Hối hả vụ mít
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Mới sáng sớm, những quả mít vườn còn nguyên nhựa cuống đã xuất hiện tại chợ Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Không phải từ những khu vườn của vùng bãi ngang ven biển, những quả mít này đều đến với chợ thông qua các tay buôn chuyến tận vùng cao Nam Đông.
Mùa mít mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng và các tay buôn
Các chuyến buôn
Nhiều năm buôn chuyến theo tuyến Phú Lộc - Nam Đông, cứ đều đặn mỗi buổi sáng sớm, bà Ngân lại có mặt tại chợ Mỹ Lợi. Cùng với các đặc sản khác, chuyến xe theo tuyến buôn của bà Ngân chật ních và thơm lừng mùi mít chín.
Bà Ngân cho biết: “Nhờ chất đất phù hợp mà mít Nam Đông vừa sai trái, to quả, múi mít vừa ngon, ngọt và thơm lựng. Mỗi chuyến buôn theo xe, tôi gom đủ các loại rau củ, trái cây từ Nam Đông như cam, chuối, ổi, sả, vả về bán ở chợ Mỹ Lợi. Khi đến mùa, mít cũng là mặt hàng không thể thiếu”.
Tùy vào số lượng mít thu được, bà Ngân mang về bán nguyên quả hoặc xẻ mít ra bán theo ký. Với lợi thế chợ đông sớm, mít chất lượng, dù mỗi chuyến hàng đôi khi lên đến 10 – 15 quả, mít Nam Đông vẫn được bà Ngân bán hết sớm.
Khác với cách bán buôn ở chợ của bà Ngân, tận dụng lợi thế có quầy hàng tạp hóa, giải khát ngay mặt tiền, bà Xuân (xã Thủy Bằng, TP. Huế) bán mít ngay trên chiếc bàn trước sân nhà. Bà kể: “Năm nay, công việc của tôi bận rộn hơn vì mít được mùa, hình thức lại đẹp, chất lượng tốt. Ngoài mít tại vườn nhà, tôi còn thu mua và bán thêm mít từ các vườn của Thủy Bằng”.
Kinh nghiệm bán mít đã hơn 11 năm, bà Xuân cho hay: “Tại Huế, hai loại mít thường được rao bán đó là giống mít ướt và mít ráo xưa. Đặc trưng của mít được thể hiện thông qua cái tên. Mít ướt múi mềm mướt, thơm ngọt ngào. Mít ráo múi khô, dẻo hơn, vị ngọt đậm đà, đặc sắc”.
Do được ưa chuộng và hợp khẩu vị của nhiều người, mít ráo thường có giá nhỉnh hơn mít ướt từ 5 – 7 nghìn đồng mỗi ki-lo-gam. Hiện nay, giá mít ướt thường từ 10 – 12 nghìn đồng/kg, mít ráo từ 15 – 17 nghìn đồng/kg. Bà Xuân cho biết thêm: “Không chỉ hương vị, mít ráo còn dễ dàng vận chuyển và bảo quản hơn mít ướt. Thông thường, sau khi chín thơm trên cây, mít ráo có thể để được 3 – 5 ngày nơi thoáng mát. Nhưng với mít ướt thì chỉ để được có 2 – 3 ngày. Mít ráo tách múi, bỏ tủ mát có thể bảo quản được lâu hơn, vì thế cũng được yêu thích hơn”.
Ai cũng hưởng lợi
Theo kinh nghiệm từ bà Xuân và bà Ngân, để chọn quả mít ngon, đầu tiên phải quan sát bên ngoài vỏ quả. Bà Ngân chia sẻ: “Muốn buôn có lời, với tôi mỗi quả mít đều phải được chọn lựa kỹ. Tại vườn, tôi ưu tiên quả thon đều, không teo tóp phần đầu hay đuôi trái. Cuống mít phải tươi, chắc nịch, da mít gai mòn, nhẵn, màu sắc đồng đều. Khoảng cách giữa các gai và kích thước gai càng lớn thì múi mít sẽ càng to, bán càng được giá”.
Để gom đủ mít kịp đáp ứng nhu cầu của người mua, ngoài mít chín cây, bà Ngân còn dùng cách đóng nêm (sử dụng que gỗ đóng vào cuống) hoặc bọc muối hạt vào cuống để thúc mít già mau chín. Các phương pháp trên đều tiện lợi và an toàn cho sức khỏe người dùng.
Là loại cây khá dễ tính, ít tốn công và chi phí chăm sóc, mít thường được trồng ngay trong vườn hoặc ven các vườn rừng. Rộ mùa từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch, nhờ các tay buôn, đa phần mít đều được thu mua tận vườn, vừa mang lại thu nhập cho người nông dân, vừa đến được tay người dùng với giá cả hợp lý.
Ngoài các địa bàn lâu nay nổi tiếng về mít như vùng Truồi (Phú Lộc), Nam Đông, những năm trở lại đây, A Lưới và Hương Trà ngày càng được biết đến nhiều hơn với những quả mít vườn nặng ký và chất lượng.
Ông Thiếp, chủ một sạp chuyên bán mít tại TP. Huế cho biết thêm: “Hiện tại tôi gom mít về từ xã Bình Thành và Bình Tiến (TX. Hương Trà). Mít tại các địa phương trên quả rất to, chất lượng tốt. Mỗi cây có thể cho từ 5 - 10 quả, có cây cho hàng chục quả từ 3 - 10kg/mỗi quả. Giá cả phải chăng, mít ngon nên khách hàng yêu thích, từ đó tôi cũng có thêm nguồn thu ổn định trong mùa hè”.
Bài, ảnh: Tuệ Lâm
Tiềm ẩn rủi ro khi trồng sầu riêng ồ ạt
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Sầu riêng hiện là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Bình Phước có 7.506 ha sầu riêng, chiếm 43,2% diện tích cây ăn trái của tỉnh; trong đó, diện tích cho sản phẩm 3.539 ha. Những năm gần đây, giá sầu riêng luôn ở mức cao, do vậy diện tích loại cây trồng này không ngừng tăng. Mùa trồng mới năm nay, nhiều nông dân chuyển đổi các loại cây khác để trồng sầu riêng.
Ồ ạt trồng sầu riêng
Sau thời gian tìm hiểu, học tập mô hình trồng sầu riêng của người thân ở tỉnh Đắk Lắk và một số nơi trong huyện, gia đình anh Bùi Ngọc Bộ ở thôn Bù Gia Phúc, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập quyết định chuyển đổi 2 ha điều sang trồng sầu riêng. Anh Bộ chia sẻ: “Mấy năm gần đây, cây điều bị sâu bệnh gây hại, tình trạng mất mùa, mất giá liên tục khiến gia đình thất thu. Ngược lại, sầu riêng ổn định ở giá cao trong nhiều năm qua. Nếu chăm sóc tốt, đạt năng suất, chất lượng cao thì 1 ha sầu riêng có thể cho thu tiền tỷ, gấp nhiều lần so với trồng điều”. Để thực hiện, gia đình anh Bộ đã chi 300 triệu đồng đầu tư máy bơm, giếng khoan, hồ chứa nước tưới trong mùa khô và hệ thống ống tưới chất lượng cao. Anh Bộ kỳ vọng vào quyết định của gia đình.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Trung Tính ở thôn Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa có 3,5 ha điều và cà phê. Nhiều năm gắn bó với mô hình này, nhưng bình quân mỗi năm trừ chi phí gia đình ông chỉ để dành được hơn 100 triệu đồng. Cách đây 5 năm, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng 420 cây sầu riêng. Vụ mùa 2024, mặc dù năm đầu tiên thu bói nhưng 370 cây có trái đã cho thu 1 tỷ đồng. So với tổng chi phí 870 triệu đồng trong 5 năm đầu tư, gia đình vẫn có lời. Do vậy, gia đình ông tiếp tục chuyển đổi 1 ha điều còn lại sang trồng sầu riêng. “Với 1 ha này, tôi trồng được 150 cây, tổng chi phí gồm làm đất, khoan lỗ, mua cây giống, phân bón và hệ thống tưới hết khoảng 90 triệu đồng. Hiện cây đã bén rễ” - ông Tính cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Trường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Nghĩa chia sẻ: Hiện giá sầu riêng tăng cao, tình trạng nông dân trong huyện, xã chuyển đổi các loại cây khác sang trồng sầu riêng khá phổ biến. Theo thống kê chưa đầy đủ, xã hiện có khoảng 125 ha sầu riêng. Trong đó, 55 ha đang cho thu hoạch, sầu riêng 3-4 năm tuổi hơn 30 ha, đến tháng 7-2024, diện tích trồng mới ước khoảng 40 ha. “Qua công tác nắm tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, chúng tôi tuyên truyền nông dân cần tính toán kỹ có nên chuyển đổi hay không. Bởi sầu riêng là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật chăm sóc, trong khi chi phí đầu tư cao, nhiều năm sau mới có thu hoạch. Do vậy cần cân nhắc, tránh tình trạng nông dân không đủ điều kiện chăm sóc dẫn đến phá bỏ, rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt - trồng, gây thiệt hại kinh tế” - ông Trường nhấn mạnh.
Hạn chế trồng mới, nâng chất sản phẩm
Dọc quốc lộ 14, từ TP. Đồng Xoài lên huyện Bù Đăng có khoảng 20 cơ sở bán cây giống. Qua tìm hiểu thực tế, nhu cầu người dân mua sầu riêng về trồng cao hơn so với các loại cây khác. Nguồn cây giống chủ yếu được lấy từ vườn ươm tại các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Mặc dù giá bán dao động từ 130-160 ngàn đồng/cây, song nhiều cơ sở vẫn không đủ cây giống để bán.
Nông dân huyện Bù Đăng chuyển đổi cây trồng và đầu tư hệ thống tưới trồng sầu riêng xen cà phê
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 7.506 ha sầu riêng toàn tỉnh, nhiều nhất là tại các huyện Bù Đăng 3.602 ha, Phú Riềng 880 ha, Bù Gia Mập 798 ha, Lộc Ninh 630 ha. Giống sầu riêng chủ lực là Dona và Ri6. Trong đó, diện tích Dona chiếm 61%, Ri6 chiếm 31%; các giống khổ qua, chín hóa, chuồng bò, giống khác chiếm 8%. Niên vụ 2023-2024, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 9,9 tấn/ha. Đặc biệt, tại các vùng trồng có mã số, năng suất bình quân đạt 16 tấn/ha.
Năm nay, giá sầu riêng Ri6 trung bình 72 ngàn đồng/kg hàng loại A tại vườn, giá sầu riêng Dona trung bình 80 ngàn đồng/kg (thời điểm cao nhất 112 ngàn đồng/kg hàng loại A, thấp nhất 50 ngàn đồng/kg hàng xô). Toàn tỉnh hiện có hơn 30 chuỗi liên kết trồng sầu riêng. Trong đó có 20 doanh nghiệp tham gia liên kết xây dựng mã số vùng trồng. Hình thức tiêu thụ là ký kết hợp đồng và bán lẻ qua thương lái. Tuy nhiên thời gian qua, đã xảy ra hiện tượng tranh mua, tranh bán, phá hợp đồng.
Nguyên nhân do liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp thu mua với hợp tác xã (HTX) còn lỏng lẻo. Niềm tin của thành viên HTX với doanh nghiệp chưa cao, doanh nghiệp chậm điều chỉnh giá theo thị trường, thậm chí không mua hết theo hợp đồng đã ký, chậm thanh toán tiền. Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh giá giữa các nhóm nông dân, doanh nghiệp.
Sở NN&PTNT khuyến nghị các HTX cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp có tiềm lực để đảm bảo liên kết theo chuỗi. Tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh theo các tiêu chuẩn đã được chứng nhận, quản lý tốt mã vùng trồng. Người dân cần cân nhắc, tránh tình trạng các hộ không đủ nguồn lực kinh tế, đi vay vốn để đầu tư đại trà.
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, quy hoạch của Bình Phước về diện tích cây ăn trái đến năm 2030 là 20.000 ha, hiện theo thống kê ước khoảng 17.000 ha. Mặc dù không quy hoạch riêng từng loại, song diện tích trồng sầu riêng đang tăng nhanh ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn cần chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn cung vật tư đảm bảo có nguồn gốc hợp pháp cho cây sầu riêng và các cây trồng khác. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục được phép sử dụng; không ngừng nâng chất sản phẩm sầu riêng trên địa bàn tỉnh.
Ông TRẦN VĂN PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Giá sầu riêng tăng cao, nông dân nhiều nơi ồ ạt trồng theo phong trào. Điều này dẫn đến các nguy cơ, hệ lụy khó lường. Trình độ canh tác của người dân chưa đồng đều dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Sầu riêng là cây khó tính, kén thổ nhưỡng, cần nhiều nước, không phải chỗ nào và hộ nào cũng trồng được. Do vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân hạn chế phát triển diện tích sầu riêng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát. Đối với diện tích đã trồng, chính quyền và ngành chức năng tuyên truyền người dân tập trung sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 131.000 ha sầu riêng, bình quân mỗi năm tăng khoảng 24%, tương đương khoảng 27.000 ha. Đây là cây trồng có tỷ lệ tăng cao nhất trong các cây trồng chủ lực của Việt Nam những năm qua. Trong đó, có gần 55.000 ha sầu riêng đang cho thu hoạch với tổng sản lượng gần 850 ngàn tấn. Sầu riêng của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Các địa phương, trong đó có Bình Phước, nếu không kịp thời khuyến cáo người dân hạn chế trồng ồ ạt, diện tích sầu riêng sẽ tiếp tục tăng nhanh, trong khi không kịp thời mở rộng thị trường tiêu thụ sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá sầu riêng khó giữ được mức cao và lợi nhuận như hiện nay.
Quang Minh
Bến Tre: Sầu riêng hữu cơ Sơn Phụng đang phát huy hiệu quả
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ (HC) tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách (Bến Tre) được huyện chọn sầu riêng ở ấp Sơn Phụng để thực hiện. Mô hình xuất hiện từ năm 2021 và đến năm 2023 đã có kết quả khả quan, đang phát huy hiệu quả.
Sầu riêng hữu cơ ở xã Sơn Định.
Triển khai, thực hiện mô hình
Tại huyện Chợ Lách, diện tích sầu riêng hiện có khoảng 1.300ha, sản lượng khoảng 20 tấn/ha. Sầu riêng được trồng trên toàn huyện. Để sầu riêng Chợ lách ngày càng đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, hiện nay các nhà vườn ở huyện Chợ Lách đang phát huy mô hình Tổ hợp tác sầu riêng HC ở ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định (Tổ sầu riêng hữu cơ Sơn Phụng (SRHCSP).
Nhiều năm qua, sản phẩm sầu riêng ở Chợ Lách sản xuất chưa đồng đều về mặt chất lượng, chưa đáp ứng được thị trường. Để khắc phục tình trạng này, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Văn Hòn cho biết: “Sản xuất sầu riêng theo hướng HC là một nhu cầu tất yếu vì trong sản xuất cần có các biện pháp cải tạo đất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và việc sử dụng đất lâu dài. Bên cạnh đó, vai trò quan trọng đặc biệt của chất HC đối với độ phì nhiêu của đất là góp phần cải thiện đặc tính vật lý, hóa học cũng như sinh học đất và cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng cho cây trồng. Việc cung cấp các nguyên tố vi lượng, các dưỡng chất từ phân HC có ý nghĩa trong việc gia tăng phẩm chất nông sản, làm trái cây ngon ngọt và ít sâu bệnh hơn. Bón phân HC là nguồn thực phẩm cần thiết cho hoạt động của vi sinh vật trong đất. Đặc biệt, HC là một nguồn dinh dưỡng không thể thiếu đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, giúp cải tạo đất tơi xốp, là nền tảng để cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng tuổi thọ cũng như tăng năng suất và chất lượng trái, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân”.
Thực hiện Công văn số 868/UBND-NN của UBND huyện Chợ Lách ngày 4-5-2021 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện mô hình sản xuất SRHCSP năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Chợ Lách đã chọn mô hình sản xuất sầu riêng HC được thực hiện trên nền tảng Tổ hợp tác sầu riêng HC ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với 21 hộ và diện tích sản xuất 9,62ha.
Các hộ sản xuất sầu riêng tự nguyện tham gia, có quyết tâm cao và tuân thủ các quy định về sản xuất sầu riêng HC. 21 hộ nông dân này được chọn là thành viên Tổ SRHCSP, xã Sơn Định, đã đạt chuẩn VietGAP có vườn sầu riêng đã cho trái ổn định. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm nói về Tổ SRHCSP: “Để xây dựng mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng HC, Phòng NN-PTNT cùng với Hội nông dân xã, UBND xã Sơn Định và đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát điều kiện sản xuất tại vùng trồng, vùng đệm, hiện trạng sản xuất, quy trình trồng, chăm sóc sầu riêng ấp Sơn Phụng. Qua khảo sát đánh giá các hộ tham gia mô hình có quy trình canh tác khoảng 70% là HC.
Tổ hợp tác đã từng thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP là một điều kiện thuận lợi cho việc phổ biến kiến thức và quy định về tiêu chuẩn HC. Khi đi vào hoạt động, Tổ SRHCSP luôn đảm bảo: Có khu vực lưu trữ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn. Có biển bảng nhận diện và cảnh báo mối nguy đầy đủ. Thực hiện đúng quy trình chăm sóc HC đối với sầu riêng”.
Mô hình đạt hiệu quả cao
Tổ trưởng Tổ SRHCSP Lê Ngọc Sơn phấn khởi: “Được sự hỗ trợ của Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ, 21 hộ ghi chép sổ nhật ký sản xuất, đảm bảo thời gian cách ly thu hoạch đối với từng loại thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng chất cấm trong chăm sóc sầu riêng giai đoạn xử lý ra hoa và nuôi trái.
Tổ thường sử dụng phân HC như: Phân HC khoáng An Điền, phân bón lá HC khoáng ECOZYME, phân lân HC vi sinh KOMIX, phân HC vi sinh Sông Gianh HC-15… Tổ hợp tác này cũng là mô hình điểm sử dụng phân bón HC tự làm bằng cách ủ các phế phẩm nông nghiệp hoai mục với nấm tricoderma sử dụng bón cho cây sầu riêng để giảm chi phí sản xuất. Trong 21 hộ của Tổ có 15 hộ đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/ha. Cá biệt có hộ đạt hơn 3 tỷ đồng/ha nhờ giá sầu riêng năm nay khá cao. Số còn lại do diện tích đất ít nên thu nhập không nhiều”.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh đánh giá cao và chỉ đạo: “Qua quá trình chuyển đổi và sau 3 năm thực hiện, 21 hộ tham gia đúng theo tiêu chuẩn sản xuất sầu riêng theo hướng HC được Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO cấp giấy chứng nhận Tổ SRHCSP xã Sơn Định đạt tiêu chuẩn HC (TCVN 11041-2:2017) theo Quyết định số 13-12.23/QĐCN-HCTT-FAO ngày 15-12-2023 về việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn. Mô hình sản xuất sầu riêng HC của Tổ SRHCSP cần được nhân rộng không chỉ riêng ở huyện Chợ Lách”.
Bài, ảnh: Hoàng Vũ
Bình Dương tập trung phát triển 4 loại cây ăn quả chủ lực
Nguồn tin: Báo Bình Dương
UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển cây ăn quả chủ lực, ngành hoa, cây cảnh, sản xuất rau an toàn và ngành chế biến rau quả đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, kế hoạch được triển khai nhằm phấn đấu đạt mục tiêu trên 40% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; thu hút 1-2 doanh nghiệp đầu tư vào chế biến rau quả trên địa bàn tỉnh. Phát triển vùng trồng hoa, cây cảnh phân bố vùng nông nghiệp đô thị ở các thành phố, thị xã phía Nam và vùng nông nghiệp nông thôn khu vực thị trấn của các huyện phía Bắc, các điểm du lịch, diện tích đạt khoảng 500 ha.
Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao đạt trên 80%. Đến năm 2030, diện tích phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 13.000 ha, có 50 mã số vùng trồng được cấp cho cây ăn quả chủ lực của tỉnh; diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20% tổng diện tích; trên 95% số mẫu rau, quả được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tốt các nhiệm vụ phát triển cây ăn quả gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi dần sang nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. Tập trung đầu tư đồng bộ khoa học công nghệ, ứng dụng IPHM, liên kết sản xuất - chế biến - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng đối với các loại cây ăn quả chủ lực. Diện tích phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 10.600 ha vào năm 2025 và 13.000 ha vào năm 2030, trong đó định hướng phát triển 4 loại cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 bao gồm: Cây có múi, cây măng cụt, cây sầu riêng, cây chuối…
Phát triển vùng trồng hoa, cây cảnh vào năm 2025 khoảng 380 ha; trong đó, vùng nông nghiệp đô thị khoảng 250 ha phân bố ở các thành phố, thị xã phía Nam và vùng nông nghiệp nông thôn khoảng 130 ha phân bố ở khu vực thị trấn của các huyện phía Bắc và các điểm du lịch. Đến năm 2030 diện tích dự kiến khoảng 500 ha.
Phát triển sản xuất rau có thể đạt khoảng 6.500 ha diện tích gieo trồng, sản lượng đạt 105.00 tấn rau các loại vào năm 2025 và 7.800 ha gieo trồng, sản lượng 136.500 tấn vào năm 2030. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa, truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử để phát triển đa dạng loại hình kinh doanh nông nghiệp, đáp ứng sự phát triển của công nghệ số phục vụ trong nông nghiệp; khuyến khích xây dựng, thiết lập vùng trồng lĩnh vực trồng trọt đối với rau, cây ăn quả đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP... Phát triển chế biến rau quả chủ lực, đặc sản địa phương và sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) nhằm ổn định, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và kéo dài thời gian sử dụng.
PHƯƠNG ANH
Nông dân Lộc Ninh thử nghiệm giống tiêu mới
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Bình Phước có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng các giống tiêu Ấn Độ, Vĩnh Linh, tiêu sẻ Lộc Ninh và tiêu Sri Lanka. Mới đây, một hộ dân ở huyện Lộc Ninh đã trồng thành công giống tiêu trái chùm, mang lại năng suất cao.
4 năm trước, ông Cao Đình La ở ấp 8, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh được người quen tặng một ít cây giống tiêu trái chùm. Ông bắt đầu trồng thử và kết quả cây thích nghi tốt, kháng bệnh và sai trái. Năm đầu tiên cây cho trái bói, mỗi trụ đạt 3kg hạt tiêu. Nhận thấy hiệu quả ông bắt đầu nhân giống trồng đồng loạt. Hiện ông đã trồng 450 nọc tiêu trái chùm.
Ông La cho biết, đây là giống tiêu mới có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trái ra thành dạng chùm, năng suất cao, kháng bệnh tốt. Chỉ sau 18 tháng trồng cây bắt đầu cho trái bói. Một chùm bằng 6-7 chuỗi tiêu thường, thuận tiện thu hái và khi chín, trái tự rụng.
“Ưu điểm của giống tiêu này khỏe hơn các giống tiêu khác. Trái tiêu rất thơm, nặng hạt. Khi tiêu chín, nếu chưa kịp thu hoạch, trái rụng xuống đất vẫn giữ nguyên cả chùm. Công thu hái cũng rất lợi, 1 ngày người dân có thể hái được 2 tạ tiêu, cao gấp đôi so với thu hoạch tiêu thường” - ông La cho hay.
Tiêu trái chùm thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Phước
Cũng theo ông La, đặc điểm nổi bật của giống tiêu này là gié tiêu thường phát triển thành dạng chùm, chia thành nhiều nhánh cho trái đều. Mỗi chùm có khoảng 300-600 hạt, kích thước tương đương với các giống tiêu hiện nay. Thân chính phát triển mạnh, cành lá nhỏ, mảnh khảnh nhưng không ảnh hưởng đến năng suất. Đọt non màu nâu tím, lá nhẵn, mặt trên hơi nhám, viền lá phẳng không gợn sóng. Tiêu có khả năng phát triển bộ rễ rất mạnh, kháng được sâu bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm.
Được biết, tại một số khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Đắk Lắk… nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân đã trồng thành công và đang cho thu hoạch từ giống tiêu này. Tuy nhiên, đây là giống tiêu mới, cần thời gian khảo nghiệm và đánh giá cụ thể. Vì vậy, người dân khi quyết định trồng, cần xem xét các yếu tố như điều kiện khí hậu, đất đai và thị trường tiêu thụ.
Hiền Lương
Trồng hẹ cho thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi tháng
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Hẹ là một trong những cây trồng chủ lực của bà con nông dân phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa) bởi dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ lại ổn định.
Gia đình bà Vũ Thị Hoa, KP. Kim Sơn, phường Kim Dinh tranh thủ bó hẹ (nửa kg/bó) để kịp giao cho thương lái.
Những ngày này, bà Vũ Thị Hoa, KP Kim Sơn, phường Kim Dinh đang thu hoạch 3.000m2 hẹ. Theo bà Hoa, nơi đây là vùng đất pha cát, tơi xốp nên phù hợp trồng loại cây ăn lá như hẹ.
Hẹ là giống cây không chịu được hạn nên cần tưới nước đầy đủ. Vì vậy bà Hoa đã lắp hệ thống tưới tiết kiệm nước dưới dạng phun mưa. Lúc mới trồng, bà tưới nước 3 lần/ngày, đến khi cây hẹ đã bén rễ và phát triển tốt thì chỉ cần tưới 2 lần/ngày, tránh tưới vào buổi trưa.
“Trồng hẹ đầu tư vốn ít nhưng lại có thu nhập ổn định và lâu dài. So với các loại rau màu khác có thể giá cao hơn hẹ, nhưng cũng chỉ cho thu hoạch được 1-2 tháng thôi. Còn với hẹ, chỉ cần trồng 1 lần thì các tháng sau đó sẽ có thu hoạch đều đặn, gần như cho thu hoạch quanh năm. Trung bình mỗi tháng gia đình kiếm hơn 20 triệu đồng từ vườn hẹ”, bà Hoa cho biết thêm.
Ông Vũ Văn Khuê, KP. Kim Sơn cũng đang trồng khoảng 4.000m2 hẹ. Ông Khuê cho biết, cứ khoảng 10 ngày thì gia đình thu hoạch gần 4 tấn hẹ, hiện thương lái thu mua 11 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình ông thu lợi nhuận hơn 30 triệu đồng.
Phường Kim Dinh có 75ha trồng rau ăn lá các loại (rau cải, rau dền, rau ngót, hành, hẹ…), sản lượng đạt 1.537 tấn/năm. Trong đó, có 23 hộ nông dân trồng hẹ đã liên kết thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp, với diện tích canh tác hơn 5ha. Nhờ sự linh động trong chuyển đổi cây trồng nên những năm qua, đời sống của bà con có nhiều thay đổi. Không chỉ đối với người trồng rau và nhiều người dân cũng có thêm thu nhập từ các dịch vụ đi kèm như nhặt rau hẹ sau khi thu hoạch, nhiều vựa thu mua rau nổi lên, tạo đầu ra ổn định cho bà con yên tâm sản xuất.
Cây hẹ phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, không mất tiền vốn mua giống, ít bị sâu bệnh và không tốn công chăm sóc nhiều. Đây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nhất trong các loại cây rau trên địa bàn phường. Hiện UBND phường Kim Dinh đang khuyến cáo người dân phát triển mô hình sản xuất rau an toàn, vận động nông dân liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác sản xuất.
“Nghề trồng hẹ đã tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Dinh Nguyễn Văn Tình cho hay.
Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN XA
Cau tươi tăng giá trở lại, nông dân phấn khởi
Nguồn tin: Báo Bình Định
Hơn 1 tháng trở lại đây, mặc dù mới bước vào đầu vụ thu hoạch, nhưng nhiều hộ nông dân ở An Lão (tỉnh Bình Định) đã có thu nhập hàng chục triệu đồng nhờ giá cau tươi tăng nhiều lần so với những năm trước. Cụ thể, thời điểm đầu vụ, cau tươi có giá 40.000 đồng/kg, còn hiện nay giá cau dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Trong khi cùng thời điểm này năm ngoái, cau rớt giá thê thảm, chỉ ở mức 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Nông dân An Lão phấn khởi khi cau tươi tăng giá trở lại. Ảnh: D.T.D
Theo Phòng NN&PTNT huyện An Lão, toàn huyện có hơn 70 ha cây cau đang cho thu hoạch trái. Tuy giá cau năm nay tăng đột biến, nhưng ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt vì giá cau mấy năm nay rất bấp bênh, do lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
DIỆP THỊ DIỆU
Sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Những năm qua, nhiều nông dân tại xã An Hòa Tây (Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, công chăm sóc và nhu cầu thị trường, giúp có nguồn thu nhập ổn định. Điển hình là hộ ông Bùi Văn Thơ, 64 tuổi, ngụ ấp An Bình 2, đã tiên phong trong việc lựa chọn mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Vườn rau hữu cơ tại hộ của ông Bùi Văn Thơ, ấp An Bình 2, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri.
Với diện tích hơn 2 công đất vườn, thay vì trồng cây ăn quả, ông Thơ chọn trồng các loại rau ăn lá như rau muống, cải xanh và ngò rí. Ông còn luân canh nhiều loại cây màu khác nhau như ớt, đậu bắp và cà tím, đảm bảo ngày nào gia đình ông cũng có rau sạch để bán (khoảng 70 - 100kg, tùy theo nhu cầu khách hàng). Ông Thơ cho biết, do diện tích đất canh tác ít, trồng rau hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian sinh trưởng ngắn (25 - 28 ngày) và năng suất cao. Mỗi ngày, gia đình ông thu nhập từ 300 - 500 ngàn đồng từ việc bán rau.
Ông Thơ chia sẻ, trồng rau hữu cơ không khó, quan trọng là khâu chọn giống và xử lý đất. Trước khi trồng lứa mới, cần cày xới đất thật tơi xốp và phơi từ 5 - 7 ngày để rau ít bị bệnh và không cần dùng thuốc trừ sâu, đảm bảo an toàn cho canh tác và người tiêu dùng. Phân bón sử dụng chủ yếu là phân gà ủ hoai hoặc phân vi sinh DAB. Ông Thơ nhấn mạnh khó khăn lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm, mong muốn các hộ trồng rau hữu cơ liên kết thành lập tổ hợp tác (THT) để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, cây giống và đảm bảo đầu ra ổn định, tránh bị thương lái ép giá.
Từ yêu cầu thực tiễn đó, vào năm 2018, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ các hộ nông dân ở ấp An Bình 2, An Phú 2 và An Phú 1 thành lập THT trồng rau hữu cơ “Hữu Nhiên”. THT này hoạt động trên diện tích 8.000m², với 9 thành viên, chuyên sản xuất các loại rau ăn lá như: rau má, rau ngò, cải xanh và mồng tơi… đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sạch theo yêu cầu của các nhà tiêu thụ. Trung bình mỗi tháng, THT thu về trên 60 triệu đồng, với lợi nhuận khoảng 40 - 45 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của THT đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2020 và tái chứng nhận vào năm 2022. Song song với hướng mở rộng THT, Hội Nông dân xã An Hòa Tây đặt ra mục tiêu sẽ đồng hành cùng nông dân tại địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường và an toàn cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng; đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hội đã triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ, không sử dụng phân bón và thuốc hóa học, thay vào đó là phân hữu cơ và các chế phẩm tự nhiên, sinh học để phun xịt cho cây trồng. Đây là một mô hình sản xuất bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao.
Kể từ khi tham gia THT, đầu ra sản phẩm của hộ ông Bùi Văn Thơ nói riêng và các hộ dân khác nói chung luôn ổn định, giá rau bán ra cũng cao hơn so với trước đây. Ông Thơ chia sẻ: “Bên cạnh cải thiện về đầu ra và giá bán, hàng tháng, Hội Nông dân xã còn mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau hữu cơ hiệu quả, cách đối phó với các loại sâu bệnh, giới thiệu giống rau và các loại phân bón mới. Ngoài ra, kể từ khi có THT, bà con có điều kiện để chia sẻ với nhau các kiến thức trồng rau đạt chất lượng, được đi đây đi đó học hỏi nhiều kỹ thuật mới…”.
“THT trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ tại xã An Hòa Tây là mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ cố gắng vận động nông dân tham gia THT nhiều hơn nữa để nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả này, góp phần cải thiện thu nhập của người dân tại địa phương”. (Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa Tây Nguyễn Hữu Nhân)
Bài, ảnh: Bảo Duy
Biến phụ phẩm thành phân hữu cơ
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Trong 3 tháng vừa qua, Hội Nông dân TP Đà Lạt xây dựng Mô hình “Thu gom, xử lý rác rau, hoa làm phân bón hữu cơ sinh học” trên các vùng nông nghiệp trọng điểm, mang lại “lợi ích kép” về hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Mô hình thu gom phụ phẩm rau, hoa ủ thành phân hữu cơ tại các khu vực sản xuất tập trung của thành phố Đà Lạt
Qua kết quả lựa chọn từ tổ chức Hội Nông dân cơ sở, Hội Nông dân TP Đà Lạt triển khai một trong những mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp đầu tiên tại khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung tại Phường 9, tổng diện tích 3.000 m2. Theo đó, nông hộ này chuyên canh trồng dâu tây chất lượng cao đã hơn 5 năm qua, hàng tháng cắt bỏ hàng trăm ký lá dâu dồn vào một góc vườn để tự hủy. Đến gần nửa năm sau đó, nông hộ thu về một khối lượng phân xanh không nhỏ, nhưng thực chất hàm lượng dinh dưỡng cho cây trồng rất ít, trong khi đó mầm bệnh hại cây trồng chưa triệt tiêu hết, môi trường xung quanh vẫn ảnh hưởng. Để khắc phục tình trạng này, mô hình triển khai thu gom các phụ phẩm khác từ cây dâu trong 3 tháng vừa qua trên 3.000 m2 diện tích của nông hộ ở Phường 9 vừa nêu, chất lên thành 3 m3 tại một địa điểm phù hợp bên khu vườn để ủ với chế phẩm vi sinh và mật rỉ đường, dự kiến trong 75 ngày tiếp theo sẽ hoai mục trở thành phân hữu cơ sử dụng tại chỗ cho vườn cây.
Tương tự trên diện tích 2.000 m2 chuyên canh hoa cúc của một nông hộ ở Phường 8, Hội Nông dân TP Đà Lạt đã chọn một địa điểm đảm bảo an toàn môi trường để tập kết toàn bộ khối lượng gốc, thân, lá, hoa thải ra sau thu hoạch ủ thành phân hữu cơ. Ước tính trung bình thời vụ khoảng 3 tháng, khối lượng phụ phẩm trên diện tích 2.000 m2 này thu gom khoảng 3 m3 phủ bạt, ủ với mật rỉ đường trong 90 ngày thành phân hữu cơ. Hoặc tại khu vực An Sơn, Phường 4, Hội Nông dân TP Đà Lạt triển khai trên 3.000 m2 mô hình luân canh các loại rau ngoài trời, mỗi lứa rau 3 tháng thu gom tổng khối lượng phụ phẩm khoảng 1.500 kg, đạt tỷ lệ gần 100% xử lý thành phân hữu cơ...
Ông Nguyễn Đức Công - Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt cho biết, quy trình thu gom phụ phẩm nông nghiệp ủ thành phân hữu cơ trên địa bàn dựa theo tài liệu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai “Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Cụ thể, Hội Nông dân TP Đà Lạt hướng dẫn nông hộ thực hành mô hình 8 bước: chuẩn bị địa điểm; thu gom phụ phẩm cây trồng; chuẩn bị dung dịch chế phẩm sinh học; chuẩn bị ống thông khí vào đống ủ; xếp lớp phụ phẩm cây trồng thành đống và tưới chế phẩm sinh học; che phủ đống ủ; kiểm tra độ ẩm ủ hàng tuần; thu hoạch phân ủ đã hoai mục. Trong đó, tỷ lệ 250 g chế phẩm sinh học dùng với 0,5 lít rỉ mật và 25 lít nước. Chất đống các phụ phẩm cây trồng thành từng lớp 25 - 30 cm, mỗi lớp cao ngang chiếc ủng. Sau mỗi lớp, tưới dung dịch chế phẩm sinh học. Trong khi xếp lớp, chèn cọc tre đục lỗ đường kính khoảng 5 cm, chiều dài 6 - 8 m. Chất phụ phẩm thành đống giàn ngang đều, bề mặt phẳng để nước dễ dàng thấm xuống khi tưới. Che phủ đống ủ đã chèn cọc tre bằng bạt hoặc nilon để tránh nước mưa. Không cần che phủ quá kín để đảm bảo không khí có thể lưu thông. Kiểm tra độ ẩm hàng tuần, nếu luống ủ quá khô, hãy thêm một ít nước. Sau khoảng 2,5 tháng, nếu phân ủ có màu nâu đen hoàn toàn tơi xốp thì đã sẵn sàng để sử dụng…
Đến nay, sau 3 tháng triển khai (từ tháng 4 đến tháng 7/2024), tổ chức Hội Nông dân từ cấp phường, xã đến cấp TP Đà Lạt đã hướng dẫn 73/135 nông hộ, mỗi nông hộ thu gom phụ phẩm cây trồng trên diện tích từ 1.000 m2 đến 3.000 m2 để ủ thành phân hữu cơ. Còn lại 62 nông hộ được chọn tiếp tục xây dựng mô hình hoàn thành từ nay đến cuối năm 2024.
“Mục tiêu đến hết năm 2024, tổ chức Hội Nông dân thành phố và phường, xã xử lý tại chỗ khoảng 65 tấn rác thải nông nghiệp hữu cơ, tương ứng giảm hơn 30% lượng phân bón hóa học sử dụng hàng năm của 135 nông hộ thực hành mô hình. Đặc biệt, tại mỗi mô hình triển khai, tổ chức Hội Nông dân thành phố và các phường, xã mời 5 hội viên, nông dân tham gia trao đổi, nắm bắt quy trình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại khu vực sản xuất là việc làm quan trọng, cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong canh tác cây trồng. Qua đó, nông hộ tiếp cận kỹ thuật xử lý mới phụ phẩm nông nghiệp bằng cách ủ thành phân bón hữu cơ để tiếp tục chuyển giao nhân rộng mô hình...”, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt Nguyễn Đức Công thông tin.
VĂN VIỆT
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được coi là phương thức sản xuất tối ưu, mang lại lợi ích kinh tế đối với người sản xuất, sức khỏe với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Ngành nông nghiệp Bình Dương đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân, hợp tác xã xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây rau ăn lá ở phường Hòa Lợi, TP.Bến Cát
Nâng tầm nông sản
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất NNHC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn giúp nông dân nâng cao kiến thức, tay nghề, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất từ truyền thống sang an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điều quan trọng là sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn phân phối tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, xuất khẩu, giải được “bài toán” đầu ra cho nông sản hiện nay.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, thời gian gần đây các cơ sở trên địa bàn tỉnh đã phát triển mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với các sản phẩm chủ lực, như cam, bưởi, chuối, sầu riêng… Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo) là một trong những đơn vị phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng VietGAP. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc hợp tác xã cho biết so với sản xuất truyền thống, việc canh tác theo quy trình nghiêm ngặt trong nhà màng đã tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao. Do đó, thị trường tiêu thụ rộng hơn, đem lại thu nhập và hiệu quả cao hơn trên một đơn vị diện tích… Tuy nhiên, khi người dân chưa mấy quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm sạch là cả một thách thức lớn, bởi chi phí sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch cao gấp nhiều lần sản phẩm thông thường. Sản phẩm trồng ngoài nhà màng thường mẫu mã không được bắt mắt nên khó khăn về đầu ra nhưng với tiêu chí đặt ra ban đầu, hợp tác xã sẽ không vì lợi nhuận mà bỏ quên mục tiêu là đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng bảo đảm sạch, chất lượng.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát triển NNHC làmột trong những nhiệm vụtrọng tâm của ngành nông nghiệp Bình Dương. Hiện nay, nông nghiệp của tỉnh chủ yếu là nông nghiệp công nghệ cao theo hướng VietGAP.
Đồng hành từ nhiều phía
UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch về việc thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 duy trì diện tích trồng trọt đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu hiện; khoảng 2% diện tích trồng cây ăn trái và cây rau chủ lực ở các vùng sản xuất tập trung bảo đảm theo hướng nông nghiệp hữu cơ; tăng thêm 1% diện tích trồng rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ; sản phẩm chăn nuôi theo hướng hữu cơ đạt khoảng 1% trên tổng sản lượng sản xuất của tỉnh.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để đạt mục tiêu đề ra rất cần sự chung tay, đồng hành của người sản xuất, các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp và sự chia sẻ, hướng dẫn và hỗ trợ từ phía các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, các đơn vị chuyên ngành cấp tỉnh, huyện, thành phố căn cứ vào điều kiện thực tiễn, vùng sản xuất để xây dựng và điều chỉnh kế hoạch hữu cơ hàng năm phù hợp; chú ý tính khả thi khi triển khai thực hiện như đối tượng cây trồng, vật nuôi, quy mô diện tích, lựa chọn đối tượng tham gia mô hình… Đặc biệt là các huyện, thành phố phải xây dựng kế hoạch hữu cơ riêng cho địa phương mình, bởi hiện nay chỉ có 3/9 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch.
Đồng thời, các huyện, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng, cán bộ quản lý các cấp về sản sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng nhiều hình thức. Công tác tuyên truyền cần đa dạng về nội dung, phong phú về chủ đề bảo đảm hiệu quả tuyên truyền.
Về phía người sản xuất, cần thay đổi tập quán, thói quen sản xuất thông thường, áp dụng và chuyển đổi quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để có được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và nâng cao chất lượng môi trường sống, nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu nông sản Bình Dương. Ngoài ra, người sản xuất cần tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hiện có như chính sách VietGAP, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, chính sách về nông nghiệp hữu cơ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất trồng trọt như hệ thống tưới thông minh, nhà màng, thủy canh, nuôi cấy mô… Hiện toàn tỉnh có khoảng 600 ha diện tích sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ trên các loại cây trồng.
THOẠI PHƯƠNG
Đầm Hà (Quảng Ninh): Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
Những năm qua, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) tăng cường giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển vùng sản xuất tập trung, từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông hộ manh mún, nhỏ lẻ và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất, chế biến không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu.
Tận dụng ưu thế về hạ tầng giao thông và vùng nuôi trồng thủy sản, Công ty CP SEAGOLD đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng hiện đại trên diện tích 1600m2 tại xã Tân lập (huyện Đầm Hà) và đưa vào hoạt động từ tháng 8/2023. Với định hướng từ sớm về việc sớm tìm đầu ra cho sản phẩm tại thị trường nước ngoài, đơn vị đã áp dụng quy trình sản xuất khép kín HACCP, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó, nguồn hàu tươi thường xuyên được giám sát về chất lượng, từ chất lượng nguồn nước, chất lượng con hàu… trước khi đưa vào chế biến. Đơn vị cũng áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để giữ được độ tươi ngon của sản phẩm. Do đó, sản phẩm ruột hàu tươi của đơn vị đã đến được với nhiều thị trường nước ngoài như: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Tahiti và được các bạn hàng đón nhận tích cực.
Anh Phạm Minh Hào, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ: Gia nhập thị trường xuất khẩu lớn là "cánh cửa" tiềm năng, có tính ổn định, bền vững, đảm bảo hoạt động sản xuất cho nhà máy và người lao động, điều này cũng đồng thời đem về ngoại tệ cho đất nước. Đơn vị tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để hoàn thiện các thủ tục, tiến tới thị trường khó tính như Châu Âu.
Mô hình chanh leo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu tại xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà).
Một tín hiệu vui khác cho ngành Nông nghiệp huyện Đầm Hà trong nửa đầu năm nay, đó là mô hình trồng chanh leo hữu cơ tại HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang (thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà) cũng cho kết quả tích cực. Được triển khai từ cuối năm 2023, nhờ được chăm sóc theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP, hơn 3ha trồng chanh leo của bà con địa phương này phát triển tốt, cho chất lượng quả cao. Anh Đặng Văn Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang, cho biết: Quả chanh leo được trồng với quy trình hữu cơ, tuân thủ các quy định về ATTP trong nông nghiệp, qua đánh giá kiểm nghiệm không có 570 chất cấm trong nông nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu.
Với tiềm năng thế mạnh về phát triển nông nghiệp, huyện Đầm Hà định hướng trở thành địa phương phát triển nông nghiệp công nghiệp, tạo giá trị gia tăng lớn. Thời gian qua, huyện đã đề ra nhiều giải pháp, xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Địa phương hiện có nhiều tập đoàn, công ty lớn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như: Tập đoàn Việt-Úc, Tập đoàn Mavin, Công ty CP Thực phẩm BIM, Công ty Khoa học công nghệ Lucaci, Công ty CP Funny Group JSC...
Cùng với đó, một trong những giải pháp quan trọng khác được địa phương này đẩy mạnh triển khai đó là thay đổi tư duy, phương thức của người nông dân, người làm nông nghiệp trên địa bàn. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người dân đã cùng nhau hình thành các hợp tác xã sản xuất và nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã hình thành, dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Tiêu biểu là mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, quy mô 5ha, được triển khai từ năm 2017. Mô hình đang phát triển tốt, sản phẩm dưa được gắn mã vạch, mã vùng đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, được người tiêu dùng yêu thích. Anh Nguyễn Hữu Nhượng, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, cho biết: Đơn vị cũng đang tính toán tới việc mở rộng diện tích sản xuất, tăng sản lượng, hoàn thiện các quy trình để đưa quả dưa lưới Đầm Hà tới các thị trường ngoài nước.
Huyện Đầm Hà đặt mục tiêu tiếp tục thành lập, phát triển hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh, đó là: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết người dân, quy mô tổng đàn 30.000 con, với diện tích 350ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, quy mô 435ha.
Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, khẳng định: Để cụ thể hoá thế mạnh về nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới xuất khẩu, huyện xác định được vùng sản xuất tập trung trên biển với diện tích 5.656ha và đang giao biển cho người dân để nuôi trồng; đối với lâm nghiệp đã quy hoạch 3.500ha trồng rừng gỗ lớn và 2.500ha trồng quế. Đối với trồng trọt, huyện xác định 6 vùng sản xuất tập trung. Huyện cũng đang tích cực kết nối, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô đủ lớn để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Nguyễn Trang
Long An đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng giống bò
Nguồn tin: Báo Long An
Nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất trong ngành chăn nuôi bò thịt, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, đặc biệt chú trọng vào việc nâng cao chất lượng giống bò. Nhờ đó, đàn bò của tỉnh ngày càng được cải thiện về chất lượng, góp phần tăng năng suất, thu nhập cho người chăn nuôi.
Ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng giống bò nhằm tăng năng suất và thu nhập cho người chăn nuôi
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đàn bò toàn tỉnh hiện có khoảng 110.000 con, bằng 98,8% so cùng kỳ năm 2023. Từ năm 2021 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai xây dựng 5 mô hình điểm về chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Đức Huệ, Tân Trụ và Thủ Thừa.
Theo đó, khi tham gia mô hình, hộ chăn nuôi được hỗ trợ giống bò cái sinh sản, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; đồng thời, được hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị như máy cắt cỏ, máy băm cỏ,…
Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi giống bò cái sinh sản. Từ năm 2022 đến nay, ngành đã hỗ trợ chuyển đổi 285 con bò cái sinh sản cho các hộ dân tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa và Tân Trụ. Nhờ chuyển đổi giống, năng suất bê sinh ra tăng 30%, trọng lượng bê tăng 20%, giá bán bê cũng tăng 20%.
Ngoài ra, ngành còn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, tập trung vào các nội dung: Kỹ thuật thiết kế chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật gieo tinh nhân tạo,...
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, các mô hình không chỉ góp phần thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống của nông dân mà còn giúp nâng cao chất lượng và giá trị đàn bò, tạo ra được nhiều thế hệ bò lai có ngoại hình đẹp, có khả năng phát triển tốt.
Một số hộ chăn nuôi tham gia mô hình đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi chăn nuôi theo hướng hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến như chuyển đổi giống bò cái sinh sản năng suất cao thay thế dần đàn bò địa phương năng suất thấp; thực hiện cơ giới hóa trong chăn nuôi bò nhằm giảm công lao động, đặc biệt là khâu thu hoạch và sơ chế cỏ; mạnh dạn đầu tư, sửa chữa chuồng trại; trồng các giống cỏ năng suất, chất lượng cao,...
Nâng cao chất lượng giống bò là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển ngành chăn nuôi bò thịt bền vững trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng đàn bò, tăng năng suất, thu nhập cho người chăn nuôi./.
Minh Tuệ
Khởi nghiệp tại quê nhà
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Tận dụng diện tích trong nhà, anh Trần Minh Ðăng (Ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi rắn ri tượng. Không chỉ mở ra hướng đi mới cho gia đình, đây cũng là nguồn thu nhập giúp anh Ðăng vươn lên trong cuộc sống.
Rắn ri tượng là vật nuôi ít rủi ro bởi có sức đề kháng tốt, ít mang mầm bệnh, đầu ra luôn ổn định.
Từ 10 cá thể rắn con ban đầu, chỉ sau vài năm, anh Ðăng nhân rộng thành mô hình chăn nuôi hộ gia đình. Theo đó, với hơn 6 m2 đất nhà ở, anh Ðăng xây 4 hồ nuôi rắn. Hiện tại, sau nhiều đợt tiêu thụ rắn thương phẩm, còn hơn 50 con rắn trưởng thành, đang trong giai đoạn sinh sản, mỗi con trọng lượng từ 2,5 kg, cùng đó là hơn 500 rắn giống.
Nuôi rắn tuy nhàn nhưng đòi hỏi kỹ thuật, nhất là trong khâu cho ăn và phải thay nước thường xuyên. Thức ăn cho rắn, anh Ðăng chọn mua cá phi sống từ các vuông tôm trong vùng, tránh nguồn cá thuốc sẽ ảnh hưởng đến vật nuôi, cứ 6-7 ngày sẽ cho ăn 1 lần.
Bình quân đến giai đoạn rắn xuất bán, mỗi cá thể tiêu tốn khoảng 6 kg cá mồi. Anh Ðăng chia sẻ: “Ban đầu nuôi rắn cũng gặp nhiều khó khăn, thiệt hại nhất là khi mua phải nguồn cá mồi thuốc, gây tổn thất cho vật nuôi khá nhiều, từ đó về sau tôi chú trọng khâu mua thức ăn. Trong hồ nuôi, để tạo môi trường trú ngụ, tôi để thêm gạch ngói cùng dây thép, nước tầm 4 ngày sẽ thay mới; để xử lý nước hồ, tôi vẫn duy trì bằng cây chuối ngâm, nhờ đó mà rắn phát triển khoẻ mạnh, ít hao hụt”.
Mỗi năm, anh Ðăng có 2 đợt xuất bán. Từ tháng 4-6 âm lịch (mùa rắn sinh sản), bán rắn giống, mỗi con 70 ngàn đồng (sau 10 ngày tuổi). Từ tháng 8-10 là mùa phối giống, bán rắn đực cho các hộ nuôi, mỗi ký 400 ngàn đồng. Ngoài ra, gia đình cũng bán rắn thịt, chủ yếu là những con đạt trọng lượng nhưng không đảm bảo chất lượng để sinh sản. Mỗi năm, từ mô hình nuôi rắn tạo thu nhập khoảng 40 triệu đồng.
Mô hình nuôi nhỏ tại chỗ giúp gia đình anh Ðăng có thêm nguồn thu ổn định, khoảng 40 triệu đồng/năm từ việc bán rắn giống và rắn thương phẩm.
Không đất sản xuất, kinh tế gia đình thuộc diện khó khăn, nhà có 5 khẩu thì có 2 người mắc bệnh bẩm sinh không lao động được, vì thế, gánh nặng kinh tế do anh Ðăng và người cha gánh vác. Ông Trần Văn Tý, 62 tuổi (cha anh Ðăng), bộc bạch: “Kinh tế gia đình eo hẹp, trước làm đủ thứ nghề để sống, tuy nhiên, khi bén duyên với mô hình nuôi rắn thì có nguồn thu ổn định hơn. Hiện tại, ngoài bán cho người nuôi trong vùng, còn xuất bán đi các huyện, tỉnh lân cận, đầu ra tương đối dễ dàng nên gia đình rất phấn khởi”.
Mô hình nuôi rắn không mất nhiều thời gian chăm sóc, do đó, những khi rảnh rỗi anh Ðăng còn phụ hồ, chạy grab để có thêm thu nhập.
Trên thị trường hiện nay, cả rắn thương phẩm lẫn rắn giống đang được người nuôi ưa chuộng. Ngoài bán trực tiếp, anh Ðăng còn thông qua các trang mạng xã hội giúp mở rộng đối tượng mua. Ðây cũng là địa chỉ để anh tương tác, tư vấn kỹ thuật nuôi, trao đổi thông tin khi khách hàng có nhu cầu. Từ những hiệu quả bước đầu, đến nay, anh Ðăng không chỉ duy trì mô hình mà còn ấp ủ mở rộng quy mô khi có điều kiện và nguồn vốn.
Anh Nguyễn Văn Lèo, Phó bí thư Xã đoàn Tân Lộc, cho biết: “Nhờ nuôi rắn ri tượng giúp đoàn viên Trần Minh Ðăng vượt qua khó khăn, kinh tế ổn định hơn. Hiện tại, Xã đoàn cũng tạo cơ hội để quảng bá sản phẩm, cùng đó là kết nối nhiều nơi để tìm hỗ trợ nguồn vốn cho anh Ðăng mở rộng quy mô chăn nuôi”.
Nhi Ngô
Ứng dụng khoa học công nghệ phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn
Nguồn tin: Báo Thái Bình
Để góp phần hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi lợn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình đã triển khai đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh, bước đầu mang lại hiệu quả cho các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai đề tài ứng dụng công nghệ tia UV để phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn. Đề tài được thực hiện thí điểm tại 2 trang trại của 2 huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ. Kết quả đề tài cho thấy, đối với các bệnh truyền nhiễm trong phạm vi nghiên cứu, tỷ lệ đàn lợn mắc các bệnh truyền nhiễm giảm rõ rệt (từ khoảng 50% xuống còn 0,99% - 1,65%), đặc biệt là các bệnh nguy hiểm do vi khuẩn đường ruột escherichia coli hoặc salmonella gây ra.
Ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Thực tế hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sử dụng nước bề mặt ở sông ngòi hoặc nước giếng khoan để rửa chuồng và tắm cho đàn lợn. Với tập tính của con lợn, chúng vẫn có thể liếm láp những nguồn nước đó. Vì vậy, chỉ mỗi nguồn nước uống sạch, sẽ không thể phòng tránh được các bệnh truyền nhiễm. Trong số các loại bệnh trên đàn lợn, bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp, đã xuất hiện một số ổ dịch trên cả nước, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường. Chính vì vậy, việc vệ sinh phòng bệnh là khâu rất quan trọng để có thể bảo đảm được sức khỏe của đàn lợn và tính kinh tế trong sản xuất của người chăn nuôi. Và sử dụng tia UV để làm sạch nguồn nước là giải pháp tiên tiến, tối ưu để phòng các loại bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn nói chung, bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng.
Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Hoàng Cao Cường, thôn Đôn Nông, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) là 1 trong 2 trang trại được áp dụng triển khai thực hiện đề tài. Sau thời gian ứng dụng công nghệ tia UV để xử lý vi sinh vật gây bệnh có trong nguồn nước và dụng cụ bảo hộ, tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy trên đàn lợn giảm nhiều.
Anh Cường cho biết: Hiện tại, trang trại của gia đình tôi có 40 con lợn thịt và 20 con lợn nái. Trước đây, gia đình tôi chủ yếu dùng nước giếng khoan đã được xử lý bằng hệ thống lọc thô để vệ sinh phòng bệnh cho lợn, song tình trạng lợn bị tiêu chảy vẫn còn nhiều. Năm 2022, gia đình tôi được Sở Khoa học và Công nghệ và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tạo điều kiện để triển khai đề tài ứng dụng công nghệ tia UV để phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn. Từ đó đến nay, tỷ lệ đàn lợn của gia đình mắc bệnh tiêu chảy giảm gần như tuyệt đối, chỉ còn khoảng 1%. Các dụng cụ bảo hộ trước khi vào chuồng nuôi cũng được tia UV khử trùng sạch sẽ. Tôi mong muốn việc ứng dụng công nghệ tia UV sẽ tiếp tục được nhân rộng tại nhiều trang trại chăn nuôi lợn để mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Ứng dụng công nghệ tia UV để diệt khuẩn từ lâu đã được sử dụng trong lĩnh vực y học. Tia UV có thể tiêu diệt được tất cả các mầm bệnh, từ vi khuẩn, vi-rút và các ký sinh trùng gây bệnh. Trong số các biện pháp an toàn sinh học nguồn nước, sử dụng tia UV được cho là một biện pháp tiềm năng với nhiều ưu điểm. Kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài là cơ sở khoa học cho việc triển khai, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học tiên tiến, hiện đại và nâng cao hiệu quả phòng bệnh trên đàn vật nuôi.
Lắp đặt hệ thống đèn UV tại trang trại nuôi lợn của gia đình anh Hoàng Cao Cường, xã Đoan Hùng (Hưng Hà).
Ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thông tin thêm: Có thể khẳng định, hiệu quả của tia UV diệt khuẩn trong môi trường nước và khử trùng các dụng cụ bảo hộ đã được chứng minh. Tuy nhiên, để phòng, chống những loại bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn nói chung, đặc biệt là trong giai đoạn bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp an toàn sinh học. Các trang trại cần thiết kế chuồng trại phù hợp để phòng, chống chuột bởi chuột chứa nhiều vi khuẩn, vi rút có thể gây bệnh trên đàn lợn; cần có hố sát trùng, sử dụng nước vôi trong, khi xe chở thức ăn chăn nuôi đi qua phải đi ngập bánh xe trước khi vào chuồng nuôi. Người chăn nuôi lợn nên hạn chế đi ra khỏi môi trường trang trại. Đối với các trang trại lợn nái có quy mô nhỏ phải sử dụng tinh dịch lợn để truyền tinh nhân tạo, đề nghị các ngành chuyên môn đặc biệt là ngành thú y phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ các mẫu tinh dịch lợn để kịp thời phát hiện các vi rút gây bệnh. Về phía Sở Khoa học và Công nghệ, chúng tôi sẵn sàng tư vấn cho người chăn nuôi các biện pháp an toàn sinh học để phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, góp phần thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17/CT-UBND, ngày 17/7/2024 của UBND tỉnh về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Thu Hoài
Thái Nguyên: Thúc đẩy chăn nuôi gà theo hướng VietGAP
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên
Ngày 23-7, tại xã Hóa Trung (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình nhân rộng chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng thịt gà và chuyển giao các tiến bộ khoa học mới về chăn nuôi gà tới người dân, tháng 4 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai t mô hình nhân rộng chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Tổ hợp tác chăn nuôi gà Hóa Trung. Theo đó, quy mô chăn nuôi là 4.400 con gà Lai Hồ, với 3 hộ tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 70% con giống, thức ăn cho gà, 35.200 liều thuốc vắc xin phòng bệnh và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi
Sau hơn 3 tháng chăn nuôi, tỷ lệ gà sống đạt 95%; trọng lượng gà sau 13 tuần tuổi đạt trung bình 2,6kg. Việc chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP giúp hạn chế tối đa dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh Gumboro, Newcastle... Đến nay, một số hộ tham gia mô hình đã xuất bán và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện một số hộ dân trên địa bàn xã Hóa Trung cũng đã học hỏi mô hình và chăn theo hướng VietGAP với tổng đàn khoảng 2.000 con gà.
Tại Hội nghị, đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên đã trao giấy Chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác chăn nuôi gà Hóa Trung.
Vũ Công
Hiếu Giang tổng hợp