Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 28 tháng 10 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 28 tháng 10 năm 2024

 

Chuyển giao kỹ thuật canh tác cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

Ngày 23.10, tại xã Bình Tường (huyện Tây Sơn, Bình Định), Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP cho đại diện 40 hộ nông dân trồng xoài.

Các hộ dân được chuyển giao kỹ thuật canh tác cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP về chọn giống, mật độ trồng, chăm sóc, tưới nước, tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa, tỉa trái, bao trái, thu hoạch và bảo quản. Bên cạnh đó, hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây xoài (hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật) như: Kiểm soát cỏ dại, tỉa cành tạo tán hằng năm, bón phân cân đối, thường xuyên theo dõi để phát hiện dịch hại kịp thời, cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chí “4 đúng” và nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam.

THÀNH NGUYÊN

 

Trà Vinh: Cam sành còn 2.000 đồng/kg, nông dân lỗ nặng

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Ông Huỳnh Bá Nhanh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cam sành (ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cho biết, giá cam sành đang “lao dốc” hiện ở mức 2.000 đồng mỗi ký, nông dân gặp nhiều khó khăn.

 

 

Nông dân trồng cam sành ở Trà Vinh lỗ nặng vì giá chỉ còn 2.000 đồng/kg mà rất ít thương lái đến mua.

Theo ghi nhận, cam sành loại 1 được thương lái cân tại vườn chỉ còn 2.000 đồng/kg. Với giá bán này, nhiều nông dân thu hoạch cầm chừng hoặc không thu hoạch vì sợ lỗ tiền thuê nhân công. Nông dân Phạm Văn Ðăng (xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè) người có thâm nhiên trong nghề trồng cam cho biết: giá thu mua 2.000 đồng mỗi ký cam như hiện nay thì nhà vườn không có lãi, thậm chí lỗ luôn tiền vật tư, nếu thuê nhân công để thu hoạch thì sợ không có tiền để trả. Ông Ðăng bộc bạch, với giá rẻ chưa từng có nhưng hiện rất ít thương lái đến thu mua. “Gia đình tôi chỉ biết hái cam bán lẻ cầm chừng hoặc cân sỉ cho các quán bán nước ép, giá 5.000 đồng mỗi ký cam”, ông nói.

Cũng như ông Ðăng, nhiều nông dân trồng cam ở Trà Vinh đứng ngồi không yên vì giá thấp, đầu ra bấp bênh, không có thương lái đến thu mua. Ông Hồ Văn Hải ở xã Thạnh Phú (huyện Cầu Kè), cho biết: “Gia đình có 10 công đất trồng cam sành, trong khi chi phí đầu tư vào tiền tỉ nhưng mỗi ký cam bán ra chỉ 2.000 đồng, không đủ tiền để mua một bó rau, kinh tế rơi vào khó khăn”.

Huỳnh Bá Nhanh chia sẻ thêm, trước năm 2021, giá cam sành luôn ở mức từ 18.000-35.000 đồng/kg, nông dân thu lãi gần 1 tỉ đồng/ha. Nếu như những năm trước, nhiều nông dân là “tỉ phú cam sành” thì trong khoảng 2 năm trở lại đây nhiều nông dân làm ăn cầm chừng để trả lãi ngân hàng, bởi đầu ra khó khăn mà giá vật tư đầu vào thì tăng “phi mã”. Ông Nhanh cho rằng, nguyên nhân giá cam sành giảm sốc là do cam chỉ được tiêu thụ trong nước, mưa bão cũng là nguyên nhân khiến việc tiêu thụ cam chậm lại. Ngoài ra, diện tích trồng cam ở ÐBSCL và một số tỉnh miền Ðông Nam Bộ liên tục tăng, sản lượng cũng tăng theo dẫn đến cung vượt cầu.

Ðược biết, Vĩnh Long là “thủ phủ” của cam sành với diện tích trên 17.000ha; kế đến là Hậu Giang với diện tích 9.000ha và Tiền Giang là trên 5.000ha. Còn tại Trà Vinh, trong năm 2024, có 4.700ha diện tích trồng cam sành, trong đó có trên 3.400ha đang cho trái, sản lượng đạt gần 180.000 tấn/năm.

Tin, ảnh: ĐẠI DƯƠNG

 

Bến Tre: Tập trung phát triển bền vững ngành dừa

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Tỉnh Bến Tre có diện tích trồng dừa trên 79.000ha, chiếm gần 40% tổng diện tích dừa cả nước. Cây dừa được công nhận là cây công nghiệp chủ lực, là cây trồng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Do vậy, tỉnh luôn quan tâm tìm kiếm mô hình phát triển thích hợp cho ngành dừa của địa phương, gắn với xây dựng nền nông nghiệp sạch, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

 

Sơ chế dừa ở xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Huỳnh Quang Đức, tại tỉnh, cây dừa đã gắn bó lâu đời với người dân xứ Dừa, từ diện tích khoảng 4.000ha vào những năm cuối thế kỷ IXX, tăng lên gần 79.900ha vào năm 2024, khẳng định vị thế là ngành hàng chủ lực của tỉnh. Diện tích vườn dừa phát triển mạnh nhờ vào sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, nông dân và những thay đổi đột phá của ngành công nghiệp chế biến dừa và sự hình thành cộng đồng doanh nghiệp ngành dừa của địa phương. Đến nay, nhiều sản phẩm từ dừa như cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, nước dừa đóng lon, sữa dừa, dầu dừa tinh khiết, than hoạt tính, mỹ phẩm, chỉ thảm xơ dừa đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Mặc dù diện tích vườn dừa của tỉnh lớn, các cơ sở sản xuất và chế biến sản phẩm từ dừa trên địa bàn tỉnh đa dạng, thu nhập bình quân từ dừa khá nhưng mức thu nhập này không ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào mùa vụ và thời tiết. Bên cạnh đó, sự đóng góp của ngành dừa chưa tương xứng với tiềm năng và còn hạn chế trong cơ cấu thu nhập chung của nông hộ. Chưa tạo được sự quan tâm, thu hút lao động trẻ tham gia vào hoạt động sản xuất và làm giàu trên mảnh đất trồng dừa. Vì vậy, tỉnh luôn quan tâm tìm kiếm mô hình sản xuất tổng hợp, đa dạng để cải thiện và nâng cao sinh kế nông hộ trồng dừa, sử dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sạch, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giữ vững được vị thế của địa phương trên “bản đồ dừa thế giới”.

Trong xu hướng bối cảnh biến đổi khí hậu, việc gia tăng xâm nhập mặn và lũ lụt bất thường là những đe dọa cho những vùng cây trái, trong đó có diện tích trồng dừa. Dừa là loại cây trồng được đánh giá có khả năng chịu mặn và chịu ngập tốt hơn so với các loại cây trồng khác.

Từ các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt, tiếp thu Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ NN&PTNT, ngành NN&PTNT đã triển khai thực hiện gắn với tập trung vào các nhiệm vụ để phát triển ngành dừa của tỉnh.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, diện tích trồng dừa trên địa bàn tỉnh tăng nhanh từ 51.560ha năm 2010 lên 77.232ha năm 2022, chiếm 39,7% tổng diện tích dừa cả nước. Diện tích trồng dừa tăng nhanh qua từng năm và ước đạt 79.900ha vào cuối năm 2024, cho sản lượng 708 triệu trái. Năng suất dừa của tỉnh thuộc vào nhóm cao, đạt mức 9.863 trái/ha/năm, tương đương 1,9 tấn copra/ha, cao hơn mức bình quân của các nước thuộc Hiệp hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương. Các nghiên cứu gần đây đều khẳng định vị thế trung tâm của tỉnh trên bản đồ ngành dừa cả nước và khu vực, dừa là cây công nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh.

