Trồng ổi Ðài Loan theo hướng hữu cơ
Nguồn tin: Báo Bình Định
Anh Nguyễn Bảo Toàn, ở thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa là người đầu tiên mang giống ổi Đài Loan về trồng theo hướng hữu cơ tại huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Dù vườn ổi của gia đình chỉ mới cho thu hoạch được gần 1 tháng nay, song hằng ngày anh Nguyễn Bảo Toàn nhận được hàng chục đơn đặt hàng.
Trước đây anh Toàn chỉ trồng các loại rau xanh trên đất vườn nhà, đầu năm 2023, nhận thấy giống ổi Đài Loan có nhiều đặc tính tốt, khả năng tiêu thụ sản phẩm cao, nhất là khi canh tác theo hướng hữu cơ, anh chuyển sang trồng gần 200 gốc ổi Đài Loan trên 1.500 m2 đất vườn.
Anh Nguyễn Bảo Toàn là người đầu tiên đưa giống ổi Đài Loan về trồng tại địa phương theo hướng hữu cơ. Ảnh: D.T.D
Anh Toàn xử lý đất trồng kỹ lưỡng, chỉ sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học để bón cho cây và cắt tỉa cành thường xuyên. Chỉ 6 tháng sau vườn ổi của anh bắt đầu cho trái bói, đến tháng thứ 10 ổi chín đều. Để bảo vệ quả khỏi các tác nhân và sâu bệnh bên ngoài, lúc quả non bằng ngón tay cái, anh dùng bao ni lông PP và bao xốp để bọc ổi. Mặc dù trung bình mỗi cây ổi cho tới 60 - 70 quả, nhưng anh chỉ giữ lại khoảng 30 quả, nhờ thế không chỉ trái ổi khá to (3 - 4 quả/kg) mà phẩm cấp cũng cao.
Anh Toàn cho hay: Chi phí của canh tác theo hướng hữu cơ cao hơn mức bình thường khá nhiều, nhưng hiệu quả mang lại cao hơn hẳn; hơn nữa, ổi Đài Loan lại cho thu hoạch quanh năm với chất lượng đồng đều nên rất đáng đầu tư. Nay trung bình mỗi ngày tôi thu hoạch từ 10 - 15 kg ổi, bán được với giá rất khá - 20.000 đồng/kg; hiệu quả cao hơn gấp 3 - 4 lần các loại cây ăn trái khác ở địa phương.
Bà Trần Thị Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa (huyện An Lão), cho biết: Mô hình trồng ổi theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Bảo Toàn là mô hình đầu tiên ở địa phương và may mắn đã sớm cho thấy hiệu quả tốt. Thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình, đồng thời vận động hộ có nhu cầu trên địa bàn tham quan, học tập mô hình của anh Toàn nhằm chuyển hướng sang trồng loại cây ăn quả theo hướng nông nghiệp hữu cơ an toàn, bền vững.
DIỆP THỊ DIỆU
Thời tiết cực đoan, thanh trà nhiều nơi gần như mất trắng
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Người trồng thanh trà Dương Hòa - nơi có diện tích thanh trà lớn nhất TX. Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) - đang phải đối mặt với một vụ mùa thất bát khi khoảng 80% diện tích thanh trà đang cho thu hoạch mất trắng.
Sương muối khiến người trồng thanh trà Dương Hòa lao đao
Ông Nguyễn Cửu Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa cho hay, hiện tại, hơn 20ha thanh trà (trong tổng số 30ha) đang cho thu hoạch của địa phương không ra quả hoặc quả thối và rụng. Diện tích thiệt hại phân bổ đều khắp các vùng trồng thanh trà trên địa bàn xã.
Nguyên nhân, theo ông Tuấn là do sương muối. “Thời điểm tháng 3 Dương lịch có 2 đợt sương muối, khi đó, thanh trà vừa mới đậu quả to khoảng ngón chân cái. Do nhiễm sương muối nên thời gian sau trái rụng dần, tiếp đó là rụng đồng loạt, cây nào trụ được thì số lượng quả không đáng kể và không đạt chất lượng. Thậm chí có cây, hiện quả đã to hơn nắm tay người lớn nhưng rồi cũng rụng”, ông Tuấn xót xa.
Năm 2023, tổng thu nhập từ thanh trà của bà con Dương Hòa khoảng 6-7 tỷ đồng. Với việc khoảng 80% diện tích thanh trà năm nay mất trắng, thì thiệt hại của người trồng thanh trà nơi đây cũng tương ứng.
Hiện, quả của 30% diện tích thanh trà còn lại không bị “dính” sương muối đang phát triển tốt và chờ người thu hoạch (vào khoảng cuối tháng 8). Tuy nhiên, do mất mùa nặng, nên kể cả khi “mất mùa – được giá” cũng không thể bù lại thiệt hại do thời tiết gây nên.
Không chỉ Dương Hòa, “thủ phủ” thanh trà của Huế thậm chí còn mất mùa nặng hơn khi gần 150ha thanh trà tại P Thủy Biều (TP. Huế) gần như mất trắng. Có vườn, thậm chí chẳng có nổi 1 gốc đậu quả. Nguyên nhân được cho là do thời tiết nắng nóng kéo dài, cây không thể phục hồi để ra quả như mọi năm.
Là loại cây được xác định tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị cao, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 4/7/2019 về kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thanh trà đến năm 2025. Định hướng đến năm 2025, tổng diện tích thanh trà hơn 1.058ha, diện tích cho sản phẩm 889ha.
Trên cơ sở này, bên cạnh việc Sở NN&PTNT đã xây dựng Đề án Phát triển cây ăn quả tỉnh giai đoạn 2021-2025, các địa phương, phòng, ban hữu quan cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn cho người trồng thanh trà trên địa bàn tỉnh về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhân giống…, qua đó, nhiều diện tích của loại trái đặc sản trên địa bàn tỉnh được mở rộng; cây bớt sâu bệnh, kích thước, chất lượng trái ngày càng cao…
Tuy nhiên, từ việc thanh trà ở Thủy Biều, Dương Hòa (và có thể thêm một số nơi khác trên địa bàn tỉnh) năm nay gần như mất trắng, ngoài phòng trừ sâu bệnh, các chuyên gia, các sở ngành hữu quan cần nghiên cứu thêm để từ đó đưa ra cảnh báo, biện pháp giúp người trồng thanh trà chủ động hơn trong ứng phó với thời tiết đang ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan như hiện nay.
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG
Lâm Đồng: Sâu bệnh hại trên cây cà phê, chè, sầu riêng tăng gần 700 ha so với cùng kỳ
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thống kê tới giữa tháng 5/2024, tình hình sâu bệnh hại cây trồng toàn tỉnh gây hại khoảng 12.000 ha. Các đối tượng sâu bệnh hại trên cây cà phê, chè, sầu riêng như: bọ xít muỗi, xì mủ, thối rễ, thán thư... tăng nhẹ so với cùng kỳ. Cơ quan chuyên môn đã kịp thời thực hiện các biện pháp kiểm soát, không để thành dịch gây thiệt hại cho sản xuất.
Cụ thể, trên cây sầu riêng bệnh xì mủ, thối rễ gây hại 2.793,7 ha tại Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên (408,6 ha nhiễm nặng), tăng 506,5 ha so với cùng kỳ; cây cà phê chè bị bệnh bọ xít muỗi gây hại nhẹ 2.044 ha (tăng 173,7 ha so với cùng kỳ); trên cây điều bọ xít muỗi gây hại 3.782,2 ha, bệnh thán thư gây hại 4.069,6 ha (29,5 ha nhiễm nặng), giảm 60,3 ha so với cùng kỳ; trên cây cà chua bệnh xoăn lá virus gây hại 55,2 ha (giảm 44 ha so với cùng kỳ);...
C.P
Giá heo hơi đạt đỉnh trong vòng 5 năm qua
Nguồn tin: Báo Phú Yên
Từ sau tết đến nay, giá heo hơi liên tục tăng, nhất là từ đầu tháng 4, giá heo hơi tăng rất mạnh và hiện đã chạm ngưỡng 69.000-70.000 đồng/kg hơi. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo những người chăn nuôi heo, hiện nay giá thành sản xuất khoảng 54.000 đồng/kg heo hơi vào thời điểm xuất chuồng. Với giá bán hiện tại thì khi xuất chuồng, người nuôi có thể lãi 15.000 đồng/ kg hơi. Tuy nhiên, khi heo đang có giá tốt như hiện nay thì đa số người nuôi heo lại không có heo bán.
Nguyên nhân là do giá heo hạ thấp trong suốt một thời gian dài, cộng với dịch bệnh diễn biến phức tạp, thức ăn chăn nuôi tăng cao nên nhiều người nuôi heo, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ đã phải giảm đàn hoặc bỏ chuồng.
Số liệu thống kê từ ngành Nông nghiệp cho biết, tổng đàn heo toàn tỉnh Phú Yên có khoảng 148.000 con. Hiện Trung tâm Giống nông nghiệp đang tập trung khai thác và cung ứng tinh heo giống với các loại giống chất lượng tốt như Landrace, Duroc, Pi-Du phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân.
SƠN CA
Đồng Nai: Huyện Cẩm Mỹ có hơn 4,8 ngàn cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Vài năm trở lại đây, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) phát triển mạnh ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo hướng quy mô công nghiệp, an toàn sinh học.
Trang trại nuôi bò công nghiệp tại huyện Cẩm Mỹ.
Đến nay, toàn huyện có hơn 4,8 ngàn cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm với 367 trang trại. Trong đó, 90% các trang trại chăn nuôi ứng dụng kỹ thuật như hệ thống phối trộn thức ăn, nước uống tự động hóa, ưu tiên sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên, an toàn. 95% trang trại chăn nuôi sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu cao.
25% trang trại chăn nuôi xây dựng hệ thống chuồng nuôi lạnh, khép kín, có hệ thống điều hòa nhiệt độ tự động, công nghệ xử lý chất thải tự động bằng hệ thống xử lý và có trên 90% các trang trại xử lý chất thải bằng hệ thống Biogas và đệm lót sinh học...
Năm 2023, tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng lên hơn 58,4% tổng giá trị ngành nông nghiệp. Địa phương tiếp tục tập trung phát triển nhiều trang trại có quy mô lớn và vừa, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thịt, trứng các loại gia súc, gia cầm.
Song Lê
Lào Cai: Chăm sóc đàn vật nuôi, thủy sản mùa nắng nóng
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Trước đây, gia đình ông Chảo A Sính, xã Bản Qua (Bát Xát, Lào Cai) bị chết 1 con trâu khi đi cày vào thời điểm nắng nóng. Rút kinh nghiệm từ năm đó, vào những ngày nắng nóng, ông Sính không cho trâu làm việc, chỉ chăn thả ngoài trời vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, cho trâu uống nước muối pha loãng và tắm 1 - 2 lần/ngày.
Bên cạnh đó, ông tăng cường lượng thức ăn xanh để trâu có sức đề kháng trong thời tiết nắng nóng, như cỏ tươi, cây ngô, cây chuối. Khi nắng nóng kéo dài, cán bộ thú y cũng hướng dẫn gia đình tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như vệ sinh chuồng trại, thu gom và xử lý chất thải đảm bảo chuồng nuôi sạch, thoáng, phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi. Hiện gia đình ông duy trì nuôi 9 con trâu, trong đó có 4 con trâu mẹ, một con trâu đực và 4 con nghé, tất cả đều khỏe mạnh.
Các hộ chăn nuôi gia cầm thời điểm này đã chủ động giảm mật độ nuôi, chỉnh trang lại chuồng trại để hạn chế nắng nóng. Bà Lê Thị Hằng, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) cho biết: Lứa trước, tôi nuôi hơn 4 nghìn con gà, nay giảm xuống 3 nghìn con. Tuy mới đầu hè nhưng thời tiết oi bức khiến gà kém ăn, phát triển chậm, tôi bổ sung vitamin C và các chất điện giải vào chế độ ăn, uống để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, tôi thường xuyên thay đệm lót sinh học giúp phân hủy phân gà, khử mùi, giữ vệ sinh chuồng nuôi, tạo môi trường sạch, thông thoáng.
Đối với nuôi thủy sản, người dân cũng chủ động các biện pháp chống nắng, nóng. Ông Lê Văn Hiến, xã Văn Sơn (Văn Bàn) cho biết: Gia đình tôi có hơn 2 ha ao nuôi thủy sản (cá, ba ba). Để thủy sản khỏe mạnh, tôi luôn theo dõi, duy trì mực nước trong ao nuôi, thả bèo ở các góc ao làm chỗ trú ẩn, tránh nắng cho cá, ba ba.
Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng và là điều kiện thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh, lây lan trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo thời tiết để tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp kỹ thuật khắc phục tình trạng nắng nóng, thiếu nước.
Đối với gia súc, gia cầm, cần thường xuyên kiểm tra chuồng trại, che chắn nắng và làm mát chuồng nuôi bằng cách phủ thêm lên mái các vật liệu chống nóng, nếu có điều kiện nên bố trí hệ thống phun nước làm mát trên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí quạt điện làm mát.
Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn chủ động nguồn cung cấp điện, nước đảm bảo phục vụ sản xuất; vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh, sử dụng các chế phẩm sinh học phun chuồng trại, xử lý phân để hạn chế dịch bệnh phát sinh; giảm mật độ nuôi nhốt, tăng cường dinh dưỡng, bổ sung BComplex, Vitamin C, chất điện giải vào nước uống để tăng cường sức đề kháng, chống stress nhiệt cho đàn vật nuôi. Đối với đàn gia súc lớn, vào những ngày trời nắng nóng, trong khoảng từ 10 giờ đến 15 giờ không chăn thả và bắt gia súc làm việc; đưa gia súc về chuồng trại hoặc đến nơi có bóng mát, cây xanh tránh nắng.
Các cơ sở sản xuất thủy sản chú ý bổ sung nước, đảm bảo số lượng, chất lượng nước phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cá. Thả bèo tây hoặc làm dàn mướp, bầu, bí trên mặt ao để giảm nóng và làm chỗ trú cho cá. Cơ sở nuôi cá lồng, bè trên hồ thủy điện cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi đảm bảo nước được lưu thông; di chuyển lồng về nơi râm mát, trường hợp không di chuyển được cần hạ thấp lưới lồng để đảm bảo nhiệt độ cho cá sinh trưởng và phát triển. Các cơ sở nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) tu sửa hệ thống bể ấp, bể ương, ao nuôi tránh tình trạng rò rỉ nước, điều chỉnh van cấp nước hợp lý, tránh tình trạng thiếu nước.
Trong thời gian nắng nóng, thiếu nước phải sử dụng thiết bị cần thiết (máy bơm, máy sục khí, máy tạo dòng, thiết bị cung cấp oxy, hệ thống lọc bán tuần hoàn...), đồng thời giảm khẩu phần ăn xuống từ 50% - 70% hoặc ngừng hẳn vào những ngày nắng nóng (nhiệt độ nước trên 35 độ C); không nên đánh bắt, vận chuyển cá vào thời điểm nắng nóng.
PV
Phía sau chuyện tăng giá heo hơi
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Từ giữa tháng 4 đến nay, giá heo hơi trên cả nước liên tục tăng và chính thức thiết lập đỉnh giá mới xung quanh mức 6,7 - 7 triệu đồng/tạ (100kg) vào cuối tháng 5 này. Cả mức giá lẫn thời điểm tăng giá đều khiến người chăn nuôi khá bất ngờ pha lẫn niềm vui sau thời gian dài giá heo hơi chỉ có biết giảm chứ không hề tăng.
Giá heo hơi tăng mạnh, nhiều trang trại chăn nuôi lớn tranh thủ tái đàn. Ảnh: TÍCH CHU
Bất ngờ là bởi theo quy luật, giá heo hơi thông thường chỉ tăng mạnh dịp cuối năm, từ tháng 11 cho đến cuối tháng 12 âm lịch, còn từ sau tết Nguyên đán, giá heo hơi sẽ giảm trở lại sau đó đi ngang. Bất ngờ, đó là điều mà hầu như người nuôi heo nào cũng cảm nhận được, bởi bao hy vọng về giá heo hơi sẽ tăng trở lại đều đã được họ đặt hết vào mùa cao điểm tiêu thụ dịp cuối năm 2023, đầu năm 2024 đã không hề xảy ra. Mọi hy vọng tưởng chừng như tan biến thì giá heo hơi bỗng tăng trở lại từ sau tết Nguyên đán và mức tăng ngày càng mạnh mẽ hơn kể từ giữa tháng 4 đến nay.
Không khó để lý giải cho sự bất ngờ này ở thời điểm hiện tại, khi suốt cả năm 2023, giá heo hơi thường chỉ ở mức 4,8 - 5,2 triệu đồng/tạ, trong khi giá thành tại các trại lớn đã là 5,5 triệu đồng/tạ, còn ở hộ nuôi nhỏ lẻ phổ biến mức 6 triệu đồng/tạ. Với mức giá trên, cứ mỗi tạ heo hơi bán ra, người nuôi bị lỗ bình quân 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, nên nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ phải giảm tổng đàn, thậm chí là ngưng nuôi do không còn vốn để tái đàn. Điều này đã làm nguồn cung heo hơi giảm mạnh so với nhu cầu thị trường và cùng với đó, lượng heo nhập lậu cũng giảm do giá heo hơi các nước xung quanh tăng trở lại, đẩy giá heo hơi trong nước tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ngay cả tỉnh Đồng Nai vốn được mệnh danh là thủ phủ chăn nuôi heo theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì tổng đàn cũng đã giảm 1,27% trong 4 tháng đầu năm.
Có thể nói, giá heo hơi tăng mạnh trở lại đã khiến người nuôi heo vỡ òa sung sướng vì với mức giá hiện tại, mỗi tạ heo hơi khi xuất chuồng sẽ mang lại mức lợi nhuận khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng. Chưa hết, nếu duy trì mức giá trên trong thời gian dài mức lợi nhuận của người chăn nuôi sẽ còn tăng lên, bởi giá thức ăn hầu hết đều đã giảm từ 10 - 20% so với trước. Tuy nhiên, không phải người nuôi heo nào cũng hưởng lợi được từ việc giá heo hơi tăng và đó cũng chính là nỗi buồn của những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, những trang trại đã không đủ sức cầm cự vượt qua giai đoạn giá heo hơi xuống thấp và kéo dài suốt cả năm 2023. Không những thế, hiện dù rất muốn tái đàn, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng gặp khó do giá con giống bắt đầu tăng và khan hiếm, trong khi giá heo hơi trong 4 tháng tới chưa biết sẽ như thế nào.
Thị trường vốn ẩn chứa nhiều biến số khó lường, riêng với ngành hàng chăn nuôi, các biến số có phần nhiều hơn và độ khó lường cũng cao hơn. Nhưng cũng chính từ những biến số khó lường và khắt khe đó đã góp phần làm nên những cuộc sàng lọc tự nhiên, từng bước loại bỏ dần quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ vốn đã lỗi thời trước các tiêu chí ngày càng cao về: chất lượng, giá thành, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường và mới đây nhất là phát thải khí nhà kính. Một khi thị trường đã định hình các tiêu chí trên thì người chăn nuôi sẽ không có con đường nào khác ngoài việc tuân thủ đúng theo các tiêu chí trên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ bị thu hẹp dần, tiến tới chấm dứt, chỉ còn lại những trang trại lớn được đầu tư bài bản đúng theo các quy định mới.
Thực tế diễn biến thị trường heo hơi hiện nay cho thấy, hầu như chỉ có những doanh nghiệp hay trang trại chăn nuôi quy mô lớn, có tiềm lực tài chính vững mạnh mới có sức chờ đợi giá heo hơi phục hồi và hưởng lợi từ cơ hội này. Đã có doanh nghiệp công bố mức doanh thu thuần hàng ngàn tỷ đồng cùng con số lãi gộp hàng trăm tỷ đồng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024 này. Cơ hội và rủi ro là 2 điều luôn song hành với người sản xuất, kinh doanh, và chỉ những ai biết hạn chế rủi ro, tranh thủ, nắm bắt tốt cơ hội thì mới có thể tồn tại và phát triển được, trong đó, ngành hàng chăn nuôi cũng không là ngoại lệ.
TÍCH CHU
Hiếu Giang tổng hợp