Ngành nông nghiệp Việt Nam đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu với lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Vào thời điểm thống nhất đất nước, năm 1975, tổng sản lượng lúa (thóc) của cả nước mới chỉ đạt 5,49 triệu tấn, năng suất lúa đạt 21,1 tạ/ha. Với dân số khi ấy là 46,5 triệu người, sản lượng lương thực bình quân đầu người nước ta mới đạt 243,3 kg, trong đó sản lượng thóc chỉ đạt 118 kg/người. Vì vậy, năm 1975 nước ta phải nhập khẩu 880.000 tấn lương thực quy thóc. Về chăn nuôi, tổng sản lượng thịt mới chỉ đạt khoảng 450 nghìn tấn thịt các loại, hầu hết là sản phẩm từ các giống vật nuôi nội năng suất thấp.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào năm 1976 mới chỉ có một số mặt hàng với khối lượng và kim ngạch còn rất nhỏ (cà phê 8.200 tấn, chè 7.900 tấn, cao su 27.800, một số quả tươi và đóng hộp…), với tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành chưa đến 100 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam phải nhập siêu rất lớn về lương thực, thực phẩm.
Trong 50 năm qua, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, chuyển từ chỗ thiếu hụt lớn thành nước bảo đảm được an ninh lương thực trong nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu với lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới. An ninh lương thực được bảo đảm đã góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam từ độc canh lúa chuyển dần sang phát triển nông nghiệp tương đối toàn diện.
DẤU ẤN 50 NĂM
Những năm 1976-1981, Việt Nam phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn lương thực mỗi năm, tỷ lệ đói nghèo gần 70%. Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn về nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam dần phát huy lợi thế về sản xuất nông sản, bao gồm lúa gạo, luôn duy trì sự ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước.
Ông Lê Minh Hoan: "Nhờ chính sách đổi mới và phát triển, Việt Nam thực sự trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản".
Năm 2024, sản lượng lương thực có hạt của Việt Nam đạt 48 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa (thóc) đạt 43,5 triệu tấn; sản lượng ngô đạt hơn 4,4 triệu tấn; cao gấp gần 9 lần so với năm 1975. Nhờ sản xuất phát triển, ngành nông nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân trong nước. Đồng thời, Việt Nam còn xuất khẩu sang nhiều nước nhằm hỗ trợ bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Đối với cây công nghiệp lâu năm, xuất phát điểm năm 1975, diện tích và sản lượng rất thấp. Hiện nay, bình quân mỗi năm nước ta sản xuất được: 1,3-1,7 triệu tấn cà phê; 170-200 nghìn tấn hạt tiêu; 360-400 nghìn tấn hạt điều; trên 2,1 triệu tấn trái cây các loại; 1,3-1,5 triệu tấn mủ cao su… Đối với ngành hàng chăn nuôi, tổng sản lượng thịt các loại năm 2024 đạt 8,1 triệu tấn, cao gấp gần 20 lần so với năm 1975.
Nhờ chính sách đổi mới và phát triển, Việt Nam thực sự trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản. Nếu năm 1986, giá trị xuất khẩu nông sản mới chỉ đạt 486,2 triệu USD thì đến năm 2000, lên 4,2 tỷ USD và đến năm 2024 lên tới 62,5 tỷ USD, cao gấp 125 lần so với năm 1986, và cao gấp 625 lần so với năm 1975. Trong giai đoạn 1986 - 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trung bình 13,5%/năm. Những mặt hàng xuất khẩu đem lại giá trị cao trong năm 2024 phải kể đến như: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD; thủy sản đạt hơn 10 tỷ USD; rau quả đạt 7,12 tỷ USD; gạo đạt 5,75 tỷ USD; cà phê 5,48 tỷ USD; hạt điều 4,48 tỷ USD, mủ cao su 3,37 tỷ USD; sắn 1,13 tỷ USD…
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023, GDP nông nghiệp Việt Nam đạt khoảng 22,3 tỷ USD, chiếm 0,83% GDP nông nghiệp toàn thế giới, đứng thứ 5 trên thế giới. Một số nông sản của Việt Nam đứng vị thế cao trên thế giới về sản lượng, cụ thể: tiêu đứng thứ nhất, cà phê đứng thứ hai, cao su và điều đứng thứ ba, lúa gạo đứng thứ năm và chè đứng thứ sáu. Một số nông sản của Việt Nam có tỷ trọng thị phần kim ngạch xuất khẩu xếp thứ hạng cao trên thế giới, như điều chiếm 60%, tiêu chiếm 32,2%, thủy sản chiếm 28,8%, đồ gỗ chiếm 24,3%; cao su chiếm 15%, cà phê chiếm 14,1%, lúa/gạo chiếm 10,3%, chè chiếm 8,5% và rau quả chiếm 7,8% trong tổng thị phần thương mại toàn cầu.
Đến nay nông nghiệp cũng chính là chỗ dựa cho kinh tế cả nước, là nền tảng phát triển và ổn định xã hội, và cuộc sống phần lớn dân cư nông thôn. Ngày nay, ngành nông nghiệp đang nỗ lực góp phần giảm khí nhà kính thông qua nông nghiệp xanh, bảo vệ và phát triển rừng, hướng đến những gì thân thiện với môi trường, không gây tác động tới tài nguyên thiên nhiên, không gây ra hiệu ứng nhà kính. Nhờ triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch nên sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Nông nghiệp tại Việt Nam cũng tham gia bảo tồn, tạo không gian sinh thái, gắn kết quan hệ hữu cơ con người - động vật - cây trồng, bảo đảm sức khỏe con người, đất, cây. Môi trường đất khỏe mạnh sẽ tạo ra cây trồng khỏe mạnh, nhờ đó giúp tăng cường sức khỏe của con người và động vật.
Cùng với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp đã mang lại vị thế lớn cho nông nghiệp Việt Nam trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế, cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Các yếu tố khách quan, như nguồn tài nguyên cạn kiệt, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới đang và sẽ tác động tới sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
HƯỚNG TỚI NỀN NÔNG NGHIỆP SINH THÁI, SẢN XUẤT QUY MÔ LỚN
Để tiếp tục phát huy vị thế này, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới theo chủ trương, chính sách lớn hiện nay, đặc biệt là theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, ngày 16/6/2022, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 19-NQ/TW) và Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/1/2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trong đó, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.
Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo đó, tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới.
*Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17+18-2025 phát hành ngày 28/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1374
Muốn chuyển đất nông nghiệp sang đất ở, phải làm gì?
Người dân đã có sẵn đất ở, nay muốn chuyển phần diện tích đất nông nghiệp còn lại trong cùng thửa đất ở sang đất ở. Toàn bộ thửa đất phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là đất ở nông thôn, tuy nhiên khu vực này chưa có quy hoạch xây dựng.
Bên cạnh đó, quy hoạch nông thôn mới và điểm dân cư nông thôn lập từ năm 2011 không quy hoạch đất trên vào điểm dân cư nông thôn.
Công dân thắc mắc, phần đất nông nghiệp có đủ điều kiện để chuyển mục đích không?
Ảnh minh họa: Hồng Khanh
Trả lời vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai quy định về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong đó nêu rõ: Căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ đề nghị công dân liên hệ cơ quan Nông nghiệp và Môi trường tại địa phương để được trả lời theo thẩm quyền.
Bình Điền cùng nông dân tìm giải pháp dinh dưỡng tối ưu cho cây sầu riêng
Thông qua Hội quán Sầu riêng tại tỉnh Tây Ninh, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tiếp tục khẳng định vai trò đồng hành cùng nông dân – không chỉ là người cung cấp sản phẩm, mà còn là người bạn đồng hành trong hành trình phát triển nông nghiệp thông minh và bền vững.
Nâng tầm giá trị cây sầu riêng
Vừa qua, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã phối hợp cùng Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn tổ chức thành công buổi sinh hoạt Hội quán Sầu riêng lần 3 tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Buổi sinh hoạt không chỉ là dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm mà còn là nhịp cầu kết nối giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền và nông dân – cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng tầm giá trị cây sầu riêng tại địa phương.
TS. Bùi Thanh Liêm, nguyên giảng viên Đại học Cần Thơ, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc và nâng cao năng suất sầu riêng đến bà con nông dân. Ảnh: PV
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, đặc biệt là vai trò then chốt của các Hợp tác xã trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển có ý nghĩa quan trọng và là động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Tích cực chuyển giao kỹ thuật, chia sẻ giải pháp canh tác
Đồng hành cùng bà con, đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền khẳng định cam kết, không chỉ cung cấp những sản phẩm chất lượng, mà còn tích cực chuyển giao kỹ thuật, chia sẻ giải pháp dinh dưỡng và canh tác tiên tiến – đặc biệt với cây sầu riêng, loại cây trồng đang có tiềm năng phát triển mạnh tại Tây Ninh.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tỉnh Tây Ninh và TS. Bùi Thanh Liêm tư vấn kỹ thuật trồng sầu riêng cho bà con địa phương trực tiếp tại vườn. Ảnh: PV
Trong khuôn khổ chương trình, TS. Bùi Thanh Liêm, nguyên giảng viên Đại học Cần Thơ, chuyên gia về cây ăn trái đã mang đến nhiều kiến thức kỹ thuật hữu ích. Nội dung tập trung vào các giải pháp giảm rụng trái non, nâng cao năng suất và chất lượng trái sầu riêng trong giai đoạn nuôi trái. Những chia sẻ thực tế, dễ áp dụng của ông đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ bà con nông dân.
Thông qua Hội quán Sầu riêng, Bình Điền tiếp tục khẳng định vai trò đồng hành cùng nông dân – không chỉ là người cung cấp sản phẩm, mà còn là người bạn đồng hành trong hành trình phát triển nông nghiệp thông minh và bền vững.
PV
'Châu Thành hướng tới nền nông nghiệp xanh - hiệu quả - bền vững'
Đó là chủ đề chính của Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động Ngày hội Nông sản huyện Châu Thành lần 2 năm 2025, diễn ra vào sáng ngày 28/4. Đến dự có ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội, đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, các chuyên gia nông nghiệp cùng nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện…
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, đại biểu được chuyên gia nông nghiệp thông tin các nội dung về cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển nông nghiệp xanh; Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải, sản xuất lúa an toàn; chăm sóc vườn cây ăn trái, cách nhận biết, xử lý đất phèn…
Tại đây, đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi với các chuyên gia về quy trình canh tác nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững…
Châu Thành là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với diện tích gieo trồng hàng năm đạt hơn 40.000ha. Trong đó đặc biệt là vườn cây ăn trái với gần 9000ha, sản lượng trên 155.000 tấn/năm (chủ yếu là nhãn, sầu riêng, mít, chanh). Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP là 358ha; diện tích sản xuất nông nghiệp được chứng nhận an toàn thực phẩm là 761ha và tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái chế, chiếm 55,6% tổng số phụ phẩm nông nghiệp…
Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Từng giữ cương vị Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp công nghệ cao, số hóa ngành nông nghiệp.
Tại cuộc hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao quà tặng Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru
Chiều 28/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đang thăm chính thức Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam – Nhật Bản tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về công tác bầu cử
Tại hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Ishiba trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản. Thủ tướng Ishiba cảm ơn các Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã dành sự tiếp đón nồng hậu và trọng thị và khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng, đồng hành cùng Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển thực chất của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau gần 02 năm nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện; nhất trí tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy giao lưu, trao đổi đoàn giữa hai Đảng và Quốc hội hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đang thăm chính thức Việt Nam
Hoan nghênh và đánh giá cao kết quả các cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Ishiba và Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với nhiều nội dung sâu rộng về quan hệ giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội đánh giá chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Nhật Bản đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, hợp tác khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động và giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Thủ tướng Ishiba mong muốn Quốc hội hai nước tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác tổ chức bầu cử Quốc hội.
Tăng cường hợp tác với 04 lĩnh vực ưu tiên
Đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác quý báu của Nhật Bản đối với lĩnh vực lập pháp, cũng như nguồn vốn ODA và FDI của Nhật Bản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam coi Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong 04 lĩnh vực ưu tiên là kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Nhật Bản đẩy mạnh liên kết kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, khuyến khích đầu tư của Nhật Bản vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng; mở rộng các chương trình đào tạo chất lượng cao, trao đổi sinh viên và lao động, góp phần giải quyết vấn đề già hóa dân số tại Nhật Bản và nâng cao năng lực cho Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tham quan trưng bày ảnh về quan hệ ngoại giao hai nước
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị hai bên tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch và hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương hai nước, tiếp tục quan tâm, tổ chức ngày du lịch văn hóa Mê Kông tại thành phố Cần Thơ, qua đó làm sâu sắc thêm tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản.
Thủ tướng Ishiba khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển thông qua tăng cường hợp tác công nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bán dẫn. Thủ tướng Ishiba nhất trí sẽ tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tăng cường đầu tư vào các địa phương Việt Nam, trong đó có thành phố Cần Thơ; khẳng định hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trên cơ sở phát huy thế mạnh của Nhật Bản; đẩy mạnh hợp tác lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp công nghệ cao, số hóa ngành nông nghiệp.
Cũng tại buổi tiếp, hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi và nhất trí tăng cường phối hợp, chia sẻ lập trường, hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và thế giới như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF)…
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Những năm qua, ngành nông nghiệp Bình Thuận đã tập trung cơ cấu lại theo hướng nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật và khai thác tiềm năng sẵn có để cơ cấu trong sản xuất. Vì vậy, đến nay đã có những bước tiến đáng kể, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao
Thực tế có thể thấy một trong số kết quả đạt được của ngành nông nghiệp tỉnh những năm gần đây là các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới và giống cây trồng thích nghi. Theo đó, ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh gắn với xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Kết quả đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Toàn tỉnh có 27.243 ha cây trồng áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Ngoài ra, hầu hết diện tích thanh long áp dụng bóng đèn compact, đèn led để xử lý ra hoa trái vụ; hơn 42.000 ha lúa áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước…
Trồng nho tại Bình Thuận. Ảnh: N.Lân
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được áp dụng trên nhiều loại cây trồng với quy mô, diện tích lớn. Trong đó, có sản xuất trong nhà màng, nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm trên nhiều loại cây trồng như táo, dưa lưới, rau các loại… Bên cạnh, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo hướng tự động hóa trên các loại cây trồng khác nhau như bưởi, cam, quýt, chanh không hạt… với diện tích 409,5 ha. Hay như một số địa phương áp dụng đồng bộ máy móc vào sản xuất lúa với diện tích 183 ha từ khâu gieo sạ bằng máy cấy, máy sạ cụm đến quá trình chăm sóc sử dụng hệ thống phun thuốc bằng máy bay không người lái.
Sản xuất lúa theo hướng VietGAP ở Bắc Bình (ảnh N. Lân).
Đáng chú ý, trong 2 năm trở lại đây, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đã được mở rộng áp dụng trên các loại cây ăn quả, điển hình như: Mô hình trồng thâm canh cam xoàn theo VietGAP, quy mô 1 ha tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết; mô hình trồng, thâm canh sầu riêng theo VietGAP, quy mô 2 ha tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam…Từ đó, góp phần cải thiện sản lượng và chất lượng nông sản, hình thành các vùng chuyên canh thanh long, lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ cùng với các mô hình trồng dưa lưới, nhãn, cam ứng dụng công nghệ cao đã giảm phụ thuộc vào thời tiết, tối ưu hóa tài nguyên đất đai, nước tưới, hạn chế sâu bệnh. Nhờ vậy, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao (ảnh N. Lân).
Phát huy tối đa tiềm năng đất đai
Cũng theo ngành nông nghiệp tỉnh, đến nay Bình Thuận đã nhân rộng được 42.000 ha lúa và 27.240 ha cây trồng cạn áp dụng canh tác tiết kiệm nước và cơ giới hóa trong sản xuất; 130 ha thanh long được chứng nhận hữu cơ; 9.500 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Đồng thời, tỉnh đã thu hút được 14 dự án đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích là 1.146 ha với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2.044 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã có nhiều trang trại, hợp tác xã đầu tư nhà màng, kết hợp ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân, tự động hóa trong sản xuất rau, quả các loại đạt chứng nhận GlobalGAP và hữu cơ. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã góp phần đưa giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt khoảng 140 triệu đồng/ha năm 2024…
Trang trại thanh long GlobalGAP tại Hàm Thuận Nam (ảnh Ngọc Lân).
Như vậy, có thể nói rằng trong thời gian qua, Bình Thuận đã biến những thách thức thành cơ hội, vươn lên mạnh mẽ trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thời gian đến ngành Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh những cơ chế chính sách để phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát huy tối đa tiềm năng đất đai, các công trình thủy lợi và các yếu tố khí hậu. Qua đó, để rà soát, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất, nhu cầu thị trường. Mục đích, phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế để phát triển ngành nông nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.
Nông nghiệp Châu Phú giữ vai trò nền tảng
Thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp huyện Châu Phú đã có bước chuyển mình, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi. Địa phương tiếp tục thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 trên địa bàn.
Năm 2025, huyện Châu Phú đề ra mục tiêu xuống giống đảm bảo lịch thời vụ, phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 87.938ha (lúa 82.123ha, rau màu 5.815ha), tổng sản lượng lương thực đạt 532.751 tấn; nâng giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 217,8 triệu đồng/ha (tăng 0,6 triệu đồng/ha so năm 2024). Đồng thời, phấn đấu đến cuối năm, diện tích trồng cây ăn trái đạt 2.570ha, mở rộng thêm 50ha tại các vùng sản xuất tập trung, như: Trồng nhãn xuồng tại tiểu vùng Bắc Cây Sung (xã Khánh Hòa), trồng sầu riêng (xã Bình Chánh), vùng chuyên rau màu (xã Bình Thủy), vùng nuôi cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP (xã Mỹ Phú)…
Để thực hiện mục tiêu đề ra, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các mô hình chuỗi liên kết, từng bước tổ chức lại sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ngành nông nghiệp huyện phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh tập huấn, khuyến nông, đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đến nông dân. Từ đó, địa phương tăng cường sử dụng giống xác nhận, ứng dụng “1 phải, 6 giảm”, “1 phải, 5 giảm”, gieo sạ và bón phân bằng máy, ứng dụng drone (thiết bị bay không người lái) trong sản xuất lúa.
Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, vụ đông xuân 2024 - 2025, tại xã Đào Hữu Cảnh, ngành chuyên môn phối hợp các đơn vị liên quan triển khai mô hình sản xuất lúa thương phẩm theo quy trình “1 phải 5 giảm”, diện tích 15ha. Nhờ sử dụng giống lúa có chứng nhận, giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, nước tưới bằng kỹ thuật ngập khô xen kẽ, giảm số lần sử dụng thuốc trừ sâu, giảm thất thoát sau thu hoạch, kết hợp công nghệ sinh thái..., mô hình đạt năng suất 9,3 tấn/ha (tăng 5 - 10%), lợi nhuận so ruộng đối chứng cao hơn 4,6 triệu đồng/ha; chi phí sản xuất đầu vào của nông dân giảm khoảng 20%, thu nhập tăng từ 20 - 30%.
Ở xã Ô Long Vĩ, Bình Mỹ, vụ đông xuân 2024 - 2025 có mô hình giảm lượng giống gieo sạ, diện tích 15ha. Nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao Đài Thơm 8, cấp xác nhận; sạ cụm theo hàng kết hợp vùi phân chuyên dụng, với mật độ gieo sạ 80kg/ha; quy trình nước tưới ngập khô xen kẽ, giúp cây lúa hấp thụ đầy đủ ánh sáng, chất dinh dưỡng, tăng tỷ lệ nảy chồi, cứng cây, không đổ ngã. Kết quả, hầu hết ruộng mô hình đều cho lợi nhuận cao hơn 5,5 triệu đồng/ha, giúp nông dân giảm giá thành sản xuất. Ông Nguyễn Hồng Vân (ngụ xã Ô Long Vĩ) cho biết: “Hầu hết nông dân tham gia mô hình đều nhận thấy hiệu quả tích cực. Giảm giống đã kéo theo giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân”.
Thời gian tới, các ngành chức năng huyện sẽ tiếp tục vận động nông dân tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác, để liên kết sản xuất, mở rộng dịch vụ, kết nối doanh nghiệp, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau màu, cánh đồng lớn. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, duy tu, sửa chữa kịp thời công trình thủy lợi; đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi kết hợp với giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, vận chuyển hàng nông sản.
Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi tư duy của người dân về phương thức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo hướng bền vững; tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng nông thủy sản, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, tập trung thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao...
Để trở thành hình mẫu về nông nghiệp hiện đại
Hà Nội - vùng đất ngàn năm văn hiến, không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, mà còn là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp.
Theo thống kê, toàn thành phố có gần 198.000ha đất sản xuất nông nghiệp với hàng chục nghìn hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, Hà Nội còn có hệ thống trường đại học, viện nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp hàng đầu cả nước; có nguồn lao động chất lượng cao và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Đây là những lợi thế không phải địa phương nào cũng có được.
Thế nhưng, ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng này. Nguyên nhân chính của những bất cập này đến từ cơ cấu sản xuất nông nghiệp của thành phố chưa hợp lý, quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nông nghiệp dù có chất lượng, song chưa xây dựng được thương hiệu, dẫn đến khó cạnh tranh. Công nghệ cao dù đã được triển khai, nhưng thiếu đồng bộ và gặp nhiều rào cản về vốn, đất đai và cơ chế hỗ trợ.
Thực tế, đã có nhiều tín hiệu tích cực. Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đang được nhân rộng. Các hợp tác xã kiểu mới, doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang hình thành rõ nét hơn. Chính quyền thành phố đã và đang xây dựng các chính sách để hỗ trợ tích cực, như quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, để nông nghiệp Thủ đô thật sự “cất cánh”, cần có những thay đổi mang tính chiến lược và đột phá, từ tư duy lãnh đạo đến hành động thực tiễn. Chúng ta không thể tiếp tục duy trì tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần là trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu truyền thống.
Nông nghiệp Hà Nội cần được định vị lại, không chỉ là trụ đỡ mà còn là lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao, gắn với công nghệ, kinh tế số và phát triển bền vững.
Trong đó, thành phố cần rà soát, điều chỉnh và ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là trong tiếp cận đất đai, vốn tín dụng và ứng dụng công nghệ. Những nút thắt trong tích tụ ruộng đất, khó khăn trong thủ tục đầu tư và cơ chế khuyến khích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp cần được tháo gỡ dứt điểm.
Cùng với đó, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân cần được kết nối trong một hệ sinh thái bền vững. Vai trò “nhạc trưởng” của Nhà nước trong điều phối và định hướng thị trường cần được phát huy mạnh mẽ, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Các chuỗi cung ứng nông sản phải gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà còn hướng đến xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quản lý sản xuất, từ giám sát môi trường, điều hành tưới tiêu đến truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử. Những ứng dụng như bản đồ số vùng trồng, nhật ký điện tử, phần mềm quản lý trang trại… không chỉ giúp tăng hiệu quả sản xuất, mà còn nâng cao tính minh bạch, hướng đến nền nông nghiệp thông minh.
Đồng thời, công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động nông thôn cần được chú trọng. Chuyển đổi số không thể thành công, nếu thiếu nguồn nhân lực biết ứng dụng công nghệ và có tư duy đổi mới sáng tạo.
Nông nghiệp Thủ đô bước vào kỷ nguyên mới cần những hành động cụ thể, quyết liệt, đồng bộ từ cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Làm được điều đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ trở thành hình mẫu về nông nghiệp đô thị hiện đại - thông minh - bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn, mà còn góp phần định hình bản sắc phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới.
Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp 'Chìa khóa' phát triển bền vững
Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được xem là 'chìa khóa' để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Xác định rõ điều đó, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai cùng các địa phương đã xây dựng hàng trăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi chất lượng cao giúp người dân tiếp cận quy trình sản xuất mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Thay đổi tư duy sản xuất
Ông Trần Bình Minh-nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-thông tin: Sau giải phóng, ngành nông nghiệp Gia Lai còn rất lạc hậu. Người dân sản xuất theo phương thức truyền thống phát, đốt, chọc, trỉa với các cây trồng như lúa rẫy, bắp, mì, khoai lang, chủ yếu là tự cung tự cấp, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Khoảng năm 1990, Nhà nước bắt đầu đầu tư xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng cà phê, hồ tiêu (Chư Sê), chăn nuôi heo siêu nạc (TP. Pleiku, Ia Grai, Chư Păh, Đak Đoa), lúa nước (Ayun Pa), bắp, điều, mía (Kông Chro, Phú Thiện)… giúp người dân tiếp cận đưa vào sản xuất đại trà. Từ đó, các mô hình, lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn duy trì đến hôm nay, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.
Mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Glar, huyện Đak Đoa. Ảnh: N.D
“Sau hơn 30 năm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao.
Thành quả này có sự đóng góp rất lớn của những cán bộ khuyến nông không ngại khó khăn đến vùng sâu, vùng xa xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn người dân sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là “chìa khóa” để ngành nông nghiệp Gia Lai phát triển ổn định như hiện nay”-ông Minh đánh giá.
Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trải qua hơn 30 năm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất; đồng thời, cơ giới hóa sản xuất, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã góp phần giảm chi phí, nâng cao giá trị sản xuất.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn tham gia các dự án hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp như: đa dạng hóa nông nghiệp, tưới tiết kiệm nước trên cây cà phê, chuyển đổi nông nghiệp bền vững… Từ đó, nhiều vùng, khu vực trong tỉnh đã chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng chất lượng cao gắn với chế biến.
Ông Lương Văn Sức (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Tôi có 4 ha cà phê giống TRS1 xen canh 500 cây sầu riêng. Năm 2023, tôi tham gia mô hình canh tác cà phê thông minh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các đơn vị thực hiện.
Tôi được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê thông minh. Qua đó, tôi giảm được lượng phân bón, nước tưới cùng nhiều chi phí. Năm 2024, tôi thu được 16 tấn cà phê nhân và 20 tấn sầu riêng. Nhờ giá thuận lợi, tôi lãi hơn 2 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với trước đây”.
Ông Lương Văn Sức chăm sóc sầu riêng trồng xen vào vườn cà phê mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: N.D
Theo ông Võ Văn Tấn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh: Những năm qua, Trung tâm đã triển khai nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các xã, thị trấn.
Ngoài ra, hàng năm, UBND huyện cũng xuất ngân sách khoảng 1 tỷ đồng xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng dưa lưới trong nhà màng, tưới tiết kiệm nước trên cây ăn quả, hỗ trợ giống cà phê, sầu riêng chất lượng cao cho người dân sản xuất.
Đây là bước đột phá giúp người dân thay đổi nhận thức, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Chư Păh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mở hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Còn ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông thì chia sẻ: Giai đoạn 2013-2023, từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, Trung tâm đã thực hiện 23 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân; mở 48 lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi để người dân các xã, thị trấn ứng dụng. Đến nay, nhiều mô hình vẫn còn duy trì và nhân rộng, là hướng đi vững chắc trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
“Cầu nối” phát triển nông nghiệp bền vững
Xác định chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân sản xuất là “chìa khóa” để nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi của địa phương, những năm qua, từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và vốn xã hội hóa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình khuyến nông để người dân thấy được hiệu quả kinh tế, từng bước nhân rộng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-thông tin: Huyện có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Những năm qua, huyện tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án khuyến nông. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trình diễn cây lúa nước; hỗ trợ phân lân và vôi rửa chua phèn trên đồng ruộng; ươm giống bời lời, cà phê, cây trồng rừng, trồng rau hữu cơ; lai cải tạo đàn bò, vỗ béo bò thịt… Nhờ vậy, ngành nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc.
Mô hình trồng bắp năng suất cao tại huyện Chư Prông năm 2024. Ảnh: N.D
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng không đứng ngoài cuộc khi xây dựng đội ngũ khuyến nông viên ở các địa phương để hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu.Trong đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng tại các huyện: Đak Đoa, Chư Prông, Chư Sê, Ia Grai, Chư Păh, Đức Cơ… hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông dân và hợp tác xã cùng liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị tiêu chuẩn 4C, Organic.
Cách làm này giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất. Các tổ khuyến nông cộng đồng này đã trở thành “cầu nối” giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để cùng xây dựng vùng nguyên liệu cà phê theo hướng bền vững.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-cho hay: Trải qua chặng đường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, doanh nghiệp, hoạt động khuyến nông của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất đại trà đã góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn người dân quy trình bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, công nghệ bảo quản, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… thông qua các mô hình, lớp tập huấn “cầm tay chỉ việc” đã thay đổi nhận thức của người dân, hình thành các tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng vùng, địa phương.
“Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cần tiếp tục xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao có khả năng dễ nhân rộng. Chuyển giao đồng bộ những tiến bộ kỹ thuật tổng hợp, cơ giới hóa, xúc tiến liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học trong liên kết “4 nhà’’ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản chất lượng cao gắn với truy xuất nguồn gốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin thêm.
Phù Yên đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ
Phù Yên hiện có khoảng 22.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của nông dân.
Nông dân xã Mường Thải, huyện Phù Yên, chăm sóc vườn cam theo hướng hữu cơ.
Trong giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Yên đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản địa phương. Chỉ đạo UBND huyện ban hành chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã mở rộng vùng sản xuất hữu cơ; tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP; đồng thời, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quảng bá nông sản, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh để đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao.
Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên, cho biết: Huyện đã hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng cho các tổ hợp tác và HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; xây dựng nhiều mô hình kinh tế điểm để đánh giá và nhân rộng. Nhiều loại cây trồng, như gạo, cam đường canh, quýt ngọt... được chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, bước đầu cho kết quả tích cực, được người tiêu dùng đánh giá cao. Tính đến hết tháng 4/2025, toàn huyện có gần 700 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ.
Năm 2019, huyện Phù Yên bắt đầu áp dụng quy trình trồng lúa hữu cơ, hiện đạt khoảng 500 ha tại các xã Huy Tân, Huy Hạ và thị trấn Quang Huy. Trong đó, 130 ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ, giá bán gạo đạt 25-30 nghìn đồng/kg, cao hơn 5-10 nghìn đồng so với gạo sản xuất theo phương thức truyền thống. Sản xuất hữu cơ giúp phục hồi hệ sinh thái đồng ruộng, mở hướng phát triển du lịch canh nông và kết hợp mô hình nuôi cá, tăng thu nhập cho nông dân.
Vụ xuân năm 2024, huyện Phù Yên tiếp tục triển khai mô hình “Ruộng nhà mình”, với diện tích 82.000 m² tại tiểu khu Chiềng Thượng, thị trấn Quang Huy. Gần 100 hộ dân tham gia đã được hướng dẫn sử dụng sổ nhật ký điện tử EGAP để ghi chép quá trình sản xuất, gồm liều lượng thuốc bảo vệ thực vật và thời điểm bón phân, giúp minh bạch thông tin sản phẩm cho khách hàng và hỗ trợ nông dân điều chỉnh phân bón phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa.
Ông Hà Quốc Khánh, tiểu khu Chiềng Thượng, thị trấn Quang Huy, cho biết: Sau hai vụ tham gia mô hình “Ruộng nhà mình”, hơn 2.000 m² lúa hữu cơ của gia đình được hỗ trợ kỹ thuật theo từng giai đoạn. Nhờ có người cùng sở hữu, đầu ra ổn định, mỗi vụ thu 1,6 tấn thóc, trừ chi phí, cho thu lãi khoảng 30 triệu đồng.
Tại các xã Tân Lang, Mường Thải, Mường Cơi, nhiều nhà vườn đã áp dụng quy trình sản xuất nông sản sạch, an toàn. Đến hết tháng 4/2025, toàn vùng có 200/600 ha cây ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ. Huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật bón phân hữu cơ, xử lý sâu bệnh và hỗ trợ nhân dân chuyển đổi sang sản xuất an toàn, hạn chế sử dụng hóa chất, bảo đảm chất lượng nông sản. Nhờ đó, sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, tiêu thụ thuận lợi.
Nông dân tiểu khu Chiềng Thượng, thị trấn Quang Huy, huyện Phù Yên, sử dụng chế phẩm sinh học phòng, trừ sâu bệnh cho lúa.
Vụ quả năm 2025, ông Nguyễn Văn Sử, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, đã mở rộng thêm 2 ha trồng quýt ngọt theo hướng hữu cơ, nâng tổng diện tích hữu cơ của gia đình lên 5 ha. Ông Sử cho biết: Sau vụ quả năm 2024, một số thành viên HTX Nghĩa Hưng đề xuất mở rộng diện tích hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Với vai trò giám đốc HTX, tôi chủ động trồng mới 2 ha quýt hữu cơ, áp dụng các kiến thức sản xuất mới để cây phát triển tốt. Dự kiến thu hoạch lứa quả đầu tiên vào năm 2026.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng nông sản sạch, an toàn, huyện Phù Yên đã vận động nhân dân chuyển sang sản xuất hữu cơ. Cùng với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, không chỉ nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương, giúp nông dân làm giàu trên quê hương.
Cần có chính sách hỗ trợ nhân rộng các mô hình tích tụ ruộng đất
Dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất được xác định là nhiệm vụ quan trọng để góp phần chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Đây cũng là điều kiện cần để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Tích tụ ruộng đất giúp nông dân huyện Triệu Phong thuận lợi trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh: L.A
Tín hiệu tích cực
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vân Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong Nguyễn Văn Đình cho biết, thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa, năm 2024, HTX Vân Hòa đã thực hiện thành công việc tích tụ ruộng đất với diện tích 3,83 ha, chuyển từ 18 hộ thuê đất với mức 50 kg thóc/sào/năm sang cho 1 hộ thuê với giá 120 kg thóc/sào/năm. Trên cơ sở đó, vụ đông xuân năm nay, HTX tiếp tục triển khai thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất bằng hình thức dồn điền đổi thửa ở vùng ruộng Chéo Phú Liêu với diện tích 4,5 ha. Theo ông Đình, diện tích này trước đây vốn là vùng ruộng vét của HTX và được chia cho 143 hộ, trong đó, hộ có diện tích lớn nhất từ 2 - 3 sào, còn hộ thấp nhất chỉ khoảng 29 m2.
Ngoài ra, tại đây còn có 12 ngôi mộ của người dân trong HTX. Sau khi được tuyên truyền, vận động, toàn bộ các hộ dân có ruộng tại đây đã thống nhất để HTX san ủi mặt bằng, cất bốc các ngôi mộ, đắp bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông và cho hộ ông Lê Quang Lam thuê để sản xuất lâu dài với giá 131 kg thóc/ sào/năm, cao hơn gần gấp 3 lần so với trước đây.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, tổng diện tích tập trung, tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đạt trên 780 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Hải Lăng gần 350 ha, Vĩnh Linh hơn 290 ha, Cam Lộ 100 ha...
Qua khảo sát, các diện tích sau khi dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất đều mang lại hiệu quả rõ rệt như: thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới vào sản xuất; giảm chi phí công làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch; giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; giảm sâu bệnh hại, đặc biệt là chuột và tiết kiệm nước tưới. Trị giá đồng ruộng cho thuê cao hơn từ 30 - 40%, hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với trước khi tích tụ, dồn điền đổi thửa nên người dân rất đồng tình và hưởng ứng.
Cần có chính sách hỗ trợ
Có thể khẳng định việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, san gạt mặt bằng ruộng lúa là nhu cầu bức thiết của nông dân tại các địa phương để thuận lợi cho tổ chức sản xuất. Đã có nhiều mô hình tích tụ sản xuất tập trung có liên kết đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ mới có huyện Triệu Phong ban hành đề án số 2777/ĐA-UBND ngày 5/7/2024 của UBND huyện Triệu Phong về tập trung, tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Các chính sách hỗ trợ theo đề án gồm, hỗ trợ san lấp, chỉnh trang đồng ruộng với mức 5 triệu đồng/ha; hỗ trợ cất bốc mồ mả với mức từ 2 - 5 triệu đồng/ngôi tùy theo quy mô, kích thước của từng ngôi mộ; hỗ trợ người cho thuê đất với mức 2 triệu đồng/ha (chỉ hỗ trợ 1 lần). Ngoài ra, có một số HTX đã vận động xã viên đóng góp kinh phí qua các năm để thực hiện dồn điền đổi thửa như HTX Sa Trung, HTX Thượng Hòa, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh.
Mặt khác, việc nhân rộng các mô hình tích tụ ruộng đất hiện vẫn đang gặp một số khó khăn như: hiện trạng ruộng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, được bố trí không đồng đều theo tuyến đường trục chính nội đồng dẫn đến khó khăn trong việc xác định vị trí thửa đất, lập sơ đồ chủ thể quản lý khi phá bỏ bờ thửa nhỏ.
Địa hình không bằng phẳng, hình thành nhiều ruộng bậc thang, vì vậy quá trình quy hoạch, cải tạo làm phẳng mặt bằng tốn kém. Bên cạnh đó, một số người dân vẫn còn tư tưởng không muốn bỏ ruộng, không cho thuê mướn mặc dù ruộng bỏ hoang hoặc sản xuất không hiệu quả. Chính sách để thúc đẩy dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất trên địa bàn toàn tỉnh chưa được ban hành...
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hồng Phương, sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương rà soát các mô hình tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh để xây dựng đề án “dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa trên địa bàn toàn tỉnh”.
Đồng thời tiếp tục mời gọi, giới thiệu các tổ chức, doanh nghiệp đến liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm để các địa phương, HTX yên tâm đầu tư sản xuất. Về phía các địa phương cần tiếp tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân đồng lòng thực hiện nhằm hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao.