Trồng cam theo hướng phát triển bền vững
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Đó là chủ đề hội thảo do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Vĩnh Long phối hợp Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh- Phân hiệu Vĩnh Long tổ chức ngày 24/11.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có gần 18.000ha trồng cam, tập trung tại 3 huyện Trà ôn, Tam Bình và Vũng Liêm, số còn lại được trồng rải rác ở các huyện khác trong tỉnh. Trong những năm gần đây, phong trào nông dân trồng cam sành trên đất lúa phát triển rộng khắp ở nhiều nơi trong tỉnh.
Đây được xem là hiện tượng “tăng trưởng nóng”, bởi lợi nhuận trước mắt rất cao, bình quân 1ha từ 500- 600 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng có thời điểm cam sành rớt giá mạnh, chỉ còn khoảng 2.000đ/kg. Do đó, ngoài việc cần quan tâm kỹ thuật canh tác nhằm đảm bảo đủ yếu tố kỹ thuật, ổn định cho đầu ra sản phẩm, giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm đất và môi trường sống thì cần kiểm soát quy hoạch không để xảy ra tình trạng nông dân ồ ạt tăng quá nhanh diện tích.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày, thảo luận các vấn đề về thực trạng, định hướng phát triển cam sành trên địa bàn tỉnh; giải pháp khắc phục sự suy thoái đất trồng cam sành; nông dân trồng cam sành theo hướng hữu cơ trước những khó khăn; giải pháp nâng cao giá trị nông sản theo hướng tuần hoàn.
Tin, ảnh: THÚY- LY
Hà Giang: Vĩnh Phúc mùa cam chín
Nguồn tin: Báo Hà Giang
Xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (Hà Giang) thời điểm cam đang chín, được giá bán. Người trồng cam rất vui, thương nhân mọi nơi tìm về.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc, Vũ Văn Mạnh đưa tôi đến những nhà nông có nguồn thu trăm triệu đồng/năm từ trồng cam. Ông Vũ Văn Dũng, thôn Vĩnh Tâm vui vẻ dẫn tôi ra vườn: Cam năm nay tuyệt lắm. Giá bán cam Vàng tại vườn thời điểm này đã là 10 -12 ngàn đồng/kg, cao hơn khoảng 4 ngàn đồng so với cùng kỳ. Nhà nông chúng tôi đang hy vọng giá bán cam sẽ lên 15 – 18 ngàn đồng/kg. Với giá hiện tại gia đình cũng thu về trên 300 triệu đồng, cao gấp rất nhiều lần so với trồng lúa. Trong vườn cam này, toàn những cây cho tiền triệu cả đấy.
Đảo qua thôn Vĩnh Thành, tới thăm vườn cam gia đình ông Vũ Văn Hạnh. Ông Hạnh cho biết: “Gia đình đang có gần 2.000 cây cam. Cam Vàng năm nay vừa sai quả, lại vừa đẹp mã. Sản lượng ước đạt từ 80 – 100 tấn. Với giá bán cam hiện tại là 10 ngàn đồng/cân gia đình tôi sẽ thu được trên 1 tỷ đồng đã trừ chi phí”. Cả thôn Vĩnh Thành đều chuyển đổi đất trồng cam Vàng. Qua 6 – 7 năm trồng cam, Vĩnh Thành đã đổi thay rất nhiều: Bây giờ, nhà đẹp, nội thất hiện đại, vườn đẹp, đời sống vật chất, tinh thần đều được nâng lên. Mỗi năm, vào vụ thu hoạch cam cả làng rộn tiếng cười. Nói đến kỹ thuật trồng, thâm canh cây cam Vàng, anh Hạnh cho biết thêm: Quan trọng nhất đối với trồng cây cam Vàng là bộ rễ. Muốn chăm được bộ rễ tốt thì phải dùng phân chuồng, phân vi sinh để bón và bón đúng chu kỳ sinh trưởng của cây. Tuyệt đối tránh sử dụng phân hóa học. Đối với cam Vàng trồng xuống ruộng phải lên luống cao cho dễ thoát nước khi trời mưa. Bón phân cân đối và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo dược đúng liều, đúng lượng là kinh nghiệm để có những vườn cam khỏe mạnh.
Vườn cam của gia đình ông Vũ Văn Dũng, thôn Vĩnh Tâm chín vàng.
Xã Vĩnh Phúc đã chuyển trên 400 ha ruộng cấy lúa khó khăn về nguồn nước tưới sang trồng cam Vàng. Việc chuyển đổi trên đã tạo cho bà con một hướng làm ăn mới hiệu quả. Mỗi ha ruộng chuyển đổi trồng cam đã cho thu nhập bình quân từ 500 – 600 triệu đồng/năm. Thu nhập từ trồng cam gấp từ 7 – 8 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích đất canh tác. Đến nay, Vĩnh Phúc đang có trên 450 ha cam Vàng, 300 ha đang cho thu nhập. Thống kê sơ bộ cho thấy, Vĩnh Phúc mỗi năm đang có trên 350 hộ thu nhập tiền trăm triệu trở lên từ cây cam. Còn tính thu nhập bình quân đầu người năm 2023, cả xã ước đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG
Hòa Bình: Huyện Cao Phong hối hả vào vụ thu hoạch cam
Nguồn tin: Báo Hòa Bình
Từ cuối tháng 10, các hộ gia đình, nhà vườn cũng như các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Cao Phong (Hòa Bình) hối hả vào vụ thu hoạch cam niên vụ 2023 - 2024, trong đó chủ yếu là cam lòng vàng. Với vị ngọt đậm đà, vỏ ngoài có hương dầu đặc trưng, cam Cao Phong vẫn được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Nông dân thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong thu hoạch cam CS1.
Hiện, toàn huyện Cao Phong có trên 1.740 ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích trồng cam trên 1.350 ha; diện tích thời kỳ kinh doanh gần 1.330 ha; diện tích cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP 536 ha. Qua khảo sát tại chợ dân sinh và các nhà vườn, HTX, tùy từng loại cam, kích cỡ quả mà giá bán lẻ giao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Nhanh tay lựa chọn những quả cam vỏ rám, màu vàng đậm, chị Nguyễn Thị Hồng Thương, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) cho biết: Từ nhiều năm nay, gia đình tôi rất thích mua cam Cao Phong nên tôi biết cách chọn những quả cam ngon, ngọt. Với thời tiết hanh khô đầu đông, ăn cam để tăng sức đề kháng và bổ sung vitamin là rất cần thiết, nhất là với trẻ nhỏ. Tôi tin tưởng lựa chọn cam tươi của các nhà vườn, hộ sản xuất trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để cho gia đình sử dụng.
Là một trong những HTX nỗ lực xây dựng thương hiệu cam Cao Phong hữu cơ, nhiều năm nay, chăm sóc cam theo quy trình VietGAP đã được các hộ thành viên của HTX 3T nông sản Cao Phong (thị trấn Cao Phong) áp dụng. Bởi vậy, trên vỏ cam không thể tránh khỏi một số vết nhỏ do ruồi châm, nhện... Để đảm bảo chất lượng quả cam tươi khi đến tay người tiêu dùng, HTX bắt đầu thu hoạch cam từ 2 tuần trước. Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong cho biết: Những năm gần đây, với nhu cầu muốn được tiêu dùng sản phẩm an toàn của nhiều khách hàng, HTX không chỉ tiêu thụ qua kênh bán hàng truyền thống. Mỗi ngày, các hộ thành viên đều vào vườn cắt cam để đảm bảo quả luôn tươi, mới, đáp ứng các đơn hàng của khách tại các tỉnh, thành đặt hàng qua zalo, facebook, thậm chí là cả sàn thương mại điện tử. Bởi quy trình sản xuất nghiêm ngặt hoàn toàn hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng được sục rửa ozone và chọn lọc kỹ nên giá bán lẻ cam của HTX sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường khoảng 30%. Thời điểm này, HTX đã thu hoạch trên 10% diện tích.
Là hộ thành viên của Hội Người trồng cam thị trấn Cao Phong, từ khi bước vào niên vụ mới, ngày nào bà Bùi Thị Lan cũng tất bật trong vườn để cắt cam trả đơn cho khách hàng. Theo bà Lan chia sẻ, cam vừa là cây trồng để phát triển kinh tế, vừa là loại đặc sản địa phương mà tự tay bà trồng được để chia sẻ cho các thành viên trong gia đình thưởng thức. Vì thế chất lượng của cam và sự an toàn cho sức khỏe luôn là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Cùng sự đồng hành, hướng dẫn của Hội Người trồng cam thị trấn Cao Phong, diện tích cam gần 2 ha của gia đình bà đã áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP nhiều năm nay. Niên vụ này, giá cam bán tại vườn của gia đình dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Vườn cam của gia đình bà nằm dọc bên đường, vì thế, ngoài các khách hàng quen và khách địa phương, cam của gia đình còn được bán cho nhiều khách du lịch từ các tỉnh, thành phố khi đến huyện tham quan, trải nghiệm.
Với hương vị đặc trưng, khó có thể nhầm lẫn với các loại cam khác, thời gian qua, cam Cao Phong đã khẳng định được vị trí trên thị trường. Cùng với việc chỉ đạo, khuyến khích nông dân, các hộ sản xuất, HTX chăm sóc tốt diện tích cam thời kỳ kinh doanh, huyện Cao Phong đang tập trung thực hiện tái canh cây cam theo Đề án tái canh cây ăn quả có múi của tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Dự kiến sản lượng cam niên vụ 2023 - 2024 đạt khoảng 18.000 - 20.000 tấn. Giá trung bình của loại cam chín sớm như cam lòng vàng hiện nay dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; một số giống cam khác giá tương đối ổn định. Từ sau khi cam Cao Phong được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, cùng với chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại sản phẩm từ cam, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương cũng như của tỉnh. Bên cạnh đó, đối với thực hiện Đề án tái canh cây có múi của tỉnh cũng như tái canh cây cam trên địa bàn huyện, trước mắt huyện xây dựng cánh đồng mẫu trồng cam. Định hướng sau này cánh đồng mẫu sẽ trở thành địa điểm để nông dân, du khách các nơi đến học hỏi kinh nghiệm, tham quan, trải nghiệm.
Thu Hằng
Trồng na ‘khổng lồ’, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Nguồn tin: Báo Lạng Sơn
Đó là anh Lê Quốc Hưng, sinh năm 1976, hội viên Chi hội nông dân thôn Loi, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn). Anh Hưng được biết đến là người đầu tiên đưa cây na Thái Lan (na Thái) đến với vùng đất Yên Sơn, từ việc ghép thành công cây na Thái trên thân cây na ta đã giúp gia đình anh có thu nhập cao và ổn định.
Anh Lê Quốc Hưng chăm sóc vườn na
Những ngày giữa tháng 11/2023, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Quốc Hưng trong lúc anh đang tất bật chăm sóc vườn na Thái. Anh Hưng chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu trồng na từ những năm 1998 với số lượng khoảng 300 cây, chủ yếu là na dai và na bở. Thấy hiệu quả kinh tế nên gia đình tôi đã mở rộng diện tích, trồng được gần 3.000 cây. Đến năm 2017, nhận thấy cây na Thái đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần na ta nên tôi đã tìm hiểu kỹ thuật ghép cây na Thái trên thân cây na ta. Ban đầu tôi mua 200 cành na Thái tại xã Yên Vượng để ghép thử nghiệm tại vườn của gia đình, tuy nhiên, thời điểm đầu, tôi cũng gặp khó khăn do chưa có kiến thức, kinh nghiệm trong việc ghép cây na nên nhiều cây bị chết.
Không nản chí, anh Hưng tiếp tục mày mò tìm hiểu trên mạng Internet và đến các vườn trồng na Thái tại các xã lân cận để học hỏi kỹ thuật, dần dần anh rút ra kinh nghiệm cho bản thân và thành công với việc ghép cây na Thái. Đến nay, gia đình anh đã ghép được hơn 2.000 cây na Thái.
Ngoài cây na Thái, từ năm 2020, anh còn học hỏi kỹ thuật và ghép thành công giống na Đài Loan và na sầu riêng. Hiện nay, toàn bộ diện tích trồng na của gia đình anh Hưng (gần 3.000 cây) đều đã chuyển sang các loại na có giá trị kinh tế cao (na Thái, na Đài Loan và na sầu riêng). Vụ na năm 2023 vừa qua, gia đình anh thu được 20 tấn quả, với giá bán từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/kg đối với na Thái và từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng/kg với na Đài Loan và na sầu riêng, gia đình anh Hưng có thu nhập trên 700 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh đang chăm sóc na gối vụ, dự kiến dịp Tết Nguyên đán sẽ thu hoạch được trên 2 tấn quả.
Từ thành công trong việc ghép cải tạo cây na ta thành na Thái tại vườn của gia đình, đến nay, anh Hưng đã hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật ghép cho 10 hộ dân trên địa bàn xã. Nhiều hộ đã thực hiện thành công và cũng dần chuyển đổi một phần diện tích na ta của gia đình sang na Thái để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gia đình. Bà Vi Thị Sự, thôn Bãi Danh cho biết: Thấy gia đình anh Hưng chuyển sang ghép cây na Thái đem lại hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2019, tôi đã đến học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ghép na Thái. Hiện gia đình tôi cũng chuyển đổi toàn bộ 2.000 cây na ta sang na Thái, na Thái có giá cao gấp 2 đến 3 lần na ta, thương lái đến tận vườn tìm mua nên không lo đầu ra, vụ na vừa qua gia đình tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc na các loại na “khổng lồ”, anh Hưng cho biết: Để thành công với mô hình này bản thân tôi đã phải trải qua nhiều lần thất bại. Đối với các loại cây na Thái, na Đài Loan, na sầu riêng cơ bản cách chăm sóc cũng giống như na ta. Tuy nhiên, để ghép thành công cây na phải chọn đúng thời điểm ghép là trước tết đến hết tháng 2 âm lịch, cành ghép phải là những cành phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Bên cạnh đó, bổ sung các loại phân bón phù hợp để đảm bảo độ ngọt cho quả; sử dụng túi bọc quả để tránh ruồi vàng xâm hại, giúp mẫu mã quả đẹp…
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sơn cho biết: Anh Lê Quốc Hưng là hội viên tiên phong trong việc ghép cải tạo na ta thành na Thái đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm ghép, chăm sóc na cho nhiều hội viên, người dân trên địa bàn xã khi có nhu cầu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên học hỏi kỹ thuật ghép cải tạo cây na Thái, na Đài Loan, na sầu riêng thực hiện tại vườn na của gia đình để góp phần nâng cao thu nhập.
HIỂU LAM
Tiền Giang: Công bố Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng xoài cát Hòa Lộc
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Sở Khoa học và Công nghệ vừa phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng thuộc đề tài "Công nhận vườn đầu dòng xoài cát Hòa Lộc tại huyện Cái Bè".
Xoài cát Hòa Lộc là một trong những loại cây ăn trái chủ lực của huyện Cái Bè nói riêng và của tỉnh Tiền Giang nói chung. Nhằm góp phần khẳng định thương hiệu, mở ra nhiều triển vọng mới cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc, năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cái Bè đã chủ trì thực hiện Đề tài "Công nhận vườn đầu dòng xoài cát Hòa Lộc" (gọi là Đề tài), do Phó Giáo sư. Tiến sĩ Võ Công Thành, Trường Đại học Cần Thơ làm Chủ nhiệm.
Vườn cây đầu dòng xoài cát Hòa Lộc được trồng trên diện tích 0,9 ha ở ấp Bình, xã Hòa Hưng với 200 cây có độ tuổi từ 8 - 10 năm. Đề tài đã chọn 50 cây có độ đồng đều, cùng năm tuổi đủ điều kiện theo dõi thu thập chỉ tiêu để đăng ký chứng nhận vườn đầu dòng, đánh mã số cây và sơ đồ hóa hệ thống vườn để thuận tiện cho việc theo dõi và quản lý.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè trao giấy khen cho các tập thể
và cá nhân đã hoàn thành tốt Đề tài.
Sau hơn 3 năm thực hiện, Đề tài đã xây dựng được 1 quy trình nhận dạng cây giống phôi hữu tính xoài cát Hòa Lộc thông qua kỹ thuật điện di protein và 1 quy trình nhân giống bằng phôi vô tính. Các khâu chăm sóc cây xoài cát Hòa Lộc đầu dòng đảm bảo đúng quy trình sản xuất. Khi Đề tài thành công sẽ nhân giống khoảng 13.000 cây xoài cát Hòa Lộc đầu dòng để cung ứng cho nông dân trồng, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.
Vườn cây đầu dòng xoài cát Hòa Lộc được công nhận sẽ góp phần tạo nguồn giống tốt, chất lượng cao, sạch bệnh, giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện, tăng hiệu quả kinh tế cho các chủ vườn, bảo tồn nguồn gen cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đây cũng sẽ là tiền đề mở hướng để phát triển và nhân rộng cho các loại cây trồng khác trong thời gian tới.
Chiêu Nam
Vĩnh Long: Trồng hẹ lời 50 triệu đồng/công
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Nông dân trồng hẹ khá phấn khởi vì cây cho năng suất cao và bán được giá.
Những ngày qua, các hộ nông dân trồng hẹ khá phấn khởi vì cây hẹ cho năng suất cao và bán được giá.
Hiện đang vào vụ hẹ thứ ba trong năm, cây cho năng suất khoảng 4 tấn/công, cao hơn vụ trước 0,5-1,5 tấn/công; giá bán 20.000 đ/kg, cao hơn vụ trước 4.000-7.000 đ/kg. Với năng suất và giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng 50 triệu đồng/công.
Các hộ trồng hẹ cho biết, trồng hẹ vào thời điểm này tốn nhiều công chăm sóc vì thời tiết mưa nắng xen kẽ. Song, nhờ có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên cây hẹ cho năng suất cao.
Huyện Long Hồ (Vĩnh Long) hiện có khoảng 28ha hẹ đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu tại xã Phước Hậu và Long Phước. Mô hình trồng hẹ trên đất ruộng được nông dân duy trì khoảng 10 năm nay.
Tin, ảnh: THỤY VŨ
Mùa khoai trăn trở...
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Trên đồng thu hoạch khoai thuộc xã Tân Thành (Bình Tân).
Trên cánh đồng thuộc xã Tân Thành (Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), nhân công tất bật thu hoạch khoai tím Nhật... Chòi dỡ khoai được dựng lên cạnh ĐT 908, khoai được cân xong là nhân công vác lên xe tải để chở đi. Tuy nhiên, trái với cảnh thu hoạch nhộp nhịp, đồng khoai kém vui khi giá bán xuống thấp, chỉ 340.000 đ/tạ.
Giá khoai xuống thấp
20 công khoai lang tím Nhật đã trồng 5,5 tháng của Công ty CP Nông nghiệp 620 đang được thu hoạch, năng suất khoảng 3,5 tấn/công, giá bán 340.000 đ/tạ. Ông Huỳnh Phú Lộc- Giám đốc công ty cho biết, là toàn bộ diện tích được trồng theo chuẩn VietGAP, có mã số vùng trồng.
Tuy nhiên, “vụ này lái mua không mạnh, định neo lại chờ giá lên nên thu hoạch trễ khoảng 10 ngày. Trừ chi phí đầu tư thì vụ này lợi nhuận 20 công chỉ tầm 60-70 triệu đồng. Hơn 2 tháng nữa công ty tiếp tục thu hoạch 40 công, hy vọng giá bán sẽ cao”- ông Lộc nói.
Là người vùng khoai, hiện đang phụ trách quản lý ruộng khoai của Công ty CP Nông nghiệp 620, anh Ngô Thành Luân ở ấp Tân Mỹ (xã Tân Thành) nói: “Năng suất tuy đạt, nhưng giá xuống thấp, chỉ 340.000 đ/tạ.
Hồi trước có nhiều thương lái thu mua khoai lang, giờ thì giảm hẳn nên họ ra giá bao nhiêu thì biết vậy thôi chứ không dọ giá được”. Theo anh Luân, thời gian qua, một số hộ trồng khoai trong vùng đã lên vườn trồng cây ăn trái, số khác đi làm ở các công ty, khu công nghiệp... Nhân công “chuyên làm khoai” cũng không có việc đều đặn mỗi ngày như trước.
Đang trả tiền công cho đội sau một ngày làm việc, chị Trần Thị Khuyến- người “điều phối nhân sự” thu hoạch khoai cho biết, đội của chị có khoảng 40 người. “Hiện việc làm không liên tục, có khi làm 3-4 ngày thì nghỉ cả chục ngày. Trước đây thì mỗi đợt làm 30-40 công, giờ chỉ 7-10 công”.
“Thấy giá khoai thấp là rầu vì lo người dân giảm trồng thì càng ít việc hơn. Nhân công làm khoai mà ít việc như vậy hoài thì không đủ sống”- chị Khuyến than thở và cho biết thêm: “Ngoài lãnh lựa khoai, tôi còn lãnh làm màng phủ (trồng dưa) để “nuôi” đội. Nhưng nếu ít “kèo” quá chắc thời gian tới phải đi làm thuê thêm việc khác”.
Tất bật lựa khoai, chị Hồng Kim Duyên ở xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) bộc bạch: “Trước đây công việc có mỗi ngày, giờ ngày nghỉ còn nhiều hơn ngày làm, trong khi tiền công vẫn 140.000-150.000 đ/ngày nên thu nhập giảm sút”.
Gắn bó với việc lựa khoai 32 năm, chị Trần Thị Tố Hồng ở xã Thành Trung (Bình Tân) cho biết: “Lúc trước thì có việc làm suốt, giờ bữa làm bữa nghỉ nên tui đi làm cỏ kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình 4 người”.
Trăn trở trên đồng khoai
Có hơn chục công đất trồng khoai lang, anh Ngô Đức Quận ở xã Tân Thành (Bình Tân) cho biết, từ thời ông bà và cha mẹ đã trồng khoai, bản thân anh “rất yêu khoai”. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, có thời điểm chỉ có 40.000 đ/tạ, mỗi công chỉ thu được 2-3 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư gói ghém lắm cũng 19-20 triệu đồng/công...
Do đó, 2 năm nay anh đã chuyển đổi lên vườn trồng mít. Có kinh nghiệm và kỹ thuật trồng khoai, hiện anh Quận đang làm việc tại Công ty CP Nông nghiệp 620 với mức lương 6 triệu đồng/tháng. “Có công việc này cũng đỡ nhớ khoai”- anh Quận cười hiền.
Sinh ra và lớn lên ở vùng khoai Mười Thới- vùng trồng khoai nức tiếng xưa nay, anh Nguyễn Hữu Thắng- ấp Tân Dương (xã Tân Thành) chia sẻ, nhà anh có 3 đời gắn bó với khoai lang, bản thân anh đã trồng khoai hơn 20 năm.
Trải qua bao thăng trầm với khoai, “có thời điểm giá cao, lời 40-50 triệu đồng/công, cứ bán một công khoai là sắm được cả cây vàng” nhưng “cũng có vụ dỡ khoai chỉ bán được 40.000 đ/tạ, kể như phủi tay”.
Anh Thắng thừa nhận “khoai lang là niềm đam mê và đã thấm sâu vào máu” nhưng do giá cả quá bấp bênh nên với 20 công đất nhà, anh đã lên vườn một nửa; nửa còn lại dự tính thu hoạch xong vụ lúa sẽ lên vườn tiếp 5 công, chỉ chừa lại 5 công trồng khoai.
Với 15 công đất, anh Luân cũng phân vân: “Sắp tới, khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, nếu thấy giá khoai có thể cao thì sẽ trồng khoai, còn không thì chắc sạ lúa tiếp”.
Ông Huỳnh Phú Lộc cho biết: “Công ty có phòng cấy mô, đang làm lại giống thuần của khoai lang tím. Hiện phòng cấy mô đang vận hành tốt, dự kiến qua Tết Nguyên đán sẽ có lô giống cấy mô đầu tiên.
Vùng trồng khoai của công ty nhằm để khảo nghiệm, đánh giá quy trình. Sắp tới, sẽ đưa giống cấy mô ra trồng theo quy trình này để đánh giá năng suất, khả năng chống chịu bệnh…”.
Hướng mắt về phía ruộng khoai đang thu hoạch, ông Lộc băn khoăn: “Hiện giá khoai thấp, đầu ra bấp bênh. Khoai được trồng theo chuẩn VietGAP, có mã số vùng trồng chi phí đội thêm khoảng 15-20% nhưng giá bán cũng bằng với khoai trồng không theo chuẩn là chưa hợp lý”.
Theo ông, cần giải pháp giúp đầu ra ổn định hơn, đồng thời tăng cường quản lý mã số vùng trồng; khâu thu mua, xuất khẩu đảm bảo uy tín, chất lượng khoai; có chính sách về giá bán hợp lý nhằm khuyến khích trồng theo chuẩn, có mã số vùng trồng.
Năm 2023, Huyện ủy Bình Tân chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang trồng màu và cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Tổng diện tích gieo trồng cây màu toàn huyện đạt 17.545ha. Trong đó, khoai lang xuống giống 1.055ha (khoai lang tím 679ha). Đến nay, đã cấp 42 mã số vùng trồng xuất khẩu trên cây khoai lang. Diện tích khoai lang chậm phục hồi do giá cả, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, người dân chưa yên tâm đầu tư sản xuất; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Bộ NN&PTNT kỳ vọng 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp sẽ gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc áp dụng quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chiều nay (24/11), Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan trao đổi với đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trao đổi về những giải pháp để triểu khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Khẳng định tại cuộc trao đổi, các đại biểu cho rằng, sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long là lợi thế của vùng và có vai trò nòng cốt đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội nâng cao vị thế của Việt Nam. Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long mang tính đột phát trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển ngày càng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP 26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết "Chúng tôi đã rà soát các diện tích và điều kiện như: hợp tác xã, quy trình thâm canh, canh tác. Về mặt thuận lợi nông dân trồng lúa ở Cà Mau đã có kinh nghiệm áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật áp dụng một số tiêu chuẩn về sản xuất lúa hữu cơ, theo hướng hữu cơ, VietGap và áp dụng các quy trình "3 giảm, 3 tăng". Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án để địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp, tính được tín chỉ cacbon để tập huấn cho bà con nông dân"
Ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: "Kiên Giang đã sẵn sàng tham gia Đề án, về phía tỉnh đặc biệt quan tâm Đề án là một trong những điểm then chốt trong tổ chức lại sản xuất. Qua tuyên truyền người dân nhận thức được việc sản xuất gắn với môi trường gắn với tăng trưởng xanh giảm phát thải đây là xu thế tất yếu".
Đại diện các doanh nghiệp tham gia đề án này, ông Nguyễn Như Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, đây là mong mỏi của doanh nghiệp khi liên kết với nông dân tham gia sản xuất lúa một cách bền vững
"Doanh nghiệp mong muốn Đề án hội đủ 3 yếu tố: quy chế rõ ràng, có sự hướng dẫn cụ thể và có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật để định hướng cho bà con nông dân và doanh nghiệp tổ chức sản xuất lúa một cách bền vững. Tập đoàn cam kết cùng với bà con nông dân liên kết sản xuất tập thể, tuân thủ tất cả các tiêu chí mà Đề án đưa ra", ông Thuận cho biết.
Chia sẻ với đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu Đề án 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đề án góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, "thuận thiên", nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu; huy động tổng hợp các nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lan tỏa ý nghĩa của Đề án khi tiếp xúc với cử tri ở địa phương.
"Những gì chúng ta gieo sự thay đổi từ đề án này thì chúng ta sẽ gặt hái được nhiều giá trị. Tích hợp đa giá trị, nền nông nghiệp tuần hoàn bán được tín chỉ cacbon, bán cả gói sản phẩm từ gạo, đó là đích đến. Đây là Đề án của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chứ không chỉ là Đề án của mình Bộ NN&PTNT nên chúng ta cần chung tay giúp nông dân, chuyển tải được những thông điệp của đề án đến được với bà con nông dân", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Đỗ Hương
Bến Tre: Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Trong những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được tỉnh Bến Tre quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được 5.190,38ha. Các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác lúa.
Sản xuất lúa - tôm tại huyện Thạnh Phú mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chuyển đổi cây trồng
Nhằm khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động của địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống người dân nông thôn, những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Đây cũng là chủ trương nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để khai thác những tiềm năng, lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động của địa phương; mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, công thức luân canh, phương thức sản xuất phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.
Năm 2023, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã rà soát nhu cầu chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây khác của các hộ dân, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Đồng thời, tại bộ phận một cửa của UBND các xã có công khai quy trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, hộ dân có nhu cầu chuyển đổi có thể liên hệ trưởng ấp hoặc cán bộ phụ trách để được hướng dẫn làm thủ tục xin chuyển đổi.
Kết quả, đến nay, tổng diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang rau màu, trồng cỏ làm thức ăn gia súc trên toàn tỉnh là 270,9ha (tăng 84ha so với kế hoạch), phân bổ ở huyện Ba Tri. Các mô hình chuyển đổi này có lợi nhuận cao hơn 4 lần so với trồng lúa.
Tổng diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 411,08ha (tăng 292,78ha so với kế hoạch), phân bổ ở các huyện Ba Tri, Giồng Trôm và Bình Đại. Lợi nhuận từ việc chuyển đổi sang trồng cây lâu năm cao gấp 6,4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hạn mặn nên việc trồng lúa ngày càng khó khăn, vì vậy, người dân có xu hướng chuyển đổi từ lúa kém hiệu quả sang trồng cây bưởi, dừa có khả năng thích nghi tốt trong điều kiện hạn mặn.
Tổng diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 4.508,4ha, chủ yếu chuyển đổi ở các huyện Thạnh Phú và Bình Đại (chuyển đổi trên nền đất lúa 1 vụ). Mô hình chuyển đổi đã thực hiện có hiệu quả từ nhiều năm trước đây, với hình thức nuôi xen, trồng xen kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trung bình 1ha, nông dân thu lợi nhuận từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, vùng sản xuất lúa - tôm đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Lúa sạch Thạnh Phú”.
Nhìn chung, tổng diện tích chuyển đổi trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 5.190,38ha. Với hiệu quả sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều mô hình chuyển đổi đã được nhân rộng; diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa được mở rộng qua các năm.
Năm 2024 sẽ chuyển đổi 153ha
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, năm 2024, tỉnh sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm 14ha; chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 66,18ha, chuyển đổi trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 7,3ha. Diện tích chuyển đổi được thực hiện tại 3 huyện: Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, lâu năm, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tăng thu nhập; đồng thời, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua xây dựng mã số vùng trồng nội địa, xuất khẩu tạo đầu ra ổn định, từng bước phát triển nông sản chủ lực của tỉnh.
Để thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện chủ trương chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các cây trồng khác hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ gia đình riêng lẻ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất; lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường để tăng hiệu quả sản xuất. Tăng cường công tác quản lý nhà nước; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm…
Bài, ảnh: Phương Thảo
Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh chú trọng thu hút đầu tư vào khu vực này.
Theo đó, tỉnh đã quy hoạch, triển khai các đề án, dự án thu hút đầu tư, như: Phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến 2030; triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Quảng Ninh theo Luật Lâm nghiệp; phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2030...
Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương tham mưu triển khai quy hoạch phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030.
Mô hình trồng ớt sừng xanh Hàn Quốc của người dân xã Bình Khê (TX Đông Triều) cung cấp nguyên liệu chế biến cho Công ty TNHH MTV F-ONE GLOBAL FOODS (phường Đức Chính, TX Đông Triều). Ảnh: Nguyễn Hoa
Hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được tỉnh ban hành đồng bộ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Đồng thời, tỉnh quan tâm, dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho HTX, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng…
Qua đó đã khuyến khích doanh nghiệp, HTX, nông dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống. Tính đến 15/10/2023, toàn tỉnh có 469 HTX nông nghiệp, tổng hợp (9 tháng năm 2023 có 36 HTX thành lập mới). Nhờ đó, tỉnh cũng dần hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thương hiệu và chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP”.
Các ngành liên quan, các địa phương còn triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động KHCN trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2021¬-2025. Hằng năm, tỉnh đều dành nguồn lực để chi cho hoạt động KHCN.
Hiện toàn tỉnh có 336 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao; 219 chủ thể sản xuất tham gia, gồm 54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ sản xuất. Trên địa bàn tỉnh có 7 sản phẩm tham dự đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia hạng 5 sao, hiện Hội đồng thẩm định Trung ương đang tổ chức đánh giá, phân hạng. Đến nay, tỉnh đã có thêm 1 sản phẩm đã được công nhận 5 sao quốc gia (Trà hoa vàng Quy Hoa - Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ XNK Quy Hoa).
Để đẩy mạnh lưu thông sản phẩm sản xuất từ nông nghiệp, trong 10 tháng năm 2023, Quảng Ninh đã tổ chức 5 hội chợ OCOP cấp tỉnh; các địa phương tổ chức 7 hội chợ OCOP kết hợp thương mại, Hội chợ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tỉnh cũng tổ chức 2 hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Cần Thơ… Qua đó đã mang lại kết quả tích cực và triển vọng phát triển bền vững cho sản phẩm OCOP của tỉnh. Quảng Ninh đã có 76% sản phẩm OCOP đạt 3-5 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn.
Hiện trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả các dự án, mô hình, như: Sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP; ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp tại TX Quảng Yên; xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt VietGAP, liên kết HTX với chuỗi giá trị và xây dựng sản phẩm OCOP tại xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả); chăn nuôi bò lai BBB sinh sản tuần hoàn tại TX Đông Triều; chăn nuôi ngan (ngan sao) thương phẩm an toàn sinh học và xây dựng mô hình trồng hồi ghép theo hướng hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu tại Bình Liêu; nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại TX Quảng Yên…
Quảng Ninh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp an toàn, tập trung và duy trì 1.070ha vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP; 45ha đất trồng trọt hữu cơ được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; 94ha lúa chất lượng cao Japonica và ST25; 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 46 vùng trồng dược liệu cấp mã số; 6 cơ sở đóng gói quả tươi.
Ngành nông nghiệp chủ động phối hợp với các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển. Tổng sản lượng thịt xuất chuồng các loại 9 tháng năm 2023 của tỉnh đạt 101.500 tấn, tăng 5,04% so với cùng kỳ 2022. Trên địa bàn tỉnh hiện còn có 16 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản hoạt động; qua đó 9 tháng năm 2023 đã sản xuất đạt hơn 2.500 triệu con giống.
Việc quan tâm thu hút đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm, ngư nghiệp. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn 9 tháng năm 2023 tăng 4,19%. Đời sống của người dân vùng nông thôn ngày càng ổn định và phát triển.
Cầm Khuê
Phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Bến Tre
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Sản xuất nông nghiệp tại Bến Tre từng bước chuyển đổi theo quy chuẩn sạch, an toàn, tập trung xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc,... hướng đến phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh.
Ảnh minh họa
UBND tỉnh Bến Tre cho biết, năm 2023, sản xuất nông - ngư nghiệp tương đối thuận lợi, tăng trưởng Khu vực I ước đạt 2,65%. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác, 71 hợp tác xã tham gia và chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp đang dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang chủ động hơn trong việc tham gia các liên kết ngang - dọc trong chuỗi; mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo quy chuẩn sạch, an toàn, tập trung xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc,... hướng đến phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 13 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 642,91 ha; 36 vùng trồng được cấp 71 mã số với diện tích 594,41 ha, đang chuẩn bị thiết lập mã số vùng trồng trên cây dừa; có 5 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Tỉ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản chủ lực được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương đạt 11,2% (24.818 ha); thực hiện liên kết đạt 21,65%. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, nhất là về cung ứng vật tư nông nghiệp.
Công tác ứng phó với xâm nhập mặn được tập trung triển khai quyết liệt, cùng với sự vận hành hiệu quả hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt nên đã hạn chế tối đa ảnh hưởng của xâm nhập mặn và không gây thiệt hại lớn cho cây trồng, vật nuôi. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 2 đợt triều cường làm thiệt hại đến hoa màu, cây ăn trái, thủy sản... của người dân và một số công trình giao thông; 6 đợt mưa dông, lốc gây ra một số thiệt hại (1 người chết do sét đánh, bị thương 03 người; sập 10 căn nhà và tốc mái, hư hỏng 89 căn; gãy, bật gốc 1,2 ha vườn cây ăn trái, một số cây xanh); 1 điểm sạt lở bờ sông tại huyện Châu Thành. Các ngành, địa phương đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.
Về trồng trọt, diện tích và sản lượng dừa tăng nhẹ, giá dừa khô giảm mạnh những tháng đầu năm nhưng hiện đã tăng trở lại, bình quân 70.000 - 80.000 đồng/chục; trong năm phát triển được 1.300 ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 18.500 ha; tình hình sâu bệnh hại dừa có chiều hướng giảm, toàn tỉnh hiện còn 328,73 ha nhiễm sâu đầu đen, giảm 844,83 ha (tỉ lệ 61%) và 4.511,5 ha nhiễm bọ cánh cứng, giảm 105,5 ha; tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp để xử lý, nhất là dập dịch sâu đầu đen. Diện tích gieo trồng lúa giảm 4,21% so cùng kỳ nhưng sản lượng tăng 0,92% và đạt 104,27% kế hoạch. Sản xuất rau màu tương đối thuận lợi với diện tích 4.133 ha, sản lượng 91.990 tấn, tăng 0,97% so cùng kỳ và đạt 87,61% kế hoạch. Diện tích trồng cây ăn trái giảm 1,29% so cùng kỳ, sản lượng 310.691 tấn; tình hình sâu bệnh gây hại trên cây ăn trái không đáng kể.
Xây dựng vùng sản xuất tập trung bưởi da xanh với diện tích 387,58 ha; thí điểm vùng sản xuất tập trung sầu riêng với tổng diện tích chứng nhận VietGAP là 76,5 ha.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, tổng đàn bò tăng 11,98%, đàn heo tăng 7,53% và đàn gia cầm tăng 11,20%. Dịch bệnh có xảy ra nhưng không đáng kể với 4 ổ dịch Viêm da nổi cục, 1 ổ dịch tả lợn châu Phi và 1 ổ dịch Lở mồm long móng nhưng được phát hiện, xử lý kịp thời nên không lây lan.
Hiện nay cả tỉnh có 15.140 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và nhỏ. Xây dựng thí điểm vùng sản xuất tập trung chăn nuôi heo gắn với phát triển chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Giồng Trôm; vùng sản xuất tập trung chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Ba Tri.
Nuôi thủy sản tiếp tục phát triển, diện tích tăng 0,24% (tôm thâm canh, bán thâm canh tăng 1,05%), sản lượng thu hoạch tăng 4,29% so cùng kỳ. Nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) được người dân đầu tư khá về quy mô và có cải tiến khâu thiết kế kỹ thuật hạ tầng vùng nuôi, diện tích đạt 500 ha, đạt 100% kế hoạch (KH 500 ha), lũy kế toàn tỉnh ước đạt 3.067 ha, đạt 76,66% kế hoạch 2021 - 2025 (KH 4.000 ha), sản lượng ước đạt 128.072 tấn, đạt 88,94% kế hoạch (KH 144.000 tấn). Tỉnh đang triển khai dự án hạ tầng vùng nuôi tôm ƯDCNC tại huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú để tăng diện tích nuôi.
Hiện toàn tỉnh có 2.955 tàu, trong đó 2.042 tàu đánh bắt xa bờ; có 160 tổ hợp tác khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các cảng cá ổn định, tổng số tàu lên hàng và hàng thủy sản là 1.271 lượt/28.313 tấn.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tiếp tục được tập trung triển khai và đạt kết quả tốt. Năm 2023, có 62 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (chứng nhận mới, tái chứng nhận và sản phẩm nâng cấp sao) với 28 chủ thể; lũy kế có 244 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 105 chủ thể.
Chương trình xây dựng NTM được tập trung thực hiện; ước năm 2023, tỉnh công nhận 15 xã NTM, 7 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu; lũy kế toàn tỉnh có 95 xã NTM (trong đó có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt NTM kiểu mẫu), 7 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 37 xã đạt 10 - 14 tiêu chí. Các tiêu chí xây dựng xã NTM, nhất là "4 tiêu chí cứng" được tập trung thực hiện, có 95/139 xã đạt tiêu chí về giao thông; 133/139 xã đạt tiêu chí về thu nhập; 109/139 xã đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm; 127/139 xã đạt tiêu chí về quốc phòng an ninh. Phong trào "Ngày Chủ nhật Nông thôn mới" tiếp tục được thực hiện với nhiều chủ đề, phù hợp với điều kiện, tình hình từng thời điểm và từng địa phương, thu hút được 202.653 người tham gia, trong đó người dân chiếm 58,6%, tổng số tiền huy động là 12,8 tỷ đồng.
Nhật Thy
Tập huấn nuôi sâu canxi và trùn quế cho nông dân tiên tiến
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Nằm trong Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, từ ngày 1 đến 23-11-2023, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tổ chức 14 lớp tập huấn tổng quan về phân loại, xử lý rác thải hữu cơ và kỹ thuật nuôi sâu canxi, trùn quế tại các xã, thị trấn của 3 huyện Mỏ Cày Nam, Ba Tri và Thạnh Phú.
Học viên thực hành nuôi trùn quế.
Lớp thu hút 420 học viên là hội viên, nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn các xã, thị trấn của 3 huyện. Các học viên được phổ biến, trang bị kiến thức về các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ; kỹ thuật nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế; thực hành xây dựng mô hình nuôi sâu canxi, trùn quế; lập kế hoạch nuôi; cùng chia sẻ, trao đổi, giải đáp thắc mắc, những vấn đề khó khăn thường gặp khi nuôi sâu canxi, trùn quế...
Sâu canxi, trùn quế là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho các loại vật nuôi như gà, vịt, heo, bò, tôm, cá, lươn, ếch... giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, có sức đề kháng và tạo ra nguồn thực phẩm sạch, giảm được chi phí thức ăn đầu vào, phân trùn quế còn là loại phân hữu cơ thiên nhiên, tốt cho các loại cây trồng, tăng khả năng cải tạo đất. Việc nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi còn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường vì sâu canxi, trùn quế có thể tiêu thụ nguồn thức ăn thừa, phân động vật và các chất thải hữu cơ.
Tại buổi tập huấn, các giảng viên nguồn TOT của dự án đã hướng dẫn cho học viên tổng quan về phân loại và xử lý rác thải hữu cơ, lợi ích của việc nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi, quy trình các bước nuôi. Các học viên cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề khó khăn thường gặp khi nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi.
Tin, ảnh: Thành Lập
Quảng Ninh: Người phát triển thương hiệu trứng vịt biển Đồng Rui
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
Ngày 13/10 vừa qua, HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) vinh dự được Trung ương HND Việt Nam biểu dương là HTX tiêu biểu toàn quốc. Giám đốc của HTX này là anh Vũ Anh Tuấn, trú tại thôn 3, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên.
Theo đánh giá của HND tỉnh, thành công của HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến hôm nay, gắn liền với quá trình dài mà anh Vũ Tuấn Anh kiên trì phát triển đàn vịt biển, quá trình gìn giữ và phát huy thương hiệu sản phẩm OCOP 4 sao - trứng vịt biển Đồng Rui; quá trình giới thiệu, quảng bá, đưa quả trứng vịt biển Đồng Rui vào các kênh bán hàng uy tín trong và ngoài nước.
Vốn không phải người dân bản địa, cũng không theo nghề nông nghiệp, tuy nhiên anh Vũ Anh Tuấn lại nhìn thấy tiềm năng trong việc phát triển đàn vịt đẻ lấy trứng ở Đồng Rui. Đây cũng là lý do anh Tuấn quyết định bỏ nghề mỏ để trở thành cổ đông chính của HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến vốn do HND xã Đồng Rui thành lập trước đó.
Anh Tuấn tâm sự: Có nhiều nơi nuôi đàn vịt đẻ, tuy nhiên Đồng Rui lại đặc biệt thích hợp với loài vật này hơn do là vùng nước lợ, phong phú nguồn phù du, hải sản, là nguồn thức ăn phong phú cho đàn vịt. Chính vì vậy trứng vịt biển Đồng Rui lòng đỏ nhiều hơn, đậm mầu, thơm ngậy, bở béo, là ưu thế cạnh tranh so với các loại trứng gia cầm thông thường khác.
Trước đó, do nhiều nguyên nhân, HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến hoạt động chưa hiệu quả. Nhiều xã viên của HTX có tình trạng mạnh ai lấy làm, chăn nuôi không theo đúng quy trình, chất lượng, số lượng sản xuất không đảm bảo. Xuất hiện nguy cơ ảnh hưởng tới thương hiệu sản phẩm OCOP 4 sao của trứng vịt biển Đồng Rui. Bằng sự năng động và quyết tâm của mình, anh Tuấn đã cùng với các xã viên lần lượt khắc phục những điểm yếu nói trên, đưa HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến phát triển.
Hiện nay, HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến có quy mô 25 hộ thành viên, tổng đàn vịt 10.000 con, chăn thả trên diện tích khoảng 100ha bãi bồi, mặt nước, sản lượng trứng đạt hơn 8.000 quả/ngày. Quả trứng vịt biển Đồng Rui ngày càng được đảm bảo chất lượng, mẫu mã, không chỉ giữ vững danh hiệu sản phẩm OCOP 4 sao, mà còn là sản phẩm được HND tỉnh tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2021, năm 2023.
Chính vì vậy, trứng vịt biển Đồng Rui ngoài việc thường xuyên được cung ứng cho các bếp ăn ngành than và các KCN, còn có mặt tại các siêu thị lớn trong cả nước. Doanh thu của HTX những năm gần đây trung bình đạt khoảng 6 tỷ đồng, bao gồm khoảng 5 tỷ đồng là doanh thu của các hộ thành viên, 1 tỷ đồng còn lại là doanh thu phát sinh từ nguồn vốn chung đóng góp của các thành viên HTX.
Anh Vũ Anh Tuấn thu hoạch trứng vịt biển.
HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến còn được ghi nhận là đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ, tham gia chuyển đổi số vào hoạt động bán hàng trên các sàn giao dịch nông sản trên mạng, sử dụng phần mềm kế toán chữ ký số, hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử… qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Năm 2020, HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến đã được UBND tỉnh tặng cờ thi đua trong phong trào thi đua "Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh"; năm 2022, HTX được UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Việt Hoa
Người chăn nuôi vượt khó cuối năm
Nguồn tin: Báo Bình Định
Hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh Bình Định đang tái đàn gia súc, gia cầm với kỳ vọng bán được giá cao vào dịp cuối năm, bù đắp lại phần nào gần một năm chưa suôn sẻ.
Vượt khó, kỳ vọng vào cuối năm
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), số lượng đàn vật nuôi chủ lực đều tăng so với năm ngoái, tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn khó khăn khi chi phí đầu vào cao, giá sản phẩm chăn nuôi thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định... cộng với giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao, dù trước đó có thời điểm giảm nhưng không đáng kể. Trước những khó khăn đó, nhiều nông hộ, chủ trang trại, gia trại, DN phải giảm đàn để tránh thua lỗ sâu, thậm chí có những trang trại buộc phải bỏ trống chuồng do không đủ vốn để duy trì sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho hay: Hoài Ân được xem như “thủ phủ heo miền Trung” với tổng đàn hiện có khoảng 270 nghìn con và hơn 800 nghìn con gia cầm (chủ yếu là gà). Hiện giá heo hơi đang sụt giảm mạnh, ở mức 47.000 - 48.000 đồng/kg, người nuôi gần như không có lãi. Trước đó, những tháng đầu năm, giá heo hơi cũng bấp bênh, kéo dài ở ngưỡng thấp, nên đa phần người chăn nuôi gặp khó khăn.
Để cung ứng cho vụ chính thị trường tết Nguyên đán 2024 sắp tới, nông dân, DN đang tập trung tái đàn gia súc, gia cầm. Theo ông Mai Văn Rõ, ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), giá gà chỉ mới tăng từ tháng 9 đến nay, hiện gà ta thả vườn thương lái mua bình quân từ 58.000 - 60.000 đồng/kg chứ trước đó chỉ ở mức 44.000 - 46.000 đồng/kg. Chuẩn bị cho thị trường cuối năm, ông Rõ đang nuôi hơn 9.000 con gà theo hướng nuôi trại và thả vườn; trong đó, có 3.000 con gà thả vườn hơn 1 tháng tuổi. “Hy vọng, từ nay đến hết năm, giá gà tiếp tục tăng, giúp người chăn nuôi vui vẻ ăn Tết!”, ông Rõ mong mỏi.
Tương tự, ông Trần Cao Đệ, ở thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) đang thả nuôi 3.000 con gà ta gần một tháng tuổi. Trước đó, vào giữa tháng 10, ông xuất bán lứa gà gần 3.000 con, với giá bình quân 58.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông lãi ròng hơn 70 triệu đồng. Tuy vậy, ông Đệ thừa nhận mình là người may mắn, vì nhiều người chăn nuôi gà trong vùng phải “treo chuồng” do gà mắc bệnh, thua lỗ nặng.
Các hộ nuôi heo ở huyện Hoài Ân, TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn… đã tập trung tái đàn heo từ đầu tháng 10 đến nay nhưng còn hạn chế số lượng. Cụ thể, nông hộ chủ yếu nuôi 5 - 10 con để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, phục vụ gia đình và bán ra thị trường Tết sắp tới. Số ít chủ trang trại, DN nuôi 200 - 300 con theo hướng chuồng trại khép kín, công nghệ sinh học. Anh Nguyễn Phúc Ánh, ở thôn Gia Đức, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân), chia sẻ đang nuôi 300 con heo thịt một tháng tuổi. Anh hy vọng, từ nay đến cuối năm, giá heo hơi sẽ tăng trở lại, thay vì èo uột như lúc này, khiến người chăn nuôi thua lỗ.
Ông Trần Cao Đệ, ở thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) đang chăm sóc đàn gà gần một tháng tuổi. Ảnh: T.LỢI
Thận trọng để tránh rủi ro
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thời điểm này, hầu hết nông hộ, cơ sở, chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đang tái đàn để có sản phẩm phục vụ Tết, tuy nhiên từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố bất lợi. Trước hết, là diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa, lạnh cộng với nguồn thức ăn khan hiếm dễ dẫn đến giảm sức đề kháng của vật nuôi, nhất là ở các địa phương miền núi. Khả năng bão lũ xảy ra gây thiệt hại lớn tổng đàn vật nuôi. Dịch bệnh có nguy cơ tiếp tục phát sinh do chưa có vắc xin để phòng, nhất là dịch tả heo Châu Phi. Dịch bệnh cúm gia cầm nguy cơ xảy ra do hầu hết người chăn nuôi chưa chú tâm tiêm vắc xin phòng bệnh.
“Hiện nay, Chi cục đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói rét trên vật nuôi. Để ổn định lâu dài, người chăn nuôi cần tham gia các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài tránh rủi ro về đầu ra, việc tham gia liên kết cũng giúp người chăn nuôi nâng dần trình độ sản xuất, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi”, ông Diệp định hướng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc chia sẻ: Người chăn nuôi thận trọng và có kế hoạch cụ thể khi tổ chức sản xuất, chỉ nên tái đàn khi đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học để phòng dịch bệnh, nhất là đối với heo, bò, gà. Đồng thời, với tổng đàn như hiện nay, cộng với tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoàn toàn có cơ sở khẳng định các sản phẩm chăn nuôi trong tỉnh cuối năm nay dồi dào, bảo đảm đủ nguồn cung... cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Ông Phan Văn Hưng, chủ Đại lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y Hưng ở phường Nhơn Thành (TX An Nhơn), cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi giảm 6 đợt (từ tháng 5 đến tháng 10), bình quân một đợt giảm 4.500 đồng/bao. Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi heo mang các nhãn hiệu như CP, Cargill, Con Cò, CJ… đang ở mức từ 300 - 440 nghìn đồng/bao (25 kg/bao, tùy loại); 320 - 330 nghìn đồng/bao (25 kg/bao, tùy loại) đối với giá thức ăn chăn nuôi gà. So với năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi năm 2023 có giảm, nhưng không đáng kể.
TRỌNG LỢI
Hiếu Giang tổng hợp