Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 26 tháng 6 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 26 tháng 6 năm 2024

 

Vĩnh Long: Măng cụt thất mùa, nông dân kém vui

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Nhiều nhà vườn trồng măng cụt cho hay, năm nay thời tiết diễn biến bất thường khiến măng cụt mất mùa, nhà vườn kém vui, dù hiện tại giá măng cụt tại vườn khá cao.

Nhiều nhà vườn trồng măng cụt cho hay, nếu như năm trước, măng cụt trúng mùa, thì năm nay trái ít nên nhà vườn thất thu. So với nhiều loại cây ăn trái khác, cây măng cụt cho hiệu quả kinh tế không cao bằng, nhất là so với mít và sầu riêng.

 

 

Măng cụt giảm năng suất, lợi nhuận của nhà vườn cũng giảm theo.

Bên cạnh đó, măng cụt là loại cây không thể thu hoạch trái đồng loạt để xử lý chín mà phải chờ cho trái chín tự nhiên và phải lựa từng trái chín trên cây để thu hoạch bằng phương pháp thủ công, tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Một số tiểu thương cũng cho hay, năm nay, do măng cụt thất mùa nên lượng măng cụt được vựa thu mua hàng ngày cũng giảm mạnh so với năm trước. Hiện măng cụt loại 1 có giá 55.000-70.000 đ/kg, loại 2 giá 45.000-50.000 đ/kg và loại 3 giá 30.000-40.000 đ/kg.

Có 6 công trồng măng cụt, chú Ngô Văn Hải (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) cho hay: “Vườn của tôi có 100 gốc măng cụt đều gần 25 tuổi, vụ này cây cho trái từ giữa tháng 5, thời gian chăm sóc từ khi cây ra bông đến thu hoạch là 4 tháng, sau đó thu hoạch kéo dài trong 1,5 tháng, trung bình 1 cây có thể cho hơn 60kg trái chín.

Nhưng năm nay do ảnh hưởng thời tiết nên sản lượng chỉ đạt gần 4 tấn, giảm 50% so với năm trước. Vào mùa, ngày nào vợ chồng tôi cũng hái được từ 150-200kg măng cụt để bán, hái đến đâu bán hết tới đó, thương lái vô tận vườn thu mua, chứ không cần phải đưa đi xa.

Năm nay sản lượng ít nên giá măng cụt bán tại vườn trung bình 35.000-40.000 đ/kg (loại 8-9 trái/kg, vỏ mỏng), tăng khoảng 10.000 đ/kg so với năm trước.

Tuy nhiên măng cụt Thái Lan đi sớm nên chiếm thị trường từ đầu vụ, đến khi hàng Việt Nam vô mùa thì đã hơi lép vế về giá, hiện măng cụt đã rộ mùa nên giá bán tại chợ khoảng 45.000-60.000 đ/kg”.

“Cây măng cụt là loại cây nhà vườn khó can thiệp vào việc đậu trái, nên thường có cảnh năm trúng- năm thất, nhưng bù lại tỷ lệ tiêu thụ trên thị trường khá cao nên nhà vườn ít chịu lỗ.

Cộng thêm măng cụt nhẹ công chăm sóc, không cần phân thuốc nên nhà vườn không chịu áp lực chi phí đầu vào, dự kiến vụ này thu được khoảng 300 triệu đồng”- chú Hải cho biết.

Chị Lê Hồng Thi (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) cũng cho biết: “Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật như dùng thuốc sinh học, bón phân hữu cơ, tưới nước tiết kiệm, nên vườn măng cụt cho trái đạt chất lượng và sớm hơn các vườn khác.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất năm nay giảm, nhưng bù lại giá bán cao hơn năm trước. Tôi không bán cho thương lái, mà chuyển sang bán hàng online nên giá có nhỉnh hơn ở chợ.

Tôi cũng có bán trái măng cụt dạng trái tươi để phục vụ làm món gỏi măng cụt cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng”.

Bên cạnh măng cụt chín thì nhờ món gỏi gà măng cụt cũng đã đẩy giá loại trái cây đặc sản này tăng cao. Từ đầu mùa, giá măng cụt xanh đã có giá từ 100.000-130.000 đ/kg, măng cụt xanh gọt vỏ sẵn có giá từ 550.00-650.000 đ/kg. Thậm chí loại hàng tuyển, quả to mọng, giòn được bán với giá 800.000 đ/kg.

Theo chị Thi, sở dĩ ruột măng cụt xanh có giá cao vì phải mất nhiều công đoạn, cộng với chi phí thuê nhân công gọt vỏ, và tiền nước để rửa mủ măng cụt trong quá trình sơ chế. Để có được một ký ruột măng cụt gọt sẵn phải cần từ 5-6kg măng cụt xanh nguyên vỏ.

Một số nhà vườn cho hay, cây măng cụt là loại cây ăn trái rất nhạy cảm ở các giai đoạn xử lý ra hoa, đậu trái, thu hoạch. Khó khăn lớn nhất trong sản xuất măng cụt là hiện tượng sượng trái, chủ yếu do dư nước và mất cân bằng dinh dưỡng.

