Toàn tỉnh hiện có 318 lượt mã số vùng trồng được cấp phục vụ xuất khẩu nông sản
Chinh phục vùng Đồng Tháp Mười
Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) của tỉnh có diện tích tự nhiên 299.452ha. Những năm đầu sau giải phóng, 2/3 diện tích của ĐTM là đất hoang hóa (186.000ha), dân cư thưa thớt, quanh năm chỉ làm 1 vụ lúa nổi, năng suất từ 9-10 tạ/ha, bình quân lương thực đầu người chưa đến 100kg/người/năm. Một bộ phận lớn người dân thiếu đói, đời sống vô cùng khó khăn.
Do đó, Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm và tập trung đầu tư, thể hiện qua các nghị quyết quan trọng như chủ trương “Xây dựng một chương trình tổng hợp phát triển vùng tiềm năng ĐTM” (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (1983-1985)); “Tập trung sức đầu tư nhiều mặt khai phá tiềm năng các huyện vùng ĐTM” (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (1986-1990)); Chương trình trọng điểm lấp kín Vùng ĐTM (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (1991-1995)); Chương trình trọng điểm Dân sinh vùng lũ (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (2001-2005)); Chương trình Xây dựng cụm, tuyến dân cư và Chương trình đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (2010-2015));...
Trong đó, nổi bật là giai đoạn 20 năm thực hiện lấp kín vùng ĐTM (1979-1999). Giai đoạn này, tỉnh khai thác thành công và hiệu quả hơn 150.000ha đất hoang hóa khu vực ĐTM để đưa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng và các công trình dân sinh khác.
Đồng thời, bố trí hơn 44.000 hộ dân kinh tế mới (từ các huyện phía Nam, các tỉnh, thành bạn) thực hiện chủ trương bố trí lại dân cư, gắn lao động với đất đai, xóa đói, giảm nghèo và tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc vùng biên giới Tây Nam.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong 20 năm (1979-1999), diện tích cây lúa tăng từ 62.000ha lên 293.000ha, năng suất tăng từ 25 tạ/ha lên 39,8 tạ/ha, sản lượng tăng từ 156.000 tấn lên 1.165.000 tấn (trong 20 năm, diện tích lúa tăng 5 lần, năng suất tăng 1,6 lần và sản lượng tăng 7 lần).
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng phát triển nhảy vọt. Giao thông nông thôn trước năm 1979 chủ yếu bằng đường thủy, phần lớn người dân dùng nước mưa hoặc nước sông lắng lọc để sinh hoạt. Đến năm 1999, 45 xã vùng ĐTM đã có đường ôtô đến trung tâm, 52% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Ngoài ra, hệ thống thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho gần 300.000ha lúa quanh năm. Hệ thống đê bao lửng cũng bảo đảm cho sản xuất khoảng 20.000ha lúa Hè Thu. Đời sống người dân nhờ đó từng bước cải thiện.
Giai đoạn 10 năm thực hiện Chương trình Dân sinh vùng lũ (2001-2010) được xem là bước phát triển từ thành quả của Chương trình tổng hợp nhiều mục tiêu khai thác tiềm năng vùng ĐTM (1979-1999) của tỉnh. Từ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ lồng ghép với nguồn vốn địa phương và vốn khác, vùng ĐTM có nhiều thay đổi.
Theo đó, năm 2009, diện tích gieo trồng lúa cả năm của vùng ĐTM đạt 332.698ha, năng suất 49,4 tạ/ha, sản lượng 1.643.528 tấn (chiếm gần 76% sản lượng lúa toàn tỉnh), đặc biệt ở vùng ĐTM đã có giải pháp khống chế được bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa, bảo đảm ổn định sản xuất.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp giúp nông dân vùng lũ sản xuất thuận lợi trong khâu làm đất, phun xịt thuốc, sạ hàng, xây dựng trạm bơm điện nhỏ. Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tăng rất nhanh, từ 60-70% diện tích (số lượng máy ở ĐTM chiếm gần 90% tổng số máy toàn tỉnh), góp phần hạ giá thành sản xuất, hạn chế tình trạng thiếu lao động lúc cao điểm mùa vụ.
Về thủy lợi, vùng ĐTM được tỉnh đầu tư hoàn thành nhiều công trình đa mục tiêu như tuyến kênh 79, Tân Thành - Lò Gạch, Sở Hạ - Cái Cỏ nhằm tạo nguồn nước, tiêu thoát lũ kết hợp giao thông thủy, bộ nối liền các vùng và các tỉnh lân cận; đầu tư tu bổ hơn 1.090km đê bao lửng, bảo vệ hơn 51.220ha; hơn 30 trạm bơm điện nhỏ 2 chiều (bơm tưới và bơm vợi);...
Từ năm 2011-2019, năng suất lúa vùng ĐTM tiếp tục tăng nhanh từ 50,9 tạ/ha (năm 2010) lên 55,1 tạ/ha (năm 2014), sản lượng lúa tăng từ 1,75 triệu tấn lên 2,86 triệu tấn (năm 2014), trong đó có hơn 750.000 tấn lúa chất lượng cao và hàng ngàn hécta được sản xuất theo “cánh đồng mẫu lớn”.
Các vùng chuyên canh lúa tại các huyện: Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thủ Thừa đạt năng suất kỷ lục, bình quân từ 57-58 tạ/ha. Nhiều cây trồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của tỉnh như bắp, mè, sen, cá nước ngọt,...
Hiện nay, vùng ĐTM chiếm hơn 80% sản lượng lương thực của tỉnh, trở thành vựa lúa lớn. Đây là kết quả từ sự đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, mở rộng diện tích gieo trồng các loại giống lúa chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025, ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch và cụ thể hóa chương trình theo hướng phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Sau thời gian thực hiện, chương trình đạt nhiều kết quả khả quan. Đối với cây lúa, đến tháng 3/2025, toàn tỉnh có 63.988,2ha lúa ƯDCNC, đạt 106,6% kế hoạch đến năm 2025. Nông dân tham gia mô hình giảm chi phí sản xuất so với ngoài mô hình bình quân từ 0,2-4,3 triệu đồng/ha. Năng suất bình quân trong mô hình từ bằng đến cao hơn ngoài mô hình 400kg/ha, lợi nhuận bình quân trong các mô hình tăng từ 0,1-4,9 triệu đồng/ha.
Song song đó, toàn tỉnh có 2.148,46ha rau ƯDCNC, đạt 107,4% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; 5.849ha thanh long ƯDCNC, đạt 97,5% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; 4.114ha chanh ƯDCNC, đạt 137% kế hoạch; 98,84ha tôm ƯDCNC, đạt 98,84% kế hoạch; triển khai xây dựng 5 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt, hỗ trợ gieo tinh nhân tạo các giống chất lượng cao cho hơn 18.000 bò cái sinh sản;...
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Đinh Thị Phương Khanh, việc tái cơ cấu giúp ngành Nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cụ thể, nông dân ngày càng chủ động trong chuyển đổi từ các cây trồng truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp sang cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mít, bưởi, cam,...
Cùng với đó, việc chuẩn hóa quy trình sản xuất để đạt các chứng nhận an toàn, VietGAP, GlobalGAP,... nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu cũng được nông dân đặc biệt quan tâm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 318 lượt mã số vùng trồng và 17 lượt mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu nông sản sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, EU, Nga, Anh, Trung Quốc và Hà Lan.
“Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ, hiện đại phục vụ sản xuất; tập trung phát triển kinh tế tập thể theo hướng thực chất, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân và cải thiện môi trường sống” - bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết./.
Bùi Tùng
Cà Nàng chuyển hướng sản xuất nông nghiệp
Cà Nàng là xã xa nhất của huyện Quỳnh Nhai, cách trung tâm huyện gần 60 km. Vượt khó vươn lên, cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân trong xã quyết tâm thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển hướng sản xuất nông nghiệp, xây dựng cuộc sống ấm no.
Điểm tái định cư bản Phát, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.
Chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống
Trước năm 2006, Cà Nàng chỉ cách trung tâm huyện 7 km. Thực hiện cuộc đại di dân tái định cư thủy điện Sơn La, trung tâm huyện Quỳnh Nhai chuyển về xã Mường Giàng (nay là thị trấn Mường Giàng), nên Cà Nàng trở thành xã xa trung tâm huyện nhất. Cùng với đó, từ năm 2006-2009, gần 400 hộ của xã Cà Nàng phải di vén lên cao khỏi cốt ngập 218, nên nhân dân không còn ruộng, nương sản xuất, phải khai phá, trồng lại từ đầu.
Ông Lò Văn Chới, 73 tuổi, bản Cà Nàng, nhớ lại: Khi di chuyển lên cao, cánh đồng của bản bị ngập, bà con cải tạo lại các mảnh nương ven suối, dẫn nước về làm ruộng trồng lúa. Những mảnh nương trước đây bỏ hoang, được khai phá lại để trồng ngô, sắn. Bà con cùng nỗ lực để có cuộc sống ổn định, tốt hơn.
Giờ đây, di chuyển từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai về xã Cà Nàng, có 2 cách, đi thuyền từ bến Pá Uôn hoặc đi theo quốc lộ 279 rồi rẽ vào đường tỉnh 107, đi qua xã Pá Ma Pha Khinh, Mường Chiên, với cung đường quanh co, nhiều đoạn dốc dài phải mất hơn 3 tiếng. Vì vậy, việc giao thương hàng hóa không thuận lợi. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 20%.
Cánh đồng lúa của xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.
Ông Lò Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Cà Nàng (giai đoạn 2006-2011), hồi tưởng: Khi mới bắt đầu di vén lên khỏi vùng ngập, cuộc sống của bà con trong xã rất khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con được hỗ trợ từ các chính sách tái định cư, nhất là cơ sở hạ tầng, đường giao thông, điện lưới, trường học, trạm xá. Cuộc sống bắt đầu được định hình, ổn định dần, nhân dân yên tâm với cuộc sống mới.
Gần 20 năm qua, bà con ở các bản không phải di chuyển khỏi cốt ngập đã “nhường cơm, sẻ áo”, san sẻ những khó khăn, vất vả với bà con tái định cư. Nhân dân xã Cà Nàng đoàn kết, chung tay gây dựng cuộc sống ngày càng ổn định.
Mở lối phát triển kinh tế
Sau 5 năm trở lại Cà Nàng, cảm nhận diện mạo và đời sống nhân dân đổi thay rõ rệt, những con đường nông thôn được đổ bê tông, nối dài gắn kết bản với bản, trụ sở xã, trường học và nhiều ngôi nhà của nhân dân được xây dựng khang trang.
Trong câu chuyện với Chủ tịch UBND xã Cà Nàng, chúng tôi được nghe kể nhiều về cách làm kinh tế của người dân với đa dạng mô hình. Tiêu biểu là mô hình đưa cây dược liệu thiên niên kiện về trồng dưới tán rừng.
Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng của Hợp tác xã Nhân Thuận, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.
Minh chứng cho lời kể, Chủ tịch UBND xã Cam Văn Chưn dẫn chúng tôi vượt con dốc dài đến khu rừng khoanh nuôi cây dược liệu thuộc bản Pạ Lò. Dưới tán rừng, cây thiên niên kiện phát triển tươi tốt, Chủ tịch UBND xã giới thiệu: Đây là một trong những khu trồng thiên niên kiện dưới tán rừng của Hợp tác xã Nhân Thuận, cũng là mô hình trồng dược liệu đầu tiên của xã Cà Nàng. Với hơn 10.000 ha rừng giao cho người dân khoanh nuôi bảo vệ, trồng dược liệu dưới tán rừng là mô hình kinh tế phù hợp, giúp bà con tận dụng được đất rừng để sản xuất, kết hợp bảo vệ rừng và tăng thu nhập.
Anh Lò Văn Châư, bản Pạ Lò, là người đầu tiên đưa cây thiên niên kiện về trồng, cũng là người sáng lập và là Giám đốc Hợp tác xã Nhân Thuận, chia sẻ: Ban đầu, tôi trồng 7 ha thiên niên kiện, sau 3 năm cho thu hoạch 30 tấn củ tươi, bán được giá 5.500 - 6.000 đồng/kg. Thấy loại dược liệu này dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu ra ổn định, cung không đủ cầu, nên tôi tuyên truyền, vận động một số hộ trong bản thành lập HTX, đăng ký trồng thiên niên kiện. Đến nay, phát triển lên 50 ha. Hiện nay, HTX đang tích cực gây giống, cung cấp cho bà con, mục tiêu phát triển thêm 100 ha trong năm 2026.
Ngoài ra, Hợp tác xã Nhân Thuận còn triển khai mô hình nuôi ba ba gai với quy mô 2.000 con. Đây là mô hình điểm để nhân rộng cho bà con phát triển. Cùng với đó, trong xã còn có nhiều mô hình kinh tế khởi sắc, như: Bảo tồn giống lúa nếp pỏm, trồng trám đen, nuôi vịt cổ xanh... đang được nhân rộng ở Cà Nàng, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.
Mô hình nuôi ba ba gai tại xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.
Ông Cam Văn Chưn, Chủ tịch UBND xã Cà Nàng, thông tin thêm: Gần 20 năm di vén, giờ đây, bà con trong xã duy trì trên 600 ha cây trồng trên nương; tích cực nuôi trên 5.500 con gia súc, 72 lồng cá làm hàng hóa. Niềm vui lớn nhất là thu nhập bình quân của bà con đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 6,6%.
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Qua rà soát năm 2021, xã Cà Nàng mới đạt 4/19 tiêu chí nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền xã Cà Nàng đã triển khai những giải pháp cụ thể, quyết tâm cao, tích cực tuyên truyền, vận động sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Điêu Chính Hải, Bí thư Đảng ủy xã Cà Nàng, cho biết: Để đạt được mục tiêu xây dựng NTM, xã xác định tranh thủ nguồn vốn của Nhà nước cùng với huy động nội lực trong nhân dân để thực hiện những phần việc khó, nhất là cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn. Sau khi tích cực tuyên truyền, bà con hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích được hưởng từ chương trình xây dựng NTM, nên đồng thuận và tích cực hưởng ứng.
Giờ học của điểm trường mầm non bản Phát, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.
Từ năm 2021 đến nay, Cà Nàng được đầu tư hơn 27,7 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng; cứng hóa gần 13 km đường bê tông nội bản, hơn 18 km đường nội đồng; sửa chữa, nâng cấp 16 công trình thủy lợi, 7 nhà văn hóa, 6 công trình nước sinh hoạt. Đến nay, 100% tuyến đường xã, hơn 90% tuyến đường nội bản đã được cứng hóa, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện bốn mùa. Hiện nay, còn hơn 2 km đường nội bản cần được cứng hóa, bà con đồng thuận đóng góp công sức, vật liệu và đối ứng, chờ hỗ trợ xi măng từ nguồn vốn của Nhà nước để hoàn thiện nốt tuyến đường này trong năm nay.
Kinh tế phát triển, diện mạo nông thôn mới khởi sắc, lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm, đầu tư. Là xã vùng sâu của huyện, nhưng 2 trường học của xã Cà Nàng đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Xã đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động đạt gần 90%...
Cuối năm 2024, xã Cà Nàng được công nhận đạt chuẩn NTM, đó là minh chứng cụ thể cho sự vươn lên, nỗ lực đổi thay của người dân nơi đây. Bà con đã kiên trì bám đất, bám bản, đồng thuận, đoàn kết, chung sức xây dựng cuộc sống tốt đẹp trên chính mảnh đất quê hương.
Bài, ảnh: Thanh Đào
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Giảm công lao động, nâng cao hiệu suất canh tác, phù hợp với xu thế nông nghiệp hiện đại... là những lợi ích khi ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở Sơn La, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững.
Hệ thống tưới nhỏ giọt của HTX rau, quả Ngọc Chiến, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.
Vườn thanh long gần 1 ha của gia đình ông Đỗ Danh Nhất, tiểu khu 7 xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngọc Hoàng, nhờ áp dụng hệ thống tưới ẩm tự động, mỗi năm thu hơn 30 tấn quả, giá bán bình quân từ 18.000-25.000 đồng/kg. Ông Nhất giới thiệu: Trước đây, sản xuất thủ công, tưới nước cho 1 ha cần khoảng 5 người tưới cả ngày mới xong. Từ ngày đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, van xoay, phun mưa, tôi chỉ cần một vài thao tác mở van hoặc sử dụng điện thoại thông minh, dù ở bất cứ đâu cũng có thể khởi động hệ thống tưới.
Ngoài gia đình ông Nhất, các thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngọc Hoàng cũng đang từng bước ứng dụng cơ giới hóa vào chăm sóc vườn thanh long. Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Từ năm 2019, một số thành viên HTX đã đầu tư hệ thống tưới tự động, áp dụng bộ cảm biến kiểm soát, giám sát 24/24 giờ các chỉ số về môi trường, đất và kết nối qua app trên điện thoại thông minh, từ đó có thể điều chỉnh việc chăm bón, giúp gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm quả thanh long khoảng 30% so với trước đây. HTX hiện có 2 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu, được đầu tư lắp camera kết nối trực tuyến với hệ thống giám sát của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giám sát toàn bộ quá trình sản xuất của các thành viên trên sổ điện tử.
Vườn táo của nông dân xã Mường Bú, huyện Mường La, đầu tư hệ thống tưới phun.
HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, có 10 thành viên, đã liên kết với 30 hộ canh tác hơn 300 ha nhãn, xoài, na. Trong đó, có 60 ha xoài, nhãn được thực hiện truy xuất nguồn gốc, bảo đảm xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Mỹ, Anh, Trung Quốc. Vụ nhãn năm 2024, sản lượng của HTX đạt hơn 4.200 tấn.
Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, thông tin: Hiện nay, 100% thành viên HTX đã sử dụng máy trong khâu làm đất; lắp đặt hệ thống tưới tự động. Cuối năm 2024, một số thành viên HTX còn đầu tư 500 triệu đồng mua máy bay không người lái để giám sát và phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, vừa giảm thiểu nhân công, tăng năng suất và đảm bảo sức khỏe cho người nông dân.
Những năm qua, tỉnh ta thực hiện lồng ghép nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX mua sắm máy móc, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến nay, việc cơ giới hóa trong khâu làm đất cơ bản đã đạt 100% đối với cây mía, cao su, chè; trên 50% đối với cây lúa, sắn, ngô, cà phê.
Nông dân xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, thu hái thanh long.
Ứng dụng công nghệ trong khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật đối với lúa và các cây trồng khác đạt trên 40%; khâu thu hoạch đối với chè đạt trên 80%. Ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng: Hoa, nấm, cà phê, chè, mía, rau các loại, cây ăn quả. Ứng dụng nhà lưới, nhà kính trong sản xuất hoa, rau các loại... Cơ giới hóa trong cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường đối với nuôi lợn đạt trên 80%; 100% các hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa…
Toàn tỉnh đã hình thành 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 1 vùng chè, 1 vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu; 2 vùng cà phê, 1 vùng na, 1 vùng xoài tại huyện Mai Sơn và 3 vùng nhãn, xoài, mận tại huyện Yên Châu. Ngoài lợi ích giảm ngày công, tiết kiệm chi phí, khi sử dụng máy móc cơ giới, nâng cao lợi nhuận lên 15-20% so với làm thủ công.
Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa tại địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Có tới 70% khối lượng công việc vẫn thực hiện thủ công. Nguyên nhân, do nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp có địa bàn chủ yếu là đồi núi, đất sản xuất cách xa nhau, rải rác. Cùng với đó, giao thông đi lại tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa còn nhiều trở ngại, nên việc lắp đặt, sử dụng máy móc gặp khó khăn. Việc đầu tư cơ giới hóa đòi hỏi chi phí lớn và có kiến thức nhất định, khiến việc tiếp cận với kỹ thuật số của một số hộ nông dân còn hạn chế.
Ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, thông tin: Ngành đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hạ tầng tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tỉnh Sơn La tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, các hộ nông dân đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Bài, ảnh: Nguyễn Yến
Bắc Giang: Tự động hóa trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp thông minh
Hướng tới nền nông nghiệp thông minh, tiết kiệm chi phí và gia tăng giá trị, nhiều chủ cơ sở chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tự động hóa trong từng khâu hoặc toàn bộ quy trình sản xuất.
Một người làm nhiều việc
Trung tâm Gà giống gốc Dabaco Yên Thế thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên gà giống Dabaco có trụ sở tại xã Tam Tiến (Yên Thế) là một trong những cơ sở chăn nuôi tiên phong triển khai tự động hóa quy trình sản xuất. Trên diện tích rộng hơn 5 ha, Trung tâm có 7 dãy chuồng trại chăn nuôi khép kín được thiết kế khoa học; môi trường nơi đây luôn sạch sẽ, thoáng mát.
Trung tâm Gà giống gốc Dabaco Yên Thế áp dụng quy trình tự động hóa trong sản xuất.
Ông Bạch Trọng Tọa, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trong quá trình chăn nuôi, áp dụng quy trình tự động hóa, một người có thể làm nhiều việc cùng lúc mà vẫn tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế dịch bệnh". Được biết, mỗi năm Trung tâm nuôi khoảng 2 triệu con gà mái đẻ trứng thương phẩm và 400 nghìn gà bố mẹ nhưng chỉ cần 25 cán bộ, công nhân kỹ thuật sản xuất trực tiếp, bởi hầu hết các khâu như: Cung cấp thức ăn, nước uống, thu trứng, tạo độ ẩm, thông gió, đảo trứng… đều có máy móc thay sức người.
Để triển khai quy trình tự động hóa, từ năm 2017 khi xây dựng cơ sở, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên gà giống Dabaco đã thiết kế hệ thống chuồng trại hiện đại và nhập khẩu các loại máy móc phục vụ chăn nuôi từ Pháp, Mỹ đưa vào khu sản xuất. Theo đó, nếu muốn thu gom trứng, chỉ cần gạt công tắc là băng tải vận chuyển trứng tự động vận hành, công nhân đứng tại chỗ vừa nghe nhạc vừa có thể nhặt hàng nghìn quả trứng xếp vào vỉ mà không mất công đi lại.
Ở khu ấp gà giống, toàn bộ các chỉ số về nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống đảo trứng tự động, thời gian ấp trứng… đều hiển thị trên màn hình thiết bị. Với các tấm cảm biến, thanh tạo nhiệt độ giúp tự động điều chỉnh bảo đảm nhiệt độ trong phòng bảo quản trứng duy trì ở 16 độ C, ở khu ấp nở là 29 độ C. Với giải pháp này, trong mọi điều kiện thời tiết, Công ty bảo đảm cung cấp con giống chất lượng cao với số lượng gấp 4 lần so với biện pháp lai tạo giống thông thường.
Cùng với chăn nuôi gia cầm, các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt cũng được nhiều chủ cơ sở quan tâm đầu tư hệ thống máy móc tự động hóa. Bà Nghiêm Thị Hường, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng (thành phố Bắc Giang) cho hay: “Hợp tác xã có hơn 1 ha trồng ớt, dưa chuột baby, nụ bí, nho hạ đen trong nhà màng. Chúng tôi đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động giúp kiểm soát lượng nước tưới, chất lượng nguồn nước, tiết kiệm thời gian và chi phí thuê nhân công. Hiện hợp tác xã chỉ cần 6 lao động thường xuyên, giảm một nửa so với trước, song việc tưới cây chỉ mất 10 phút”.
Cần đầu tư thỏa đáng
Dù lợi ích lớn nhưng việc ứng dụng tự động hóa còn không ít khó khăn. Trước hết, để vận hành được hệ thống đòi hỏi chủ cơ sở phải đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để mua sắm thiết bị, xây dựng hạ tầng. Chưa kể năng lực, trình độ của một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa cập với xu hướng phát triển. Cơ sở áp dụng cần bảo đảm quy mô sản xuất từ 0,8 ha trở lên đối với nuôi trồng thủy sản; từ 1 ha trở lên đối với mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, việc ứng dụng tự động hóa, kỹ thuật mới, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi nhận thức của người dân theo hướng phát triển bền vững, tạo ra các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 138 triệu đồng/ha.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, để đạt mục tiêu, thời gian qua, tỉnh quan tâm triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ hợp tác xã đầu tư xây dựng hạ tầng khu sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết sản xuất do tỉnh hỗ trợ, các chủ cơ sở sản xuất đã chú trọng đầu tư kinh phí lắp đặt thiết bị máy móc. Nông dân được tập huấn, trang bị kiến thức quản lý, khai thác, vận hành thiết bị tự động.
Hiện toàn tỉnh đang triển khai Đề án tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025 giao cho Chi cục Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Môi trường) chủ trì. Sau 4 năm thực hiện, dự án đã triển khai được gần 83 ha/140 ha với tổng số 80 hộ dân ở địa bàn các huyện, thị xã: Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam và thành phố Bắc Giang tham gia. Tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đề án gần 4,3 tỷ đồng, bao gồm: 50% kinh phí mua thiết bị cảm biến, máy sục khí tạo oxy, máy cho cá ăn và hệ thống camera để tích hợp và kết nối internet qua máy tính, điện thoại; 60% kinh phí mua các loại cá giống; 100% chi phí mua thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, mua bộ thiết bị đo môi trường (máy đo oxy hòa tan, máy đo pH, test NH3 và nhiệt kế).
Được biết, ngoài nguồn hỗ trợ trên, nhiều chủ trang trại, cơ sở sản xuất còn đầu tư thêm từ vài trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng lắp đặt trang thiết bị máy móc hiện đại, tư động hóa phục vụ nuôi thủy sản quy mô lớn. Qua đánh giá từ các hộ tham gia, giá trị sản xuất đều tăng 15-20% so với trước khi áp dụng mô hình.
Hiện nay, tỉnh xác định 7 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và tiềm năng gồm: Lợn, gà, vải thiều, lúa - gạo, rau các loại, mỳ gạo, chè Yên Thế. Trên địa bàn tỉnh có 774 hợp tác xã, 86 tổ hợp tác và 586 trang trại. Cùng đó các địa phương xây dựng được 1.520 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị. Đây là những điều kiện thuận lợi để các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai chính sách hỗ trợ nông dân thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ hiện đại.
Bài, ảnh: Hải Vân
Chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh ban hành văn bản số 1167/UBND-KT ngày 24/4/2025 về việc tăng cường chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Hỗ trợ nước sinh hoạt cho các xóm vùng cao xã Khánh Xuân (Bảo Lạc).
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, Thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 8/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về việc tổ chức các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025.
Tổ chức tuyền truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ và sử dụng nước hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí. Chủ động kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các ao, hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn để xây dựng kế hoạch vận hành từng hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để cảnh báo nhân dân tổ chức sản xuất, nuôi trồng cho phù hợp; xây dựng kế hoạch sử dụng và điều tiết nước hợp lý, ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, nước uống cho gia súc, gia cầm và nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao khi xảy ra hạn hán.
Đối với những khu vực thường xuyên thiếu nước, thực hiện ngay các biện pháp tăng cường tích, trữ nước ở các lu, bể, ao, hồ có sẵn; nạo vét kênh mương, cống, cửa lấy nước, đào ao trữ nước; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến.
Chủ động xây dựng phương án và thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng và các vùng cao thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt. Chủ động bố trí, sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của các huyện, thành phố; chủ động phối hợp với các địa phương, sở, ngành đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ các địa phương trong thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước theo quy định. Theo dõi, sử dụng tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn, cung cấp thông tin điều kiện nguồn nước để các địa phương, đơn vị kịp thời, chủ động thực hiện các biện phòng, chống hạn, thiếu nước.
Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước; chỉ đạo triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm tra, hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống, thời vụ, phổ biến các biện pháp, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước nhằm bảo đảm tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường, chủ động kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; xử lý nghiêm các tổ chức, chủ rừng và cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, cháy, chữa cháy rừng.
Phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước và khai thác hiệu quả tài nguyên nước trong cả mùa lũ, mùa cạn.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương, đơn vị tham mưu trình UBND tỉnh nguồn kinh phí để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông thường xuyên kiểm tra, rà soát đánh giá nguồn nước, năng lực cấp nước của các công trình thủy lợi, rà soát, có kế hoạch điều tiết nước cụ thể, hợp lý. Căn cứ khả năng cấp nước đưa ra cảnh báo đối với những diện tích không đảm bảo nước tưới cho các địa phương để kịp thời có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm dã chiến và các vật tư, thiết bị để chủ động cho công tác chống hạn khi có nguy cơ hạn hán xảy ra. Lập kế hoạch duy tu, bão dưỡng, sửa chữa hư hỏng kịp thời các công trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác. Phối hợp với các Công ty thủy điện trên địa bàn và các đơn vị liên quan trong công tác điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất. Đối với các công trình thủy lợi sửa chữa do Công ty làm chủ đầu tư, trong quá trình thi công cần có kế hoạch, biện pháp thi công phù hợp, không làm ảnh hưởng đến khả năng cấp nước của công trình.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, đặc biệt là việc dự báo sớm các khả năng xuất hiện và diễn biến các tình huống phức tạp về thời tiết, nguồn nước; cung cấp thông tin kịp thời cho Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các huyện, Thành phố để chỉ đạo ứng phó với mọi tình huống bất lợi có thể xảy
Sở Công thương, Công ty Điện lực Cao Bằng chỉ đạo, đôn đốc các chủ hồ chứa thủy điện rà soát, lên phương án vận hành, sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện, đảm bảo cân đối nguồn nước phù hợp, ưu tiên dành nước của hồ thủy điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn hán, thiếu nước. Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các nhà máy nước trên địa bàn Thành phố, thị trấn, rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước, đảm bảo cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Sở Y tế chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; bảo đảo an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước xảy ra.
Các cơ quan báo chí, truyền thông địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên tuyền về tình hình khí tượng, thủy văn, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước; tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng cao điểm nắng nóng
Các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, Thành phố căn cứ lịch sản xuất nông nghiệp và tình hình thời tiết, thực hiện việc điều tiết phù hợp, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng hạ du, tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và các quy định của pháp luật có liên quan.
P.V
Thúc đẩy hợp tác phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao
ĐBP - Chiều nay (24/4), đồng chí Trần Quốc Cường, Uỷviên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp xã giao đoàn công tác Côngty TNHH Niinuma Việt Nam.
Về phía đoàn công tác Công ty TNHHNiinuma Việt Nam có: Ông Minowa YuYa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Niinuma ViệtNam; Lê Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Vincons.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường tiếpxã giao đoàn công tác Công ty TNHH Niinuma Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường bày tỏ niềm vui mừngkhi lãnh đạo Công ty TNHH Niinuma Việt Nam đến thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên. Bí thư Tỉnh ủy đãgiới thiệu khái quát về tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong phát triển nông -lâm nghiệp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong thơìgian qua, tỉnh Điện Biên đã chú trọng thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệvào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên quy mô còn ở mức khiêm tốn.
Với mong muốn mở rộng và nâng cao hiêụquả sản xuất nông nghiệp, tỉnh Điện Biên đề xuất hợp tác cùng Công ty TNHHNiinuma Việt Nam trong việc triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tậptrung vào các nhóm cây trồng như: rau, hoa và cây ăn quả. Đồng thời, tỉnh cũngmong muốn công ty chuyển giao công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại để hỗ trợcác hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
Tỉnh Điện Biên và Công ty TNHHNiinuma Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Minowa YuYa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Niinuma ViệtNam cho biết: Trong chuyến thăm và làm việc lần này tại tỉnhĐiện Biên, Công ty mong muốn giới thiệu mô hình trồng cà chua thông minh – mộtdự án đã được triển khai thành công tại thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum. Đây làgiống cà chua có độ ngọt cao, chất lượng vượt trội, đặc biệt phù hợp với nhữngvùng có sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm. Công ty mongmuốn tỉnh Điện Biên tạo điều kiện triển khai trồng thử nghiệm, tiến tới xây dựng môíliên kết và hợp tác lâu dài nhằm nhân rộng mô hình tại địa phương.
Ngày mai, lãnh đạo Công ty TNHH Niinuma ViệtNam sẽ có buổi làm việc cụ thể, chi tiết với Sở Nông nghiệp và Môi Trường.
Tin, ảnh: Phạm Trung
Hiếu Giang tổng hợp