đi lại khó khăn. Nhiều lần xe tải lớn lên thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) khi đi đến giữa đèo là bị sự cố, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động tiêu thụ nông sản cũng như phát triển du lịch của huyện.
Một góc huyện miền núi Khánh Sơn
Đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường giao thông liên vùng
Để phát triển giao thông nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh cũng như tăng cường kết nối liên kết vùng, ngày 20-6-2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt là Dự án Đường giao thông liên vùng). Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 27C thuộc địa phận xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh); điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận trên đường vào địa phận xã Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, tổng chiều dài tuyến khoảng 56,7km, trong đó có gần 27km thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh và gần 30km thuộc địa phận huyện Khánh Sơn. Đây là loại đường cấp III miền núi, có bề rộng 9m (mặt đường rộng 6m, lề đường mỗi bên rộng 1,5m). Đường gồm 2 làn xe, không có dải phân cách giữa; được thiết kế tốc độ 60km/giờ, đoạn qua địa hình khó khăn 40km/giờ. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 1.809 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến hết năm 2027.
Đến ngày 10-9, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã tổ chức ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu gói thi công là liên danh 5 nhà thầu, gồm: Công ty Cổ phần Quản lý & Xây dựng Giao thông Khánh Hòa; Công ty Cổ phần Quản lý & Xây dựng đường bộ Khánh Hòa; Công ty TNHH Tân Khánh Hòa KH; Tổng Công ty Thăng Long - Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam. Đồng thời, nhà thầu cũng tổ chức khởi công dự án vào ngày 10-9. Hiện nay, huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đang triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án theo đúng quy định hiện hành.
Theo ông Phạm Văn Hòa - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, khi dự án Đường liên vùng đi vào hoạt động 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh gần nhau hơn, tạo động lực mới thúc đẩy 2 huyện phát triển mạnh mẽ, đặc biệt góp phần giải tỏa áp lực giao thông, giúp xe container có thể lên tận trung tâm huyện Khánh Sơn vận chuyển sầu riêng đi tiêu thụ. Trong thời gian tới, ban sẽ phối hợp với UBND huyện Khánh Sơn và UBND huyện Khánh Vĩnh thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời khảo sát, đánh giá, kiểm kê tài sản của người dân để đền bù thỏa đáng theo quy định, đảm bảo sinh kế, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Ông Đinh Văn Dũng cho rằng, Dự án Đường giao thông liên vùng hình thành sẽ phá được thế độc đạo của tuyến Tỉnh lộ 9, kết nối với hệ thống Tỉnh lộ, đường huyện, quốc lộ trong khu vực, tạo thành mạng lưới đường bộ đa dạng, cơ động. Con đường này sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tạo thuận lợi để Khánh Sơn phát triển thành vùng sản xuất nông sản quy mô lớn, đem lại lợi ích thiết thực cho từng người dân của huyện.
VĂN KỲ
Tất bật thu hoạch lúa Thu đông
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Trước tình hình mưa dầm, thủy triều dâng cao trong nhiều ngày qua nên nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang tất bật thu hoạch lúa Thu đông nhằm hạn chế thiệt hại về năng suất và tranh thủ bán lúa với giá cao.
Nhiều diện tích lúa Thu đông đang trong giai đoạn thu hoạch trên địa bàn tỉnh bị đổ ngã, ngập nước, từ đó gây khó khăn cho máy cắt và giảm năng suất.
Cắt lúa chạy mưa, lũ
Những ngày này, đi dọc theo tuyến Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ), đoạn đi qua địa bàn huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc máy cắt đang tất bật thu hoạch trên nhiều cánh đồng lúa Thu đông của bà con đã chín vàng trĩu hạt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa dầm kèm theo giông lốc đã làm không ít diện tích lúa bị đổ ngã, đồng thời có nhiều mảnh ruộng bị ngập nước tương đối sâu do thủy triều dâng cao trong những ngày qua; từ đó làm cho việc thu hoạch gặp khó khăn và đây cũng là một phần nguyên nhân làm cho năng suất lúa của bà con không được như kỳ vọng.
Đứng trên bờ ruộng nhìn máy cắt đang thu hoạch hơn 1ha lúa Thu đông (giống lúa Đài Thơm 8) của gia đình, ông Nguyễn Văn Xuân, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, thông tin: “Do mưa dầm trong nhiều ngày qua nên lúa bị sập khá nhiều. Dù khu vực này có đê bao khép kín nhưng do mưa dầm kết hợp với thủy triều dâng cao nên những chỗ trũng, nước ngập lên cây lúa khá cao, riêng những chỗ có lúa bị sập thì nhiều bông đã nằm trong nước. Nhằm hạn chế thiệt hại về năng suất nên tranh thủ khi có thời tiết thuận lợi, bà con nông dân liền khẩn trương cắt lúa để chạy mưa, lũ”.
Qua ghi nhận tại nhiều cánh đồng đang thu hoạch lúa Thu đông cặp tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, hiện năng suất lúa dao động từ 500-700kg/công (một công 1.300m2), giảm bình quân từ 100-200kg/công so với nhận định của nông dân trước khi cắt lúa. Nguyên nhân được bà con cho là do lúa bị đổ ngã khi cận ngày thu hoạch vì mưa dầm kèm theo giông lốc, đồng thời cũng do nước lũ dâng cao gây ngập ở những nơi có lúa bị đổ ngã, máy cắt chỉ thu hoạch được phần bông nằm trên mặt nước, còn bông lúa nằm trong nước thì coi như bỏ lại.
Cách ruộng ông Xuân không xa, ông Trần Văn Mãi, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, vừa thu hoạch xong 7 công lúa Thu đông (giống lúa Đài Thơm 8), cho hay: “Sau khi thu hoạch thì năng suất lúa của gia đình tôi đạt khoảng 650kg/công và đây cũng là mức năng suất phổ biến của bà con ở cánh đồng này. Tuy năng suất không được như kỳ vọng nhưng bù lại giá bán lúa ở mức từ 7.600-7.800 đồng/kg (tùy giống) nên sau khi trừ chi phí, gia đình tôi vẫn kiếm được nguồn lợi nhuận tương đối sau 3 tháng tích cực chăm sóc lúa”.
Theo chia sẻ của nông dân, hiện thương lái cân lúa tươi tại ruộng với giống lúa Đài Thơm 8 ở mức từ 7.700-7.900 đồng/kg, còn giống lúa OM 5451 dao động từ 7.200-7.300 đồng/kg và giống lúa OM 18 từ 7.500-7.600 đồng/kg. Như vậy, với năng suất lúa đạt từ 600kg/công trở lên thì với giá bán như trên, bà con nông dân có thể kiếm được nguồn lợi nhuận khoảng 20-25 triệu đồng/ha.
Triều cường tiếp tục dâng cao trên nội đồng
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang cho biết, trong 3 ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa giông trên diện rộng với lượng mưa vừa và mưa to, trong đó lượng mưa trung bình toàn tỉnh dao động từ 35mm đến 60mm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của triều cường biển Đông nên trong 3 ngày qua, mực nước trên sông Hậu (đoạn Hậu Giang - Cần Thơ) thường lên nhanh ở mức cao.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, khu vực ảnh hưởng triều biển Đông, triều cường (rằm tháng 9 âm lịch) kết hợp với mực nước cao trên sông Hậu và mưa lớn tại chỗ nên đỉnh triều cường trong tỉnh (đợt 2) của tháng 10 này sẽ diễn ra từ ngày 17 đến ngày 20 và xuống chậm trong 3 ngày tiếp theo. Mực nước cao nhất tại Trạm thủy văn Phụng Hiệp từ 1,70m đến 1,75m trên báo động (BĐ) III từ 0,30m-0,35m, cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,18m-0,35m và cao hơn cùng kỳ từ 0,05m-0,12m. Mực nước trên gây ngập, lụt trên diện rộng tại các địa phương như: huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp với thời gian kéo dài từ 4 đến 6 ngày. Thời gian đỉnh triều trong ngày; buổi sáng từ 5 giờ đến 9 giờ, buổi chiều từ 16 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút.
Còn khu vực ảnh hưởng triều biển Tây trên sông Xà No và mực nước nội đồng sẽ tiếp tục lên nhanh và ở mức cao từ ngày 19 đến ngày 23-10, sau đó ít biến đổi trong 3 ngày tiếp theo. Cụ thể, tại Trạm thủy văn Vị Thanh từ 0,90m-0,95m trên BĐ III từ 0,15m-0,20m, cao hơn TBNN từ 0,10m-0,15m. Mực nước trên gây ngập lụt trên diện rộng các địa phương như: huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp với thời gian ngập lụt kéo dài từ 5 đến 7 ngày.
Ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, chia sẻ: Trước dự báo trên nên mực nước trên các sông, kênh, rạch và nội đồng tại Hậu Giang trong những ngày tới sẽ ở mức cao và khả năng đạt trên BĐ III từ 0,15m - 0,35m; qua đây sẽ gây ngập lụt sâu trên diện rộng tại các vùng trũng, thấp, vùng thoát nước kém, vùng ngoài đê bao, với thời gian kéo dài từ 4-7 ngày, từ đó ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất và giao thông, nhất là tại các vùng lúa Thu đông chưa thu hoạch. Do đó, ngành chức năng và người dân tại các địa phương trong tỉnh cần có giải pháp chủ động ứng phó hiệu quả.
Qua rà soát của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 19.000ha trong tổng số 27.740ha lúa Thu đông đã xuống giống, ước năng suất bình quân đạt 5,53 tấn/ha; riêng huyện Châu Thành A đã cơ bản thu hoạch dứt điểm với diện tích 6.005ha. Trong tổng số diện tích lúa Thu đông chưa cắt thì hiện có khoảng 6.900ha ở giai đoạn trổ chín, còn lại là giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng. Những ngày qua, do thủy triều dâng cao nên tại một số cánh đồng vùng trũng, thấp, nước lũ gây ngập lên cao thân lúa, có nơi nước ngập gần tới bông lúa.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, cho biết: Với dự báo về tình hình triều cường từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị ngành chức năng các địa phương trong tỉnh cần chủ động phương án phòng chống ngập úng, vận hành hệ thống cống, trạm bơm tiêu thoát nước, nhất là khu dân cư tập trung, vùng sản xuất cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản; đặc biệt là vận động người dân thu hoạch các diện tích lúa Thu đông đã đến ngày cắt nhằm hạn chế thiệt hại về năng suất. Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, đê bao, bờ bao, trạm bơm... nhằm chủ động thoát lũ, chống ngập giảm thiệt hại thấp nhất cho người dân.
HỮU PHƯỚC
Năng động làm kinh tế từ trồng trọt và chăn nuôi
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Quyết tâm thay đổi cuộc sống cũng như thỏa đam mê chăn nuôi, anh Võ Văn Quốc Khánh ở ấp Nhơn Thọ 1, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tìm ra mô hình sản xuất hiệu quả. Trải qua không ít gian nan, đến nay, anh Khánh đã gặt “quả ngọt” từ mô hình trồng sầu riêng và nuôi cua đinh, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Mô hình nuôi cua đinh của anh Khánh được nhiều đoàn đến tham quan, tìm hiểu.
Gia đình có truyền thống nghề nông, từ nhỏ anh Khánh đã làm quen với công việc trồng trọt. Kế thừa gần 2.000m2 đất vườn phía sau nhà trồng cam từ cha mẹ. Tuy nhiên, sau thời gian canh tác, cây cam không cho hiệu quả kinh tế. Qua tìm hiểu, anh Khánh chuyển đổi sang trồng sầu riêng Ri6 với khoảng 30 cây. Bước đầu làm quen với mô hình mới cũng không ít khó khăn. Song, nhờ bản tính cần cù chịu khó và chủ động tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc sầu riêng, vườn cây dần đi vào quỹ đạo và phát triển tốt, từ đó cho thu nhập ổn định. Sau thời gian chăm bẵm vườn sầu riêng tích cóp được kinh nghiệm và tài chính, cách đây hơn 6 năm, anh Khánh mua thêm gần 9.000m2 đất vườn gần nhà, trồng thêm 200 cây sầu riêng Ri6. Từ kinh nghiệm đã có, anh không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức mới trong kỹ thuật chăm sóc, đầu tư hệ thống phun tưới tự động… Nhờ đó, cả hai vườn sầu riêng đều phát triển khá thuận lợi, mang hiệu quả kinh tế cho gia đình trong những năm qua. Riêng mùa sầu riêng mới đây, anh thu hoạch được 10 tấn trái, giá bán 57.000 đồng/kg cho thu nhập 570 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận gần 400 triệu đồng.
Với nguồn thu nhập từ vườn sầu riêng, cuộc sống gia đình cơ bản đã ổn định, tuy nhiên, anh Khánh lại có niềm đam mê với chăn nuôi. Anh Khánh kể: Anh rất thích chăn nuôi, nên tự mày mò, tìm hiểu con vật nào nuôi hiệu quả để làm thêm, tăng thu nhập cho gia đình. Vì vậy, song song với chăm sóc vườn sầu riêng, anh tận dụng một phần diện tích của ngôi nhà để phát triển thêm mô hình chăn nuôi. Bắt đầu với chăn nuôi heo nhưng không mang lại hiệu quả, toàn lỗ vốn, anh dừng chăn nuôi heo. Sau đó, phong trào nuôi trăn ở ĐBSCL rộ lên. Giá trăn tăng lên nhờ mặt hàng da trăn xuất khẩu sang châu Âu và một số nước châu Á. Nhận thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế, anh Khánh lần nữa “khởi nghiệp” với nuôi trăn. Được một thời gian, do xuất khẩu không được thuận buồm xuôi gió, giá trăn trở nên bấp bênh, tránh thua lỗ kéo dài, anh Khánh ngưng mô hình nuôi trăn.
Sau hai lần chăn nuôi không mấy suôn sẻ, cứ ngỡ anh Khánh sẽ gác lại đam mê chăn nuôi, chuyên tâm cho vườn sầu riêng. Thế nhưng, ý chí đã giúp anh Khánh biến gian nan thành động lực, tiếp tục theo đuổi đam mê. Đứng lên từ vấp ngã, anh dành nhiều thời gian tự học hỏi qua internet, tìm hiểu vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Nhận thấy mô hình nuôi cua đinh ít tốn công chăm sóc, không cần nhiều diện tích, đầu ra thuận lợi, thế là 5 năm trước, anh Khánh mua 10 con cua đinh giống với giá 500.000 đồng/con mang về nuôi thử. Anh Khánh chia sẻ: “Sau một năm nuôi thử, cua đinh phát triển khá thuận lợi, nuôi “khỏe” hơn rất nhiều so với những vật nuôi trước đây. Trong khi đó, thịt cua đinh có giá trị dinh dưỡng cao và chế biến được nhiều món ăn ngon nên cua đinh bán giá cao, được thị trường ưa chuộng. Thấy có triển vọng nên tôi quyết định mua cua đinh lớn để nuôi sinh trưởng và bắt tay xây bể phát triển cua đinh…”.
Hiện nay, anh Khánh dành 200m2 phía sau nhà để xây 12 bể xi măng và bể kính nuôi cua đinh. Trong suốt thời gian qua, anh Khánh không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cua đinh từ Internet, những mô hình thực tế xung quanh và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cua đinh do huyện tổ chức để tích lũy kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới. Nhằm chủ động con giống, giảm chi phí sản xuất, anh Khánh nghiên cứu cho cua đinh sinh sản, nuôi gối đầu cho các vụ mùa tiếp theo và bán con giống. Ðể cho cua đinh đẻ trứng và ấp nở con thành công, anh học hỏi kiến thức, biết cách phân biệt con đực và con cái, cách bố trí, xây dựng chuồng trại cho cua đinh sinh sản. Mỗi lứa, anh Khánh lựa chọn các con lớn tách ra chăm sóc bể riêng để bán, chừa lại một phần con đực và cái để phục vụ việc sinh sản. Mỗi năm, cua đinh sinh sản 3-4 lứa, mỗi lứa từ 7-18 trứng. Trứng ấp khoảng 100-105 ngày mới nở. Sau đó đem nuôi khoảng 1 tuần rồi đưa ra dưỡng trong bể xi măng.
Theo anh Khánh, mô hình nuôi cua đinh là mô hình có hướng phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Đối với mô hình nuôi cua đinh không tốn nhiều diện tích, không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ nuôi ít tốn công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp, thức ăn dễ tìm. Tuy nhiên, đã nuôi con cua đinh phải chấp nhận “đường dài”, đầu tư lâu, sau 3 năm mới có thể có thu nhập. Năm đầu cua đinh tăng trưởng chậm, nhưng đến năm thứ hai sẽ tăng trưởng rất nhanh có thể đạt 2-3kg và đã bán được. Tuy nhiên, cua đinh lớn thì giá trị sẽ cao hơn, cho nên anh thường để nuôi cua đinh đạt từ 5-6kg mới đem bán. Vì vậy, thời gian qua, nguồn thu nhập từ cua đinh của anh Khánh chủ yếu là bán cua đinh giống, cua thịt chỉ bán lai rai vài chục con. Lứa cua gần đây, anh Khánh bán 400 con cua đinh giống, giá 250.000 đồng/con; cua thịt giá 300.000 đồng/kg. Hiện tại bể nuôi cua đinh của gia đình còn 300 con hậu bị và hơn 100 con bố mẹ.
Bên cạnh năng động trong suy nghĩ chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, anh Khánh rất chịu khó, cần cù, cả vườn sầu riêng và đàn cua đinh đều do anh tự tay chăm sóc. Với ý chí dám nghĩ dám làm, quyết tâm theo đuổi đam mê, anh Khánh thành công trong mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Từ cuộc sống khó khăn đã vươn lên có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống gia đình. Đây cũng là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của xã Nhơn Ái được nhiều đoàn đến tham quan, tìm hiểu. Tại đây, anh Khánh sẵn sàng tiếp đón và chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển kinh tế…
Bài, ảnh: T. TRINH
Tiền Giang ra quân Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Để bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm trước áp lực dịch bệnh nguy hiểm thường gặp trong mùa mưa bão và ngăn ngừa sự xâm nhập, lây lan, phát tán của mầm bệnh trong các cơ sở chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang triển khai kế họach số 4458 ra quân Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trong hoạt động chăn nuôi thú y trên phạm vi toàn tỉnh.
Cuộc tổng ra quân phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi bắt đầu từ ngày 21/10 và sẽ kết thúc ngày 21/11/2024. Từ nguồn thuốc sát trùng do Nhà nước cung cấp, đội phun xịt các địa phương tiến hành phun thuốc khử trùng cho hộ chăn nuôi có quy mô trâu, bò dưới 20 con, hộ nuôi heo, dê dưới 100 con, hộ nuôi gia cầm dưới 500 con, chim cút dưới 5.000 con và các chợ có buôn bán gia súc, gia cầm sống. Riêng các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa, quy mô lớn thì chủ cơ sở chủ động mua thuốc sát trùng và tổ chức thực hiện dưới sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan chuyên môn. Để thuốc sát trùng đạt hiệu quả cao, Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và thú y khuyến cáo bà con cần vệ sinh sạch sẽ chuồng trại trước khi phun thuốc và khi pha thuốc thì pha đúng liều lượng, đúng cách như hướng dẫn của nhà sản xuất và pha thuốc với nước sạch.
Để thực hiện Tháng tiêu độc khử trùng này đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang yêu cầu có sự tập trung chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã và huy động được sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong giám sát, nhất là phát huy vai trò của Đội xung kích cấp xã là lực lượng trực tiếp tham gia phun xịt. Riêng Chi cục Chăn nuôi và thú y cử cán bộ thú y hướng dẫn đội phun xịt phun thuốc đúng kỹ thuật và phù hợp với diện tích bề mặt cần tiêu độc, khử trùng. Đặc biệt, người chăn nuôi và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi thú y cần có sự tham gia tích cực trong việc phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội phun xịt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Tiền Giang lưu ý thêm: Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi nên tích cực phát quang cây cỏ, quét dọn thu gom chất thải, rải vôi, khơi thông cống rãnh, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm trước khi ra vào cơ sở. Lực lượng thú y địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong bối cảnh thời tiết đang vào cao điểm mưa bão, vận động người chăn nuôi tích cực tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng. Riêng các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ cần thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, nhất là xử lí phân, chất thải vật nuôi đúng theo quy định nhằm bảo vệ có hiệu quả môi trường trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi bền vững.
Kim Nữ
Bảo đảm môi trường trong chăn nuôi gia súc ở vùng cao
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên
Điều kiện khí hậu mát mẻ, thức ăn tự nhiên phong phú và nguồn nước dồi dào từ các khe núi, sông suối đã được người dân huyện vùng cao Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) tận dụng để đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò. Thời gian qua, bà con nơi đây cũng dần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.
Ông Lương Văn Hệ, ở xóm An Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai), xây chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở và áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc bò nuôi sinh sản.
Huyện Võ Nhai hiện có hàng nghìn hộ chăn nuôi theo quy mô nông hộ với gần 10.000 con trâu, bò. Trước đây, mỗi khi có dịp đến với các xóm, bản của huyện vùng cao Võ Nhai, chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh người dân thả rông gia súc; cột trâu, bò ngay dưới gầm sàn nhà; làm chuồng sơ sài bên cạnh nhà ở hay các khu vực sinh hoạt khác của gia đình. Thực trạng này gây ô nhiễm môi trường sống, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính người dân chăn nuôi.
Ông Hệ cho hay: Cứ ngày nắng, chất thải bốc mùi hôi nồng nặc, còn ngày mưa phân gia súc chảy lênh láng khắp nơi quanh nhà. Được sự tuyên truyền của xã, mấy năm trước gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại cách nhà ở gần 50m với quy mô 50m2 nên hạn chế được tình trạng ô nhiễm.
Tương tự như ông Hệ, gia đình ông Ngô Văn Dinh, dân tộc Mông, ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng thường xuyên nuôi từ 3-6 con trâu, bò vỗ béo. Giống như bao hộ dân khác trong xóm, trước đây gia đình ông thường xuyên cột trâu, bò ngay sát với nhà ở. Ông Dinh cho biết: Mặc dù biết là nhốt gia súc cạnh nhà gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhưng do kinh tế còn nhiều khó khăn nên gia đình không có khả năng xây dựng chuồng trại. Cách đây hơn 6 năm, sau khi tích góp được ít vốn tôi đã đầu tư xây chuồng cách xa khu nhà ở. Hằng ngày tôi đều dọn phân gia súc và ủ ở ngoài vườn để làm phân bón.
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng của huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai chia sẻ: Địa phương xác định việc xây dựng chuồng trại kiên cố; chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, nhốt chuồng; di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực nhà ở và các công trình phụ; xử lý chất thải trong chăn nuôi… là những yếu tố quan trọng để chăn nuôi gia súc theo hướng bền vững. Song song với việc phát triển đàn vật nuôi, chúng tôi đã phối hợp với các xã, thị trấn vận động, hướng dẫn các hộ dân xây dựng chuồng trại, cách ủ phân chuồng bằng men vi sinh hữu cơ để bón cho cây trồng; xây dựng các bể biogas hoặc các hố chứa nước phân… Nhờ đó, đến nay cơ bản các hộ chăn nuôi gia súc đã cơ bản đáp ứng tiêu chí về môi trường trong chăn nuôi.
Vũ Công
Tăng cường phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi
Nguồn tin: Báo Kon Tum
Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra cho đàn vật nuôi là yêu cầu của UBND tỉnh Kon Tum tại văn bản số 3761/UBND-NNTN ban hành ngày 19/10.
Phòng, chống đói rét cho đàn gia súc phục vụ phát triển chăn nuôi bền vững. Ảnh: TH
Trong đó, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhất là thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc thả rông; thực hiện phòng, chống đói, rét cho trâu, bò.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi kê khai loại vật nuôi và số lượng vật nuôi chính xác nhằm có biện pháp quản lý, phòng, chống đói rét hiệu quả.
Thành lập các đoàn công tác đi đến cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống đói, rét, đặc biệt chú trọng các địa phương vùng cao, nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét (các huyện: Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei).
Kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh và thức ăn khô (rơm, cỏ khô, thức ăn ủ chua…) và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò; phổ biến kinh nghiệm phòng chống đói, rét cho gia súc của các địa phương và xây dựng phương án ứng phó kịp thời khi rét đậm, rét hại xảy ra.
Những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 120C, tuyên truyền, vận động nông dân không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do; đưa trâu, bò về chuồng, trại nuôi nhốt có thức ăn đảm bảo trong thời gian rét đậm, rét hại; củng cố, che chắn và thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, luôn giữ khô nền chuồng, đảm bảo ấm và không ẩm ướt.
Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để phục vụ công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình chính sách để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi trước khi vào mùa rét đậm, rét hạ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn theo dõi, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét ở vật nuôi trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Thành lập đoàn công tác và cử công chức chuyên môn thuộc đơn vị trực tiếp tới các địa phương, phối hợp với các đoàn thể, UBND huyện, thành phố hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi đến từng thôn làng, hộ gia đình, nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét trong thời gian đến.
Phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng và nhận rộng các mô hình mẫu về chăn nuôi, mô hình phòng, chống đói rét phù hợp với tập quán sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi để khắc phục được tình trạng vật nuôi bị chết do đói, rét.
Thành Hưng
Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng: Cần bảo đảm theo quy định
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01- 195:2022/BNN&PTNT quy định giá trị giới hạn cho phép về các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng (gọi tắt là quy chuẩn) nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải bảo đảm theo quy chuẩn để hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe người dân. Trong ảnh: Một khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh
Vẫn còn những hạn chế
Từ khi chưa có phân bón hóa học, nông dân nước ta đã coi nước thải chăn nuôi là nguồn nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất nông nghiệp. Nhiều nước phát triển trên thế giới như Đan Mạch, Hà Lan cũng cho phép sử dụng nước thải chăn nuôi cho mục đích trồng trọt. Nhìn từ góc độ kinh tế, nước thải chăn nuôi còn là nguồn tài nguyên hữu cơ có giá trị cho cây trồng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, trong đó có ô nhiễm từ nước thải chăn nuôi là một vấn đề lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Hầu hết nước thải chăn nuôi không được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để xả trực tiếp vào môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt nước ngầm, tác động xấu đến điều kiện vệ sinh và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, nguồn nước thải trong chăn nuôi chủ yếu từ nuôi heo thịt và bò sữa. Tình trạng chăn nuôi tự phát vẫn còn diễn ra nhiều nơi nên việc xử lý và xả nước thải chăn nuôi chưa được thực hiện đồng bộ, đúng quy định. Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, trước đây việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi tưới cho cây trồng gặp những trở ngại do thiếu hành lang pháp lý. Phần lớn lượng nước thải chăn nuôi không được sử dụng cho mục đích trồng trọt mà xả trực tiếp hoặc được đưa qua các hệ thống xử lý nước thải khá tốn kém trước khi thải ra môi trường. Do đó, để bảo đảm nước thải đầu ra sử dụng cho cây trồng đạt tiêu chuẩn cần phải đáp ứng theo quy chuẩn, được ban hành kèm theo Thông tư 28/2022/TT-BNNPTNT (có hiệu lực từ ngày 1-7-2023).
Quy chuẩn quy định giá trị giới hạn cho phép về các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng tưới gốc cho cây trồng. Nước thải chăn nuôi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải sử dụng chung (hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; sông, suối, khe, rạch, kênh, mương, hồ, ao, đầm, phá, vùng nước biển ven bờ có mục đích sử dụng xác định) không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn. Quy chuẩn áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại, cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Quy chuẩn quy định giá trị giới hạn cho phép về các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng tưới gốc cho cây trồng (gồm cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp và cây dược liệu).
Thực hiện đúng quy chuẩn
Quy chuẩn quy định kỹ thuật về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải tuân theo giá trị giới hạn các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Cụ thể, thông số Ph thì giá trị giới hạn là 5,5-9, clorua nhỏ hơn hoặc bằng 600mg/L, Asen nhỏ hơn hoặc bằng 1mg/L, Cadimi nhỏ hơn hoặc bằng 0,01mg/L, Crom nhỏ hơn hoặc bằng 0,5mg/L, Thủy ngân nhỏ hơn hoặc bằng 0,002mg/ L, E. coli giá trị giới hạn đối với các loại cây (trồng trừ cây rau); cây dược liệu hàng năm là lớn hơn 200mg/L. đến 1.000mg/L; đối với cây lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày không sử dụng làm thực phẩm thức ăn cho vật nuôi thì giới hạn là trên 1.000-5.000 mg/L, trên 5.000 mg/L sẽ không được sử dụng cho các loại cây trồng.
Quy chuẩn cũng quy định tổ chức, cá nhân liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại quy chuẩn. Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng thuộc đối tương phải thực hiện công bố hợp quy và đăng ký công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ. Khi nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng được đánh giá, công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng thuộc đối tượng phải chịu sự đánh giá giám sát không quá 12 tháng/1 lần hoặc đột xuất khi cần thiết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân sở hữu các cơ sở chăn nuôi trang trại có nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng thuộc đối tượng tại mục 1.2 của quy chuẩn (tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại, cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng), ra thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy và tổng hợp, gửi báo cáo định kỳ hàng năm trước ngày 15-12 hoặc đột xuất theo yêu cầu cho Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Khi phát hiện nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng không phù hợp với công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải dừng sử dụng và kịp thời thông báo bằng văn bản về sự không phù hợp tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy, sau khi thực hiện các biện pháp khắc phục đạt yêu cầu thì thông báo bằng văn bản tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu trên trước khi tiếp tục sử dụng.
Theo quy chuẩn, nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng là nước thải ra từ các hoạt động chăn nuôi đã xử lý đáp ứng theo quy định để tưới cho cây trồng. Nước thải chăn nuôi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải sử dụng chung (hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sông, suối, khe, rạch, kênh, mương, hồ, ao, đầm, phá, vùng nước biển ven bờ có mục đích sử dụng xác định) không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn. Quy chuẩn áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại, cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng.
THOẠI PHƯƠNG - TRUNG NGHĨA
Hiếu Giang tổng hợp