Do đó, để đảm bảo năng suất, chất lượng trái, nhà vườn cần có kỹ thuật xử lý ra hoa sớm đồng loạt nhằm thu hoạch trái sớm tránh mùa mưa.

Song song đó, cần sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý, đúng liều lượng, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng người tiêu dùng.

Theo ông Mai Phước Nghĩa- Công chức Địa chính- Nông nghiệp xã Hòa Ninh (huyện Long Hồ): “Nắng nóng kéo dài khiến cây măng cụt không thể ra hoa, kết trái nhiều, ảnh hưởng đến sản lượng.

Tại xã, mô hình trồng măng cụt chưa phổ biến, do cây trồng chủ yếu vẫn là sầu riêng, chôm chôm và nhãn.

Nhìn chung, mô hình trồng măng cụt mang lại hiệu quả kinh tế khá, một số vườn sử dụng phân hữu cơ thay phân hóa học, hạn chế thuốc trừ sâu, giúp măng cụt cho trái nhiều, to, đẹp, bán được giá cao, đầu ra ổn định”.

Bài, ảnh: LY-TIÊN

 

Tỉ phú sầu riêng chuyên canh

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Anh Nguyễn Quốc Hội ở ấp Thới Hòa B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) được nhiều người biết tiếng bởi tính cần cù, ham học hỏi và ứng dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Anh đã gặt hái nhiều thành công từ mô hình trồng sầu riêng chuyên canh. Hiện tại, 3ha sầu riêng của anh Hội đang phát triển xanh tốt, cho thu nhập ổn định qua từng năm.

 

 

Anh Nguyễn Quốc Hội bên vườn sầu riêng xử lý ra trái nghịch vụ, bán được giá cao.

Hàng trăm gốc sầu riêng phát triển xanh tốt, tàng lá phủ rợp cả khu vườn. Đó là thành quả sau 8 năm cải tạo vườn tạp và chuyển từ đất lúa không hiệu quả lên làm vườn của anh Nguyễn Quốc Hội. Trong số 3ha trồng sầu riêng, đã có 1ha cho trái, 2ha còn lại trồng từ 2-3 năm.

Hưởng ứng phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi do Hội Nông dân xã Thới Thạnh phát động, năm 2016, anh Nguyễn Quốc Hội đã mạnh dạn cải tạo đất trồng lúa không hiệu quả để lên vườn trồng cam xoàn xen canh sầu riêng. Với diện tích 1,5ha, anh Hội trồng được 280 gốc sầu riêng Monthong, 700 gốc cam xoàn xen canh. Theo anh Hội, thời gian trồng sầu riêng đến khi có thu nhập ít nhất là 5 năm. Trong lúc chờ đợi cây sầu riêng phát triển, anh Hội tận dụng phần diện tích đất trống để trồng xen canh cam xoàn. Qua 3 năm chăm sóc, vườn cam xoàn phát triển xanh tốt. Anh Hội cho biết: “Từ năm 2019, cam xoàn bắt đầu cho trái chiếng. Từ năm 2020 đến năm 2021, vườn cam xoàn cho trái ổn định. Bình quân mỗi năm bán được khoảng 500 triệu đồng. Nhờ có cam xoàn, tôi có thu nhập ổn định, có tiền đầu tư chăm sóc vườn sầu riêng”.

Đến cuối năm 2021, anh Nguyễn Quốc Hội quyết định đốn bỏ 700 cây cam xoàn để tập trung chăm sóc vườn sầu riêng. Anh Hội kể: “Năm 2022, trong tổng số 1,5ha trồng sầu riêng lúc đầu, có 1ha được tôi xử lý cho trái. Vụ đầu, tôi thu hoạch được hơn 8 tấn trái, bán cho thương lái đến vườn thu mua với giá 80.000 đồng/kg, thu nhập được hơn 600 triệu đồng”. Đến năm 2023, anh Hội đã nghiên cứu và ứng dụng thành công việc xử lý cho cây sầu riêng ra hoa nghịch vụ để bán giá cao.

Theo anh Hội, đặc tính của cây sầu riêng là từ khi xiết nước xử lý ra hoa đến khi thu hoạch là 6 tháng. Để cho sầu riêng ra trái nghịch vụ, vào khoảng tháng 6-7 âm lịch anh xiết nước, kết hợp với bón phân để cây ra hoa. Sau khi cây ra hoa, anh bón phân, phun thuốc theo định kỳ để sầu riêng phát triển. Một số sâu, bệnh cây sầu riêng thường gặp như xì mủ trên thân, cháy lá, bọ trĩ và rầy xanh tấn công. Nếu người trồng phun thuốc theo định kỳ để phòng, chống thì sẽ hạn chế sâu bệnh xâm nhập. Với phương pháp canh tác này, năm 2023, 1,5ha sầu riêng của anh Hội thu hoạch được hơn 10 tấn trái, thu nhập hơn 1,2 tỉ đồng.

Qua nhiều năm chăm sóc, anh Hội nhận thấy cây sầu riêng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên từ năm 2022, anh tiếp tục mua đất, chuyển đổi 1,5ha đất ruộng trồng lúa không hiệu quả để lên vườn trồng sầu riêng. Đến nay, anh Hội có tổng cộng 3ha trồng sầu riêng, trong đó 1,5ha đang cho trái ổn định, 1,5ha còn lại trồng được 1-2 năm. Để nhẹ công chăm sóc, tiết kiệm chi phí, anh Hội đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc tự động cho vườn sầu riêng. Anh Hội cho biết: “Trước đây, gia đình tôi tốn chi phí rất lớn để thuê nhân công tưới nước, phun thuốc. Tuy nhiên, việc thuê nhân công cũng gặp rất nhiều khó khăn. Qua nghiên cứu và tham quan các mô hình trồng sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang, tôi đã lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc trừ sâu tự động cho cây sầu riêng. Từ khi lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc đến nay, gia đình tôi đã chủ động hơn trong việc chăm sóc, tiết kiệm được chi phí mà cây lại phát triển rất tốt”. Nhờ ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong chuyên canh sầu riêng nên sầu riêng của vườn anh Hội đạt năng suất, chất lượng cao, vị béo và thơm hơn.

Năm 2002, anh Nguyễn Quốc Hội tốt nghiệp ngành Sư phạm Văn của Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ và từng đi làm công nhân ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2008, anh Hội đã tích cóp được số vốn để về quê khởi nghiệp, làm kinh tế. Từ năm 2008-2020, anh Hội là người tiên phong và gặt hái nhiều thành công với các mô hình nuôi chim bồ câu thịt, nuôi heo, nuôi vịt và nuôi trăn sinh sản. Dù ở lĩnh vực nào, anh Hội cũng thành công và sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật cho hội viên, nông dân có nhu cầu phát triển sản xuất. Công việc làm ăn thuận lợi, từ diện tích 5 công vườn cha mẹ cho ban đầu, đến nay anh Hội đã mua thêm ruộng, vườn nâng tổng diện tích lên 3ha.

Bên cạnh sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Nguyễn Quốc Hội còn được cán bộ, đảng viên và nhân dân ấp Thới Hòa B, xã Thới Thạnh bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp từ năm 2008 đến nay. Anh Hội tâm sự: “Dù ở cương vị nào tôi cũng luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Muốn vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bản thân mình phải làm gương và làm đạt kết quả tốt. Từ đó, mình mới hướng dẫn, thuyết phục bà con làm theo”.

Bài, ảnh: K.V

 

Nâng tầm giá trị giống nho xanh NH01-48 trên nền hữu cơ trấu đốt thuần nông

 

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Với mong muốn phát triển giá trị thương hiệu nho Ninh Thuận theo hướng hữu cơ, chị Nguyễn Thị Tường Vi ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) đã nghiên cứu, đầu tư thực hiên mô hình trồng giống nho xanh NH01-48 trên nền hữu cơ trấu đốt thuần nông. Sau 9 năm thực hiện, đến nay, giống nho xanh NH01-48 đã thích nghi với kỹ thuật này, nho đạt năng suất và chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Xuất thân trong gia đình có truyền thống trồng nho, nhận thấy thửa đất của gia đình ngày càng bị nhiễm phèn làm cho chất lượng cây nho phát triển không như mong muốn, năng suất thấp, chất lương trái không đảm bảo, thường bị thương lái ép giá khi vào mùa thu hoạch. Năm 2015, chị Nguyễn Thị Tường Vi tìm hiểu, nghiên cứu cách cải tạo đất, trồng nho theo hướng hữu cơ, an toàn, quyết tâm nâng tầm giá trị giống nho truyền thống của địa phương. Sau nhiều lần thử nghiệm, được sự hướng dẫn của chuyên gia Viện Nghiên cứu Nông nghiệp miền Nam, chị Tường Vi đã đầu tư trồng hơn 1,5 ha giống nho xanh NH01-48 trên nền hữu cơ trấu đốt thuần nông. Mô hình sử dụng trấu đốt kết hợp với phân lân và một số loại phân hữu cơ vi sinh để bón cho đất. Sau 9 năm miệt mài thực nghiệm, đất được phục hồi và mang lại dinh dưỡng cao, cây nho sinh trưởng và phát triển tốt. Giờ đây, giống nho xanh NH01-48 thương hiệu “2 Tường” của chị Nguyễn Thị Tường Vi ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Chị Vi chia sẻ: Qua 5 năm thử nghiệm trên nền trấu đốt, đất nhiễm phèn đã được phục hồi và có chất lượng dinh dưỡng tốt, an toàn; sản phẩm nho xanh khi thu hoạch có nhiều điểm khác đó là khi chín có độ ngọt hơn, giòn thanh đạt đúng như mong muốn.

 

 

Chị Nguyễn Thị Tường Vi chia sẻ mô hình trồng nho xanh NH01-48 trên nền hữu cơ trấu đốt thuần nông.

Thực hiện mô hình trồng nho trên nền hữu cơ trấu đốt thuần nông, mỗi vụ thu hoạch, trang trại của chị Nguyễn Thị Tường Vi đạt năng suất khoảng 20 tấn/ha, chất lượng quả nho vượt trội so với cùng loại nho xanh canh tác theo phương thức truyền thống: Trái to, màu sắc đẹp, độ giòn và ngọt cao, giá bán tại vườn khoảng 130.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với giống nho cùng loại canh tác theo phương thức truyền thống. Chị Mai Thị Trúc Ly ở TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đơn vị của tôi chuyên cung cấp các loại nông sản sạch ra thị trường trong nước và quốc tế. Làm việc với trang trại nho 2 Tường tôi thấy chất lượng nho ngon, giòn và đặc biệt là an toàn cho khách hàng của mình vì trang trại canh tác theo hướng hữu cơ. Do đó, mặc dù giá cả nho tươi của trang trại khá cao nhưng khách hàng của mình vẫn chấp nhận và rất thích nho tươi của trang trại nho 2 Tường này.

Trước tình hình biến đổi khí hậu và đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, nông sản sạch đang là mục tiêu hướng tới của ngành nông nghiệp tỉnh nhà nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nhất là với sản phẩm đặc thù của địa phương. Mô hình trồng nho xanh NH01-48 trên nền hữu cơ trấu đốt thuần nông của chị Nguyễn Thị Tường Vi thực hiện thành công là cơ hội để người trồng nho trong tỉnh ứng dụng và thực hiện trên nhiều giống nho mới nhằm đa dạng sản phẩm nho sạch, nâng cao giá trị sản phẩm nho Ninh Thuận trên thị trường.

Vĩnh Phát

 

Chuyện anh Thuận trồng bưởi da xanh

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

Trồng bưởi da xanh thì có rất nhiều người trồng, nhưng riêng anh Bùi Thúc Thuận (SN 1975, ở thôn Đồng Quy, xã Tây An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) có chút độc đáo, riêng biệt. Nó thành chuyện là bởi nhờ nắm vững quy trình kỹ thuật, chăm chỉ, cộng với tư duy sáng tạo, anh là người đầu tiên ở huyện Tây Sơn điều khiển để cây bưởi cho trái quanh năm với chất lượng khá đồng đều.

Chủ động hưởng ứng chính sách của Nhà nước

Anh Thuận kể, tôi vốn theo nghề sản xuất gạch ngói thủ công. Khi nhà nước có chủ trương tiến tới ngừng hẳn hoạt động này, gia đình tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và hội nông dân các cấp, tôi hiểu ra vấn đề, tin tưởng và chủ động ủng hộ chủ trương của Nhà nước, gương mẫu đi đầu tháo dỡ lò gạch.

Năm 2010, sau khi chuẩn bị chu đáo, anh Thuận quyết định bán hết nhà cửa, ruộng vườn ở xã Tây Bình để mua 12 ha đất đồi tại khu kinh tế mới được quy hoạch thuộc thôn Đồng Quy, xã Tây An để chuyển nghề. Anh đầu tư san ủi hạ độ dốc, cải tạo 12 ha đất đồi để trồng keo lai và trồng một số loại cây ngắn ngày. Sau một thời gian, nhận thấy các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả thấp nên năm 2014, anh Thuận vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn để trồng 500 cây ổi Nữ hoàng, nuôi bò 3B vỗ béo và nuôi gà thả đồi. Anh thực hiện theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy lãi từ bán ổi, bò để đầu tư mở rộng đàn bò, cải tạo đất.

Cuộc sống gia đình dần khá lên, nhưng anh Thuận vẫn ấp ủ mong muốn trồng thêm được nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Đến năm 2016, anh Thuận quyết định đầu tư trồng 500 cây cam và 500 cây bưởi trên diện tích khoảng 2 ha.

 

 

Anh Thuận chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh: VÕ MỸ HẠNH

Để nâng cao kỹ thuật, anh Thuận tiếp tục tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, chủ động tìm đọc sách báo về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, đi tham quan các mô hình trồng cây có múi trong và ngoài tỉnh để có thể áp dụng vào mảnh vườn của gia đình. Nhờ vậy, các loại cây trồng, vật nuôi trong trang trại của anh luôn sinh trưởng và phát triển ổn định, lợi nhuận thu được ngày càng cao. Từ năm 2018 đến năm 2021, anh đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và từ năm 2022 đến nay anh đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Anh Thuận chia sẻ: Thực tế sản xuất cho thấy chân đất của vườn tôi rất thích hợp để trồng bưởi, tính toán của tôi cho thấy lợi nhuận từ bưởi cao hơn cam, ổi rất nhiều nên từ giữa năm 2023 tôi loại bỏ dần cây ổi, cam trong vườn, tập trung vào chuyên canh bưởi.

Thành công nhờ chăm chỉ, sáng tạo

Mặc dù trên sách, báo, đài có nhắc đến nhiều biện pháp giúp cây bưởi ra trái quanh năm, nhưng làm sao để chọn ra phương pháp thích hợp đất đai, khí hậu địa phương, lại đảm bảo an toàn sinh học lại không đơn giản. Sau khi thử nghiệm nhiều lần anh Thuận đã chọn ra được khung thời gian, lượng nước thích hợp để áp dụng phương pháp xiết nước, “ép” bưởi ra hoa.

Cùng anh đi thăm khu vườn mênh mông trồng kín bưởi, tôi cảm nhận được công sức và niềm say mê anh Thuận dành cho mảnh vườn này. Và đặc biệt hàng trăm cây bưởi da xanh cây nào cũng có hoa, nhiều lứa trái to, nhỏ khác nhau, cho phép thu hoạch rải vụ.

Để giảm chi phí, tăng chất lượng quả bưởi da xanh, anh Thuận đã tận dụng nguồn phân gà, phân bò và các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp ủ với chế phẩm sinh học Trichoderma để làm phân bón cây, tăng độ màu cho đất. Ngoài ra để bưởi ngọt hơn, anh còn ủ bánh dầu đậu phụng để làm phân bón.

Mô hình trồng bưởi của anh Thuận là mô hình áp dụng theo hướng hữu cơ đầu tiên của xã Tây An. Nhờ sự chăm chỉ, tư duy sáng tạo, từ tháng 3 - 7 và các tháng Tết trong năm, mỗi tháng vườn bưởi của anh xuất bán ra thị trường trong tỉnh 2 - 3 tấn bưởi, vào các tháng khác, vườn bưởi cho năng suất đều đặn từ 3 - 4 tạ quả, với giá sỉ thu mua tại vườn là 30.000 đồng/kg. Trong năm 2023, sản phẩm bưởi da xanh của anh đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Chị Trần Thị Trang, một thương lái thường xuyên mua gom các sản phẩm nông nghiệp của anh Thuận cung cấp cho thị trường An Nhơn, Quy Nhơn, cho biết: Anh Thuận rất khéo tay nên chăm cây gì cũng cho trái ngon, nuôi con gì cũng tốt, hơn nữa anh lại áp dụng phương pháp hữu cơ nên sử dụng sản phẩm rất yên tâm. Bưởi từ vườn anh được khách hàng của tôi đánh giá cao nên tôi phải đặt hàng trước…

Ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn, cho biết: Anh Bùi Thúc Thuận là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh tiêu biểu, là hộ có mô hình trồng bưởi da xanh cho trái quanh năm đầu tiên trên địa bàn huyện. Anh Thuận đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã lập được nhiều thành tích trong lao động, sản xuất năm 2022 - 2023. Năm 2024, Hội Nông dân huyện và xã tiếp tục hướng dẫn anh Thuận làm hồ sơ xây dựng dự án chuỗi giá trị, đồng thời làm hồ sơ tham gia 2 Hội thi Sáng tạo nhà nông và Khởi nghiệp sáng tạo do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.

Ngoài trồng bưởi, anh Thuận còn có nguồn thu nhập từ trồng 10 ha keo lai, 80 cây mít thái, 1.000 con gà thả vườn. Đến tháng 8 hàng năm, anh tận dụng cỏ mọc tự nhiên trong vườn để nuôi vỗ béo từ 20 - 30 con bò 3B.

Từ hoạt động chăn nuôi và trồng trọt, anh Thuận lãi mỗi năm khoảng 250 triệu đồng. Cùng với đó anh còn tạo việc làm cho 3 đến 5 lao động phổ thông với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ có vậy, anh còn hướng dẫn cách thức sản xuất phù hợp đạt hiệu quả cao để 10 hộ khá lên; giúp 5 hộ khác giảm nghèo bền vững. Anh cũng thường xuyên ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ đền ơn đáp nghĩa.

VÕ MỸ HẠNH

 

An Lão (Bình Định): Nhiều lợi ích từ trồng mè trên đất lúa

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

Trồng mè trên đất lúa vụ Hè Thu không những mang lại hiệu quả kinh tế do cây mè thích nghi tốt với điều kiện thời tiết khô hạn, mà còn giúp nông dân hạn chế các loại sâu bệnh gây hại cho cây lúa trong vụ tiếp theo. Cách làm này đã và đang được nhiều nông dân ở An Lão áp dụng.

Theo nhiều nông dân trồng mè, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân (khoảng tháng 2 - 3 dương lịch), bà con tiến hành gieo trồng mè. Đồng ruộng sau vụ mè, khi sạ lại lúa sẽ ít sâu bệnh hơn so với sản xuất liên tục 3 vụ lúa.

 

 

Nhờ chuyển đổi sang trồng mè trên đất lúa trong vụ Hè Thu, nông dân An Lão có thêm thu nhập ổn định. Ảnh: DIỆP THỊ DIỆU

Chị Võ Thị Lan, ở xã An Tân, cho biết: Nhiều năm nay gia đình tôi không làm lúa vụ Hè Thu nữa mà chuyển sang trồng thêm rau màu và đặc biệt là mè. Khoảng 3 năm trở lại đây, tôi chuyển toàn bộ 4 sào ruộng sang trồng mè trong vụ Hè Thu. Trồng mè có lãi khá, khoảng 4 triệu đồng/sào, gấp 1,5 lần so với trồng lúa.

Nhiều người có kinh nghiệm trồng mè cho biết, mè là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít chịu sự ảnh hưởng từ sâu bọ, dịch bệnh nên chi phí thuốc bảo vệ thực vật thấp. Đây còn là cây trồng có khả năng chịu hạn cao, có thể trồng trên đất cát pha khô cằn và đất ruộng thiếu nước, chỉ cần tưới đủ nước là cây phát triển và cho năng suất cao. Tuy nhiên, cây mè sẽ dễ bị chết úng nếu không xử lý thoát nước kịp thời. Do đó, đòi hỏi nông dân phải làm đất thật kỹ và bảo đảm thoát nước khi tưới hoặc khi có mưa nhiều.

Cũng như nhiều địa phương khác ở huyện An Lão, nông dân xã An Hòa cũng chọn cây mè để canh tác trong vụ Hè Thu. Ông Nguyễn Văn Thiệu, thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa cho biết: Vụ này, gia đình tôi tiếp tục trồng 7 sào mè trên đất lúa. Năm ngoái cũng với diện tích này, thu hoạch đạt năng suất hơn 120 kg/sào và được thương lái mua với giá 60.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình thu lợi nhuận từ 3 - 4 triệu đồng/sào. “Giá mè trên thị trường khá ổn định, thương lái đến tận nhà để thu mua nên rất thuận lợi cho nông dân. Không phải năm nào cũng “trúng mùa, trúng giá” nhưng trồng mè luôn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân”, ông Thiệu chia sẻ.

Việc chuyển từ trồng lúa sang trồng mè đang được nhiều địa phương áp dụng để ứng phó với tình hình khô hạn. Đây là một trong các giải pháp vừa giúp nông dân áp dụng để tăng thu nhập, vừa hạn chế sâu bệnh trên lúa. Ngoài ra, trồng mè còn góp phần tạo việc làm cho lao động thời vụ tại các địa phương, với mức thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng/người/ngày.

Theo ông Lê Hoàng Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão, cây mè đang trở thành loại cây trồng thay thế lúa đạt hiệu quả khá trong vụ Hè Thu. Tới đây, Hội và các ngành liên quan sẽ có định hướng hỗ trợ bà con theo hướng sản xuất gắn với thị trường, đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật, giống và bảo quản để bà con yên tâm đầu tư sản xuất.

DIỆP THỊ DIỆU

 

Bình Định: Phù Mỹ vào mùa thu hoạch hoa ngâu

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

Khoảng 1 tuần nay, người trồng ngâu ở Phù Mỹ (Bình Định) tranh thủ thu hoạch hoa ngâu chính vụ. Theo bà Trần Thị Trinh, ở khu phố Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ, ngâu năm nay rất ít hoa, sản lượng ước tính giảm còn chưa đến 30% so với mọi năm, hầu như nhà nào cũng vậy. Nói về nguyên nhân, bà Trinh cho hay: Nhà tôi có khoảng vài chục gốc ngâu. Năm nay, do thời tiết nắng nóng cực đoan nên cây ngâu không phát triển được, nhất là các vườn nằm ở vị trí gò cao thì rất thưa hoa; những vườn ở vùng đất thấp thì đỡ hơn, nhưng so ra vẫn giảm nhiều so với năm ngoái. Sản lượng thấp nhưng giá hoa ngâu năm nay lại giảm sâu so với năm ngoái. Năm ngoái ngâu khô có giá là 100 - 110 nghìn đồng/kg thì năm nay dao động trong mức 70.000 - 75.000 đồng/kg.

 

 

Người thu hoạch hoa ngâu trải dưới gốc ngâu tấm bạt lớn, lấy cành cây đập vào nhánh, leo lên cây rung để các chùm hoa ngâu rơi xuống bạt. Ảnh: GIA BẢO

Đang giũ ngâu thuê tại vườn, chị Nguyễn Thị Nhung cho biết: Chúng tôi được các chủ vườn thuê để giũ và làm sạch ngâu, mỗi ngày làm việc 8 giờ, tiền công được 300 nghìn đồng. Vì thời gian thu hoạch ngâu diễn ra nhanh, đồng bộ chỉ từ 10 - 15 ngày nên nhiều nhóm làm công chúng tôi có “mối” làm ổn định mỗi mùa.

Ở Phù Mỹ, các hộ trồng ngâu tập trung chủ yếu ở khu vực Diêm Tiêu (thị trấn Phù Mỹ), Chánh Thuận (Mỹ Trinh), Vĩnh Bình (Mỹ Phong)… với hàng trăm hộ dân. Tùy lượng ngâu ít hay nhiều mà mỗi vụ thu hoạch từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi hộ. Được biết, hoa ngâu được tiểu thương mua gom chuyển bán các nơi ướp trà, làm nước hoa... Mỗi năm chủ các vườn ngâu thu hoạch hai lần thường vào tầm tháng 4 và tháng 8 âm lịch.

GIA BẢO

 

Những mô hình sản xuất hiệu quả đang được nhân rộng

 

Nguồn tin:  Báo Bạc Liêu

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhiều nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đã và đang chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa sang các mô hình đạt hiệu quả cao hơn. Điển hình là mô hình lúa - tôm, đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích.

MÔ HÌNH KẾT HỢP ĐA CÂY, ĐA CON

Sau khi chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa sang mô hình lúa - tôm, đời sống gia đình ông Danh Ía (ấp Ngô Kim, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) từng bước được cải thiện, thu nhập tăng lên và có tích lũy. Với gần 4ha đất sản xuất, mùa nắng ông thả nuôi tôm sú, cua; mùa mưa trồng lúa kết hợp với thả nuôi tôm càng xanh cùng các loại cá. Ngoài ra, ông còn phát triển mô hình chăn nuôi thỏ, dê để có thêm thu nhập cho gia đình. Ông Danh Ía chia sẻ: “Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt nên những năm qua, việc sản xuất của gia đình tôi đều mang lại hiệu quả cao, với mỗi năm thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng”. Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế cho gia đình, ông Danh Ía còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hiệu quả cho bà con trong xóm. Đặc biệt, ông đã đứng ra vận động nhiều hộ nông dân để thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất với diện tích trên 300ha. Nhờ đó, các thành viên trong tổ được mua tôm giống, lúa giống, phân, thuốc… với giá thấp hơn so với mua đơn lẻ, giúp giảm bớt chi phí đầu tư trong sản xuất. Qua đó, nhiều năm liền ông Danh Ía được công nhận là Nông dân sản xuất giỏi các cấp.

Với quyết tâm phá thế độc canh trong sản xuất, các xã viên Hợp tác xã Quyết Tiến (huyện Phước Long) đã áp dụng phương thức luân canh lúa - màu các loại. Tùy vào thời điểm, các xã viên đầu tư vào trồng vụ lúa, vụ mướp, vụ bắp và vụ dưa hấu. Nhờ đa dạng hóa cây trồng trên cùng diện tích nên các xã viên có thu nhập khá cao, với mỗi héc-ta có thể thu từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Theo ngành chức năng huyện Phước Long, mô hình đưa màu xuống ruộng cho lợi nhuận gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa.

 

 

Đưa màu xuống ruộng ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long). Ảnh: M.Đ

ĐƯA RAU MÀU XUỐNG RUỘNG

Nhằm phá thế độc canh cây lúa, nông dân trong tỉnh đã áp dụng nhiều mô hình đưa màu xuống ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình đưa màu xuống ruộng cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Nổi bật nhất trong phong trào đưa màu xuống ruộng là huyện Phước Long. Nếu như trước đây nông dân xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) chuyển đổi trồng rau cần nước thay cây lúa, thì nay, nhiều hộ lại tiếp tục đưa rau má xuống ruộng. Hiện tại, xã Vĩnh Thanh có hơn 70ha với hơn 450 hộ trồng rau má, cho sản lượng hằng năm ước trên 6.500 tấn. Theo nhiều nông dân, thu nhập từ mô hình đưa rau má xuống ruộng đạt từ 100 - 200 triệu đồng/ha/năm. Nếu so với trồng lúa thì mô hình này cho lợi nhuận cao hơn gấp 5 - 10 lần. Và đây cũng được xem là mô hình mang tính đột phá và tạo điểm nhấn của xã Vĩnh Thanh hiện nay... Ông Trần Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: “Sắp tới huyện sẽ nhân rộng mô hình đưa màu xuống ruộng, trồng theo hướng luân canh. Đồng thời khuyến khích bà con tận dụng đất trống xung quanh nhà và bờ ruộng để trồng rau màu, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình”.

Như các địa phương khác, huyện Vĩnh Lợi cũng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Một số mô hình đã và đang được địa phương nhân rộng là mô hình trồng hẹ, nuôi dê, nuôi lươn, trồng táo, lúa an toàn, nuôi vỗ béo bò, mô hình nuôi rắn, mô hình tổng hợp nuôi ba ba - cua đinh - ốc bươu đen, mô hình trồng năn bộp kết hợp nuôi cá… Đặc biệt, gần đây rộ lên với mô hình trồng rau má dưới ruộng và mô hình này phát triển rất mạnh ở 2 xã (Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A) với hơn 30ha. Rau má mỗi tháng thu hoạch 1 lần với sản lượng khoảng 1 - 1,5 tấn/công đất, trừ các khoản chi phí nông dân thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng/công/tháng...

Ông Tô Thanh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nhưng vấn đề đáng quan tâm là đầu ra. Do đó, hướng tới huyện sẽ quy hoạch lại vùng nguyên liệu và đẩy mạnh liên kết, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra lâu dài cho nông dân”.

Để các mô hình sản xuất phát triển bền vững, các địa phương cần hướng nông dân sản xuất và ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến và tiết kiệm, đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó giúp các loại nông sản, đặc biệt là rau màu đạt chuẩn VietGAP để đưa vào hệ thống các siêu thị, nhằm tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân.

MINH ĐẠT

 

Chăn nuôi hữu cơ - Hướng chăn nuôi bền vững

 

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao và thân thiện với môi trường ngày càng được chú trọng. Vì vậy, việc áp dụng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi là xu thế tất yếu, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn và bền vững.

Xu hướng tất yếu

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có một số cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB), có điều kiện ban đầu để hướng đến chăn nuôi hữu cơ. Toàn tỉnh có 462 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; cấp mới 3 giấy chứng nhận cơ sở ATDB cho 2 trang trại chăn nuôi heo và 1 trang trại chăn nuôi gà; huyện Dương Minh Châu và Tân Châu được chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà (bệnh dịch tả gà), và 71 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận ATDB.

Theo công bố của Bộ NN&PTNT, tại Việt Nam, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt từ 1%-2% so với tổng sản phẩm chăn nuôi. Các sản phẩm chăn nuôi tiềm năng, đã được chứng nhận hữu cơ và được ưu tiên như sữa, mật ong, yến sào, thịt gia súc, gia cầm...

Với chăn nuôi hữu cơ, cơ sở chăn nuôi phải sử dụng tỷ lệ thức ăn hữu cơ không ít hơn 90% (tính theo khối lượng chất khô) đối với các loài nhai lại và không ít hơn 80% đối với các loài không nhai lại. Cơ sở chăn nuôi phải tự cung cấp tối thiểu 50% lượng thức ăn chăn nuôi (tính theo chất khô), bao gồm cả thức ăn từ các đồng cỏ tự nhiên lân cận hoặc thức ăn được liên kết sản xuất với cơ sở sản xuất hữu cơ khác trong khu vực. Ngoài ra, thuốc kháng sinh, thuốc trị cầu trùng, thuốc trị bệnh, chất kích thích tăng trưởng, kích thích sinh sản đều không được dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Theo Sở NN&PTNT, một số doanh nghiệp đến Tây Ninh đã đầu tư những trang trại chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn, có cơ sở chăn nuôi đến vài trăm ngàn con gà/đợt; con giống có nguồn gốc rõ ràng, được mua từ các công ty chăn nuôi quy mô lớn có uy tín.

Ông Lý Văn Tâm- Quản lý trại nuôi gà, xã Suối Dây, huyện Tân Châu cho biết, giống gà được trang trại chọn mua từ Công ty Cổ phần Bel - Gà, sau 15 ngày tuổi, gà được tiêm vaccine đúng quy trình trong chăn nuôi. Trại nuôi gà được thiết kế khoa học, thoáng mát, thuận lợi cho vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ đàn gà; thường xuyên được tiêu độc, khử trùng phòng ngừa nhiễm bệnh để đàn gà phát triển đồng đều, khoẻ mạnh.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung, chăn nuôi hữu cơ nói riêng trở thành vấn đề cấp bách, nhất là thời điểm Việt Nam đang hội nhập với quốc tế. Theo đó, tỉnh Tây Ninh đang sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện ban đầu để làm nền tảng phát triển chăn nuôi hữu cơ.

Theo Sở NN&PTNT, nhiều năm trước, huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà, và 9 xã của huyện Bến Cầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh lở mồm long móng trên bò.

 

 

Mô hình chăn nuôi gà được kiểm soát an toàn dịch bệnh trên địa bàn huyện Dương Minh Châu

Ông Dương Văn Phụng- Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu cho biết, từ năm 2023 đến nay, tình hình chăn nuôi gia súc và gia cầm trên địa bàn huyện Tân Châu phát triển tương đối ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, chỉ một vài trường hợp dịch lẻ tẻ xảy ra được khống chế, xử lý kịp thời.

Thực tế cho thấy, qua sự kêu gọi đầu tư của tỉnh, hiện nay chăn nuôi gia cầm quy mô công nghiệp ngày càng phát triển.

Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu cho biết thêm, trong quá trình chăn nuôi hữu cơ không sử dụng thức ăn có thành phần biến đổi gen, thức ăn tăng trọng, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng. Đồng thời, chăn nuôi theo hướng hữu cơ nhằm giảm nguy cơ phát sinh lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tạo mọi điều kiện phát triển chăn nuôi hữu cơ

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc- Phó trưởng Văn phòng Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, những năm gần đây, Tây Ninh được Bộ NN&PTNT xác định là một trong những vùng trọng điểm chăn nuôi của cả nước, đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh có thể chăn nuôi, xuất khẩu những sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới.

Theo ông Hà Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh, chăn nuôi hữu cơ là hạn chế sử dụng các chất hoá học, chất kích thích để tăng sản lượng nhằm tăng lợi nhuận. Điển hình như nuôi heo hữu cơ, theo đó thức ăn chăn nuôi heo là những sản phẩm không có hoá chất và được trồng theo hướng hữu cơ, bảo đảm về mặt tiêu chuẩn, tránh ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng.

Ông Tùng cho biết thêm, khó khăn nhất trong việc chăn nuôi hữu cơ là quy trình nuôi phải tốn nhiều chi phí, thời gian nuôi dài; quá trình nuôi đòi hỏi nguồn thức ăn bảo đảm là hữu cơ; trong khi đó giá thị trường của sản phẩm chưa xác định được, lợi nhuận cũng chưa rõ ràng.

Để phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; sự cần thiết phải tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng về sản phẩm nông nghiệp.

“Chăn nuôi hữu cơ là một trong những xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng” - ông Tùng khẳng định.

Nhi Trần

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop