Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 27 tháng 9 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 27 tháng 9 năm 2024

 

Thơm ngọt hồng kem Đà Lạt

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Thu cao nguyên, khi những trái hồng Đà Lạt chuyển màu vàng tươi là lúc mùa treo hồng phố núi nhộn nhịp. Bên cạnh những trái hồng sấy khô truyền thống, hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản, mùa hồng này, người Đà Lạt đang miết mải với những trái hồng kem thơm ngọt.

 

 

Thu hoạch từng trái hồng kem đúng độ

NGỌT THƠM HƯƠNG HỒNG

“Hồng kem rất ngon, khách giờ ưa chuộng lắm. Thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh giờ yêu cầu hồng kem nhiều. Vì vậy, dù hồng Trạm Hành chưa vào chính vụ nhưng gia đình đã bắt đầu treo những dây hồng kem để có hồng cung cấp cho khách”, bà Xuân Hồng, cư dân xã Trạm Hành, TP Đà Lạt cho biết.

Người trồng hồng Đà Lạt vốn quen với trái hồng sấy nhiệt truyền thống, là thứ hồng chín mềm, bóng vỏ và và sấy trên lửa than 30-32 tiếng, cho thành phẩm là những miếng hồng đậm màu đỏ nâu, ngọt và thơm mùi lửa. Năm 2014, bà con làm quen với công nghệ treo hồng Nhật Bản, những trái hồng còn sống, chưa qua ủ được sấy trong nhà kính, với nắng, gió trời Đà Lạt. Những trái hồng treo gió đã tạo nên thương hiệu hồng sấy gió Đà Lạt.

Từ mùa hồng 2023, theo nhu cầu của khách hàng, người trồng hồng có thêm một loại hồng mới. Đó là hồng kem. Chị Nguyễn Thị Mến, người sáng lập thương hiệu đặc sản Đà Lạt DalaVi chia sẻ, hồng kem là cách chế biến trái hồng của người Hàn Quốc. Thay vì trái hồng sấy gió Nhật Bản đạt độ khô cao, thịt dẻo, bên trong còn mật thì hồng kem phong cách Hàn vỏ hơi se, giòn, nguyên phần ruột bên trong còn giữ nguyên hương vị của trái chín tươi, ngọt và thơm mùi hồng. Chị Mến cho biết, khách hàng các khu vực thành thị đặc biệt ưa thích trái hồng kem nên hầu hết các nhà treo hồng Đà Lạt đều chế biến hồng kem, bên cạnh hồng sấy lửa, hồng treo gió Nhật Bản. “Hồng kem thực sự ngon, mềm, ngọt, nhất là khi để lạnh. Khách hàng của DalaVi có nhu cầu cao với hồng kem và cũng vì thế, chúng tôi gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Ông Lê Thìn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, địa phương trọng điểm sản xuất trái hồng các loại cho biết, hiện tại mới bắt đầu vào mùa thu hoạch hồng Đà Lạt. Xuân Trường có trên 100 hộ làm hồng treo các loại và nhiều hộ trong đó chế biến hồng kem. Đây là một sản phẩm hồng mới ra đời nhưng đã được khách hàng đón nhận nhiệt tình. Ông Thìn cũng thông tin, khoảng giữa tháng 10, mùa hồng sẽ bước vào vụ thu hoạch rộ và khi đó, những nhà treo hồng khởi động để có một vụ hồng bội thu.

SỨC SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI TRỒNG HỒNG

Nếu quy trình sản xuất hồng treo gió Nhật Bản được chuyển giao từ chính xứ sở Phù Tang thì hồng kem Đà Lạt là một sự tìm tòi của người dân trồng hồng phố núi. Bà Xuân Hồng, người có kinh nghiệm 10 năm treo hồng chia sẻ, trước nay người Đà Lạt chỉ treo gió kiểu Nhật. Nhưng khi khách hàng yêu cầu một loại hồng treo mềm hơn, ngọt hơn, bà con đã tự tìm ra cách treo hồng kem từ kinh nghiệm của bản thân.

“Hồng kem nằm trong quy trình treo gió hồng Nhật Bản. Hồng kiểu Nhật phải treo 21-22 ngày thì trái đủ độ khô dẻo thì hồng kem chỉ treo khoảng 12-15 ngày tuỳ trái, tuỳ yêu cầu. Như nhà tôi treo 12-13 ngày là thu hoạch, khi trái còn vàng tươi, vỏ hơi se, ruột dẻo ngọt là được”, bà Xuân Hồng chia sẻ. Nói thì dễ nhưng hồng kem yêu cầu cao về mặt nguyên liệu, bà Hồng nhận xét. Theo bà, chế biến hồng kem phải là trái chín đúng độ, trái to đều, không sứt hay sâu bệnh vì khi treo xong, trái hồng gần như giữ nguyên hình thức, trái to mọng, tròn trĩnh chứ không thay đổi hình dạng và kết cấu. Nếu có vết thâm, vết sứt sẽ lộ ra rất rõ. Vì thế, sản xuất hồng kem yêu cầu chất lượng trái đầu vào rất cao. “Tới khi thu hoạch cũng cần người có kinh nghiệm nhìn. Trái hồng kem cần đúng độ, quá 1 ngày là trái khô, ruột bớt ngọt, ăn không đạt yêu cầu”, bà Hồng cho hay.

Trái hồng kem cũng đòi hỏi quy trình bảo quản nghiêm ngặt để đưa tới tay người tiêu dùng một cách an toàn, giữ được chất lượng tốt nhất. Chị Nguyễn Thị Mến cho biết, sau khi hạ sào, hồng kem phải được bảo quản trong kho lạnh, tủ đông với nhiệt độ -10 độ C. Quy trình bảo quản phải đảm bảo sao cho trái hồng giữ nguyên được màu vàng tươi, không đông đá, khi rã đông trái hồng vẫn giữ được thớ hồng mềm mịn, dẻo mướt. Vận chuyển tới tay khách hàng cũng phải giữ lạnh để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng trái. Đây là một thách thức cho những nhà sản xuất hồng kem. Vì vậy, những gia đình treo hồng kem đều lắp đặt hệ thống bảo quản lạnh đạt chuẩn để đảm bảo trái hồng được giữ trong môi trường tốt nhất. Bảo quản tốt, hồng kem có thể để từ vụ trước tới vụ sau, luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng quanh năm.

Mùa hồng Đà Lạt đang bắt đầu. Và, những trái hồng kem ngọt mềm, thơm hương cao nguyên đã sẵn sàng đến tay người tiêu dùng trên khắp đất nước.

DIỆP QUỲNH

 

Yên Bái: Đại Minh ‘khóc’ bưởi

 

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Ảnh hưởng của cơn bão số 3, 90 ha bưởi của các thôn: Khả Lĩnh, Minh Thân, Cầu Mơ, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, Yên Bái có dấu hiệu chết do bị ngâm trong nước nhiều ngày. Số diện tích bưởi bị rụng lá, rụng quả và chết hàng loạt đến gần 30 ha. Nhiều cây bưởi chuẩn bị thu hoạch giờ quả rụng đầy gốc, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.

Toàn bộ 150 gốc bưởi của gia đình bà Phạm Thị Yên, thôn Minh Thân, huyện Yên Bình đã ngập chìm trong nước do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3. Sau khi nước rút, bưởi có dấu hiệu cháy lá, rụng quả và bị chết khô như trong bức ảnh dưới. Hàng nghìn quả bưởi sắp cho thu hoạch rụng đầy gốc theo con nước xếp hàng ngay ngắn càng khiến bà Yên càng thêm xót xa.

 

 

Bà Phạm Thị Yên xót xa vườn bưởi chết vì ngập úng.

Trông chờ vào số tiền 120 triệu đồng mà gia đình có thể thu hoạch được từ vụ bưởi năm nay, giờ bà Yên đã bị mất trắng, việc khôi phục lại diện tích bưởi bị ảnh hưởng bão lũ dường như quá sức đối với gia đình.

Cũng ở xã Đại Minh, gia đình ông Tạ Minh Tân, thôn Khả Lĩnh hiện có 470 gốc bưởi, bình quân mỗi năm thu hoạch gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, sau gần 1 tuần 350 gốc bưởi của gia đình ngâm trong nước lũ, 250 gốc trong số đó đã quả rụng đầy gốc, nhiều cây bị rụng lá, thối rễ và sẽ chết không thể khắc phục.

Đại Minh là xã có diện tích bưởi đặc sản lớn nhất của huyện Yên Bình với gần 500 ha, trong đó có 450 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Do ảnh hưởng của bão số 3, 90 ha bưởi của các thôn: Khả Lĩnh, Minh Thân, Cầu Mơ bị thiệt hại do ngâm trong nước nhiều ngày. Bưởi rụng lá, rụng quả và chết hàng loạt chiếm gần 30 ha. Nhiều cây bưởi chuẩn bị thu hoạch giờ chết hàng loạt, quả rụng đầy gốc, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.

Hiện chính quyền địa phương đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Đối với diện tích có thể cứu được thì áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để cây nhanh chóng phục hồi. Đối với diện tích cây bị chết cần phải chặt bỏ sẽ nghiên cứu chuyển sang các loại cây trồng khác.

Bưởi Đại Minh là sản phẩm đặc sản nức tiếng và là sản phẩm OCOP đã từng mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng cho người dân. Nay một số hộ dân lại "khóc ròng” vì thất thu do bão lũ. Việc trồng thay thế diện tích cây bị chết cũng mất nhiều chi phí, công sức và ít nhất 5 năm nữa mới có thể cho lứa quả đầu tiên. Do đó, người dân đất bưởi Đại Minh mong Nhà nước sớm ban hành các chính sách hỗ trợ khôi phục lại diện tích cây nông nghiệp theo hướng hỗ trợ đặc thù như vùng dâu tằm của huyện Trấn Yên, trong đó có cây bưởi nhằm chia sẻ khó khăn với những hộ dân bị thiệt hại, sớm khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Mạnh Cường – Hoài Văn

 

Hậu Giang: Giá khóm Cầu Đúc tăng kỷ lục

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Thời gian gần đây, người dân trồng khóm ở thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) rất phấn khởi vì giá khóm Cầu Đúc đang ở mức cao. Hiện khóm loại 1 (loại có trọng lượng từ 1kg trở lên) được thương lái vào tận rẫy thu mua với giá dao động từ 14.000-15.000 đồng/trái, khóm loại 2 thì 2 trái kể 1, mức giá này đang tăng từ 4.000-5.000 đồng/trái so với cùng kỳ.

 

 

Người dân trồng khóm phấn khởi vì gần đây giá bán khóm liên tục tăng.

Theo nhiều nông dân trồng khóm trong tỉnh, khoảng 3 năm trở lại đây giá bán khóm liên tục tăng cao, nhưng đợt này là giá cao nhất từ trước đến nay. Hiện nay, thương lái các tỉnh đến thu mua khóm với mức giá cao để cung cấp ra thị trường nên đầu ra của trái khóm khá thuận lợi.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có hơn 3.000ha khóm, năng suất bình quân khoảng 16 tấn/ha/năm. Bà con nông dân đang đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng diện tích canh tác khóm theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi giá trị sản phẩm để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng và thu về lợi nhuận cao.

MAI THANH

 

Hỗ trợ sản xuất đảm bảo an toàn chất lượng xuất khẩu gạo ÐBSCL

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Hiện nay, tại TP Cần Thơ cũng như một số cánh đồng lúa thu đông ĐBSCL bắt đầu cho thu hoạch, với năng suất khoảng 5,5 tấn/ha. Đây là vụ mùa sản xuất lúa cuối cùng trong năm và được đánh giá góp phần quan trọng trong việc đem lại hiệu quả, lợi nhuận sản xuất lúa cho cả năm 2024. Tuy nhiên, tình hình sản xuất lúa còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH), tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường các nước trên thế giới… Do đó, ngành Nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp cho việc phát triển, sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao...

 

 

Nông dân TP Cần Thơ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch lúa.

Sản xuất an toàn, chất lượng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2024, khí hậu, thời tiết diễn ra không thuận lợi cho sản xuất trồng trọt tại vùng ĐBSCL. Hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và sâu hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, nhờ việc tuân thủ các giải pháp chỉ đạo sản xuất, áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học, công nghệ, an toàn thực phẩm và quản lý chặt chẽ vùng trồng, bảo vệ cây trồng đã thu được nhiều kết quả đáng kể, làm chuyển biến rõ rệt về thu nhập, chất lượng nông sản và ổn định tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Trong năm 2024, ước diện tích xuống giống lúa các vụ trên 3,823 triệu héc-ta (thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 16.350ha); năng suất ước đạt 63,12 tạ/ha, tăng 0,29 tạ/ha so năm 2023; sản lượng đạt trên 24,1 triệu tấn, tăng 11.160 tấn so với năm 2023. Trong đó, số lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu năm 2024 có khả năng đạt 7,6 triệu tấn. Theo số liệu tổng hợp, lũy kế xuất khẩu gạo đến ngày 31-7-2024 đạt 5,299 triệu tấn, trị giá 3,34 tỉ USD, so với cùng kỳ 2023 tăng 8,3% về số lượng và tăng 27,65% về trị giá. Kế hoạch xuất khẩu gạo những tháng cuối năm là 2,3 triệu tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế địa phương vùng ĐBSCL.

Nhiều chuyên gia nhận định, ngành lúa gạo có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng. Sản xuất lúa gạo không những đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc góp phần đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện nay ngành Nông nghiệp đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc, đứng thứ 2 sau lĩnh vực năng lượng. Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi, chiếm 50%; tiếp đến là chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2, chiếm 13%. Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH lần thứ 26 (COP26), Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc…

Trong bối cảnh BĐKH diễn ra ngày càng phức tạp đã làm tác động mạnh hơn đối với ngành Nông nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất lúa gạo, ngày 27-11-2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, nhận định: Đối với việc triển khai Đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao đã được xây dựng quy trình canh tác, sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Đề án đã triển khai 7 mô hình thí điểm với tổng diện tích 333,5ha tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Đặc biệt, tại TP Cần Thơ được triển khai thực hiện gần 100ha cho 2 vụ lúa hè thu và thu đông 2024. Qua đó, kết quả sản xuất giảm lượng giống sử dụng 60 kg/ha, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; năng suất thu hoạch đạt 6,4 tấn/ha (vụ hè thu), tăng khoảng 7% so với ruộng lúa ngoài mô hình; tổng doanh thu của mô hình gần 50 triệu/ha, cao hơn 6-7 triệu/ha so với ruộng lúa sản xuất ngoài mô hình…

Phát huy hiệu quả

Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia trên toàn cầu chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, việc xuất khẩu gạo carbon thấp của Việt Nam đang trở thành một yếu tố rất được quan tâm. Chính phủ hiện đã có những chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp bền vững và áp dụng các công nghệ mới để giảm thiểu phát thải carbon trong quá trình sản xuất, nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm và chứng nhận sản phẩm gạo carbon thấp nâng cao giá trị xuất khẩu gạo, có thể đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính, yêu cầu cao về tiêu chuẩn môi trường như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang sản xuất gạo carbon là phương pháp canh tác mới, cần thời gian để thích nghi. Để phát triển khả năng xuất khẩu gạo carbon thấp, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan ngành Nông nghiệp, địa phương và nông dân, cùng với việc tổ chức các chương trình quảng bá xây dựng thương hiệu cho gạo carbon thấp trên thị trường thế giới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện ngành lúa gạo Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan địa phương trong việc xây dựng chính sách, hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, các thương nhân xuất khẩu gạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình vốn tín dụng là vấn đề khó khăn và trở ngại rất lớn cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp. Bởi khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động; hạn mức tín dụng cho ngành lúa gạo thấp và ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) làm cho tiến độ thu mua của doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể, nhất là vào những thời điểm thu hoạch chính vụ. Trong khâu lưu thông, ngoài hệ thống hợp tác xã phải nhìn nhận vai trò của lực lượng hàng xáo tham gia vào chuỗi cung ứng lúa gạo nội địa và xuất khẩu. Nếu bỏ đi mắt xích này, chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy, vì hàng xáo là người có kinh nghiệm và am hiểu về giống lúa, về thời tiết, thời gian sấy và nơi xay xát đạt yêu cầu. Ngoài ra, họ còn có sẵn phương tiện chuyên chở và có thể trụ tại vùng trồng để mua được hàng. Điều này các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo không thể làm được do không có đủ nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện. Do đó cần quan tâm cho lực lượng này hoạt động ký kết, thu mua lúa gạo…

Năm 2025, Cục Trồng trọt dự kiến toàn vùng ĐBSCL sản xuất lúa với tổng diện tích 3,828 triệu héc-ta, năng suất 63,15 tạ/ha, tổng sản lượng ước 24,173 triệu tấn (cao hơn năm 2024 gần 40.000 tấn). Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đề nghị: “Cục Trồng trọt thông tin về cơ cấu giống gieo sạ và tiến độ thu hoạch của từng vụ sớm hơn để góp phần hỗ trợ cho các đơn vị liên quan có cơ sở để cân đối cung - cầu, điều hành xuất khẩu kịp thời và hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp. Các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh phù hợp và hiệu quả hơn trong thời gian tới...”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

 

Kon Tum: Sản xuất gạo đỏ ở Đăk Ui

 

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Cùng với canh tác các giống lúa thông thường, hiện nay các thành viên trong tổ hợp tác sản xuất gạo đỏ ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà (Kon Tum) còn canh tác gạo đỏ với hi vọng tạo ra sản phẩm chất lượng, đặc trưng, mang lại hiệu quả kinh tế.

Khoảng 3 năm nay, kể từ khi tham gia vào tổ hợp tác sản xuất gạo đỏ của xã Đăk Ui, anh A Cường, thôn Kon Pong đã sử dụng 1 sào ruộng để canh tác lúa gạo đỏ. 1 năm anh sản xuất 2 vụ, thu được khoảng 1 tấn lúa tươi.

Với anh Cường, việc trồng lúa gạo đỏ không khác nhiều so với trồng lúa nước thông thường. Hơn thế, vì anh đã nắm bắt rõ quy trình làm đất, xuống giống, làm cỏ, bón phân, nên mọi việc cứ theo tuần tự và không gặp nhiều khó khăn.

“Ở thôn cũng có khoảng 8 hộ trồng lúa gạo đỏ. Có người trồng ở đất ruộng khô cằn, người trồng ở rẫy, còn mình trồng ở ruộng nước. Số lúa làm ra, đa số bà con mình để dùng, năm nào dư nhiều thì mình bán”- anh Cường cho biết.

 

 

Tổ hợp tác sản xuất tổng diện tích khoảng 5ha lúa gạo đỏ. Ảnh: H.T

Với gia đình ông A Bók, thôn Kon Năng Treang thì khác. 2 năm trước, đám ruộng trước nhà bị khô cằn, thiếu nước để sản xuất lúa nước. Khi tham gia vào tổ hợp tác sản xuất gạo đỏ, ông chuyển diện tích lúa thiếu nước sang trồng 1 vụ lúa gạo đỏ. Qua quá trình canh tác, so với làm lúa nước, ông nói, sản xuất lúa gạo đỏ cho năng suất thấp hơn.

Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục trồng lúa gạo đỏ. “Lúa gạo đỏ rất tốt, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, mình trồng để phục vụ trong gia đình và biếu người thân, bạn bè. Năm nào cũng vậy, đến gần Tết, mình sử dụng gạo đỏ để nấu rượu ghè. Rượu gạo đỏ rất thơm, ngon” – ông A Bók nói.

Tổ hợp tác sản xuất gạo đỏ xã Đăk Ui được thành lập vào năm 2021, với 11 thành viên, sản xuất khoảng 5ha. Anh A Thuần – Bí thư Chi bộ, thôn trưởng thôn Kon Tu, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, trước đây, bà con ở địa bàn xã có trồng lúa gạo đỏ. Sau đó, người dân bỏ dần, chuyển sang trồng các giống lúa nước thông thường.

Vừa qua, khi diện tích lúa thiếu nước không đạt năng suất, các thành viên trong tổ hợp tác đã chuyển sang trồng lúa gạo đỏ. “Lúa gạo đỏ trồng được ở trên cạn, đất khô cằn. Tuy nhiên, người dân cần chăm sóc mới đạt năng suất”- anh Thuần nói.

Như gia đình anh cũng sản xuất khoảng 3 sào. Bình quân, 1 sào anh thu được khoảng 20 bao lúa tươi. Ngoài việc để sử dụng trong gia đình, anh còn liên hệ thu mua và bán cho nhiều người trong và ngoài huyện.

Anh Thuần cho biết, hiện nay, giá lúa bán khoảng 14 ngàn đồng/kg; gạo bán ra khoảng 25 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, vì sản xuất ít nên đa số người dân để sử dụng, chỉ có số ít dùng để bán.

Hướng đến phát triển sản phẩm gạo đỏ, nhiều lần được xã định hướng, hỗ trợ, anh Thuần mang sản phẩm gạo đỏ của anh, của các thành viên trong tổ hợp tác tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ở huyện để quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, được xã hỗ trợ, anh A Thuần chú tâm sản xuất lúa gạo đỏ bài bản, đưa sản phẩm gạo đỏ A Thuần đã trở thành sản phẩm đặc trưng của xã và đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.

Anh Đinh Thế Cường – công chức địa chính, xây dựng, nông nghiệp và môi trường xã Đăk Ui cho biết, qua nắm bắt thực tế, hoạt động tổ hợp tác còn nhiều khó khăn. Trong đó, đa số các tổ viên hoạt động rời rạc, tự sản xuất, tự bán sản phẩm chứ chưa có sự liên kết chặt chẽ. Bên cạnh khó khăn trên, nhờ công tác tập huấn, hướng dẫn thường xuyên của các cấp, ngành nên người dân đã biết cách canh tác, biết cách không sử dụng thuốc hóa học để sản xuất lúa gạo đỏ.

Để tổ hợp tác sản xuất gạo đỏ hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian đến, anh Cường nói rằng, trước mắt, xã đã định hướng sẽ tiếp tục vận động tổ hợp tác duy trì và mở rộng diện tích sản xuất lúa gạo đỏ và tập trung nâng cao năng suất, chất lượng gạo. Ngoài ra, xã sẽ tiếp tục định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ tổ hợp tác nói chung, hộ anh A Thuần nói riêng hoàn thiện mẫu mã bao bì của sản phẩm; đồng thời tích cực quảng bá sản phẩm đến các cửa hàng, siêu thị trong địa bàn tỉnh.

“Hi vọng rằng với giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, sản phẩm gạo đỏ của xã Đăk Ui được nhiều người biết đến. Qua đó, giúp bà con trong tổ hợp tác có thêm nguồn thu ổn định” – anh Cường chia sẻ.

Hoài Tiến

 

Yên Bái: Kiên Thành lại được mùa măng

 

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Do thời tiết mưa ẩm cộng với chăm sóc tốt nên năm 2024, tre măng Bát độ ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cho sản lượng măng khá. Bên cạnh đó, giá măng trên thị trường cũng ổn định, giúp nông dân có thêm một mùa măng mới phấn khởi.

 

 

Chế biến sản phẩm măng chua ống tươi tại Công ty TNHH An Dũng, thôn Đồng Cát, xã Kiên Thành.

Kiên Thành có tổng diện tích tre măng Bát độ trên 1.950 ha, trong đó diện tích giai đoạn cho kinh doanh là 1.865 ha với sản lượng năm 2024 ước tính đạt trên 20.200 tấn với giá bán dao động từ 5.500 đồng - 6.000 đồng/kg.

Là một trong những hộ trồng tre măng Bát độ đầu tiên và hiện sở hữu gần 10 héc-ta đang trong giai đoạn kinh doanh, vài năm gần đây, mỗi vụ măng, gia đình ông Lê Ngọc Chấn ở thôn Đồng Cát có thu nhập trên 200 triệu đồng từ cây tre măng Bát độ. Cây trồng này đã giúp gia đình ông Chấn có cuộc sống khá giả, mua sắm được nhiều tiện nghi hiện đại và nuôi con cái ăn học...

Ông Lê Ngọc Chấn phấn khởi: "Khi có chủ trương đưa cây tre măng Bát độ về trồng, tôi cũng đã mạnh dạn đăng ký. Hiện nay, gia đình tôi có gần 10 ha tre măng Bát độ. Cơ bản các diện tích đều đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Vụ măng năm nay, nhờ thời tiết mưa nhiều, đất ẩm, măng mọc nhanh và nhiều nên gia đình thu được gần 50 tấn măng tươi với giá bán dao động từ 5.500 đồng - 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí thuê nhân lực, gia đình vẫn thu được trên 200 triệu đồng”.

Cũng như ông Chấn, ông Lộc Văn Đắc cùng thôn Đồng Cát phấn khởi: "Gia đình tôi có ít đất đồi nên diện tích không được nhiều. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nhờ giá ổn định, gia đình chăm sóc tốt, chặt tỉa, khai thác phù hợp nên tre cho ra măng nhiều, cây to, sản lượng, chất lượng cũng tăng đáng kể. Niên vụ năm 2023, tổng thu từ tre măng Bát độ của gia đình được 160 triệu đồng thì vụ măng năm nay được hơn 180 triệu đồng. Những năm qua, nhờ nguồn thu nhập từ cây tre măng Bát độ, gia đình đã có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống và nuôi con cái ăn học đầy đủ”.

Sản lượng, chất lượng và nhất là giá măng trên thị trường mấy năm gần đây duy trì ổn định đã khuyến khích người dân trồng mới, chăm sóc các diện tích hiện có, khai thác, thu hái đúng kỹ thuật để bảo vệ gốc giống. Hiện nay, Kiên Thành còn có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mở dịch vụ thu mua và sơ chế măng rồi chuyển lại cho các công ty bao tiêu sản phẩm để chế biến sâu.

Một số cơ sở còn phát triển chế biến sâu thành các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương, như: măng chua ống tươi, măng chua ống luộc hút chân không, măng khô... vừa góp phần tiêu thụ măng ổn định vừa tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương. Ngoài khai thác sản phẩm măng, xã cũng tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng ươm củ, cây giống để phục vụ trồng mới. Bình quân hàng năm, người dân xã Kiên Thành cung ứng trên 90.000 củ, cây giống để phát triển trồng mới trên địa bàn huyện và các huyện lân cận về trồng như: Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn...

Cùng với sự ủng hộ của thời tiết, người dân xã Kiên Thành cũng luôn chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thu hái nâng cao hiệu quả kinh tế tre măng Bát độ. Qua đó, tre măng Bát độ đã mang lại tổng thu nhập trên 100 tỷ đồng/năm, không chỉ giúp địa phương xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững mà còn giúp nhiều hộ vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng.

Châu Á

 

Giá nhiều loại phân bón ‘neo’ ở mức cao

 

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Vùng ĐBSCL đang bước vào cao điểm mùa mưa lũ, nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm nên sức mua các loại phân bón trên thị trường giảm mạnh. Hiện giá một số loại phân bón cũng đã giảm đáng kể so với trước, nhất là phân đạm. Song, nhìn chung giá hầu hết các loại phân bón vẫn giữ ở mức cao so với các năm trước...

 

 

Nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ mua phân bón phục vụ trồng trọt.

Nhiều nông dân cho biết, gần đây giá phân bón có giảm so với những tháng trước, đặc biệt giá phân đạm (Urê) đã giảm 30.000-40.000 đồng/bao (50kg). Song, cũng có nhiều loại phân như DAP, NPK... vẫn tiếp tục ổn định ở mức giá cao.

Ông Nguyễn Văn Hồng nông dân sản xuất lúa ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Lúa vụ thu đông 2024 trên địa bàn TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đã và sắp bước vào thu hoạch. Nhiều nông dân trồng lúa không còn nhu cầu mua phân bón cho lúa nữa nên sức mua giảm.

Theo đó, gần đây giá một số loại Urê đã giảm lên đến vài chục ngàn đồng mỗi bao. Tuy nhiên, do thời gian qua giá Urê và nhiều loại phân đã tăng lên ở mức rất cao nên nhìn chung giá hầu hết các loại phân bón vẫn đang ở mức cao, như giá nhiều loại DAP vẫn hơn 1 triệu đồng/bao".

Theo anh Cao Đàm Hữu Trị ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, gia đình anh có 7 công đất trồng cây ăn trái. Gần đây, bước vào các tháng cao điểm mùa mưa lũ, gia đình anh và bà con tại địa phương tạm thời hạn chế bón phân cho vườn cây. Dù vậy, anh vẫn theo dõi tình hình giá phân bón và nhận thấy giá nhiều loại phân bón đều có xu hướng bình ổn và có giảm so với trước, nhất là mặt hàng Urê. Song, nếu so với các năm trước, giá Urê vẫn còn cao.

Hiện một số loại Urê có giá lên đến 530.000-540.000 đồng/bao, trong khi năm 2023 nhiều thời điểm giá chỉ 460.000-470.000 đồng/bao, còn các năm trước đó giá càng thấp hơn. Rất mong tới đây giá phân bón được điều chỉnh giảm để nông dân giảm được chi phí đầu vào, đảm bảo sản xuất có lời.

Trên thực tế, gần đây giá nhiều loại phân bón Urê trên thị trường có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào và ảnh hưởng bởi giá và sức mua trên thị trường thế giới giảm. Hiện sức tiêu thụ phân bón tại vùng ĐBSCL cũng giảm vì lúa thu đông 2024 tại nhiều địa phương đã bước vào giai đoạn làm đòng đến chắc xanh, chín và thu hoạch, nông dân không còn nhu cầu mua phân bón. Bên cạnh đó, do bước vào cao điểm mùa mưa lũ, nông cũng giảm bón phân cho cây ăn trái, rau màu và nhiều loại cây trồng khác, từ đó sức mua giảm.

Giá nhiều loại phân đạm như đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ, đạm Ninh Bình và Urê nhập khẩu từ Trung Quốc đang được bán lẻ tại nhiều nơi ở mức 500.000-540.000 đồng/bao, trong khi trước đây ở mức 520.000-580.000 đồng/kg. Giá Urê giảm do nguồn cung dồi dào và có sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu phân bón trong nước và nhập khẩu. Hiện Urê cũng là mặt hàng mà các đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã tự chủ sản xuất với sản lượng hằng năm rất lớn và có dư để xuất khẩu. Riêng phân Kali còn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu hoặc các doanh nghiệp trong nước phải nhập nguyên liệu về để sản xuất nhưng gần đây giá cũng có xu hướng giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào.

Hiện nhiều loại DAP nhập khẩu từ Hàn Quốc và Philippines ở mức 1.100.000-1.300.000 đồng/bao, DAP Trung Quốc hạt xanh ở mức 950.000-1.000.000 đồng/bao. DAP Trung Quốc loại hạt vàng và DAP Nga loại hạt xanh có giá 930.000-960.000 đồng/bao, DAP Đình Vũ 780.000-800.000 đồng/bao. Giá phân NPK 20-20-15 Ba Con Cò và NPK 20-20-15 Sông Gianh ở mức 870.000-920.000 đồng/bao, NPK 20-20-15 TE Bình Điền ở mức 1.050.000-1.100.000 đồng/bao...

Anh Huỳnh Văn Hậu, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Huỳnh Hậu ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: "Do sức mua đang yếu và xu hướng giá phân còn giảm nên gần đây cửa hàng không lấy thêm nhiều mà chờ gần tới vụ lúa đông xuân 2024-2025 mới nhập hàng về bán. Qua thực tế nhiều năm cho thấy, giá và sức mua nhiều loại phân bón thường giảm mạnh khi bước vào các tháng cao điểm mùa mưa lũ. Với tình hình nguồn cung dồi dào và có sự cạnh tranh của nhiều loại phân bón trong nước và phân nhập khẩu, dự báo tới đây giá Urê và một số loại phân khác có khả năng còn giảm".

Trước tình hình giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào ở mức cao, thời gian qua ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã tăng cường khuyến cáo và hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cũng như quản lý dịch hại bằng các biện pháp tổng hợp. Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí đầu vào nhờ giảm lượng sử dụng giống, phân bón hóa học và các loại thuốc hóa học.

Đặc biệt, đối với sản xuất lúa, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân áp dụng các gói kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", thực hiện gieo cấy lúa chính xác bằng máy kết hợp với bón vùi phân... để tiết kiệm chi phí, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Thực hiện các khuyến cáo của ngành chức năng, hiện nhiều nông dân không chỉ tăng cường các giải pháp nhằm sử dụng phân bón một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất mà còn đẩy mạnh sử dụng các loại phân bón hữu cơ để giảm sử dụng phân hóa học có giá cao.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ - hướng đi bền vững

 

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ góp phần tránh hoặc loại bỏ hoàn toàn sản phẩm có chứa chất hóa học như: thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ hóa học, chất kích thích trong chăn nuôi, chất điều tiết tăng trưởng cây trồng… Khi canh tác nông nghiệp hữu cơ, nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học sẽ không gây hại cho môi trường và các loại sinh vật có lợi, đặc biệt là đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Nhận thấy lợi ích khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ tạo ra cơ hội lớn cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nâng cao giá trị sau thu hoạch; đồng thời còn cung cấp được các loại nông sản cho thị trường cao cấp trong nước và phục vụ thị trường xuất khẩu, trong năm 2022, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án có mục tiêu là liên kết 4 nhà trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng sản phẩm nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, khu vực và trên thế giới.

 

 

Nhờ sản xuất lúa hữu cơ mà Tổ hợp tác sản xuất lúa ST25 Đông Đầy, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) giảm chi phí đầu tư 7 triệu đồng/ha/vụ lúa, góp phần tăng lợi nhuận sau thu hoạch. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Phạm Văn Đầy - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa ST25 Đông Đầy xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) chia sẻ: "Nông dân chúng tôi đã liên kết sản xuất lúa ST24, ST25 trong nhiều năm qua. Tổ hợp tác có tổng diện tích 20ha. Ngay từ khi thành lập, tổ hợp tác đã bắt tay vào sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và dần chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ. Đây là tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Canh tác lúa hữu cơ sẽ giúp cho nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Chi phí đầu tư cho 1 vụ lúa ước 28 triệu đồng/ha, còn canh tác theo truyền thống (sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật), chi phí 35 triệu đồng/ha. Năng suất lúa hữu cơ bình quân ước đạt 6,5 - 8 tấn/ha, giá lúa được công ty thu mua cao hơn so với bên ngoài là 1.000 đồng/kg. Trong vụ lúa Hè - Thu, năm 2024, cánh đồng lúa của tổ hợp tác vừa mới thu hoạch xong, giống lúa ST25, năng suất lúa đạt 6,5 tấn/ha, giá lúa công ty hợp đồng bao tiêu 11.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/ha".

“Kể từ năm 2019 đến nay, vườn bưởi có diện tích 7.000m2 của tôi đã được Tập đoàn Quế Lâm lựa chọn làm điểm hỗ trợ phân hữu cơ và thuốc sinh học để chuyển hướng canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ. Năm 2022, tiếp tục nhận được hỗ trợ từ Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, vườn bưởi của gia đình tôi phát triển rất tốt, bưởi đạt loại nhất chiếm hơn 90%. Trái bưởi đạt tiêu chuẩn đưa vào thị trường cao cấp và cả các chuỗi siêu thị lớn là nhờ Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu, phân phối ra thị trường. Sản lượng bưởi thu hoạch hằng năm ước hơn 6 tấn, giá bán từ 38.000 - 42.000 đồng/kg (tùy thời điểm và công ty bao tiêu), trừ chi phí lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/vụ/năm”, ông Nguyễn Hữu Chính, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết.

Để phát triển, nhân rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức tập huấn cho 100% đối tượng tham gia vào canh tác mô hình trong đề án; triển khai hỗ trợ 14 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ; xây dựng 28 điểm mô hình hữu cơ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tư vấn tiêu chuẩn hữu cơ cho 14 mô hình; 100% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ sẽ được quảng bá, bao tiêu đầu ra…

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các nội dung của đề án trong phạm vi quản lý của địa phương. Phối hợp với Ban Quản lý Đề án trong công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, nhận thức về sản xuất sản phẩm hữu cơ. Cử cán bộ cùng tham gia kiểm tra, giám sát, quản lý mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn. Tuyên truyền, phổ biến cho người tham gia sản xuất nắm rõ chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Vận động, khuyến khích nông dân sử dụng các sản phẩm đầu vào nguồn gốc hữu cơ, sinh học để áp dụng vào sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của địa phương.

THÚY LIỄU

 

Xuất khẩu sản phẩm thiên địch

 

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Thông tin từ ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm cho biết, công ty đã xuất khẩu thành công sản phẩm thiên địch sang thị trường Malaysia và một số thị trường khác. Cụ thể, Dalat Hasfarm đã xuất khẩu nhện bắt mồi, bọ xít bắt mồi để nông dân nước bạn thử nghiệm canh tác an toàn. Các loại nhện bắt mồi, bọ xít bắt mồi sẽ bắt các loại sinh vật gây hại như bọ trĩ, ruồi, sâu…, giúp canh tác không cần sử dụng tới các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Các con thiên địch được Dalat Hasfarm đóng lon, vận chuyển tới nông dân nước bạn thả trong vườn. Theo phản hồi ban đầu, các thiên địch bắt mồi hoạt động khá tốt, cho hiệu quả rõ rệt, nông dân đối tác chấp nhận sử dụng thiên địch và ông Nguyễn Văn Bảo khẳng định, Dalat Hasfarm sẽ mở rộng hoạt động sản xuất thiên địch, vừa phục vụ nhu cầu trong nước, vừa phục vụ thị trường xuất khẩu.

D.Q

 

Đồng Tháp: Huyện Cao Lãnh thực hiện mô hình sinh kế mùa nước nổi

 

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Đồng Tháp

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) vừa phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Phong Mỹ tiến hành thả cá giống trong “Mô hình sinh kế mùa nước nổi” tại xã Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh). Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đến dự và tham gia thả cá trong mô hình.

 

 

Khoảng 12 tấn cá giống được thả vào ô đê bao số 7

Mô hình này nhằm tận dụng lợi thế mùa nước nổi sau khi thu hoạch lúa và ưu điểm của khu vực có hệ thống đê bao khép kín để nuôi cá đồng từ nguồn thức ăn tự nhiên, phát triển theo hướng an toàn, sinh thái; được thực hiện tại ô đê bao số 7 thuộc Ấp 6, xã Phong Mỹ, với diện tích 98 ha / 92 hộ, do hộ ông Huỳnh Văn Rồi làm chủ đầu tư.

Trên diện tích này, người dân thả nuôi 240.000 con cá giống (khoảng 12 tấn), trọng lượng bình quân từ 40 – 67 gram/con (tuỳ con giống) gồm: Cá rô phi, mè vinh, trắm cỏ v.v.

Tổng kinh phí thực hiện hơn 958 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện Cao Lãnh hỗ trợ hơn 32 triệu đồng để tổ chức tập huấn, tuyên truyền triển khai thực hiện mô hình, các quy định của pháp luật về khai thác nguồn lợi thủy sản và tổng kết mô hình.

Sau 02 tháng triển khai, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ tổng kết để đánh giá hiệu quả kinh tế và xem xét nhân rộng thời gian tới.

Theo ngành nông nghiệp, nuôi cá trong ruộng mùa nước nổi giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, cá sẽ tận dụng hết các loại rong rêu, côn trùng trên đồng ruộng để làm thức ăn, góp phần vệ sinh đồng ruộng, hạn chế các loại cỏ dại phát sinh và phát triển, giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa tiếp theo, tạo sinh kế cho nông dân vào thời gian mùa nước nổi, góp phần tạo thu nhập tăng thêm cho nông dân.

Thành Sơn

 

Khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng tái đàn vật nuôi

 

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Theo thống kê chưa chính thức, trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 40 trang trại và nhiều hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Toàn tỉnh có hơn 329 nghìn con gia cầm, trên 820 con lợn bị chết do lũ cuốn. Thiệt hại là vậy nhưng người chăn nuôi không nản lòng. Tranh thủ thời tiết có nắng, bà con nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa chuồng trại. Dù vất vả nhưng dự kiến từ 1 đến 2 tháng nữa (tùy vào mức độ thiệt hại của từng trang trại), hoạt động chăn nuôi của bà con sẽ được tái khởi động.

Một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi đến tìm hiểu thực tế tại xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên), nơi có hơn 80 trang trại chăn nuôi (chủ yếu là gà) thì có đến 39 trang trại bị ảnh hưởng do ngập lụt. Gia đình ông Ngô Đức Việt, ở xóm Vải, có hơn 10 năm chăn nuôi gà quy mô trạng trại, là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề, đợt lũ vừa qua đã làm chết 1 vạn con gà đang chuẩn bị được xuất bán. Nước rút đi, chuồng trại của gia đình tan hoang, bùn đất ngập cao hơn mắt cá chân.

Ông Việt cho biết: Thiệt hại về tài sản của gia đình tôi khoảng 200 triệu đồng, thiệt hại về đàn gà là trên 700 triệu đồng. “Của đau con xót”, nhưng nếu cứ ngồi đó mà tiếc nuối thì cũng không thể bù đắp được thiệt hại. Vì vậy, vợ chồng tôi động viên nhau nỗ lực khắc phục, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, làm mới lại chuồng trại để nhanh chóng tái đàn. Việc khắc phục hậu quả tuy khó khăn nhưng tôi tin 2 tháng nữa là chuồng trại sẽ được hoàn thành để vào lứa gà mới…

Những ngày này, nhiều hộ dân trong tỉnh đang tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ để nhanh chóng tái đàn vật nuôi. Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế (gia súc, gia cầm, thủy sản bị chết, trôi, chuồng trại tốc mái, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi bị hỏng), mưa lũ còn gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài (do nước ngập, bùn, rác, xác động vật...) dẫn đến nguy cơ phát sinh nhiều loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi. Do đó, để hoàn thành các chỉ tiêu về chăn nuôi và thủy sản theo kế hoạch, ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.

 

 

Gia đình ông Ngô Đức Việt (ở xóm Vải, xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) đang khẩn trương dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị khôi phục chăn nuôi gà.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, xử lý môi trường sau ngập lụt, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh và dụng cụ chăn nuôi. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thường xuyên dọn dẹp vệ sinh khu vực chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi; tăng cường chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Cùng với đó, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi tại vùng bị ngập lụt để hướng dẫn người dân tiến hành chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ; kiểm tra tại các hồ, đập, sông, suối, kênh mương, kịp thời phát hiện tình trạng vứt xác động vật ra môi trường. Đặc biệt là đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt 2 năm 2024 cho đàn vật nuôi; tích cực giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc...).

Ngành Nông nghiệp cũng đã hướng dẫn các địa phương tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại về chăn nuôi để có giải pháp khắc phục phù hợp; chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ và bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh động vật theo quy định để người dân kịp thời khôi phục sản xuất.

Hiện nay, nhiều hộ dân bị thiệt hại nhẹ, sau khi hoàn thành việc vệ sinh môi trường, sửa chữa chuồng trại đã rục rịch tái đàn vật nuôi. Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định để tái đàn...

Tùng Lâm

 

Giá thịt heo tăng cao sau bão

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Ghi nhận tại các chợ trong tỉnh Hậu Giang, thịt heo đang được bán với giá từ 110.000-145.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-15.000 đồng/kg tùy loại. Còn giá heo hơi được thương lái thu mua của người dân ở mức từ 63.000-65.000 đồng/kg, tùy theo heo tốt xấu, điều kiện vận chuyển.

Theo một số tiểu thương thì đợt mưa bão vừa qua, nhiều trang trại nuôi heo ở các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại, ảnh hưởng nguồn cung nên đẩy giá lên cao. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì theo thống kê, các tỉnh miền Bắc có khoảng 22.000 gia súc, hơn 3 triệu con gia cầm bị chết do bão lũ vừa qua, tuy nhiên sẽ không gây ảnh hưởng đến nguồn cung từ nay đến cuối năm.

 

 

Một phần do ảnh hưởng nguồn cung nên giá thịt heo đã nhích lên.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 146.072 con heo, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm có hơn 4,5 triệu con, tăng 4,56% so với cùng kỳ. Hiện tại, người dân đang đẩy mạnh tái đàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

H.TÂM

 

Yên Bái khôi phục chăn nuôi sau bão

 

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân, đặc biệt ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có trên 327.000 con gia cầm và gần 8.770 con gia súc bị chết. Tập trung phòng chống dịch bệnh và khôi phục chăn nuôi sau bão là việc làm cấp thiết đang được các hộ dân và tỉnh, ngành chức năng triển khai để đảm bảo sinh kế và nguồn cung dịp tết Nguyên đán.

 

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, chuẩn bị tái đàn, khôi phục sản xuất

Vừa mới đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, thức ăn gia cầm và mua 1 vạn con gà giống về nuôi hồi tháng 5 vừa qua thì sau bão số 3, gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên chỉ còn sót lại khoảng... 1.000 con gà. Thiệt hại lớn nhưng với quyết tâm khôi phục sản xuất, gia đình chị Hoàn đã nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, máng ăn cho gà và phun tiêu độc khử trùng.

Gia đình chị cũng tính toán kinh phí để có thể tái đàn sớm. Chị Hoàn cho biết: "Gia đình tôi đã không may chịu thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tôi mong Nhà nước sớm có các chính sách hỗ trợ để gia đình nhanh chóng tái đàn, khôi phục sản xuất nhằm bù đắp lại một phần thiệt hại”.

Tại huyện Trấn Yên, việc ngập lũ lâu ngày do bão đã gây thiệt hại trên 220.000 con gia súc, gia cầm. Để đảm bảo vệ sinh môi trường và tránh bùng phát dịch bệnh, các địa phương đã tích cực thực hiện việc chôn lấp, vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. Đồng thời, đánh giá thiệt hại để kịp thời hỗ trợ người dân tái đàn.

Ông Lê Văn Luyện - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết: Sau lũ, chúng tôi khuyến cáo người dân đặc biệt quan tâm tới việc thu gom, tiêu hủy, chôn lấp xác động vật trôi nổi theo nguồn nước để đảm bảo vệ sinh. Thứ hai là đối với diện tích chuồng trại chăn nuôi thì phải vệ sinh tiêu độc khử trùng, dọn dẹp khu vực chăn nuôi, chăn thả gia súc để triệt tiêu mầm bệnh.

Gia đình anh Nguyễn Trường Xuân ở thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cũng bị mất trắng gần 5.000 con gà do ảnh hưởng của bão số 3. Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng nuôi gà rộng 500 m2 trống trơn vừa được 2 vợ chồng cào bùn, xịt rửa để giảm ô nhiễm môi trường, anh Xuân xót xa; "10 ngày trước, cả chuồng gà chật kín với 5.000 con, trọng lượng trung bình 1,7 kg/con. Mặc dù đã tính toán mực nước sẽ dâng cao như mức lũ kỷ lục năm 2008, trại gà được lắp đặt sàn trên cao, nếu nước lên gà sẽ đậu trên sàn. Song lũ về quá nhanh, nước sông Hồng chảy cuồn cuộn, dâng cao trên báo động 3 gần 4 mét, không kịp trở tay nên đàn gà chết chìm trong dòng nước đục".

Trại gà của anh Xuân nuôi toàn bộ giống gà Mông xương đen, thịt đen, đến nay được 3 tháng, khoảng 1 tháng nữa sẽ xuất bán, với giá ký kết hợp đồng 86.000 đồng/kg, dự kiến sẽ thu được gần 800 triệu đồng. Sau cơn lũ, giờ chỉ còn lại những xác gà chết với món nợ gần 600 triệu đồng.

"Đến giờ cũng không biết bắt đầu lại từ đâu, bởi số nợ còn chồng chất, tiền làm chuồng trại chưa trả hết, rồi tiền giống, cám, vắcxin… đều đợi bán gà mới trả các đại lý. Mong muốn tỉnh và Trung ương sẽ có chính sách hỗ trợ vốn để người chăn nuôi bị thiệt hại do ngập lụt có thể phục hồi sản xuất”, anh Xuân nói.

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa lớn kéo dài, mưa lũ diễn ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, người chăn nuôi rơi vào cảnh điêu đứng.

Theo số liệu báo cáo, bão số 3 đã làm ngành chăn nuôi của tỉnh thiệt hại gần 8.770 con gia súc và trên 327.000 con gia cầm các loại. Sau mưa lũ là thời điểm dễ phát sinh các bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nên việc vệ sinh môi trường, bảo vệ đàn vật nuôi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện.

Để khôi phục chăn nuôi sau bão, Chi cục đã ban hành công văn yêu cầu chủ động phòng chống dịch bệnh, khôi phục, bảo vệ đàn vật nuôi sau mưa lũ. Đơn vị phối hợp với các địa phương thành lập đoàn đến các xã, phường, thị trấn để đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường sau mưa lũ; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cho người chăn nuôi các biện pháp đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi; xây dựng phương án hỗ trợ con giống, hóa chất xử lý môi trường, tiêu hủy động vật chết, thuốc và vắc xin phòng trị bệnh; tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý khi có gia súc, gia cầm mắc bệnh và hướng dẫn người dân các biện pháp tái đàn an toàn.

Đặc biệt, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn cung dịp Tết Nguyên đán, Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch và tiêm phòng đầy đủ vắcxin theo quy định; không tái đàn khi chưa đảm bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang đang nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù để trình UBND tỉnh xem xét nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ.

Mạnh Cường

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop