Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 31 tháng 7 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 31 tháng 7 năm 2024

 

Ông Triếk Krằng trồng sầu riêng trên đất dốc

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Mảnh đất Thôn 2, xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) còn rất khó khăn, với những mảnh ruộng, vườn trên dốc cao chất ngất. Một người nông dân bản địa đang đón những trái sầu riêng ngọt đầu mùa.

 

 

Ông Triếk Krằng bên vườn sầu riêng chuẩn bị thu hoạch

Ông Triếk Krằng, nông dân Thôn 2, xã Liêng S'rônh đang chờ ngày thu hoạch những trái sầu riêng đầu vụ. Là một trong những nông dân hiếm hoi của Thôn 2 tại vườn bắt đầu có trái thu hoạch, ông Triếk Krằng đang rất phấn khởi vào tương lai cho cây sầu riêng. Ông Triếk Krằng kể lại, 3 ha đất của gia đình ông rất dốc, trước đây trồng cây cà phê. Tuy nhiên, đất dốc, cà phê khó chăm sóc nên năng suất cũng không được cao. Bởi vậy, học hỏi những nông dân, những vườn trồng sầu riêng lân cận, năm 2019, ông Triếk Krằng quyết định xuống giống, trồng xen sầu riêng vào rẫy cà phê. Với địa hình nơi đây quá dốc, việc chăm sóc, đi lại thực sự rất khó khăn đối với gia đình ông. Mang được một bao phân lên đỉnh để bón cho cà phê, sầu riêng cũng tốn rất nhiều công sức. Dù vậy, chủ yếu vẫn là người nhà tự bỏ công sức lao động để chăm sóc khu vườn.

Tuy đất dốc gây khó khăn cho việc chăm sóc nhưng sầu riêng trồng trên đất dốc cũng có lợi thế, ông Triếk Krằng đánh giá. Trồng cây sầu riêng, nông dân sợ nhất việc bộ rễ bị úng nước, gây bệnh. Khi trồng trên đất dốc, do phân tầng mạnh, đất dễ trôi nước nên cây ít bị cạnh tranh ánh sáng, rễ khoẻ. Cũng vì vậy, vườn sầu riêng của ông khỏe mạnh và rất ít phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ông Triếk Krằng chia sẻ: “Cây sầu riêng là cây trồng rất khó tính, bản thân tôi trồng sầu riêng cũng thấy khó vì kĩ thuật cao, đòi hỏi lượng phân hữu cơ, phân Kali, bón đúng, bỏ đủ. Như khi vườn sầu riêng đang có trái, chỉ cần cây ra một đợt đọt non là trái rụng sạch. Tôi phải học những nhà vườn lân cận phun phân Kali nồng độ cao để cháy đọt, dinh dưỡng tập trung cho trái. Chỉ cần không để ý, không nắm được kỹ thuật, người trồng sầu riêng không có thu”.

Ông Triếk Krằng cũng thừa nhận, mức đầu tư cho một cây sầu riêng là rất cao, từ 2-3 triệu đồng/gốc khi trồng cho đến khi thu hoạch. Cộng với thời gian chờ đợi khá lâu, trồng sầu riêng vẫn rất khó khăn với người nông dân, nhất là nông dân điều kiện kinh tế chưa tốt, sống tại vùng sâu, vùng xa như gia đình ông. Để giải quyết vấn đề, ông Triếk Krằng đã vay được vốn từ ngân hàng để đầu tư cho vườn sầu riêng. May mắn, vụ mùa sầu riêng 2024, gia đình ông Triếk Krằng đã thu được lứa trái bói. Ông cho biết, đợt thu bói này được 180 cây có trái, thương nhân đã tới thu mua, kiểm đếm và xác định có 2.000 trái đạt chuẩn loại một, khối lượng khoảng 6 tấn. Ông cũng cung cấp giá, thương lái đặt giá 78 ngàn đồng/kg. Ông vui mừng cho biết, với mức giá đó, dù là sầu riêng đầu mùa, ông vẫn nhận thấy hiệu quả của vườn sầu riêng.

Ông Triếk Krằng cũng là một nông dân nhạy bén với thị trường. Ông đang cùng cả vùng sầu riêng Đam Rông xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng. Bản thân vườn của ông đang thực hiện mã số vùng trồng, đáp ứng quy trình canh tác an toàn của ngành Nông nghiệp để trái sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu. Ông cung cấp, cán bộ ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn gia đình phun thuốc đúng kĩ thuật, dùng thuốc đúng danh mục, các loại phân bón cũng được kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng trái sầu riêng thơm, ngọt và không có dư lượng chất cấm.

Từ tấm gương của ông Triếk Krằng, bà con vùng Thôn 2, xã Liêng S'rônh cũng đang tích cực trồng xen sầu riêng vào diện tích cà phê. Ông Triếk Krằng nhận xét, trồng xen sầu riêng vào cà phê, trong giai đoạn sầu riêng kiến thiết, vẫn phải đầu tư, chăm sóc thì cây cà phê sẽ giúp bà con nông dân có thu nhập đều đặn hằng năm. Ông cũng đánh giá, với những nông hộ có điều kiện, đất dốc là một lợi thế. Ngoài việc đất dốc giúp cây sầu riêng khỏe mạnh, ít bệnh, đất dốc chỉ cần đầu tư một hồ tưới trên đỉnh, sau đó lắp đặt hệ thống ống và van tưới là có được hệ thống tưới tự động hoàn chỉnh với chi phí thấp, không cần sử dụng máy bơm. Về lâu dài, đầu tư hồ chứa, hệ thống ống sẽ giúp vườn sầu riêng chủ động được nước tưới cũng như tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Ông Kơ Să K’Rim - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liêng S'rônh đánh giá, hộ ông Triếk Krằng là nông hộ rất mạnh dạn trong thay đổi cơ cấu cây trồng. Xã Liêng S'rônh đất hầu hết rất dốc, hộ ông Triếk Krằng đã mạnh dạn đốn bớt cà phê, trồng sầu riêng Thái Monthon và năm 2024, ông Triếk Krằng đã có vụ mùa đầu tiên với 6 tấn. Đây là một tín hiệu rất vui với người nông dân vùng xa Liêng S'rônh, giúp bà con mạnh dạn đầu tư, vươn lên từ đất. Xã Liêng S'rônh cũng đang tích cực vận động bà con nông dân trồng sầu riêng thực hiện xây dựng mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu trái sầu riêng Đam Rông, xây dựng sản phẩm OCOP để đưa trái sầu riêng đi xa.

DIỆP QUỲNH

 

Giá thanh long ruột đỏ giảm mạnh

 

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

Hiện thanh long đang vào chính vụ thu hoạch. Sản lượng thanh long cho thu hoạch tăng cao hơn rất nhiều so với những tháng mùa nắng trong năm. Đây cũng là mùa mà nhiều nước, trong đó có Trung Quốc cho thu hoạch loại trái cây này, vì vậy giá thanh long giảm mạnh đặc biệt là thanh long ruột đỏ.

 

 

Nông dân tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc thu hoạch thanh long ruột đỏ.

Hiện thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 5-6 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 2 ngàn đồng/kg so với tháng trước đó, giảm khoảng 5 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính khiến thanh long có giá rẻ hơn nhiều lần so với những tháng người trồng phải thắp đèn làm nghịch vụ. Ngoài ra, mùa mưa, tỷ lệ trái thanh long đạt chuẩn xuất khẩu cũng đạt thấp hơn so với những tháng mùa nắng. Cây trồng này cũng dễ bị dịch bệnh, đặc biệt là bệnh nấm tắc kè nếu bùng phát thành dịch có thể làm cây trồng này suy kiệt. Trước tình hình giá giảm sâu, nhiều nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh đang tỉa bớt hoa nhằm giảm sản lượng thu hoạch vì giá bán thấp.

Song Lê

 

Vào vụ thu hoạch, giá thanh long lại giảm

 

Nguồn tin: Báo Long An

Thời điểm này, nhiều vườn thanh long tại huyện Châu Thành, TP.Tân An, tỉnh Long An chín rộ, nông dân tất bật thu hoạch nhưng giá bán thanh long đang xuống thấp.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Long An ước đạt 7.678ha, bằng 102,48% (tăng 185,70ha) so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 107.700 tấn, bằng 105,2% (tăng 5.150 tấn) so cùng kỳ.

Giá thanh long ruột đỏ đang giảm mạnh từ 15.000-20.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 1 tháng và đang ở mức thấp. Thanh long ruột đỏ loại 1 giảm còn 12.000-15.000 đồng/kg, trong khi trước đây, có thời điểm giá lên đến 42.000-43.000 đồng/kg. Thanh long ruột đỏ loại 2, loại 3 từ 30.000-37.000 đồng/kg, nay giảm xuống chỉ còn 5.000-9.000 đồng/kg.

 

 

Công nhân sơ chế thanh long tại kho chứa trên địa bàn huyện Châu Thành

Giá thanh long ruột đỏ giảm mạnh do nguồn cung tăng vì đang bước vào mùa thu hoạch rộ, đầu ra xuất khẩu chậm, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước yếu. Riêng giá thanh long ruột trắng ít biến động và đang ở mức từ 11.000-13.000 đồng/kg.

Giá thanh long giảm mạnh khiến nhiều nhà vườn lâm vào cảnh thua lỗ. Bởi với giá bán hiện tại, nhà vườn chỉ thu về được khoảng một nửa chi phí sản xuất. Bà Nguyễn Thị Lành (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Giá thanh long xuống thấp, số tiền bán thanh long không đủ trả cho nhân công thu hoạch, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... Nếu tình trạng này kéo dài thêm vài vụ nữa, có thể gia đình tôi phải chuyển sang trồng loại cây khác”.

Thông tin từ Sở Công Thương, thời gian qua, Sở tạo điều kiện để kết nối người trồng thanh long với các doanh nghiệp xuất khẩu, các chuỗi siêu thị, cửa hàng trong nước và quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thanh long Long An sang các thị trường mới tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ và châu Âu,...

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân trồng rải vụ theo nhu cầu thị trường và đẩy mạnh áp dụng các mô hình, quy trình kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành; chú trọng canh tác theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,... để nâng cao chất lượng trái thanh long, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Để ổn định đầu ra cho thanh long trong thời gian tới, nông dân cần chủ động áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng trái thanh long như sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, hạn chế hóa chất, bảo vệ môi trường; áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường liên kết với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ; tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo để cập nhật kiến thức mới; xây dựng mã số vùng trồng và thương hiệu thanh long Long An;.../.

M.Tuệ

 

Vĩnh Long: Phát triển vùng chuyên canh rau màu theo hướng an toàn

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

 

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Long đã phát huy tiềm năng và thế mạnh cây màu theo hướng định hình những vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nông dân (ND) chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu theo hình thức luân canh, xen canh. Qua đó, giúp ND nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại lợi nhuận kinh tế cao, bền vững.

Duy trì, mở rộng vùng sản xuất chất lượng, tập trung

Theo ngành nông nghiệp, diện tích sản xuất rau màu hàng năm của tỉnh khoảng hơn 45.000ha, với sản lượng khoảng 900.000 tấn. Nhờ các đặc thù về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên tỉnh có các vùng chuyên canh rau màu đặc trưng như: khoai lang (huyện Bình Tân), xà lách xoong (TX Bình Minh), dưa leo (huyện Tam Bình)…

Ngành nông nghiệp tỉnh đã chú trọng phát triển các vùng màu chuyên canh, hướng dẫn ND tuân thủ các quy trình sản xuất rau an toàn, chất lượng tốt để sản xuất và nhân giống. Thành lập các tổ hợp tác, HTX và kết nối với các doanh nghiệp để phát triển các loại rau màu lợi thế. Nâng cao ý thức áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Tại huyện Bình Tân, mô hình trồng khoai lang sạch theo hướng hữu cơ cho sản phẩm khoai lang có chất lượng tốt, năng suất ổn định, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với việc giảm chi phí đầu tư và giá bán cao hơn so với các ruộng khoai lang sản xuất theo cách truyền thống, mô hình đã mang lại lợi nhuận khá cao cho ND.

Chú Lê Văn Sáng (xã Thành Trung, huyện Bình Tân) cho hay: “Trước đây tôi trồng khoai lang theo cách truyền thống hiệu quả không cao. Do đó, tôi áp dụng biện pháp quản lý dịch hại theo IPM và tăng cường các chế phẩm vi sinh, từ đó, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho môi trường sinh thái và đáp ứng tốt nhu cầu của các thị trường khó tính hiện nay. Tôi cũng mong muốn sẽ góp phần phát triển thương hiệu và sức cạnh tranh của cây khoai lang huyện Bình Tân trên thị trường”.

Phát huy lợi thế sẵn có, tại xã Phước Hậu (huyện Long Hồ), ông Trần Văn Hiền- Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hậu cho biết: Hiện HTX đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao gồm 3 chủng loại rau mùi là cây rau ngò gai, rau thơm và tía tô. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX tiếp tục mở rộng thị trường, tạo việc làm ổn định cho xã viên, giúp ND nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận”.

Còn tại xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình), một trong những địa phương trồng màu nhiều nhất của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ Nguyễn Hoàng Diệu cho biết, trước đây, xã chủ yếu sản xuất lúa luân canh với màu.

Qua thời gian, nhận thấy trồng màu có hiệu quả kinh tế cao hơn nên người dân mạnh dạn chuyển đổi sang chuyên canh màu từ đất lúa kém hiệu quả. 6 tháng đầu năm, diện tích trồng màu toàn xã trên 820ha, trong đó màu ruộng trên 385ha. Xã tiếp tục duy trì vùng sản xuất màu tập trung ở ấp Bình Quý, ấp Nhứt, ấp Đông Hậu…, đồng thời tiếp tục phát triển ở những nơi có điều kiện. “Qua đánh giá, việc chuyển đổi từ cây lúa sang cây màu đã tăng lợi nhuận cho ND gấp 3-5 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích, vừa góp phần cải tạo đất, tăng phù sa, màu mỡ cho đất”- ông Diệu cho biết thêm.

Xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng an toàn

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, ND trồng rau tập trung đầu tư chăm sóc, sử dụng giống mới, áp dụng các phương pháp canh tác tiến bộ như dùng màng phủ nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, tăng cường sử dụng phân hữu cơ… Nhờ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, nên ND cũng an tâm sản xuất mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của ND. Bên cạnh đó, chưa có sự khác biệt về giá trị nông sản có chứng nhận VietGAP và không có chứng nhận. Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ bền vững chưa thật sự mạnh mẽ, còn thiếu liên kết giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất thông qua các tổ hợp tác, HTX. Chưa thật sự thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư liên kết trong sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản để từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ…

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phương hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh là chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Để thực hiện đạt mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch, dự án, nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nói chung, rau màu nói riêng, theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Đáng chú ý, ngoài tập trung hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn thì tỉnh sẽ phát triển ngành chế biến rau quả để nâng cao giá trị. Trong đó, đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”. Kế hoạch này hướng đến mục tiêu ngành chế biến rau quả đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường; có trình độ công nghệ tiên tiến gắn với các vùng sản xuất rau củ quả tập trung, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm có khả năng cạnh tranh cao.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là: thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa đầu tư vào ngành chế biến rau quả của tỉnh. Đến năm 2030, trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau củ quả xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trình độ và công nghệ sản xuất tiên tiến; công suất chế biến đạt 24.000 tấn sản phẩm/năm, gấp đôi so với năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng vùng luân canh màu trên ruộng lúa; phát triển sản xuất rau an toàn, đặc biệt là các loại rau có giá trị kinh tế cao. Xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng đảm bảo sản xuất an toàn thực phẩm để tiến tới được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,… Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tuyên truyền, hướng dẫn ND áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm…

Bài, ảnh: THẢO LY

 

Độc đáo dừa tươi nắp khoen

 

Nguồn tin:  Báo Kiên Giang

Huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) có diện tích trồng dừa khoảng 500ha. Những trái dừa tươi nay được nâng giá trị nhờ vào việc thay đổi “ngoại hình” và khắc chữ lên trái.

Người dân trồng dừa khu vực U Minh Thượng chủ yếu bán trái tươi và khô cho thương lái. Chị Phan Kim Cương - chủ cơ sở dừa tươi tiện lợi Coco An Nhiên ở tổ 8, ấp Công Sự, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) cho biết: “Dừa U Minh Thượng có vị ngọt, thơm nhưng giá bán thấp và không ổn định, vì vậy tôi tìm hiểu trên internet và áp dụng các phương pháp kỹ thuật để gia tăng giá trị cho trái dừa”.

Sau nhiều lần thử nghiệm, chị Kim Cương mạnh dạn đầu tư kho lạnh, máy mài, máy khắc chữ laser để tạo ra sản phẩm dừa tươi tiện lợi. Việc thay đổi “ngoại hình” và khắc chữ lên trái dừa giúp tăng giá trị cho trái dừa tươi và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Dừa sau khi thu hoạch sẽ được tách bỏ phần vỏ và tiến hành các bước gọt trọc, mài sơ dừa, ngâm qua nước chanh tươi để hạn chế dừa ngả màu. Trái dừa sau đó được quạt mát cho khô ráo và khắc khoen, khắc logo, khắc chữ theo yêu cầu của khách hàng.

 

 

Công nhân thực hiện các công đoạn thay đổi ngoại hình cho trái dừa.

Sản phẩm dừa nắp khoen của Coco An Nhiên hiện được phân phối tại các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê và chợ trong và ngoài Kiên Giang. Để tạo thương hiệu cho sản phẩm, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện U Minh Thượng hỗ trợ cơ sở dừa tươi tiện lợi Coco An Nhiên đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu và tham gia các cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện U Minh Thượng Ngô Chí Phong cho biết: “Sản xuất dừa tươi tiện lợi vừa tăng giá trị cho trái dừa U Minh Thượng vừa tránh tình trạng nông dân bị thương lái ép giá sau thu hoạch. Đầu tư ứng dụng máy móc, công nghệ mới đã giúp địa phương có thêm sản phẩm độc đáo, thu hút người tiêu dùng, giữ vững diện tích trồng dừa, ổn định thu nhập cho nông dân và phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn ở U Minh Thượng”.

Cuối tháng 7-2024, cơ sở dừa tươi tiện lợi Coco An Nhiên được tổ thẩm định đề án khuyến công địa phương năm 2024 thống nhất trình UBND tỉnh phê duyệt đề án khuyến công địa phương, hỗ trợ ứng dụng máy móc vào sản xuất dừa nắp khoen. Đề án hỗ trợ các máy như máy laser CO2 siêu tốc, máy bắn khoen dừa, máy mài bóng, máy băm sơ dừa, máy gọt vỏ dừa tự động.

Với các thiết bị này, năng suất sản xuất của cơ sở dự kiến tăng từ 1.500 trái/tháng lên 3.000 trái/tháng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Sản lượng dừa tươi nắp khoen sẽ tăng từ 25.000 trái/năm lên 40.000 trái/năm, doanh thu từ 400 triệu đồng/năm lên 880 triệu đồng/năm; lợi nhuận tăng từ 80 triệu đồng/năm lên 120 triệu đồng/năm.

Trong quá trình sản xuất, chị Kim Cương thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường như sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, xử lý nước thải bằng bể tự hoại, tái sử dụng sơ dừa làm phân bón, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng cháy, chữa cháy…

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Trương Văn Minh, tổ trưởng tổ thẩm định đề án khuyến công tỉnh Kiên Giang cho biết mục tiêu chính khi đầu tư máy móc tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Ngoài phân khúc khách hàng cao cấp tại các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch thì cơ sở sản xuất cần đa dạng sản phẩm dành cho khách hàng tại các hội nghị. Đây là mô hình tiềm năng, sản phẩm mới của tỉnh. Mô hình này không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

"Cơ sở sản xuất lưu ý tận dụng các phế phẩm trong quá trình sản xuất dừa tươi nắp khoen chế biến thêm các sản phẩm khác từ trái dừa", Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Trương Văn Minh đề nghị.

Bài và ảnh: KIỀU DIỄM

 

Vĩnh Long: Chủ động phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi mùa mưa bão

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Trước tình hình thời tiết mưa bão kéo dài dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi, người chăn nuôi đã chủ động chăm sóc, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tăng khả năng chống chịu, ngăn chặn mầm bệnh cho vật nuôi.

 

 

Người chăn nuôi cần tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi vào mùa mưa.

Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT), trong 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt; từ đầu năm đến nay không phát hiện bệnh lở mồm long móng và bệnh viêm da nổi cục.

Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn xuất hiện một số ổ dịch tả heo châu Phi và ổ dịch cúm gia cầm.

Cụ thể, phát hiện 3 ổ dịch tả heo châu Phi tại 3 xã thuộc huyện Trà Ôn, tiêu hủy trên 50 con heo với trọng lượng gần 4.900kg; 1 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn), tiêu hủy 3.500 con gà. Các loại dịch bệnh khác xảy ra lẻ tẻ, được mạng lưới thú y điều trị không gây thiệt hại lớn.

Trước nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, ngành chuyên môn cùng các địa phương đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất.

Có nuôi hơn 100 con gà, cô Lê Thị Thu (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) cho hay: “Mùa mưa nên gia cầm có sức đề kháng yếu hơn. Do đó, tôi vệ sinh sạch chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi mỗi ngày.

Định kỳ sát trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh để diệt mầm bệnh. Đồng thời, chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn gà trước mùa mưa bão. Những ngày mưa bão thường bị mất điện nên tôi dự phòng đèn để giữ ấm cho đàn gà”.

Có đàn bò gần 10 con, chú Nguyễn Thanh Hải (xã Bình Phước, huyện Mang Thít) cũng cho biết: “Mùa mưa tôi chú ý kiểm tra mái che chắn đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi.

Tôi cũng thường kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế ngập khi mưa to. Tôi cũng không chăn thả khi vào mùa mưa, cho bò ăn thức ăn sạch, uống nước sạch”.

Theo ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, sau khi phát hiện các ổ dịch bệnh, phòng nông nghiệp đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tiến hành dập dịch không để lây lan, đồng thời hướng dẫn địa phương hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ theo quy định.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục thực hiện công tác tiêm phòng vaccine, đặc biệt tăng cường công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng tại những khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Theo dõi giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm toàn huyện; phát triển đàn gia súc, gia cầm, khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp gắn với an toàn sinh học, ưu tiên 4 đối tượng nuôi: bò, heo, gà, vịt… chọn nuôi giống mới có năng suất và phẩm chất thịt tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản, thời gian qua, vẫn còn nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi và sự xâm nhập bệnh dại. Tái đàn trong chăn nuôi chậm do lo ngại dịch bệnh, giá con giống cao và giá bán không ổn định.

Nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, thời gian qua, ngành thú y tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, trong đó đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine với phương châm phòng bệnh là chính.

Song song đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; triển khai các đợt cao điểm tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.

Mới đây, Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản cũng đã nhận 12.800 lít hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch năm 2024. Hóa chất đã được giao cho các trạm chăn nuôi thú y và thủy sản các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm triển khai kịp thời đến người dân để thực hiện tiêu độc khử trùng trong môi trường chăn nuôi.

Thời gian tới, chi cục sẽ thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục và bệnh dại.

Nhanh chóng phát hiện và xử lý các ổ dịch theo quy định. Tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch, định kỳ tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Thực hiện công tác truyền thông học đường phòng chống bệnh dại chó.

Thực hiện kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm và kế hoạch chỉ đạo công tác tiêm phòng đợt 2/2024. Thực hiện kế hoạch vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, dự kiến 3 đợt.

Xây dựng mới và tái cấp 6 cơ sở an toàn dịch bệnh cúm gia cầm. Đồng thời, hướng dẫn thường xuyên chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi.

Theo đó, chi cục cũng khuyến cáo các cơ sở, hộ chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi; phát quang đường ra vào, phương tiện vận chuyển, thức ăn và sản phẩm gia súc, gia cầm, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Cơ sở kinh doanh ấp nở gia cầm, thủy cầm tập trung, cơ sở giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống ở khu vực nông thôn cần thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng; cơ sở nhà xưởng và khu vực buôn bán, phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật,... đúng theo hướng dẫn và quy định của cơ quan chức năng.

6 tháng đầu năm, Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh đã thực hiện tiêm phòng trên 4,5 triệu liều vaccine cúm gia cầm (đạt 88,42% kế hoạch, tăng 21,17% so với cùng kỳ); trên 70.800 liều vaccine dại chó (đạt 118,05% kế hoạch, tăng 50,49% so với cùng kỳ); 20.750 liều vaccine lở mồm long móng trâu bò (đạt 31,92% kế hoạch, tăng 10,73% so với cùng kỳ); 33.300 liều vaccine viêm da nổi cục (đạt 55,5% kế hoạch, tăng 1,09% so với cùng kỳ).

Bài, ảnh: THẢO LY

 

Phòng dịch tả lợn châu Phi từ ý thức người dân

 

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Mấy tháng gần đây, quanh khu vực gia đình anh Hoàng Văn Bắc ở xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) sinh sống bị dịch tả lợn châu Phi, có hộ phải tiêu hủy cả đàn lợn. Với nhiều hộ đây là tài sản lớn nhất của gia đình. Ổ dịch gần nhất cách nhà anh 50m, nhưng đàn lợn 34 con của gia đình anh Bắc vẫn bình an vô sự. Anh Bắc cho biết: "Bảo bối” của tôi là tiêm phòng bệnh và thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại. Khi thấy có dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tôi lên mạng tìm hiểu, tham khảo thông tin qua cán bộ thú y và nhiều người chăn nuôi về vắc xin tiêm phòng.

 

 

Nhờ chủ động tiêm phòng, thường xuyên khử trùng tiêu độc chuồng trại, đàn lợn của gia đình anh Hoàng Văn Bắc, xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) không bị mắc dịch bệnh.

Từ các kênh anh biết vắc xin dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE có lượng kháng thể cao, tỷ lệ phòng dịch đạt 93%. Nắm rõ thông tin, anh đặt mua vắc xin tiêm cho đàn lợn. Cán bộ thú y khuyến cáo, nếu thấy đàn lợn có hiện tượng ốm thì không nên tiêm vì lợn đã bị nhiễm bệnh. Sau khi tiêm đàn lợn vẫn khỏe mạnh. Anh Bắc cho biết thêm: Năm ngoái đàn lợn của gia đình đang độ lớn thì xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù chưa mắc dịch bệnh nhưng tôi vẫn quyết định bán cả đàn phòng rủi ro. Năm nay có vắc xin tiêm phòng nên tôi yên tâm hơn.

Thấy trên địa bàn xã, huyện xuất hiện dịch bệnh, gia đình ông Hùng ở xóm Tráng, xã Bình Thanh đặt mua vắc xin dịch tả lợn châu Phi về tiêm. Ông Hùng cho biết: Gia đình tôi chỉ có 2 vợ chồng, không có ruộng mà chỉ có ít đất đồi trồng luồng. Giờ tuổi cao nên không thể làm vườn, làm đồi. Kinh tế gia đình trông chờ vào đàn lợn và nấu rượu lấy phụ phẩm chăn nuôi. Biết có dịch nên tôi tìm hiểu và đặt mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn lợn 20 con; ngoài tiêm vắc xin, tôi thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại. Nếu đàn lợn bị dịch thì gia đình tôi không biết dựa vào đâu.

Đồng chí Đinh Văn Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: Đàn lợn của xã hiện có trên 2.000 con, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình nên xảy ra dịch rất khó kiểm soát. Ngày 20/6 vừa qua, khi có thông tin về dịch bệnh, UBND xã thành lập Ban chỉ đạo, đoàn kiểm tra, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên, báo cáo UBND huyện, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, thành lập đội phản ứng nhanh, thực hiện việc cách ly đàn những gia đình có lợn bị dịch. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch như khử trùng chuồng trại và tiêm phòng cho vật nuôi. Xã có 3 xóm là Mỗ, Giang, Lòn bị dịch tả lợn châu Phi với 11 hộ có lợn bị bệnh, phải tiêu hủy 35 con. Tuy nhiên, công tác phòng dịch của xã gặp nhiều khó khăn do một số người dân vẫn lơ là, chủ quan, chưa thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ 1 - 2 con nên không quan tâm đến việc phòng dịch. Mặt khác, do giá vắc xin cao nên các hộ chưa mặn mà với việc tiêm phòng.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Khi phát hiện dịch bệnh, ngành nông nghiệp đã phối hợp các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo dập dịch với hình thức vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Đồng thời tuyên truyền đến người chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng dịch. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh cơ bản không chế được dịch tả lợn châu Phi. Qua kiểm tra nhiều điểm dịch cho thấy, những hộ chăn nuôi có ý thức phòng dịch tốt, đầu tư tiêm phòng thì không xảy ra dịch bệnh. Với những người nuôi ít, chủ quan vẫn sử dụng thịt lợn trong vùng dịch, khi lợn bị chết vì dịch cố tình bán thì dịch rất dễ xảy ra.

Việt Lâm

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop