Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 26 tháng 5 năm 2025

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 26 tháng 5 năm 2025

 

Nông nghiệp tăng tốc nhờ liên kết '5 nhà'

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, liên kết chặt chẽ và sâu rộng giữa các tác nhân là yếu tố sống còn để ngành nông nghiệp Việt Nam có thể phát huy giá trị và vươn ra thị trường quốc tế.

Liên kết để vươn xa

Nếu thiếu sự liên kết này, nông nghiệp khó có thể nâng cao tầm vóc và cải thiện thu nhập cho nông dân. Ông Ngọc đặc biệt đề cao mô hình liên kết “5 nhà” (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Ngân hàng) như một giải pháp hiệu quả để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình hội nhập, không chỉ về mặt kỹ thuật, vốn, mà còn cả quy mô thị trường và chất lượng sản phẩm. Ông cũng khẳng định, phát triển nông nghiệp bền vững, hướng đến sản xuất xanh, hữu cơ là xu hướng tất yếu, đòi hỏi vai trò định hướng của Nhà nước.

Về phía địa phương, ông Ngô Bá Đức, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng xúc tiến thương mại du lịch thuộc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp. Hải Dương tích cực hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất và nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và kinh doanh, ví dụ như sử dụng phần mềm kế toán, bao bì và nhãn mác có mã QR.

Các đơn vị cũng chú trọng quảng bá sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến như TikTok, Zalo, fanpage, sàn thương mại điện tử, đồng thời tham gia hội chợ và tìm kiếm thị trường cả trong và ngoài nước, đặc biệt là khu vực ASEAN. Việc áp dụng máy móc và hệ thống tự động hóa đã giúp giảm đáng kể chi phí nhân công. Các sản phẩm xanh chủ lực của Hải Dương như vải thiều, cà rốt, rau ăn lá, hành tỏi, bánh đậu xanh và củ ngưu bàng hiện đang được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa và một số quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Việc chuyển đổi sang nông nghiệp xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần tăng thu nhập cho người dân, đóng góp vào ngân sách địa phương, tạo thêm việc làm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về các sản phẩm xanh, an toàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”, ông Đức chia sẻ.

Là một điển hình cho thành công của nông nghiệp hữu cơ, ông Trương Thanh Viện, đại diện Hợp tác xã điều hữu cơ Truecoop (Ninh Thuận) chia sẻ về việc đạt chứng nhận quốc tế nhờ cải tiến quy trình và ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Nền tảng số đã giúp hợp tác xã tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng, không bị giới hạn bởi yếu tố địa lý, từ đó mở rộng thị trường, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả phân phối. Trong kỷ nguyên số, việc ứng dụng công nghệ chính là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản xanh.

Đồng quan điểm, ông Dương Trọng Hải, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp số, Tập đoàn VNPT cho rằng, chuyển đổi nông nghiệp xanh tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn bởi nền sản xuất manh mún với 10 triệu nông hộ có diện tích đất dưới 0,5ha. Chuyển đổi xanh trước tiên phải dựa trên nền tảng chuyển đổi số, VNPT sẽ hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ lẻ liên kết lại trở thành những mảnh đất lớn. Nền tảng số quốc gia đóng vai trò trung tâm kết nối dữ liệu và các bên liên quan là then chốt để hiện thực hóa nông nghiệp xanh và bền vững.

Ngành Ngân hàng tích cực thúc đẩy tín dụng tam nông

Đẩy mạnh tài trợ nông nghiệp xanh

Ông Đào Duy Nam, Phó Giám đốc khu vực miền Bắc Nam A Bank cho biết, ngân hàng đang tập trung nguồn lực tín dụng vào 3 lĩnh vực chủ chốt của nông nghiệp: chuỗi giá trị thủy sản, ngành cao su và trồng chè.

“Chúng tôi tiếp cận các lĩnh vực này một cách sâu sát và từ rất sớm, với ngân sách hiện tại khoảng 10.000 tỷ đồng. Bước đầu, nguồn vốn này đã hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và người nông dân trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ”, ông Nam chia sẻ.

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nông nghiệp xanh và chương trình 1 triệu hecta lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, Nam A Bank đã và đang đồng hành cùng các lĩnh vực liên quan. Ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ theo định hướng này. Trước mắt, Nam A Bank đã tài trợ cho một vựa lúa tại ĐBSCL. Tới đây, ngân hàng dự kiến triển khai các gói hỗ trợ về máy móc, thiết bị, công cụ lao động và kỹ thuật cho nông dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng tiếp cận thị trường.

Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Nam, Nam A Bank đang tích cực tìm kiếm và triển khai các nguồn vốn xanh từ 3 kênh chính: nguồn vốn trong nước, nguồn vốn quốc tế đã ký kết với Nhật Bản (ước tính 200 triệu USD sẽ sớm được giải ngân theo tiến độ cam kết) và phát hành trái phiếu xanh (đang trong quá trình xin cấp phép với hạn mức 2.000 tỷ đồng). Song song với đó, ngân hàng chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức về nông nghiệp xanh cho nông dân và cộng đồng; cung cấp các công cụ, thông tin cơ bản về nông nghiệp xanh trên nền tảng số, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho nông dân trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp xanh.

PGS.TS. Luật sư Trần Văn Dũng, chủ sở hữu hãng luật Vũ MacKenzie Việt Nam (VMK) cho rằng, cần cá biệt hóa chính sách tín dụng ưu đãi cho nhà nông, đi sâu vào đặc thù của từng vùng miền. Thay vì tập trung vào tài sản thế chấp, ông Dũng đề xuất các gói vay nên được thiết kế dựa trên phương án sản xuất khả thi và hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Cách tiếp cận này sẽ giảm thiểu rủi ro cho cả người vay lẫn bên cho vay, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho nông dân. Ông cũng chỉ ra tiềm năng của tín dụng vi mô, triển khai thông qua hợp tác giữa ngân hàng, các tổ chức tín dụng địa phương và nền tảng fintech, như một giải pháp hiệu quả cho các hợp tác xã và hộ nông dân quy mô nhỏ.

Hải Yến

 

Tập huấn ứng dụng AI trên sàn giao dịch thương mại điện tử

Sáng 26-5, tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại và truyền thông cho sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa trên sàn thương mại điện tử cho hội viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tham dự tập huấn có 50 cán bộ, hội viên nông dân của 5 huyện trên địa bàn tỉnh đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Học viên nông dân người dân tộc thiểu số thuộc các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh được tập huấn về ứng dụng AI

Trong 3 ngày, cán bộ, hội viên nông dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn thuộc tiểu dự án 2 và 3 của chương trình được giới thiệu tổng quan về trí tuệ nhân tạo (AI), cách thức ứng dụng AI trong tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm qua các nền tảng số. Bên cạnh học lý thuyết, hội viên còn được thực hành sử dụng một số ứng dụng AI phổ biến trong nông nghiệp thông minh; học cách tra cứu thông tin, ghi nhật ký sản xuất điện tử và được chuyển giao kỹ thuật liên kết hộ gia đình, nhóm hộ phát triển sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị.

Báo cáo viên giới thiệu và triển khai cách thức ứng dụng AI trong tiếp cận thị trường qua nền tảng số tại lớp tập huấn

Lớp tập huấn góp phần mở ra hướng đi mới trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân vùng sâu, vùng xa.

Thanh Mảng - Công Minh

 

Mở ra cơ hội xuất khẩu lao động thời vụ tại Hàn Quốc

Cuối tháng 3/2025, 29 lao động huyện Đà Bắc được đưa sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc. Sau khi xuất cảnh, người lao động (NLĐ) sớm ổn định công việc, điều kiện đãi ngộ tốt, mức thu nhập đúng theo thỏa thuận đã ký. Chương trình tiếp tục được mở rộng, các ngành, đơn vị chức năng tích cực tìm kiếm cơ hội việc làm thời vụ tốt ở một số địa phương của Hàn Quốc.

Cuối tháng 3/2025, 29 lao động huyện Đà Bắc được đưa sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc. Sau khi xuất cảnh, người lao động (NLĐ) sớm ổn định công việc, điều kiện đãi ngộ tốt, mức thu nhập đúng theo thỏa thuận đã ký. Chương trình tiếp tục được mở rộng, các ngành, đơn vị chức năng tích cực tìm kiếm cơ hội việc làm thời vụ tốt ở một số địa phương của Hàn Quốc.

Lao động huyện Đà Bắc làm việc trong điều kiện môi trường an toàn tại nông trại của huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc.

Mới đây, dành ưu tiên cho huyện nghèo Đà Bắc, tỉnh triển khai đợt 2 xuất khẩu lao động thời vụ, đồng thời tiến hành quy trình khám sơ tuyển kiểm tra sức khỏe, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc. Chị Lường Thị Mơ, 42 tuổi ở xóm Kìa, xã Yên Hòa chia sẻ: Với trình độ lao động phổ thông và điều kiện hoàn cảnh hiện tại, nhiều người trong độ tuổi lao động, nhất là lứa tuổi trung niên như chúng tôi mong có được cơ hội tốt để thay đổi cuộc sống, cải thiện kinh tế gia đình. Hình thức xuất khẩu lao động làm việc theo thời vụ mở ra cơ hội đó. Tôi nghe nói ở đợt 2 này, đối tác Hàn Quốc có nhu cầu tuyển 50 lao động. Là 1 trong 200 ứng viên, tôi hy vọng may mắn trúng tuyển.

Thí điểm đưa NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hợp tác giữa các địa phương của 2 nước là chương trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59/NQ-CP, ngày 27/4/2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Sau nhiều nỗ lực, ngày 4/11/2024, tỉnh đã ký kết Bản thỏa thuận hợp tác đưa NLĐ đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc. Đây là chương trình phi lợi nhuận, do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đưa đi, phù hợp với NLĐ của tỉnh.

Theo đồng chí Đỗ Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, ở đợt đầu tiên đưa lao động của tỉnh đi làm việc thời vụ tại huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam cho tín hiệu khả quan. NLĐ trao đổi thông tin liên lạc, gửi hình ảnh, video về cho thấy nơi ăn nghỉ được bố trí gọn gàng, sạch đẹp, đầy đủ tiện ích; môi trường làm việc giống như các vùng quê nông thôn Việt Nam. Công việc thường ngày của lao động là trồng trọt, thu hoạch hoa màu: dưa leo, cà chua, rau xanh và các loại trái cây. 29/29 lao động yên tâm, phấn khởi làm việc, chấp hành các quy định theo hợp đồng đã ký với chủ sử dụng lao động.

Tiêu chuẩn tuyển chọn NLĐ đi làm việc thời vụ là đang thường trú tại tỉnh Hòa Bình, độ tuổi từ 25 đến dưới 50 tuổi, tuyển chọn cả nam và nữ, có kinh nghiệm trên 1 năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian làm việc thời vụ từ 5 - 8 tháng. Tiền lương của NLĐ được chi trả hàng tháng, mức lương quy đổi tiền Việt Nam khoảng 36 - 37 triệu đồng/tháng.

Trong tháng 4, Sở Nội vụ đã trình UBND tỉnh cho phép tiếp tục ký kết Bản thỏa thuận hợp tác với các địa phương của Hàn Quốc để đưa NLĐ tỉnh sang làm việc tại Hàn Quốc. Để chủ động nắm bắt nguồn lao động muốn tham gia chương trình, UBND các huyện, thành phố đã thông báo đến xã, phường, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân… và đông đảo NLĐ nắm bắt thông tin về chương trình để đăng ký tham gia. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 500 NLĐ có nguyện vọng đăng ký tham gia dự tuyển.

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Trong bối cảnh thị trường lao động toàn cầu ngày càng phát triển, xuất khẩu lao động thời vụ tại Hàn Quốc thu hút sự quan tâm của nhiều người. Với những ưu điểm vượt trội như: mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc chuyên nghiệp, khả năng tích lũy kinh nghiệm quý báu, chương trình không chỉ mở ra cánh cửa mới, thúc đẩy giảm nghèo bền vững mà còn giúp NLĐ nông thôn có thêm trải nghiệm, trang bị kiến thức khoa học công nghệ để sau này có thể vận dụng vào thực tiễn, phát triển mô hình sản xuất khi trở lại quê hương

Bùi Minh

 

Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tăng gần 50%

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 537 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, tăng 178 HTX so với năm 2020 (359 HTX), tăng gần 50% sau 5 năm.

Thu hoạch cà chua tại Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Anh, xã Hưng Đạo (Thành phố).

Trong đó có 521 HTX phi nông nghiệp và nông nghiệp đang hoạt động thực chất. Số HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 60%, tập trung ở các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. 3 liên hiệp HTX được thành lập và duy trì hoạt động ổn định. Doanh thu binh quân của các HTX ước đạt 2.2 tỷ đồng/HTX/năm tăng 57,14% so với kết quả thực hiện năm 2020; lãi bình quân của HTX ước đạt 315 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX ước đạt 55,28 triệu đồng/người/năm.

Các HTX nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao và phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương. Các huyện: Trùng Khánh, Hòa An, Quảng Hòa... có số lượng HTX tăng trưởng nhanh, gắn với các sản phẩm đặc sản như: miến dong, quýt Trà Lĩnh, chè Đoỏng Lèng, bò Mông... Tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ HTX như: hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn cán bộ HTX; tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển HTX, Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và ứng dụng công nghệ số với tổng kinh phí hỗ trợ trong giai đoạn 2021 - 2025 lên đến 35.3 tỷ đồng.

Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có ít nhất 600 HTX đang hoạt động, trong đó trên 50% HTX có liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và tạo việc làm cho người lao động.

Thế Hiển

 

Đất nông nghiệp trong khu dân cư không lối vào có được chuyển thành đất ở?

Bộ Nông nghiệp và Môi trường trả lời câu hỏi của công dân liên quan đến thửa đất không lối vào có chuyển được thành đất ở không.

Bà Trần Thị Hoa cho biết, liền kề với thửa đất ở của bà là một thửa đất trồng cây hằng năm, nằm trong khu dân cư hiện hữu và thuộc quy hoạch khu dân cư.

Do thửa đất nông nghiệp nằm xen kẹt trong các thửa khác không có lối đi riêng nên bà đã dành một phần đất của thửa đất ở để làm lối đi vào thửa đất trồng cây hằng năm nêu trên.

Nay bà muốn chia đất cho các con sinh sống nên đã xin chuyển mục đích sử dụng thửa đất trồng cây hằng năm này sang đất ở.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho biết, do thửa đất không có đường giao thông nên không đủ điều kiện để chuyển mục đích sang đất ở.

Trong khi đó, dẫn quy định tại khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai 2024 thì hộ gia đình, cá nhân được phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư nếu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Bà Hoa thắc mắc, đất của bà có được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở không?

Ảnh minh họa: Hồng Khanh

Trả lời vấn đề trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị bà liên hệ với cơ quan quản lý đất đai huyện hoặc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh để được hướng dẫn chuyển mục đích sử dụng một phần diện tích đất ở (trong thửa đất ở của bà) thành đất giao thông để làm lối đi vào thửa đất trồng cây hằng năm khác.

Trên cơ sở đó, thực hiện thủ tục xin chuyển thửa đất trồng cây hằng năm khác sang mục đích đất ở theo quy định tại khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai 2024.

Cụ thể, khoản 5 nêu rõ: Căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Hồng Khanh

 

Xuất khẩu sắn - 'át chủ bài' mới cho nông nghiệp Việt Nam?

Để định vị rõ ràng vị trí của cây sắn, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cả nước hiện có trên 40 tỉnh trồng sắn, tập trung ở 5 vùng trọng điểm chính gồm Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chiếm 98% về diện tích và sản lượng sắn cả nước.

Các giống được trồng hiện nay là KM94, KM 140, KM 419, KM 505, HLS-11, các giống địa phương và các giống sắn kháng bệnh khảm lá được công bố lưu hành là: HN1, HN3, HN5.

Tổng sản lượng sắn cả nước đạt 10,4 triệu tấn, trong đó, năng suất bình quân đạt 20,4 tấn/ha. Các tỉnh có năng suất cao là Tây Ninh (33,3 tấn/ha), Đồng Nai, BRVT (25-27 tấn/ha)…

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết để định vị rõ ràng vị trí của cây sắn, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề án đã xác định các định hướng phát triển ngành hàng sắn đến năm 2030 và đưa ra các giải pháp toàn diện để triển khai các mục tiêu đề án.

Diện tích trồng sắn được duy trì từ 480.000-510.000ha, trong đó diện tích sử dụng giống đảm bảo chất lượng chiếm 40-50%, sản lượng củ tươi đạt 11,5-12,5 triệu tấn; tổng công suất các nhà máy chế biến đạt 12-14,2 triệu tấn củ tươi/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 -2 tỷ USD/năm./.

(Vietnam+)

 

Nửa đầu năm 2025: Bình Thuận sản xuất nông nghiệp khá thuận lợi

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, từ đầu năm đến nay, nhờ thời tiết khá thuận lợi, chủ động nước tưới nên sản xuất trồng trọt của nông dân nhiều địa phương đạt hiệu quả. Trên khắp cánh đồng, sau khi kết thúc vụ đông xuân 2024 - 2025 với kết quả tốt, bà con tiếp tục xuống giống vụ hè thu đảm bảo diện tích và thời gian theo kế hoạch.

Một trong những lợi thế của sản xuất nông nghiệp trong nửa đầu năm 2025 là hiện nay trữ lượng nước ở các hệ thống công trình thủy lợi, các hồ chứa cung cấp tương đối đảm bảo cho sản xuất cây hàng năm. Nhờ vậy, thời gian xuống giống và diện tích gieo trồng vụ đông xuân đảm bảo theo kế hoạch.

Lúa vụ đông xuân đạt năng suất cao tại huyện Tánh Linh.

Trong đó, diện tích gieo trồng cây ngắn ngày ước vượt 5,1% kế hoạch (51.920 ha/ 49.410 ha), sản lượng lương thực vụ đông xuân ước đạt 304.310 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử ở vùng lúa trọng điểm huyện Tánh Linh, từ đầu năm đến nay tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất khá thuận lợi, nhờ vậy tổng diện tích gieo trồng trong vụ được gần 11.000 ha, vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng lương thực vụ đông xuân của huyện ước đạt 75.084 tấn, tăng 348 tấn so với cùng kỳ. Ông Lê Chí Đúng - một hộ nông dân trồng lúa tại xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh chia sẻ: Năm nay nhờ nguồn nước tưới đầy đủ, cộng thêm thời tiết khá thuận lợi nên bà con sản xuất đạt năng suất và chất lượng. Ngoài ra, để nâng cao năng suất cây trồng, nông dân không ngừng học hỏi, áp dụng các giống lúa chất lượng cao, giảm lượng giống gieo…

Nông dân chăm sóc cây bắp.

Đáng chú ý, ngay sau khi kết thúc vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai sản xuất vụ hè thu 2025. Theo đó, thời vụ gieo trồng sẽ kết thúc vào giữa tháng 6/ 2025. Tùy theo điều kiện nguồn nước, dự báo rầy nâu di trú, các địa phương triển khai xuống giống tập trung, đồng loạt, phù hợp từng khu vực, từng cánh đồng. Đối với các vùng chưa chủ động hoàn toàn nguồn nước tưới, tùy tình hình nguồn nước tại chỗ và diễn biến của thời tiết, các địa phương bố trí lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng. Riêng cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và trồng mới cây lâu năm xuống giống vào đầu mùa mưa, khi đất đủ ẩm. Theo tiến độ, tính đến trung tuần tháng 5/2025, các địa phương đã xuống giống được trên 6.000 ha lúa và 5 ha bắp vụ hè thu. Song song với sản xuất các loại cây ngắn ngày, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng các cây trồng lợi thế của tỉnh. Điển hình trong nửa đầu năm, sản lượng đạt được từ các loại cây lâu năm như thanh long ước đạt 346.000 tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ; cao su ước đạt 16.880 tấn, tăng 8,9%; hạt điều 12.900 tấn… Ngành cũng tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh sản xuất và kiểm tra, chứng nhận thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 9.243 ha được cấp chứng nhận.

Xuống giống vụ lúa hè thu.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, trong quá trình sản xuất, các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây trồng có xuất hiện và gây hại trên diện rộng, nhưng với tỷ lệ hại thấp, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Trong đó trên cây lúa, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn trên 1.000 ha, bệnh bạc lá 983 ha, sâu đục thân 1.184 ha. Trên cây thanh long, diện tích nhiễm bệnh đốm nâu 1.840 ha, bệnh nám vàng cành 641 ha… Nhờ việc dự tính dự báo tình hình sâu bệnh hại được thực hiện thường xuyên, kịp thời khuyến cáo người dân các biện pháp phòng trừ có hiệu quả, vì vậy sinh vật gây hại trên cây trồng được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch hại phải công bố dịch.

Thanh long Bình Thuận.

Theo kế hoạch trong những tháng còn lại của năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung chỉ đạo sản xuất vụ hè thu và vụ mùa đạt kết quả, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 876.700 tấn lương thực. Song song, đẩy mạnh xã hội hóa giống lúa, tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận; sử dụng hiệu quả đất lúa, chuyển đổi linh hoạt giữa cây lương thực và các cây trồng khác. Tiếp tục khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh sản xuất, kiểm tra, chứng nhận thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật trên cây thanh long và rau màu.

K. HẰNG

 

Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Nhằm chuyển hóa tiềm năng thành giá trị kinh tế bền vững, tỉnh đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất và đẩy mạnh xúc tiến thương mại một cách đồng bộ.

Nông dân xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) đầu tư trồng chanh dây theo hướng hữu cơ. Ảnh: Đinh Yến

Tại xã Nam Yang (huyện Đak Đoa), ông Huỳnh Mau là một trong những người tiên phong áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ trên diện tích hơn 20 ha hồ tiêu và sầu riêng. “Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn Control Union của Mỹ, các sản phẩm nông nghiệp của tôi đã được một doanh nghiệp tại Bắc Ninh bao tiêu với giá cao hơn thị trường”-ông Mau chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đak Đoa, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị nông sản, huyện đã xây dựng nhiều vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Mới đây, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt vị trí xây dựng trung tâm logistics tại huyện để hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ nông sản.

Đồng thời, các hợp tác xã (HTX) như HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đăk Rong cũng được đầu tư hạ tầng gồm đường giao thông nội đồng và sân phơi bê tông phục vụ chế biến cà phê chất lượng cao. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của địa phương đã đạt chất lượng xuất khẩu, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp đầu tư trồng chuối tại huyện Đak Đoa để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Hồng Uyên

Những năm qua, huyện Chư Păh cũng là địa phương điển hình về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Xuân Dũng-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện-thông tin: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn mở ra nhiều cơ hội cho nông sản địa phương vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2021-2025, huyện đã triển khai Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng 60 mô hình tại 9 xã, thị trấn. Tiêu biểu như: trồng dưa lưới trong nhà màng (xã Ia Nhin, Ia Ka, thị trấn Phú Hòa); trồng sầu riêng, cà phê ứng dụng tưới tiết kiệm và công nghệ sinh học; nuôi cá thát lát cườm, diêu hồng, rô phi sử dụng công nghệ sục khí; áp dụng tưới phun mưa cho cây ăn quả, cà phê ở xã Nghĩa Hưng, Ia Nhin, thị trấn Phú Hòa...

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường hướng dẫn người dân và HTX áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ vào sản xuất; đồng thời, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt chuẩn phục vụ truy xuất nguồn gốc các loại sản phẩm. Tính đến nay, Gia Lai có 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Các huyện như Đak Đoa, Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh đã hình thành được các vùng chuyên canh các loại cây trồng có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và bảo quản sau thu hoạch.

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-nhận định: “Sản xuất nông nghiệp phải gắn với thị trường. Muốn sản phẩm đi xa, ngoài chất lượng, phải có hồ sơ truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận, có câu chuyện sản phẩm. Các tổ chức, doanh nghiệp, HTX và người dân phải làm chủ được quy trình từ đầu vào đến đầu ra”.

Tuy nhiên, hiện phần lớn sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp khó trong khâu xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn khi chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà chưa mở rộng ra bên ngoài.

Trước thực trạng này, tỉnh đã đẩy mạnh kết nối giao thương, hỗ trợ quảng bá trên nền tảng số và tham gia các hội chợ nông sản trong nước. Sàn thương mại điện tử tỉnh hiện đã liên kết với gần 150 doanh nghiệp, HTX để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng đã được đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.

Tuy vậy, theo phản ánh từ nhiều chủ thể OCOP, hoạt động xúc tiến thương mại còn dàn trải, thiếu chiều sâu; kỹ năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp nhỏ và HTX còn hạn chế. Một số sản phẩm có chất lượng tốt nhưng chưa có chiến lược marketing phù hợp nên khó cạnh tranh.

Để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho hay: Sở sẽ tiếp tục tham mưu triển khai các giải pháp trọng tâm như: nâng cao năng lực sản xuất; tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ nông dân, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ.

Đồng thời đưa sản phẩm chất lượng cao lên sàn thương mại điện tử, xây dựng hình ảnh sản phẩm gắn với địa phương; đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu chính ngạch và tham gia chuỗi cung ứng trong, ngoài nước. Ngoài ra, Sở cũng sẽ hỗ trợ HTX, doanh nghiệp về kỹ năng quảng bá, kết nối đối tác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm.

ĐINH YẾN

 

Hành trình vươn lên thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tây Ninh

Tỉnh Tây Ninh đang chuyển mình mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của nông nghiệp công nghệ cao, thu hút nhiều tập đoàn lớn đầu tư.

Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh từng được biết đến như một địa phương thuần nông, với nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Thế nhưng, chỉ trong chưa đầy một thập kỷ, nông nghiệp Tây Ninh đang dần khoác lên mình chiếc áo mới - hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, và đặc biệt là có khả năng tạo ra giá trị kinh tế cao.

Lợi thế tự nhiên và quyết tâm chính trị

Tây Ninh có thế mạnh rõ rệt về phát triển nông nghiệp khi sở hữu tài nguyên đất đai rộng lớn và nguồn nước dồi dào từ hai con sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Ðông. Điều kiện khí hậu thuận lợi, quỹ đất nông nghiệp lớn và mặt bằng rộng tạo điều kiện lý tưởng cho việc triển khai các mô hình canh tác quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Theo thống kê, nông nghiệp hiện chiếm hơn 20% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh - một tỷ lệ khá cao so với bình quân cả nước. Điều này vừa cho thấy tầm quan trọng của khu vực nông nghiệp đối với kinh tế địa phương, vừa đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tái cơ cấu theo hướng bền vững, hiện đại hơn để tăng sức cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng.

Công trình dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông đẹp mắt tại huyện Châu Thành, Tây Ninh. (Ảnh: Giang Phương)

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh đã xác định rõ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị là một trong bốn đột phá chiến lược của địa phương.

Đây được xem là hướng đi then chốt nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Từ nền tảng này, người nông dân có thể yên tâm bám đất, làm giàu từ chính ruộng đồng quê hương.

Quyết tâm chính trị ấy đang từng bước hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể. Mới đây, Tây Ninh khánh thành Khu chăn nuôi công nghệ cao DHN, công bố 7 dự án trọng điểm vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, công nhận Vùng an toàn dịch bệnh Tây Ninh và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty ORVIA Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) đầu tư phát triển sản phẩm vịt giống, vịt thịt và sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (2025 - 2027) sẽ xây dựng nhà máy ấp con giống hiện đại, công nghệ cao có diện tích khoảng 2 ha, cung cấp cho thị trường 1,2 triệu sản phẩm vịt giống/năm và nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU có diện tích khoảng 20-30 ha sử dụng 30.000 - 50.000 tấn nguyên liệu từ hoạt động chăn nuôi tại địa phương để sản xuất và cung cấp cho thị trường khoảng 120.000 - 150.000 tấn phân bón hữu cơ và vi sinh.

Tây Ninhh hiện có hơn 80 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhậnVietGAP, hơn 70 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. (Ảnh: Trần Khánh)

Giai đoạn 2 (2027 - 2030) sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 80ha, cung cấp khoảng 4 triệu sản phẩm vịt giống và 18 triệu sản phẩm vịt thịt mỗi năm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Halal và quốc tế. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án này là 2.000 tỷ đồng.

Những dự án này không chỉ mở ra hướng đi mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về tiềm năng, lợi thế và quyết tâm “bắt kịp” xu hướng nông nghiệp hiện đại của Tây Ninh.

Định hướng 20 vùng nông nghiệp công nghệ cao

Không dừng lại ở vài dự án đơn lẻ, Tây Ninh đã vạch ra kế hoạch phát triển 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2022 - 2030. Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh, đây là chiến lược lâu dài với từng bước đi cụ thể, rõ ràng.

Cụ thể: Giai đoạn 2022 - 2025: Hình thành 9 vùng nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm 5 vùng trồng trọt với tổng diện tích gần 3.000 ha; 3 vùng chăn nuôi gà thịt quy mô 972.000 con/lứa; và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt - chăn nuôi diện tích hơn 1.600 ha.

Giai đoạn 2026 - 2030: Tiếp tục mở rộng 11 vùng, trong đó có 8 vùng trồng trọt với diện tích hơn 5.700 ha; 2 vùng chăn nuôi bò sữa, lợn thịt với quy mô 50.000 con/năm; và 1 vùng hỗn hợp diện tích 1.000 ha. Mỗi vùng sản xuất đều phải hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, tránh tình trạng “được mùa mất giá” từng xảy ra trước đây.

Sông Vàm Cỏ Đông thuận lợi giao thông đường thủy, góp phần phát triển công, nông, lâm nghiệp cho Tây Ninh. (Ảnh: Đại Dương)

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI xác định: Đến năm 2025, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải đạt giá trị sản phẩm 150 triệu đồng/ha; đến năm 2030 là 180 triệu đồng/ha. Đồng thời, nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.

Đây là mục tiêu lớn, nhưng hoàn toàn khả thi khi tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ: từ hỗ trợ lãi vay, liên kết sản xuất 0 tiêu thụ, đến khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 14 dự án sản xuất công nghệ cao với tổng diện tích hơn 233 ha, tổng kinh phí hỗ trợ gần 6 tỷ đồng. Trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, 11 dự án đã được hỗ trợ với tổng diện tích hơn 2.230 ha và 850 con bò, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 33 tỷ đồng.

Giai đoạn 2022 - 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tiếp nhận 34 hồ sơ đăng ký hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất tốt, trong đó 24 hồ sơ đã được phê duyệt với kinh phí gần 740 triệu đồng.Song song với trồng trọt, chăn nuôi cũng là một điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp Tây Ninh.

Tổng đàn gia súc toàn tỉnh hiện đạt gần 345.000 con với 628 trang trại, tăng 5,7% so với năm 2021. Đáng chú ý, đàn gia cầm đạt đến 9 triệu con với 107 trang trại, tăng hơn 20% so với năm trước. Sự tăng trưởng này là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình trong tư duy sản xuất, từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, ứng dụng công nghệ và gắn với chuỗi giá trị.

“Tỉnh đang nỗ lực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã tham gia chuỗi sản xuất hiện đại, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường”, ông Xuân nói.

Hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế

Với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư và đặc biệt là vị trí địa lý chiến lược, Tây Ninh đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lý giải về quyết định chọn Tây Ninh là địa phương trọng điểm để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus (Hà Lan) nhận định, Tây Ninh hội tụ nhiều lợi thế để trở thành "cứ điểm" quan trọng trong chiến lược mở rộng chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam.

Theo ông Gabor, Tây Ninh không chỉ sở hữu vị trí địa lý đặc biệt, là cầu nối giữa TP.HCM và thủ đô Phnom Penh (Campuchia), mà còn nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus, Hà Lan.

Với đường biên giới dài 240 km, có tới 3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu chính và 10 cửa khẩu phụ, Tây Ninh thuận lợi trong việc kết nối giao thương nội địa và quốc tế. Đây là yếu tố chiến lược giúp địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Gabor chia sẻ thêm, trong những lần trao đổi với các lãnh đạo ngành nông nghiệp Việt Nam, như nguyên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Lê Minh Hoan hay Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ông thường xuyên được nhấn mạnh về trách nhiệm của doanh nghiệp FDI trong việc góp phần đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước, đồng thời hướng tới chinh phục thị trường quốc tế với hàng tỷ người tiêu dùng.

"Sự hỗ trợ thiết thực từ các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã tiếp thêm động lực để De Heus hiện thực hóa các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam", ông nói.

De Heus cùng các đối tác như Hùng Nhơn, Bel Gà, Big Dutchman... đã từng bước mở rộng sự hiện diện tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Sau khi triển khai thành công dự án con giống gia cầm tại Lâm Đồng, trong 3 năm trở lại đây, De Heus bắt đầu chuyển hướng chiến lược đầu tư về Tây Ninh.

Hiện tập đoàn này đã đưa vào hoạt động nhà máy ấp trứng hiện đại tại huyện Trảng Bàng, đánh dấu bước đi đầu tiên trong chuỗi dự án nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.

"Chúng tôi nhìn thấy cả tiềm năng và điểm yếu của Tây Ninh. Tuy phát triển sau một số tỉnh thành khác, nhưng điều này lại trở thành lợi thế khi xây dựng các vùng chăn nuôi hiện đại, đảm bảo an toàn dịch bệnh và phục vụ xuất khẩu. Muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, yếu tố quan trọng là phải có đất rộng, sạch bệnh, quy hoạch bài bản, điều mà Tây Ninh đang có", ông Gabor phân tích.

Hoàng Thọ

 

Tạo thương hiệu riêng cho nông sản Bình Phước

Ngành nông nghiệp được tỉnh Bình Phước xác định là ngành kinh tế chủ lực của địa phương.

Người dân thu hoạch bưởi theo hướng GlobalGAP ở xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp. Ảnh: K GƯỈH/TTXVN

Tỉnh có quỹ đất nông nghiệp dồi dào với gần 425.000ha để phát triển vùng nguyên liệu trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn. Tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2026 – 2030 đạt khoảng 2%/năm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, quan điểm của tỉnh là phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Bình Phước tổ chức các khu nông nghiệp tập trung với quy mô lớn ở các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú. Hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Phú, và thị xã Bình Long.

Trong đó, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chủ yếu là sản phẩm cây ăn trái) với quy mô khoảng 10.800 ha, tập trung vào các huyện: Bù Gia Mập 2.000 ha, Bù Đăng 2.000 ha, Phú Riềng 1.500 ha, Bù Đốp 1.500 ha, Lộc Ninh 1.500 ha, Hớn Quản 1.000 ha, Đồng Phú 700 ha và thị xã Bình Long 600 ha. Định hướng phát triển các loại cây trồng, với cây điều, tỉnh giảm diện tích còn khoảng 138.000ha, phát triển theo hướng nâng cao năng suất và tính cạnh tranh của cụm ngành; tái cấu trúc vùng nguyên liệu, tích cực cải tạo và chuẩn hóa giống điều, đặc biệt là tại các diện tích điều già cỗi cần được thay thế, đến năm 2030 tái canh được 30.000ha, hướng đến mục tiêu tăng năng suất lên 2 – 2,5 tấn/ha. Đồng thời, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa người sản xuất – hợp tác xã và doanh nghiệp, gắn với sự hình thành và phát triển của các nhà máy chế biến điều nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu có chất lượng và cung cấp ổn định. Tỉnh phát triển sản phẩm hạt điều Bình Phước theo hướng đặc sản, giảm áp lực cạnh tranh của hạt điều nhập khẩu. Với cây cao su, tỉnh giảm diện tích từ 247.000ha xuống còn khoảng 200.000ha, phát triển theo hướng nâng cao tính cạnh tranh của cụm ngành; quy hoạch vùng trồng, tăng cường tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu mức độ thâm dụng lao động, đặc biệt là lao động cơ bản tại các lâm trường cao su. Cây hồ tiêu tỉnh giảm diện tích còn khoảng 10.000ha vào năm 2030, tập trung vào vùng trồng có lợi thế phát triển, giảm diện tích ở những nơi không phù hợp; nâng cao năng suất và chất lượng, đặc biệt ở khâu trồng trọt và khâu sau thu hoạch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp sạch. Bình Phước còn định hướng phát triển các vật nuôi chủ yếu đến năm 2030 với đàn lợn đạt 3,2 triệu con, đàn gia cầm 32 triệu con, đàn trâu bò 60.000 con. Tỉnh hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao với quy mô 9.500 ha, tập trung tại các huyện: Bù Gia Mập 2.500 ha, Bù Đăng 2.000 ha, Hớn Quản 1.500 ha, Lộc Ninh 1.500 ha, Phú Riềng 800 ha, Bù Đốp 600 ha và Đồng Phú 600 ha. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển chăn nuôi lợn, gà theo mô hình tập trung tại 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng. Những địa bàn phát triển mạnh đô thị như thành phố Đồng Xoài; thị xã Bình Long, Phước Long, Chơn Thành; các xã Tân Tiến, Tân Lập, Tân Hòa, Tân Phú huyện Đồng Phú khuyến khích vận động doanh nghiệp di dời các trang trại chăn nuôi ra khỏi địa bàn. Địa phương cũng cơ cấu lại hình thức liên kết, hợp tác sản xuất; trong đó, đối với liên kết ngang, tỉnh phát triển đồng bộ, hiệu quả, có chất lượng, khuyến khích, hỗ trợ nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu với quy mô đủ lớn gắn với nhu cầu, tín hiệu thị trường; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã; giữa các doanh nghiệp; liên kết vùng sản xuất. Đối với liên kết dọc, địa phương tập trung xây dựng, kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức đại diện nông dân liên kết theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi sản xuất theo quy trình sản xuất tiêu chuẩn, an toàn, đa dạng sinh thái, thân thiện môi trường, đa giá trị và bền vững; thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, thị trường; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. PGS.TS. Đỗ Phú Trần Tình Viện trưởng Viện phát triển chính sách, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đề xuất, Bình Phước tập trung phát triển mạnh mô hình kinh tế trang trại hiện đại và các vệ tinh xung quanh kinh tế trang trại. Từ đó, các trang trại quy mô lớn sẽ được đầu tư với công nghệ tiên tiến, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển các chuỗi giá trị nông sản giá trị cao như nông sản hữu cơ, organic, nông sản gắn với tín chỉ carbon, tín chỉ giảm phát khí thải (CERs) tạo nên thương hiệu riêng cho nông sản Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế, vừa bắt kịp xu thế phát triển xanh, vừa là trọng tâm để quảng bá thúc đẩy kinh tế – xã hội, văn hóa – du lịch. Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho rằng, với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn. Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU.

Nguồn: https://dantocmiennui.baotintuc.vn/tao-thuong-hieu-rieng-cho-nong-san-binh-phuoc-post360118.html

Nhật Bình/vnanet.vn

 

Rút ngắn khoảng cách giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm nông sản

Tây Ninh, một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đang từng bước khẳng định vị thế trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ vào tiềm năng tự nhiên phong phú và chính sách phát triển hợp lý.

Trong những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh các giải pháp nhằm tạo bệ phóng cho nông sản địa phương, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Định hướng phát triển bền vững

Tây Ninh đang từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xu thế thị trường. Tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như trồng rau trong nhà kính, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Công nhân cho bò ăn từ sản phẩm cây bắp xay nhuyễn sau khi ủ với muối hột và mật rỉ đường. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ và chế biến thịt bò mát theo tiêu chuẩn Australia, Công ty trách nhiệm hữu hạn PACOW International (địa chỉ thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã đầu tư xây dựng toàn bộ chuỗi sản xuất khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”, không chỉ là bước tiến lớn về công nghệ mà còn mở ra cơ hội việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Ông Oàn Lộc Phến, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn PACOW International chia sẻ, sở dĩ ông chọn mảnh đất Tây Ninh để đầu tư là do vùng đất này có nguồn nước, nguồn nguyên liệu dồi dào; đất đai rộng lớn, chính sách đầu tư với nhiều ưu đãi, hội tụ được các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Nhằm bảo đảm an toàn trong sản xuất thịt, công ty thiết lập quy trình chăn nuôi và giết mổ khép kín, từ nhập bò giống, chăn nuôi, thực hiện giết mổ và đóng gói thịt bò thành phẩm để cung cấp ra thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết: Một trong những bước ngoặt lớn của ngành nông nghiệp hiện nay chính là sự thay đổi trong tư duy làm nông. Ông Xuân dẫn chứng, nếu như trước đây, tại các cuộc triển lãm nông nghiệp, phần lớn sản phẩm được giới thiệu chủ yếu là nông sản thô như củ khoai mì, hay hình ảnh của gia súc, gia cầm, thì hiện nay, xu hướng đã chuyển dần sang các sản phẩm chế biến.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các mặt hàng được sơ chế, bảo quản bằng công nghệ như hút chân không, sấy khô, đông lạnh... không chỉ tiện lợi cho người tiêu dùng mà còn dễ dàng phân phối đến nhiều kênh bán lẻ khác nhau. Ngoài ra, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã cũng đang hợp tác với doanh nghiệp chế biến để tạo ra những sản phẩm có tính thương mại cao. Tất cả cho thấy người sản xuất đã chủ động hơn trong việc gia tăng giá trị nông sản, thay vì chỉ phụ thuộc vào giá cả thị trường.

Cân thịt bò Úc thành phẩm trước khi đóng gói. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Bên cạnh đó, sự đổi mới còn thể hiện rõ qua việc ứng dụng mạnh mẽ máy móc và công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp. Từ các thiết bị phun thuốc tự động, máy bón phân, đến việc sử dụng chế phẩm sinh học hỗ trợ cây trồng – tất cả đều góp phần nâng cao hiệu quả canh tác và giảm sức lao động thủ công. Ông Nguyễn Đình Xuân cũng nhấn mạnh, đây chính là bước chuyển mình quan trọng, minh chứng cho một tư duy nông nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp và bền vững – yếu tố then chốt để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Việt trong thời gian tới.

Đáng chú ý, Tây Ninh đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Các tập đoàn lớn như Hùng Nhơn, De Heus và Vinamilk đã đầu tư những dự án quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Chú trọng đến chất lượng

Tây Ninh hiện đang tích cực xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, gắn kết nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã. Những đặc sản địa phương như muối tôm, bánh tráng phơi sương, mãng cầu Bà Đen đã có thương hiệu riêng, hiện diện trên sàn thương mại điện tử và hệ thống siêu thị lớn. Tỉnh cũng triển khai chương trình OCOP, hỗ trợ nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, minh bạch đang trở thành mục tiêu mà cả người dân lẫn các đơn vị sản xuất nông nghiệp đều hướng tới. Trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng đang ngày càng được thu hẹp nhờ vào các nền tảng thương mại điện tử, các kênh phân phối trực tuyến và những gian hàng chính thức trên môi trường số.

Theo ông Xuân lý giải, hiện nay nhiều nhà sản xuất đã chủ động xây dựng trang web, quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin về sản phẩm, từ chủng loại đến giá cả. Nông dân Việt Nam cũng đang ngày càng nhạy bén và bắt kịp xu thế thị trường, sẵn sàng thay đổi để thích nghi với các phương thức bán hàng hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Thu Ngân, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đa Truyền thông Vạn Hoa (phường 2, thành phố Tây Ninh), đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử cholonghoa.com, cho biết: “Việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng rộng khắp, tiết kiệm chi phí vận hành, quảng bá sản phẩm linh hoạt, tăng doanh số nhanh chóng. Với xu hướng tiêu dùng hiện đại, bán hàng online ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng có thói quen mua sắm trực tuyến, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển bền vững.”

Đặc biệt, trong lĩnh vực thực phẩm – lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất và độ an toàn. Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc trở thành yếu tố then chốt giúp nâng cao niềm tin. Mỗi sản phẩm đều được gắn mã vùng trồng, mã chế biến và có thể truy vết toàn bộ hành trình từ nông trại đến bàn ăn. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng, mà còn tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng giám sát và can thiệp nhanh chóng trong trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm.

Ông Xuân cũng nhấn mạnh, xu hướng tiêu dùng hiện đại đang thúc đẩy ngành nông nghiệp đổi mới mạnh mẽ và thương mại điện tử chính là cầu nối hiệu quả giúp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đến gần hơn với thị trường, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho người nông dân trong thời kỳ chuyển đổi số.

Theo định hướng của UBND tỉnh, Tây Ninh đã xác lập các vùng ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư và tham gia xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Mục tiêu cho năm 2025, tỉnh sẽ hình thành 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm 12 vùng trồng trọt, 7 vùng chăn nuôi và 3 vùng kết hợp. Mỗi vùng sản xuất sẽ được chứng nhận và phát triển ít nhất một chuỗi liên kết tiêu thụ, góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết lên trên 25% vào năm 2025 và đạt 35% vào năm 2030.

Giang Phương – Thanh Tân (TTXVN)

 

Đào tạo nghề nông nghiệp: Những thách thức đặt ra

Hơn 60% số dân của Thái Nguyên sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc đào tạo nghề cho lĩnh vực này đóng một vai trò quan trọng, góp phần giúp người nông dân nắm được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để áp dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Dù vậy, đào tạo nghề nông nghiệp vẫn đang gặp không ít thách thức khi học viên tham gia các lớp dạy nghề ngày càng giảm về số lượng.

Các lớp đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tổ chức, giúp cho người dân nắm được quy trình thâm canh sản xuất; chủ động đưa các giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.

Nâng cao kiến thức nhà nông

Đào tạo nghề nông nghiệp là một trong những nội dung nằm trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thái Nguyên. Được phân cấp trực tiếp về các huyện, thành phố trong tỉnh nên thời gian qua, đào tạo nghề nông nghiệp đã được các địa phương chủ động lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của người dân.

Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Các nghề được đào tạo chủ yếu là kỹ thuật sản xuất rau an toàn, trồng lúa - ngô, sản xuất chè, chăn nuôi thú y…

Thông qua các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, người dân nắm được kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, từ đó tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và có giá bán cao hơn. Bà Vũ Thị Thơ, ở xóm 7, xã Bình Thuận (Đại Từ) nói: Mỗi lớp chỉ diễn ra trong 3 tháng. Giờ lên lớp được giảng viên tạo điều kiện sao cho học viên vừa thực hiện tốt công việc của gia đình, đồng áng mà vẫn có thời gian tham gia đầy đủ các buổi học. Quá trình học, chúng tôi đã “vỡ" ra rất nhiều điều.

Đến nay, chúng tôi đã mạnh dạn đưa giống lúa thuần chất lượng cao, lúa lai vào gieo cấy thay thế giống lúa Khang dân đã có biểu hiện thoái hóa, xuống cấp; tích cực cấy trà lúa xuân muộn để tránh rét, mùa sớm để kịp sản xuất cây trồng vụ đông. Đặc biệt là sử dụng đúng chủng loại, liều lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật phun phòng trừ sâu bệnh cho lúa, rau, chè, trong đó ưu tiên các loại thuốc sinh học có chứa các hoạt chất nguồn gốc tự nhiên… - bà Vũ Thị Thơ

Còn theo bà Đỗ Thị Hòa, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), được tham gia lớp đào tạo kỹ thuật sản xuất, chế biến chè giúp bà con nông dân mạnh dạn sản xuất chè theo hướng hữu cơ, vừa bảo vệ cây chè phát triển bền vững, vừa tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường…

Cũng từ tham gia các lớp đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi, thú y đã giúp ông Nguyễn Kim Xưa, tổ dân phố Cọ 1, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), nắm bắt được kiến thức về phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà; áp dụng khoa học, công nghệ vào chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Xưa cho biết: Tôi bắt đầu chăn nuôi gà lông trắng quy mô trang trại (4 vạn con/năm) từ năm 2003. Dịch bệnh chính là mối nguy hại lớn nhất nên khi mới nuôi, chưa có kinh nghiệm, tôi từng “trắng tay” do đàn gà mắc cúm H5N1. Sau đó, tôi đã tham gia nhiều khóa đào tạo nghề chăn nuôi, thú y nên biết cách chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Từ thất bại ban đầu đó, đến nay đã hơn 20 năm, trang trại chăn nuôi của gia đình ngày càng đạt kết quả cao hơn với khoản thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Khó khăn đặt ra

Trong thời đại 4.0, nền nông nghiệp của Thái Nguyên đang hướng đến sản xuất chuyên canh hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Do đó, việc nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, đáp ứng yêu cầu đề ra là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, số lao động ở nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được đào tạo nghề nông nghiệp lên tới khoảng 90%.

Trong khi đó, số người dân ở vùng nông thôn của tỉnh được đào tạo nghề nông nghiệp đang có xu hướng giảm mạnh. Trước đây, mỗi năm Thái Nguyên đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 1.200 người. Tuy nhiên, năm 2024, kết quả đào tạo nghề nông nghiệp chỉ đạt 46,05% so với kế hoạch giao.

Nhiều hộ dân ở Thái Nguyên đã tiếp cận tiến khoa học kỹ thuật, áp dụng vào chăn nuôi tuần hoàn, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Đây chính là lý do khiến cho khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới của người nông dân vào sản xuất còn hạn chế. Theo nhận định của ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, ngoài những lao động làm việc tại hơn 1.250 trang trại của tỉnh được đào tạo kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh động vật, còn lại hầu hết là lao động thủ công. Đặc biệt, tại các các nông hộ, kiến thức về chăn nuôi, thú y vẫn còn rất hạn hẹp.

Phần đa lao động nông nghiệp, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh, trình độ còn thấp. Quá trình đào tạo nghề nông nghiệp, các giảng viên cần gắn kết cả hai phần lý thuyết và thực hành. Tuy nhiên, do nhiều lớp đào tạo nghề tổ chức ngay tại địa phương, cơ sở hạ tầng hạn chế nên khâu thực hành chưa được thực hiện hiệu quả. Tại các khóa đào tạo, học viên phần đa chỉ thực hành bằng việc tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất thực tế chứ không được trực tiếp tham gia sản xuất nên hiệu quả đào tạo chưa cao.

Nhận định về nguyên nhân tỷ lệ người dân được đào tạo nghề nông nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch, ông Nguyễn Thành Nam cho biết: Do một số địa phương không thuộc đối tượng là huyện nghèo theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ nên nông dân không được đào tạo nghề theo nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Hơn nữa, số người có nhu cầu học nghề giai đoạn 2021-2025 giảm sâu so với giai đoạn 2016-2020 do lao động trẻ tuổi đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp.

Cùng với đó, định mức kinh tế kỹ thuật cho các nghề nông nghiệp được ban hành chưa nhiều nên chưa có sự vào cuộc của các cơ sở đào tạo ngoài công lập thông qua hình thức đặt hàng. Đó là chưa kể đến tình trạng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo chủ yếu là các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên được giao nhiệm vụ. Các cơ sở đào tạo nghề như trung tâm, công ty, doanh nghiệp chưa tham gia do tỉnh chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, mức giá đào tạo để đặt hàng theo quy định. - ông Nguyễn Thành Nam

Để giải quyết những khó khăn nêu trên, Thái Nguyên nên tiếp tục quan tâm nhiều hơn tới công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn. Cùng với đó, phát triển các vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp để tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với đào tạo nghề. Đồng thời, các cấp, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục phối hợp để điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, sử dụng lao động nông thôn và năng lực của các cơ sở đào tạo. Từ đó, xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu của người lao động; lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nguồn kinh phí để thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn hiệu quả…

Tùng Lâm

 

Tuần Giáo lập 'cú đúp' xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), bằng sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân, huyện Tuần Giáo đã bước đầu thựchiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh cà phê, mắc ca. Các thôn, bản vùng cao khoác lên mình diện mạo mới.

Hoàn thành nhiều mục tiêu lớn

Những năm qua huyện Tuần Giáo đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng NTM phù hợptheo quy định. Trong đó, quan tâm phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồngbộ, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; thựchiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Huyện Tuần Giáo bướcđầu hình thành vùng chuyên canh cây mắc ca, cà phê. Trong ảnh:Người dân xã Tỏa Tình chăm sóc vườn mắc ca xen cà phê.

Để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTMgắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều dự án, đề án phát triển sản xuất đãđược huyện Tuần Giáo triển khai thực hiện.

Nổi bật là các dự án hỗ trợ pháttriển cây mắc ca thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Với sự vàocuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, sau 4 năm triển khai, toàn huyện pháttriển được 5.913,7ha mắc ca đưa Điện Biên thành tỉnh có diện tích mắc ca lớnnhất cả nước. Năm 2025, huyện tiếp tục vận độngnhân dân trồng mới 2.168,1ha mắc ca.

Cùng với mắc ca, cây cà phê cũng được huyện Tuần Giáo xác định là cây xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Năm2024, diện tích trồng mới cà phê đạt hơn 1.000ha, nâng tổng diện tích cà phê toànhuyện lên gần 1.600ha. Nhờ trồng cà phê đến nay huyện có nhiều triệu phú nông dân là người dântộc thiểu số với thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm; tập trung tại các xã: ToảTình, Quài Nưa… Phát huy kết quả đạt được, năm 2025 người dân huyện Tuần Giáotiếp tục trồng mới hơn 2.000ha cà phê.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã giúp nhiều người nghèo trên địa bàn huyện Tuần Giáo có nhà ở khang trang.

Tiêu chí nhà ở dân cư là một trongnhững tiêu chí quan trọng, khó đạt nhất trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Huyện Tuần Giáo đã triểnkhai có hiệu quả các chínhsách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát, nâng cao chất lượng nhà ở dân cư. Huyệnđã huy động các nguồn lực(tiền, ngày công, vật liệu xây dựng) từ cộng đồng để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo trong xóa nhà tạm, nhà dộtnát. Tính riêng năm 2024, huyện Tuần Giáo đã hoàn thành 1.040 ngôi nhà đại đoànkết; năm 2025 tiếp tục triển khai hỗ trợ 1.509 hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nhờ đó, 18/18 xã trên địa bàn huyện cơ bản đạt tiêu chísố 9 về nhà ở dân cư.

Xác định pháttriển hạ tầng giao thông là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triểnkinh tế, xây dựng NTM, giai đoạn2021 – 2025, huyện Tuần Giáo tập trung huy động tối đa các nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp, làm mơí45,776km đường giao thông nông thôn, phục vụ nhu câùđi lại, giao thương của người dân trên địa bàn.

Người dân bảnCọ, xã Quài Nưa đóng góp ngày công làm đường bê tông nội bản.

3 xã đồng loạt "cán đích"

Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, liên tục cần phát huy sức mạnh, sự đồng thuận của người dân. Huyện Tuần Giáo đã đẩy mạnh công tác tuyêntruyền bằng nhiều hình thức làm thay đổi nhận thức, tạo sự đồng lòng của người dân trong xây dựng NTM. Bà con tự nguyện hiến đất, góp công, góp của chung tay xây dựngthôn bản sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh.

Các tuyếnđường nội bản ngày càng khang trang, sạch đẹp được lắp đèn chiêúsáng. Trong ảnh: Đường nội bản Ly Xôm, xã Chiềng Sinh.

Là xã có điều kiện kinh tế khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số,xã Chiềng Sinh xây dựng NTM với điểm xuất phát thấp. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã đã chú trọng công tác tuyên truyền nội dung, mục tiêu, ý nghĩa của chương trình với nhiều hình thức đa dạngnhư: Các buổi sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức đoànthể, họp bản, qua mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở. Nhờ đó tạo sự đồng thuận cao của người dântrong xây dựng NTM.

Trong 2năm 2023 - 2024, toàn xã đã huy động người dân hiến trên 840m2 đất làm đường giao thông, đóng góptrên 5.300 ngày công lao động và hơn 239,5 triệu đồng để thực hiện các côngtrình hạ tầng nông thôn. Điểm sáng của xãChiềng Sinh trong xây dựng NTM là công tác xã hội hóa để thực hiện tiêu chí khó (bê tông hóa giao thông nông thôn). Từ năm 2019 đến nay, xã Chiềng Sinh đã xã hội hóa trên 3 tỷ đồng, cùng vơíđóng góp ngày công của nhân dân trên địa bàn hoàn thành 12 đường bê tông nội bản mang tên “conđường nhân ái” và triển khai mô hình đèn chiếu sáng tại tất cả các tuyến đường nôịbản. Góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn xã vùng cao.

Nông dân xã Quài Cang ứng dụng công nghệ VietGap trồng rau trong nhà màng.

Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, nằm bên trục quốc lộ 6, những năm qua xã Quài Cang đã tập trung đẩy mạnh phát triển sảnxuất nông nghiệp gắn với xâydựng NTM theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tranh thủ mọi nguồn lực, xã Quài Cang hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích đấtnương bạc màu, đất đồi bỏ hoang sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao như: mắcca, cà phê. Hiện toàn xã đãphát triển được 929,33ha cây mắc ca và gần 62ha cây cà phê. Đặc biệt, xã đãthực hiện thành công mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo hướng VietGapvới quy mô 5.000m2.

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Quài Cang đã huy động các nguồn lực với tổng số tiềntrên 112 tỉ đồng, người dân hiến trên 8.500m2 đất để xây dựng NTM. Các tuyến đường giao thông của xã đảm bảosáng, xanh, sạch, đẹp đạt 95%. Đường trục thôn, bản và đường liên bản được bêtông hóa 80%, 100% hộ dân có điện chiếu sáng.

Người dân bản Cọ, xã Quài Nưa trồng mắc ca năm 2025.

Tại xã QuàiNưa, nhờ xây dựng NTM đúngđịnh hướng, đời sống người dân có sự chuyển biến rõ rệt. Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng,vật nuôi nhiều mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắnvới tiêu thụ sản phẩm được triển khai có hiệu quả. Tiêu biểu như mô hìnhtrồng cây mắc ca sớm nhất huyện với hơn 500ha thử nghiệm (năm 2013). Đến nay, toàn xã đã phát triển được hơn 1.160ha mắc ca. Người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; thu nhập bình quân đầu người của xã đạttrên 49 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,12%.

"Trái ngọt" của những nỗlực không ngừng nghỉ, sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dâncác dân tộc huyện Tuần Giáo là tháng 4 năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành quyết địnhcông nhận 3 xã Quài Cang, Quài Nưa, Chiềng Sinh đạt chuẩn NTM.

Anh Nguyễn

 

Hiệu quả từ xây dựng sản phẩm OCOP ở Như Xuân

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP), huyện Như Xuân đã tích cực triển khai, xác định đây là nội dung trọng tâm và giải pháp quan trọng trong XDNTM bền vững; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân.

Sản phẩm OCOP mật ong lên men tươi (HTX Bản Thổ, xã Hóa Quỳ).

Để bà con Nhân dân nắm được ý nghĩa của chương trình OCOP, UBND huyện đã triển khai đến các xã, thị trấn, các chủ thể sản xuất thông qua các cuộc họp; lồng ghép vào các cuộc tuyên truyền về XDNTM. Việc triển khai chương trình OCOP bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Từ năm 2020 đến tháng 5/2023 huyện Như Xuân đã có 12 sản phẩm được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP 3 sao trên địa bàn huyện lên 24 sản phẩm. Các sản phẩm được xúc tiến thương mại thông qua Hội chợ triển lãm, trưng bày của tỉnh và trên các website cũng như tham gia trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm OCOP đã được bán rộng rãi trong cả nước bằng hình thức trực tiếp hoặc qua hình thức thương mại điện tử. Qua khảo sát đánh giá sơ bộ, doanh số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân từ 10 - 15%, có những đơn vị tăng doanh số gấp đôi như: HTX Nông nghiệp Thành Công, HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ Thanh Lâm, HTX Dịch vụ nông nghiệp hương bài Như Xuân... Đến nay, nhiều thương hiệu đã tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh như: cam đường canh, cam Xã Đoài Như Xuân, mật ong Đức Lương, hương bài, măng khô...

Thị trấn Yên Cát là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Như Xuân. Chủ tịch UBND thị trấn Đỗ Tất Hùng chia sẻ: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức để bà con Nhân dân nắm được ý nghĩa, mục đích việc xây dựng chương trình OCOP. Đồng thời lựa chọn, tập trung xây dựng một số sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Lũy kế đến nay, thị trấn có 8 sản phẩm được công nhận OCOP. Các sản phẩm hương bài Yên Cát, muối mắc khén, thịt trâu gác bếp Thợ Rừng... được thị trường ưa chuộng. Mỗi sản phẩm OCOP được công nhận góp phần gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho chủ thể, tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Qua kết quả điều tra, rà soát, đến nay thị trấn còn 54 hộ nghèo, chiếm 2,38%; hộ cận nghèo là 181 hộ, chiếm 7,97%.

Sản phẩm hương bài thị trấn Yên Cát đã được công nhận OCOP 3 sao.

Bà Hà Thị Oanh ở khu phố Cát Tiến, thị trấn Yên Cát, đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp hương bài Như Xuân, chia sẻ: HTX có 17 thành viên. Hiện HTX có 2 sản phẩm là hương bài Yên Cát và nụ hương xưa được công nhận OCOP. HTX không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm truyền thống đến với thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ khi sản phẩm của HTX được công nhận OCOP, giá trị sản phẩm tăng lên, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, với mức lương trung bình 5 - 6 triệu đồng/người/tháng (7 - 8 triệu đồng/người/tháng theo thời vụ).

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Như Xuân Lê Tiến Đạt chia sẻ: Huyện tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt định hướng sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng và quản lý thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Phát triển HTX sản xuất nông nghiệp kiểu mới để đẩy mạnh liên kết phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp chế biến, tạo thành các chuỗi giá trị sản xuất; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các HTX, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho chủ thể nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói bao bì, nhãn mác để tạo thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có lợi thế so sánh, phát huy hiệu quả kinh tế và cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm OCOP. Hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu trong các cơ sở nghề truyền thống, làng nghề truyền thống tham gia sản phẩm OCOP.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

 

Xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp

Hiện nay nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, HTX và người dân cũng như cung ứng cho thị trường các sản phẩm nông nghiệp rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.

Người dân xã Tượng Sơn (Nông Cống) liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm khoai tây nguyên liệu với Công ty CP Logistics Viettrans (Hà Nội).

Vụ đông 2024-2025, Công ty CP Logistics Viettrans đã liên kết với các HTX và người dân ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống trồng gần 50ha khoai tây FL 2215 làm nguyên liệu chế biến. Anh Trương Văn Dũng ở thôn Thái Tượng, xã Tượng Sơn (Nông Cống), cho biết: Vụ đông 2024-2025 gia đình tôi đã thuê đất liên kết với Công ty CP Logistics Viettrans trồng 20ha khoai tây. Trong quá trình sản xuất, được công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau 100 ngày trồng, đến nay diện tích khoai tây đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 23 tấn/ha. Với giá công ty thu mua tại ruộng là 7.500 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi ha khoai tây cho lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng.

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh thu hút gần 10 doanh nghiệp liên kết trực tiếp với các HTX và người dân xây dựng các mô hình sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị với diện tích khoảng 1.000ha. Các công ty cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp và giống khoai tây cho các hộ tham gia sản xuất. Trong quá trình sản xuất, các công ty hỗ trợ người dân kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, sau đó bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Giám đốc nông nghiệp Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam Nguyễn Kim Hành, cho biết: “Thông qua liên kết, công ty có được nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng để chế biến. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích khoai tây nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, liên kết với các HTX và hộ dân để sản xuất, cung ứng tốt hơn cho các đối tác”.

Người dân xã Mường Lý (Mường Lát) liên kết với Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) trồng sắn nguyên liệu.

Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 114 chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, cung cấp gần 700.000 tấn thực phẩm tiêu dùng chủ yếu cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 30 chuỗi lúa gạo, 32 chuỗi rau, quả, 28 chuỗi thịt gia súc, gia cầm, 24 chuỗi thủy sản. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng thu hút được gần 80 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản ra các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hàng năm, các doanh nghiệp cung ứng một lượng lớn nông sản thực phẩm của tỉnh cho thị trường, góp phần tiêu thụ ổn định nông sản cho người dân theo mùa vụ. Một số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đang được duy trì ổn định như: HTX Nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc) liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) hàng năm cung ứng 1.090 tấn rau, quả các loại, giá trị 7,5 tỷ đồng; HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Trung Chính (Nông Cống) liên kết với Công ty TNHH VTNN Hồng Quang (tỉnh Ninh Bình) tiêu thụ 150 tấn lúa nếp, 300 tấn lúa tẻ/năm; Công ty CP Hồ Gươm Sông Âm (Ngọc Lặc) liên kết với Công ty CP Nhân lực TADASHI tiêu thụ 12,6 tấn vải, 45 tấn thanh long, 200 tấn dứa/năm với tổng giá trị 3,4 tỷ đồng. Hay như hợp đồng giữa UBND huyện Nga Sơn với Công ty CP VIETPO (TP Hà Nội) tiêu thụ khoảng 1.800 tấn khoai tây/năm...

Nhằm phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực tích tụ, tập trung đất đai để phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, xây dựng vùng trồng, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn nhằm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến. Các địa phương trong tỉnh tích cực thu hút các doanh nghiệp để dẫn dắt, duy trì chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản, phát triển mở rộng thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bài và ảnh: Lê Hợi

 

HTX Quế Sơn: Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đổi mới cuộc sống nông thôn

Trong bối cảnh tỉnh Quảng Nam nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,35% vào cuối năm 2024, mục tiêu năm 2025 hỗ trợ thêm 3.000 hộ nghèo của tỉnh thoát nghèo, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quế Sơn đã trở thành một tấm gương sáng về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao đời sống thành viên và góp phần vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.

Thành lập vào năm 2020, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quế Sơn bắt đầu hành trình khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với không ít khó khăn. Từ diện tích sản xuất ban đầu là 1,7 ha, trong đó có 5000 m² nhà lưới phục vụ trồng rau thủy canh, HTX đã nỗ lực phát triển mô hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đội ngũ lãnh đạo của HTX gồm 7 thành viên, trong đó có Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo đầy nhiệt huyết và quyết tâm phát triển HTX. Vốn điều lệ ban đầu của HTX được xác định là 1,65 tỷ đồng. Mặc dù số tiền này không lớn, nhưng nó tạo ra nền tảng vững chắc giúp HTX khởi đầu và vượt qua những thử thách ban đầu.

Hành trình khởi nghiệp với nhiều thử thách

Tuy nhiên, những thử thách không dừng lại ở việc đầu tư vào cơ sở vật chất. Việc thuyết phục người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm rau thủy canh, cũng là một vấn đề lớn. Dù vậy, nhờ vào sự quyết tâm, HTX Quế Sơn đã nhanh chóng xây dựng và triển khai nhà lưới để sản xuất rau thủy canh và các loại rau như cải ngọt, cải xoăn, xà lách, dưa leo, và dưa lưới. Sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP và OCOP 4 sao, được thị trường đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là sản phẩm dưa lưới Tân Phong, một sản phẩm nổi bật trong mô hình của HTX.

Cán bộ Liên minh HTX Việt Nam làm việc với HTX Nông nghiệp cao Quế Sơn ngày 23/5/2025.

Không chỉ chú trọng vào sản phẩm, HTX Quế Sơn còn đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động địa phương. Với 5 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ, HTX đã tạo ra những cơ hội việc làm ổn định với mức thu nhập dao động từ 5 triệu đến 7,5 triệu đồng/tháng. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của các gia đình thành viên mà còn giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, giúp người dân địa phương được tiếp cận với những công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại.

Sự phát triển của HTX không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm chất lượng mà còn mang lại một sự thay đổi lớn cho cộng đồng địa phương, khi giúp nhiều hộ gia đình có được việc làm ổn định và thu nhập cao hơn. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy mô hình HTX có thể mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

HTX Quế Sơn không chỉ tạo dựng được một hệ sinh thái sản xuất bền vững mà còn mở rộng hợp tác với các HTX nông nghiệp khác. Điển hình là HTX đã thực hiện liên kết với HTX Nông nghiệp Bình Đào tại Thăng Bình, Quảng Nam, với diện tích sản xuất lên tới 20 ha. Sự hợp tác này không chỉ giúp HTX mở rộng quy mô sản xuất mà còn góp phần tạo ra chuỗi giá trị bền vững, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm của HTX Quế Sơn đã có mặt tại các thị trường lớn hơn như Tam Kỳ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và được phân phối qua các kênh online như Facebook và Zalo. Nhờ vào sự tín nhiệm của khách hàng và đối tác, sản phẩm của HTX đã và đang khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, đồng thời tạo dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác trong và ngoài tỉnh.

Sau 4 năm hoạt động, HTX Quế Sơn ước tính doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng, với lợi nhuận trung bình từ 10-15% so với doanh thu. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận đối với một HTX mới thành lập trong ngành nông nghiệp. Nhờ vào ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và sự hỗ trợ kịp thời từ các chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, HTX Quế Sơn không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng mà còn xây dựng được một hệ sinh thái bền vững, góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Ông Nguyễn Quang Anh Kiệt, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quế Sơn, chia sẻ: “Chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Nhờ sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam, chúng tôi đã từng bước xây dựng được chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khép kín, giúp thành viên yên tâm sản xuất, đồng thời tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.”

Sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam

Trong năm 2023, HTX Quế Sơn đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Liên minh HTX Việt Nam thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những hỗ trợ này không chỉ giúp HTX Quế Sơn nâng cao năng lực sản xuất và quản lý mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của HTX trong tương lai. Các hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam bao gồm những chương trình và hoạt động thiết thực, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Một trong những hoạt động trong chương trình hỗ trợ là việc tổ chức các buổi tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, thành viên của HTX về tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và quy trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Các buổi tập huấn đã trang bị cho HTX Quế Sơn những kiến thức chuyên sâu về việc phát triển sản phẩm theo bộ tiêu chí OCOP, từ đó giúp HTX hiểu rõ hơn về cách xây dựng hồ sơ sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan chức năng và thị trường.

Ông Nguyễn Quang Anh Kiệt, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quế Sơn (áo kẻ trắng) đang trao đổi với cán bộ Liên minh HTX Việt Nam ngày 23/5/2025.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam còn hỗ trợ Quế Sơn trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc áp dụng hệ thống này không chỉ giúp tăng cường sự minh bạch trong sản xuất mà còn góp phần xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm của HTX. Sản phẩm của HTX Quế Sơn giờ đây có thể dễ dàng được truy xuất nguồn gốc, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ, HTX Quế Sơn cũng được hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác và nhận diện thương hiệu. Những cải tiến này không chỉ giúp sản phẩm của HTX trở nên bắt mắt, dễ nhận diện trên thị trường mà còn gia tăng giá trị thương hiệu. Đặc biệt, HTX Quế Sơn đã nhận được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho diện tích 20 ha trồng rau ăn lá, một chứng nhận quan trọng, giúp sản phẩm của HTX khẳng định được chất lượng và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam còn hỗ trợ HTX Quế Sơn trong việc xúc tiến thương mại thông qua thiết kế trang thương mại điện tử. Đây là một bước tiến trong việc mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, giúp HTX Quế Sơn tiếp cận được khách hàng ở xa, từ đó tăng trưởng doanh thu và phát triển thị trường. Đặc biệt, Liên minh HTX cũng tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng kinh doanh cho cán bộ và thành viên của HTX, giúp họ nâng cao năng lực quản lý, phát triển thị trường, và ứng dụng công nghệ vào các hoạt động kinh doanh.

Đại diện của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam, đơn vị đã hỗ trợ HTX trong nhiều hoạt động, cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng khi thấy HTX Quế Sơn không chỉ áp dụng công nghệ vào sản xuất mà còn là tấm gương điển hình cho các HTX nông nghiệp khác trong việc áp dụng tiêu chuẩn OCOP, VietGAP và các phương pháp sản xuất bền vững. Những hỗ trợ về đào tạo, tư vấn sản phẩm, và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm là những yếu tố quan trọng giúp HTX Quế Sơn nâng cao năng lực sản xuất và tiếp cận với các thị trường rộng lớn hơn."

Đại diện của Viện cũng chia sẻ rằng các chương trình hỗ trợ này không chỉ dừng lại ở việc giúp HTX Quế Sơn phát triển sản phẩm mà còn góp phần vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực, qua đó đóng góp vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.

Chủ trương giảm nghèo của Quảng Nam và đóng góp của HTX Quế Sơn

Quảng Nam, như nhiều tỉnh thành khác, đang triển khai mạnh mẽ các chương trình giảm nghèo, đặc biệt là đối với các vùng nông thôn, miền núi. Trong chiến lược phát triển nông thôn mới, tỉnh đã chú trọng vào việc hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể, trong đó có các HTX nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu của tỉnh là không chỉ phát triển kinh tế mà còn cải thiện thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình trong khu vực.

HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quế Sơn là một trong những điển hình trong việc thực hiện chủ trương này. Các sản phẩm sạch và an toàn của HTX không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương. Qua đó, HTX đã góp phần vào mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh xuống còn 6,35% vào cuối năm 2024 và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở Quảng Nam.

Ông Kiệt chia sẻ: "Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là không chỉ sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, mà còn phải tạo ra công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là các lao động nông thôn, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi rất vui khi thấy các sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận và đang dần khẳng định được vị thế. Đó chính là niềm động lực lớn cho toàn thể thành viên HTX."

Theo ghi nhận của lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, “HTX Quế Sơn là một trong những điển hình trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm và góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của tỉnh.” Câu nói này không chỉ phản ánh sự thành công của HTX trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, mà còn là lời khẳng định về tầm quan trọng của các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong việc tạo cơ hội việc làm và giảm nghèo.

Để phát huy tiềm năng và duy trì đà phát triển bền vững, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quế Sơn đề xuất cần có sự hỗ trợ thêm về vốn vay ưu đãi để đầu tư vào trang thiết bị sản xuất hiện đại và phát triển sản phẩm. Ông Kiệt cho biết, mặc dù HTX đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng việc thu hồi vốn từ các dự án đầu tư sản xuất vẫn còn chậm. Điều này khiến HTX gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

"Để giúp HTX phát triển mạnh mẽ hơn và giúp nhiều người dân có thêm cơ hội việc làm, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là về nguồn vốn, kỹ thuật và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm," ông Kiệt kiến nghị.

Với những kết quả đạt được, HTX Quế Sơn là minh chứng sống động cho thấy, với sự hỗ trợ đúng đắn và quyết tâm vươn lên, người dân nông thôn có thể thoát nghèo, làm giàu chính đáng và góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng.

Mạc Nguyệt

 

Phát hiện công ty sản xuất phân bón, sản phẩm nông nghiệp giả ở Đồng Nai

Một đối tượng đã thành lập công ty, mở nhà xưởng, tiến hành nhập các nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và một số cơ sở trong nước về; đặt mua bao bì sản phẩm trên mạng xã hội. Sau đó cho công nhân pha trộn nguyên liệu, đóng gói vào bao bì đã đặt mua và bán ra thị trường.

Ngày 22-5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Công an xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH TM DV Phát Tiến Triển, địa chỉ tổ 3, ấp 9/4, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai do La Giang Đình (SN 1990, quê thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) làm Giám đốc có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón và nhiều loại sản phẩm dùng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong khu vực nhà xưởng có diện tích khoảng 1000m2 có 4 công nhân đang làm việc và kho hàng có diện tích khoảng 150m2 của Công ty chứa nhiều hóa chất sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, công cụ, phương tiện sản xuất và hàng hóa thành phẩm.

Bên trong khu vực nhà xưởng sản xuất phân bón giả.

Qua làm việc, La Giang Đình thừa nhận, Công ty hoạt động từ tháng 01/2025 nhưng không có giấy phép hoạt động sản xuất. Các sản phẩm của Công ty được sản xuất bằng cách nhập các nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và một số cơ sở trong nước về; đặt mua bao bì sản phẩm trên mạng xã hội. Sau đó, chỉ đạo công nhân pha trộn nguyên liệu, đóng gói vào bao bì đã đặt mua và bán ra thị trường thuộc các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ.

Cơ quan công an đã tạm giữ các tang vật, phương tiện liên quan, gồm: 6.059kg hàng hóa thành phẩm; 13.375kg nguyên liệu; 04 cân; 01 máy trộn bê tông; 01 máy may bao; 01 máy ép nhiệt; 01 CPU máy tính bàn.

Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai đang điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thống Nhất

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop