Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 25 tháng 6 năm 2025

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 25 tháng 6 năm 2025

 

 

 

Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững

Việt Nam đã quy tụ 47 đối tác tham gia thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, đồng thời đã tổng hợp được 100 mô hình nông nghiệp sinh thái theo vùng. Dự kiến, Việt Nam sẽ có một báo cáo về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm công bố tại Hội nghị toàn cầu về Hệ thống Lương thực – Thực phẩm, tổ chức tại Ethiopia vào tháng 7/2025…

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo tham vấn về Dự thảo Kế hoạch chi tiết triển khai “Kế hoạch Hành động Quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030” diễn ra ngày 24/6/2025, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và các bên liên quan tổ chức là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa các cam kết quốc gia trong nỗ lực xây dựng hệ thống nông lương công bằng, chống chịu và thân thiện với môi trường.

Sự kiện đã thu hút hơn 100 đại biểu từ các Bộ, ngành, địa phương, Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học, khối doanh nghiệp và hiệp hội trong và ngoài nước, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển bền vững.

ĐÁP ỨNG THÁCH THỨC CHƯA TỪNG CÓ

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhấn mạnh: Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ như biến đổi khí hậu khốc liệt, suy giảm đa dạng sinh học, đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu do xung đột địa chính trị, cùng với sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ. Những khủng hoảng này đe dọa an ninh lương thực toàn cầu và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giữa các quốc gia.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: "Chúng ta không thể giải quyết khủng hoảng khí hậu nếu bỏ quên người nông dân quy mô nhỏ và các nhóm dễ tổn thương".

Đáng chú ý, những nhóm yếu thế như nông dân nghèo, người tiêu dùng thu nhập thấp và các hệ sinh thái tự nhiên đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. “Chúng ta không thể giải quyết khủng hoảng khí hậu nếu bỏ quên người nông dân quy mô nhỏ và các nhóm dễ tổn thương. Không thể kỳ vọng những quốc gia có thu nhập thấp bảo vệ môi trường nếu không có chia sẻ công bằng về trách nhiệm và lợi ích toàn cầu”, ông Tuấn nói.

Ngành nông nghiệp nước ta đang phải đối diện với hàng loạt thách thức, như phần lớn là nông hộ quy mô nhỏ, tài nguyên thiên nhiên suy kiệt, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, biến động thị trường liên tục và nhu cầu tiêu dùng toàn cầu thay đổi. Nông dân sản xuất nhỏ ít tiếp cận được công nghệ, thông tin thị trường và thường chỉ tham gia vào khâu cung cấp nguyên liệu thô.

"Nhận thức của người tiêu dùng về dinh dưỡng, tiêu dùng bền vững và chống lãng phí thực phẩm còn hạn chế. Việt Nam cũng đang chịu gánh nặng kép về dinh dưỡng: tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao tại vùng núi, trong khi tình trạng thừa cân, béo phì và bệnh không lây liên quan đến dinh dưỡng lại gia tăng nhanh ở đô thị".

ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Theo ông Tuấn, nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho hơn 60% dân số, đồng thời đóng góp khoảng 12% GDP quốc gia (theo số liệu năm 2024). Từ một quốc gia từng đối mặt với khủng hoảng lương thực, Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Ông Tuấn cũng nhắc lại lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh Hệ thống lương thực toàn cầu (UNFSS) năm 2021, trong đó nêu bật vai trò trung tâm của hệ thống lương thực, thực phẩm đối với việc đạt được tất cả 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

KHẲNG ĐỊNH CAM KẾT QUỐC TẾ

Để giải quyết những thách thức trên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay Chính phủ Việt Nam đã đề ra hàng loạt chiến lược và chương trình hành động hướng tới một nền nông nghiệp xanh, thông minh và bền vững. Cụ thể là Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến 2030; Đề án phát triển khoa học, công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến 2030; và gần đây nhất là Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tháng 10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì ký kết Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm tại Việt Nam, quy tụ 47 đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt, từ tháng 3/2025, hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường – cơ quan đầu mối quốc gia phụ trách chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.

Cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức như FAO, UNDP, IFAD, CIAT, CIRAD và Chính phủ Ireland, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai nhiều hoạt động như xây dựng bộ chỉ số giám sát kế hoạch, thí điểm chuyển đổi tại Sơn La và Đồng Tháp, xây dựng tài liệu tập huấn về hệ thống lương thực, thực phẩm và tổng hợp 100 mô hình nông nghiệp sinh thái theo vùng. Dự kiến, Việt Nam có một báo cáo tổng kết sẽ được công bố vào tháng 7/2025 tại Hội nghị toàn cầu lần thứ hai về Hệ thống Lương thực – Thực phẩm (UNFSS+4) tổ chức tại Ethiopia.

Ông Patrick Haverman: "Giá thực phẩm leo thang, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp, khiến hàng triệu người không tiếp cận được chế độ ăn uống lành mạnh".

Tại hội thảo, ông Patrick Haverman – Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam nhấn mạnh rằng Kế hoạch triển khai chi tiết (PIP) không đơn thuần là văn bản hành chính, mà là lộ trình cụ thể để hiện thực hóa tầm nhìn chuyển đổi hệ thống lương thực, phù hợp với bối cảnh Việt Nam, xác định rõ trách nhiệm, ưu tiên, cơ chế huy động đầu tư, đặc biệt từ khu vực tư nhân.

"Mặc dù thế giới đã có nhiều nỗ lực chuyển đổi hệ thống lương thực, tiến độ đạt Mục tiêu số 2 (Xóa đói) vẫn còn chậm. Tính đến năm 2023, gần 600 triệu người vẫn có thể thiếu đói vào năm 2030. Giá thực phẩm leo thang, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp, khiến hàng triệu người không tiếp cận được chế độ ăn uống lành mạnh".

Ông Patrick Haverman – Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam.

Ông Haverman chia sẻ rằng những thách thức này càng nghiêm trọng hơn, bởi biến đổi khí hậu và xung đột toàn cầu ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và gia tăng tính dễ tổn thương. Do đó, Việt Nam cần những thay đổi mang tính hệ thống để xây dựng một hệ thống lương thực chống chịu và công bằng. Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ tại nhiều diễn đàn quốc tế như UNFSS 2021, COP26 và COP28, trong đó khẳng định mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và lồng ghép hệ thống lương thực vào kế hoạch khí hậu quốc gia (NDC 3.0).

Tại hội thảo lần này, các đại biểu đã góp ý cho dự thảo Kế hoạch chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm giai đoạn 2026-2030, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia và cùng tham gia thảo luận nhóm kỹ thuật về các chủ đề: thể chế – chính sách, nông nghiệp sinh thái, dinh dưỡng và thực phẩm địa phương, giảm thất thoát – lãng phí, phân phối và tiêu dùng bền vững.

Sự kiện là bước đi thiết thực nhằm cụ thể hóa các cam kết của Việt Nam trong thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm đến năm 2030. Qua đó, Việt Nam kỳ vọng xây dựng một hệ thống nông lương minh bạch, trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm an ninh lương thực, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và góp phần thực hiện hiệu quả 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Chương Phượng

 

Quảng Trị huy động toàn lực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ, ưu tiên cứu lúa Hè Thu

Hơn 13.000 ha lúa bị ngập úng tại Quảng Trị sẽ được ưu tiên tiêu thoát nước, khôi phục kịp thời, đồng thời tỉnh thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tái đàn vật nuôi để giảm thiểu thiệt hại.

Bão số 1 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động canh tác của nông dân Quảng Trị

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Phương án số 2754/PA-UBND về khôi phục sản xuất nông nghiệp và đảm bảo sinh kế cho người dân sau đợt mưa lũ bất thường gây thiệt hại nặng nề trong vụ Hè Thu 2025. Phương án do Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam ký ban hành, nhằm ứng phó kịp thời với những thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân và góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm.

Phương án xác định mục tiêu chung là huy động tối đa mọi nguồn lực, kết hợp đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật để chỉ đạo khẩn trương công tác khôi phục sản xuất. Trọng tâm là tập trung toàn lực cho vụ Hè Thu, khôi phục diện tích nuôi trồng thủy sản, đàn vật nuôi bị thiệt hại nhằm đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân, góp phần ổn định an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Tỉnh kiên quyết không để ruộng lúa bị bỏ hoang, yêu cầu điều chỉnh cơ cấu giống, cây trồng phù hợp với thời vụ và điều kiện thực tế từng địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả chỉ đạo khôi phục sản xuất trên địa bàn mình quản lý.

Theo phương án, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để tiêu úng kịp thời cho khoảng 13.200 ha lúa bị ngập úng tại các địa phương: Hải Lăng (6.000 ha), Triệu Phong (2.068 ha), Vĩnh Linh (1.000 ha), Cam Lộ (529 ha), Đông Hà (395 ha), thị xã Quảng Trị (60 ha), Đakrông (57 ha), Hướng Hóa (43 ha) và Gio Linh (3.053 ha).

Ngay sau khi nước rút, các địa phương cần đánh giá chính xác mức độ thiệt hại, khoanh vùng diện tích lúa non bị ngập lâu ngày, không thể phục hồi (thiệt hại trên 70%) để kịp thời hỗ trợ giống ngắn ngày, cực ngắn cho người dân gieo lại. Đối với diện tích thiệt hại dưới 70%, tỉnh yêu cầu tập trung chăm sóc để cây phục hồi nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng, đảm bảo thu hoạch chậm nhất trước ngày 15/9/2025 với vùng trũng như Hải Lăng, Triệu Phong, và trước 20/9/2025 với vùng cao có điều kiện thoát nước tốt.

Bên cạnh lúa, trên địa bàn có khoảng 7.790 ha cây trồng cạn (sắn, lạc, rau đậu các loại...) bị ngập. Tỉnh đề ra giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên khoảng 3.600 ha sang các loại cây ngắn ngày như đậu xanh, vừng, dưa, rau..., chậm nhất trước ngày 30/6/2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cuối vụ. Cùng với đó, cần chủ động kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây vụ Thu Đông sớm năm 2025, nhằm tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, bù đắp sản lượng bị mất do mưa lũ.

Phương án cũng nhấn mạnh nhiệm vụ khôi phục chăn nuôi. Các địa phương cần nhanh chóng tái đàn gia cầm để tận dụng thời gian, đồng thời mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm và khôi phục diện tích nuôi trồng thủy sản – đặc biệt là 993 ha đã bị ngập và cuốn trôi trong đợt lũ.

Công tác rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các công trình thủy lợi cũng được triển khai đồng bộ. Tỉnh yêu cầu xây dựng kế hoạch đầu tư khắc phục, sửa chữa kịp thời các công trình bị hư hỏng nhằm đảm bảo tưới – tiêu cho các vụ sản xuất còn lại trong năm, đặc biệt ở các vùng sẽ mở rộng sản xuất sau khôi phục.

Trước khi thiên tai xảy ra, toàn tỉnh Quảng Trị đã gieo cấy hơn 22.000 ha lúa Hè Thu, đạt trên 98% kế hoạch. Tuy nhiên, cơn bão số 1 vừa qua đã khiến hơn 16.300 ha lúa ở giai đoạn mạ – đẻ nhánh và gần 7.800 ha hoa màu bị ngập sâu trong nước. Gần 1.500 con gia cầm và một số gia súc bị chết; trên 993 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Nhiều công trình thủy lợi cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Tổng thiệt hại ước tính hơn 675 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, phương án khôi phục sản xuất nông nghiệp vừa được ban hành đóng vai trò như một giải pháp cấp bách nhưng toàn diện, thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong việc sớm ổn định đời sống người dân và phục hồi đà tăng trưởng nông nghiệp sau thiên tai.

Nguyễn Thuấn

 

Hà Nội: Người dân tăng thu nhập nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Công nghệ sinh học được xác định là một trong những công nghệ mũi nhọn, có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt là yếu tố quan trọng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Với tiềm năng và lợi thế của mình, Hà Nội đang xây dựng chiến lược phát triển công nghệ sinh học phù hợp trên cơ sở xác định đối tượng cây trồng gắn với vùng sản xuất để khai thác lợi thế về nông sản đặc sản của từng vùng, gắn với quy trình sản xuất sạch góp phần đưa ngành nông nghiệp Thủ đô trở thành điển hình tiên tiến trong cả nước.

Có lợi thế về phát triển nông nghiệp, thời gian qua TP.Hà Nội đã và đang hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ các doanh nghiệp và HTX với quy mô và hiệu quả tăng dần - Ảnh: IT

Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân. Tính đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt.

TS. Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa - cây cảnh, cho biết tại huyện Thạch Thất, khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao Thung lũng Ngọc Linh đã áp dụng công nghệ từ Nhật Bản và Đức vào sản xuất, bao gồm mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh và nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu. Ở huyện Đan Phượng, Hợp tác xã Cuối Quý đã triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 5ha, với sản lượng đạt 3 tạ rau/ngày và thu nhập trung bình mỗi tháng trên 120 triệu đồng.

Tại huyện Mỹ Đức, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao đã đầu tư gần 70 tỉ đồng xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm sạch theo công nghệ Nhật Bản, với quy mô hơn 3.000 m² và sản lượng đạt 30 tấn/tháng, mang lại doanh thu từ 1,8 đến 2 tỉ đồng/tháng.

Hà Nội cũng đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hoa và cây cảnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị bền vững.

Ví dụ như Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài - Flora Việt Nam (huyện Đan Phượng): Với 15 năm phát triển, HTX này đã xây dựng mô hình trồng hoa lan công nghệ cao, được coi là hình mẫu của nông nghiệp đô thị hiện đại; Hay Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Gia Lâm với mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng vạn cây hoa lan hồ điệp.

TP.Hà Nội hiện có khoảng 8.000ha hoa, cây cảnh, trong đó 70% diện tích tập trung ở các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng. Nhiều mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế từ 500 triệu đồng đến 2,2 tỉ đồng/ha/năm. Ngoài ra, nhiều nông dân tại các huyện như Ứng Hòa, Đông Anh đã tự tìm tòi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra giá trị kinh tế cao và góp phần hình thành nền nông nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ sinh học vẫn còn gặp một số khó khăn như chi phí đầu tư ban đầu cao, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và trình độ kỹ thuật của người nông dân không đồng đều. Để khắc phục, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

"Việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội đang ngày càng trở nên quan trọng. Để thúc đẩy phong trào này, cần có sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường", ông Tỉnh cho hay.

Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu khoa học, công nghệ đang được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, như: Công nghệ gen: Phân lập gen, thiết kế vector chuyển gen, tạo giống cây trồng biến đổi gen (ngô, đậu tương, xoan ta, thông, bông, cà chua, khoai lang, sâm); công nghệ vi nhân giống: Quy trình vi nhân giống bạch đàn uro, keo lai, cây hoa, rong biển; công nghệ chỉ thị phân tử, công nghệ tế bào xác định được các nguồn di truyền mang gen hữu hiệu phục vụ công tác lai, tạo giống cây trồng, vật nuôi, động vật thủy sản kháng bệnh, chống chịu yếu tố môi trường bất lợi, cải tiến chất lượng...

Ngoài ra, công nghệ sinh học tạo ra sự đột phá, những kỹ thuật nhân giống hiện đại, kỹ thuật di truyền và chỉnh sửa bộ gen đã cung cấp các giống mới với các tính trạng mong muốn ở cây trồng, như: Tính chịu hạn, kháng bệnh, chống chịu mặn...

Việc quan tâm đến công tác nghiên cứu, chọn tạo giống có năng suất, kết hợp với việc triển khai đồng bộ kỹ thuật đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Năm 2024, sản xuất trồng trọt tăng 2,2%, giá trị xuất khẩu đạt 27,38 tỉ USD; duy trì các mặt hàng xuất khẩu hơn 2 tỉ USD, gồm có gạo, cà phê, rau, cao su. Hiệu quả tăng trưởng ngành, giá trị xuất khẩu nông sản liên tục tăng, nhất là sự tăng trưởng nhanh, ngoạn mục của ngành hàng rau, quả từ dưới 1 tỉ USD trong vòng 15 năm, đã vươn lên 6,2 tỉ USD; giá trị xuất khẩu trồng trọt/đơn vị diện tích tăng nhanh, từ dưới 100 triệu VND/ha/năm, đã vươn lên 130 triệu VND/ha/năm…

Tuyết Nhung

 

Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ - hướng đi bền vững giảm nghèo ở Hua Nà

Từ những giàn nho sai trĩu quả trong những nhà màng công nghệ, Hua Nà đang vươn mình trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp vùng cao. Thành quả ấy có được nhờ sự mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, vai trò trung tâm của hợp tác xã (HTX), sự đồng hành trách nhiệm của chính quyền và sự nỗ lực bền bỉ của mỗi người dân.