“Trên địa bàn tỉnh có trên 250 ngàn hộ dân trồng dừa với diện tích bình quân 0,4ha/hộ. Ước tính đến năm 2016 có khoảng 40% nông dân có hoạt động liên quan đến cây dừa, thu nhập từ dừa chiếm 72% thu nhập của nông hộ. Về kỹ thuật, chủ yếu là bón phân, bồi bùn hàng năm. Thành quả đáng chú ý nhất là ứng dụng công nghệ sinh học phòng trừ bọ cánh cứng và phát triển các loại hình canh tác tổng hợp trong vườn dừa (dừa xen ca cao, chanh, cây có múi, măng cụt, nuôi tôm cá trong mương dừa, nuôi ong mật trong vườn dừa). Đồng thời, tiếp nhận chuyển giao quy trình nhân giống dừa bằng phương pháp “nuôi cấy mô và nuôi cấy phôi” và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, thực hành ủ phân hữu cơ cho các hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mô hình sản xuất dừa ứng dụng các nguyên lý của kinh tế tuần hoàn”. (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)

Bài, ảnh: H. Phương

 

Nhức nhối tình trạng mất trộm mãng cầu

 

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Để có được một mùa mãng cầu bội thu, nhà nông phải tiêu tốn không ít thời gian, công sức, vốn đầu tư. Tuy nhiên, những năm gần đây, ở Tây Ninh xuất hiện tình trạng hái trộm trái mãng cầu với quy mô ngày càng lớn, khiến nhiều nhà vườn rất bức xúc nhưng chưa có cách ngăn chặn hiệu quả.

 

 

Vườn mãng cầu của người dân xã Tân Hưng chuẩn bị vào mùa thu hoạch.

Đã xảy ra nhiều vụ mất trộm

Theo lời bà Nguyễn Thị Thu Hoài, ngụ ấp Tân Trung A, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, gia đình bà trồng 1 ha mãng cầu Thái Lan. Gần đây, hầu như năm nào cũng phát hiện vườn bị hái trộm với số lượng lớn, cả trái chưa già. Chủ vườn phải tốn thêm chi phí thuê 2 nhân công giữ vườn, tiền công 120.000 đồng/người/đêm. Chưa kể, chồng, con bà Hoài trắng đêm phụ canh.

Lần một, lần hai, đến lần ba, trộm bị gia đình bà Hoài phát hiện, cùng người dân vây bắt, thu giữ hơn 70 kg trái mãng cầu. Vụ việc đã được bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Theo bà Hoài, tình hình trộm cắp mãng cầu diễn biến rất phức tạp, trộm thường đi theo nhóm vào ban đêm. Nhiều khi, chủ vườn nhìn thấy trộm, vì sợ mà không dám bắt, chỉ dám nói: “Hái vậy cũng nhiều rồi, thôi đi đi”.

“Chỉ tính riêng vụ mùa năm nay, ước tính gia đình tôi bị mất khoảng 1 tấn mãng cầu, thiệt hại ước 48 triệu đồng. Tôi rất mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp hỗ trợ người dân ngăn chặn tình trạng này, xử lý nghiêm những kẻ trộm cắp mãng cầu để bà con an tâm sản xuất” - bà Hoài nói.

Gia đình bà Lê Thị Nhỏ canh tác hơn 20 ha mãng cầu ta (mãng cầu giống truyền thống) tại ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cũng thường xuyên bị mất trộm. Bà Nhỏ kể, vừa qua, trộm lẻn vào vườn của gia đình hái trộm. Khi bị phát hiện, chúng bỏ chạy, để lại bên đường hai giỏ đựng khoảng 70 kg mãng cầu.

Bà Nhỏ cho hay, vài năm trở lại đây, gia đình bà thường xuyên bị mất trộm mãng cầu nhưng không bắt được kẻ gian và tang vật, do vậy cũng khó thống kê chính xác số lượng trái bị mất trên diện tích rộng lớn. Chưa dừng lại đó, trong năm nay gia đình bà Nhỏ mất 9 cái mô-tơ dùng để bơm nước tưới cây. Trước tình hình trộm cắp ngày càng lộng hành, gia đình bà Nhỏ nói riêng và nhiều người dân trồng mãng cầu tại địa phương phải thuê nhân công canh giữ vườn.

“Nông dân trồng được trái mãng cầu đã đầu tư nhiều vốn, bây giờ phải gồng gánh thêm khoản tiền thuê nhân công canh giữ vườn. Cứ khoảng 1 ha mãng cầu sắp đến ngày thu hoạch thì chủ vườn phải thuê 2 nhân công canh giữ, tiền công mỗi người khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đó là chưa tính các khoản chi phí khác như tiền ăn uống, xăng xe để đi tuần tra, tiền mua dây điện và bóng đèn để thắp sáng chống trộm…

Trên thực tế, do diện tích trồng mãng cầu khá rộng nên các chủ vườn không thể lập rào chắn bao quanh hết được, người canh giữ vườn cũng có những lúc phải nghỉ ngơi, trong khi kẻ trộm thường đi theo nhóm và hoạt động có tổ chức nên rất khó bị bắt. Tôi kiến nghị cơ quan chức năng có kế hoạch phòng, chống tội phạm trộm cắp này để hỗ trợ, giúp người dân giữ gìn trái mãng cầu cho đến ngày thu hoạch”- bà Nhỏ trình bày.

Chính quyền địa phương vào cuộc

Ông Lê Minh Trung- Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (HTX) cho biết, HTX liên kết sản xuất và bao tiêu trái mãng cầu với 127 thành viên, có diện tích đất canh tác tại các xã Tân Hưng, Tân Phú, Tân Hội thuộc huyện Tân Châu và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, bà con trồng mãng cầu gặp nhiều khó khăn trong việc canh giữ vườn khi sắp đến ngày thu hoạch. Theo thống kê của thành viên HTX, hơn 30% vườn mãng cầu bị hái trộm với số lượng trái bị mất có thể lên hàng tấn. Thời gian xảy ra các vụ trộm hầu hết diễn ra vào ban đêm, nhất là vào thời điểm trái mãng cầu sắp đến ngày thu hoạch. Ngoài ra, bà con nông dân còn bị mất trộm máy bơm nước, điện thoại khi canh giữ vườn.

Theo nhận định của thành viên HTX, bọn trộm thường đi theo nhóm. Khi đến vườn mãng cầu, bọn chúng chia nhau ra hành động, mỗi người đi một hướng và chỉ mang theo túi nylon hoặc giỏ xách đựng được vài chục ký, hái nhiều lần trong đêm. Có thể mục đích của kiểu trộm này là nhằm đối phó với chủ vườn và cơ quan chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Vì trong cùng lúc không thể truy đuổi nhiều đối tượng chạy theo nhiều hướng. Trong trường hợp nếu bị bắt 1 người, giá trị tang vật chỉ vài chục ký mãng cầu, khó xử lý hình sự.

Theo ông Lê Minh Trung, bà con gặp khó khăn trong việc canh giữ vườn do diện tích rộng, hạn chế tầm bao quát. Mặt khác, bọn trộm thường đi theo nhóm, cho dù chủ vườn có phát hiện thì cũng rơi vào thế yếu, nguy hiểm; đã có nhiều trường hợp xảy ra ẩu đả, gây thương tích khi đuổi trộm. Tình trạng này đã gây hoang mang, bất an cho người trồng mãng cầu. Do đó, ông Trung kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm, có kế hoạch phòng, chống tội phạm này quyết liệt để người dân an tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Tuấn Sinh- Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết, vào thời điểm trái mãng cầu có giá cao, trên địa bàn xã xảy ra tình trạng hái trộm. Mới đây, Công an xã bắt được một đối tượng, tang vật thu dưới 100 kg trái mãng cầu, vụ việc được chuyển Công an huyện xử lý. Ông Nguyễn Tuấn Sinh cho hay, trước tình hình mất cắp mãng cầu, UBND xã chỉ đạo Công an xã chủ trì phối hợp các đoàn thể, các tổ, ấp tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân biết thủ đoạn của bọn trộm cắp. Đồng thời, địa phương huy động lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở phối hợp Công an để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý địa bàn, đặc biệt là tình trạng trộm cắp trái mãng cầu trên địa bàn xã Tân Hưng.

Ông Nguyễn Hoà Bình- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu xác nhận, thời gian qua trên địa bàn huyện nổi lên tình trạng trộm cắp trái mãng cầu. Ngày 21.9.2024, Công an xã Tân Hưng đã phát hiện hai đối tượng trộm cắp mãng cầu, truy bắt được một đối tượng với số lượng 65 kg mãng cầu, đối tượng còn lại trốn thoát. Công an huyện đang thụ lý vụ trộm và xử lý theo quy định.

Tại các kỳ họp giao ban hằng tháng, Chủ tịch UBND huyện thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng, Chủ tịch UBND các xã tăng cường chỉ đạo Công an xã, lực lượng tuần tra nhân dân địa bàn tăng cường tuần tra để phát hiện, xử lý các đối tượng tội phạm, trong đó có tội phạm trộm cắp nông sản- nhất là mãng cầu trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu còn cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ có văn bản chỉ đạo Trưởng Công an huyện chỉ đạo Trưởng Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm - nhất là trộm cắp mãng cầu. Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác nắm tình hình, nắm chắc các đối tượng để có biện pháp phòng, chống, kéo giảm các loại tội phạm, trong đó có tội phạm trộm cắp nông sản trên địa bàn huyện Tân Châu.

Đại Dương - Quốc Sơn

 

Sơ kết mô hình thí điểm lúa chất lượng cao, phát thải thấp

 

Nguồn tin: Báo Kiên Giang

Mô hình thí điểm thực hiện trong vụ thu đông 2024, với diện tích 50ha được bố trí 3 phương pháp gieo sạ: Sạ hàng kết hợp vùi phân, sạ cụm kết hợp vùi phân và sạ bằng drone.

 

 

Nông dân trong hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội áp dụng máy gặt tuốt liên hợp vào quy trình thu hoạch.

Ngày 23-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang sơ kết mô hình thí điểm thuộc đề án Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).

Mô hình thí điểm thực hiện trong vụ thu đông 2024, với diện tích 50ha được bố trí 3 phương pháp gieo sạ: Sạ hàng kết hợp vùi phân, sạ cụm kết hợp vùi phân và sạ bằng drone. Vụ lúa đầu, lợi nhuận tăng 41% so với ngoài mô hình; năng suất mô hình sạ hàng đạt 4,74 tấn/ha, sạ cụm đạt 4,68 tấn/ha, sạ drone đạt 4,63 tấn/ha. Chi phí sản xuất thấp hơn 15% so với ngoài mô hình; giảm 30% lượng giống gieo sạ; giảm 57% lượng phân bón...

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang Lê Văn Dũng, mô hình giảm lượng giống gieo sạ, giảm giá thành sản xuất 1 kg lúa giảm từ 703đồng/kg – 926đồng/kg. Ứớc tính lượng giảm phát thải đo được tại mô hình từ 7-8 tấn khí CO2 tương đương/ha. Mô hình đã đạt được những mục tiêu của đề án...

Tin và ảnh: THÙY TRANG

 

Hàng trăm hécta lúa, hoa màu bị ngập úng

 

Nguồn tin: Báo Long An,

Cơn mưa lớn ngày 22/10 kết hợp nước lũ và triều cường đã làm cho hàng trăm hécta lúa, hoa màu, cây ăn quả của người dân các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An chìm trong biển nước. Các giải pháp cấp bách đang tiếp tục được triển khai để giải cứu lúa và hoa màu.

Sau một cơn mưa lớn kéo dài 6 giờ kết hợp nước lũ, triều cường đã khiến 860ha lúa ở ấp 1, ấp 2 và ấp 3, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường chìm trong biển nước, có nơi ngập sâu đến 0,8m. Đa số lúa của người dân từ 15 đến 55 ngày tuổi. Theo ghi nhận bước đầu, có đến 410ha lúa giai đoạn mạ bị thiệt hại hoàn toàn.

Còn tại xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, mưa, lũ, triều cường cũng khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân bị thiệt hại.

 

 

16ha dưa hấu, bí đỏ bị ngập nước, gần như mất trắng

Trong đó, 16ha dưa hấu, bí đỏ của chị Dương Thị Yến Nhi và anh Lê Văn Khỏe đang phát triển rất tốt, hứa hẹn hơn 10 ngày nữa sẽ bội thu. Thế nhưng chỉ trong vài giờ, cống bị vỡ, nước đổ về dồn dập đã nhấn chìm tất cả. Hơn 1 tỉ đồng vốn đầu tư giờ đây mất trắng.

 

Ngoài ra, còn nhiều khu vực khác cũng bị ảnh hưởng. Ngành chức năng cùng chính quyền địa phương và người dân đang khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo các địa phương đã kiểm tra, khảo sát thực tế và chỉ đạo địa phương khẩn trương triển khai ngay các giải pháp cấp bách để cứu lúa, hoa màu, giảm thiểu thiệt hại./.

Minh Tuệ

 

Khá lên nhờ trồng nấm

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

Tận dụng nguồn phụ phẩm rơm rạ sẵn có, anh Hồ Văn Quyền, 37 tuổi, ở thôn Thanh Mai, xã Nhơn Hạnh (TX An Nhơn, tỉnh Bình Định) quyết định theo nghề trồng nấm rơm trong nhà kín. Sau 4 năm theo nghề, đến nay anh Quyền đã có thu nhập ổn định.

Năm 2021, anh Quyền đầu tư 25 triệu đồng làm 1 nhà kín có kết cấu bằng khung sắt, xung quanh phủ bạt nhựa cách nhiệt. “Trồng nấm rơm theo phương pháp ngoài trời có nhược điểm là phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, khó chủ động chăm sóc. Ngược lại trồng nấm rơm trong nhà kín không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, trồng được quanh năm và chủ động khâu chăm sóc”, anh Quyền cho biết.

 

 

Anh Hồ Văn Quyền chăm sóc nấm rơm trồng trong nhà kín. Ảnh: M.N

Nấm rơm thường được tiêu thụ mạnh vào các ngày 14, 15 và 30, mùng 1 âm lịch hằng tháng, nên để dễ tiêu thụ và bán được giá cao, anh Quyền canh thời điểm thu hoạch rơi vào khung thời gian này.

Từ thành công bước đầu, anh Quyền tiếp tục đầu tư vốn xây dựng thêm 3 nhà kín để trồng nấm. 3 năm trở lại đây, từ nghề trồng nấm rơm anh Quyền thu lãi 115 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, anh Quyền còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương, với tiền công 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hạnh, cho hay: “Không những giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, anh Quyền còn phối hợp với Hội Nông dân xã Nhơn Hạnh xây dựng mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín, hỗ trợ các hộ cùng sở thích. Hiện có 10 hộ tại thôn Thanh Mai làm theo mô hình của anh Quyền và có nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế hộ gia đình”.

MINH NHÂN

 

Đăk Hà (Kon Tum): Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trộm cắp cà phê

 

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Thời điểm này, người dân ở huyện Đăk Hà (Kon Tum) chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê. Để ngăn chặn tình trạng trộm cắp cà phê, huyện Đăk Hà chỉ đạo chính quyền các địa phương phối hợp các lực lượng chức năng của huyện triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần bảo vệ tài sản của người dân, tránh thất thoát.

Huyện Đăk Hà hiện có tổng diện tích cà phê khoảng 15.000ha. Thời điểm này, các vườn, rẫy cà phê trên địa bàn lác đác quả chín, người dân rục rịch bước vào vụ thu hái cà phê.

Hiện tại, trên thị trường cà phê đang được thu mua với giá 110.000 đồng/kg nhân xô, tương đương khoảng 23.000 đồng/kg quả tươi. Đây là mức giá khá cao, khiến cả người dân và doanh nghiệp sản xuất cà phê đều phấn khởi. Tuy nhiên, như những năm trước đây, việc giá cà phê tăng cao cũng kèm theo nỗi lo của người trồng cà phê về tình trạng trộm cắp cà phê gia tăng.

Để bảo vệ tài sản của nhân dân trên địa bàn, các lực lượng chức năng và các địa phương của huyện Đăk Hà chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, theo dõi, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp trộm cắp sản phẩm cà phê.

Thiếu tá Trần Văn Anh - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự kinh tế - ma túy (Công an huyện Đăk Hà) cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện Đăk Hà, Công an huyện kịp thời xây dựng kế hoạch, tổ chức ra quân nhằm huy động tối đa các lực lượng nghiệp vụ, phương tiện; phát huy tốt vai trò của công an các xã, thị trấn và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong việc đảm bảo an ninh, trật tự trong mùa thu hoạch cà phê năm 2024. Trong đó, chú trọng kiểm tra, kiểm soát, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo chính xác tình hình trên từng địa bàn để kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm như trộm cắp cà phê, hủy hoại cây cà phê, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các hành vi bảo kê, cưỡng đoạt, ép giá.

 

 

Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời các trường hợp trộm cắp cà phê. Ảnh: TH

Công an huyện chú trọng kiểm tra tại những địa phương có diện tích cà phê lớn và trước đây thường xảy ra trộm cắp như các xã Hà Mòn, Đăk Mar, Đăk Hring, Ngọc Wang, Đăk Long, thị trấn Đăk Hà. Đồng thời, phối hợp với các địa phương của huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đề cao cảnh giác, đề phòng kẻ gian lợi dụng thời điểm thu hoạch rộ để trộm cắp cà phê. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình tự quản về phòng, chống tội phạm, đảm bảo tốt tình hình trật tự trên địa bàn.

Thực hiện chủ trương của UBND huyện Đăk Hà, chính quyền các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu hái cà phê với tỷ lệ quả chín cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường; chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau mùa thu hoạch cà phê của địa phương. Đồng thời, tiến hành rà soát, ký cam kết với các cơ sở thu mua cà phê trên địa bàn không mua, bán, tàng trữ cà phê trái pháp luật; không thu mua cà phê do trẻ em, thiếu niên bán; chủ động phát hiện các trường hợp nghi vấn bán cà phê trộm cắp, kịp thời cung cấp cho lực lượng công an để ngăn chặn, xử lý.

Chẳng hạn, tại xã Hà Mòn- địa phương có diện tích cà phê lớn với hơn 2.200ha, trong đó có khoảng 1.900ha đang trong chu kỳ kinh doanh, chính quyền và người dân đã chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nạn trộm cắp cà phê.

Ông Nguyễn Quang Thịnh- Chủ tịch UBND xã Hà Mòn cho biết: Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng trộm cắp cà phê, từ đầu tháng 10/2024, xã đã triển khai kiện toàn, duy trì các tổ an ninh tại các khu dân cư, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Địa phương cũng tiến hành thành lập các tổ liên ngành để theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh, thu mua cà phê trên địa bàn nhằm ngăn chặn tình trạng mua, bán cà phê quả xanh; kịp thời phát hiện các trường hợp trộm cắp cà phê của nhân dân rồi mang bán. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh việc đăng ký tạm trú, tạm vắng cho người lao động; tham gia tố giác, cung cấp tin báo về tội phạm; chủ động phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng trộm, thu mua cà phê do trộm cắp mà có.

Theo kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trước, trong mùa thu hoạch cà phê của xã Hà Mòn, thời gian này, lực lượng công an xã, các tổ an ninh trật tự ở cơ sở cùng với ban nhân dân tại các thôn (làng) tập trung tuần tra, kiểm soát tại những khu vực giáp ranh với địa bàn các xã Đăk La, thị trấn Đăk Hà, xã Ngọc Wang và các khu vực phức tạp về an ninh trật tự. Trong quá trình tuần tra kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở người dân chú ý đến nương rẫy thường xuyên để trông coi tài sản của mình.

“Cùng với các lực lượng chức năng, người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà cũng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ rẫy, sản phẩm cà phê. Đặc biệt, các gia đình có vườn, rẫy cà phê ở gần nhau đã tự giác liên kết lập nên những nhóm, tổ thay nhau túc trực, canh gác để ngăn ngừa kẻ xấu đột nhập vào hái, tuốt trộm cà phê. Nhờ đó, góp phần hạn chế tình trạng trộm cắp và đảm bảo an ninh trật tự trong mùa cà phê”- Thiếu tá Trần Văn Anh cho biết thêm.

Thiên Hương

 

Ða dạng rau màu mùa nước lũ

 

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Cùng với sự phong phú của cá đồng và nhiều loại thủy sản đánh bắt được trong mùa lũ ở ÐBSCL, nhu cầu tiêu thụ rau màu cũng tăng, tạo thuận lợi cho nông dân trồng rau màu trong mùa nước nổi. Nắm bắt xu hướng và nhu cầu của thị trường, nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ đã phát triển nhiều mô hình trồng rau màu trong mùa lũ, qua đó giúp bà con tăng thêm thu nhập cho gia đình.

 

 

Anh Nguyễn Văn Lộc (bên trái) ở huyện Thới Lai đưa sản phẩm của mình đến bán cho một vựa thu mua rau củ tại huyện.

Tận dụng lợi thế có đê bao ngăn lũ tốt và có hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động nước tưới tiêu, nông dân tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang tích cực phát triển các mô hình trồng rau màu trong mùa lũ. Bên cạnh trồng rau trên các bờ rẫy và những khu vực có bờ liếp cao, nông dân tại nhiều nơi cũng mạnh dạn đưa nhiều loại rau màu xuống trồng trên chân ruộng lúa như mướp hương, bầu, bí, ớt, cà, khổ qua, các loại đậu, dưa, bắp, khoai lang... Nhiều loại rau ăn quả trồng ở Cần Thơ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương mà còn được nhiều tiểu thường và đầu mối kinh doanh thu mua đưa đi tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Ðông Nam Bộ.

Anh Nguyễn Văn Lộc ở ấp Thới Tân B, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: "Vụ sản xuất thu đông hằng năm cũng là thời điểm nhiều địa phương vùng ÐBSCL bị ảnh hưởng bởi lũ và triều cường, nhiều nông dân thường giảm diện tích trồng rau màu, nhất là ở những nơi chưa có hệ thống đê bao đảm bảo ngăn lũ. Riêng khu vực của tôi có hệ thống đê bao vững chắc và tôi cũng chủ động gia cố thêm bờ bao quanh vùng sản xuất của mình nên đã mạnh dạn trồng nhiều loại rau màu mà không lo bị ảnh hưởng bởi lũ. Hiện tôi có 10 công đất trồng các loại rau ăn quả như bầu, khổ qua, mướp hương, các loại đậu… Nhờ trồng các loại rau màu này mà tôi đã có thu nhập cao hơn từ 2-3 lần so với trước đây trồng lúa". Cũng theo anh Lộc, thời gian qua tuy giá một số loại rau ăn quả có giảm thấp nhưng nhờ trồng đa dạng nhiều loại rau màu nên nguồn thu nhìn chung vẫn đảm bảo tốt, nhất là khi một số loại rau ăn quả vẫn duy trì được mức giá cao. Năng suất các loại rau ăn quả được anh trồng cũng đạt cao nhờ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi và được chăm sóc tốt, cũng như tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Hiện nay, tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ đã hình thành được các vùng trồng rau màu tập trung, với nhiều loại rau ăn lá, rau ăn quả, rau củ, các loại nấm (nấm rơm, nấm bào ngư) và cả các loại cây công nghiệp ngắn ngày giúp mang lại hiệu quả cao. Ðơn cử như các vùng trồng rau ăn lá tại quận Bình Thủy, Ô Môn và Thới Lai; vùng chuyên canh trồng rau muống ở Ô Môn; trồng hẹ, ớt và bắp ở Thốt Nốt, trồng mướp hương ở Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Ðỏ và Vĩnh Thạnh; trồng đậu nành rau ở Thới Lai và Thốt Nốt… Không chỉ trồng đa dạng các loại rau màu trên cạn, nông dân tại nhiều quận, huyện còn phát triển các mô hình trồng rau màu thủy canh. Cụ thể như trồng các loại rau sống dưới nước như rau nhút, rau ngổ, rau kèo nèo (cù nèo), bông súng, trồng sen lấy ngó, lấy gương... Nhiều mô hình trồng rau màu thủy canh cũng đã khẳng định hiệu quả, giúp nông dân có điều kiện gia tăng sản xuất và nâng cao thu nhập. Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền ở ấp Thới Phong B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết: "Gia đình tôi có 6 công đất mới lập vườn. Bên cạnh trồng các loại rau ăn lá trên các bờ liếp, tôi còn tận dụng các ao mương trồng bông súng để kiếm thêm thu nhập vì thấy nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này thường tăng cao trong mùa lũ. Hiện mỗi ngày tôi có thể thu hoạch hơn 30kg bông súng. Thời gian qua, dù giá bông súng được thương lái mua tại vườn chỉ ở mức 2.500-5.000 đồng/kg nhưng loại cây này khá nhẹ công chăm sóc và ít tốn chi phí tiền phân bón, đồng thời tôi cũng tranh thủ đem bông súng ra chợ bán lẻ để được giá cao hơn nên cũng có thêm nguồn thu đáng kể".

Theo anh Nguyễn Thành Ðạo ở ấp Vĩnh Mỹ, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, gia đình anh có 6 công đất lúa, trước đây canh tác lúa chỉ có thể kiếm lợi nhuận khoảng 5-7 triệu đồng/công trở lại do đất nằm ở khu vực khá trũng thấp, canh tác lúa kém hiệu quả. Tuy nhiên, nhờ phát triển mô hình trồng sen lấy ngó mà gia đình anh đã có thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trước đây trồng lúa. Thời gian qua, ngó sen được bán với giá lên đến hơn 20.000 đồng/kg, qua đó mỗi công đất trồng sen có thể giúp anh kiếm lời 10-20 triệu đồng/công/năm.

Ðể hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất rau màu, ngành Nông nghiệp thành phố và các địa phương đã quan tâm tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân phát triển các loại rau màu theo nhiều mô hình khác nhau nhằm phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, thiết bị, công nghệ mới như màng phủ, nhà lưới, bón phân hữu cơ và xây dựng, phát triển các mô hình luân canh, chuyên canh và vùng trồng rau theo hướng an toàn, hiệu quả. Hướng dẫn thực hiện các hồ sơ thủ tục và cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất rau an toàn, cũng như hỗ trợ kết nối với các nhà tiêu thụ để tạo thuận lợi về đầu ra cho nông sản.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP

Nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn - Nâng tầm giá trị sản phẩm

 

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ được coi là phương thức sản xuất tối ưu nhằm mang lại lợi ích kinh tế đối với người sản xuất, sức khỏe của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Tại Bình Dương, sản xuất hữu cơ tuy đã được ngành nông nghiệp thực hiện nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có chiều sâu. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu góp phần bảo đảm để nông nghiệp Bình Dương phát triển bền vững.

Hướng đi tất yếu

Báo cáo tại Hội thảo trách nhiệm xã hội trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; giải pháp để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng qua (22-10) cho biết trên thực tế, nông nghiệp hữu cơ đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và có xu hướng tiếp tục tăng cao. Bởi sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng trên bản đồ nông nghiệp thế giới.

Để thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai chuyển giao ứng dụng vi sinh bản địa IMO vào xử lý rác thải sinh hoạt, sản xuất phân hữu cơ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp hữu cơ thông qua việc thực hiện dự án khoa học - công nghệ trên địa bàn TP.Tân Uyên từ năm 2022.

Theo đó, TP.Tân Uyên đã thành lập các câu lạc bộ IMO trên địa bàn xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội để thực hiện thí điểm, hướng tới chuyển giao cho hơn 2.000 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn 2 xã; đồng thời nhân rộng sang các địa phương khác. Mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường; giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phải vận chuyển, xử lý; tăng cường tái sử dụng chất hữu cơ, tạo nguồn phân bón cho cây trồng, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sống và giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Ông Lê Khắc Hoàng, Giảng viên bộ môn Bảo vệ thực vật, Khoa Nông học Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh: Tỉnh Bình Dương có nhiều tiềm năng để phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái và bền vững. Tuy nhiên, cần có quy hoạch, chiến lược phát triển hợp lý để bảo đảm các mô hình có thể thích nghi và phát triển trong môi trường đặc thù của một tỉnh công nghiệp hóa. Với các đường lối, chính sách phù hợp, Bình Dương không chỉ có thể phát triển nông nghiệp tiên tiến mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra giá trị bền vững cho nền kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tỷ lệ ứng dụng công nghệ tưới phun nhỏ giọt, tưới phun sương, tưới kết hợp bón phân; tưới kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật… vào sản xuất các loại cây trồng, Đến nay, tỷ lệ ứng dụng công nghệ này đạt trên 90%. Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay có trên 90% nước thải phát sinh trong chăn nuôi đã được xử lý qua hệ thống biogas, sau đó tận dụng để tưới vườn; trên 85% chất thải rắn được thu gom, ủ phân kết hợp men vi sinh để làm phân bón vườn. Hiện trên toàn tỉnh có 14 trang trại quy mô lớn thực hiện đánh giá hợp quy nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng theo quy định…

Nhiều thuận lợi

Hiện nay, mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, song các loại nông sản chủ lực vẫn ngày càng khẳng định uy tín, vị thế, với năng suất và chất lượng cao. Đặc biệt, để phát triển nông nghiệp trong điều kiện của một tỉnh công nghiệp, thời gian qua Bình Dương đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, phát triển công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân trong tỉnh đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Điển hình như mô hình trồng cây có múi của HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và vận tải Dân Tiến, với diện tích sản xuất hơn 50 ha, chủ yếu trồng bưởi da xanh và cam theo phương thức VietGAP.

 

 

Mô hình trồng cây có múi theo hướng VietGAP của Hợp tác xã nông nghiệp Tam Lập (huyện Phú Giáo) cho sản lượng cao, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX, cho biết không chỉ đồng hành trong phát triển sản xuất theo hướng VietGAP và hữu cơ thân thiện với môi trường, HTX còn tích cực hỗ trợ thành viên, nông dân liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. HTX luôn chú trọng sản xuất an toàn, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX luôn an toàn, sản lượng tăng cao, người tiêu dùng tin cậy. HTX còn đầu tư hệ thống nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nước tự động để chăm sóc vườn cây ăn trái của mình. Hiện HTX kết hợp sản xuất với du lịch nông nghiệp, như thu hái sản vật, câu cá giải trí, hồ bơi, cắm trại…

Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hướng đến nền nông nghiệp xanh đang là xu thế không thể đảo ngược trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, lợi ích lâu dài của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; mở rộng hơn nữa kết quả đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sở sẽ tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ như khuyến khích doanh nghiệp, HTX liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, tuần hoàn; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ giống phục vụ sản xuất hữu cơ; hỗ trợ phát triển sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chí OCOP; hỗ trợ gắn phát triển sản phẩm hữu cơ với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm hữu cơ...

Cần Thơ, tính đến ngày 9-10-2024, nông dân tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã xuống giống gieo trồng rau màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày đạt 13.977ha, trong đó đã thu hoạch 11.933ha, còn diện tích đang gieo trồng 2.044ha. Sản lượng ước đạt 136.038 tấn.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Quảng Ninh: Đảm bảo tiến độ sản xuất vụ đông

 

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với ngành Nông nghiệp Quảng Ninh, bởi sản phẩm đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định và mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất lợi cùng với ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 đã khiến nhiều diện tích cây trồng bị ngập úng, làm chậm tiến độ gieo trồng. Ngành Nông nghiệp đang tập trung các giải pháp để thúc đẩy tiến độ, đảm bảo sản lượng và chất lượng cây trồng.

 

 

Người dân xã Tiền An (TX Quảng Yên) trồng rau an toàn vụ đông.

Vụ đông năm nay, ngành Nông nghiệp tập trung sản xuất các cây trồng theo hướng thâm canh, tăng năng suất chất lượng nông sản; tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, ưu tiên tập trung sản xuất các loại cây trồng có liên kết, bao tiêu sản phẩm. Dự kiến, tổng diện tích cây trồng vụ đông đạt trên 8.000ha, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 4.400 tấn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thời tiết vụ đông năm nay có nhiều bất lợi. Đầu vụ đông xảy ra ngập úng do mưa bão và áp thấp nhiệt đới. Không những thế, vụ đông còn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 đã làm hơn 7.600ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng…, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng cây trồng, cũng như tiến độ gieo trồng. Bên cạnh đó, việc sản xuất của người dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác đã được hình thành nhưng một số vẫn còn mang tính hình thức, khả năng tập hợp, tham gia liên kết, hợp tác còn hạn chế. Ngoài ra, nhân lực lao động trong nông nghiệp ngày một thiếu nên việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung gặp nhiều khó khăn. Giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao nên chi phí sản xuất lớn.

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng cây trồng vụ đông, ngay sau bão số 3, ngành Nông nghiệp tập trung xử lý hiệu quả diện tích cây hằng năm bị ngập úng do bão. Đồng thời, tổ chức thu hoạch nhanh lúa mùa sớm để có quỹ đất sản xuất cây vụ đông ưa ấm, như: Ngô, đậu tương, khoai lang.... Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), hai tuần sau bão, hơn 90% diện tích canh tác bị ảnh hưởng đã dần phục hồi.

Sở NN&PTNT khuyến khích các hình thức người dân liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, sản xuất thành vùng tập trung với quy mô lớn có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ nhằm giảm công lao động, kiểm soát tốt sinh vật gây hại, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất. Cùng với đó, mở rộng diện tích và phát triển một số cây màu vụ đông có giá trị kinh tế cao, có lợi thế về thị trường để tăng thu nhập cho người sản xuất; tận dụng tối đa phế phụ phẩm trong trồng trọt để sản xuất phân bón hữu cơ; tăng cường đẩy mạnh mở rộng diện tích cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, như: Cây ngô lấy hạt, ngô sinh khối, ngô thu hoạch bắp tươi, cây rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo sản xuất an toàn. Đồng thời, bố trí các vùng sản xuất trồng trọt an toàn gắn liền với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập.

Ngành Nông nghiệp cũng đưa ra một số khuyến cáo các giống cây trồng. Đối với cây ngô, các địa phương lựa chọn cơ cấu từ 4 đến 6 loại giống, ưu tiên sử dụng các giống ngô năng suất cao, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh. Các loại rau đậu cần bố trí mở rộng diện tích, sản xuất rải vụ để tránh hiện tượng cung vượt cầu khi vào chính vụ. Thời vụ gieo trồng từ 5/10-31/12. Với cây khoai tây, thời vụ trồng tập trung từ 15/10-5/11, nhiều loại cây cho năng suất cao như: Atlantic, marabel, solara… được lựa chọn từ những ruộng giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh và được bảo quản trong kho lạnh. Riêng với hoa, cây cảnh, chú trọng mở rộng diện tích trồng các loại hoa phục vụ Tết Nguyên đán tại một số vùng trọng điểm của TP Hạ Long, TX Đông Triều, TX Quảng Yên; sử dụng đa dạng những giống hoa chất lượng cao, như: Ly, cúc, đồng tiền, lan, hồng…

Hiện nay, ngành Nông nghiệp và các địa phương tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tiếp tục chỉ đạo tổ chức đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây vụ đông chính vụ và vụ đông muộn như: Khoai tây, cà chua, su hào, bắp cải, hoa các loại... ưu tiên các sản phẩm có thị trường tiêu thụ, chế biến và sản xuất phục vụ nhu cầu trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Cụ thể: Tại TX Đông Triều, vụ đông năm nay, thị xã gieo trồng trên 1.600ha, trong đó rau các loại chiếm đến 745ha, khoai tây 200ha, ngô 160ha… Ông Lê Quốc Ruyến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã, cho biết: Bắt đầu vụ đông, đơn vị đã cử cán bộ đi nắm bắt điều kiện sản xuất, thời tiết; điều tra, giám sát các đối tượng dịch hại để thông báo cho người dân chủ động các biện pháp ngay từ đầu vụ trước khi đổ ải làm ruộng. Thị xã cũng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều tận dụng hiệu quả nguồn nước từ sông Cầm và các hồ chứa, dẫn nước qua các kênh tưới đến đồng ruộng, khu vực sản xuất để người dân phục vụ tưới tiêu. Các hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp quản lý tốt và khai thác tiết kiệm nguồn nước. Trước đó, để khắc phục diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, TX Đông Triều đã huy động nhân lực, thiết bị máy bơm để kịp thời bơm tiêu úng cho cây; vệ sinh đồng ruộng và kiểm tra, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại.

Tại TX Quảng Yên, theo thống kê, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp địa phương. Riêng lĩnh vực trồng trọt, thị xã có hơn 1.418ha lúa mùa bị ngập đổ (chiếm 50% diện tích); 218,6ha hoa màu bị hư hỏng hoàn toàn (chiếm 60% diện tích rau màu). Đến thời điểm này, bà con đã khôi phục sản xuất, các địa phương đang tập trung mọi điều kiện để gieo trồng vụ đông theo đúng khung thời vụ. Vụ đông năm nay, TX Quảng Yên phấn đấu gieo trồng trên 1.600ha cây rau màu, trong đó riêng rau các loại đã chiếm gần 1.400ha - lớn nhất toàn tỉnh. Phòng Kinh tế thị xã đã chỉ đạo các địa phương và người dân nâng cao năng suất, chất lượng rau an toàn bằng các hình thức thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP; tăng cường thông tin tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng các mô hình trình diễn về giống cây trồng, phân bón mới, kỹ thuật canh tác hiệu quả, đảm bảo nguồn cung rau màu ổn định từ nay đến cuối năm.

Dương Hà

 

Săn chuột đồng mùa thu hoạch lúa

 

Nguồn tin:  Báo Long An

Khi các cánh đồng lúa cuối vụ Thu Đông trên địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An bắt đầu thu hoạch cũng là lúc khởi động nghề săn chuột đồng. Các cánh đồng lúa ở miền quê yên bình vì thế trở nên sôi động.

 

Các cánh đồng lúa cuối vụ Thu Đông trên địa bàn huyện Tân Thạnh bắt đầu thu hoạch cũng là lúc khởi động nghề săn chuột đồng

Giữa trưa nắng gắt, cánh đồng xã Nhơn Ninh nhộn nhịp cảnh máy gặt đập thu hoạch lúa, tiếng hò reo của nhiều người cùng săn chuột đồng. Máy gặt đập chạy đến đâu, mọi người nhanh chân di chuyển đến đó để bắt chuột. Săn chuột đồng vừa là thú vui mùa thu hoạch lúa, vừa có thêm thu nhập vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.

Anh Nguyễn Văn Niềm (xã Nhơn Ninh) chia sẻ: “Thời điểm này, còn một số cánh đồng đang thu hoạch lúa vụ 3 hay còn gọi là lúa Thu Đông nên nhiều người vẫn săn chuột đồng đến đầu vụ Đông Xuân. Thông thường người dân săn chuột đồng một mình hoặc tạo thành nhóm để dễ dàng săn được chuột”.

Còn anh Phan Văn Khanh (xã Nhơn Ninh) nói: "Người săn phải chạy nhanh, nhanh tay, nhanh mắt thì bắt được khoảng 5-6kg chuột đồng mỗi ngày. Những người chậm tay, chưa thành thạo thì bắt khoảng 2-3kg chuột đồng mỗi ngày. Chuột bắt tại đồng được thương lái mua với giá từ 80.000-100.000 đồng/kg".

Từ lâu, chuột đồng được chế biến thành nhiều món đặc sản của người miền Tây như chuột đồng chiên sả ớt, quay lu, thui rơm vàng, luộc mẻ, xào rau răm,... Săn chuột đồng ở huyện Tân Thạnh thu hút nhiều người tham gia không chỉ vừa bảo vệ mùa màng, có thêm thu nhập, cải thiện bữa cơm gia đình mà còn là niềm vui gợi lại một thời ký ức tuổi thơ./.

Ngọc Diệu - Chí Tâm

 

Thành công từ nuôi gà đẻ trứng

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

Với kinh nghiệm 15 năm chăn nuôi, từ thực tế thị trường, anh Nguyễn Thế Khánh, 36 tuổi, ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), đã quyết định phát triển mô hình nuôi gà đẻ trứng. Theo anh Khánh, giá trứng ổn định cao hơn nhiều so với thịt, thị trường ngành hàng này cũng ít biến động.

Để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi, với bản tính kỹ càng, chu đáo, anh Khánh theo học lớp trung cấp thú y để chủ động khâu phòng trị bệnh cho đàn gà của gia đình, đồng thời có thể làm dịch vụ với bà con địa phương. Không chỉ vậy, anh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo do các cấp, ngành tổ chức để cập nhật kiến thức chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro.

 

 

Anh Khánh thu hoạch trứng gà hằng ngày. Ảnh: M.MIÊN

Trong chăm sóc đàn gà, anh đặc biệt chú trọng vào chất lượng con giống và môi trường nuôi, cùng với đó tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng vắc xin cho gà, đảm bảo miễn dịch tốt trước khi bước vào thời kỳ khai thác trứng. Trong giai đoạn gà đẻ trứng, anh ngừng sử dụng vắc xin, thay vào đó tăng cường bổ sung vitamin và điều chỉnh ánh sáng phù hợp để kích thích năng suất. Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát với hệ thống chiếu sáng và quạt thông gió.

Hiện gia trại anh có trên 2.000 con gà siêu trứng, bình quân mỗi ngày thu được 1.600 - 1.700 trứng, lãi hơn 1 triệu đồng. Cùng với lãi từ bán trứng, gia đình anh Khánh còn có nguồn thu từ bán gà thải loại và bán phân cho các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh. Để đa dạng hóa nguồn thu, anh Khánh đã đầu tư nuôi 100 con heo thịt, heo nái. Từ các hoạt động chăn nuôi, phụ trợ mỗi năm anh Khánh lãi khoảng 350 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho 4 lao động địa phương.

Chị Nguyễn Thi Trang, Bí thư xã đoàn Phước Thắng, đánh giá, đây là mô hình quy mô không lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, ít đất sản xuất. Đoàn thanh niên xã đã chọn mô hình này làm điểm để giới thiệu cho ĐVTN tham quan, học hỏi. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn KHKT và tạo điều kiện cho hội viên vay vốn để nhân rộng mô hình.

MỘC MIÊN

 

Tăng đàn heo, gà phục vụ thị trường Tết

 

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Cuối năm, sức tiêu thụ thực phẩm tăng mạnh, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tích cực tái đàn, chuẩn bị nguồn cung phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán.

 

 

Ông Mai Xuân Du khử khuẩn chuồng trại.

Chuẩn bị cho thị trường Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Mai Xuân Du, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đang nuôi đàn heo 560 con. Ông Du cho biết, với giá heo 64-65 ngàn đồng/kg ở thời điểm này, trung bình mỗi con heo sau khi xuất bán, người nuôi sẽ có lãi từ 1,5-1,7 triệu đồng. Đây cũng là mức giá cao sau hơn 1 năm qua, giá heo liên tục xuống thấp.

Theo ông Du, chăn nuôi heo vụ Tết người nuôi không quá lo về giá mà cần chú trọng việc phòng chống dịch bệnh. Vì nuôi heo vào cuối năm thời tiết lạnh, nguy cơ về dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Vì vậy, trước khi tái đàn, ông tiến hành phun xịt khử trùng, vệ sinh toàn bộ chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, việc khử khuẩn được thực hiện 3 lần/tuần, tiêm vắc xin và bổ sung vitamin cho heo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tỏa, xã Bình Ba, huyện Châu Đức cũng đang chăm sóc cho 50 heo thịt và 9 heo nái chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. “Người chăn nuôi luôn kỳ vọng vào vụ cuối năm vì giá cao, sức tiêu thụ mạnh. Vì vậy tôi dồn sức chăm sóc, bảo đảm heo phát triển tốt, không để nhiễm bệnh. Do đó, cứ 2-3 ngày tôi khử khuẩn 1 lần; thực hiện tiêm phòng 5 loại vắc xin cho heo”, ông Tỏa nói.

Ngoài heo, gà cũng là thực phẩm được tiêu thụ nhiều vào dịp Tết nên các hộ chăn nuôi gà cũng đã thả giống, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Được cung cấp con giống chất lượng lại bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định nên ông Trần Thanh Bình, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc mạnh dạn tăng gấp đôi số lượng để bán dịp Tết. Hiện ông Bình đang nuôi 2.500 con gà Tàu Vàng - giống gà bản địa, nuôi phổ biến ở các tỉnh miền Nam. Theo ông Bình, với giá bán ổn định thường ngày từ 85-95 ngàn đồng/kg; dịp Tết khoảng 100 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa gà 1.000 con ông lãi khoảng 30 triệu đồng. Như vậy, nếu thuận lợi, ước vụ Tết này ông sẽ thu gần 80 triệu đồng.

Để đàn gà phát triển tốt, công tác phòng dịch được ông Bình chú trọng thực hiện, trong đó ngoài thường xuyên vệ sinh chuồng trại, ông Bình cũng tiêm đủ 6 lần vắc xin phòng bệnh theo chu kỳ cho đàn gà.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm ở các địa phương trong tỉnh đang được kiểm soát tốt. Do vậy, tổng đàn heo của tỉnh hiện đang có gần 409 ngàn con và 6,87 triệu con gia cầm, tăng 4% so cùng kỳ, đảm bảo 40% nhu cầu của địa phương và 60% xuất đi các tỉnh. Giá bán và nhu cầu tiêu thụ thịt heo, gà những tháng trở lại đây tăng cao so với trước. Vì vậy, đây là thời điểm tốt để các trang trại, hộ chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới.

Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến thất thường là điều kiện khiến dịch bệnh bùng phát mạnh, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi ngoài việc tiêm vắc xin định kỳ phải tiêm phòng bổ sung khi tái đàn; tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại… Ngoài ra, ngành cũng khuyến khích người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo chuỗi liên kết... để bảo đảm đầu ra bền vững.

Bài, ảnh: VÂN ANH - PHONG HIẾU

 

Cà Mau: Mô hình cho thu nhập cao ở Tân Ân Tây

 

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Chồn hương là loài động vật hoang dã quý hiếm, chúng có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Tuy nhiên, chồn hương có trong môi trường tự nhiên ngày càng ít, vì thế hiện nay chúng đang là một trong những vật nuôi được nhiều nông dân lựa chọn, nhân rộng. Tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), xã Tân Ân Tây được xem là địa phương đi đầu thực hiện thử nghiệm mô hình nuôi chồn hương, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Để có được thành công như hiện nay, nhiều hộ dân, cơ sở nuôi chồn hương ở xã Tân Ân Tây cũng như các địa phương khác trên địa bàn huyện từng trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Mô hình này nhen nhóm từ những năm 2008-2010. Do chi phí đầu tư con giống ban đầu khá cao, từ 7-10 triệu đồng/cặp giống (tuỳ lớn, nhỏ), con giống chủ yếu mua từ các trại giống tỉnh khác chuyển về, không rõ nguồn gốc nên dễ nhiễm bệnh, gây thất thoát lớn. Cùng với đó là nạn trộm cắp chồn hương, cao điểm là khoảng 5 năm trước, có hộ mất từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Khoảng 5 năm trở lại đây, chồn hương được nhân giống rộng rãi tại các hộ nuôi, trang trại quy mô lớn tại địa phương, chi phí con giống có phần hạ nhiệt, chúng dễ dàng thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; cùng với kinh nghiệm tích luỹ sau nhiều năm nuôi, giúp nhiều hộ ở xã Tân Ân Tây thành công, khá lên nhờ mô hình này.

Anh Nguyễn Chí Công, ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, cho biết: "Nơi đây có diện tích đất bờ vuông khá lớn, cùng với khí hậu thuận lợi là điều kiện lý tưởng để nuôi chồn hương. Học hỏi từ những người nuôi có kinh nghiệm, gia đình tôi bắt đầu nuôi chồn hương từ năm 2017, đến nay đã nhân tổng đàn lên 150 con, gồm: chồn con, chồn sinh sản và chồn thương phẩm. Từ mô hình nuôi chồn cho thu nhập thêm trên 150 triệu đồng/năm, tương đương với nguồn thu từ 140 công vuông hiện có của gia đình (tổng thu nhập của gia đình trên 300 triệu đồng/năm)".

Anh Trần Quốc Sư (cùng người bạn là Ngô Trung Tín), chủ trại chồn hương Mai Thái Anh, ấp Tân Trung, xã Tân Ân Tây, là một trong những người nuôi chồn hương thành công hơn 5 năm qua. Theo lời anh Sư, nuôi chồn hương hiệu quả, giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc và ít tốn thời gian. Từ 20 cặp chồn giống ban đầu (giá 7-10 triệu đồng/cặp), đến nay anh đã nhân lên tổng đàn trên 300 con, trong đó có khoảng 50 con đang trong giai đoạn sinh sản. Mỗi chồn mẹ sinh sản 7-9 chồn con/năm. Hằng năm, cơ sở cung cấp ra thị trường 250-300 chồn con và chồn thương phẩm, lợi nhuận 500-700 triệu đồng.Ông Phan Bá Ðấu, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi chồn hương ấp Tân Trung (gồm 26 thành viên), cho biết: "Hiện nay, mô hình đã được nhân rộng ra trong dân khá nhiều. Ðây được xem là mô hình “siêu lợi nhuận”, bởi xuất phát từ nhiều yếu tố thuận lợi như: nhờ nhân giống tại địa phương, người nuôi chủ động được nguồn chồn giống, giá thích hợp và chúng dễ thích nghi với môi trường sống; thức ăn của chồn khá đơn giản, gồm cá phi và chuối chín (chi phí chỉ khoảng 100 ngàn đồng/con chồn/tháng). Ðồng thời, hiện nay trên địa bàn cũng đã thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác kết hợp cùng ngành chức năng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi chồn hương nên khả năng thành công cao. Tuy nhiên, để nuôi được mô hình này, thu lợi nhuận cao, đòi hỏi người nuôi phải có nhiều vốn đầu tư ban đầu về con giống, chuồng trại..., khoảng 1 năm sau mới có lợi nhuận".

Theo ông Ðấu, gia đình ông hiện có 40 con chồn đang sinh sản và chồn thương phẩm. Với giá chồn con dao động 7-10 triệu đồng/cặp, chồn thương phẩm 1,3-1,4 triệu đồng/kg, mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 600 triệu đồng/năm. Ông Ðấu so sánh, 10 con chồn sinh sản hằng năm cho lợi nhuận bằng 50 công vuông.

 

 

Ngoài làm vuông tôm thì diện tích đất trống từ bờ vuông khá lớn, cùng với khí hậu ôn hoà mát mẻ, điều kiện lý tưởng để thực hiện mô hình nuôi chồn hương trên địa bàn huyện Ngọc Hiển nói chung, xã Tân Ân Tây nói riêng.

Ông Phan Văn Hơn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây, cho biết: "Hiện nay, mô hình nuôi chồn hương đang phát triển khá mạnh trên địa bàn xã, với 188 hộ, cơ sở nuôi chồn, khoảng 6.122 cá thể chồn. Ðể góp phần giúp bà con phát huy hiệu quả mô hình nuôi chồn hương, chính quyền địa phương phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi; hướng dẫn đăng ký giấy phép kinh doanh theo quy định; khuyến cáo hộ nuôi tuân thủ các giải pháp phòng bệnh cho chồn nuôi; các địa phương thành lập và tăng cường hoạt động tổ tuần tra an ninh trật tự vào ban đêm, góp phần bảo vệ tài sản người dân... Ngoài nguồn thu nhập từ nuôi thuỷ sản, việc tận dụng diện tích bờ vuông, sân vườn nuôi chồn hương đang là mô hình mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân xã Tân Ân Tây nói riêng và huyện Ngọc Hiển nói chung./.

Loan Phương

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop