Nông dân xã Thanh Xương gieo cấy trên cánh đồng Mường Thanh.
Bà Lường Thị An, đội 15, xã Thanh Xương chia sẻ: Khi bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân, giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã bắt đầu tăng rồi, không phải bước vào gieo cấy vụ mùa mới tăng. Giá phân bón liên tục tăng khiến nông dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nghề nông thu nhập thấp, vất vả từ 3 - 4 tháng gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, được mùa cũng chỉ gọi là lấy công làm lãi. Nay các loại giá vật tư nông nghiệp tăng, đặc biệt, giá các loại phân đạm tăng "chóng mặt", nông dân làm ruộng giờ không có công, cũng chẳng có lãi, thậm chí phải chịu lỗ nếu mất mùa. Nhà tôi làm 5.000m² ruộng, vụ đông xuân vừa rồi thu được 4 - 4,5 tấn thóc. Lúc thóc được giá 85.000 - 90.000 đồng/kg, máy xát họ chê thóc chưa khô nên không mua, đến giờ thóc nhà phơi khô họ trả 82.000 - 83.000 đồng/kg, rẻ quá nhà tôi cũng chưa muốn bán. Giờ bắt đầu gieo cấy vụ mới, tuy nhiên thóc vụ cũ nhà tôi còn khoảng 50 bao, chưa bán được; giá thóc rẻ bán đi không bù được chi phí sản xuất nên tôi để xem vài tháng nữa thóc có lên thêm giá không, cố thu lại chi phí đã đầu tư sản xuất. Như nhà tôi, với mỗi diện tích 1.000m² chỉ tính riêng tiền phân từ lúc gieo cấy đến lúc thu hoạch dao động từ 1,2 - 1,5 triệu đồng, chưa tính chi phí thuốc bảo vệ thực vật, công cày bừa, tỉa giặm và thu hoạch...
Bà An nhẩm tính: Hiện nay, công phụ hồ dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Như vậy, chỉ cần làm trong ba ngày tôi đã đong được tạ lúa Bắc thơm mà không phải lo lắng về thời tiết, sâu bệnh, mưa bão, mất mùa... Tuy nhiên, chúng tôi là nông dân, sinh ra, lớn lên luôn gắn bó với đồng ruộng nên khó khăn thế nào chúng tôi cũng không muốn bỏ ruộng. Chỉ mong Nhà nước có chính sách sớm bình ổn giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp không riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà cả người dân vùng đồng bằng để người dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng.
Đối với bà Lò Thị Chiêng, tất cả công việc từ khi làm đất đến thu hoạch đều phải thuê người làm.
Mấy chục năm gắn bó với đồng ruộng, nghề nông, bà Lò Thị Chiêng, bản Noong En, phường Nam Thanh cũng không khỏi trăn trở khi giá vật tư nông nghiệp tăng, đặc biệt giá các loại phân bón tăng cao khiến nhiều nông dân không tha thiết với đồng ruộng. Theo bà Chiêng, không chỉ giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu tăng kéo theo giá làm đất, giá thu hoạch, vận chuyển... cũng tăng theo khiến thu nhập của nông dân từ cây lúa đã thấp, nay càng thấp hơn. Năm nay tôi đã 71 tuổi, nhà tôi chỉ làm 1.500m² ruộng để lấy thóc ăn, "tuổi đã già sức thì yếu" từ khi cây lúa cắm xuống đất tới khi thu hoạch là tôi đều thuê hết. Ngoài phải chịu nỗi lo sâu bệnh, mưa bão hại đến cây trồng... nay nông dân còn phải chịu thêm nỗi lo về giá cả vật tư. Để hạn chế dùng phân hóa học, gia đình tôi đã bón lót bằng phân chuồng, tuy nhiên trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa vẫn bắt buộc phải có phân hóa học. Bởi vì chỉ bón phân chuồng không, tôi thấy cây lúa tốt và mẩy hạt nhưng cây không đẻ nhánh và dễ bị sâu bệnh.
Theo thông báo từ Công ty chuyên cung cấp vật tư nông nghiệp, ngày 27/6/2025 giá vật tư tiếp tục có chiều hướng tăng.
Những lo lắng và khó khăn của bà Chiêng gặp phải cũng là khó khăn, trăn trở chung của nông dân trong tỉnh. Đại diện doanh nghiệp Xuân Thành - chuyên cung cấp vật tư nông nghiệp có địa chỉ xã Thanh Xương xác nhận bắt đầu vào thu hoạch lúa đông xuân đến nay giá vật tư nông nghiệp đã 3 lần thay đổi theo chiều hướng tăng. Đặc biệt, theo thông báo từ Công ty chuyên cung cấp vật tư nông nghiệp, giá phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục thay đổi vào ngày 27/6 theo hướng tăng. Hiện phân lân Văn Điển được bán lẻ với giá 7.000 đồng/kg; phân NPK đầu trâu có giá hơn 10.000 đồng/kg... giá thuốc phun diệt cỏ dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/bình, thuốc phun ốc có giá 15.000 đồng/bình, trung bình giá thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/bình so với cùng kỳ năm trước. Theo doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến giá vật tư luôn biến động theo chiều hướng tăng là do chi phí, nguyên liệu chế biến tăng dẫn đến sản phẩm phân đạm cũng tăng.
Người dân xử lý rơm rạ trên đồng ruộng bằng vôi bột hoặc các chế phẩm sinh học, giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Giá các loại phân bón liên tục tăng khiến nông dân "điêu đứng" khi đầu tư sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực từ trước đến nay lợi nhuận vốn không cao. Để góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất cho nông dân, ngày 30/5/2025, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên ban hành "Quy trình sản xuất và phòng trừ sinh vật gây hại lúa mùa 2025".
Bà Đặng Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Vụ mùa năm 2025, huyện Điện Biên thực hiện gieo cấy theo kế hoạch hơn 5.418ha, trong đó các xã vùng lòng chảo trên 4.000ha, các xã vùng ngoài hơn 1.400ha. Cơ cấu giống, nhóm giống chủ lực: Bắc thơm số 7; Séng cù; Hana 112... nhóm giống nếp gồm có nếp 86; 87; 97. Đối với trà sớm sẽ kết thúc gieo trước ngày 15/6/2025 và trà chính đối với lúa gieo vãi, lúa sạ hàng: Gieo từ ngày 15/6 - 30/6/2025. Đối với lúa cấy: Gieo mạ từ ngày 1/6 và kết thúc cấy trước ngày 30/6/2025. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2025 trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón tăng cao, ngành nông nghiệp huyện Điện Biên đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định biện pháp thâm canh đối với vụ mùa 2025 là biện pháp quan trọng nhất, vừa đảm bảo tiết kiệm về chi phí phân bón, cũng là biện pháp phòng, chống sâu bệnh để đạt năng suất, chất lượng tốt nhất. Do thời gian chuyển vụ năm nay rất ngắn, nên tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý rơm rạ trên đồng ruộng bằng vôi bột hoặc các chế phẩm sinh học, vừa giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường (do đốt rơm rạ sau thu hoạch); đồng thời hạn chế lượng phân bón vô cơ, tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ để tăng thêm độ màu mỡ, tơi xốp, cải tạo đất trồng. Đối với các hộ có chăn nuôi, cần tận dụng xử lý và thực hiện các biện pháp bón phân chuồng đúng kỹ thuật giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần nâng cao năng suất. Chỉ đạo các xã thực hiện tốt cơ cấu giống, trên một cánh đồng gieo cấy cùng giống hoặc các giống có thời gian sinh trưởng tương đồng để thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa, chăm sóc và phòng chống dịch hại.
Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho nông dân trong sản xuất khi giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" như hiện nay.
Từ ngày 1/7 thực hiện Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 trên phạm vi cả nước
Từ ngày 1/7 đến ngày 30/7/2025, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) thực hiện Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025. Đây là cuộc điều tra có phạm vi trải rộng trên cả nước, đối tượng và đơn vị điều tra lớn, nội dung điều tra phức tạp, thời gian điều tra kéo dài, số lượng lớn điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên và Ban chỉ đạo các cấp tham gia.
Kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là cơ sở để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản, cải thiện mức sống dân cư nông thôn.
Thực hiện Quyết định số 484/QĐ-TTg ngày 07/6/2024 về việc tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐTNN 2025) của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/9/2024 Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp năm 2025 Trung ương đã ban hành Quyết định số 2235/QĐ-BCĐTW về Phương án TĐTNN 2025.
TĐTNN 2025 thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS) và nông thôn, nhằm biên soạn các chỉ tiêu thống kê liên quan thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, khu vực NLTS và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương.
Bên cạnh đó, Tổng điều tra phục vụ nghiên cứu đánh giá quy mô, cơ cấu lao động nông thôn và lao động NLTS; thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn; tình hình thực hiện một số nội dung của các chương trình, mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông thôn và NLTS; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu nông thôn và khu vực NLTS. Đồng thời, phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và NLTS phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu; làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hằng năm về lĩnh vực NLTS và đáp ứng các yêu cầu thống kê khác.
Theo phương án, TĐTNN 2025 được thực hiện trên phạm vi cả nước đối với tất cả các đơn vị điều tra là: Hộ tham gia hoạt động NLTS; Trang trại; Doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động NLTS; Ủy ban nhân dân xã.
Đối tượng điều tra của TĐTNN 2025 bao gồm: Lao động tham gia hoạt động NLTS; Hộ dân cư tham gia hoạt động NLTS; Trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động NLTS; Ủy ban nhân dân xã.
TĐTNN 2025 được thực hiện theo phương pháp điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Trong đó, điều tra toàn bộ đối với tất cả các đơn vị điều tra tham gia hoạt động NLTS gồm: Hộ, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã; UBND xã; các đơn vị tham gia hoạt động NLTS thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng. Điều tra chọn mẫu áp dụng đối với hộ tham gia hoạt động NLTS để thu thập một số thông tin chuyên sâu, bổ sung các thông tin của phiếu hộ toàn bộ, phục vụ nghiên cứu hoạt động sản xuất của hộ.
Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn điều tra tối đa là 30 ngày, từ ngày 01/7/2025 đến ngày 30/7/2025.
Về thời điểm thu thập thông tin của TĐTNN 2025, các chỉ tiêu thống kê theo thời điểm được thu thập thông tin theo số thực tế tại thời điểm ngày 01/7/2025. Các chỉ tiêu thống kê theo thời kỳ được thu thập thông tin theo số phát sinh trong 12 tháng trước thời điểm điều tra; hoặc số chính thức năm 2024; hoặc thời kỳ được quy định cụ thể trong từng loại phiếu điều tra.
TĐTNN 2025 thực hiện đồng thời hai phương pháp thu thập thông tin: Phỏng vấn trực tiếp (sử dụng đồng thời phiếu điều tra điện tử - CAPI và phiếu điều tra giấy) và Thu thập thông tin gián tiếp từ các đơn vị điều tra thông qua sử dụng phiếu điều tra điện tử (Webform). Đối với phương pháp thu thập thông tin sử dụng phiếu Webform, các điều tra viên thống kê sẽ hỗ trợ đơn vị điều tra trong việc cung cấp tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu và hướng dẫn đăng nhập vào hệ thống để điền thông tin, hướng dẫn cách điền thông tin vào phiếu hỏi.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025: Cơ hội xây dựng kho dữ liệu chuyên sâu về nông thôn
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và nông, lâm, thủy sản phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và đáp ứng các yêu cầu thống kê khác.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn
Cục Thống kê (Bộ Tài chính) chuẩn bị tiến hành cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 (TĐTNN).
Đây là cuộc điều tra có phạm vi trải rộng trên cả nước, đối tượng và đơn vị điều tra lớn, nội dung điều tra phức tạp, thời gian điều tra kéo dài, số lượng lớn điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên và ban chỉ đạo các cấp tham gia.
TĐTNN 2025 thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS) và nông thôn nhằm đáp ứng 3 mục đích chính:
Thứ nhất, biên soạn các chỉ tiêu thống kê liên quan thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, khu vực NLTS và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương;
Thứ hai, phục vụ nghiên cứu đánh giá quy mô, cơ cấu lao động nông thôn và lao động NLTS; thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn; tình hình thực hiện một số nội dung của các chương trình, mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông thôn và NLTS; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu nông thôn và khu vực NLTS.
Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và NLTS phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu; làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hằng năm về lĩnh vực NLTS và đáp ứng các yêu cầu thống kê khác.
Đối tượng điều tra của TĐTNN 2025 bao gồm: Lao động tham gia hoạt động NLTS; hộ dân cư (viết tắt là hộ) tham gia hoạt động NLTS; trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động NLTS; UBND xã.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025
Đơn vị điều tra của TĐTNN 2025 bao gồm: Hộ tham gia hoạt động NLTS; trang trại; doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động NLTS; UBND xã.
Kết hợp điều tra toàn bộ và chọn mẫu
TĐTNN 2025 được thực hiện theo phương pháp điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu, cụ thể:
Điều tra toàn bộ: Điều tra toàn bộ đối với tất cả các đơn vị điều tra tham gia hoạt động NLTS gồm: Hộ, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã; UBND xã; các đơn vị tham gia hoạt động NLTS thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng.
Điều tra chọn mẫu: Điều tra chọn mẫu áp dụng đối với hộ tham gia hoạt động NLTS để thu thập một số thông tin chuyên sâu, bổ sung các thông tin của phiếu hộ toàn bộ, phục vụ nghiên cứu hoạt động sản xuất của hộ.
Theo Cục Thống kê, việc điều tra sẽ áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng hai giai đoạn căn cứ trên cỡ mẫu (quy mô mẫu) đã được tính toán nhằm phục vụ ước lượng các chỉ tiêu thống kê với các phân tổ theo yêu cầu.
Cụ thể, giai đoạn 1: Chọn địa bàn điều tra mẫu. Căn cứ cỡ mẫu bảo đảm ước lượng các chỉ tiêu thống kê theo các phân tổ được yêu cầu, xác định số lượng địa bàn điều tra mẫu và phân bổ số lượng địa bàn điều tra mẫu cho các địa phương; giai đoạn 2: Chọn hộ mẫu từ danh sách các hộ tham gia hoạt động NLTS của địa bàn điều tra mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên đơn giản.
Các chỉ tiêu thống kê theo thời điểm được thu thập thông tin theo số thực tế tại thời điểm ngày 1.7.2025; các chỉ tiêu thống kê theo thời kỳ được thu thập thông tin theo số phát sinh trong 12 tháng trước thời điểm điều tra; hoặc số chính thức năm 2024; hoặc thời kỳ được quy định cụ thể trong từng loại phiếu điều tra.
Thu thập thông tin trong 30 ngày
Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn điều tra tối đa là 30 ngày, từ ngày 1.7.2025 đến ngày 30.7.2025.
TĐTNN 2025 thực hiện đồng thời hai phương pháp thu thập thông tin: Phỏng vấn trực tiếp và thu thập thông tin gián tiếp từ các đơn vị điều tra.
Phương pháp phỏng vấn trực tiếp sử dụng phiếu điều tra điện tử (phiếu CAPI) được áp dụng đối với phiếu thu thập thông tin bảng kê; phiếu điều tra hộ và phiếu điều tra trang trại.
Phương pháp phỏng vấn trực tiếp sử dụng phiếu điều tra giấy: Áp dụng cho các đơn vị điều tra do Bộ Quốc phòng quản lý (bao gồm các doanh nghiệp tham gia hoạt động NLTS do Bộ Quốc phòng quản lý).
Phương pháp thu thập thông tin gián tiếp thông qua sử dụng phiếu điều tra điện tử (phiếu Webform) để đơn vị điều tra tự cung cấp thông tin. Điều tra viên thống kê hỗ trợ đơn vị điều tra trong việc cung cấp tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu và hướng dẫn đăng nhập vào hệ thống để điền thông tin, hướng dẫn cách điền thông tin vào phiếu hỏi. Phương pháp thu thập thông tin gián tiếp thông qua phiếu Webform được áp dụng cho phiếu thu thập thông tin của UBND xã.
Ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường
Sau một tháng triển khai đợt cao điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành các kế hoạch hành động cụ thể, tổ chức nhiều đoàn công tác, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Công an thành phố Lào Cai bắt vụ buôn lậu hơn 500 kg trứng gà non nhập lậu qua biên giới.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra thực tiễn tại các địa bàn trọng điểm
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-BNNMT ngày 21/5/2025, triển khai toàn diện , gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Năm Cục chuyên ngành gồm Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Chăn nuôi và Thú y; Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm; Cục Thủy sản và Kiểm ngư; Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã ban hành các kế hoạch cụ thể, phân công rõ trách nhiệm.
Đồng thời, các Sở Nông nghiệp và Môi trường địa phương cũng tích cực triển khai kế hoạch hành động. Trong đợt này, Bộ đã thành lập hai đoàn kiểm tra do Thứ trưởng làm Trưởng đoàn, làm việc trực tiếp tại các địa bàn trọng điểm là Lào Cai (ngày 30/5) và Kiên Giang (ngày 6/6).
Các đoàn công tác tập trung kiểm tra, đánh giá tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Cùng với đó, 13 đoàn công tác của các đơn vị thuộc Bộ đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại nhiều địa phương. Các nội dung kiểm tra trọng tâm gồm: an toàn thực phẩm, thực phẩm giả, độc hại, không rõ nguồn gốc; sản phẩm lâm sản, thủy sản; giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả; tình trạng dùng chất kích thích tăng trưởng và hóa chất quá mức nhằm gian lận về khối lượng, giảm chất lượng nông sản sau rã đông.
Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 14 vụ việc vi phạm, trong đó có các vụ vi phạm kiểm dịch, an toàn thực phẩm liên quan đến thịt lợn tại Bắc Giang, Quảng Trị; xúc xích, trứng non đông lạnh tại cửa khẩu Lào Cai; tôm hùm giống nhập lậu tại Thành phố Hồ Chí Minh; thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng tại Nghệ An.
Đặc biệt, Bộ đã xác minh việc đóng dấu kiểm dịch với lợn bệnh của Công ty cổ phần C.P Việt Nam và chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.
Ngoài ra, đang tiến hành xác minh đơn tố cáo về hành vi giả mạo mã số đăng ký lưu hành đối với sản phẩm thức ăn bổ sung cho thủy sản.
Đề xuất hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực kiểm soát từ cơ sở
Cùng với công tác kiểm tra, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng. Báo Nông nghiệp và Môi trường đã đăng tải 20 bài và 56 tin về các hoạt động đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, phóng sự điều tra vi phạm trong sản xuất, kinh doanh nông sản, loạt bài về vi phạm trong giống cây trồng và sản phẩm chế biến.
Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng thường xuyên cập nhật thông tin trên website nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến về hành vi trong xã hội.
Tuy nhiên, việc triển khai cũng gặp nhiều khó khăn. Một số tổ chức, cá nhân sử dụng thủ đoạn tinh vi để tránh né kiểm tra; tình trạng lạm dụng hóa chất, chất cấm trong sản xuất vẫn tồn tại, nhất là trong chăn nuôi nhỏ lẻ; địa bàn quản lý rộng, sản xuất phân tán; lực lượng kiểm tra tại cơ sở còn mỏng, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận người dân, đặc biệt ở vùng biên giới, còn bị lôi kéo, tiếp tay cho buôn lậu.
Công tác kiểm tra bước đầu cho thấy, các hành vi vi phạm vẫn diễn ra phổ biến: buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; sản xuất hàng không đạt tiêu chuẩn công bố; làm giả con dấu, mã số lưu hành; vi phạm an toàn thực phẩm và vệ sinh dịch bệnh. Dù hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ, nhưng cần rà soát, điều chỉnh phù hợp thực tiễn, nhất là với các hình thức sản xuất, kinh doanh mới như thương mại điện tử, mạng xã hội, trao đổi cư dân biên giới.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị Chính phủ ban hành Thông tư hướng dẫn thực thi hai Nghị định mới (số 131/2025/NĐ-CP và 136/2025/NĐ-CP) nhằm làm rõ phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Đồng thời, phối hợp sửa đổi Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng phân loại mức độ nguy cơ của sản phẩm, áp dụng tiền kiểm/hậu kiểm phù hợp, tăng cường quản lý các sản phẩm có nguy cơ cao.
Bộ cũng tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định kiểm soát chất lượng toàn chuỗi sản xuất theo từng nhóm ngành hàng; kiểm soát từ vật tư đầu vào đến chế biến, phân phối; siết chặt cấp mã số vùng trồng, cơ sở bao gói; giám sát chặt nhập khẩu động vật, thủy sản. Đặc biệt, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với hỗ trợ nguồn lực và tăng cường hướng dẫn, kiểm tra thực thi ở cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không có ngoại lệ, kể cả cán bộ tiếp tay cho sai phạm. Đồng thời, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nông dân 'bắt nhịp' chuyển đổi số
Hiện nay, nông dân ngày càng chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh. Sự chuyển đổi này không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, mở ra cánh cửa mới cho nền nông nghiệp địa phương.
Đoàn xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ hỗ trợ nông dân đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử
1. Hòa cùng xu thế chuyển đổi số (CĐS), nông dân ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm công lao động, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Mô hình tưới tiêu tự động, hệ thống cấp thức ăn tự động, giám sát và quản lý thông minh,... không còn xa lạ ở nhiều trang trại. Sự đổi mới này mang đến một diện mạo hiện đại cho nền nông nghiệp của tỉnh.
Anh Trần Nguyễn Thành Do (quản lý Cơ sở Sản xuất rau sạch Botanic Farm, phường 7, TP.Tân An) chia sẻ: “Để giảm thời gian, công sức quản lý và tối ưu chi phí nhân công, chúng tôi đầu tư hơn 2 tỉ đồng vào nhà màng và công nghệ IoT để trồng 1.000m2 rau thủy canh. Hệ thống IoT có thể điều khiển linh hoạt nhiều chức năng như quạt gió, phun sương, cắt nắng hay bơm nước để chăm sóc cây con ngay cả khi không có mặt tại vườn”.
Nông dân ngày càng nhận thức rõ lợi ích của ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi hiệu quả hơn, Sở Nông nghiệp và Môi trường tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng và chuyển giao, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các mô hình được ứng dụng trên cây lúa, thanh long, chanh, rau và vùng chăn nuôi bò thịt, nuôi tôm nước lợ. Qua đó, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, vùng lúa có 63.988ha ứng dụng công nghệ cao, vùng rau có 2.148ha, vùng thanh long có 5.849ha và vùng chanh có 4.114ha. Với vùng chăn nuôi bò thịt, lũy kế đến nay thực hiện 5 mô hình điểm. Riêng vùng tôm, diện tích ứng dụng công nghệ cao của mô hình điểm là 98,84/100ha so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Người dân nhân rộng mô hình với diện tích khoảng 1.172ha/2.146 hộ. Ngoài ra, tỉnh còn có 6 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
2. Không dừng lại ở sản xuất, nông dân còn chú trọng ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ nông sản. Các sàn thương mại điện tử (TMĐT), website,... trở thành kênh kết nối hiệu quả giữa nông dân với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Một trong những nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh là bà Lê Thị Mai (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) với thương hiệu trà hoa hòe Nguyễn Lự, đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Từ cuối năm 2023, sản phẩm trà hoa hòe của gia đình bà Mai được nhiều người biết đến. Thay vì duy trì phương thức bán sỉ truyền thống, bà Mai quyết định mở rộng kênh phân phối thông qua các sàn TMĐT nhằm tiếp cận tệp khách hàng lớn hơn. Mặc dù tuổi đã cao, bà Mai vẫn kiên trì học hỏi kiến thức, kỹ năng công nghệ để áp dụng vào kinh doanh.
Bà Mai cho biết: “Trước đây, tôi kinh doanh trong phạm vi địa phương. Tuy nhiên, khi nhu cầu của khách hàng ở xa tăng lên, nhiều người muốn tìm mua sản phẩm nhưng không biết địa chỉ nên Hội Nông dân xã phối hợp Đoàn xã hỗ trợ tôi mở rộng kênh bán hàng qua các nền tảng TMĐT. Ban đầu, tôi còn bỡ ngỡ nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của Đoàn xã, hiện tôi có thể thực hiện các thao tác cơ bản”.
Để hỗ trợ bà Mai, Đoàn xã Bình Tịnh giúp bà thiết kế web bán hàng, hướng dẫn đăng bán sản phẩm trên các sàn TMĐT, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hội thảo,... Qua đó, bà có thể tiếp cận nhiều đối tác tiềm năng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bí thư Đoàn xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ - Đỗ Tấn Lực thông tin: “Nhận thấy nông dân còn hạn chế trong việc quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, Đoàn xã chủ động tiếp cận, trực tiếp hướng dẫn người dân về các thao tác bán hàng cơ bản và hỗ trợ thiết kế hình ảnh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT”.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thương trên môi trường số là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Kinh doanh qua TMĐT không chỉ giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn từng bước thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn./.
Nông nghiệp sạch 'loay hoay' trước vấn nạn hàng giả: Cần 'vá' lỗ hổng pháp lý
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và nguồn gốc thực phẩm, hàng ngàn nông dân, hợp tác xã (HTX) đã không ngừng nỗ lực, đầu tư công sức và tiền bạc để sản xuất ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Thế nhưng, niềm vui chưa trọn thì nỗi lo đã ập đến bởi vấn nạn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng đang hoành hành, gây thiệt hại nghiêm trọng cho những người làm thật, ăn thật và làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, cho biết bà đã chứng kiến không ít câu chuyện đau lòng khi nông sản của nông dân, HTX dù đã được chứng nhận, xây dựng thương hiệu cẩn thận, lại bị đánh cắp danh tiếng bởi những sản phẩm mạo danh, không rõ nguồn gốc.
Loạn thị trường vì thiếu phân loại nguy cơ
Vấn đề này không chỉ làm giảm doanh thu, uy tín của người sản xuất chân chính mà còn tạo ra sự hoang mang trong cộng đồng, khiến người tiêu dùng khó lòng phân biệt thật giả và dẫn đến nguy cơ quay lưng với nông sản sạch.
Ngay như vụ dầu chăn nuôi trá hình dầu ăn len lỏi vào bếp ăn, hàng quán bị lực lượng chức năng phát hiện tại tỉnh Hưng Yên mới đây khiến dư luận, người dân và cả các HTX không khỏi bàng hoàng.
Anh Đinh Đức Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn Yên Thủy (Hòa Bình) cho biết đã sản xuất và ép được dầu vừng, dầu lạc theo quy trình chứng nhận thì giá sản phẩm không hề rẻ như một số sản phẩm cùng loại được bán trên thị trường hiện nay. Nhưng khi sản phẩm chất lượng, bán với giá cao hơn một chút thì HTX lại gặp khó khăn trong thu hút người tiêu dùng và cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng giả, hàng kém chất lượng “vượt mặt”.
Ngoài ra, một trong những vấn đề cốt lõi của việc mất an toàn thực phẩm diễn ra như hiện nay là chưa có sự phân loại rõ ràng sản phẩm, hàng hóa thực phẩm theo mức độ nguy cơ. Hiện tại, dường như tất cả các loại nông sản, từ rau ăn lá, trái cây cho đến các sản phẩm chế biến, đều chịu một bộ khung quản lý chung theo Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15, gây ra sự dàn trải nguồn lực và thiếu hiệu quả.
Quy định pháp luật chồng chéo là một trong những nguyên nhân khiến hàng giả, hàng kém chất lượng "vượt mặt" hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đại diện một số HTX, thực tế, một số sản phẩm rau ăn lá tươi sống có nguy cơ tồn dư hóa chất cao hơn nhiều so với một loại gạo khô được đóng gói cẩn thận hoặc một loại đậu đỗ đã qua chế biến nhiệt. Tuy nhiên, quy trình kiểm soát, kiểm nghiệm đôi khi lại áp dụng chung cho tất cả. Điều này dẫn đến tình trạng những sản phẩm có nguy cơ thấp lại phải trải qua quy trình tiền kiểm, hậu kiểm phức tạp không cần thiết, làm tăng chi phí và thời gian cho HTX, gây lãng phí nguồn lực của cơ quan quản lý. Ngược lại, những sản phẩm có nguy cơ cao hơn lại chưa được giám sát chặt chẽ, tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi vào thị trường.
Để giải quyết vấn đề này, theo giới chuyên gia, cần thiết phải phân loại sản phẩm, hàng hóa thực phẩm theo mức độ nguy cơ (thấp, trung bình, cao). Các sản phẩm có nguy cơ thấp (một số loại ngũ cốc khô, sản phẩm đóng gói kín có thời hạn sử dụng dài) có thể áp dụng hình thức hậu kiểm là chính, giảm bớt gánh nặng hành chính cho các HTX.
Còn các sản phẩm có nguy cơ trung bình (rau củ quả tươi, thịt gia súc, gia cầm chưa qua chế biến sâu) cần có sự kết hợp hài hòa giữa tiền kiểm và hậu kiểm theo tần suất phù hợp.
Đặc biệt, đối với các sản phẩm có nguy cơ cao, nhất là các sản phẩm chế biến sẵn, thực phẩm có nguồn gốc từ thủy sản, sản phẩm sử dụng phụ gia..., cần tăng cường tiền kiểm và hậu kiểm chặt chẽ, thậm chí là kiểm tra đột xuất, để đảm bảo an toàn tối đa và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Việc này sẽ giúp cơ quan quản lý tập trung nguồn lực vào những điểm nóng, những lĩnh vực có nguy cơ cao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, HTX, doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Loay hoay trong xử lý “sự cố”
Một điểm nghẽn nữa trong vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng lộng hành hiện nay nằm ở sự thiếu thống nhất về phân cấp, phân quyền và thực hiện các thủ tục hành chính ở cấp cơ sở.
Cụ thể, Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15 đã cố gắng quy định về phân công trách nhiệm, nhưng trên thực tế, giữa các bộ ngành (Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Công Thương) và giữa các cấp chính quyền (Trung ương đến xã) vẫn còn những điểm chồng chéo hoặc khoảng trống nhất định.
Đại diện một HTX sản xuất rau hữu cơ ở Hà Nội cho biết, để sản phẩm được chứng nhận hữu cơ, HTX phải trải qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt từ đơn vị cấp chứng nhận hữu cơ, với các chỉ tiêu về đất, nước, không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học. Nhưng khi sản phẩm này muốn lưu thông trên thị trường, đặc biệt là qua các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, HTX còn phải đối mặt với các yêu cầu về an toàn thực phẩm từ Bộ Y tế, các quy định về chất lượng sản phẩm từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, và cả các quy định về nhãn mác, truy xuất nguồn gốc từ Bộ Công Thương. Mỗi bộ, ngành lại có những quy định, thông tư, nghị định riêng, đôi khi không hoàn toàn tương thích hoặc chồng lấn lên nhau ở một số khía cạnh.
Việc này khiến HTX phải mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí để thực hiện các thủ tục, kiểm tra riêng lẻ cho từng yêu cầu thay vì tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng sản xuất. Trong khi nguồn lực hạn hẹp của HTX bị phân tán, gây ra sự nản lòng và giảm động lực đầu tư vào chất lượng thực sự.
Điều đáng nói là, về bản chất, nhiều chỉ tiêu kiểm tra có thể được tích hợp hoặc công nhận lẫn nhau giữa các cơ quan, nhưng do cơ chế chưa thông suốt, HTX vẫn phải làm lại từ đầu hoặc thực hiện các bước không cần thiết.
Bên cạnh đó, mặc dù Luật An toàn thực phẩm và các văn bản dưới luật đã có quy định về trách nhiệm của từng bộ, ngành đối với từng nhóm sản phẩm cụ thể. Chẳng hạn như Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý nông, lâm, thủy sản; Bộ Y tế quản lý thực phẩm chức năng, phụ gia; Bộ Công Thương quản lý rượu, bia, nước giải khát... Nhưng trên thực tế vẫn còn sự chồng chéo trong việc thực thi.
Khi một vấn đề phát sinh liên quan đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp, HTX thường không biết rõ mình phải liên hệ với cơ quan nào để được hỗ trợ hoặc giải quyết. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát đôi khi bị đẩy từ cấp này sang cấp khác, từ bộ này sang bộ khác. Ví như một sản phẩm rau sạch gặp vấn đề về tồn dư kim loại nặng – Bộ Nông nghiệp và Môi trường có thể cho rằng đây là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, trong khi Bộ Y tế có thể lại cho rằng đó là vấn đề chất lượng nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Sự thiếu rõ ràng này gây ra sự chậm trễ trong xử lý vi phạm, khiến HTX cảm thấy bơ vơ và không có chỗ dựa khi gặp khó khăn.
Hơn nữa, ở cấp địa phương, một cán bộ ở cấp huyện, xã có thể phải kiêm nhiệm nhiều mảng, thiếu chuyên môn sâu về từng lĩnh vực, dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính, hướng dẫn HTX không được nhanh chóng và chính xác. Điều này càng làm tăng thêm gánh nặng hành chính và làm giảm hiệu quả của công tác kiểm định chất lượng.
Những điều này cũng tạo điều kiện cho những kẻ gian lận lợi dụng kẽ hở để tung ra sản phẩm kém chất lượng, mạo danh. Do đó, việc vá những lỗ hổng trong Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15 sẽ là những bước đi chiến lược, mở đường cho một nền nông nghiệp sạch phát triển bền vững. Chỉ khi đó, người nông dân, HTX chân chính mới được bảo vệ, và người tiêu dùng mới có thể yên tâm lựa chọn những sản phẩm thực sự an toàn và chất lượng.
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn xứ Thanh
Những năm gần đây, thông qua mô hình HTX, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực hỗ trợ các địa phương chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa không chủ động nước tưới, sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện Hoằng Hóa, dựa vào tiềm năng, thế mạnh, chính quyền một số xã đã vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ tập trung đất đai để liên kết sản xuất lớn. Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ vào quá trình sản xuất, chuyển đổi khoảng 20ha đất lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá - cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần.
Chuyển đổi cây trồng cho thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần
Là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành (xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa) đã đầu tư trang bị máy cày, máy vun luống... phục vụ người dân sản xuất.
Ông Lương Quốc Đạt, chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành, cho biết: "Để hỗ trợ người dân và đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, HTX đã đầu tư 3 máy làm đất và vun luống, 2 máy cấy, 3 máy thu hoạch khoai tây. 100% diện tích HTX liên kết sản xuất sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, HTX đầu tư tưới nhỏ giọt cho 20ha trồng dưa chuột và rau màu các loại.
Nhiều địa phương tại Thanh Hóa đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa tại các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã giúp nâng cao thu nhập cho người lao động.
Nhờ ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nên chất lượng sản phẩm của HTX cao, được khách hàng tin dùng. Trung bình, doanh thu mỗi năm của HTX đạt khoảng 40 tỷ đồng".
Được biết, việc đưa máy móc vào thực hiện các khâu làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá và thu hoạch... đã góp phần giảm sức lao động trực tiếp, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Bốn, thành viên của tổ hợp tác thôn Nghĩa Lập (xã Hoằng Thành), chia sẻ: “Được sự định hướng xây dựng mô hình sản xuất, tôi đã đưa cây măng tây về trồng thử nghiệm, đồng thời ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm. Măng tây cho thu hoạch liên tục 20 ngày/tháng, mỗi tháng tôi thu hoạch trung bình 300kg, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng/năm”.
Ông Lưu Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thành (huyện Hoằng Hóa) cho biết: “Việc phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tích cực; góp phần đưa thu nhập của người dân trong xã đạt 67 triệu đồng/người/năm”.
Bên cạnh các xã có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp, không ít địa phương trên địa bàn huyện Hoằng Hóa và các huyện khác của tỉnh đang phát triển các nghề truyền thống để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân như đúc đồng ở Trà Đông, Thiệu Trung (Thiệu Hóa), mây tre đan ở Hoằng Thịnh, mộc Đạt Tài ở Hoằng Đạt (Hoằng Hóa), bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân), chiếu cói Nga Sơn...
Hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến
Có thể thấy, việc chuyển đổi cây trồng và ứng dụng cơ giới hóa để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập giờ đây không còn là “bài toán khó” ở nông thôn. Vấn đề là các địa phương phải biết khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng đất đai thông qua việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX...
Nói về hiệu quả từ việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao thành công, đại diện Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được một số mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tiêu biểu như mô hình HTX nông nghiệp tập trung tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh với Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới trên diện tích 4,1ha để trồng dưa Kim Hoàng Hậu (được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao) và xây dựng 20ha vùng trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, có dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đạt doanh thu 26 tỷ đồng/năm của HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (huyện Thiệu Hóa).
Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu của HTX nông nghiệp Định Thọ, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.
Mô hình 1.000m2 nhà lạnh trồng lan Hồ Điệp và 7.000m2 nhà màng trồng dưa chuột, dưa Kim Hoàng Hậu của HTX nông nghiệp Định Thọ (huyện Quảng Xương); Mô hình tích tụ ruộng đất 81ha trồng mía nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Đường Việt Đài của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thành Long (huyện Thạch Thành); mô hình liên kết thành viên, hộ nông dân trồng cây chè trên diện tích 30ha và sản xuất sản phẩm chè OCOP chất lượng cao, đạt doanh thu 2,5 tỷ đồng/năm của HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn (huyện Triệu Sơn).
Mô hình HTX Sản xuất thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo (huyện Hoằng Hóa) đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất phân bón hữu cơ, cung ứng cho thành viên và hộ nông dân trên địa bàn hoạt động; tạo thu nhập bình quân của cán bộ, thành viên, lao động đạt 9 triệu đồng/người/tháng…
Để thúc đẩy KTTT, HTX, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường kết hợp cùng Liên minh HTX tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch, nội dung chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, thành viên của HTX năm 2024. Trong năm qua, Sở NN&MT cũng đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đối lượng là cán bộ quản lý HTX với tổng kinh phí gần một đồng.
Tạo việc làm cho hàng nghìn lao động
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Thanh Hóa - cho biết, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm đến tình hình phát triển KTTT, HTX. Đây là mô hình phát triển kinh tế rất hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, nông cao thu nhập cho lao động ở khu vực nông thôn, miền núi.
Theo số liệu từ UBND tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, số lượng, doanh thu và thu nhập của HTX và tổ hợp tác trên địa bàn không ngừng được nâng lên. Riêng năm 2024, tỉnh Thanh Hóa ước có 51 HTX đăng ký thành lập mới, tăng gấp 2,04 lần so với kế hoạch, tăng 15,9% so với cùng kỳ; nâng tổng số HTX đăng ký thành lập ước đạt 1.348 HTX. Trong đó, có 836 HTX lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 62,01% tổng số HTX), 311 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và dịch vụ thương mại (chiếm 23,07%), 67 quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 4,97%), 29 HTX dịch vụ môi trường (chiếm 2,15%)…
Năm 2024, tổng doanh thu bình quân một HTX ước đạt 7.550 triệu đồng/năm, đạt 99,3% kế hoạch và tăng 0,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận bình quân đạt 280 triệu đồng/HTX/năm, đạt 100% kế hoạch, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, năm 2024, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX có 5.100 thành viên mới (gồm: 3.200 thành viên của quỹ tín dụng nhân dân và 1.200 thành viên của HTX thuộc các lĩnh vực khác); tổng số thành viên của HTX ước đạt 251.900 thành viên.
Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX ước đạt là 40.990 người, trong đó số lao động đồng thời là thành viên HTX: 33.240 người, đạt 97% kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên tại HTX đạt 51 triệu đồng/năm, đạt 99% kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ
Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp phát triển khá ổn định, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên, hộ nông dân, thực hiện tốt chức năng là “bà đỡ” cho kinh tế hộ phát triển; tư duy tổ chức, quản lý HTX được đổi mới, chất lượng hoạt động được nâng lên, đã chủ động đổi mới phương thức quản lý, điều hành, đẩy mạnh đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh hướng sản xuất hàng hóa; đã xuất hiện nhiều HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
“Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh, ưu tiên xây dựng, phát triển các HTX kiểu mới, hiệu quả gắn với chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm OCOP; khuyến khích các tổ chức KTTT, HTX kết nạp thêm thành viên, mở rộng quy mô, tăng cường liên kết, hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác theo chuỗi giá trị phát triển bền vững; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ HTX nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về KTTT, HTX, tạo môi trường thuận lợi cho khu vực KTTT, HTX phát triển” – đại diện Sở NN&MT nói.
Đô thị dịch vụ nông nghiệp - hướng đi chiến lược trong bối cảnh TPHCM mở rộng
Đô thị dịch vụ nông nghiệp là một mô hình đô thị kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ và các chức năng đô thị nhằm tạo ra một hệ sinh thái bền vững. Nơi đó, đô thị không chỉ phục vụ đời sống mà còn đóng vai trò thúc đẩy sản xuất, chế biến, phân phối và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tái cấu trúc không gian sống hiện đại
Khác với các đô thị truyền thống tập trung vào công nghiệp, thương mại hoặc dịch vụ tài chính, đô thị dịch vụ nông nghiệp lấy nông nghiệp làm trung tâm, nhưng không phải là đô thị thuần nông. Thay vào đó, nó tích hợp cả công nghệ, logistics, nghiên cứu và dịch vụ, giúp tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững.
Khái niệm đô thị dịch vụ nông nghiệp xuất phát từ nhu cầu tái cấu trúc không gian sống và phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện đại, khi sản xuất nông nghiệp ngày càng chịu áp lực bởi sự đô thị hóa mạnh mẽ, còn các đô thị thì lại phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm, thực phẩm kém chất lượng, và đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực. Thay vì để nông nghiệp và đô thị phát triển độc lập, mô hình này đề xuất một cách tiếp cận mới: xây dựng những đô thị mà trong đó nông nghiệp không chỉ là hoạt động sản xuất đơn thuần, mà còn là một phần quan trọng trong cấu trúc đô thị, từ nghiên cứu, chế biến, tiêu thụ đến du lịch, giáo dục và bảo vệ môi trường.
Phát triển nông nghiệp sạch trong lòng đô thị
Một đô thị dịch vụ nông nghiệp có thể hình dung như một khu đô thị hiện đại nhưng không hoàn toàn bị bê-tông hóa, mà vẫn giữ lại được những khoảng không gian xanh dành cho sản xuất nông nghiệp. Không chỉ có các khu trồng trọt hay chăn nuôi theo công nghệ cao, mà còn có những trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, trường học đào tạo về kỹ thuật canh tác, các nhà máy chế biến thực phẩm hiện đại, những khu vực logistics phục vụ lưu thông hàng hóa, và đặc biệt là hệ thống thương mại kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Khác với cách sản xuất nông nghiệp truyền thống vốn dựa nhiều vào kinh nghiệm cá nhân và lao động tay chân, mô hình này khuyến khích ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, cảm biến môi trường đến blockchain để truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Điều này giúp bảo đảm chất lượng nông sản, nâng cao năng suất và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Ngoài sản xuất và công nghệ, một yếu tố quan trọng khác của đô thị dịch vụ nông nghiệp chính là chất lượng sống của con người. Những khu vực này không phải chỉ dành riêng cho hoạt động nông nghiệp mà còn cung cấp đầy đủ các tiện ích đô thị như bệnh viện, trường học, khu vui chơi, trung tâm thương mại, nhà ở sinh thái và các không gian công cộng phục vụ cộng đồng. Nhờ vậy, mô hình này thu hút không chỉ lao động nông nghiệp mà còn cả những chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp hiện đại. Đô thị dịch vụ nông nghiệp không chỉ là một giải pháp về không gian mà còn là một hướng đi chiến lược giúp giải quyết nhiều vấn đề của nông nghiệp và đô thị hiện nay. Nó giúp giảm bớt sự phụ thuộc của nông dân vào hình thức sản xuất manh mún, tự phát, đồng thời giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp bằng cách kết nối chặt chẽ với thị trường. Điều này không chỉ cải thiện thu nhập cho người nông dân mà còn bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch và bền vững cho cư dân đô thị.
Mô hình đô thị dịch vụ nông nghiệp hiện đại
Tối ưu hiệu suất lao động, nâng cao chất lượng sống
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng áp lực về an ninh lương thực, mô hình đô thị dịch vụ nông nghiệp xuất hiện như một giải pháp chiến lược, kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp hiện đại với hệ thống đô thị để tối ưu hóa hiệu suất lao động, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống. Đây không chỉ đơn thuần là một hình thức quy hoạch không gian, mà còn là một hệ thống vận hành phức tạp, trong đó đô thị và nông nghiệp không tồn tại riêng lẻ mà được tích hợp theo cách tối ưu nhất, tạo ra một hệ sinh thái cân bằng giữa sản xuất, nghiên cứu, sinh hoạt và phát triển bền vững, gồm: Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Khu nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Hệ thống logistics và chế biến thực phẩm; Khu dân cư sinh thái và các dịch vụ hỗ trợ... Mô hình này được vận hành dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ, quản lý và cộng đồng, hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, giảm áp lực lên các đô thị truyền thống và tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp - đô thị hài hòa, cân bằng.
Hệ thống này trước hết được xây dựng trên nền tảng của các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - trái tim của đô thị dịch vụ nông nghiệp. Đây là nơi áp dụng các mô hình canh tác tiên tiến như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nhà kính thông minh, thủy canh, khí canh và chăn nuôi tự động hóa. Sự kết hợp giữa công nghệ và sản xuất truyền thống giúp giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, tối ưu hóa năng suất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Việc đưa vào sử dụng các hệ thống tưới tiêu chính xác, cảm biến môi trường và trí tuệ nhân tạo giúp kiểm soát chất lượng đất, nước và không khí, từ đó tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn và có giá trị cao.
Tuy nhiên, để một đô thị dịch vụ nông nghiệp có thể vận hành hiệu quả, không thể thiếu khu vực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Đây là nơi quy tụ các trung tâm nghiên cứu, viện khoa học nông nghiệp và vườn ươm công nghệ nhằm phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới cũng như ứng dụng các phương pháp canh tác hiện đại vào thực tiễn.
Bên cạnh sản xuất và nghiên cứu, hệ thống logistics và chế biến thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm chuỗi cung ứng vận hành trơn tru, giảm thất thoát sau thu hoạch và gia tăng giá trị sản phẩm. Hệ thống logistics được tối ưu hóa sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, bảo đảm sản phẩm đến tay người tiêu dùng luôn tươi ngon và giàu dinh dưỡng nhất.
Những mảng xanh xen lẫn dãy nhà cao tầng
Để tạo nên sự cân bằng giữa sản xuất và đời sống, đô thị dịch vụ nông nghiệp cần phát triển các khu dân cư sinh thái - một không gian sống lý tưởng, nơi cư dân vừa có thể làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vừa tận hưởng cuộc sống đô thị với đầy đủ tiện ích. Những khu dân cư này không chỉ đơn thuần là nơi ở mà còn được thiết kế theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa không gian xanh và đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa con người với thiên nhiên.
Hướng đi chiến lược trong quy hoạch đô thị
Trong bối cảnh TPHCM đang mở rộng địa giới hành chính, bao gồm cả Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, đây là một bước chuyển quan trọng không chỉ đối với thành phố mà còn đối với toàn bộ vùng Đông Nam Bộ. Việc mở rộng không đơn thuần chỉ là sự gia tăng về diện tích hay dân số, mà thực chất là một sự tái cấu trúc toàn diện về không gian kinh tế, đô thị, xã hội và môi trường. Trong bối cảnh đó, mô hình đô thị dịch vụ nông nghiệp trở thành một khái niệm cần được nghiên cứu nghiêm túc và triển khai một cách chiến lược để đảm bảo sự phát triển bền vững cho toàn vùng. Nếu chỉ tập trung vào công nghiệp và mở rộng đô thị theo cách truyền thống, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ mất dần quỹ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và làm suy giảm khả năng tự cung cấp của khu vực. Đô thị dịch vụ nông nghiệp chính là một giải pháp để duy trì sự cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn nông nghiệp, giúp tạo ra những giá trị gia tăng cao hơn thay vì chỉ đơn thuần mở rộng các khu công nghiệp hay đô thị mới.
Với xu hướng phát triển của TPHCM, các khu vực phù hợp để phát triển mô hình đô thị dịch vụ nông nghiệp có thể nằm dọc theo hành lang phía Đông và Đông Nam như Nhơn Trạch, Long Thành, Phú Mỹ, hoặc phía Bắc như Bình Dương, Tây Ninh và một số vùng ven đô như Củ Chi hay Cần Giờ. Những khu vực này không chỉ có quỹ đất phù hợp mà còn có lợi thế về kết nối hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, chế biến và phân phối nông sản. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành sẽ giúp sản phẩm nông nghiệp của khu vực dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế, nâng cao tính cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Sự ra đời của đô thị dịch vụ nông nghiệp mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng. Trước hết, nó giúp giải quyết mâu thuẫn giữa quá trình đô thị hóa và nhu cầu bảo vệ đất nông nghiệp. Ngoài ra, đô thị dịch vụ nông nghiệp còn đóng vai trò như một vùng đệm sinh thái, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Việc phát triển các vùng nông nghiệp xanh, kết hợp với các không gian sinh thái và khu bảo tồn tự nhiên, sẽ góp phần giữ gìn cân bằng sinh thái và cải thiện chất lượng sống cho cư dân đô thị.
Một lợi ích quan trọng khác của mô hình này là khả năng giảm áp lực dân số lên TPHCM. Khi thành phố mở rộng, nếu không có các khu đô thị vệ tinh hoặc các trung tâm kinh tế mới, dân số sẽ tiếp tục dồn về khu vực nội đô, gây quá tải cho hệ thống giao thông, y tế và giáo dục. Đô thị dịch vụ nông nghiệp có thể đóng vai trò như những trung tâm dân cư mới, vừa cung cấp nơi ở, vừa tạo ra việc làm tại chỗ, giúp phân bổ lại dân số một cách hợp lý hơn.
Đô thị dịch vụ nông nghiệp không chỉ là một giải pháp để đảm bảo sự phát triển hài hòa mà còn là một cơ hội để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh quốc tế. Trong một thế giới đang hướng đến phát triển xanh và bền vững, mô hình này không chỉ giúp Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ mà còn đặt nền tảng cho một tương lai cân bằng, nơi đô thị và nông nghiệp có thể cùng tồn tại và hỗ trợ lẫn nhau.
Hoàn thiện thể chế phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững diễn ra mới đây, những số liệu được công bố cho thấy những điều đáng mừng, tích cực.
Ảnh minh họa
Cả nước có 79,3% số xã đạt chuẩn NTM (gần đạt chỉ tiêu 80% cả giai đoạn); tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao 42,4%, cao gấp 5 lần so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ xã NTM kiểu mẫu đạt 12,3%, gấp 17 lần năm 2021… Diện mạo nông thôn đổi thay mạnh mẽ. Về chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc giảm còn 1,93%, trung bình giảm hơn 1%/năm. Hơn 10.500 mô hình sinh kế được triển khai, gấp 10 lần kế hoạch; trên 134.000 lao động nghèo và cận nghèo đã được kết nối với thị trường việc làm.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kết quả thực hiện hai chương trình đã góp phần cải thiện rõ nét đời sống người dân, đặc biệt tại các vùng khó khăn; khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được người dân đồng thuận cao.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao kết quả đạt được của hai chương trình và nhấn mạnh: Đây là minh chứng cho tính ưu việt của chế độ ta, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng, vào cuộc của toàn dân. Trong giai đoạn 2026 - 2035, Thủ tướng yêu cầu tích hợp các chương trình mục tiêu vào một tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thống nhất, xác lập rõ 6 yếu tố: “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”.
Thủ tướng cũng kêu gọi nông dân tiên phong trong làm giàu, tiên phong thoát nghèo, thi đua làm giàu từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển; đồng thời, đề nghị báo chí và truyền thông tiếp tục lan tỏa điển hình tiên tiến, góp phần đưa nông thôn Việt Nam phát triển toàn diện, bền vững, nhân văn và hiện đại. Mục tiêu đến 2030, thu nhập bình quân đầu người nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với 2020; đến 2035, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 1%. Và làm sao để người nông dân cảm nhận thực sự thành quả mang lại “chứ không phải những lời sáo rỗng, những lời hứa suông”.
Với những mục tiêu, định hướng như trên, giai đoạn tiếp theo trong chương trình, cần phát huy các nguồn lực để phát triển toàn diện, bền vững, người dân là chủ thể và động lực chính… Hai chương trình NTM và giảm nghèo sẽ được tích hợp chặt chẽ, trở thành nền tảng để xây dựng nông thôn hiện đại, xanh, sạch, đẹp, gắn kết và hạnh phúc. Chuyển đổi số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong thay đổi diện mạo nông thôn.
Mặt khác, cơ chế tổ chức cũng sẽ được phân rõ vai: Trung ương ban hành tiêu chí và phân bổ nguồn lực theo kết quả; địa phương linh hoạt thực hiện theo điều kiện thực tế; người dân và DN trực tiếp tham gia và hưởng lợi. Đặc biệt, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lấy nông dân làm trung tâm; phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng số, giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa; xây dựng đội ngũ nông dân văn minh, làm chủ công nghệ và chuyển đổi số; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường nông nghiệp… Kết quả của hai chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua càng khiến chúng ta tin tưởng những mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo nhất định sẽ sớm đạt được.
Liên kết tiêu thụ nông sản xứ cù lao
Nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, huyện cù lao Phú Tân là địa phương có thế mạnh nông nghiệp đặc thù. Địa phương đã nỗ lực kết nối doanh nghiệp (DN) đến tiêu thụ nông sản, cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao đời sống nông dân.
Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, Phú Tân có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trồng trọt, nhất là cây nếp, rau màu và nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích canh tác của địa phương khoảng 25.000ha, trong đó vùng chuyên canh màu hơn 1.022ha. Thời gian qua, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ đó, giúp tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản chủ lực, sản phẩm lợi thế của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh, UBND huyện Phú Tân đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch 4351/KH-UBND để triển khai đến các ngành, địa phương. Hàng năm, huyện tổ chức các đoàn khảo sát kết quả liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả.
Giai đoạn 2021 - 2025, diện tích chuyển đổi trên đất lúa của huyện Phú Tân hơn 2.964ha. Trong đó, nông dân tập trung chuyển sang trồng rau muống lấy hạt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn lúa gấp 1,7 - 2 lần. Với rau dưa các loại, thực hiện chuyển đổi hơn 290ha, đạt 113,6% kế hoạch. Diện tích chuyển sang trồng cây ăn trái đạt 318,64 ha.
UBND huyện Phú Tân vận động nông dân liên kết sản xuất cùng doanh nghiệp
Nhận thấy hiệu quả từ việc liên kết tiêu thụ nông sản, UBND huyện Phú Tân đã tích cực mời gọi DN tham gia liên kết với nông dân. Diện tích liên kết tăng đều qua các năm, từ hơn 325ha vào năm 2021 lên hơn 1.203ha trong năm 2023. DN liên kết tích cực với nông dân địa phương là Công ty Antesco, với diện tích cây đậu nành rau đạt 159ha trong năm 2025, tạo tiền đề đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển vùng nguyên liệu, hướng nông dân sản xuất theo nhu cầu của DN.
Đặc biệt, DN tư nhân Kim Vúng đã liên kết tiêu thụ rau muống lấy hạt với diện tích 225,6ha trong năm 2021. Diện tích này tăng lên 1.080ha trong năm 2023, riêng vụ đông xuân 2025 đạt 290ha. Đây là DN đi đầu trong việc thúc đẩy nông dân chuyển đổi sang trồng rau muống lấy hạt trên địa bàn huyện Phú Tân. Ngoài ra, còn có Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Công ty TNHH FOODANT… cũng tham gia liên kết tiêu thụ nông sản cùng nông dân.
Việc triển khai quyết liệt từ ngành nông nghiệp và các địa phương đã mang lại hiệu quả, giúp nông dân khai thác nguồn tài nguyên đất hợp lý, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh sử dụng cơ giới hóa nhằm giảm công lao động, ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến như tưới phun, tưới nhỏ giọt tự động và bán tự động.
Tuy nhiên, trong quá trình liên kết tiêu thụ nông sản và chuyển đổi cây trồng, huyện Phú Tân vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ. Trong đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức trong mục tiêu chuyển đổi cây trồng. Tư duy sản xuất của một bộ phận người dân chậm đổi mới; diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, không đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu theo yêu cầu của DN, gây khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả liên kết tiêu thụ nông sản và chuyển đổi cây trồng, UBND huyện Phú Tân yêu cầu các đơn vị hành chính sau sắp xếp tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân nhân rộng các mô hình hiệu quả, tiên phong trong chuyển đổi cây trồng. Ứng dụng nông nghiệp thông minh trong sản xuất; nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đồng thời, phân công cán bộ thường xuyên gắn kết với nông dân, hỗ trợ kịp thời khi nông dân gặp khó khăn, vướng mắc. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương, gắn với tận dụng các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các hợp tác xã nhằm phát huy vai trò cầu nối trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân…
Nông nghiệp Đồng Tháp tăng trưởng ấn tượng và chuyển đổi mạnh mẽ
ĐTO - 6 tháng đầu năm 2025, ngành nông nghiệp Đồng Tháp ghi nhận tăng trưởng ổn định, trong đó việc đẩy mạnh tái cơ cấu và chuyển đổi số, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tháp Mười là huyện thứ 2 của tỉnh đạt huyện nông thôn mới nâng cao (trong ảnh Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong (bìa trái), Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang (bìa phải) trao Bằng công nhận và hoa chúc mừng cho lãnh đạo huyện Tháp Mười) (Ảnh: Hoàng Kha)
Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh ước đạt 23.312 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ và vượt 100,03% kế hoạch; giá trị tăng thêm (GRDP) đạt 10.164 tỷ đồng, tăng 3,49% so với cùng kỳ, đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Các ngành hàng chủ lực duy trì tăng trưởng tích cực. Cụ thể, trồng trọt đạt 14.025 tỷ đồng (tăng 3,9% so với cùng kỳ), nổi bật là ngành hàng lúa gạo tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng với tỷ lệ lúa chất lượng cao gần 90% và 7 mã số vùng trồng được cấp mới (2.207ha); hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày vẫn giữ được hiệu quả kinh tế nhờ giá bán ổn định, lợi nhuận đạt từ 35 - 293 triệu đồng/ha; hoa kiểng phục hồi mạnh mẽ nhờ kênh bán hàng trực tuyến và giá bán cao; cây ăn trái vẫn giữ vai trò then chốt với 46.252ha.
Ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2025 cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Công tác giám sát dịch bệnh được triển khai hiệu quả, đàn vật nuôi được duy trì ổn định, tạo nền tảng cho phát triển sản xuất. Sản lượng thịt hơi xuất bán đạt 28.342 tấn, tăng 5,1%, hoàn thành 100% kế hoạch 6 tháng đầu năm và 46,68% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 1.373 tỷ đồng, tăng 5%. Thị trường tiêu thụ ổn định, trong đó chăn nuôi heo ghi nhận lợi nhuận tăng nhờ giá bán cải thiện.
Cá tra - ngành hàng chủ lực của tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng tích cực
Nuôi trồng thủy sản vẫn duy trì đà tăng trưởng với diện tích thả nuôi 4.535ha (tăng 4,4%), sản lượng thu hoạch 290.150 tấn (tăng 3,74%); cá tra đóng vai trò chủ lực với 232.000 tấn (tăng 5,4%), lợi nhuận tăng rõ rệt nhờ chi phí giảm, giá bán tăng.
Chương trình OCOP phát triển mạnh mẽ với 581 sản phẩm của 248 chủ thể, gồm 464 sản phẩm đạt 3 sao, 116 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao, thể hiện sự chuyển biến tích cực trong chất lượng và giá trị thương hiệu của sản phẩm địa phương.
Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, tỉnh đã công nhận thêm 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tổng số 58 xã), 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Riêng ở cấp huyện, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024. Cùng với đó, huyện Tam Nông, Thanh Bình và Tân Hồng cũng được công nhận đạt chuẩn NTM. Tỉnh đang hoàn tất hồ sơ trình Trung ương xem xét công nhận huyện Hồng Ngự đạt chuẩn NTM.
Tỉnh đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ thông minh, truy xuất nguồn gốc và phát triển chuỗi giá trị; triển khai thí điểm Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao; duy trì và hoàn thiện nền tảng nông nghiệp số VDAPES...
Thu hoạch lúa tại huyện Tam Nông
Trong 6 tháng cuối năm, Đồng Tháp đặt mục tiêu tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 4,41% với các giải pháp trọng tâm: tập trung phát huy thế mạnh xoài, đồng thời tháo gỡ khó khăn và nâng cao giá trị ngành sen, hoa kiểng, chăn nuôi, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên vật liệu đầu vào của quá trình sản xuất cũng như chất lượng đầu ra của nông sản; hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh; nâng cao tỷ trọng lúa chất lượng, nhân rộng mô hình lúa phát thải thấp đạt diện tích trên 50.000ha.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong nông nghiệp, với việc vận hành chính thức nền tảng dữ liệu số (VDAPES) trước tháng 10/2025, đảm bảo 100% vùng trồng được cấp mã số áp dụng công nghệ thông minh; tập trung triển khai các dự án xây dựng, nâng cấp hạ tầng nông nghiệp phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu; khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hướng tới công nhận thêm các xã NTM nâng cao, kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, đồng thời thúc đẩy Chương trình OCOP để phát triển sản phẩm đặc trưng...
Đẩy mạnh hợp tác giống cây trồng, vật tư nông nghiệp giữa Việt Nam-Trung Quốc
Ngày 25/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, triển lãm quốc tế lần thứ 6 về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất nông nghiệp - AgroChemEx Vietnam 2025 đã chính thức khai mạc. Hơn 350 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia sự kiện này.
Ký kết hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa giống cây trồng, vật tư nông nghiệp giữa Việt Nam-Trung Quốc.
Triển lãm do Hiệp hội Công nghiệp Bảo vệ Thực vật Trung Quốc (CCPIA), Hiệp hội Thương mại Hạt giống quốc gia Trung Quốc (CNSTA) và Hiệp hội Phân bón Phosphate và Phân bón Hỗn hợp Trung Quốc, phối hợp cùng Công ty VEAS và các đối tác chuyên ngành trong nước và quốc tế tổ chức.
Bên cạnh trưng bày, triển lãm còn tổ chức chuỗi hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA), CCPIA và các tổ chức quốc tế.
Triển lãm quốc tế giống, 2025 và hội thảo đẩy mạnh hợp tác và phát triển ngành hạt giống Việt Nam-Trung Quốc diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 25 đến 26/6 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn-SECC, Thành phố Hồ Chí Minh .
Triển lãm có sự tham gia của 120 công ty quốc tế về giống cây trồng và vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, triển lãm có nhiều doanh nghiệp hàng đầu đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ.
Các công ty sẽ tập trung giới thiệu những thành tựu khoa học công nghệ, những sản phẩm mới, cập nhật thông tin quản lý trong lĩnh vực giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón...
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung cho biết, cùng với xu thế hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó giống cây trồng, , giữa Việt Nam với các nước trên thế giới luôn được bộ, ngành quan tâm, duy trì và thúc đẩy phát triển.
Với mục đích đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin khoa học, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất với các doanh nghiệp trên thế giới và thúc đẩy hợp tác về phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, triển lãm quốc tế giống, vật tư nông nghiệp 2025 và hội thảo đẩy mạnh hợp tác và phát triển ngành hạt giống Việt Nam-Trung Quốc là một cơ hội rất tốt để các nhà quản lý, các doanh nghiệp trao đổi, hợp tác hướng tới một nền nông nghiệp, công nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững.
Theo ông Hoàng Trung, triển lãm và hội thảo lần này là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa lớn, mở ra cơ hội cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh lĩnh vực giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón trong và ngoài nước trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thị trường.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các công nghệ, giải pháp, sản phẩm tiên tiến, hiện đại và các đối tác tiềm năng trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển giống cây trồng và vật tư nông nghiệp.
Là một quốc gia sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, Việt Nam cũng đang mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng đối với những công ty sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp thì việc quản lý buôn bán, xuất nhập khẩu, sản xuất và sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần làm nên thành công cho nền nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển nhanh của sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường thì chất lượng vật tư nông nghiệp lại càng trở nên quan trọng và được xã hội quan tâm nhiều hơn.
Ông Hoàng Trung nhấn mạnh, tại triển lãm và hội thảo lần này, chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ đưa đến trưng bày, giới thiệu, quảng bá, chia sẻ những sản phẩm hàng hóa bảo đảm về chất lượng, an toàn, hiệu quả; các giống cây trồng hóa chất mới, dạng thuốc mới, tiên tiến an toàn cho sản xuất nông nghiệp.
Đây là dịp để tất cả chúng ta thắt chặt hơn mối quan hệ và cũng là cơ hội để chia sẻ các quy định trong lĩnh vực quản lý nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp các bên tuân thủ đúng các quy định, thuận lợi trong hợp tác, kinh doanh, buôn bán.
HTX Yến Dương: Tiên phong ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp
Hợp tác xã (HTX) Yến Dương (Ba Bể) đang dần trở thành HTX nông nghiệp kiểu mẫu, dẫn đầu trong phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao và xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Việc ứng dụng công nghệ số là 'chìa khóa vàng' giúp đổi mới mô hình canh tác, quản lý và tiêu thụ nông sản cho HTX.
HTX Yến Dương (Ba Bể) có sản phẩm chủ lực là bí thơm.
Yến Dương, một xã nông nghiệp tại huyện Ba Bể, có thế mạnh về sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sinh thái. Các sản phẩm chủ lực bao gồm lúa gạo, dong riềng, rau củ quả (bí thơm), cùng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Dao, Tày.
Thành lập từ tháng 6/2018, HTX Yến Dương đã góp phần củng cố, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, phục tráng và phát triển giá trị truyền thống của nông lâm sản. Với sự hỗ trợ của chính quyền, HTX đã từng bước khẳng định vị thế, hỗ trợ thành viên hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đến nay, HTX có 20 thành viên chính thức, hơn 500 hộ liên kết, tạo việc làm cho 08 lao động thường xuyên và 10-15 lao động thời vụ. HTX cũng liên kết tiêu thụ nông sản với 14 tổ hợp tác, nhóm hộ sản xuất và 04 HTX lân cận, cung cấp các sản phẩm như bí thơm, dong riềng, lúa gạo.
HTX Yến Dương ứng dụng chuyển đối số trong việc tương tác với đối tác, khách hàng.
HTX Yến Dương đã áp dụng công nghệ số một cách bài bản như: Sử dụng phần mềm để ghi nhật ký sản xuất điện tử cho bí xanh thơm, mướp đắng rừng, lúa nếp Tài, dong riềng. Phần mềm này quản lý mùa vụ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, theo dõi từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến tồn kho và phân phối. Điều này giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu giấy tờ thủ công, giảm thất thoát và minh bạch thông tin cho đối tác, người tiêu dùng. Hệ thống còn hỗ trợ thống kê, phân tích để ban quản lý HTX đưa ra chiến lược hợp lý.
Bên cạnh đó, HTX đã xây dựng hệ thống GIS tích hợp thông tin về vị trí địa lý, diện tích canh tác, loại cây trồng, quy trình sản xuất, sản lượng, thổ nhưỡng, khí hậu và hạ tầng. Hệ thống này nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý.
Đồng thời HTX Yến Dương cũng tập trung chuyển đổi số trong giới thiệu, quảng bá và bán hàng nông sản qua các sàn thương mại điện tử như Postmart, Sendo, Shopee, Zalo OA, Facebook; xây dựng fanpage, livestream bán hàng, kết nối với người tiêu dùng thành thị. HTX còn ứng dụng công nghệ số vào quản lý và quản trị bán hàng thông qua hệ thống quản lý văn bản, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số. Việc sử dụng mạng xã hội và các công cụ AI cơ bản (chatbot) giúp quản lý hình ảnh, nội dung truyền thông và giao tiếp khách hàng nhanh chóng.
Ứng dụng công nghệ số đã mang lại những kết quả tích cực cho HTX Yến Dương, như: Tăng năng suất và giảm chi phí vận hành. Nâng cao niềm tin của khách hàng nhờ thông tin minh bạch. Mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, giúp tăng quy mô sản xuất, sản lượng sản phẩm, giá bán và doanh thu tăng từ 10-20%. Cụ thể: Bí thơm đạt 500-700 tấn/năm, trà bí thơm 5-7 tấn/năm, miến dong 55-70 tấn/năm, gạo nếp Tài 30-50 tấn/năm. Thu nhập thành viên đạt trung bình 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về những thách thức, bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết quá trình ứng dụng công nghệ số vẫn còn chậm, nguồn lực đầu tư nhỏ, trình độ công nghệ chưa theo kịp xu hướng. Điều kiện tiếp cận chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu trang thiết bị điện tử có kết nối internet. Tỷ lệ cán bộ quản lý, xúc tiến thương mại được đào tạo bài bản còn thấp. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho HTX còn ít, mang tính lồng ghép, thiếu đồng bộ. Chi phí đầu tư công nghệ và duy trì gian hàng trên sàn thương mại điện tử còn cao, và phương thức quản lý sản xuất vẫn còn thủ công.
Để hiện thực hóa kỳ vọng trở thành mô hình HTX nông nghiệp hiện đại, tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ số, HTX Yến Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp toàn diện. Thiết lập cơ sở dữ liệu địa lý (GIS) quản lý vùng nguyên liệu, diện tích canh tác, giống cây trồng, phục vụ truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng trồng và phát triển chỉ dẫn địa lý. Số hóa dữ liệu thành viên, hồ sơ tài chính, hợp đồng, nhật ký sản xuất. Kết nối với các sàn thương mại điện tử, xây dựng website, fanpage, livestream quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường trong và quốc tế. Ứng dụng AI trong xây dựng nội dung và hình ảnh quảng bá thương hiệu. Tiếp tục hiện đại hóa quy trình sản xuất, quản lý và kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập./.
Đảm bảo an toàn cho các 'lá chắn' nông nghiệp trước bão lũ
Trong mùa mưa bão, việc thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi - được ví như 'lá chắn' của ngành nông nghiệp sẽ góp phần giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, đánh giá độ an toàn của các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão. Ảnh TL
Nông nghiệp dễ tổn thương trước thiên tai
Được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, song nông nghiệp cũng là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro, đặc biệt là dễ tổn thương trước tác động của thiên tai. Đơn cử như khi bão Yagi (bão số 3) khi quét qua các tỉnh phía Bắc đã gây thiệt hại nặng nề, với tổng thiệt hại ước tính ban đầu lên tới 81.503 tỷ đồng. Trong đó, riêng thiệt hại cho lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp) ước tính trên 30.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại.
Theo Cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường - NNMT), bão số 3 là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất liền nước ta trong 70 năm qua, gây ảnh hưởng nặng nề đến 26 địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Tuy nhiên, so với sức ảnh hưởng của bão, mức độ thiệt hại đã được giảm đi rất nhiều nhờ hệ thống công trình thủy lợi cơ bản được giữ vững nên không gây tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất.
Nông nghiệp là lĩnh vực dễ chịu tác động bởi thiên tai. Việc đảm bảo phòng ngừa trước mưa bão sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh ST
“Thật khó tưởng tượng hậu quả nếu hồ chứa nước hoặc đê quai bị vỡ. Khi đó, thiệt hại sẽ ngoài sức tưởng tượng” - một lãnh đạo Cục cho biết.
Đó là lí do công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi luôn là nhiệm vụ hàng đầu, là trách nhiệm của các ngành chức năng địa phương và được đặt ra thường trực.
Theo thống kê của Bộ NNMT, nước ta hiện có gần 8.000 hồ, đập (hồ thủy điện, hồ thủy lợi) có vai trò lớn trong sản xuất điện, nông nghiệp và phục vụ đời sống...
Trong điều kiện mưa bão, các công trình này được ví như những túi chứa, giúp điều tiết, giảm tải áp lực cho nguồn nước lũ dâng tại các sông, ngòi. Tuy nhiên, cũng chính các công trình này cũng trở thành mối nguy hiểm cho đời sống, sản xuất nếu không được quan tâm, đảm bảo trong điều kiện an toàn về lượng tích nước.
Tại tỉnh Thanh Hóa, một trong những địa phương thường xuyên phải hứng chịu tác động của thiên tai, công tác rà soát, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi đang được tỉnh chú trọng thực hiện.
Theo Sở NNMT tỉnh, hiện toàn tỉnh đang có 610 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 73 hồ chứa lớn, 212 hồ chứa vừa và 325 hồ nhỏ.
Hệ thống hồ đập thủy lợi tại Thanh Hóa giữ vai trò rất quan trọng trong công tác điều tiết nước, phòng, chống thiên tai và đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, có trên 70 hồ chứa đang trong tình trạng xuống cấp, cần được sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn công trình.
Đảm bảo an toàn hồ, đập là nhiệm vụ cấp thiết để hạn chế thiệt hại trước mùa mưa bão. Ảnh: N.Lộc
“Những tồn tại này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ, đặc biệt là nguy cơ vỡ đập, gây ngập úng cục bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tài sản của nhân dân.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các Sở, ngành và địa phương nhanh chóng kiểm tra, xử lý các điểm hư hỏng, đồng thời xây dựng phương án đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ năm 2025.
Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công tại các công trình đang trong giai đoạn tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ; yêu cầu tuyệt đối không thi công các hạng mục chính trong mùa mưa để tránh rủi ro về chất lượng và an toàn.
Đảm bảo an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão
Việc sửa chữa, nâng cấp hồ đập không chỉ phục vụ yêu cầu trước mắt là phòng, chống thiên tai mà còn mang ý nghĩa lâu dài trong việc bảo vệ tài sản hạ tầng, nâng cao hiệu quả tích trữ và sử dụng nguồn nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình trạng hạn hán xảy ra ngày càng nghiêm trọng, những hồ chứa an toàn, hoạt động ổn định sẽ là “lá chắn” vững chắc bảo vệ người dân và hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Các địa phương, cơ quan có liên quan cần nghiêm túc đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm từ công tác phòng, chống thiên tai, nhất là công tác ứng phó với bão Yagi và mưa lũ sau bão để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi năm 2025, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Theo ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ NNMT), trước mùa mưa bão, các đơn vị rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi để có phương án ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn công trình, đặc biệt quan tâm an toàn các hồ chứa nước đang thi công, hồ chứa xung yếu. Đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn cần xem xét không tích nước…
“Việc đẩy nhanh tiến độ sửa chữa công trình, nâng cấp hồ đập trong giai đoạn cao điểm trước mùa mưa bão sẽ góp phần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” - ông Phong cho biết.
Với tinh thần chủ động “phòng là chính”, “chống là cần thiết”, tỉnh Thanh Hóa cũng đang “chạy đua” tiến độ thi công các công trình trọng điểm về thủy lợi. Tính đến hết tháng 5/2025 đã có gần 40 công trình hồ đập đang được triển khai thi công. Nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thiện hoặc đạt trên 80% khối lượng như hồ Cửa Trát, Thung Bằng, Mậu Lâm... góp phần củng cố năng lực tích trữ nước và tăng cường khả năng điều tiết lũ trên địa bàn tỉnh, khi mùa mưa bão đang cận kề.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2025. Trong đó yêu cầu các Sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình và các khu vực được đê bảo vệ trong điều kiện xảy ra bão, lũ kể cả trường hợp mưa, lũ cực đoan vượt tần suất thiết kế.
Đảm bảo thông thoáng cho các khu vực có dòng chảy, các khu vực chứa nước thủy lợi sẽ góp phần giảm thiểu tác động của bão lũ. Ảnh: N.Lộc
Theo Giám đốc Sở NNMT tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đức Kiền, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở đã, đang phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống dưới đê, cửa khẩu qua đê đảm bảo vận hành an toàn.
Tăng cường kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi, đê điều nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê điều, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng trọng điểm nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu trước mùa mưa bão.
Qua thực tế kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão nói chung, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi nói riêng, Thứ trưởng Bộ NNMT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình thủy lợi trọng điểm; đồng thời thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt.
Nông sản Việt muốn nâng cao sức cạnh tranh phải vượt qua tiêu chuẩn quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành nông nghiệp Việt đối mặt với những thách thức lớn từ biến động thị trường và các yêu cầu tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vàng để nông sản Việt nâng cao chất lượng, mở rộng xuất khẩu và khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Chìa khóa để nông sản Việt chinh phục thị trường quốc tế.
Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế chuyên ngành nông nghiệp và chăn nuôi (Agri Vietnam & Livestock Vietnam 2025), sáng ngày 25/6, hội thảo “Tiềm năng, quy định và tiêu chuẩn các thị trường nhập khẩu nông sản” đã được tổ chức nhằm giúp các ngành nông sản và sản phẩm chăn nuôi Việt Nam nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) cho biết: “Tình hình leo thang xung đột ngày càng nghiêm trọng tại khu vực Trung Đông đã khiến cho chi phí vận chuyển logistics tăng cao, gây áp lực lớn lên khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Dự báo sẽ tác động tiêu cực, làm giảm sự cạnh tranh so với các nước đối thủ Châu Phi và Tây Á”.
Ông Hưng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần được trang bị đầy đủ thông tin và hiểu rõ các tiêu chuẩn thị trường, từ đó mới có thể đưa ra định hướng chiến lược phù hợp. Hiện tại, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan quản lý đang nỗ lực kết nối, hỗ trợ quảng bá và tháo gỡ rào cản nhằm giúp nông sản Việt vươn xa hơn trên thị trường thế giới”.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: “Yếu tố sống còn hiện nay không chỉ là sản lượng mà chính là chất lượng và an toàn thực phẩm. Việc đáp ứng các quy chuẩn vệ sinh và kiểm dịch không còn là lựa chọn mà đã trở thành điều kiện tiên quyết nếu doanh nghiệp muốn giữ vững thị phần và mở rộng xuất khẩu”.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ tại hội thảo.
Góp phần làm rõ bức tranh thị trường, ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng phòng Phòng Đông Bắc Á - Nam Thái Bình Dương (Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương) đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về các thị trường tiềm năng tại Đông Bắc Á và Nam Thái Bình Dương. Đây là khu vực có dân số lớn, thu nhập cao và sức tiêu dùng mạnh, tạo ra điều kiện lý tưởng để phát triển xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, những thị trường này cũng có yêu cầu rất khắt khe, đặc biệt là về các quy trình truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và quy trình sau thu hoạch. Mọi khía cạnh đều được giám sát kỹ lưỡng và ngay cả khi sản phẩm đã có mặt trên kệ siêu thị, các đợt hậu kiểm vẫn có thể xảy ra và ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của doanh nghiệp.
Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch thương mại chính ngạch, đặc biệt với thị trường Trung Quốc, đang làm thay đổi căn bản cách thức tiếp cận. Vì thế, ông Kiên nhận định: “Không còn dễ dàng như thời điểm xuất khẩu tiểu ngạch, giờ đây các doanh nghiệp buộc phải thay đổi tư duy sản xuất và kinh doanh theo hướng bài bản, minh bạch và bền vững hơn”.
Ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng phòng Phòng Đông Bắc Á - Nam Thái Bình Dương (Vụ Phát triển thị trường nước ngoài) chia sẻ tại hội thảo.
Ông Kiên cũng nhấn mạnh những nỗ lực đàm phán để đưa các loại trái cây như xoài, vải, nhãn, chôm chôm vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Đây là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng mở rộng của nông sản Việt Nam khi các doanh nghiệp có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường quốc tế.
Chia sẻ từ kinh nghiệm công tác ngoại giao, ông Kiên kể lại câu chuyện về sầu riêng, một loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam, đã gặp nhiều khó khăn trong việc xâm nhập vào các hệ thống phân phối quốc tế. Ông Kiên cho biết: "Bài học từ việc chưa chuẩn hóa quy trình đóng gói, bảo quản và xử lý dịch bệnh đã chứng minh rằng nếu không theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế, cơ hội sẽ tuột khỏi tay. Tuy nhiên, khi đảm bảo chất lượng đồng đều và minh bạch, nông sản Việt Nam không chỉ dễ dàng vượt qua các rào cản biên giới mà còn tự tin xuất hiện trong giỏ hàng của những người tiêu dùng khó tính nhất".
Nhiều gian hàng nông sản Việt Nam trưng bày quản bá sản phẩm đến bè quốc tế.
Không dừng lại ở chia sẻ chuyên môn, Triển lãm quốc tế (Agri Vietnam & Livestock Vietnam 2025) còn mang đến chuỗi hoạt động thực tiễn giúp doanh nghiệp tiếp cận xu thế sản xuất xanh và bền vững. Bà Nguyễn Thị Lam Hà, đại diện Ban tổ chức triển lãm cho biết: “Sự kiện năm nay tập trung vào các chủ đề như ESG trong nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi và xây dựng chuỗi giá trị tuần hoàn. Đây là những định hướng quan trọng để nông nghiệp Việt Nam không chỉ xuất khẩu được nhiều mà còn xuất khẩu có trách nhiệm”.
Theo bà Hà, bên cạnh việc trưng bày công nghệ mới và sản phẩm OCOP, hội thảo còn là nơi cập nhật thông tin về các quy định mới nhất từ các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông. Đặc biệt, các chuyên gia cũng dành nhiều thời lượng để phân tích các tiêu chí ESG môi trường, xã hội và quản trị đang trở thành yếu tố đánh giá bắt buộc tại nhiều quốc gia ngay cả trong lĩnh vực nông sản.
Triển lãm lần này là sự kết nối giữa thị trường và doanh nghiệp, giữa chính sách và thực tiễn, giữa người làm sản phẩm và người tiêu dùng toàn cầu. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, nếu Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa sản xuất, phát triển chuỗi cung ứng minh bạch và giữ được cam kết chất lượng thì con đường hội nhập của nông sản Việt Nam không chỉ rộng mở mà còn bền vững hơn.
Tỉnh Vĩnh Phúc phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn
Trung bình giai đoạn 2021 - 2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Vĩnh Phúc tăng 3%/năm, vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là 1,5 - 2%. Hiện, Vĩnh Phúc đang tập trung xây dựng vùng chuyên canh, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, từng bước hình thành nền nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Siêu thị là một trong những kênh phân phối hàng hóa hiệu quả cho các sản phẩm nông sản OCOP.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, ngành Nông nghiệp phát triển không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực mà còn giúp Vĩnh Phúc vượt chỉ tiêu về tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Vĩnh Phúc đạt mức tăng trưởng 1,18%, đóng góp 0,07 điểm % và là khu vực đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Cả giai đoạn 2021 - 2025, trung bình giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Tỉnh tăng 3%/năm, vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là 1,5 - 2%.
Để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong phát triển nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi và gia tăng giá trị sản xuất. Đồng thời, chú trọng thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm có lợi thế của địa phương.
Hiện, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 200 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hơn 4.800 ha vùng sản xuất rau an toàn. Trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Trong đó, phải kể đến một số mô hình điển hình như: mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ tại huyện Lập Thạch; trồng lúa theo hướng hữu cơ tại các huyện Tam Dương, Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch; chăn nuôi lợn tập trung tại các huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các huyện Tam Dương, Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo…
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Vĩnh Phúc đã có 178 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, nhiều sản phẩm có thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trên thị trường như các sản phẩm sữa tươi thanh trùng có đường, sữa chua nếp cẩm, sữa chua uống… Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc dành hơn 32 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP
Với việc đưa giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đem lại hiệu quả sản xuất cho ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông thôn. Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh tăng trung bình từ 2,7 - 3,3%/năm.
Để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thưc hiện việc đẩy mạnh dồn thửa đổi ruộng, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và trực tiếp tham gia chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
Thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, hình thành mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa,
Bên cạnh đó, chủ động tổ chức lại sản xuất và liên kết chuỗi giá trị giúp ngành Nông nghiệp địa phương thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và yêu cầu khắt khe từ thị trường.
Hơn 350 doanh nghiệp trong nước và Quốc tế tham gia AgroChemEx Vietnam 2025
Ngày 25/6, tại TP Hồ Chí Minh, triển lãm Quốc tế về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất nông nghiệp (AgroChemEx Vietnam 2025) chính thức khai mạc. Triển lãm quy tụ hơn 350 doanh nghiệp trong và ngoài nước, trưng bày trên tổng diện tích hơn 6.000m².
AgroChemEx Vietnam 2025 giới thiệu nhiều nhóm sản phẩm và giải pháp tiên tiến, bao gồm: Phân bón và nguyên liệu sản xuất phân bón; nguyên liệu hoạt chất, phụ gia sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; chất điều hòa sinh trưởng thực vật; dịch vụ logistics chuyên biệt cho ngành nông dược; công nghệ ứng dụng mới trong nông nghiệp an toàn...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Ng. Th.
Bên cạnh trưng bày, triển lãm còn tổ chức chuỗi hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cục Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Hiệp hội VIPA, CCPIA và các tổ chức quốc tế. Các phiên thảo luận mang tính cập nhật cao, giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng công nghệ và thị trường nông dược trong khu vực.
Ngoài ra, chương trình B2B Matchmaking giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất và thiết bị nông nghiệp kết nối trực tiếp với đối tác tiềm năng.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung nhấn mạnh vai trò chiến lược của ngành giống và vật tư nông nghiệp trong hành trình chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh, phát thải thấp.
Khách tham quan và tìm cơ hội hợp tác tại triển lãm. Ảnh: Q.Định.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, đứt gãy chuỗi cung ứng và bất ổn an ninh lương thực, việc đảm bảo nguồn đầu vào chất lượng, an toàn và bền vững là yêu cầu sống còn của ngành nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là ba trụ cột then chốt quyết định năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Do vậy, Triển lãm lần này không chỉ là nơi trưng bày những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong ngành vật tư, mà còn là “diễn đàn mở” kết nối các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
“Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ mới, học hỏi mô hình hiệu quả và mở rộng hợp tác quốc tế", Thứ trưởng Hoàng Trung nói.
AgroChemEx Vietnam 2025 còn được tổ chức song song với Agri Vietnam và Livestock Vietnam 2025 diễn ra từ ngày 25-27/6, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Dự kiến sẽ đón tiếp hơn 3.500 lượt khách tham quan thương mại, mở rộng phạm vi giao thương, tạo thêm cơ hội đầu tư và thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp.
Thay đổi tư duy nông nghiệp
Cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác mang giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cách đây 10 năm, ông Thái Phát Thanh (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chuyển 2.500m2 đất trồng hoa màu sang trồng thử nghiệm các loại cây ăn trái. Đến nay, mảnh vườn của ông có hơn 20 loại cây khác nhau như hồng socola, nhãn xuồng cơm vàng tím, sapo Mexico,... đều trồng theo hướng hữu cơ.
Ông Thái Phát Thanh (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) chuyển từ trồng hoa màu sang cây ăn trái
Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, ông tự ủ phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học và phân bò nên không đạt chất lượng, khi bón làm nhiều cây không phát triển, thậm chí bị chết. Không nản lòng, ông tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và đã tìm ra được công thức chung để ủ phân bón hữu cơ, vừa ít tốn chi phí, vừa đạt chất lượng. Ông Thanh cho biết: “Bón phân, phun thuốc hóa học ảnh hưởng sức khỏe con người. Bên cạnh đó, hiện nay, người tiêu dùng rất ưa chuộng sản phẩm hữu cơ nên tôi quyết định trồng cây ăn trái theo hướng này và chọn những giống mới nhưng phải ngon”.
Do trồng hữu cơ nên các loại trái cây không đều, không đẹp nhưng ngọt, thơm, nhiều người chấp nhận giá cao để mua sản phẩm sạch, trong đó, nhiều loại trái cây có giá hơn 100.000 đồng/kg như hồng socola. Ngoài trồng cây ăn trái, ông Thanh còn trồng 2.500m2 khổ qua theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, ông còn vận động hơn 10 nông dân xung quanh chuyển từ trồng hóa học sang hữu cơ, góp phần hướng đến nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường.
Có 2ha đất thuộc vùng gò của xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, trồng lúa năng suất thấp nên cách đây 4 năm, ông Huỳnh Công Mến chuyển sang trồng dừa Mã Lai. Dừa trồng 24 tháng bắt đầu thu hoạch, chi phí, công chăm sóc nhẹ. Hiện nay, giá dừa từ 5.500-7.000 đồng/trái. "Từ khi chuyển sang trồng dừa, gia đình tôi có lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa” - ông Mến nói.
Trồng dừa Mã Lai, ông Huỳnh Công Mến (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) thu về lợi nhuận gấp 2-3 lần so với trồng lúa
Tuổi đời của cây dừa ít nhất 20 năm, bình quân từ khi trồng đến thu hoạch, chi phí khoảng 250.000 đồng/cây. Để dừa đạt năng suất, ngọt nước, ông Mến chú trọng bón thêm phân hữu cơ, ủ gốc để tạo độ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Với tư duy đổi mới, mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn”, ông Mến, ông Thanh hướng đến sản xuất theo hướng an toàn, không chạy theo số lượng mà chú ý đến chất lượng, nhu cầu thị trường cần. Đây chính là tín hiệu tích cực, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, hiện đại./.
Pepsi muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam
Nhân dịp dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 16 của Diễn đàn Kinh tế thế giới và làm việc tại Trung Quốc, ngày 25/6, tại thành phố Thiên Tân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Anne Tse, Tổng giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn PepsiCo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pepsi đầu tư chế biến sâu các loại nông sản của Việt Nam để nông sản Việt Nam mang thương hiệu Pepsi, nâng cao giá trị sản phẩm; không chỉ cung cấp cho thị trường Việt Nam 100 triệu dân mà cho cả các nước trong khu vực và trên thế giới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là tập đoàn đa quốc gia về thực phẩm, đồ ăn liền và đồ uống; có mặt tại Việt Nam hơn 31 năm, hiện có nhà máy chế biến đồ ăn và đồ uống tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Bà Anne Tse cho biết, Pepsi mong muốn không chỉ đầu tư các nhà máy thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam mà đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến cung cấp không chỉ trong nước mà sang các nước trong khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng và đánh giá cao các kết quả đầu tư thành công của Tập đoàn PepsiCo trên toàn cầu và tại Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là các dự án mới tại các tỉnh Hà Nam và Long An, cũng như đóng góp thiết thực và hiệu quả của Tập đoàn Pepsi đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Thông tin về tình hình, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, cũng như quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng cho biết, Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, trong đó có việc cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy, mở rộng thêm không gian cho phát triển, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc để tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Cho biết, Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng nhiều loại nông sản lại cho thu hoạch theo mùa và khó bảo quản, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Pepsi đầu tư chế biến sâu các loại nông sản của Việt Nam để nông sản Việt Nam mang thương hiệu Pepsi, nâng cao giá trị sản phẩm; không chỉ cung cấp cho thị trường Việt Nam 100 triệu dân mà cho cả các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bà Anne Tse cho biết, Pepsi mong muốn không chỉ đầu tư các nhà máy thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam, mà đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến cung cấp không chỉ trong nước mà sang các nước trong khu vực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để củng cố và duy trì đà phát triển tích cực của hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nói riêng và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn Pepsi tiếp tục nghiên cứu, mở rộng hợp tác đầu tư, đồng thời, là cầu nối để các doanh nghiệp Hoa Kỳ và đối tác của PepsiCo tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Cùng với đó, Pepsi hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp, người nông dân Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất để tăng cường sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; hỗ trợ chuyển giao tri thức, kinh nghiệm, kỹ thuật, các giải pháp, công nghệ hiện đại để thúc đẩy doanh nghiệp đối tác tham gia vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững.
Vườn dưa, nho bạc tỉ của chàng kỹ sư đam mê làm nông nghiệp sạch
Với niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Vinh, anh Lữ Văn Anh đã vào Hà Tĩnh lập nghiệp, trồng dưa lưới và nho cho thu nhập cao.
Vườn dưa, nho bạc tỉ của chàng kỹ sư đam mê làm nông nghiệp sạch. Clip: Hoài Nam
Anh Lữ Văn Anh (SN 1996), sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Ngành Khuyến nông, trường Đại học Vinh, chàng kỹ sư tiếp tục đi du học tại Israel với niềm ấp ủ học tập kinh nghiệm để trở về quê hương lập nghiệp.
Kết thúc du học, năm 2022, anh chọn mảnh đất Hà Tĩnh làm nơi để học tập kinh nghiệm trồng thử dưa lưới trước khi về quê lập nghiệp. Tuy nhiên, nhận thấy điều kiện thời tiết tại quê nhà không phù hợp để trồng dưa lưới nên anh quyết định ở lại Hà Tĩnh, tham gia thành viên HTX trồng rau, củ quả Thạch Hạ. Sau đó anh thuê lại đất trồng rau, củ quả tại phường Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh.
Hiện nay, anh cùng các thành viên trong HTX thuê lại khu đất rộng khoảng 1ha để trồng dưa và giống nho mẫu đơn. Để thực hiện mô hình, anh cùng nhóm thành viên trong HTX làm 6 nhà lưới trồng dưa, 1 nhà lưới trồng giống nho mẫu đơn.
Mỗi năm, vườn của anh cho thu hoạch 2 vụ dưa lưới với 2.500 gốc, bắt đầu từ đầu tháng 3 đến tháng 9; 1 vụ nho với 300 gốc từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 6.
Theo thống kê, năng suất dưa lưới mỗi năm đạt khoảng 20 tấn dưa, giá bán dao động từ 35.000-40.000 đồng/kg, mô hình dưa lưới cho thu nhập khoảng 700-800 triệu đồng/năm.
Còn giống nho mẫu đơn đến nay đã qua 3 năm trồng, cũng phát triển tốt, cho thu nhập cao.
Dưa lưới tại vườn anh Lữ Văn Anh đang vào vụ thu hoạch. Vì trồng theo hướng hữu cơ nên được khách hàng tin tưởng, lựa chọn, thu hoạch đến đâu tiêu thụ đến đó.
"Trên mảnh đất hoang hóa, sau khi xây dựng mô hình trồng dưa lưới, nho đã đạt được nhiều thành công. Dù gặp nhiều thất bại do thời tiết, phần vì thiếu kinh nghiệm nhưng đến nay nhờ được áp dụng kỹ thuật cơ bản, các vụ dưa, nho đều thuận lợi", anh Lữ Văn Anh chia sẻ.
Lãnh đạo phường Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh cho biết, hoạt động của mô hình HTX rau, củ quả phường Thạch Hạ đang phát triển rất tốt. Trong đó mô hình trồng nho và dưa lưới của anh Lữ Văn Anh là mô hình mang tính bền vững, cho lợi nhuận cao. Ngoài ra hiện mô hình đang đưa cây trồng mới là loài nho vào trồng thử nghiệm, nhưng bước đầu cho hiệu quả tích cực. Nếu thời gian nữa việc trồng nho phát triển tốt sẽ đề xuất nhân giống, chuyển giao quy trình sản xuất, mở rộng thêm trong các hộ dân.
Hà Nội: Người dân tăng thu nhập nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Công nghệ sinh học được xác định là một trong những công nghệ mũi nhọn, có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt là yếu tố quan trọng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Với tiềm năng và lợi thế của mình, Hà Nội đang xây dựng chiến lược phát triển công nghệ sinh học phù hợp trên cơ sở xác định đối tượng cây trồng gắn với vùng sản xuất để khai thác lợi thế về nông sản đặc sản của từng vùng, gắn với quy trình sản xuất sạch góp phần đưa ngành nông nghiệp Thủ đô trở thành điển hình tiên tiến trong cả nước.
Có lợi thế về phát triển nông nghiệp, thời gian qua TP.Hà Nội đã và đang hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ các doanh nghiệp và HTX với quy mô và hiệu quả tăng dần - Ảnh: IT
Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân. Tính đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt.
TS. Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa - cây cảnh, cho biết tại huyện Thạch Thất, khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao Thung lũng Ngọc Linh đã áp dụng công nghệ từ Nhật Bản và Đức vào sản xuất, bao gồm mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh và nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu. Ở huyện Đan Phượng, Hợp tác xã Cuối Quý đã triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 5ha, với sản lượng đạt 3 tạ rau/ngày và thu nhập trung bình mỗi tháng trên 120 triệu đồng.
Tại huyện Mỹ Đức, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao đã đầu tư gần 70 tỉ đồng xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm sạch theo công nghệ Nhật Bản, với quy mô hơn 3.000 m² và sản lượng đạt 30 tấn/tháng, mang lại doanh thu từ 1,8 đến 2 tỉ đồng/tháng.
Hà Nội cũng đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hoa và cây cảnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị bền vững.
Ví dụ như Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài - Flora Việt Nam (huyện Đan Phượng): Với 15 năm phát triển, HTX này đã xây dựng mô hình trồng hoa lan công nghệ cao, được coi là hình mẫu của nông nghiệp đô thị hiện đại; Hay Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Gia Lâm với mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng vạn cây hoa lan hồ điệp.
TP.Hà Nội hiện có khoảng 8.000ha hoa, cây cảnh, trong đó 70% diện tích tập trung ở các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng. Nhiều mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế từ 500 triệu đồng đến 2,2 tỉ đồng/ha/năm. Ngoài ra, nhiều nông dân tại các huyện như Ứng Hòa, Đông Anh đã tự tìm tòi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra giá trị kinh tế cao và góp phần hình thành nền nông nghiệp hiện đại.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ sinh học vẫn còn gặp một số khó khăn như chi phí đầu tư ban đầu cao, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và trình độ kỹ thuật của người nông dân không đồng đều. Để khắc phục, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
"Việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội đang ngày càng trở nên quan trọng. Để thúc đẩy phong trào này, cần có sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường", ông Tỉnh cho hay.
Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu khoa học, công nghệ đang được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, như: Công nghệ gen: Phân lập gen, thiết kế vector chuyển gen, tạo giống cây trồng biến đổi gen (ngô, đậu tương, xoan ta, thông, bông, cà chua, khoai lang, sâm); công nghệ vi nhân giống: Quy trình vi nhân giống bạch đàn uro, keo lai, cây hoa, rong biển; công nghệ chỉ thị phân tử, công nghệ tế bào xác định được các nguồn di truyền mang gen hữu hiệu phục vụ công tác lai, tạo giống cây trồng, vật nuôi, động vật thủy sản kháng bệnh, chống chịu yếu tố môi trường bất lợi, cải tiến chất lượng...
Ngoài ra, công nghệ sinh học tạo ra sự đột phá, những kỹ thuật nhân giống hiện đại, kỹ thuật di truyền và chỉnh sửa bộ gen đã cung cấp các giống mới với các tính trạng mong muốn ở cây trồng, như: Tính chịu hạn, kháng bệnh, chống chịu mặn...
Việc quan tâm đến công tác nghiên cứu, chọn tạo giống có năng suất, kết hợp với việc triển khai đồng bộ kỹ thuật đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Năm 2024, sản xuất trồng trọt tăng 2,2%, giá trị xuất khẩu đạt 27,38 tỉ USD; duy trì các mặt hàng xuất khẩu hơn 2 tỉ USD, gồm có gạo, cà phê, rau, cao su. Hiệu quả tăng trưởng ngành, giá trị xuất khẩu nông sản liên tục tăng, nhất là sự tăng trưởng nhanh, ngoạn mục của ngành hàng rau, quả từ dưới 1 tỉ USD trong vòng 15 năm, đã vươn lên 6,2 tỉ USD; giá trị xuất khẩu trồng trọt/đơn vị diện tích tăng nhanh, từ dưới 100 triệu VND/ha/năm, đã vươn lên 130 triệu VND/ha/năm…