Quảng Ninh: Người tiên phong trồng nho sữa ở Đông Triều
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
Ở vùng trọng điểm nông nghiệp Đông Triều (Quảng Ninh), không khó để bắt gặp những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình trồng nho sữa của anh Ngô Đức Trí (xã An Sinh) là một trong số đó.
Giàn nho sữa trồng trên đất An Sinh của gia đình anh Ngô Đức Trí cho sản lượng quả lớn, chất lượng tốt.
Nho sữa là giống cây chịu lạnh xuất xứ từ Hàn Quốc. Trước đây nho sữa thuộc nhóm hoa quả nhập ngoại, nhưng giờ có mặt trên đồng đất Đông Triều. Anh Ngô Đức Trí là người mạnh dạn trồng giống cây này. Qua kênh bạn bè giới thiệu, anh Trí nhập giống cây và cải tạo đất theo quy trình của riêng mình để trồng nho sữa. Sử dụng công nghệ nhà màng và tưới phun sương, anh Trí giảm tối đa tác động tiêu cực của thời tiết đến cây nho sữa. Anh duy trì chế độ chăm sóc vườn nho theo hướng hữu cơ, ưu tiên sử dụng các loại phân, thuốc gốc sinh học, tạo nên độ giòn, ngọt cho quả nho.
Anh Trí cho biết: Người ta gọi nho sữa hoặc nho xanh là vì quả ngọt, giàu chất dinh dưỡng, quả khi chín vẫn có màu xanh. Giống cây này khó làm là vì cây ưa lạnh, nhưng nếu canh tác trong môi trường nhà bạt, chủ động về nhiệt độ và nguồn nước cấp thì không khó để thành công. Khi đã trồng thành công, cây sinh trưởng và phát triển tốt, có thể cho thu hoạch đến 20 năm mới phải đầu tư mới.
Từ giải pháp canh tác hiện đại trên, vườn nho rộng 3 sào của anh Trí không chỉ sinh trưởng và phát triển tốt, mà còn sai trái, trái to, giòn, ngọt, ngon không kém sản phẩm nho sữa nhập ngoại. Vụ mùa này anh Trí thu hoạch gần 1 tấn nho, trong đó 70% loại 1, giá bán 300.000-350.000 đồng/kg.
Anh Trí có ý định mở rộng 1-2 vườn nho sữa, kết hợp mở dịch vụ cho du khách vào trải nghiệm, tham quan vườn nho và thưởng thức nho sữa tại vườn. Anh Trí phân tích: Nông nghiệp kết hợp với du lịch đang là xu hướng phát triển khả thi hiện nay ở Đông Triều. Là vùng NTM đầu tiên của tỉnh, nông thôn Đông Triều tươi đẹp với những vườn cây trái trĩu quả, đường hoa, sân vườn xinh đẹp nhiều màu sắc. Sản vật nông nghiệp của Đông Triều thuộc loại ngon và lành, vì vậy mà đông đảo du khách rất muốn thăm thú những mô hình này, xem nông dân canh tác, thưởng thức hoa trái, chụp những bức ảnh đẹp và cảm nhận không gian đồng quê thân thuộc. Vườn nho sữa của tôi phù hợp với loại hình du lịch nông nghiệp, bởi khung cảnh vườn ấn tượng, sản phẩm rất ngon và hiện vẫn là sản phẩm hiếm, nên càng có sức hút.
Việt Hoa
Mô hình trồng thanh nhãn theo hướng hữu cơ cho năng suất và chất lượng sản phẩm tốt
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Ngày 23-8, tại Hợp tác xã Trạng Tí Garden ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, phối hợp Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trình diễn sản xuất thanh nhãn theo hướng hữu cơ.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng nhãn theo hướng hữu cơ tại xã Thới Hưng.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá kết quả và đề ra các giải pháp phát triển, nhân rộng mô hình, đồng thời tạo điều kiện để nông dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố tham gia thực tế, nắm bắt thông tin, kiến thức ứng dụng vào việc sản xuất của mình. Mô hình trình diễn sản xuất thanh nhãn theo hướng hữu cơ được thực hiện với diện tích 0,5ha tại vườn thanh nhãn của hộ gia đình anh Trần Phước Minh. Đây là mô hình được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP Cần Thơ phối hợp Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thực hiện nhằm tăng chất lượng trái và tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giúp nông dân thay đổi cách thức sản xuất. Khuyến khích nông dân áp dụng hình thức sản xuất hữu cơ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thay thế dần các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học sang thuốc BVTV sinh học, định hướng xây dựng vùng canh tác hữu cơ trên cây ăn trái.
Mô hình được thực hiện từ tháng 11-2023 đến tháng 8-2024 trên vườn thanh nhãn đã được 5 năm tuổi. Nhãn trong mô hình được bón phân hữu cơ, với số lượng 1,5 tấn/0,5ha, kết hợp bón phân hóa học ở một số thời kỳ (phục hồi cây sau thu hoạch, sau xiết nước, thúc chồi...). Kết quả, nhãn trong mô hình không chỉ cho năng suất tốt mà chất lượng trái nhãn cũng được nâng cao, đặc biệt nhãn cho trái to hơn và có cơm dày hơn so với nhãn trồng trong mô hình đối chứng được canh tác theo cách truyền thống. Mô hình hữu cơ cho lợi nhuận cao hơn 26 triệu đồng/ha so với mô hình đối chứng. Tuy nhiên, tổng chi phí đầu tư cho mô hình hữu cơ cao hơn gần 5 triệu đồng/ha so với đối chứng, do chi phí phân hữu cơ cao hơn và chi phí thu hoạch cũng cao hơn khi năng suất đạt tốt hơn...
Tham dự hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá cao các kết quả tích cực từ mô hình và rất mong tới đây ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ nông dân trong xây dựng, hoàn thiện các mô hình trồng thanh nhãn và các loại nhãn khác theo hướng hữu cơ và nhân rộng mô hình này.
Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG
Đầu tư công nghệ chế biến thanh long cần được đẩy mạnh
Nguồn tin: Báo Long An
Hiện nay, nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Long An vẫn chưa thoát được cảnh “được mùa, rớt giá”. Do đó, việc thu hút đầu tư vào chế biến và bảo quản thanh long là cần thiết và cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Giá thanh long giảm sâu
Những tháng cao điểm mùa khô, nhu cầu của thị trường xuất khẩu trái thanh long tăng cao trong khi sản lượng thanh long cho thu hoạch thấp hơn cùng kỳ mọi năm do ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Theo đó, giá thanh long ruột đỏ bán tại vườn luôn ở mức cao, từ 30.000-35.000 đồng/kg.
Công nhân Công ty Cổ phẩn Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) xếp thanh long vào khay sấy
Khi bắt đầu vào chính vụ, thanh long liên tục rớt giá. Hiện thanh long xuất khẩu loại 1 chỉ bán được từ 6.000-8.000 đồng/kg, còn lại có giá dưới 5.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) - Phan Thanh Sơn, Trung Quốc cũng đang thu hoạch rộ thanh long, do đó, việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc vào thời điểm này bị hạn chế. Tại thị trường trong nước, những tháng thanh long rộ vụ thu hoạch cũng là mùa đa dạng các loại trái cây hè, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ.
Hiện nay, tổng diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Long An hơn 7.800ha, trong đó có khoảng 96% thanh long ruột đỏ, tập trung nhiều tại huyện Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An. Sản lượng hàng năm hơn 201.000 tấn.
Ông Võ Văn Bình (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Vào mùa mưa, thanh long xuất hiện nhiều loại bệnh như thối gốc, thối cành, đốm trắng,... gây tốn kém chi phí chăm sóc, phòng và trị bệnh. Ngoài ra, mùa mưa, vỏ trái cũng mỏng hơn nên tỷ lệ trái đạt chuẩn xuất khẩu rất ít”.
Cần đẩy mạnh khâu chế biến
Thanh long ruột đỏ từng là trái cây đặc sản thuộc tốp đầu về thu nhập. Thời “hoàng kim” của cây trồng này, mùa khan hàng, thanh long sốt giá, có lúc lên đến gần 70.000 đồng/kg nên nông dân có lợi nhuận khoảng 1 tỉ đồng/ha/năm. Vài năm trở lại đây, giá thanh long dần “hạ nhiệt”, nhiều thời điểm vào chính vụ, giá thanh long giảm sâu, chỉ còn vài trăm đồng/kg.
Để loại trái cây chủ lực của tỉnh phát triển bền vững, việc đầu tư vào chế biến và bảo quản là giải pháp cần được quan tâm và đẩy mạnh. Tuy nhiên, thu hút đầu tư nhà máy chế biến, bảo quản ngay tại vùng trồng vẫn là bài toán khó.
Theo nhiều hợp tác xã sản xuất thanh long, đầu tư cơ sở chế biến thanh long cần vốn lớn, quá sức với hợp tác xã và nông dân. Bên cạnh đó, số lượng kho lạnh để bảo quản thanh long của các hợp tác xã chưa nhiều, hầu hết thanh long sau thu hoạch phải tiêu thụ ngay nên giá bán dễ bị thị trường chi phối.
Tình trạng thanh long “được mùa, rớt giá” đã và đang diễn ra nhiều năm qua. Vì vậy, người trồng thanh long rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc thu hút đầu tư chế biến và bảo quản nhằm giúp loại cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn trong thời gian tới./.
Minh Tuệ
Trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGap đạt hiệu quả kinh tế cao
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, vài năm trở lại đây, nhiều hội viên nông dân ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) mạnh dạn chuyển đổi diện tích vườn kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt (CKH). Bước đầu, mô hình này đã mang lại kinh tế cao cho bà con nông dân nơi đây.
Ông Lê Thanh Tâm- thành viên Chi hội Nghề nghiệp trồng chanh không hạt ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ chăm sóc vườn chanh.
Xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình là một trong những xã NTM của tỉnh Vĩnh Long, tuy nhiên thời gian qua kinh tế nông thôn phát triển vẫn còn chậm, nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, phân tán phần nào ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người nông dân.
Từ những trăn trở đó, Hội Nông dân xã Ngãi Tứ đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, trong đó có việc thành lập Chi hội Nghề nghiệp trồng CKH đạt chuẩn VietGAP tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ.
Chi hội được thành lập vào tháng 3/2023 với 15 thành viên tham gia và đến tháng 7/2023 được chứng nhận trồng CKH đạt tiêu chuẩn VietGAP.
So với những cây trồng khác, chanh là trái cây được dùng phổ biến trong gia đình, thêm vào đó CKH có giá trị khá cao và năng suất trái ổn định hơn, vì thế được nhiều hội viên nông dân chọn làm cây trồng chính và đạt hiệu quả kinh tế khá cao.
Ông Lê Hồng Phúc- Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp trồng CKH ấp Đông Hậu, cho biết, hiện diện tích trồng CKH tại địa phương đã chiếm trên 60% diện tích canh tác.
Mặc dù vậy, quá trình chăm sóc cây CKH ban đầu của hội viên cũng gặp nhiều khó khăn, do thiếu kiến thức và kỹ thuật canh tác.
Song nhờ được sự hướng dẫn của ngành chuyên môn thông qua các lớp tập huấn, các hội viên chi hội được tiếp thu nhiều kiến thức, kỹ thuật mới trong việc trồng CKH, áp dụng trong vườn nhà đạt kết quả khả quan, năng suất trái vì thế cũng cao và chất lượng hơn.
Tham quan thực tế tại các vườn CKH của hội viên, những hàng chanh được trồng thẳng tắp, tàn tròn đều, lá dày xanh, từng chùm trái to sai oằn, bóng mượt trông rất bắt mắt. Ông Lê Thanh Tâm- thành viên Chi hội Nghề nghiệp trồng CKH ấp Đông Hậu, phấn khởi nói: “Gia đình tôi có 4 công đất trồng CKH.
Qua hơn 2 năm chăm sóc, đến nay vườn chanh đã cho năng suất khá cao, cứ từ 1,5-2 tháng thu hoạch một lần. Từ 4 công đất trồng CKH, mỗi năm tôi thu hoạch bình quân 20 tấn trái, với giá cả ổn định như hiện nay, trừ hết mọi chi phí, hàng năm gia đình còn lãi khoảng 100 triệu đồng”.
Nhờ vậy, gia đình ông và nhiều gia đình hội viên nông dân khác ở địa phương thu nhập ngày càng khấm khá, đời sống vật chất được nâng cao.
Từ thành công ban đầu, hiện nay Chi hội Nghề nghiệp trồng CKH ấp Đông Hậu có 22ha và tăng thêm 5 hộ tham gia mô hình. Mỗi vụ bán ra thị trường từ 100-125 tấn trái, với giá dao động 10.000-25.000 đ/kg, mang lại thu nhập bình quân của mỗi hội viên từ 55-70 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, chi hội còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động ở địa phương trong khâu thu hoạch, phun thuốc, bón phân, tưới nước và vận chuyển, với mức bình quân từ 40-60 triệu đồng/năm.
“Xã Ngãi Tứ là một trong những xã trồng màu lớn nhất huyện Tam Bình. Năm 2020, Đảng bộ xã chọn cây bưởi năm roi là cây trồng chủ lực của xã, nhưng gần đây giá bưởi không ổn định, cây đa phần bị lão hóa.
Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ và BCH Đảng bộ xã quyết định chọn cây CKH làm cây trồng chủ lực của xã hiện nay, với đặc điểm cây dễ trồng, giá cả và đầu ra ổn định”- ông Võ Văn Vũ- Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngãi Tứ, thông tin.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giúp cây phát triển bền vững và tạo đầu ra ổn định cho trái CKH, ông Lê Hồng Phúc thường xuyên khuyến cáo hội viên sử dụng phân bón hữu cơ, phân sinh học nhằm đảm bảo môi trường, tiết kiệm chi phí canh tác.
Đồng thời, chi hội nông dân đứng ra ký kết hợp đồng với dịch vụ hỗ trợ sản xuất như: giống, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh… cho thành viên chi hội theo hình thức cung cấp trọn gói, chỉ thu tiền sau khi thu hoạch.
Bên cạnh bán sản phẩm cho thương lái địa phương, chi hội còn ký kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp kinh doanh rau quả ở TP Cần Thơ và HTX OCOP của tỉnh Hậu Giang.
Điểm nổi bật của HTX này là đã chuyển giao cây giống cho thành viên chi hội được 3 đợt; đồng thời tổ chức thu mua tất cả sản phẩm của hội viên sau thu hoạch.
Trong 4 tháng đầu, HTX mua theo thời giá thị trường. Sau đó, HTX sẽ thẩm định lại chất lượng trái, nếu đảm bảo theo tiêu chuẩn OCOP, HTX sẽ nâng giá thu mua sản phẩm CKH đối với các hộ hội viên nông dân địa phương.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Lê Hồng Phúc chia sẻ, chi hội vẫn tiếp tục trồng, chăm sóc CKH theo hướng VietGAP, truy xuất nguồn gốc theo mã số vùng trồng, giúp nông dân thuận lợi trong việc theo dõi tình trạng sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại và cũng tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, an tâm sử dụng trái CKH của ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ.
Chi hội cũng tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng mô hình này cho những hộ có điều kiện cùng tham gia, nhằm góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình của Chi hội Nghề nghiệp trồng CKH ấp Đông Hậu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên.
Qua đó, mô hình đã khẳng định vai trò quan trọng của việc tổ chức HTX trong nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của nông thôn và địa phương.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT
Cà Mau: Khánh An vào mùa thu hoạch bồn bồn
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Mặc dù xuất hiện muộn hơn so với các vùng khác trong tỉnh, thế nhưng, nghề trồng bồn bồn trên địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau), hiện đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân và bồn bồn trở thành cây trồng chủ lực tại đây.
Theo những hộ dân trồng bồn bồn tại xã Khánh An, vùng này đất trũng phèn, việc canh tác lúa gần như không hiệu quả. Những năm gần đây, người dân chuyển sang trồng bồn bồn.
Ông Nguyễn Văn Màu, Ấp 14, cho biết: “Bồn bồn dễ trồng, không tốn công chăm sóc nhiều, chủ yếu cần trữ được nguồn nước trong mùa hạn và hạn chế ốc bươu vàng phá hại. Mỗi năm thu hoạch 2 đợt/tháng vào mùa mưa và 1 đợt/tháng vào mùa nắng. Việc thu hoạch cũng tuỳ vào nhu cầu khách hàng. Bồn bồn tươi giá bán từ 18-20 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình tôi thu nhập trên 10 triệu đồng”.
Vận chuyển bồn bồn vào nơi sơ chế.
Việc thu hoạch bồn bồn khá vất vả, qua nhiều công đoạn, từ nhổ, cắt ngoài đồng cho đến vận chuyển, bóc tách lấy lõi non... Do đó, chủ ruộng bồn bồn phải thuê thêm nhân công để kịp giao hàng, mỗi nhân công thu nhập từ 100-200 ngàn đồng/buổi thu hoạch. Nghề trồng bồn bồn cũng góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.
Hiện nay, các hộ trồng bồn bồn trên địa bàn xã Khánh An đã liên kết, thành lập Hợp tác xã Hoà An, với 101 xã viên, ở các ấp: 13, 14 và An Phú. Ðây là điều kiện thuận lợi để người dân trồng bồn bồn tại địa phương tương trợ nhau, cải thiện đời sống trên vùng đất trũng phèn này.
Lê Chí thực hiện
Độc đáo mô hình rau càng cua thuỷ canh
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Càng cua là một loại rau dân dã, mọc dại nhiều nơi. Rau càng cua chứa nhiều chất dinh dưỡng như sắt, magie, vitamin C, kali… là những chất tốt cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm họng, viêm ruột thừa, viêm gan truyền nhiễm, tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp…
Nhiều năm trở lại đây, rau càng cua được nhiều người ưa chuộng và trở thành đặc sản ở nhà hàng, trong các bữa tiệc. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh Huỳnh Huy Hoàng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phước Hoàng An (ấp Phước Đức A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) mạnh dạn đầu tư trồng rau càng cua thuỷ canh cùng các loại rau ăn lá khác, với tổng diện tích 2.500m2.
Tham quan trang trại, nhìn khu nhà màng trồng rau càng cua thủy canh xanh mơn mởn, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, mới thấy được tâm huyết, công sức của người trồng. Anh Hoàng cho biết: “Hợp tác xã hiện có 7 thành viên, trước đây chúng tôi chuyên trồng các loại rau ăn lá thuỷ canh như cải ngọt, cải xanh, xà lách… lần này tôi trồng thử nghiệm rau càng cua- loại rau dân dã được nhiều người ưa chuộng.
Để có được những cây rau càng cua xanh tốt thì việc đầu tiên là cần chuẩn bị hạt giống rau càng cua chất lượng, tạo môi trường cho cây sinh trưởng và phát triển trong điều kiện thời tiết mát mẻ, không để đất khô hạn hoặc úng nước, cây sẽ kém phát triển và chết. Hiện tại, tôi thu hoạch mỗi ngày khoảng 50kg rau càng cua, 1 tháng được 2 tấn rau, trồng cuốn chiếu nên thu hoạch hàng ngày, cung cấp cho các chợ gần địa phương và những bạn hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Giá rau càng cua dao động từ 22-25 ngàn đồng/kg, cuối tuần tầm 30-35 ngàn đồng/kg, cũng tuỳ thời điểm, mùa mưa thì giá trung bình khoảng 25 ngàn đồng/kg”.
Rau càng cua được trồng theo phương pháp thuỷ canh.
Trước khi trồng loại rau này, anh Hoàng tìm đọc sách và tài liệu hướng dẫn nhưng hầu như không có. Theo anh Hoàng, rau càng cua có một nhược điểm là rất dễ ra hoa, khi ra hoa cây sẽ chững lại và không phát triển dẫn đến nhanh già. Sau 2 lần trồng, anh mày mò tìm cách khắc phục và đã hạn chế được tình trạng ra hoa của rau bằng cách tăng độ ẩm.
Khác với rau trồng truyền thống, rau trồng theo kỹ thuật thủy canh khép kín trong nhà màng được chăm sóc rất cẩn thận, rau được nuôi dưỡng từ nước tưới dinh dưỡng tuần hoàn trong môi trường khép kín nên hiếm khi bị sâu bệnh, chất lượng rau tốt, được thị trường ưa chuộng, giá bán ổn định.
Anh Hoàng chia sẻ, rau càng cua trồng thuỷ canh tương đối giống các loại rau cải ngọt khác, cùng chung công thức pha dinh dưỡng dung dịch thuỷ canh. Ưu điểm của rau thuỷ canh là được trồng trên giàn cách mặt đất tầm 1 mét, rau sẽ không bị nhiễm khuẩn E.coli, một loại khuẩn gây tiêu chảy, hoặc bị nhiễm các loại sán chó, mèo… Ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng mô hình thuỷ canh sẽ giúp rau không bị nhiễm các loại khuẩn kể trên. Bên cạnh đó, trồng thuỷ canh sẽ không có cỏ, đỡ tốn công làm đất, rau đạt năng suất cao hơn, ít tốn nhân công, với 2.500m2 chỉ cần 2-3 người làm.
“Thời gian sinh trưởng của rau càng cua khoảng 2 tháng. Sau khi thu hoạch đợt 1, cây mọc lại sẽ thu hoạch đợt 2 và 3. Tùy vào thực tế, khi cây không còn khả năng sinh trưởng thì bắt đầu phá luống làm lại đất và trồng lại. Đối với hệ thống thủy canh, sau thu hoạch có thể ngưng 1 ngày để vệ sinh đường ống, khử khuẩn rồi tiếp tục trồng lại”- anh Hoàng chia sẻ thêm.
Với diện tích 2.500 m2 đất, anh Hoàng đầu tư hệ thống hồi lưu thuỷ canh, ống máng, nhà màn, tưới phun sương, tưới lá… với chi phí ban đầu khá cao. Tuy nhiên, anh Hoàng được Liên minh Hợp tác xã giới thiệu tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nên an tâm đầu tư, sản xuất nông nghiệp.
Anh Hoàng cho biết các loại rau trồng thủy canh ăn rất ngon, giòn, ít sâu bệnh và không có thuốc nên không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để đảm bảo số lượng cung cấp cho người tiêu dùng trong thời gian tới, gia đình anh sẽ mở rộng diện tích khoảng 1.000m2, đa dạng các loại rau, ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất và ươm giống rau thủy canh, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn. Anh Hoàng mong muốn được tham gia các lớp tập huấn kiến thức cơ bản về nông nghiệp công nghệ cao do Sở Khoa học và Công nghệ hoặc Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn.
Mô hình trồng rau càng cua thuỷ canh của anh Hoàng được nhiều người đến tham quan và học tập kinh nghiệm, đặc biệt là các bạn trẻ muốn khởi nghiệp hoặc có niềm đam mê với nông nghiệp, anh Hoàng luôn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm trong phát triển mô hình trồng rau thủy canh.
Em Huỳnh Nguyễn Quang Dũng (ngụ xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) chia sẻ, em thấy khá hứng thú với mô hình trồng rau thuỷ canh công nghệ cao của anh Hoàng nên đến tìm hiểu, học hỏi nhằm tăng hiểu biết về quy trình sản xuất rau sạch cho các hộ gia đình, bởi hiện nay, thị hiếu của người tiêu dùng là sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe. Sau nhiều lần tham quan, học hỏi, Dũng biết được cách trồng trọt, sản xuất rau sạch; em cho biết, nếu có điều kiện sẽ tham gia cùng anh Hoàng để phát triển hơn nữa mô hình trồng rau thuỷ canh công nghệ cao và nâng tầm quy mô sản xuất.
Mô hình trồng rau càng cua thủy canh trong nhà màng của anh Hoàng được Hội Nông dân huyện đánh giá cao, được chọn là mô hình khởi nghiệp năm 2024.
Nhi Trần- Hoàng Yến
Anh kỹ sư cơ khí về quê trồng nấm
Nguồn tin: Báo Long An
Gần 8 năm bôn ba với nghề kỹ sư cơ khí và mua bán vật tư xây dựng, dù thu nhập khá nhưng anh Nguyễn Hoàng Ngọc An (ấp Phước Hưng 1, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) vẫn canh cánh khi nghĩ về nơi "chôn nhau cắt rốn". Ở đó, ba mẹ anh tuổi đã xế chiều, mảnh ruộng, vườn rau thiếu người chăm sóc. Suy nghĩ thấu đáo trước sau, anh quyết định về quê gầy dựng sự nghiệp.
10 năm trước, trong một lần đưa con đi diễn văn nghệ, anh nghe được câu chuyện của những lão nông. Họ nói vùng Củ Chi (TP.HCM) có nghề trồng nấm bào ngư mang lại thu nhập cao. Câu chuyện đó khiến anh suy nghĩ rất nhiều.
Quê anh vốn có truyền thống trồng rau, người dân cần cù, chịu thương, chịu khó, nếu áp dụng mô hình trồng nấm thì rất có triển vọng. Thế là ở cái tuổi “tam thập nhi lập”, anh lại khăn gói đi học nghề, bắt đầu lại từ con số 0.
Vài người nghi ngại khi thấy anh từ kỹ sư làm nông dân, hai nghề chẳng liên quan gì với nhau nhưng anh bỏ ngoài tai tất cả, quyết chí phải thành công.
Anh Nguyễn Hoàng Ngọc An (ấp Phước Hưng 1, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) đang sàng nguyên liệu
Kiên trì, nỗ lực, dần dần anh nắm được những kỹ thuật cơ bản của nghề trồng nấm. Anh dùng số tiền tích cóp xây trại nấm đầu tiên diện tích 72m2, vay ba mẹ thêm một ít tiền để nhập 4.000 phôi nấm. Những mùa nấm đầu tiên thành công ngoài mong đợi. Anh giao cho chợ đầu mối Bình Điền và một số nhà hàng, quán ăn trong vùng, "cung" không đủ "cầu".
Nhưng sang năm thứ 3, thứ 4 thì xảy ra nhiều vấn đề như nấm bị bệnh, nhiệt độ thay đổi đột ngột làm nấm chết hàng loạt. Có hôm, sáng ra trại nhìn những tai nấm queo quắt, năng suất và chất lượng nấm giảm rõ rệt.
Đứng trước sự cố, anh bình tĩnh suy nghĩ tìm nguyên nhân. Nhận thấy các vấn đề trên xảy ra do phôi nấm được sản xuất tại những địa phương ngoài tỉnh. Các nguyên, vật liệu làm ra phôi không thuần nên khó thích ứng với môi trường, khí hậu ở địa phương. Lúc này, anh nảy ra ý tưởng tự sản xuất phôi nấm. Bởi nếu làm được phôi thì anh có thể nắm trong tay quyền tự quyết, không lệ thuộc nơi sản xuất, hơn nữa đó lại là sản phẩm do tự tay mình làm ra, giá trị không thể đong đếm được.
Thế là anh tiếp tục mày mò, nghiên cứu để thực hiện ý định. Ngày thấy những chiếc phôi thử nghiệm cho đợt nấm đầu tiên, anh mừng rơi nước mắt bởi đó là thành quả sau những tháng ngày trắng đêm nghiên cứu, là niềm hy vọng của anh và gia đình. Bữa cơm hôm ấy, anh tự tay nấu bằng nguyên liệu nấm do anh làm mọi công đoạn. Mọi người thưởng thức, thấy nấm ngọt và thơm ngon hơn trước. Đó là lời cảm ơn vì gia đình luôn ủng hộ anh hết mình; là sự khẳng định ý chí, nỗ lực, tinh thần phấn đấu không mệt mỏi của anh.
Để lấp đầy tất cả các trại cần 35.000 phôi nấm. Chiếc máy trộn hồ không thể đáp ứng nổi số lượng này và nguyên liệu cũng không đều. Sẵn có nghề cơ khí, anh lên ý tưởng rồi nhờ bạn bè thiết kế máy chuyên dụng để sàng, trộn nguyên liệu. Nhờ đó, năng suất và chất lượng tăng đáng kể. Trong quá trình sản xuất, anh tự cải tiến chi tiết máy để hoàn thiện hơn. Theo tính toán của anh, với chiếc máy này, mỗi người có thể làm ra 500 phôi nấm/ngày. Công đoạn hấp phôi cũng được anh đầu tư bài bản với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại, anh dành thời gian tham gia các lớp tập huấn, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước bởi anh biết mình còn nhiều khiếm khuyết. Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã cử chuyên gia đến hỗ trợ kỹ thuật cho anh. Hội Nông dân tỉnh cũng đến tham quan mô hình này.
Anh An chia sẻ: “Trong hành trình khởi nghiệp, tôi may mắn được gia đình ủng hộ, được Hội Nông dân các cấp, các thầy cô của Trung tâm quan tâm, giúp đỡ. Tôi muốn tạo ra một nông sản đặc trưng của Long An, không phải lệ thuộc vào những đơn vị khác. Những phôi nấm này là niềm vui, niềm tự hào của tôi. Tôi nghĩ khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn nếu có ý chí và chiến lược hợp lý, đúng đắn”.
Hiện tại, anh sản xuất theo kiểu cuốn chiếu để nguồn cung không đứt đoạn. Với giá dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg nấm, những trại nấm hàng chục ngàn phôi đem lại cho anh và gia đình cuộc sống sung túc. Anh cũng tạo được việc làm cho một số lao động địa phương, giúp họ phần nào cải thiện cuộc sống. Anh dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất để có thể vừa bán phôi, vừa bán nấm. Ngoài ra, anh còn kết hợp bạn bè mở mô hình nhà nấm mini. Dự định, mô hình này sẽ ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao, giá thành rẻ, người trồng không cần tốn nhiều công chăm sóc.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lâm - Nguyễn Như Thủy cho biết, anh An cầu tiến, sáng tạo, đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Sản phẩm Nấm bào ngư xám Ngọc An bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại, Hội Nông dân xã hỗ trợ anh xây dựng thương hiệu OCOP 3 sao.
Từ Trại nấm Ngọc An ra đường lớn là những rẫy rau xanh mướt. Giữa cảnh thanh bình ấy, chúng tôi cầm trên tay phôi nấm do người Long An sản xuất mà lòng phơi phới nỗi mừng vui. Đó là thành quả của những tháng ngày gian lao và nỗ lực không ngừng nghỉ./.
Châu Thanh
Xuất khẩu nông sản trước những quy định mới của EU
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Để hạn chế tần suất kiểm tra và thậm chí tạm dừng nhập khẩu đối với một số nông sản, thực phẩm vào thị trường EU, doanh nghiệp cần cập nhật, hiểu đúng và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật.
EU tăng cường kiểm soát vi sinh vật, kiểm soát mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL) từ các nông sản nhập khảu vào thị trường này - Ảnh minh họa
Đến nay Việt Nam đã và đang tham gia 19 Hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó có 16 hiệp định đã ký kết chính thức và 3 hiệp định đang tiến hành đàm phán. Trong đó có nhiều hiệp định được cho là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều cam kết bắt buộc áp dụng, với nhiều quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) mà chúng ta phải tuân thủ để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
EU kiểm soát chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, khi tham gia công ước bảo vệ thực vật quốc tế, Việt Nam phải áp dụng quản lý kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với thị trường EU, tất cả các lô hàng phải đáp ứng các yêu cầu sản phẩm không được nằm trong danh mục thực vật, sản phẩm thực vật bị cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu vào các nước EU; không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của EU và hầu như không bị nhiễm các loài dịch hại khác; phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (ISPM-15).
Hiện nay việc tăng cường kiểm soát vi sinh vật, kiểm soát mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL), kiểm soát thuốc kháng sinh và phụ gia thực phẩm đang được EU áp dụng rất chặt chẽ.
Theo TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT, hàng nông sản Việt Nam muốn giữ được thị trường EU thì người sản xuất cần cập nhật và điều chỉnh quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các mức MRL ở mức thấp (0,01 ppm) để đáp ứng được quy định của EU trong thời gian tới.
Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cũng khẳng định, không riêng thị trường EU mà nhiều thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thời gian gần đây đều gia tăng việc thông báo lấy ý kiến các thành viên WTO về việc thay đổi các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS).
"Trung bình, hàng tháng, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được khoảng 100 thông báo dự thảo và thông báo có hiệu lực", ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cho biết thêm: "Mới đây, EU cũng ra các thông báo dự thảo quy định thay đổi MRL đối với 4 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, đó là: Zoxamide, Fenbuconazole, Penconazole và Acetamiprid do EU thông báo ý kiến thành viên WTO, theo đó tùy từng sản phẩm cụ thể, mức MRL có thể tăng hoặc giảm hoặc giữ nguyên. Trong đó, có nhiều mức MRL giảm sâu đối với từng sản phẩm cụ thể. Chi tiết mức độ thay đổi, chúng tôi đã cập nhật trên website của Văn phòng SPS Việt Nam".
Về thời gian lấy ý kiến thành viên WTO là 60 ngày và ngày hết hạn góp ý đối với thông báo cuối cùng là: 12/9/2024. Thời gian EU áp dụng dự kiến từ tháng 2/2025.
Ông Ngô Xuân Nam lưu ý thêm: " Phạm vi áp dụng gồm tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu nông sản thực phẩm vào EU và kể cả nội khối EU, chứ không phải riêng cho Việt Nam như một số thông tin trên mạng xã hội".
Đáp ứng tiêu chuẩn là giữ được chữ "Tín"
Bất kỳ một thay đổi nào về quy định của thị trường EU cũng đều ảnh hưởng đến sản xuất của những đơn vị định hướng xuất khẩu sang thị trường này. Điển hình như việc quy định về MRL, có thể thuận lợi hơn nếu nới lỏng mức MRL hoặc sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hơn nếu giảm mức MRL. Chính vì vậy sản xuất nông sản nếu muốn xuất khẩu được sang thị trường này phải bám rất sát các thông tin quy định và áp dụng ngay vào quy trình sản xuất.
Không chỉ sản xuất sản phẩm mà bao bì xuất khẩu cũng đòi hỏi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra của EU.
Ông Hoàng Công Duy, Chuyên viên Văn phòng Thông báo và hỏi đáp Quốc Gia về Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, bao bì để xuất khẩu các sản phẩm sang EU phải phù hợp về trọng lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, ví dụ như làm từ nguyên liệu gỗ hoặc thực vật có thể cần kiểm dịch thực vật. Đồng thời, nhãn sản phẩm đóng gói phải chứa thông tin quan trọng đối với người tiêu dùng.
Sản phẩm đóng gói phải đảm bảo đầy đủ thông tin cho cơ quan hải quan và người tiêu dùng cuối cùng. Hiện tại, sản phẩm đóng gói bán lẻ được phép ghi xuất xứ "ngoài EU". Việc ghi nhãn xuất xứ hiện đang được EC thảo luận và có một đề xuất mới về định nghĩa chính xác hơn về xuất xứ. Đề xuất mới muốn liệt kê rõ ràng quốc gia xuất xứ đối với trái cây và các loại hạt sấy khô hoặc nhiều quốc gia hơn trong trường hợp sản xuất hỗn hợp.
Vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến, hiệp hội, ngành hàng, cơ quan quản lý và địa phương cần tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào.
Những thay đổi của thị trường nhập khẩu là thường xuyên, liên tục, do vậy hàng nông sản Việt Nam muốn giữ được thị trường EU và nhiều thị trường khác thì người sản xuất (cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp) cần chủ động cập nhật thông tin, điều chỉnh quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các MRL.
Vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến, hiệp hội, ngành hàng, cơ quan quản lý và địa phương tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào.
EU là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của nông sản Việt Nam. Đây cũng là một trong những thị trường có nhiều yêu cầu chặt chẽ, khoa học về mặt kỹ thuật. Nếu Việt Nam tuân thủ tốt yêu cầu của thị trường EU sẽ là cơ hội để đưa nông sản Việt Nam vào nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới khi mà Việt Nam đã và đang tham gia tới 19 FTA song phương và đa phương, trong đó có 16 FTA có hiệu lực với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Hiện nay, Văn phòng SPS Việt Nam có những cập nhật và minh bạch thông tin về an toàn thực phẩm (thay đổi mức MRL, quy định về phụ gia thực phẩm…), các quy định về đối tượng kiểm dịch… của tất cả các thị trường để giúp các bên liên quan đáp ứng tốt nhất các quy định này.
Đỗ Hương
Ứng dụng công nghệ Nhật Bản trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Sáng 21-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi chủ trì hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ SOFIX trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Nhật Bản. Tham dự hội thảo có trên 130 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nông dân đang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn.
SOFIX là từ viết tắt của cụm từ “Soil Fertility Index” nghĩa là “Chỉ tiêu của độ phì nhiêu đất”. Công nghệ SOFIX được phát triển bởi Giáo sư Kubo Motoki, Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản). Theo GS. Kubo Motoki, công nghệ này dùng để chẩn đoán sức khỏe của đất nông nghiệp bằng cách phân tích các tính chất sinh-hóa-lí và chuyển hóa vật chất trong đất. SOFIX chẩn đoán độ phì nhiêu của đất dựa trên số lượng vi sinh vật. Công nghệ SOFIX có nguyên lý là sử dụng tuần hoàn các hợp chất hữu cơ và sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ để hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Đây là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh đầu tiên trên thế giới, một công nghệ mang tính đột phá trong “làm đất” để đề xuất phân bón nhằm nâng cao độ phì đất và nâng cao năng suất trong nông nghiệp hữu cơ. Công nghệ này đã được triển khai hiệu quả ở Nhật Bản, áp dụng trên nhiều loại cây trồng. Việc canh tác hữu cơ SOFIX cho năng suất tương đương hoặc cao hơn canh tác hóa học; giảm chi phí sản xuất bằng việc giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, đồng thời, chất lượng nông sản cũng tăng lên.
Trước đó, cuối năm 2023, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Đoàn công tác học tập sản xuất nông nghiệp tại Nhật Bản, trong đó có công nghệ SOFIX. Mục tiêu Đồng Nai tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ SOFIX trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm giới thiệu và ứng dụng công nghệ này tại Đồng Nai.
Nông dân canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại Đồng Nai đặt câu hỏi về công nghệ SOFIX tại hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các sở ngành liên quan, UBND huyện Vĩnh Cửu và Cẩm Mỹ khẩn trương triển khai xây dựng kế hoạch thử nghiệm công nghệ SOFIX trên cây sầu riêng và bưởi đã lựa chọn; tổ chức theo dõi, đánh giá sơ kết, tổng kết kết quả. Trên cơ sở đó tiếp tục ứng dụng và nhân rộng trên các đối tượng cây trồng khác. Đồng thời đề xuất các tổ chức có đủ năng lực tham gia hợp tác, liên kết, ứng dụng công nghệ Sofix để phối hợp cùng nhóm nghiên cứu của GS.Kubo Motoki triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện độ phì đất, nâng cao chất lượng nông sản. Các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình trình diễn công nghệ SOFIX cần tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất; thông tin kịp thời diễn biến sinh trưởng và phát triển của cây trồng với các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Mong muốn GS.Kubo Motoki tiếp tục hỗ trợ tỉnh Đồng Nai ứng dụng công nghệ Sofix, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia, nhất là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp.
Song Lê
Hành trình làm giàu của một lão nông
Nguồn tin: Báo Long An
Chúng tôi bon bon trên con đường nhựa thuộc ấp Tân Điền (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), hỏi nhà chú Cường nuôi heo, ai cũng biết bởi người đàn ông này vừa là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, vừa gắn với nhiều biệt danh khác nhau như "lão nông điên", người "làm đâu thắng đó". Không những thế, chú còn góp không ít công sức, tiền của xây dựng địa phương.
Chú Thái Hùng Cường (ấp Tân Điền, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) đang chăm sóc đàn heo
Căn nhà khang trang của chú Thái Hùng Cường nằm trong một xóm đông đúc. Chú kể, xưa xứ này vắng lắm, từ chỗ chú nhìn ra mênh mông đồng lúa, lác đác vài lùm cây, chẳng nhà là mấy. Giờ người dân đổ về cất nhà tường, mái ngói, đông vui, vậy mà chưa nghe ai phiền hà về trại heo của chú.
Chúng tôi bước vô nhà, chỉ nghe thoảng mùi trại heo bởi chú rất kỹ tính, chuồng trại thường xuyên được dọn sạch, chất thải làm khí biogas hoặc thức ăn cho cá.
Chú nói, giữ vệ sinh chuồng trại là một trong những bí quyết để nuôi heo thành công. Thấy chúng tôi thắc mắc, chưa vội giải thích, chú cười tươi rồi bắt đầu câu chuyện.
Hồi đó nhà chú nghèo lắm! Năm 1987, khi có vợ, ra riêng, cha mẹ cho 3 công ruộng với 1 con heo đẹt 7,5kg. Lúc đó, bấy nhiêu đất đâu gọi là nhiều, nhưng có nhiêu làm nhiêu, chú luôn nhắc mình cố gắng hơn, tin rằng nhất định có ngày dư ăn, dư để. Nhờ tính cần cù, chịu khó, cầu tiến của chú mà cô chịu làm vợ dù biết chồng nghèo. Hai con người đầy nghị lực gặp nhau, thương nhau, cùng nhau “đào vàng” trên mảnh ruộng khô cằn ấy.
Trước khi làm, cô chú bàn, vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt, tiền lời nuôi heo để dành đầu tư sau này, quyết không đụng đến, còn tiền lời trồng trọt thì chi tiêu trong nhà, nuôi các con ăn học.
Đầu tháng, vợ chồng chú lộc cộc xe đạp đem sổ đỏ xuống huyện cầm cố, lấy tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu. Ban ngày, cô chú nuôi heo, làm ruộng, xắn đất đắp nền nhà, lên liếp trồng dưa, trồng cà,... Ban đêm, vợ chồng cùng nhổ rạ làm nấm rơm. 12 giờ khuya, chú hái nấm gửi xe lên chợ Bình Chánh (TP.HCM) bán, 3 giờ sáng phải dậy hái lần nữa không thôi nấm “bung dù”, rớt giá. Phần chăm chỉ, chịu khó, phần trời thương, nấm cô chú trồng trúng mùa liên tục. Mỗi tháng thu hoạch 2 lần, đầu tháng cô chú kiếm 1 triệu đồng, cuối tháng lại gom thêm 1 triệu đồng nữa. Trong khi lúc đó, vàng khoảng 300.000 đồng/chỉ.
Làm quần quật gần 6 năm, chú tăng đàn lên 5 con heo nái và 60 con heo thịt. Dần dần, chú mua thêm 2 công đất, tăng quy mô sản xuất. Giai đoạn 2015-2020, với 5.000m2 đất, chú chia ra làm trại heo, trại gà, trồng màu, nuôi cá tra. Ba trại gà nuôi theo hướng an toàn sinh học, mỗi năm đem về cho chú hơn 500 triệu đồng tiền lời. Một năm xuất bán từ 100-120 con heo thịt cũng giúp chú "bỏ túi" gần 200 triệu đồng. Đó là chưa kể doanh thu từ trồng rau theo quy trình VietGAP, nuôi cá tra. Ước tính, tổng các nguồn thu mỗi năm từ 850-900 triệu đồng chỉ với 2 lao động.
Chú kể, từ khi nuôi heo tới giờ, chú chưa từng lỗ. Những lúc khó khăn nhất là dịch heo tai xanh, heo rớt giá,... trong khi những hộ nuôi khác lỗ nặng thì chú vẫn có lời. Lúc "trà dư tửu hậu", họ rủ rỉ với nhau rằng: “Ông đó điên rồi, nuôi heo lỗ mà cứ nuôi hoài” nhưng họ làm sao biết chú tự làm hết từ đỡ đẻ cho heo, bỏ nọc đến tiêm thuốc khi heo bệnh,... nên không cần thuê mướn, nhờ đó tiết kiệm tối đa chi phí. Chú cũng chú trọng vệ sinh chuồng trại, dọn dẹp môi trường xung quanh thoáng mát. Vì vậy heo ít bệnh, lớn nhanh, chất lượng thịt tốt.
Gần 40 năm làm nông nghiệp, có của ăn, của để nhờ ruộng rẫy, bầy heo, kinh nghiệm "một bụng" nhưng chú Cường vẫn thường xuyên tham gia các buổi tập huấn chuyên đề, hội thảo, chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật; tham quan, học tập các mô hình hay trong và ngoài tỉnh. Bởi chú biết việc học rất quan trọng và mình còn khiếm khuyết nhiều. Nhờ học tập, có kiến thức nên chú thường vận động các hộ sản xuất hiệu quả hỗ trợ tuyên truyền để nông dân nơi khác có thể học hỏi.
Thực tế, nhiều người chăn nuôi không cho phóng viên đến quay phim, chụp hình vì sợ vật nuôi nhiễm bệnh, sợ “xui”.
Theo chú Cường, việc ấy không có căn cứ khoa học vì nếu có thì bầy heo của chú đã bị ảnh hưởng từ lâu. Kỹ lưỡng là đúng, ví dụ thương lái đi từ trại này đến trại khác cần sát trùng, khử khuẩn. Chuyện đồn thổi vô căn cứ, vô tình ngăn cản việc lan tỏa những mô hình hay, những điều tốt đẹp.
Trước đây, chú Cường từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Long Thượng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Điền. Trong vai trò ấy, chú thường xuyên tuyên truyền những chính sách đến người dân, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Chú còn là thành viên Ban vận động thu tiền làm đường (hiện nay, 100% số hộ trong ấp có điện sinh hoạt, 100% trục đường chính được nâng cấp tráng bê tông hoặc rải đá xanh).
Ngoài ra, chú còn vận động người dân gắn đèn đường chiếu sáng trục giao thông nông thôn, hiến đất nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng. Chú cũng tích cực tham gia hoạt động xã hội - từ thiện và giúp người dân thoát nghèo.
Câu chuyện của vợ chồng chú Cường đưa chúng tôi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Cô chú khiến tôi khâm phục bởi ý chí cầu tiến, vươn lên thoát nghèo; bởi cái tâm rộng rãi, khoáng đạt với người, với đời; bởi sự thủy chung, son sắt mấy chục năm trường, dù nghèo, dù giàu cũng không dời đổi.
Chúng tôi có gợi ý viết về chú lẫn cô, bởi thành quả hôm nay cô góp công một nửa nhưng cô mỉm cười, nhìn chú và nói rằng: “Tôi muốn làm hậu phương của người đàn ông này, mãi mãi!”./.
Huỳnh Thông
Khảo sát mô hình thử nghiệm nuôi lợn có bổ sung nguyên liệu trà xanh Thái Nguyên
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên
Ngày 22-8, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá mô hình thuộc đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên”.
Đoàn công tác tham quan trại nuôi lợn đang trong quá trình hoàn thiện của Công ty TNHH Dũng Tân tại phường Đắc Sơn (TP. Phổ Yên).
Mô hình nghiên cứu được thực hiện tại trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Dũng Tân (TP. Phổ Yên). Theo kết quả phân tích thí nghiệm, nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu trà xanh Thái Nguyên cho tỷ lệ thịt móc hàm tăng, độ dày mỡ lưng giảm, tỷ lệ nạc tăng. Chất lượng thịt lợn tăng đồng đều ở độ PH, khả năng giữ nước của cơ, tỷ lệ protein tăng, không phát hiện tồn dư kháng sinh và hormone sinh trưởng trong thịt…
Đặc biệt, polyphenol trong trà xanh làm giảm sự tích lũy cholesterol trong cơ thể lợn, có tác động tích cực đến sức khỏe vật nuôi và của người tiêu dùng… Đây là cơ sở để Công ty TNHH Dũng Tân xây dựng mô hình này theo quy mô trang trại. Công ty đã đầu tư xây dựng 15 chuồng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chuẩn bị đưa giống vào chăn nuôi.
Sau khi tham quan trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Dũng Tân (TP. Phổ Yên), các đại biểu trao đổi, thảo luận một số nội dung như: Trách nhiệm của cơ sở, trang trại trong việc thực hiện mô hình theo quy trình hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp thông tin kịp thời về tình trạng sinh trưởng, phát triển trong suốt quá trình thực hiện mô hình, chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện chăn nuôi quy mô trang trại…
Việt Dũng
Hướng đi cho nông dân ít đất
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Với vốn đầu tư ít, không cần nhiều diện tích, thời gian thu hồi vốn nhanh và đầu ra tương đối thuận lợi, gia đình anh Lê Văn Dũng ở khu phố 6, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đã đầu tư nuôi chim cút.
Anh Lê Văn Dũng thu trứng cút mỗi ngày
Với gần 100m2 chuồng trại, nuôi 5.000 con chim cút, mỗi ngày gia đình anh Dũng thu gần 2 triệu đồng, trừ chi phí lãi 1 triệu đồng. Anh Dũng cho biết, gia đình anh nuôi chim cút đến nay đã hơn 20 năm. Với số vốn ban đầu 30 triệu đồng, anh đầu tư làm chuồng, mua vài trăm con chim giống, rồi cứ thế tăng đàn. Có thời điểm anh nuôi hơn 10.000 con. Chim cút dễ nuôi, lớn rất nhanh, sau 30-45 ngày nuôi là có thể xuất bán. Chim cút thường mắc một số bệnh như newcastle, viêm loét ruột, ngộ độc thức ăn, sưng mắt, bại liệt… tuy nhiên cho uống thuốc là khỏi. Ngày nào gia đình anh cũng có nguồn thu từ bán trứng nên kinh tế khá ổn.
Tuy nhiên, khi nuôi với số lượng lớn thì người nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, theo dõi, chăm sóc và phòng bệnh. Cho chim uống nước sạch, ăn cám chuyên dụng ngày 2-3 lần. Để tăng dinh dưỡng cho chim cút, thỉnh thoảng pha các loại vitamin vào nước hoặc thức ăn. Chim cút không cần nhỏ vắc xin như gà nhưng khâu tiêu độc, khử trùng hết sức quan trọng, phải thực hiện thường xuyên. “Người nuôi phải luôn đảm bảo lượng nước sạch từ 50-100ml/con/ngày. Ngoài ra có thể pha thêm vitamin vào nước cho chim uống để tăng cường sức khỏe” - anh Dũng chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Trường Ban, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu phố 6, phường Minh Hưng cho biết, đây là mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình, vốn ít nhưng cho thu quanh năm. Nhờ nuôi chim cút mà gia đình anh Dũng có tiền lo cho các con học đại học, kinh tế gia đình khá giả. Đây là mô hình cần được nhân rộng để hội viên nông dân học tập, cải thiện kinh tế.
Chim cút đẻ trứng liên tục, tuy nhiên khoảng 10 tháng phải thay con giống để cho sản lượng cao hơn. Khi đó, người nuôi có thể bán chim cút thương phẩm rồi mua giống tái đàn. Mô hình nuôi chim cút lấy trứng đang là hướng đi của những hộ nông dân ít đất, ít vốn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Hiền Lương
Hiếu Giang tổng hợp