Khi những tia nắng đầu hè dần trải vàng trên cánh đồng, cũng là lúc những vườn nho trong nhà màng tại xã Hua Nà, huyện Than Uyên, Lai Châu bước vào vụ thu hoạch chính. Trong những khu nhà màng lấp lánh ánh nắng, từng chùm nho hạ đen, nho mẫu đơn căng tròn, sai trĩu, trông như những viên ngọc quý đang lấp lánh trên giàn.

Xã đầu tiên trồng nho công nghệ cao trong nhà màng

Gia đình chị Lò Thị Òn, xã Hua Nà năm nay có mùa nho bội thu. Vừa nâng niu thu hoạch từng chùm nho căng mọng, chị Òn vừa vui mừng chia sẻ năm nay thời tiết thuận lợi, nho cho năng suất gần gấp đôi so với năm trước. Hiện, gia đình chị đang thu hoạch bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh với giá từ 160.000 đồng/kg.

“Trồng cây nho này hiệu quả hơn nhiều so với trồng lúa”, chị Òn nói.

Mô hình trồng nho trong nhà màng tại Hua Nà đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao.

Cách đây hơn 3 năm, trồng nho còn là điều xa lạ với người nông dân Hua Nà, nhưng nay nơi đây đã có mô hình trồng nho trong nhà màng đầu tiên và duy nhất tại huyện Than Uyên.

Trên diện tích 1,3 ha, hai giống nho: hạ đen và mẫu đơn - không chỉ cho năng suất cao mà còn đạt chuẩn OCOP 3 sao, khẳng định thương hiệu.

Chính quyền xã Hua Nà đánh giá, mô hình trồng nho nhà màng đã bước đầu chứng minh hiệu quả vượt trội về kinh tế, cho thu nhập cao từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài bán sản phẩm tươi, các chủ vườn còn mở rộng thêm dịch vụ tham quan trải nghiệm, để khách hàng hái sản phẩm tại vườn, từ đó góp phần thu hút khách du lịch đến với Hua Nà, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch xanh.

Sự chuyển mình của vùng đất Hua Nà không đơn thuần là câu chuyện về những chùm nho trĩu quả, mà còn là minh chứng rõ nét cho thành quả của tư duy làm nông nghiệp mới: ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Hạt nhân liên kết chuỗi giá trị, tạo bước đệm phát triển bền vững

Để có được thành công hôm nay, không thể không nhắc đến vai trò trung tâm của HTX, mà tiêu biểu là HTX Nông nghiệp Hua Nà. Là cầu nối giữa người dân với thị trường, HTX đã tổ chức sản xuất quy củ, ứng dụng kỹ thuật mới, đồng thời làm đầu mối tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Anh Lò Văn Ninh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hua Nà cho biết, ngay từ lúc nho chưa chín, nhiều khách hàng trong và ngoài huyện đã liên hệ đặt mua. Năm nay, nhờ chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi, nho cho chùm đẹp, sai quả, chất lượng vượt trội. Bà con thành viên HTX rất phấn khởi.

Hiện, HTX đang quản lý hơn 8.000 m2 nhà màng trồng nho hạ đen và nho mẫu đơn.

Sự ra đời và vận hành hiệu quả của HTX Nông nghiệp Hua Nà chính là lời giải cho bài toán “làm thế nào để nông dân không đơn độc trên thị trường”. Trước đây, nông sản làm ra chủ yếu tiêu thụ tự phát, phụ thuộc vào thương lái, giá cả bấp bênh, nay đã có hệ thống liên kết bài bản, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, mạnh dạn đổi mới.

HTX và người dân nhận được nhiều sự hỗ trợ, đồng hành, khuyến khích.

Để hỗ trợ các HTX phát triển, chính quyền địa phương cũng kịp thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích, như hỗ trợ xây dựng nhà màng, nhà lưới, cấp chứng nhận OCOP, hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật… Từ năm 2022 đến nay, xã đã hỗ trợ xây dựng nhà màng cho hộ dân và HTX với tổng kinh phí gần 920 triệu đồng; hỗ trợ 3 sản phẩm OCOP gồm nho, ổi, gạo với tổng trị giá 120 triệu đồng…

Đồng hành với địa phương và các HTX trong quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, Liên minh HTX tỉnh Lai Châu và Liên minh HTX Việt Nam cũng có nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, hiệu quả. Tiêu biểu như tháng 5 vừa qua, Liên minh HTX Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại cho các HTX khu vực miền Bắc năm 2025. Đây là một sự kiện thường niên tạo nền tảng kết nối giữa các HTX với hệ thống phân phối, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hội chợ hỗ trợ các HTX quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đặc trưng đến đông đảo người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà phân phối và nhà đầu tư. Qua đó, tạo điều kiện mở rộng thị trường, thúc đẩy liên kết vùng và từng bước hướng tới xuất khẩu.

Chính sự đồng hành chặt chẽ giữa chính quyền, người dân và HTX cùng các đơn vị đã giúp tạo nên nền móng vững chắc cho nông nghiệp Hua Nà phát triển đúng hướng: sản xuất hàng hóa tập trung, có đầu ra ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.

Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm

Mô hình sản xuất nông sản hàng hóa theo hướng tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Hua Nà không chỉ có cây nho, mà còn nhiều loại cây trồng khác, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn.

Trong 5 năm qua, Hua Nà đã triển khai Chương trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là “Chương trình sản xuất nông sản hàng hóa theo hướng tập trung gắn với thực hiện liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm” với nhiều kết quả nổi bật.

Hiện nay, trên địa bàn xã đang duy trì vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung 125 ha/năm, trong đó có 80 ha/năm đặc sản lúa Séng cù, 13,6 ha lúa Séng cù được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng nguyên liệu chè gần 27 ha với tổng sản lượng chè búp tươi trong nhiệm kỳ 481,3 tấn. Cây ăn quả đạt diện tích hơn 28 ha. Đặc biệt, 3 sản phẩm chủ lực: nho, ổi và gạo Séng cù đều đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao, bước đầu tạo dựng thương hiệu trên thị trường, nâng cao giá trị nông sản.

Bên cạnh đó, mô hình sản xuất rau, củ, quả cũng phát triển mạnh mẽ với hơn 20 ha rau, củ, quả vụ đông các loại, trong đó có trên 6 ha đã thực hiện liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp ngoài tỉnh. Đây là bước tiến rõ rệt trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm rủi ro cho nông dân.

Không chỉ tăng trưởng về sản lượng và giá trị sản xuất, chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa tại Hua Nà còn góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân của xã đạt 47,5 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 6,5%, trong khi toàn huyện Than Uyên tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm còn 6,22%.

Những con số biết nói ấy đã phần nào chứng minh hiệu quả của chiến lược sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Hua Nà. Đây được xem là mô hình đáng để các địa phương khác học tập, nhân rộng, nhất là trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và tính ổn định trong tiêu thụ.

Với định hướng tiếp tục hỗ trợ mở rộng diện tích nhà màng, tăng cường đào tạo kỹ thuật canh tác hiện đại, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu OCOP, đồng thời phát triển thêm các sản phẩm du lịch nông nghiệp trải nghiệm, tương lai không xa, Hua Nà hoàn toàn có thể trở thành điểm đến nông nghiệp xanh kiểu mẫu tại vùng cao Tây Bắc.

Minh Khôi

 

Chuyển mình trong sản xuất nông nghiệp ở Mỹ Đức

Khai thác thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, liên kết chuỗi.

Từ nông dân đến doanh nghiệp đều đang thay đổi tư duy, góp phần định hình hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp vùng ngoại thành.

Chăm sóc rau an toàn trong nhà màng tại xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức).

Hơn 25 năm gắn bó với ruộng đồng, ông Ngô Đức Mạnh ở xã Thượng Lâm (huyện Mỹ Đức) luôn trăn trở, làm thế nào để "sống khỏe" từ sản xuất nông nghiệp. Sau nhiều năm khảo sát nhu cầu thị trường, ông Mạnh huy động nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý nguồn nước, tưới tiết kiệm, trồng các loại cây ớt, rau ngót, dưa leo, dưa lê, chuối... theo quy trình VietGAP. Việc chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh... đều được ghi nhật ký đầy đủ. Nhờ mối liên kết chặt chẽ, sản phẩm đầu ra luôn ổn định. Hiện nông trại của ông Mạnh đang tạo việc làm cho khoảng 20-30 lao động địa phương, thu nhập từ 150.000 đến 250.000 đồng/người/ ngày. Tổng doanh thu hằng năm của nông trại khoảng 2-3 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa truyền thống. Đặc biệt, ông Mạnh luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất, như sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học để hạn chế dư lượng hóa chất trong đất, nước và sản phẩm.

Không dừng lại ở sản xuất, ông Mạnh còn chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân địa phương, nhất là người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch. Những buổi chia sẻ về kỹ thuật trồng rau, ghi nhật ký canh tác và cách tiếp cận thị trường bước đầu đã lan tỏa tư duy làm nông chuyên nghiệp trong cộng đồng dân cư.

Với quy mô gần 12ha tại xã Lê Thanh, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Nghiên cứu và quản lý Martial - Nông trại Terrasol Mỹ Đức đang là điểm sáng của huyện Mỹ Đức. Theo ông Phạm Tiến Thành (quản lý trang trại), để vào được các siêu thị của Hà Nội, việc quan trọng nhất là sản phẩm phải ổn định về chất lượng, cung cấp đủ số lượng theo hợp đồng ký kết. Giải bài toán này, công ty đầu tư hệ thống nhà màng, tưới tiêu tự động, kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Hệ thống vận hành chủ yếu bằng điện thoại thông minh và các thiết bị điều khiển từ xa, cho phép tiết kiệm nhân công và kiểm soát chặt chẽ thông số kỹ thuật. Ngoài ra, công ty đã xây dựng khu xử lý nước, điều chỉnh pH và độ trong nhằm bảo đảm nguồn nước tưới sạch cho cây trồng. Mỗi nhà màng đều được chia lô, dán mã vạch truy xuất nguồn gốc, phục vụ kiểm soát quy trình theo chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, công ty áp dụng quy trình chăm sóc riêng cho từng nhóm cây trồng. Mỗi lô hàng đều được ghi chép chi tiết các thông số kỹ thuật và lịch sử canh tác để sẵn sàng cung cấp khi đối tác yêu cầu. Trong định hướng phát triển, nông trại Terrasol Mỹ Đức sẽ kết hợp phát triển mô hình trải nghiệm cho học sinh, sinh viên và du khách trong nước để lan tỏa thông điệp về sản xuất nông nghiệp sạch và bảo vệ môi trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, bà Nguyễn Thị Thanh, nông dân xã Lê Thanh đang làm việc tại nông trại Terrasol Mỹ Đức chia sẻ: “Làm nông nghiệp bây giờ không chỉ dùng sức mà còn cần kỹ thuật và sự cẩn thận. Làm ở đây, chúng tôi được học cách sản xuất nông sản sạch, an toàn và biết cách ghi chép, theo dõi cây trồng để minh chứng rõ ràng với người tiêu dùng, cơ quan quản lý”.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mỹ Đức Trần Mạnh Cường, toàn huyện hiện có 17 cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 10 vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng và 3 mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã đã tiếp cận mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ khép kín, giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng nông sản. Một số xã như Tuy Lai, An Mỹ, Hợp Tiến cũng đã chủ động chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau màu tập trung, hướng đến sản xuất hàng hóa, phục vụ đô thị thay vì manh mún nhỏ lẻ như trước. Các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã và đang góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn...

Thực tiễn cho thấy, sự thay đổi tư duy của nông dân cùng sự hỗ trợ đúng lúc từ chính quyền đang mở ra nhiều cơ hội cải thiện giá trị sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn huyện Mỹ Đức.

Kim Nhuệ 

 

Doanh thu bình quân của một hợp tác xã đạt khoảng 2,8 tỷ đồng/năm

Theo Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Lâm Đồng, số thành viên hiện nay của Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng là 1.064. Trong đó, 610 HTX, 448 tổ hợp tác và 6 liên hiệp HTX. Giai đoạn 2020 - 2025, doanh thu bình quân của một HTX hoạt động hiệu quả đạt khoảng 2,8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 300 triệu đồng/HTX/năm.

Các thành viên của Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, công thương, quỹ tín dụng nhân dân và dịch vụ du lịch - xây dựng - môi trường. Qua đánh giá, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Lâm Đồng hiện có 222 HTX xếp loại hoạt động khá - giỏi.

TRIỀU KA

 

Thấy gì từ việc các tỉnh bỗng dưng có biển, quy mô nông nghiệp rất lớn?

Sáp nhập tỉnh thành giúp mở rộng diện tích đất canh tác, cho phép tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn. Những vùng đất trước đây phân tán, nhỏ lẻ, nay có thể quy hoạch lại thành vùng nguyên liệu chiến lược, phát triển các mô hình chuyên ngành như lúa - tôm, cây ăn trái, chăn nuôi tập trung, thủy sản ven biển...

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường - đã phân tích những cơ hội, thách thức và giải pháp cho ngành nông nghiệp trong bối cảnh mới.

- Khi địa giới hành chính được mở rộng, đất đai và các nguồn lực được cộng gộp, nhiều tỉnh từ không có biển trở thành có biển, quy mô dân số và tài nguyên tăng mạnh, cơ hội nào cho ngành nông nghiệp thưa ông?

- Việc mở rộng địa giới hành chính và sáp nhập các tỉnh tạo ra không gian phát triển kinh tế nông nghiệp rộng lớn, tích hợp nhiều nguồn lực, mở ra cơ hội rõ rệt để hình thành nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn và bền vững hơn.

Ông Trần Công Thắng.

Thứ nhất, sáp nhập giúp mở rộng diện tích đất canh tác, cho phép tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn. Những vùng đất trước đây phân tán, nhỏ lẻ, nay có thể quy hoạch lại thành vùng nguyên liệu chiến lược, phát triển các mô hình chuyên ngành như lúa - tôm, cây ăn trái, chăn nuôi tập trung, thủy sản ven biển. Một số tỉnh không có biển khi sáp nhập với tỉnh ven biển sẽ mở ra tiềm năng kinh tế biển - như nuôi trồng thủy sản, làm muối, phát triển du lịch nông nghiệp ven biển.

Ví dụ, Hưng Yên hợp nhất với Thái Bình sẽ kết hợp được lợi thế cây ăn quả, chăn nuôi (Hưng Yên) với sản xuất lúa gạo, thủy sản ven biển (Thái Bình), tạo nên một hệ sinh thái nông nghiệp phong phú và linh hoạt hơn.

Thứ hai, sáp nhập tạo thuận lợi để phát triển liên kết vùng, tổ chức lại chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ trên không gian rộng lớn hơn. Đơn cử như Tây Nguyên, với thế mạnh cà phê, hồ tiêu có thể liên kết với các tỉnh Đông Nam Bộ - nơi tập trung các nhà máy chế biến, logistics và trung tâm xuất khẩu - để hình thành chuỗi nông sản giá trị cao...

Thứ ba, khi địa phương có quy mô lớn hơn, năng lực thu hút đầu tư cũng tăng lên. Việc tích hợp đất đai, dân số, hạ tầng, tài nguyên giúp xây dựng các vùng nguyên liệu lớn - điều kiện tiên quyết để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất xanh và phát triển bền vững.

Cần Thơ sáp nhập với Hậu Giang và Sóc Trăng sẽ hình thành trung tâm sản xuất - chế biến - logistics nông sản hiện đại, đủ điều kiện để tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Lúa chất lượng cao từ Sóc Trăng hay tôm nước lợ từ Hậu Giang có thể đưa vào các nhà máy chế biến tại Cần Thơ, hướng tới xuất khẩu giá trị cao.

"Sáp nhập Hậu Giang, Sóc Trăng vào Cần Thơ sẽ là cú hích chiến lược giúp hình thành một trung tâm nông nghiệp - công nghiệp chế biến - xuất khẩu..." - ông Thắng khẳng định.

- Như ông vừa phân tích, khi sáp nhập các tỉnh thành có thuận lợi lớn nhưng thách thức chắc cũng sẽ nhiều. Theo ông, vấn đề lớn nhất khi phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn hậu sáp nhập là gì?

- Có nhiều thách thức trong phát triển. Đó là sự khác biệt giữa các tỉnh về điều kiện tự nhiên, loại hình sản xuất và tư duy phát triển là trở ngại lớn. Có tỉnh mạnh về lúa gạo, tỉnh khác lại phát triển cây ăn quả hoặc nuôi trồng thủy sản, dẫn đến khó khăn trong xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp thống nhất nếu không có quy hoạch hợp lý, linh hoạt theo vùng sinh thái.

Sự chồng lấn hoặc mâu thuẫn giữa các quy hoạch cũ khiến tái quy hoạch vùng nguyên liệu, hạ tầng chế biến, logistics gặp nhiều rào cản. Thậm chí, có thể phát sinh tranh chấp về đất đai, nước tưới, ngân sách giữa nông nghiệp và các ngành khác.

Khác biệt trong tổ chức quản lý và sản xuất giữa các địa phương cũng gây khó khăn khi chuyển đổi mô hình. Người dân có thể bỡ ngỡ, không đồng thuận nếu thiếu thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, sản xuất nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi cơ chế liên kết và hợp tác xã còn yếu, thiếu năng lực.

Cuối cùng, hạn chế về vốn, hạ tầng nông nghiệp chưa đồng bộ, nhân lực thiếu kỹ năng và xu hướng già hóa cũng là những thách thức cần giải quyết để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn và bền vững.

Sáp nhập mở ra không gian phát triển cho kinh tế nông nghiệp. Ảnh minh họa: IT.

- Theo ông, nông dân, hợp tác xã đến doanh nghiệp cần chuyển đổi ra sao, thích ứng thế nào sau sáp nhập tỉnh thành?

- Để thích ứng với mô hình mới, các chủ thể cần thay đổi tư duy và cách tổ chức sản xuất. Cán bộ quản lý cấp tỉnh phải nhìn sản xuất theo không gian vùng, liên tỉnh, thay vì bám theo địa giới hành chính cũ. Cần quy hoạch sản phẩm chủ lực, xác định chuỗi giá trị then chốt, đầu tư hạ tầng đồng bộ và thúc đẩy tích tụ đất đai.

Nông dân phải chuyển từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết qua hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, áp dụng số hóa, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hợp tác xã cần nâng cao năng lực quản trị, mở rộng địa bàn, đầu tư vào dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ và ứng dụng công nghệ số.

Doanh nghiệp nên tập trung vào chế biến sâu, nông nghiệp công nghệ cao, logistics và xuất khẩu, chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, đồng hành với chính quyền địa phương trong quy hoạch và hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại và bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Huyền (thực hiện)

 

Tạo động lực phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn

Luật Thủ đô 2024 với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, kiến tạo nên những miền quê đáng sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn Hà Nội.

Tam nông phát triển toàn diện

Kể từ khi Luật Thủ đô năm 2012 được ban hành và đi vào cuộc sống, Hà Nội đã tranh thủ những điều kiện thuận lợi, sự quan tâm, đầu tư lớn của T.Ư; chủ động bố trí nguồn lực đầu tư lớn để triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Đường làng, ngõ xóm được chỉnh trang xanh, sạch, đẹp tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Lâm Nguyễn

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, đến nay sau gần 15 năm tập trung triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn TP đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 6 huyện về đích nông thôn mới nâng cao gồm: Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Oai, Thường Tín).

Trong tổng số 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện TP đã công nhận 229 xã về đích nông thôn mới nâng cao và 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, ngày 22/6/2025 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1226/QĐ-TTg về việc công nhận “Thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”.

Việc Hà Nội được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời hoàn thành sớm trước 1 năm mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đã đề ra.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, không chỉ kết quả xây dựng nông thôn mới, việc vận dụng hiệu quả Luật Thủ đô năm 2012 đã giúp sản xuất nông nghiệp của TP duy trì phát triển ổn định; chỉ số tăng trưởng liên tục đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ, bước đầu đã hình thành được một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Sự phát triển đa dạng của các mô hình kinh tế nông thôn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Con số này liên tục tăng qua từng năm, hiện đã đạt bình quân hơn 75 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, từ cuối năm 2024, toàn TP Hà Nội đã không còn hộ nghèo.

Hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; các thiết chế văn hóa, giáo dục ở khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư… Nông thôn ngày càng trở thành những miền quê đáng sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn Thủ đô.

Kỳ vọng từ cơ chế, chính sách đặc thù

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thẳng thắn nhìn nhận, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những khó khăn nhất định. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn đã được quan tâm nhưng vẫn thiếu hạ tầng phát triển kinh tế. Vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư theo quy hoạch, quản lý đất đai, môi trường, thu gom rác thải, nước sạch ở khu vực nông thôn còn những bất cập.

Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, manh mún vẫn phổ biến. Việc kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, DN vào phát triển nông nghiệp còn hạn chế. Đời sống của một bộ phận nông dân dù đã từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Khoảng cách về thu nhập và mức sống của người dân thành thị - nông thôn và vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn khoảng cách khá xa...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu trên là do Luật Thủ đô năm 2012 còn thiếu quy định về phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô, làm ảnh hưởng lớn đến tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện của hệ thống chính sách về Thủ đô; chưa tạo được cơ sở pháp lý vững chắc để mở đường cho việc đổi mới và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế nông thôn…

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo đà cho nông nghiệp Thủ đô bứt phá, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô năm 2024, trong đó phân quyền mạnh mẽ cho HĐND TP Hà Nội. Theo đó, HĐND TP Hà Nội có thẩm quyền quy định các biện pháp đặc thù về sử dụng đất nông nghiệp; áp dụng ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, về thuế suất thuế thu nhập DN; đặc biệt là thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển khu công nghệ cao.

HĐND TP Hà Nội còn được trao thẩm quyền quy định phạm vi, đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên trong các lĩnh vực như: giống, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...

Đặc biệt, Luật Thủ đô 2024 trao cho HĐND TP Hà Nội quyền quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm trên cơ sở bảo đảm quy hoạch. Đây được xem là một nút thắt đã được tháo gỡ để TP Hà Nội có cơ hội khai thác tối đa dư địa phát triển.

Theo TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), những cơ chế, chính sách đặc thù được đề cập trong Luật Thủ đô 2024 được xem là hành lang pháp lý vững chắc, hứa hẹn tạo động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội.

Để việc triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 thực sự mang lại hiệu quả, TS Cao Đức Phát cho rằng, cần có các chính sách cụ thể hóa rõ và mạnh mẽ nhằm tháo gỡ những tồn tại kéo dài, thúc đẩy các xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp; kiến tạo nông thôn thành những miền quê đáng sống. Từ đó, góp phần gắn kết nông thôn, hình thành nên những cộng đồng dân cư văn minh, hạnh phúc.

Trên cơ sở Luật Thủ đô 2024, Hà Nội cần sớm quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái và gắn với nhu cầu thị trường. Quy hoạch là đòi hỏi cấp thiết đặt ra. Từ đây, không chỉ giúp định hình nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô, mà còn tạo động lực thu hút các nguồn lực về vốn đầu tư, công nghệ và nhân lực, của các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển lĩnh vực này trong những năm tới.

PGS.TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư)

Lâm nguyễn

 

2 doanh nghiệp bị cấm đưa người lao động sang Australia làm việc trong ngành nông nghiệp

Ngày 24/6, Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Nội vụ thông báo đưa Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long (Hoang Long CMS) và Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (Sona JSC) ra khỏi danh sách các DN được tham gia Chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia.

Thông báo này căn cứ Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia, kế hoạch triển khai thực hiện về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia và theo đề nghị của phía Australia.

Công ty Hoang Long CMS và Sona JSC có dấu hiệu vi phạm quy định về tuyển chọn công bằng, có đạo đức đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2 doanh nghiệp bị cấm đưa người lao động sang làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia. Ảnh minh họa

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện chỉ còn Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) và 4 DN hoạt động dịch vụ (Công ty TNHH Hợp tác lao động và Thương mại ISM-ISM LCC, Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD – LOD CORP, Công ty Cổ phần Phát triển quốc tế Việt Thắng – VTC CORP và Công ty Cổ phần Quốc tế Mirai – MIRAI) tiếp tục được Chính phủ Australia lựa chọn triển khai Chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia.

Đồng thời, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các ứng viên có nhu cầu, đủ điều kiện tham gia Chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia tiếp tục đến trụ sở của đơn vị sự nghiệp, DN được Chính phủ Australia lựa chọn tham gia Chương trình theo danh sách nêu trên để tìm hiểu, đăng ký; tuyệt đối không qua trung gian, môi giới.

Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý, các ứng viên tham gia Chương trình không phải chi trả các khoản phí tuyển dụng, phí dịch vụ (khoản phí này người sử dụng lao động Australia trả cho đơn vị sự nghiệp, DN). Nếu có vấn đề phát sinh, ứng viên phản ánh về Cục Quản lý lao động ngoài nước theo địa chỉ 41B Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại 024.382.49517, số máy lẻ 502.

Trước đó, ngày 14/5/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty Hoàng Long và một số đơn vị có liên quan. Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 6 đối tượng, trong đó có Nghiêm Quốc Hưng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Long.

Mở rộng điều tra sai phạm, Bộ Công an khởi tố thêm 5 người tại Công ty Sona và Công ty Incoop 3, trong đó có Nguyễn Đức Nam là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sona.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã mở rộng điều tra vụ án và đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Nhận hối lộ”. Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Bá Hoan – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH; Tống Hải Nam – Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước; Phạm Viết Hương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước; Nguyễn Gia Liêm – nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước về tội “Nhận hối lộ”. Trong đó, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Viết Hương, bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can còn lại.

Thủy Trúc

 

Cầu Kè phát huy nội lực phát triển kinh tế

Trong 06 tháng đầu năm 2025, huyện Cầu Kè đã và đang ghi dấu ấn mạnh mẽ trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, với những bước chuyển mình tích cực. Nhờ sự chủ động của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong Nhân dân, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt trên 60% so với kế hoạch năm. Trong đó, nông nghiệp- thế mạnh truyền thống tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột, tạo động lực cho phát triển toàn diện.

Cống Bông Bót (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè), công trình thủy lợi quan trọng nhằm ngăn mặn - trữ ngọt và điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho Nhân dân trong và ngoài huyện Cầu Kè.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định

Từ đầu năm 2025 đến nay, tổng giá trị sản xuất của huyện Cầu Kè ước đạt 15.942 tỷ đồng, đạt 61,33% nghị quyết năm và tăng 8,28% so với cùng kỳ năm 2024. Các khu vực kinh tế chính đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực: nông - lâm - thủy sản đạt 4.785 tỷ đồng (tăng 3,32%), công nghiệp - xây dựng đạt 5.258,3 tỷ đồng (tăng 10%), thương mại - dịch vụ đạt hơn 5.898 tỷ đồng (tăng 11,43%). Đặc biệt, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.350 tỷ đồng, đạt 61,84% kế hoạch, tăng 6,1% so cùng kỳ.

Tình hình cung cầu hàng hóa ổn định, giá cả không biến động lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 06 tháng đạt trên 5.898 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, có 28 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại huyện lên 216, có thể nói đây là tín hiệu tích cực cho môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Nông nghiệp giữ vai trò chủ lực

Với lợi thế là huyện thuần nông, Cầu Kè hiện có hơn 8.000ha vườn cây ăn trái, thuộc nhóm các vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất tỉnh Trà Vinh. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng chất lượng cao, nông dân trong huyện đã nâng cao hiệu quả sản xuất. Các loại cây trồng chủ lực như sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm… canh tác theo hướng VietGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Song song với trồng trọt, chăn nuôi của huyện Cầu Kè cũng phát triển vững chắc; với tình hình giá gia súc, gia cầm tăng mạnh liên tục từ cuối năm 2024 đã tác động tích cực đến việc phát triển mở rộng các hình thức chăn nuôi. Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng đàn heo đạt hơn 51.000 con, tăng 7.631 con so với cùng kỳ, đạt 72,4% kế hoạch năm. Đàn bò tăng mạnh, đạt 21.580 con, gần hoàn thành kế hoạch cả năm (98,16%). Đây là kết quả từ sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền về giống, vốn và công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần ổn định sản xuất và tăng thu nhập cho người dân.

Bà Cao Thị Xuân Thủy, ngụ ấp Hòa An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè phấn khởi cho biết: gia đình chuyên nuôi heo sinh sản, từ năm 2024 đến nay, luôn duy trì khoảng 03 heo nái sinh sản. Với giá heo hơi liên tục tăng cao, kéo theo heo giống cũng tăng mạnh từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/con heo con (đầu năm 2025) đến tháng 5/2025, giá heo giống tăng lên 1,9 - 02 triệu đồng/con heo giống. Trung bình mỗi đợt (khoảng 04 tháng) gia đình xuất bán khoảng 20 con heo giống.

Phát triển toàn diện các lĩnh vực

Từ nội lực của một huyện nông nghiệp truyền thống, Cầu Kè đang vươn mình mạnh mẽ với những bước tiến rõ nét. Bằng sự đoàn kết, năng động và đổi mới, huyện tiếp tục khẳng định vị trí là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện.

Ngoài nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ cũng ghi nhận chuyển biến tích cực, cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Sức mua trong dân được cải thiện, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nội địa. Đặc biệt số lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn huyện 06 tháng tăng mạnh, ước đạt 16.722 lượt, tăng 71,14% so cùng kỳ.

Thực hiện chương trình XDNTM nâng cao, tại các xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… huyện tập trung nâng chất các tiêu chí, nhất là về môi trường, giao thông và phát triển sản xuất; tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng thủy lợi, trạm bơm, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất, nhất là vào mùa khô, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời công tác an sinh xã hội được huyện quan tâm; trong 06 tháng đầu năm 2025, huyện giải quyết việc làm cho 2.072 lao động (đạt 59,2% kế hoạch), đưa 120 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (đạt 92,31%), góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,39% tổng số lao động trong độ tuổi, vượt kế hoạch năm. Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai hiệu quả, với 115 học viên tham gia.

Huyện đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 98 căn nhà cho hộ nghèo và cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Các hoạt động chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, trẻ em và người yếu thế được triển khai đồng bộ, bằng nhiều nguồn lực huy động từ Nhà nước, xã hội hóa và các chương trình mục tiêu quốc gia. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao cũng được duy trì chất lượng. Tỷ lệ học sinh đến trường đạt cao, y tế cơ sở được củng cố, các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Đồng chí Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: từ những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2025, Cầu Kè đang tạo dựng nền tảng vững chắc để bứt phá thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 -2025; trong đó, có 12/17 chỉ tiêu vượt và 05 chỉ tiêu đạt.

Ngoài ra, huyện tiếp tục phát huy thế mạnh nông nghiệp bằng việc mở rộng liên kết tiêu thụ nông sản, nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào chế biến sâu và phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng đang được Cầu Kè chú trọng triển khai. Việc ứng dụng các công nghệ thông minh, mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn được đẩy mạnh, từng bước hướng đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ 

 

Đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp: Tạo động lực phát triển bền vững

Ngành nông nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi mạnh mẽ trong bối cảnh đảm bảo an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Do đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất là cần thiết nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Ảnh minh họa

Những thành tựu quan trọng

Hiện, có nhiều nghiên cứu khoa học, công nghệ đang được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, như: công tạo gen: tạo giống cây trồng biến đổi gen; công nghệ vi nhân giống; công nghệ chỉ thị phân tử, công nghệ tế bào xác định được các nguồn di truyền mang gen hữu hiệu phục vụ công tác lai, tạo giống cây trồng, vật nuôi, động vật thủy sản kháng bệnh, chống chịu yếu tố môi trường bất lợi, cải tiến chất lượng… Ngoài ra, công nghệ sinh học tạo ra sự đột phá, những kỹ thuật nhân giống hiện đại, kỹ thuật di truyền và chỉnh sửa bộ gen đã cung cấp các giống mới với các tính trạng mong muốn ở cây trồng (tính chịu hạn, kháng bệnh, chống chịu mặn…)

Việc quan tâm đến công tác nghiên cứu, chọn tạo giống có năng suất, kết hợp với việc triển khai đồng bộ kỹ thuật đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Năm 2024, sản xuất trồng trọt tăng 2,2%, giá trị xuất khẩu đạt 27,38 tỷ USD; duy trì các mặt hàng xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, gồm có gạo, cà phê, rau, cao su. Hiệu quả tăng trưởng ngành, giá trị xuất khẩu nông sản liên tục tăng, nhất là sự tăng trưởng nhanh, ngoạn mục của ngành hàng rau, quả từ dưới 1 tỷ USD trong vòng 15 năm, đã vươn lên 6,2 tỷ USD; giá trị xuất khẩu trồng trọt/đơn vị diện tích tăng nhanh, từ dưới 100 triệu đồng/ha/năm đã tăng lên 130 triệu VND/ha/năm…

Điển hình như, từ nghiên cứu khoa học, công nghệ đã tạo giống lúa chất lượng cao, như: Bắc thơm số 7, TBR225, TBR39-1, Đài thơm số 8, ST24, ST25… Nhờ đó, gạo Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất thế giới và năm 2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục, lên tới 9,18 triệu tấn.

Đối với giống bộ nhóm cây rau được chọn lọc và tự công bố lưu hành nhiều giống ngắn ngày, màu sắc, kiểu dáng thay đổi và hấp dẫn theo từng thời kỳ, như: cải bắp, su hào, cà rốt, cây ăn lá, củ cải đỏ, ngô sinh khối… đáp ứng rất tốt và nhanh thị hiếu cũng như yêu cầu thị trường. Đến nay, đã có 20 giống cà phê được công nhận, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng cà phê xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là động lực quan trọng để ngành nông nghiệp đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng với xu thế hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, công nghệ chỉnh sửa gen, đặc biệt là hệ thống CRISPR/Cas9 đang mở ra một kỷ nguyên mới cho chọn tạo giống cây trồng, trong đó giống cây bản địa là một trong những đối tượng hưởng lợi rõ nét. Với khả năng tạo ra đột biến chính xác, nhanh, chi phí thấp và không cần đưa DNA ngoại lai vào cây, công nghệ này cho phép giữ lại các đặc tính quý giá của giống bản địa, trong khi cải thiện được các tính trạng quan trọng, như năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, số lượng các đơn vị nghiên cứu ở Việt Nam có thể làm chủ và ứng dụng thành công công nghệ chỉnh sửa gen vẫn còn rất hạn chế. Các nghiên cứu chủ yếu vẫn dừng lại trong phòng thí nghiệm, chưa thể chuyển sang quy mô sản xuất đại trà. Việc thiếu hành lang pháp lý cụ thể, khiến các nhà khoa học, cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều gặp khó trong việc tiếp cận và triển khai các sản phẩm tiềm năng…

Cần thêm cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Nghị quyết 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị được ban hành vào thời điểm chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu. Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông dòng chảy đổi mới trong cả khu vực công và tư. Việc huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho khoa học công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học nông nghiệp. Ảnh minh họa

Nhằm đưa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ chọn dự án khoa học, công nghệ trọng điểm của ngành, trong đó ưu tiên cho công nghệ sinh học, công nghệ gen. Qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên và tạo giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp. Cùng với đó, Bộ hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học hiện đại trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp trong nông nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học nông nghiệp, quy mô công nghiệp. Nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng địa phương. Ngoài ra, tiếp tục đầu tư cho các nhóm nghiên cứu trong nước; mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm về công nghệ sinh học, chỉnh sửa gen.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế quản lý minh bạch, linh hoạt để đánh giá, cấp phép và sử dụng các giống cây trồng chỉnh sửa gen phù hợp với thông lệ quốc tế. Một khung pháp lý rõ ràng sẽ là nền tảng để kết nối nghiên cứu - quản lý - doanh nghiệp, giúp đưa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm nhanh chóng ra thị trường. Ngành nông nghiệp cũng quan tâm phát triển đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ, trong đó nghiên cứu cơ chế khuyến khích, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ để huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Ánh Ngọc

 

Quản lý thuốc bảo vệ thực vật và phân bón: Lỗ hổng minh bạch, nỗi lo dài hạn

Một người dân hấp thụ khoảng 1,1 kg thuốc BVTV/năm

Tại Lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Hóa chất lần thứ 20 (VINACHEM EXPO 2024) tổ chức ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hoàng Trung đã công bố con số khiến nhiều người không khỏi giật mình: mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tức bình quân mỗi người dân đang hấp thụ gián tiếp khoảng 1,1 kg thuốc BVTV mỗi năm thông qua thực phẩm hoặc môi trường.

Hiện nay, Việt Nam đang cho phép sử dụng hơn 4.000 loại thuốc BVTV, cao gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực. Cụ thể, Trung Quốc chỉ phê duyệt khoảng 630 loại, trong khi Thái Lan và Malaysia giới hạn ở mức 400-600 loại. Việc tồn tại một “rừng thuốc” như vậy không chỉ khiến nông dân hoang mang trong lựa chọn sản phẩm, mà còn tạo kẽ hở cho việc nhập lậu, hàng giả, pha trộn hoạt chất sai quy chuẩn.

Hình ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Trong nỗ lực hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững, Việt Nam đang đối mặt với nghịch lý, lượng thuốc BVTV và phân bón nhập khẩu mỗi năm lên tới hàng triệu tấn, nhưng công tác quản lý, kiểm soát chất lượng lại thiếu minh bạch, rời rạc và phản ứng chậm.

Đáng nói hơn, trong khi danh mục được mở rộng liên tục, thì hoạt động kiểm nghiệm, hậu kiểm và công khai kết quả lại rất hạn chế. Từ năm 2020 đến tháng 7/2023, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 122.000 tấn DAP Hàn Quốc, trị giá 74,4 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi có phản ánh về dấu hiệu hàm lượng Cadimi vượt mức cho phép, năm 2023, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra tại một số lô hàng DAP tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và kho tập kết hàng tại Khu công nghiệp Biên hòa 1 song đơn vị này không công bố kết quả.

Cần xem xét lại quy trình quản lý, cấp phép

Dư luận và báo chí nhiều lần đặt câu hỏi về kết quả tái kiểm Cadimi, cũng như quy trình xử lý đối với lượng DAP đã được doanh nghiệp “tự thu hồi” và phần còn tồn lưu thông trên thị trường, nhưng đến nay, tất cả đều rơi vào im lặng. Không có bất kỳ thông báo nào từ cơ quan quản lý về kết quả phân tích, hướng xử lý hay mức độ an toàn của lô hàng bị nghi ngờ.

Câu hỏi đặt ra, nếu kiểm tra không phát hiện vi phạm, tại sao không công khai để trấn an người dân? Nếu có phát hiện dư lượng Cadimi vượt ngưỡng thì lý do gì khiến việc xử lý bị trì hoãn hoặc giấu kín? Trong khi người nông dân đang loay hoay tìm loại phân bón phù hợp, thì sự không minh bạch trong thông tin kiểm định khiến họ càng hoang mang, dễ bị dẫn dụ bởi quảng cáo sai lệch hoặc tiếp tục sử dụng sản phẩm không an toàn.

Hình ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Tình trạng thiếu minh bạch trong quản lý chất lượng đầu vào nông nghiệp, từ thuốc BVTV đến phân bón – đang để lại nhiều hệ lụy. Một mặt, nó tạo ra lỗ hổng cho hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi vào sản xuất, gây tổn thất mùa vụ và ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm. Mặt khác, nó còn làm xói mòn niềm tin vào hệ thống kiểm soát chất lượng nhà nước, vốn phải là tấm khiên bảo vệ người nông dân và người tiêu dùng.

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần xem xét lại toàn bộ quy trình quản lý, từ cấp phép, hậu kiểm đến công khai dữ liệu đối với các loại thuốc và phân bón nông nghiệp. Danh mục thuốc BVTV cần được sàng lọc lại theo hướng rút gọn, tránh trùng lặp và loại bỏ những hoạt chất lạc hậu, chưa được quốc tế công nhận. Các kết quả kiểm nghiệm, nhất là với những sản phẩm bị nghi ngờ gây hại, phải được công bố kịp thời, chính xác và đầy đủ.

Một nền nông nghiệp bền vững không thể được xây dựng trên nền tảng thông tin mập mờ. Nếu không minh bạch từ gốc, từ chất lượng vật tư đầu vào thì những nỗ lực chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững sẽ mãi chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.

Ánh Phương/VOV.VN

 

Thanh niên Việt Nam tham dự chương trình đào tạo nông nghiệp tiên tiến, giao lưu tại Hàn Quốc

Đoàn đại biểu T.Ư Đoàn do Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN Nguyễn Minh Triết làm trưởng đoàn, tham dự chương trình đào tạo nông nghiệp tiên tiến và giao lưu thanh niên Việt Nam - Hàn Quốc, lần đầu tiên được tổ chức tại Hàn Quốc.

Từ ngày 23 - 28/6, đoàn đại biểu T.Ư Đoàn do Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết làm trưởng đoàn tham dự chương trình đào tạo nông nghiệp tiên tiến và giao lưu thanh niên Việt Nam – Hàn Quốc tại Hàn Quốc.

Trong ngày đầu tiên tại Hàn Quốc, đoàn đã thăm và làm việc với Ban Giám đốc Trường Đại học Nonghyup ở thành phố Goyang (tỉnh Gyeonggi).

Ông Son Byung-hwan - Giám đốc, Hiệu trưởng Trường Đại học Nonghyup và ông Lee Sang-yeol - Viện trưởng Viện hợp tác trường học – doanh nghiệp, Đại học Nonghyup tiếp đoàn; giới thiệu về tổ chức, các ngành đào tạo và sinh viên nhà trường.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết cảm ơn lãnh đạo nhà trường đã dành thời gian tiếp đoàn; đánh giá cao mô hình “tam giác” nhà trường – doanh nghiệp – chính phủ trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại buổi tiếp, hai bên đã thông tin về tình hình thanh niên và hoạt động của các tổ chức thanh niên, sinh viên tại Việt Nam; bày tỏ mong muốn thúc đẩy giao lưu, phối hợp, đào tạo giữa thanh niên của Việt Nam và Hàn Quốc.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết tặng quà lưu niệm Giám đốc - Hiệu trưởng Đại học Nonghyup Son Byung-hwan. Ảnh: BTC

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại khuôn viên Trường ĐH Nonghyup.

Cùng ngày, đoàn đại biểu lãnh đạo T.Ư Đoàn làm việc với Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia Hàn Quốc (Nonghyup). Tiếp đoàn có ông Lee Jong-wook - Phó Chủ tịch điều hành Phòng Đổi mới tương lai, Nonghyup.

Hai bên bày tỏ vui mừng khi Chương trình đào tạo nông nghiệp tiên tiến và giao lưu thanh niên Việt Nam – Hàn Quốc năm 2025 được tổ chức lần đầu tiên. Đây là chương trình ý nghĩa, kết quả từ cuộc làm việc giữa Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Chủ tịch Nonghyup từ năm 2024.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết cho biết, nông nghiệp Việt Nam đã và đang có nhiều bước chuyển mình tích cực. Tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu và áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật canh tác hiện đại, quản lý thông minh là điều tất yếu. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Hàn Quốc là những bài học quý báu.

Anh Triết đề xuất, hai bên xem xét ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hướng tới nhà nông trẻ và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác, như tài chính, tín dụng.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết tặng quà lưu niệm Phó Chủ tịch điều hành Phòng Đổi mới tương lai, Nonghyup - ông Lee Jong-wook. Ảnh: BTC

Cũng trong chương trình làm việc, đoàn đã được giới thiệu chương trình đào tạo nông nghiệp tiên tiến và giao lưu thanh niên Việt Nam – Hàn Quốc; các thông tin tổng quan về Nonghyup. Đoàn đã tham quan Bảo tàng Nông nghiệp, và tìm hiểu sâu hơn về tiến trình phát triển, bản chất nền tảng của nền nông nghiệp tại Hàn Quốc…

Các đại biểu tham quan Bảo tàng Nông nghiệp tại trụ sở Nonghyup.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn đại biểu T.Ư Đoàn tham quan HTX nông nghiệp Gimpo; nhà máy chế biến gạo của HTX xã gạo Paju; làng nghệ thuật; trung tâm nông sản; nông trại Anseong Farrmland, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Nonghuyp; trung tâm hỗ trợ nông nghiệp thông minh...

Xuân Tùng

 

Agribank đầu tư phát triển nông nghiệp sạch,nông nghiệp công nghệ cao

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là đòi hỏi cấp thiết để đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong bức tranh toàn diện đó, Agribank - với vai trò là ngân hàng thương mại hàng đầu đầu tư cho “Tam nông”, đã và đang khẳng định vị thế tiên phong trong việc cung ứng nguồn vốn, giải pháp tài chính và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Chị Nguyễn Thị Uyên, Giám đốc HTX Hoàng Thức, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chăm sóc lươn nuôi không bùn.

Agribank luôn dành hơn 65% tổng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó tỷ trọng cho vay phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao ngày càng tăng. Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng. Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều người dân đã hiện thực hóa được mơ ước phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao trên chính mảnh đất quê hương.

Nhờ nguồn vốn của Agribank, anh Nguyễn Việt Lâm, Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) đã tiên phong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là mô hình được đánh giá hiệu quả và bền vững nhất. Theo anh Lâm, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, rất may có sự trợ lực từ Agribank anh đã thực hiện hóa giấc mơ làm nông nghiệp sạch của mình. Anh Lâm cho biết: Với 8.000 m2 diện tích sản xuất, mỗi năm Công ty của anh cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn dưa lưới, ớt ngọt và dưa bao tử. Doanh thu hằng năm đạt trên 3 tỷ đồng.

Với hơn 3 tỷ đồng vay từ Agribank Tuyên Quang, chị Nguyễn Thị Uyên, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Thức, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đã gây dựng được mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn. Chị Uyên chia sẻ: Vay được vốn chị đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi bò vỗ béo, chất thải chăn nuôi được quay vòng để nuôi giun quế; giun trùn quế trở thành nguồn thức ăn để chăn nuôi lươn. Chị Uyên khẳng định: Nhờ có điểm tựa là Agribank, Hợp tác xã Hoàng Thức phát triển bền vững, hiện doanh thu hằng năm đạt gần 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.

Đồng chí Đào Quang Uy, Phó giám đốc Agribank Việt Nam - chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cho biết: Agribank luôn xác định cho vay nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn. Agribank không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để mở rộng đầu tư tín dụng giúp khách hàng tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng; đồng thời triển khai các giải pháp để rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn và nâng định mức cho vay cho khách hàng.

Agribank đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương, các bộ ban ngành nhằm triển khai các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng như tiếp cận vốn ngân hàng ngay từ khi hình thành dự án, tài sản thế chấp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao không còn là lựa chọn, mà là con đường tất yếu tạo ra những sản phẩm an toàn và bảo đảm an ninh lương thực. Agribank tiếp tục kiên định sứ mệnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng hành cùng tỉnh, người dân và doanh nghiệp xây dựng một nền nông nghiệp xanh, an toàn, hiệu quả và bền vững - Phó giám đốc Đào Quang Uy khẳng định.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

 

Thái Lan tung gói kích thích 3,51 tỷ USD, tạo việc làm cho 7,4 triệu người

Thái Lan duyệt gói kích thích 115 tỷ baht (tương đương 3,51 tỷ USD), triển khai 481 dự án nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho 7,4 triệu người và hỗ trợ xuất khẩu, du lịch, nông nghiệp.

Nhân viên ngân hàng kiểm đếm đồng Baht tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 24/6, Nội các Thái Lan đã thông qua gói kích thích trị giá khoảng 115 tỷ baht (tương đương 3,51 tỷ USD), bao gồm 481 dự án với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm 0,4% và tạo việc làm tạm thời cho 7,4 triệu người trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết khoản chi này nhằm kích thích kinh tế ngắn hạn, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của Thái Lan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động do nhiều yếu tố bất ổn. Trong 481 dự án, có các hạng mục phát triển hạ tầng tài nguyên nước và thông tin liên lạc, thúc đẩy du lịch, hỗ trợ xuất khẩu, nâng cao năng suất, phát triển số và kinh tế cộng đồng.

Ông Pichai cho biết có 34 dự án thuộc nhóm phát triển cơ sở hạ tầng với tổng ngân sách khoảng 85 tỷ baht. Trong số đó, 8 dự án tập trung phát triển tài nguyên nước nhằm phòng chống lũ lụt mùa mưa, hạn hán mùa khô và xói mòn đất. Các dự án này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho hơn 900.000 hộ gia đình, cung cấp nước cho hơn 640.000 ha đất nông nghiệp và tạo khoảng 70.000 việc làm tạm thời mỗi tháng.

Đối với cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, có 26 dự án bảo trì đường bộ với tổng chiều dài 417 km, chi phí đầu tư khoảng 45,8 tỷ baht và dự kiến tạo việc làm tạm thời cho 285.000 người.

Trong lĩnh vực du lịch, có 420 dự án được triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ baht. Những dự án này dự kiến sẽ thu hút thêm khoảng 2,7 triệu lượt khách du lịch và đóng góp khoảng 55 tỷ baht cho nền kinh tế.

Ngoài ra, có 10 dự án với tổng giá trị khoảng 11 tỷ baht nhằm giảm tác động đến xuất khẩu và tăng năng suất. Mỗi hộ nông dân được kỳ vọng sẽ tăng thêm thu nhập khoảng 6.000 baht cho mỗi 0,16 ha đất nông nghiệp mỗi năm. Khoảng 9 tỷ baht cũng đã được phân bổ cho 17 dự án nhằm cải thiện kinh tế cộng đồng.

Bộ Tài chính Thái Lan yêu cầu tất cả các dự án phải được ký hợp đồng hoặc hoàn tất thỏa thuận mua sắm trước ngày 30/9 năm nay. Nếu không hoàn thành đúng thời hạn, khoản tài trợ sẽ bị hủy bỏ.

Trong quý I/2025, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các nhà dự báo cho rằng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong các quý còn lại khi tác động của thuế quan do Mỹ áp đặt bắt đầu phát sinh.

Ông Pichai cho biết thêm ngoài gói kích thích trên, Thái Lan sẽ triển khai thêm gói cho vay ưu đãi trị giá 200 tỷ baht để hỗ trợ các nhà xuất khẩu.

Đỗ Sinh/vnanet.vn

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop