Vươn lên làm giàu từ vườn cây ăn trái
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Nhờ trồng các loại cây đặc sản là vú sữa Lò Rèn và sầu riêng Ri 6, ông Trần Văn Chiến ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã có thu nhập tiền tỉ mỗi năm. Không chỉ nhạy bén trong nắm bắt thông tin thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật để vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình, ông còn tích cực hỗ trợ bà con nông dân ở địa phương trồng cây ăn trái để cùng nhau nâng cao thu nhập.
Thu nhập cao từ vườn cây ăn trái
Nhiều năm qua, ông Chiến đã không ít lần chuyển đổi diện tích đất của gia đình sang canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau, trong đó có giai đoạn ông trồng lúa và trồng cam mật. Mãi đến những năm gần đây, gia đình ông chuyển sang trồng cây vú sữa và sầu riêng, thu nhập mới thật sự cải thiện. Song, để vườn cây ăn trái với diện tích 3ha có thể cho thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm đó là cả một câu chuyện dài với nhiều nỗ lực vượt khó và mạnh dạn đổi mới sản xuất để thành công.
Ông Trần Văn Chiến (bìa trái) thăm vườn sầu riêng của một xã viên tại HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A.
Theo ông Chiến, trước đây khi còn trồng lúa, thu nhập khá thấp do lúa cho năng suất thấp và giá bán không cao. Từ khi chuyển từ lúa sang trồng cây cam mật, thu nhập có khá hơn nhưng cây cam không “ăn bền” vì hay bị bệnh vàng lá gân xanh. Hơn nữa, dù trồng cam mật đạt năng suất cao nhưng giá bán sản phẩm cũng thường xuyên ở mức thấp. Sau đó, gia đình đốn bỏ cây cam mật để chuyển trở lại trồng lúa. Nhận thấy cây vú sữa Lò Rèn phù hợp với vùng đất tại địa phương, gia đình đã chuyển 1ha đất sang trồng cây vú sữa từ năm 2005. 2ha còn lại, được ông chuyển sang trồng sầu riêng được khoảng 8 năm nay. Vú sữa cho năng suất, sản lượng trái khá cao đã giúp gia đình có nguồn thu nhập khá tốt từ loại cây trồng này. Với 1ha trồng vú sữa trồng theo hướng “sạch” và chất lượng cao, gia đình ông có thể kiếm lời trên 300 triệu đồng/năm, cao gấp hơn 5 lần so với trồng lúa. Đối với các diện tích sầu riêng cũng được sản xuất theo hướng trên để đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, bằng sự ham học hỏi và nhạy bén trong nắm bắt thông tin thị trường và các kiến thức mới, sầu riêng được ông xử lý cho ra trái nghịch mùa, giúp bán được giá cao hơn gấp 2 lần so với sầu riêng thuận mùa.
Năm 2023, ông đã xử cho 1,5ha sầu riêng ra trái nghịch vụ, thu về 30 tấn, bán được giá 83.000 đồng/kg. Năm 2024, toàn bộ các diện tích sầu riêng tại vườn đã được xử lý cho ra trái nghịch vụ, thu về sản lượng trái đạt 38 tấn, bán với giá 131.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, gia đình ông thu về 4 tỉ đồng. Ông Chiến bộc bạch: “Để thành công trong việc xử lý cho sầu riêng ra trái nghịch mùa, tôi đã tìm tòi học hỏi và tích lũy kinh nghiệm qua nhiều kênh khác nhau như sách, báo đài, các nguồn dữ liệu trên internet, các hội nghị, hội thảo và lớp tập huấn được các cơ quan chức năng tổ chức. Tôi cũng tích cực đi thực tế để học kinh nghiệm từ các mô hình trồng vú sữa và sầu riêng hiệu quả của nông dân ở nhiều nơi. Chú ý nắm bắt thông tin thị trường và mùa vụ sầu riêng các nơi để chọn thời điểm xử lý ra trái nghịch vụ phù hợp để bán được giá tốt”.
Cùng phát triển kinh tế vườn
Trong quá trình trồng cây ăn trái, ông Chiến luôn nỗ lực tìm tòi học hỏi, tiếp cận các thông tin, kiến thức mới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và cách làm hiệu quả để bà con nông dân tại địa phương cùng phát triển kinh tế vườn. Bản thân ông cùng gia đình cũng luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối và chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Để kết nối các hộ dân trồng cây ăn trái tại địa phương lại với nhau nhằm có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất và thuận lợi kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ trái cây. Từ năm 2017 đến nay, ông Chiến đã đảm nhiêm vai trò vừa là Chủ tịch hội đồng quản trị, vừa là Giám đốc của Hợp tác xã (HTX) Vườn cây ăn trái Trường Khương A ở xã Trường Long, huyện Phong Điền. Hiện HTX có 45 thành viên, với diện tích trồng cây ăn trái 45,5ha, trong đó có 25,5ha trồng vú sữa, diện tích còn lại trồng sầu riêng.
Với sự “dẫn dắt” của ông, nông dân tại HTX đã được định hướng, hỗ trợ và vận động cùng nhau trồng cây ăn trái theo hướng chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường, sản phẩm đạt tiêu chuẩn đáp ứng các yêu cầu của cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời gian qua, HTX đã kết nối và liên kết được với nhiều doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra nhằm giúp nông dân được tiếp cận các loại vật tư đầu vào có chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý, đồng thời bán sản phẩm đầu ra được giá tốt hơn. Vú sữa trồng tại HTX được bao trái bằng túi chuyên dụng, sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP được doanh nghiệp thu mua đưa đi xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ và nhiều thị trường khó tính khác. Qua đó, nông dân có thể bán được trái vú sữa với giá lên đến 50.000 đồng/kg, cao hơn 20.000 đồng/kg so với bán cho thương lái tiêu thụ nội địa. Theo ông Chiến, đối với vùng trồng sầu riêng, HTX cũng định hướng cho nông dân sản xuất theo hướng “sạch”, đạt chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu, đồng thời chú ý thực hiện việc xử lý cho cây ra trái nghịch mùa để bán được giá cao. HTX đã thành lập tổ hỗ trợ kỹ thuật để cùng nhau phối hợp, hướng dẫn những hộ dân có nhu cầu trồng sầu riêng cho trái nghịch vụ, tham gia thực hiện đạt hiệu quả. Vụ sầu siêng vừa qua, đã có 10 hộ nông dân tham gia xử lý cho sầu riêng ra trái nghịch vụ và trái sớm, nhờ vậy bán được giá cao, với từ 110.000-131.000 đồng/kg. Dự kiến, số hộ dân tham gia sản xuất sầu riêng cho trái nghịch mùa có thể tăng gấp đôi trong vụ tới. Nông dân tại HTX cũng linh động chuyển đổi diện tích trồng vú sữa bị già cỗi, kém hiệu quả sang trồng sầu riêng.
Với sự năng nổ, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh và nhiệt tình hỗ trợ cho nông dân tại địa phương trong phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập, ông Chiến đã trở thành tấm gương sáng để mọi người noi theo. Thời gian qua ông được các cấp chính quyền tại xã, huyện và thành phố trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen và giấy chứng nhận nhằm biểu dương, ghi nhận những đóng góp của ông. Trong đó, ông đã được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng bằng khen năm 2023 vì đã có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Trường Long và bằng khen năm 2020 vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Hội Người cao tuổi TP Cần Thơ cũng đã tặng bằng khen, chứng nhận ông đạt danh hiệu người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi cấp thành phố, giai đoạn 2018-2023.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Giá tiêu đang trên đà tăng: Nông dân vẫn chưa bán vội
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Giá tiêu đang nằm ở mức cao trong vòng gần 10 năm qua khiến nông dân trồng tiêu rất phấn khởi. Tuy nhiên, cùng với nhiều mặt hàng nông sản tăng giá cao như hiện nay, hồ tiêu trở thành “của để dành”, nông dân vẫn chưa vội bán.
Nguồn cung thiếu hụt
Từ đầu năm đến nay, giá hạt tiêu Việt Nam trên đà tăng mạnh, đặc biệt vào nửa đầu tháng 6, giá tăng “nóng” khi đạt đỉnh 180.000 đồng/kg vào ngày 12/6 đã được nhiều người kỳ vọng hồ tiêu sẽ trở lại thời hoàng kim. Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh thì đến nay, giá tiêu giảm và thay đổi liên tục, dao động quanh mốc 140.000 – 160.000 đồng/kg, nhưng vẫn được xem là mức cao kỷ lục tính từ năm 2016. Giá tiêu ở mức cao khiến người dân rất phấn khởi và yên tâm hơn để chăm sóc vườn tiêu đang có.
Theo nhiều nông dân ở các vùng trồng tiêu, mặc dù giá tăng nhưng người trồng được hưởng lợi không nhiều do đa số vườn tiêu lâu năm đã bị thay thế bằng sầu riêng và một số loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên năng suất tiêu giảm mạnh trong những năm gần đây, trung bình từ 20 - 30%.
Người dân xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Thúy Nga
Bà Lương Thị Oanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Eawy (huyện Ea H’leo) cho hay, sau khi thành lập HTX (năm 2015) giá tiêu liên tục giảm khiến nhiều hộ không còn đầu tư chăm sóc nên nhiều vườn đã chết dần các trụ, đồng thời họ trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, trong số 50 ha hồ tiêu liên kết với HTX thì hầu như không còn các vườn trồng thuần, vì vậy năng suất và sản lượng giảm rất nhiều, khoảng 60 – 70% so với trước đây.
Theo Sở NN-PTNT, Đắk Lắk hiện có 28.583 ha hồ tiêu, giảm 2.501 ha so với năm 2022. Trong đó, diện tích cho sản phẩm là 27.176 ha; năng suất bình quân đạt 30,06 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với năm 2022. Diện tích hồ tiêu tiếp tục giảm, nhưng năng suất và sản lượng tăng là do giá tiêu hạt đã tăng trở lại nên người dân có lãi và chú trọng đầu tư chăm sóc hơn, song diện tích trồng mới thì tăng không đáng kể.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5/2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 110.000 tấn hạt tiêu các loại, thu về 469 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, hạt tiêu xuất khẩu giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 15,4% về giá trị. Thời gian tới, giá tiếp tục tăng sẽ giúp ngành hàng hồ tiêu cán mốc 1 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VSPA), hiện tượng thời tiết hạn hán kéo dài dẫn đến sản lượng hồ tiêu năm nay của Việt Nam giảm 10%, xuống khoảng 170.000 tấn so với năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Nhiều nước sản xuất lớn cũng được dự báo sụt giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino lẫn suy giảm diện tích canh tác.
Nông dân kỳ vọng giá tiêu sẽ tăng cao
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá hồ tiêu sẽ còn tăng, mặc dù trong ngắn hạn có thể sẽ có những đợt điều chỉnh giảm, nhưng sẽ không quá sâu và thị trường đã hình thành mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, giá tiêu hiện nay vẫn chưa hấp dẫn để người dân ồ ạt bán ra, bởi sầu riêng, cà phê đang có giá rất tốt, giúp nông dân cũng có đủ khả năng tài chính để trữ hồ tiêu. Ngay lúc giá đang tăng cao như hiện nay nhưng họ vẫn chọn cách bán ra "nhỏ giọt" để thăm dò thị trường.
Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Việt Đức (huyện Cư Kuin) cho biết, với diện tích 50 ha trong niên vụ 2024 thì tổng sản lượng hồ tiêu của HTX gần 200 tấn. Năm nay, giá tiêu liên tục tăng cao nhưng người dân không bị áp lực bán sớm như những năm trước đây, bởi giá các loại nông sản khác cũng đang tăng, giúp bà con có thu nhập ổn định. Do đó, sau thu hoạch, người dân chỉ bán trước một phần sản lượng để trả tiền thuê nhân công, tái đầu tư sản suất cho niên vụ tới, số còn lại vẫn được tích trữ chờ tiêu tăng giá.
Tương tự, ở HTX Nông nghiệp Eawy, các thành viên cũng chỉ bán khoảng 50% sản lượng, phần lớn vẫn đang kỳ vọng ở mức giá 200.000 đồng/kg mới bán ra, bởi họ đang có nguồn thu tốt từ sầu riêng và cà phê. Trong khi đó, việc bảo quản hạt tiêu dễ hơn so với các mặt hàng nông sản khác, có thể cất trong kho 2 – 3 năm.
Còn hộ ông Vũ Kim Thịnh (thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) cho hay, với 7 ha, vụ tiêu vừa rồi, gia đình thu về 40 tấn tiêu. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng cao nhưng gia đình ông chưa bán, bởi sản lượng tiêu của những năm trước vẫn còn trong kho. Để chờ giá tốt, gia đình ông đã đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản nhằm bảo đảm chất lượng hạt tiêu không bị ẩm, mốc. “Giá tiêu liên tục tăng cao nhưng gia đình cũng không bị áp lực phải bán ra vì có đủ tài chính để tập trung đầu tư nâng cao chất lượng trên diện tích vườn tiêu hiện có, hy vọng vụ mùa tiêu năm sau sẽ đạt năng suất cao hơn và giá sẽ tốt hơn”, ông Thịnh chia sẻ.
Theo VSPA, năm 2024 nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529.000 tấn, vượt 64.000 tấn so với sản xuất. Với tình trạng khan hiếm nguồn cung hồ tiêu như hiện nay, nhiều chuyên gia ngành hàng nhận định giá tiêu trong thời gian tới có thể vượt đỉnh chu kỳ giá lần trước. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, giá hạt tiêu tăng trong bối cảnh tăng giá chung của các mặt hàng nông sản cũng là tín hiệu tốt để nông dân không đổ xô đi trồng như thời điểm tăng giá trước đây. Đồng thời, nông dân sẽ có điều kiện chăm sóc vườn tiêu tốt hơn theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng giá trị sản phẩm.
Minh Thuận – Thúy Nga
Doanh nghiệp ngành điều khó khăn vì giá nguyên liệu tăng kỷ lục
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Ngay sau vụ thu hoạch điều năm 2024, giá hạt điều thô trong nước và nhập khẩu đều tăng sốc, đạt mức kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay. Nguyên nhân giá hạt điều tăng cao như hiện nay do nguồn cung giảm mạnh vì diện tích cây trồng này ngày càng bị thu hẹp.
Làm hạt điều xuất khẩu tại một cơ sở chế biến ở huyện Định Quán
Giá nguyên liệu tăng đột biến, doanh nghiệp (DN) sản xuất hạt điều gặp rất nhiều khó khăn, chỉ hoạt động cầm cự, thậm chí tạm ngưng sản xuất vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ vẫn chậm do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế.
Giá hạt điều tăng “sốc”
Hiện giá hạt điều thô các thương lái bán cho các nhà máy, cơ sở chế biến dao động từ 50-55 ngàn đồng/kg, tiếp tục tăng thêm khoảng 10 ngàn đồng/kg so với hồi đầu tháng 6. Mức giá này đã tăng hơn gấp đôi so với giá bán ra của nông dân trong vụ thu hoạch. Dự báo, giá sản phẩm này tiếp tục giữ đà tăng trong thời gian tới.
Giá điều tăng cao nhưng nông dân trồng điều không hề được hưởng lợi. Vụ thu hoạch điều năm 2024, nông dân trồng điều bị thất thu do vừa mất mùa, vừa mất giá khi hạt điều bán ra cao nhất vào đầu vụ cũng chỉ được khoảng 25 ngàn đồng/kg, rộ vụ chỉ còn khoảng 20 ngàn đồng/kg. Nhưng ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch, giá hạt điều thô tăng từng ngày và hiện đã lập mức kỉ lục về giá bán. Không chỉ điều nội địa, giá hạt điều thô nhập khẩu cũng không ngừng leo thang, hiện các cơ sở, DN sản xuất đang phải mua hạt điều thô nhập khẩu với mức giá hơn 50 ngàn đồng/kg. Và dấu hiệu tăng giá của mặt hàng này vẫn chưa dừng lại.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, nguyên nhân giá hạt điều thô nhập khẩu tăng cao là do một số nhà cung ứng nguyên liệu lấy lý do mất mùa để không giao hàng hoặc yêu cầu tăng giá theo mức tăng hiện tại thì mới tiếp tục giao. Trước đó, Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế công bố thông tin sản lượng điều thô ở Châu Phi giảm sút khoảng 7% do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết.
Nguồn cung hạt điều thô trong nước cũng giảm sút mạnh. Chỉ tính riêng Đồng Nai, cây điều từng là cây công nghiệp chủ lực với diện tích từng đạt hơn 50 ngàn hécta. Nhưng tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn hơn 27 ngàn hécta. Đây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế kém nên nhiều nhà vườn không còn mạnh dạn đầu tư, chăm sóc khiến năng suất cây trồng này giảm sút mạnh về sản lượng. Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến cây trồng khá nhạy cảm với thời tiết này.
Doanh nghiệp chế biến gặp khó
Cũng Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện điều thô trong nước hiện chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu để chế biến, 90% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, nếu tình trạng bẻ kèo, làm giá kéo dài, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu chế biến sẽ hiện hữu trong nửa cuối quý 3, quý 4 năm 2024 và ảnh hưởng đến cả quý I năm 2025.
Bà Phạm Thị Hồng Vân, chủ cơ sở hạt điều Phương Hân tại xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú so sánh, vụ mùa năm ngoái, cơ sở thu mua được khoảng 100 tấn điều thô nguyên liệu tại các vùng trồng ở địa phương thì năm nay nguyên liệu mua được chưa đến 30 tấn. Giá điều nhập khẩu thì liên tục biến động, sáng 1 giá, chiều đã tăng lên mức giá khác. Thời gian qua, cơ sở của bà Vân chỉ sản xuất cầm chừng để làm hàng cung cấp cho một số đơn hàng khách đã đặt trước đó. Lợi nhuận của cơ sở hầu như không có, thậm chí một số đơn hàng bà phải bù lỗ vì khi báo giá với khách, giá điều nguyên liệu đang ở mức thấp nhưng ngay sau đó đột ngột tăng cao khiến cơ sở sản xuất trở tay không kịp.
Theo một số DN chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh, mọi năm, từ đầu năm, đa số các DN chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh đã ký kết các hợp đồng cho quý 3, thậm chí đến quý 4 nhưng hiện nay hầu như chưa có đơn hàng của những tháng cuối năm. Các cơ sở sản xuất không dám nhận đơn hàng vì giá điều nguyên liệu biến động quá mạnh. Bên cạnh đó, ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, các khách hàng cũng e ngại đặt đơn hàng mới vì khó chấp nhận mức giá hạt điều tăng cao như hiện nay vì thị trường tiêu thụ đang chậm hơn do ảnh hưởng tình hình khó khăn chung của nền kinh tế.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều diễn biến phức tạp, Hiệp hội Điều Việt Nam khuyến cáo các DN sản xuất ngành điều cần nỗ lực để đảm bảo tối đa hoạt động chế biến và giao hàng đúng hợp đồng đã ký kết. Trong trường hợp không có đủ nguyên liệu thì đàm phán, trao đổi với người mua điều nhân để khách hàng nắm rõ tình hình và có sự chia sẻ khó khăn.
Song Lê
Hướng đi mới từ cây dó bầu
Nguồn tin: Báo Bình Định
Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương cùng với niềm say mê cấy ghép, trồng khảo nghiệm các giống cây mới, ông Đinh Văn Ếc (SN 1977, dân tộc H’re, ở thôn 8, xã An Trung, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) đã đưa cây dó bầu vào trồng thử nghiệm và cho hiệu quả giá trị kinh tế cao.
Năm 1996, ông Ếc thường theo cha vào những cánh rừng sâu thu lượm các sản vật tự nhiên trên những cánh rừng ở xã An Toàn (An Lão) và xã Ba Chùa (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), tận mắt thấy được những cây dó bầu tự nhiên. Khi nghe cha kể về công dụng và giá trị của cây dó khi tạo ra trầm hương, ông có suy nghĩ sẽ đưa giống cây này về trồng. Đến năm 2004, ông vào rừng thu hái hạt cây dó tự nhiên, đem về tự học cách ươm giống và trồng trên diện tích đất của gia đình.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, thời điểm đó, ông Ếc trồng xen cây dó bầu với keo lai, tràm... để tiện chăm sóc. Cần cù, ham học hỏi, ông tự học các kiến thức chăm sóc cây dó, tạo trầm, áp dụng thành công các tiến bộ KH-KT. Sau 10 năm chăm sóc, ông đã có gần 10.000 cây dó bầu trên diện tích 5 ha. Bình quân cây cao 6 - 10 m, đường kính trung bình từ 10 - 30 cm. Hiện có hơn 5.000 cây vào mùa khai thác.
Ông Đinh Văn Ếc kiểm tra một cây dó bầu trong vườn. Ảnh: T.C
Ông Ếc đang chăm sóc và bán cây dó theo hình thức “gối đầu”, sau mỗi 2 - 3 năm chăm sóc, ông xuất bán một lần. Ông vừa bán cho thương lái tại tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Nai gần 3.000 cây tại vườn, với giá bán 12.000 - 15.000 đồng/kg thân gỗ, lãi hơn 700 triệu đồng. Ngoài tăng thêm thu nhập cho gia đình, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động làm thời vụ với mức lương ổn định 200 nghìn đồng/người/ngày.
Bà Đinh Thị Xư, Phó Chủ tịch UBND xã An Trung, đánh giá: Ông Đinh Văn Ếc là người đầu tiên mạnh dạn trồng cây dó bầu tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân trong xã đến nhà ông học hỏi kinh nghiệm trồng. Để người dân có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây, tới đây, xã sẽ đề nghị Hội Nông dân tỉnh, huyện tổ chức một số hội nghị, lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây dó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho địa phương, góp phần mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
TRIỀU CHÂU
Sản xuất nông nghiệp tại xứ dừa tiếp tục phát triển dù hạn mặn kéo dài
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Trong những tháng đầu năm, tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra khá phức tạp. Tuy nhiên công tác ứng phó với xâm nhập mặn được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, cùng với sự vận hành hiệu quả của hệ thống ngăn mặn trữ ngọt đã góp phần hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Do vậy các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì và phát triển.
Nuôi tôm công nghệ cao tại Bến Tre - Ảnh: VGP/Hoàng Trung
Lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục phát triển trên các vùng nuôi trọng điểm, tăng diện tích nuôi tôm công nghệ cao; hoạt động khai thác thủy hải sản tuy còn chịu nhiều tác động của giá nhiên liệu, nguồn lợi thủy sản giảm nhưng vẫn duy trì đội đánh bắt xa bờ.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, người dân tập trung thu hoạch vụ lúa Mùa, Đông Xuân và tiến hành xuống giống, chăm sóc vụ lúa Hè Thu năm 2024. Diện tích gieo trồng và thu hoạch vụ lúa mùa và đông xuân 2024 là 5.668 ha, giảm 9,01% so cùng kỳ; tổng sản lượng thu hoạch khoảng 24.858 tấn, giảm 6,53% so cùng kỳ. Vụ lúa hè thu năm 2024 đã xuống giống được khoảng 3.748 ha, giảm 51,57% so cùng kỳ, phần lớn diện tích lúa đang giai đoạn mạ, thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít xảy ra nên cây lúa phát triển tốt. Diện tích rau các loại ước là 2.385 ha, tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng rau các loại thu hoạch được 39.444 tấn, tăng 3,96% so cùng kỳ.
Diện tích dừa toàn tỉnh hiện có khoảng 79.085 ha, tăng 1,88%, sản lượng 368,3 nghìn tấn, tăng 4,47% so năm trước. Tình hình sản xuất cây ăn quả còn gặp một số khó khăn do tình hình hạn mặn kéo dài. Hiện toàn tỉnh có 24.153 ha cây ăn quả, giảm 4,04%, tổng sản lượng trái cây các loại là 146,27 nghìn tấn, giảm 10,72% so cùng kỳ.
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đối mặt với nhiều khó khăn. Thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước nhiễm mặn, đàn vật nuôi dễ phát sinh các bệnh như tiêu chảy, viêm đường ruột... mặt khác chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú ý tăng cao là những nguyên nhân chủ yếu việc tái đàn trên địa bàn tỉnh diễn ra khá chậm, quy mô đàn vật nuôi giảm so cùng kỳ. Tổng đàn bò giảm 5,95%, đàn lợn giảm 4,12%, tổng đàn gà vịt ngan ngỗng giảm 3,5%. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước là 14.200 tấn, giảm 4,05%; thịt lợn hơi xuất chuồng ước là 34.210 tấn, tăng 0,67%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước 15.007 tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Về lâm nghiệp, sản lượng gỗ khai thác ước là 1.259 m3, so cùng kỳ giảm 23,47%; củi khai thác 10.849 ste, so cùng kỳ giảm 13,6%. Trong 6 tháng không xảy ra vi phạm về bảo vệ rừng và cháy rừng.
Tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh cơ bản có bước phát triển, khai thác thủy sản tiếp tục duy trì đội đánh bắt xa bờ. Tổng sản lượng thủy sản trong 6 tháng đầu năm ước 269.661 tấn, tăng 1,31% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tổng sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch ước là 147.011 tấn, tăng 5,61% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình nuôi cá tra tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá cả đầu ra ở mức thấp trong thời gian dài, trong khi chi phí nuôi thì ngày càng tăng, sản lượng cá tra thâm canh ước 54.779 tấn, giảm 1,16% so cùng kỳ năm trước. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm biển công nghệ cao tiếp tục đạt nhiều kết
Tổng sản lượng thủy sản khai thác ước 122.650 tấn, giảm 3,41% so với cùng kỳ năm trước.
Nhật Thy
Nam Định: Kinh nghiệm chuỗi sản xuất hữu cơ tại hợp tác xã Trường Xuân
Nguồn tin: Báo Nam Định
Gần 7 năm bắt tay vào sản xuất nông nghiệp, từng gặp nhiều “bài toán” khó trong việc cải tạo đất, lựa chọn cây trồng chủ lực, tuy nhiên việc kiên định với mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao theo tiêu chí “6 không” (không phân bón hoá học, không thuốc trừ sâu có nguồn gốc hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gien, không sử dụng chất bảo quản sau thu hoạch), Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy, Nam Định) đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, tạo dựng thương hiệu, từng bước hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.
Anh Trần Hữu Chung, Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy) hướng dẫn người làm vườn cách tạo bẫy dẫn dụ côn trùng hại dưa.
Vụ mùa bội thu
Cùng anh Trần Hữu Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Trường Xuân đi thăm cánh đồng 8ha xanh mướt một màu của dưa lê, dưa hấu đã đến kỳ thu hoạch, cái nắng hè chang chang dường như dịu lại. Anh Chung phấn khởi cho biết: Đến nay đã là năm thứ ba cây dưa bén duyên với đất Giao Lạc và cho năng suất bội thu. Năm nay thời tiết thuận lợi, người làm vườn có kinh nghiệm chăm bón, bấm ngọn, tỉa hoa nên năng suất càng cao hơn. Dự kiến vụ dưa năm 2024, HTX sẽ quay vòng từ 2,5 đến 3 lứa cho cả hai loại dưa lê và dưa hấu, năng suất ước đạt khoảng 200 tấn. Với giá bán lẻ từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg và điều chỉnh giá theo số lượng đăng ký, vụ dưa hứa hẹn mang về cho HTX khoảng 6-7 tỷ đồng. Toàn bộ sản phẩm thu hoạch đến đâu được các đầu mối ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, miền Trung đã hợp đồng đặt lịch thu mua để cung ứng tại các cửa hàng thực phẩm sạch. Bà con trong vùng muốn mua dưa đều phải dặn trước nhà vườn.
Anh Trần Tuấn Anh, khách hàng thường xuyên của HTX Trường Xuân cho hay: Đã 3 năm nay cứ đầu vụ, tôi từ Nghệ An ra đây xem dưa để đặt hàng cung ứng cho chuỗi thực thẩm sạch ở địa phương. Sau đấy, HTX cứ theo lịch gửi dưa vào theo hợp đồng tới hết mùa. Sở dĩ ở ngay vùng “đất dưa” mà chúng tôi phải cầu kỳ ra đây bởi dưa của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, chất lượng lại ngon; cả dưa lê và dưa hấu đều thơm, giòn, đậm vị, lưu hương lâu và thời gian sử dụng dài ngày hơn hẳn các sản phẩm cùng loại, đặc biệt an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Không những thế, HTX còn đảm bảo ổn định chất lượng với số lượng cung ứng lớn, đều như tại đây; điều mà ít đơn vị làm được. Giá bán có cao hơn so với thị trường, đặc biệt là dưa hấu cao hơn giá nhập của vùng dưa Ninh Thuận hay một số tỉnh ở phía Nam nhưng vẫn trong biên độ chấp nhận được do sản phẩm được chúng tôi hướng phân phối đến nhóm khách hàng cao cấp.
Công cuộc “đãi cát tìm vàng”
Vùng đất bạc màu, nhiễm phèn mặn trồng lúa kém hiệu quả trước đây nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nay đã hóa “vàng” với thu nhập tăng gấp hàng chục lần so với trước đây. Để có được thành quả này, từ nhiều năm trước anh Chung đã quyết chí đầu tư cải tạo đất, chuyển đổi sản xuất. Anh đã ưu tiên cải tạo đất theo phương pháp hữu cơ và chăn nuôi gia súc, gia cầm tự nhiên. Theo đó, ngoài diện tích quy hoạch làm đường giao thông, đào ao và xây dựng chuồng trại, năm đầu toàn bộ diện tích được anh trồng các loại cây thuộc họ đậu đỗ, vừng, lạc, khoai lang, điền thanh... chỉ để cho trâu, bò, gà ăn lá và cày lật thân cây, vùi xuống để thuần hóa đất. “Thuốc” phòng trừ sâu bệnh, dịch hại cũng được anh tự chế từ những loại cây có nhiều tinh dầu như tỏi, sả, bạc hà, chanh, ớt và các nguyên liệu tự nhiên như mật ong, tro bếp... Phân bón cho cây trồng là dịch đạm cá, trứng hỏng kết hợp với chế phẩm sinh học dòng EM. Kiên trì như thế sau nhiều năm đất mới phục hồi. Đến khi cây dưa có thể lớn lên, xanh tốt cũng mất quá 3 năm. Bắt đầu xuống giống dưa từ tháng 3 và thu hoạch vào các tháng 6, 7, 8. Ngoài kỹ thuật chăm bón, bấm ngọn, tỉa hoa, dưỡng trái và chế độ bổ sung dinh dưỡng, phòng trừ dịch hại theo hướng hữu cơ thì việc làm đất trước khi vào vụ mới cũng được anh thực hiện theo chu trình tuần hoàn, thuận tự nhiên. Đó là anh khoanh vùng quây thả đàn gà cho tự bới đất nhặt cỏ, kiếm sâu bọ làm thức ăn; khoảng mươi lăm ngày đến một tháng lại dịch chuyển đàn gà sang khu vực khác. Lượng lớn chất thải của gà bổ sung dinh dưỡng cho đất, toàn bộ cỏ, mầm sâu bệnh trong đất cũng được đàn gà nhặt sạch nên giúp anh hạn chế tối đa phải dùng thuốc và công diệt cỏ, bón phân trước khi làm đất. Toàn bộ trang trại được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng qua nước vừa tiết kiệm nguyên liệu, nhân công và tối ưu chi phí đầu tư.
Từ cánh đồng gần như không cho thu nhập trước đây, anh Chung đã biến thành “cánh đồng vàng” với thu nhập 5-7 tỷ đồng mỗi năm. HTX Nông nghiệp Trường Xuân do anh thành lập đã được trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu” năm 2017 - Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức. Chọn cây dưa làm sản phẩm chủ lực ở thời điểm này nhưng anh Chung vẫn không ngừng nghiên cứu để sản phẩm được tiếp tục nâng cao chất lượng và tập trung cải tạo đất hướng đến những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn như măng tây và một loại rau có giá trị xuất khẩu.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Người nuôi heo đạt lợi nhuận tốt sau giai đoạn khó khăn
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Sau thời gian dài giá heo ổn định ở mức thấp, từ cuối tháng 5 đến nay, giá heo hơi liên tục điều chỉnh tăng, có thời điểm chạm mức 70 ngàn đồng/kg, cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây.
Trang trại nuôi heo tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc
Với mức giá hiện nay, người chăn nuôi đang có lợi nhuận tốt để tái đầu tư. Tuy nhiên, theo cảnh báo từ các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, người nuôi heo nên tính toán cẩn trọng trong việc tái đàn, tăng đàn trong giai đoạn hiện nay khi giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao, rủi ro dịch bệnh lớn.
Giá tăng vì nguồn cung giảm
Theo các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ sau dịch Covid-19 đến nay, heo hơi thường ổn định ở mức giá thấp, thậm chí có thời điểm bán ra dưới giá thành sản xuất. Trong suốt thời gian dài, người chăn nuôi heo gặp rất nhiều khó khăn.
Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, tính đến cuối tháng 5 năm 2024, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh chỉ hơn 2 triệu con, giảm 4,28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân đàn heo giảm là do giá heo hơi ở mức thấp trong thời gian dài khiến nhiều cơ sở chăn nuôi phải “treo" chuồng hoặc bỏ nghề vì thua lỗ.
So với tuần trước, hiện giá heo hơi bán tại trại có giảm từ 2-3 ngàn đồng/kg, đang dao động từ 66-68 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này, người chăn nuôi vẫn đạt lợi nhuận cả triệu đồng trên mỗi con heo xuất chuồng. Giá heo hơi tăng cao là cơ hội để người chăn nuôi thu được lợi nhuận tốt bù cho giai đoạn khó khăn trước đó.
Một chủ trại heo tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc cho biết, trang trại vừa xuất lứa heo hơn 300 con với giá 68 ngàn đồng/kg heo hơi. Với mức giá này, trừ tất cả các khoản chi phí, người nuôi thu về lợi nhuận được hơn 1 triệu đồng/con. Phấn khởi hơn là giá heo hơi bắt đầu tăng cao từ tháng 5 nên hơn 1 tháng qua, trang trại đã xuất bán được trên 400 con với giá tốt.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh nhận xét, đây là đợt tăng giá khá bất thường so với quy luật thị trường. Vào mùa hè, giá heo hơi thường rất ít biến động và ổn định so với các thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên, năm nay, giá heo hơi lại không ngừng leo thang khi thị trường tiêu thụ vào mùa thấp điểm. Nguyên nhân khiến giá heo hơi tăng cao là do nguồn cung giảm mạnh vì thời gian trước, heo hơi bán ra thấp, nhiều thời điểm dưới giá thành sản xuất. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại cao, rủi ro dịch bệnh lớn khiến người chăn nuôi giảm đầu tư khiến nguồn cung heo thịt hiện nay giảm mạnh so với cùng kỳ mọi năm. Ông Đoán cho biết thêm: “Giá heo hơi tăng cao do nguyên nhân nguồn cung giảm mạnh. Trong đó, chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm đàn, thậm chí treo chuồng vì khó khăn. Khi giá heo tăng cao như hiện nay, đa số người chăn nuôi nhỏ lẻ không được hưởng lợi”.
Không nên đua nhau tăng đàn
Ăn theo giá heo hơi, giá heo hậu bị, heo con giống cũng tăng cao. Hiện giá heo hậu bị đang bán ra thị trường ở mức hơn 10 triệu đồng/con, cao hơn từ 2-3 triệu đồng/con so với thời thấp điểm. Giá heo con giống cũng tăng cao lên mức từ 2-2,2 triệu đồng/con, tăng hơn gần 1 triệu đồng/con so với trước.
Đây là cơ hội để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi đẩy mạnh cung cấp nguồn heo hậu bị, heo giống cũng như tăng đàn heo thương phẩm. Đại diện công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam (tỉnh Long An) cho hay, doanh nghiệp đang liên kết với nhiều trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn Đồng Nai. Năm 2024, kế hoạch của doanh nghiệp là đạt mức tăng trưởng khoảng 30% về tổng đàn nuôi so với năm ngoái. Thời điểm này, ngoài cung cấp heo thịt ra thị trường, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh cung cấp heo hậu bị, heo con giống đáp ứng nhu cầu tái đàn của người nuôi.
Tuy nhiên, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai lại đưa ra cảnh báo, giá bán heo hơi của người nuôi đang ở mức đạt lợi nhuận tốt nhưng về thị trường tiêu thụ lại bất lợi. Vì giá tăng cao khiến sức tiêu thụ của thị trường càng chậm hơn. Việc nguồn cung heo đang giảm so với trước nhưng đây chỉ là tạm thời và sẽ sớm ổn định trong thời gian tới. Thời điểm hiện nay, người chăn nuôi nên cẩn trọng tính toán trong việc tăng đàn, tái đàn để không gặp rủi ro kép về dịch bệnh và giá bán ra không phải lúc nào cũng ổn định ở mức cao như hiện nay.
Nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng cùng chung nhận định nên tính toán kỹ trong đầu tư tái đàn, tăng đàn trong giai đoạn hiện này. Vì tuy giá heo hơi tăng cao nhưng các chi phí chăn nuôi từ con giống đến thức ăn chăn nuôi và các khoản chi khác đều khá cao. Đặc biệt tái đàn thời điểm này, hơn 3 tháng sau mới có heo xuất chuồng thì thị trường khó giữ được giá tốt như hiện nay.
Theo các chủ trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh, hiện thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, nguy cơ dịch bệnh trên vật nuôi, nhất là nguy cơ bùng phát bệnh dịch tả heo châu Phi lớn. Người chăn nuôi không chạy đua tái đàn, tăng đàn mà chú trọng các giải pháp an toàn dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi.
Song Lê
Mùa… chăn thả, vỗ béo đàn gia súc
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Hàng năm, khi thời tiết chuyển sang mùa mưa là thời điểm thích hợp cho nhiều người thực hiện công việc chăn thả, vỗ béo đàn gia súc. Thời điểm này, trên các cánh đồng hay vùng đất trống, cỏ non bắt đầu mọc lên xanh tốt và tạo ra nguồn thức ăn phong phú cho đàn gia súc.
Người dân chăn thả bò trong các khu rừng tràm ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán
Tận dụng nguồn thức ăn phong phú ngoài tự nhiên
Hơn một tháng nay, những cơn mưa đầu mùa “tưới mát” đã giúp cho các khu rừng tràm ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) mọc nhiều cây, cỏ non tươi tốt. Vì vậy, ông Tư Tạo (người dân địa phương) quyết định thuê thêm người cùng phụ gia đình lùa đàn bò đi chăn thả để tìm thức ăn tươi ngoài tự nhiên cho đàn bò. Công việc này được ông duy trì từ nhiều năm nay, giúp đàn gia súc phát triển khỏe mạnh, chất lượng tốt và được thương lái mua với giá cao.
Ông Tư Tạo cho biết, ông quê ở miền Tây, cùng gia đình đến vùng đất Thanh Sơn lập nghiệp đã hơn 40 năm. Từ 2 bàn tay trắng, ông chí thú làm ăn và không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, ông đã sở hữu hàng chục hécta đất; trong đó, ông đầu tư nhiều loại cây trồng, từ cây ngắn ngày (bắp, mì, đậu…) cho đến cây dài ngày (tràm, xoài, tiêu…).
Ngoài trồng trọt, ông Tư Tạo còn đầu tư chăn nuôi gia súc. Ông đã tận dụng vùng đất rộng lớn và có nhiều cây, cỏ vào việc đầu tư chăn nuôi bò. Từ vài con ban đầu, số lượng đàn bò hiện đã tăng lên trên 100 con lớn, nhỏ. Các khoản thu nhập trên đã giúp cuộc sống gia đình ông ngày càng khấm khá.
“Công việc chăn thả bò rất cực khổ, bò đi đến đâu thì người chăn dắt phải đi đến đó và theo dõi thường xuyên, không để đàn bò đi tràn ra đường giao thông. Nếu công việc chăn thả lơ là thì có thể đàn bò sẽ tự tìm ăn phá hoa màu của hộ dân hoặc di chuyển trên đường, gây mất trật tự an toàn giao thông...” - ông Tư Tạo bộc bạch.
Mùa mưa năm nay, ông Thổ Xương (ngụ khu phố Ruộng Lớn, phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh) quyết định rủ thêm một số người bạn trong làng cùng đi chăn bò nhằm hỗ trợ nhau quản lý đàn gia súc cho đảm bảo. Nơi nhóm của ông Thổ Xương thường chọn chăn thả bò là các khu đất trống hoặc những cánh đồng đã thu hoạch nông sản và có nhiều thức ăn tươi cho đàn bò ăn no.
Ông Thổ Xương cho biết, người dân ở làng dân tộc Chơro phường Bảo Vinh gắn bó với nghề nuôi bò theo kiểu “bán hoang dã” đã hơn 40 năm và công việc lùa bò đi chăn thả có thể diễn ra quanh năm. Tuy nhiên, mùa khô thường khan hiếm thức ăn tươi nên người dân ít chăn thả mà chủ yếu nuôi nhốt trong chuồng trại, cho ăn các loại thức ăn tự làm (cỏ trồng, các loại phụ thẩm nông nghiệp như: rơm khô, bắp, mít, khoai…). Còn mùa mưa, lượng thức ăn tươi có ngoài tự nhiên rất nhiều nên bà con tăng cường chăn thả nhằm vỗ béo đàn gia súc.
“Mùa mưa, nguồn thức ăn nhiều nên đàn bò thường dừng lại một khu vực để ăn cỏ, lá cây đến khi nào hết thì mới di chuyển đến nơi khác. Tuy nhiên, công việc chăn thả rất cực, vì phải dầm mưa lạnh lẽo suốt cả ngày ngoài đồng cùng đàn gia súc” - ông Thổ Xương chia sẻ.
Xuất thân trong gia đình nghèo khó, ông Thổ Xương không mặc cảm mà luôn tìm cách để vươn lên trong cuộc sống. Thấy ông siêng năng, làm giỏi nên chính quyền địa phương giới thiệu cho ông vay nguồn vốn chính sách ưu đãi để mua bò giống về nuôi. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, con bò giống phát triển khỏe mạnh và sinh sản nhiều, giúp số lượng đàn bò của ông ngày càng nhiều hơn.
“Sau mỗi mùa vỗ béo, tôi quyết định bán bớt vài con bò (chỉ duy trì khoảng 10 con lớn, nhỏ) để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Ngoài ra, tôi còn nhận chăn thả, chăm sóc bò thuê cho một số người trong làng. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo từ nhiều năm nay và hiện có cuộc sống ổn định” - ông Thổ Xương tâm sự.
Dần thay đổi cho phù hợp với thực tiễn
Vào mùa mưa, nguồn thức ăn ở ngoài tự nhiên rất dồi dào. Cho nên, vợ chồng ông Nguyễn Văn Toàn (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) quyết định tăng đàn gia súc bằng việc tìm mua những con gia súc còn nhỏ hay gầy ốm rồi đưa về chăn dắt, vỗ béo. Cách làm này vừa giảm chi phí đầu tư thức ăn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Toàn cho biết, gia đình ông làm nghề chăn nuôi bò theo kiểu “du mục” đã gần 10 năm nay. Mỗi năm cứ tầm khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch (khi thời tiết có dấu hiệu chuyển sang mùa mưa), ông bắt đầu đi khắp nơi tìm mua những còn bò nhỏ tầm 1-2 năm tuổi hay bò gầy ốm (với số lượng từ 20-30 con lớn, nhỏ) đưa về nuôi thúc, vỗ béo.
Từ đó, hàng ngày, sau khi chu toàn việc nhà cửa xong, vợ chồng ông Toàn bắt đầu lùa đàn bò ra các vùng đất trống nằm ven Khu công nghiệp Thạnh Phú hay các cánh đồng lân cận để chăn thả. Khi đã đến khu vực có nguồn thức ăn nhiều, ông Toàn mới yên tâm bàn giao công việc chăn dắt cho vợ rồi tranh thủ đi cắt cỏ nhằm bổ sung nguồn thức ăn tươi cho đàn gia súc. Vợ chồng ông thay phiên nhau chăn thả bò cho đến chiều tối rồi mới lùa đàn bò trở về nhà nghỉ ngơi, kết thúc một ngày rong ruổi trên đồng cùng đàn gia súc của mình…
Gia đình ông Toàn chăn dắt, nuôi vỗ béo đàn bò cho đến hết mùa mưa (khoảng 6 tháng) rồi sau đó xuất bán bớt, chỉ giữ nuôi vài con bò giống tốt để chờ mùa mưa năm sau lại tiếp tục đầu tư tăng đàn. Cách “bỏ công làm lời” này đã giúp gia đình anh tiết kiệm chi phí đầu tư thức ăn, vừa cho lợi nhuận kinh tế cao.
“Mùa khô, thức ăn có sẵn trong tự nhiên khan hiếm, đàn gia súc di chuyển nhiều khiến việc chăn thả gặp nhiều vất vả mà hiệu quả không cao. Do đó, chúng tôi chỉ chăn thả đàn bò từ đây cho đến hết mùa mưa, sau đó chuyển sang phương án nuôi nhốt vào mùa khô. Chờ cho mùa mưa năm sau đến, công việc chăn thả lại tiếp tục. Nghề chăn nuôi gia súc theo hình thức “du mục” tuy nhọc nhằn nhưng đã giúp cho gia đình có công ăn việc làm, thu nhập đảm bảo và có điều kiện lo cho con ăn học” - anh Toàn tâm sự.
Ông Nguyễn Phúc Linh (người dân sống lâu năm ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) cho biết, nghề chăn nuôi bò theo hình thức “bán hoang dã” đã có từ nhiều năm trên địa bàn huyện Xuân Lộc. Trước đây, đất trống nhiều, tạo nên nguồn thức ăn tươi ở ngoài tự nhiên rất phong phú. Nghề chăn thả bò nhờ đó diễn ra khá thuận lợi.
Tuy nhiên, những năm gần đây, đất trống ngày càng thu hẹp, thay vào đó là các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hay các công trình dự án… Từ đó, thức ăn cho gia súc ở ngoài tự nhiên trở nên thu hẹp, khan hiếm, đặc biệt là vào mùa khô. Do vậy, nghề chăn nuôi gia súc bằng hình thức thả rông không còn phổ biến như trước đây, mà chủ yếu diễn ra vào mùa mưa. Thời gian còn lại, người dân nuôi nhốt chuồng trại và vỗ béo đàn gia súc bằng thực phẩm công nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp.
Hiện nay, một số người dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào nuôi vỗ béo đàn gia súc bằng nuôi nhốt chuồng trại 100%, chứ không còn chăn thả theo hình thức “bán hoang dã” nữa…
Nhân Nhân
Hiếu Giang tổng hợp