Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 5 tháng 6 năm 2025

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 5 tháng 6 năm 2025

 

Kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt hơn 28 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong tháng 5-2025, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam đạt 6,28 tỷ USD (tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2024).

Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam đạt 28,04 tỷ USD (tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2024).

Kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt hơn 28 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Ảnh nguồn internet

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 15,29 tỷ USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2024); giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 4,11 tỷ USD (tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2024); giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 7,48 tỷ USD (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2024); giá trị xuất khẩu đầu vào phục vụ sản xuất đạt 938,7 triệu USD (tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2024); giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 217,2 triệu USD (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2024)...

Về thị trường khu vực, châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông-lâm-thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2025 với thị phần chiếm 42%. Tiếp theo là khu vực châu Mỹ với 23% thị phần. Khu vực châu Âu xếp thứ 3 với 16,1% thị phần. Còn xét theo thị trường chi tiết, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2025 với thị phần lần lượt đạt 20,5%; 17,3% và 7,3%.

Năm 2025, ngành Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu tăng trưởng 4%. Đồng thời, phấn đấu đạt kim ngạch 70 tỷ USD trong xuất khẩu nông-lâm-thủy sản.

NGUYÊN VÕ

 

Tam Nông phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới gắn với sản phẩm đặc thù địa phương, xã Dân Quyền đã lựa chọn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá thính. Từ nguyên liệu cá có chất lượng cao khai thác tại cánh đồng Nung, cộng với những bí quyết từ cha ông để lại, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thượng Nông đã tạo ra sản phẩm cá thính đồng Nung đậm đà, ngậy thơm, trở thành món ăn gần gũi, thân thuộc bên mâm cơm của nhiều gia đình.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo của HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Bio Gold đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Bước tiến mới cho đặc sản cá thính đồng Nung đó là tháng 9/2022, sản phẩm đã chính thức được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và lên sàn thương mại điện tử. Đây là cơ hội để cá thính đồng Nung khẳng định vị trí trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. HTX đang đầu tư mở rộng sản xuất, tiêu thụ dự kiến đạt 30 tấn sản phẩm/năm, mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Tại xã Hiền Quan, để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng, HTX Dịch vụ thủy lợi Hiền Quan (tiền thân là Tổ hợp tác sản xuất tầm gửi cây gạo) đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP trà thảo mộc tầm gửi cây gạo được người tiêu dùng đánh giá cao. Bà Nguyễn Thị Định - Giám đốc HTX cho biết: Nhờ áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, HTX đã sản xuất ra các sản phẩm từ tầm gửi cây gạo, trong đó chủ lực là trà thảo mộc có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện Tam Nông nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương. Hiện, HTX duy trì sản xuất với quy mô vừa, sản lượng thu mua ước đạt trung bình 2.000kg tầm gửi tươi mỗi năm. Sau khi thu hái, sơ chế, băm nhỏ và phơi, sấy khô, đóng gói, sản phẩm trà thảo mộc tầm gửi cây gạo được thị trường trong và ngoài tỉnh tin dùng. Sản phẩm của HTX chủ yếu được bán thông qua các đại lý thương mại tại Hà Nội, Thái Nguyên và khách hàng lẻ.

Bà Lê Thị Tăng ở khu 1 là một trong số hộ dân hiện đang sở hữu hơn 100 cây gạo có tầm gửi, trong đó có gần 20 cây đang cho thu hoạch, cho biết: Mỗi năm, gia đình bà thu được khoảng 2 tạ tầm gửi khô, đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng. Từ khi tầm gửi cây gạo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm của gia đình càng được nhiều người biết đến, giá trị từ đó cũng tăng từ 20% - 30%.

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương ở huyện Tam Nông đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... Đến nay huyện Tam Nông có 16 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao như: Trứng gà Ninh Điệp, mật ong Thọ Văn, rượu ngô Minh Quân, mật ong hoa nhãn Tân Loan, chuối tây Thái Việt Hà, gà đồi Lam Sơn, trà đông trùng hạ thảo - cà gai leo... Mỗi sản phẩm đều mang theo một câu chuyện về quá trình sản xuất, tận dụng nguyên liệu sẵn có của địa phương, quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo các tiêu chí về dinh dưỡng, tính dược, có khả năng phát triển, được người tiêu dùng đón nhận, là sản phẩm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Sau khi các sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã giúp các chủ thể có lợi thế khi tham gia thị trường, nâng tầm giá trị sản phẩm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại; đồng thời có doanh thu và giá bán tăng so với trước khi tham gia chương trình; khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể khắc phục những tồn tại hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện phát triển sản phẩm.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm đang tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn ở Tam Nông. Giá trị sản phẩm không ngừng gia tăng, thu nhập của các hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp được nâng cao, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhằm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, công tác tuyên truyền quảng bá về chương trình được chú trọng để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hoàng Hương

 

Khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là mô hình sản xuất khép kín, nơi chất thải không bị loại bỏ mà được tái sử dụng làm nguyên liệu đầu vào, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tỉnh xác định phát triển kinh tế tuần hoàn là trọng tâm trong chiến lược nông nghiệp bền vững, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhân viên Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ chăm sóc dưa lưới. Ảnh: C.T.V

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai hàng loạt đề tài nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kĩ thuật vào thực tiễn.

Tiêu biểu là đề tài “Giải pháp sản xuất rau an toàn bền vững” tại huyện Điện Biên. Sau khi ứng dụng thành công, mô hình đã được nhân rộng tại xã Thanh Xương và Pa Thơm, giúp nâng cao năng suất rau bắp cải lên 3 tấn/1.000m2, tăng 0,5 tấn so với canh tác truyền thống. Lợi nhuận cao hơn từ 15 - 20%, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng an toàn sinh học, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Người dân tham gia mô hình đã biết cách tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp làm phân bón, góp phần bảo vệ môi trường và giảm chi phí sản xuất.

Việc ứng dụng thành công đề tài khoa học kĩ thuật về trồng cây lê vàng tại xã Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông) đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Mô hình được triển khai ban đầu diện tích 1ha, với 5 hộ tham gia, được hỗ trợ giống, vật tư và kĩ thuật. Sau 4 năm, cây lê cho thu hoạch ổn định, năng suất 10 - 15kg quả/cây, cao gấp 2 - 3 lần so với cách trồng tự phát. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng trong xã Háng Lìa và các xã khác như: Xa Dung, Tìa Dình, Pu Nhi, Noong U… với diện tích hơn 10ha, hướng đến hình thành vùng trồng cây lê vàng tập trung.

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đã và đang triển khai 65 nhiệm vụ về khoa học công nghệ, phần lớn tập trung phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Các đề tài khoa học được nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng khoa học kĩ thuật cho các đơn vị, địa phương đã mang lại hiệu quả. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, các đề tài đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, chuỗi liên kết, nâng cao thu nhập cho người dân. Các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật được triển khai, nhân rộng đã nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15 - 20% so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Những năm gần đây, tại nhiều địa bàn trong tỉnh đã hình thành các mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển xanh. Chất thải từ sản xuất nông nghiệp như phân gia súc, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp… được tái chế làm phân bón, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất nông nghiệp sạch. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kĩ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.

Thực hiện Kế hoạch về “Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030”, tỉnh xác định đến năm 2030 có ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp phục vụ cho kinh tế tuần hoàn; giảm tổn thất sau thu hoạch các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực từ 0,5% mỗi năm trở lên; 50% phụ phẩm trong trồng trọt được thu gom, xử lý và tái sử dụng; 40% hộ chăn nuôi và 70% trang trại áp dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng chất thải; 50% phụ phẩm từ khai thác, chế biến gỗ được thu gom, tái sử dụng. Ngoài ra, 80% trang trại và 50% hợp tác xã tiếp cận công nghệ tuần hoàn; các mô hình ứng dụng kinh tế tuần hoàn giúp tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng nông sản.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và quy trình sản xuất khép kín, tiết kiệm đầu vào, giảm phát thải, tái sử dụng phụ phẩm và chất thải; chuyển giao công nghệ tái chế, tận dụng phụ phẩm trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thực phẩm; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn, thúc đẩy liên kết thương mại, hỗ trợ bảo hộ và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Cùng với đó, tỉnh đã và đang hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp lý để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này; tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp nhận công nghệ, vốn và kinh nghiệm. Đẩy mạnh truyền thông, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ, nông dân, doanh nghiệp về nông nghiệp tuần hoàn, góp phần chuyển đổi từ mô hình sản xuất tuyến tính sang mô hình sản xuất tuần hoàn, xanh, bền vững.

Thành Đạt

 

Tăng động lực cho 'đầu tàu' trong tái cơ cấu nông nghiệp Đắk Lắk

Nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, của các cơ quan ban ngành trung ương và địa phương, trong đó có hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, đời sống của người dân, trong đó có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk ngày càng được nâng lên. Vùng đất đỏ bazan như đổi thay từng ngày, ngày một thêm trù phú, tràn đầy sức sống. Cái nghèo, cái đói ngày càng lùi xa, những căn nhà kiên cố, tươi màu trên những vườn cây xanh mướt lá, đỏ rực quả... tạo nên bức tranh đầy sức sống ở mảnh đất cao nguyên này.

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND về việc phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2025. Theo đó, khu vực kinh tế hợp tác, HTX tiếp tục được hỗ trợ để phát huy thế mạnh và hiệu quả trong tiến trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, liên kết theo chuỗi giá trị…

Những điển hình ở “thủ phủ cà phê”

Sau 14 năm hình thành, HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar) - một trong những thành viên tiêu biểu thuộc nhóm COOP.66 - tập hợp các HTX nông nghiệp điển hình trên toàn quốc, đã khẳng định vị thế là mô hình tiêu biểu trong cung ứng dịch vụ và sản xuất nông nghiệp.

Các HTX và tổ hợp tác có vị trí quan trọng trong sản xuất cà phê bền vững tại tỉnh Đắk Lắc, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và hộ dân liên kết.

Khởi nguồn từ Tổ liên kết thương mại công bằng Ea Kiết, đến năm 2011, HTX được thành lập với 48 thành viên, canh tác trên diện tích 91ha cà phê. Từ nền tảng đó, HTX từng bước mở rộng ngành nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, đồng thời kết nối hiệu quả với thị trường và tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Đến nay, HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết đã phát triển lên 113 thành viên, canh tác 136ha cà phê đạt Chứng nhận Fairtrade (FLO), sản lượng đạt 526 tấn/năm; cùng với đó là 49ha cà phê liên kết đạt Chứng nhận 4C, sản lượng 165,4 tấn/năm. HTX đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống nhà kho, xưởng chế biến, sân phơi, dây chuyền máy móc khép kín và văn phòng làm việc với trang thiết bị đầy đủ. Không chỉ cung ứng dịch vụ đầu vào, hỗ trợ máy móc sơ chế, đơn vị còn liên kết với Công ty TNHH Dakman Việt Nam trong tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, việc mở rộng dịch vụ chế biến cà phê rang xay không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Nhờ hoạt động hiệu quả, doanh thu hằng năm của HTX đạt từ 20 - 25 tỷ đồng, thu nhập của thành viên tăng thêm từ 8 - 12 triệu đồng/hộ/năm.

Cùng với HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết, trên phạm vi toàn tỉnh, hàng chục HTX đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững. Điển hình như HTX Thành Công, thành lập năm 2020 với 28 thành viên và diện tích canh tác trên 30ha, đã tập trung vào việc tạo vùng nguyên liệu sạch và hướng dẫn nông dân canh tác an toàn. HTX Thành Công cũng đã xây dựng cơ sở sản xuất cà phê chất lượng cao, thu mua cà phê chín 100% từ các hộ liên kết để chế biến theo quy trình cao cấp.

Hay như HTX Nông nghiệp, dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) - đơn vị tiên phong trong xây dựng chuỗi liên kết với các hộ nông dân để sản xuất cà phê bền vững, đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài 49 thành viên chính thức và hơn 60ha có chứng nhận Fairtrade, đến nay HTX đã liên kết với 200 nông dân để chế biến cà phê chất lượng cao, đưa sản phẩm đến với các cuộc thi cà phê đặc sản của Việt Nam và thế giới.

HTX còn liên kết với Công ty TNHH Dakman Việt Nam tiêu thụ phần lớn sản phẩm cà phê nhân, với giá ổn định và cao hơn so với thị trường từ 2 - 2,5 triệu đồng/tấn. Thông qua hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, các sản phẩm của HTX đã được nhiều khách hàng ở các nước như: Hà Lan, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Anh, Pháp… biết đến và đặt mua.

Theo Sở NN&MT, Đắk Lắk có khoảng 51 HTX cà phê có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp (DN). Để thu mua hàng hóa của người dân trên địa bàn với số lượng lớn và chất lượng sản phẩm tốt, an toàn, các DN chủ động liên kết với các HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó, DN có trách nhiệm đưa ra yêu cầu về chất lượng và số lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; các HTX là cầu nối có trách nhiệm gắn kết thành viên HTX với DN thực hiện đúng các cam kết đã thỏa thuận.

Đây là mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm đầu ra ổn định, nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, bảo đảm phát triển bền vững.

Điểm sáng kinh tế hợp tác ở Ea Kar

Hiện nay, huyện Ea Kar có 57 HTX nông nghiệp và dịch vụ, 22 tổ hợp tác (THT), câu lạc bộ khuyến nông với tổng số trên 5.000 thành viên, hoạt động ở nhiều lĩnh vực. Nhiều HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, cung cấp cây giống, con giống, dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Ea Kar tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Thanh Bình ở thôn 10, xã Ea Sar được thành lập năm 2021 có 16 thành viên trồng vải với tổng diện tích trên 100ha. Trước đây, các hộ trồng vải chủ yếu làm theo kinh nghiệm, diện tích nhỏ, tự tìm đầu ra. Từ khi tham gia HTX, các thành viên đã được hướng dẫn và thực hành chăm sóc cây vải theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bên cạnh đó, chính quyền xã còn phối hợp với các ngành chức năng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác tại vườn cho các thành viên, tổ chức hội nghị kết nối sản xuất và tiêu thụ vải, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cấp mã vùng trồng. Nhờ vậy, HTX đã có 47ha được gắn mã vùng trồng, giúp gia tăng giá trị lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha so với trước kia.

Không chỉ lĩnh vực trồng trọt, trong chăn nuôi, được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương và ngành chức năng, người dân cũng đã liên kết thành lập HTX nhằm phát triển bền vững và tăng thu nhập.

Đơn cử như HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Quyết Thắng ở xã Ea Sar. Được thành lập năm 2022 với 17 thành viên, HTX đã phát triển chăn nuôi theo chuỗi, từ cung cấp con giống bò lai chất lượng cao, có bảo hành, hướng dẫn cho người chăn nuôi cách chăm sóc, tư vấn làm chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh, đến cam kết đầu ra.

Nhờ đổi mới trong cách chọn con giống, chăm sóc, phòng bệnh đã giúp bò sinh trưởng tốt, rút ngắn thời gian xuất chuồng. Thay vì 1 lứa/năm như trước đây thì chỉ sau 3 - 4 tháng, bò đã đạt trọng lượng khoảng 5 tạ/con, trừ chi phí đầu tư cũng có lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/con. Trung bình mỗi năm có thể nuôi được 3 lứa, nông dân cũng có thêm nguồn phân chuồng bón cho cây trồng.

Ông Nguyễn Ngọc Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Quyết Thắng cho biết, nhờ có tư cách pháp nhân, HTX đã được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi và được UBND xã cho thuê 5ha đất xây dựng trang trại, trồng cỏ để mở rộng quy mô chăn nuôi, thu mua với số lượng khoảng 1.500 con/năm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/tháng.

Các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Ea Kar đã đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Hiện nay, huyện Ea Kar đã có 4 sản phẩm gồm: vải thiều, nhãn Hương Chi, sầu riêng, khoai lang được gắn mã vùng trồng với tổng diện tích trên 579,6ha. Đây là cơ sở cho các HTX, THT, nông dân ký kết hợp đồng với các DN sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản Ea Kar xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một số HTX đã mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Chẳng hạn như: hệ thống máy sấy, chế biến bột ca cao của HTX Minh Tân Đạt, HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Thành Đạt; khu nhà xưởng, máy sấy hạt ca cao của HTX Nông nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar.

Nhờ vậy, đã hình thành một số liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa một số HTX nông nghiệp với các DN, giữa các HTX với các hộ dân như: HTX Nông nghiệp 714 ký kết hợp đồng với Công ty Thông Đỏ tại tỉnh Lâm Đồng trong việc bao tiêu sản phẩm chanh leo; HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cư Ni liên kết với các hộ dân sản xuất và tiêu thụ bò thịt, bò giống thông qua hợp đồng liên kết; HTX Minh Tân Đạt, HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Thành Đạt, HTX Nông nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar ký hợp tác với Công ty Bến Thành, Công ty Nam Trường Sơn và các tập đoàn xuất khẩu ca cao lớn như Puratos, Cargill... Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập của các hộ thành viên, khẳng định được vai trò của kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.

Không để “tái nghèo” nhờ tái cơ cấu nông nghiệp

Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành nông nghiệp là lĩnh vực đầu tiên trong 5 lĩnh vực ưu tiên tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo các mô hình trồng trọt và chăn nuôi với quy mô lớn, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn thân thiện với môi trường, hình thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đặc biệt là xây dựng thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột vươn ra tầm khu vực và thế giới, với những sản phẩm chất lượng cao.

Song song đó, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ vào các hoạt động nông nghiệp để phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên tăng trưởng xanh, chú trọng đến bảo vệ môi trường, giữ được rừng, bảo tồn nguồn nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và năng suất lao động.

Một trong những giải pháp để thực hiện được tỉnh xác định là phát triển quan hệ sản xuất trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, phát triển các HTX kiểu mới, tổ hợp tác; hình thành chuỗi liên kết giữa người nông dân, HTX và DN; phát triển kinh tế trang trại; thúc đẩy liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư (DN), nhà băng (ngân hàng), nhà khoa học và nhà phân phối...

Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành địa phương, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc hệ thống Liên minh HTX đã có sự đồng hành cùng các HTX, THT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắc. Trong đó, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp, thông qua Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, đào tạo kỹ năng chuyển đổi số, thương mại điện tử… cho các HTX trên địa bàn. Các HTX cũng được tham gia các lớp tập huấn ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), sản xuất tiết kiệm chi phí, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 580 HTX nông nghiệp, chiếm 69,3% tổng số HTX của tỉnh. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…, tại Kế hoạch số 123/KH-UBND về việc phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2025, UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó có giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của HTX trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và địa phương.

Đồng thời, tà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển HTX nông nghiệp. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, thành viên HTX nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện về đất đai cho HTX phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Huy động và tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng và tăng cường nguồn lực cho HTX nông nghiệp. Cung cấp các dịch vụ công hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp. Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, lấy nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất làm nội dung trọng tâm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp…

UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, với sự nỗ lực của các cấp, ban ngành và người dân, trong đó có các thành viên HTX và THT, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh từ 10,94% vào năm 2022 xuống còn 6,38% vào cuối năm 2024 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025). Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm mạnh từ 26,74% (năm 2021) xuống còn 13,71% vào cuối năm 2024, tương đương giảm gần một nửa số hộ nghèo. Trong năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 4% trở lên.

Minh Đức

 

Nông dân Nam Định làm giàu nhờ 'nghĩ lớn, làm lớn'

Những cánh đồng lớn xanh mướt nối dài đến tận chân trời không chỉ mang màu sắc của cây trồng, thủy sản mà còn là minh chứng sống động cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở nhiều địa phương tỉnh Nam Định.

Anh Nguyễn Đại Dương – người được bà con xã Giao An (huyện Giao Thủy) trìu mến gọi là “tỷ phú ngao” – là một trong những người từng tay trắng khởi nghiệp, làm giàu bền vững ngay trên mảnh đất quê hương nhờ “nghĩ lớn, làm lớn” cùng khoa học kỹ thuật.

Từ thất bại đến thu nhập triệu đô

13 năm trước, khi còn là kỹ sư cơ điện tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Nam Định, anh Dương đã quyết định bỏ lại sau lưng công việc ổn định để trở về quê lập nghiệp với đầm tôm hoang hóa của gia đình.

“Ban đầu tôi định tận dụng lợi thế ven biển để nuôi vạng (ngao vạng). Nhưng thiếu kinh nghiệm, không nắm rõ kỹ thuật, lại gặp thời tiết bất lợi, vụ đầu tiên coi như trắng tay. Hơn 100 triệu đồng vốn liếng trôi theo nước,” anh Dương hồi tưởng.

Dám làm ăn lớn giúp nông dân Nam Định thoát nghèo, làm giàu.

Thất bại khiến anh mất ăn mất ngủ, nhưng cũng chính cú ngã ấy đã buộc anh phải thay đổi tư duy muốn thành công không thể làm nông nghiệp bằng cách truyền thống. Từ đó, anh bắt đầu mày mò học hỏi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, nghiên cứu tài liệu về nuôi thủy sản công nghệ cao và tìm cách áp dụng máy móc, tự động hóa vào quy trình nuôi trồng.

Năm 2012, sau nhiều lần thuyết phục, anh thế chấp tài sản gia đình vay 300 triệu đồng để cải tạo đầm, đầu tư hệ thống sục khí, đo nồng độ mặn - pH, lắp đặt hệ thống điều khiển tự động theo dõi chất lượng nước và thức ăn. “Lúc ấy, mình nghĩ nếu không làm khác đi, thì chắc chắn sẽ còn thất bại nhiều hơn”, anh Dương chia sẻ.

Và sự khác biệt đã đến. Từ một hộ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay anh Dương sở hữu hơn 25ha nuôi ngao vạng và tôm thẻ chân trắng, mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 30 - 50 tấn vạng giống, 20 - 30 tấn tôm thương phẩm. Doanh thu hàng năm hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

Cánh đồng không dấu chân người

Câu chuyện của anh Dương không phải là cá biệt. Nam Định hiện có hàng trăm mô hình cánh đồng mẫu lớn, trong đó nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao do các HTX tiên phong dẫn dắt. Một trong những điểm sáng là HTX Dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến (xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy).

Trên hàng trăm ha đất canh tác, HTX Quyết Tiến đã triển khai thành công mô hình "cánh đồng không dấu chân người", nhờ ứng dụng cơ giới hóa và thiết bị bay không người lái vào tất cả các khâu sản xuất.

“Chúng tôi sử dụng thiết bị bay XAG P80 và P90 để phun thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi ngày có thể xử lý 30-50ha, tiết kiệm chi phí nhân công, giảm độc hại cho người nông dân, đồng thời bảo vệ môi trường,” ông Trần Văn Tuấn – Giám đốc HTX – cho biết. Điểm đáng chú ý là toàn bộ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đều được thu gom, xử lý tập trung theo đúng quy trình.

HTX cũng phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ để số hóa quy trình sản xuất. “Mỗi thửa ruộng đều được gắn mã vùng, cập nhật sản lượng, lịch sử canh tác, nhật ký phun thuốc, bón phân… trên nền tảng số,” ông Tuấn nói thêm. Nhờ vậy, không chỉ đảm bảo truy xuất nguồn gốc mà còn dễ dàng kết nối với các chuỗi tiêu thụ trong và ngoài nước.

Để thoát nghèo, làm giàu, nông dân, HTX ở Nam Định mạnh dạn cơ giới hóa, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Không chỉ mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, nông dân và các HTX ở Nam Định còn đang chuyển mình mạnh mẽ với chuyển đổi số và thương mại điện tử.

HTX Nông nghiệp và Thủy sản Hải Hậu (xã Hải Lý, huyện Hải Hậu) là một ví dụ. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, HTX đã mở rộng hoạt động lên các sàn TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada, mở gian hàng trên Facebook, Zalo và TikTok để tiếp cận khách hàng trẻ.

Sản phẩm chủ lực “Nước mắm Nhà thờ đổ” được gắn mã QR để truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng có thể kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất chỉ bằng một cú quét điện thoại.

“Ban đầu bà con còn ngại công nghệ, nhưng khi thấy sản phẩm bán được nhiều hơn, giá trị tăng lên, họ bắt đầu tự học hỏi, tập làm nội dung quảng bá. Chính điều đó đang làm thay đổi tư duy của nông dân,” chị Lê Thị Hòa – thành viên HTX – chia sẻ.

“Bà đỡ” cho nông nghiệp thông minh

Thời gian qua, các HTX trên địa bàn tỉnh Nam Định không chỉ đóng vai trò tổ chức sản xuất mà còn là trung tâm dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào, tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều HTX đã kết nối với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ để chuyển giao giống mới, công nghệ tưới thông minh, cảm biến môi trường, hệ thống nhà màng – nhà kính tự động, giúp nông dân làm chủ kỹ thuật hiện đại.

Để có được thành công hiện tại, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể tại tỉnh Nam Định.

Các hoạt động hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Nam Định không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngoài việc hỗ trợ thành lập mới, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Nam Định còn chú trọng đến việc nâng cao năng lực cho các HTX thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, hỗ trợ xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, việc hỗ trợ các HTX tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã giúp nhiều sản phẩm địa phương đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Những nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Nam Định không chỉ giúp các HTX tại Nam Định nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân.

Nhờ chuyển mình đúng hướng, Nam Định hiện có hàng trăm nghìn hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó hàng nghìn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp, hàng trăm hộ trở thành triệu phú, tỷ phú nông dân. Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn lan tỏa tinh thần đổi mới, khát vọng khởi nghiệp tới cộng đồng.

Trên những cánh đồng công nghệ trải dài từ Hải Hậu đến Xuân Trường, từ Nghĩa Hưng đến Giao Thủy, không còn là hình ảnh lấm lem bùn đất của người nông dân xưa cũ, mà là những “kỹ sư chân đất” đang miệt mài điều hành các quy trình sản xuất qua smartphone, giám sát qua camera, và bán hàng qua Internet.

Thành công của các HTX tiêu biểu, nhưng nông dân giỏi, là minh chứng rõ nét rằng khi người sản xuất thay đổi tư duy, HTX mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, thì cánh đồng không chỉ trổ bông mà còn trổ “vàng”.

An Chi

 

Xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong chăn nuôi bò sữa

Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2025, đơn vị đang tích cực xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong chăn nuôi bò sữa. Theo đó, Trung tâm sẽ hỗ trợ nông dân nuôi trùn quế để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho bò trên địa bàn các xã thuộc khu vực Đơn Dương. Cụ thể, mô hình sẽ hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân con giống và vật tư nuôi trùn quế, thức ăn hỗn hợp cho bò, giống ngô lai và vật tư trồng ngô sinh khối; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến ngô sinh khối bằng men sinh học phục vụ chăn nuôi bò, kỹ thuật nuôi trùn quế, kỹ thuật sản xuất phân trùn quế, kỹ thuật sử dụng phân trùn quế cho các loại cây trồng.

Tổng kinh phí dành cho mô hình là trên 827 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 590 triệu đồng; vốn đối ứng của người dân là gần 238 triệu đồng.

Được biết, xây dựng nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi tích cực của ngành Nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản, tiết giảm chi phí và bảo vệ môi trường nông thôn.

DIỆP QUỲNH

 

Bến Tre ứng dụng hiệu quả khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Thời gian gần đây, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp tại tỉnh Bến Tre đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận.

Ứng dụng công nghệ trong nhân giống tại Trung tâm Giống và hoa kiểng tỉnh Bến Tre.

Từ những mô hình sản xuất cây, con giống đến quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao được chuyển giao cho nông dân ngày càng khẳng định hiệu quả để hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.

HIỆU QUẢ TỪ NUÔI TÔM ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Trước đây, nghề nuôi tôm nước lợ ở Bến Tre chủ yếu theo phương thức truyền thống như: tôm rừng, quảng canh, bán thâm canh, thâm canh… Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân bắt đầu chuyển sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với máy móc, trang thiết bị tự động hóa, giúp tăng năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, Bến Tre đã có gần 4.000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, năng suất hằng năm đạt 90 nghìn tấn, chiếm 50% sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh. Giá trị sản xuất tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 10.830 tỷ đồng trên tổng giá trị sản xuất ngành tôm là 18.000 tỷ đồng. Năng suất bình quân nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 40 đến 60 tấn, đặc biệt có hộ sản xuất đạt 70 đến 80 tấn/ha mặt nước.

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có 40 cơ sở sản xuất theo hướng trang trại, 19 tổ hợp tác, 10 hợp tác xã nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết các công đoạn đều có máy móc, trang thiết bị thông minh hỗ trợ nên giảm được chi phí sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro so với trước đây. Nông dân Đặng Văn Bảy (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) đã xây dựng mô hình trang trại nuôi tôm công nghệ cao hơn 10 năm qua. Quy mô trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng của ông hơn 40 ha, gồm nhiều khu nuôi ứng dụng công nghệ cao với các máy móc, thiết bị hỗ trợ như: nhà lưới, máy tạo ô-xi, phủ bạt đáy ao, cho ăn tự động, máy sục khí clo… Trung bình mỗi năm mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Bảy thu hoạch từ 700 đến 800 tấn tôm, đạt lợi nhuận hơn 40 tỷ đồng. Ông Bảy cho biết: “Nuôi tôm theo hướng công nghệ cao với máy móc, trang thiết bị hiện đại giúp nghề nuôi phát triển bền vững. Tất cả các công đoạn đều có máy móc hỗ trợ đã giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng tôm nuôi và ít rủi ro dịch bệnh nên nông dân ứng dụng ngày càng nhiều”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết: “Trong thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại, đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về thủy lợi, điện, đường ở các vùng nuôi tôm nước lợ, tập trung trên địa bàn các huyện ven biển, với quy mô tác động hơn 3.000 ha, tổng nguồn vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Từ đó, giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu phát triển 4.000 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến nay đã đạt và chuẩn bị vượt so với kế hoạch đề ra”.

NHÂN RỘNG ỨNG DỤNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT

Trung tâm Giống và hoa kiểng tỉnh Bến Tre (Sở Nông nghiệp và Môi trường Bến Tre) đang tập trung triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc quản lý, nhân giống cây, con chất lượng. Từ năm 2022, đơn vị đã ứng dụng phần mềm QR Barcode Scanner TeaCapps để quản lý sản phẩm nuôi cấy mô trong phòng nuôi cấy tế bào thực vật bằng mã QR, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Đến nay, trung tâm đã nuôi cấy mô và lưu trữ nguồn mẫu 4 nhóm cây gồm: kiểng hoa, kiểng lá, dược liệu, cây ăn trái ngắn ngày và sản xuất đặt hàng nuôi cấy mô thực vật theo yêu cầu của người dân. Hiện trung tâm đang triển khai sản xuất cây, con giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và lưu trữ nguồn mẫu các loại kiểng lá như: phú quý, thịnh vượng, dạ yến thảo, tử la lan, các loại hoa lan, các giống chuối, gừng, chà là, dứa MD2...

Giai đoạn 2020-2025, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã tổ chức quản lý và triển khai 125 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó, có 9 nhiệm vụ cấp nhà nước, 110 nhiệm vụ cấp tỉnh, 6 nhiệm vụ cấp cơ sở; tạo ra 6 giống mới, xây dựng 147 mô hình, 116 quy trình và đề xuất hơn 200 giải pháp. Hầu hết các nhiệm vụ được hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả từ đạt trở lên và đang triển khai ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre Huỳnh Trung Tính cho biết: “Thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển các cây, con chủ lực và có tiềm năng thông qua tuyển chọn bộ giống có chất lượng, xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, liên kết trong sản xuất, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và có giá trị kinh tế cao. Trong đó, ngành đã nghiên cứu thành công quy trình nhân giống cua biển; quy trình thu giống tự nhiên, nuôi hàu thương phẩm; các mô hình nuôi tôm càng xanh thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; quy trình nuôi cá hồng Mỹ thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp đạt 8 tấn/ha; xây dựng mô hình xử lý nước thải ao nuôi tôm thâm canh bằng công nghệ sinh học; xây dựng quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước để phục vụ người dân nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn”.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bến Tre Nguyễn Quốc Bảo đánh giá: Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bến Tre đã từng bước phát huy vai trò trong việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và các hội thành viên đã nghiên cứu, báo cáo nghiệm thu và phổ biến ứng dụng 117 đề tài nghiên cứu khoa học, 96 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực. Hoạt động khoa học, công nghệ, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào đời sống đã tạo chuyển biến về trình độ sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có thu nhập cao, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

HOÀNG TRUNG

 

Yên Thế với mục tiêu phát triển bền vững

Yên Thế (Bắc Giang) là vùng đất có địa hình đồi núi, khí hậu ôn hòa, thích hợp để phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là các mô hình vườn đồi, vườn rừng. Từ những lợi thế ấy, chính quyền huyện kiên định mục tiêu đưa chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, nâng cao đời sống cho người dân.

Biểu diễn võ sáo tại lễ hội Yên Thế (Ảnh Văn Thương)

Người dân đồng lòng

Ngay từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Thế đã chủ động đẩy mạnh thông tin tuyên truyền qua nhiều hình thức: hệ thống phát thanh cơ sở, sinh hoạt cộng đồng, hoạt động đoàn thể… Từ Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc đến các tổ chức chính trị - xã hội đều lồng ghép mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào hoạt động thường kỳ, kêu gọi mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân cùng tham gia. Nhờ thế đã nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Người dân chủ động đóng góp sức người, sức của để cùng chính quyền địa phương bê tông hóa đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường và phát triển sản xuất.

Để tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn, huyện đã hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới ba tháng cho người dân tộc thiểu số. Đồng thời, truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số để góp phần không nhỏ vào việc tạo sinh kế và cải thiện đời sống cho đồng bào. Thành công trong phát triển kinh tế- xã hội của Yên Thế không thể thiếu vai trò của ngành nông nghiệp. Với hơn 500 ha chè và gần 12 triệu con gà đồi bán ra mỗi năm, huyện đã hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, gà đồi Yên Thế là thương hiệu đã được bảo hộ tại một số nước trên thế giới. Các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP cũng đang được nhân rộng, mở ra hướng đi bền vững trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong những tháng đầu năm 2025, huyện Yên Thế tiếp tục tập trung vào việc cải thiện hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế nông thôn và bảo vệ môi trường. Những con đường làng được bê tông hóa, hệ thống điện, nước sạch được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đặc biệt, huyện đã chú trọng đến việc phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, như trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.

Không ngừng phát triển văn hóa

Không chỉ dừng lại ở đời sống vật chất, người dân còn được thụ hưởng đời sống văn hóa, tinh thần cải thiện từng ngày. Đại diện Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Yên Thế, cho biết: 100% các xã đạt chuẩn đều có hội trường đa năng hoặc nhà văn hóa, các thôn có nhà văn hóa làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, sân vận động tổ chức thi đấu thể dục thể thao. Từ xã đến các thôn đều có đội văn nghệ và các Câu lạc bộ thể dục thể thao, Thể dục dưỡng sinh của Hội người cao tuổi, Câu lạc bộ cầu lông, bóng bàn của thanh niên. Các xã đều có hơn 90% số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa và 100% thôn bản văn hóa; có dịch vụ viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Xuân Lương là xã về đích nông thôn mới từ năm 2020. Nơi đây tồn tại song hành các công trình văn hóa mới là hệ thống thiết chế văn hóa gồm 13 đình, đền, chùa trong đó bốn đình, chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Thị trấn Phồn Xương có Câu lạc bộ Dân ca Nùng thu hút 19 thành viên. Câu lạc bộ đã tồn tại và phát triển 22 năm, thường biểu diễn phục vụ trong dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị trọng đại của thị trấn và huyện.

Nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên và nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, hỏi. Ban chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện phối hợp Ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm tổ chức đám cưới điểm theo nếp sống văn minh ở thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm. Buổi hôn lễ điểm được tổ chức tại nhà trai, cô dâu mặc trang phục áo dài truyền thống thay vì mặc váy cưới như thường lệ. Đặc biệt, đại diện chính quyền địa phương trực tiếp trao đăng ký kết hôn cho cô dâu, chú rể. Chứng kiến các nội dung phần lễ, các đại biểu dùng trà, bánh kẹo, giao lưu văn nghệ và đại diện các ban ngành, đoàn thể, gia đình tặng các phần quà ý nghĩa cho cô dâu, chú rể.

Đối với phần tiệc mặn, gia đình mời khách không quá 360 người và tổ chức không quá 60 mâm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng lưu ý, trong quá trình tổ chức tiệc mặn, hạn chế sử dụng rượu bia và không hút thuốc trong phòng lễ, tạo môi trường trong lành cho khu vực hôn trường.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” không những ở những xã nông thôn mới mà các xã trên địa bàn huyện Yên Thế đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Ở các thôn, xóm phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, hộ gia đình văn hóa được Ban công tác Mặt trận từng thôn đăng ký thực hiện và triển khai sâu rộng, đạt nhiều kết quả. Vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11 hằng năm), Ban công tác Mặt trận các thôn đều tổ chức tổng kết phong trào để đánh giá kết quả đạt được, đồng thời đăng ký các mục tiêu thi đua cho năm sau.

Phong trào thi đua “Yên Thế chung sức xây dựng nông thôn mới” đã lan rộng đến từng thôn, bản, khơi dậy tinh thần thi đua giữa các địa phương, gia đình và từng người dân.

Chè Bản Ven, huyện Yên Thế đã trở thành thương hiệu được nhiều người dân tin dùng. (Ảnh Sơn Thủy)

Hoàng Nam - Hải Miên

 

Nông sản Việt và hành trình hướng đến sản xuất xanh bền vững

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 12% GDP. Khi hóa chất nông nghiệp đang đe dọa lớn và tác động tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh công tác xanh như một giải pháp xanh và bền vững. Nông nghiệp xanh, nông nghiệp Net zero đang là hướng đi quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, các sản phẩm nông nghiệp chất lượng an toàn nhất là các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, mà còn đáp ứng đòi hỏi khắt khe thị trường xuất khẩu.

Nền nông nghiệp hiện đại từng đặt niềm tin vào phương pháp canh tác hóa học vô cơ vì hiệu quả trước mắt là năng suất cao đỡ tốn công, nhưng hệ quả lâu dài là môi trường bị tàn phá, đất đai thì bạc màu, sản phẩm nông nghiệp thì mất an toàn ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Trước tình trạng đó, một làn sóng chuyển đổi đang diễn ra, ngành nông nghiệp đang tái cấu trúc để hướng tới sản xuất xanh, sạch và bền vững. Đây cũng là nội dung chính của chương trình “Hành trình Net Zero” phát sóng ngày 03/6 trên kênh VTV9, Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS).

Tiến tới nông nghiệp Net Zero, thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp xanh chính là chìa khóa để xuất khẩu nông sản bền vững và bứt phá. Vì vậy những mô hình nông trại không sử dụng các thuốc trừ sâu, phân hóa học, canh tác theo mô hình nông nghiệp xanh giảm phát thải và tác động của hóa chất độc hại đang thu hút sự lựa chọn của các nhà sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thế hệ mới. Đây cũng là tiền đề để quy mô tiêu thụ nông sản hữu cơ tại Việt Nam đạt hơn 500 tỷ đồng mỗi năm, cũng giúp Việt Nam đứng thứ 3 trong Asian về diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ góp phần giúp nông sản Việt Nam có mặt trên nhiều thị trường thế giới.

“Hành trình Net Zero” không chỉ là chương trình truyền hình mà còn là lời hiệu triệu mạnh mẽ đến cộng đồng – rằng: Bảo vệ môi trường không phải là lựa chọn, mà là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta.Đón xem “Hành trình Net Zero” phát chính vào 21h00 Thứ Ba, phát lại vào 16h45 Thứ Hai hàng tuần trên kênh VTV9, Đài Truyền hình Việt Nam.

Hằng Thu

 

Vạn Ninh: Tập huấn chính sách khuyến nông và mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch

Sáng 4-6, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa) phối hợp với Hội Nông dân huyện Vạn Ninh tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền chính sách khuyến nông và mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch cho 60 đại biểu là chủ tịch, phó chủ tịch, chi hội trưởng Hội Nông dân 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Tại hội nghị, báo cáo viên đã giới thiệu, cung cấp thông tin về một số chính sách mới của Trung ương và tỉnh Khánh Hòa trong hoạt động khuyến nông; một số cơ chế chính sách liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; định hướng của ngành Nông nghiệp về chuyển đổi số. Bên cạnh đó,các đại biểu được tuyên truyền, hướng dẫn mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch; cách khai thác phát triển du lịch tại nông thôn gắn với sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP; xem video tư liệu các mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch tiêu biểu, thu hút khách tham quan…

HOÀI DUY

 

Đổi mới để đồng hành với nông dân

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông và Nước sạch nông thôn tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và nông hộ. Những đổi mới này đang góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng chịu nhiều áp lực từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, công tác khuyến nông không còn đơn thuần là truyền đạt kiến thức kỹ thuật. Cán bộ khuyến nông ngày nay phải đảm nhiệm vai trò “người đồng hành”, kết nối giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học và chính quyền.

Trước đây, hoạt động khuyến nông chủ yếu thực hiện các mô hình trình diễn như trồng giống mới, chăn nuôi cải tiến hay sử dụng phân bón hợp lý… Dù nhiều mô hình đạt hiệu quả kỹ thuật, nhưng việc nhân rộng lại gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu liên kết thị trường và đầu ra chưa ổn định. Từ thực tế đó, Trung tâm Khuyến nông và Nước sạch nông thôn tỉnh đã mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận. Cán bộ khuyến nông không chỉ hướng dẫn kỹ thuật mà còn tham gia tư vấn xây dựng kế hoạch sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tư vấn thiết kế bao bì, nhãn hiệu và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.

Năm 2024, Trung tâm đã kết nối 4 HTX tham gia Dự án phát triển nông nghiệp hợp tác với Quỹ Thiện Tâm, nhằm hỗ trợ các HTX phát triển kinh tế và tạo sinh kế cho hộ nghèo. Tiêu biểu trong số đó là HTX Nông nghiệp Hảo Anh (xã Mường Vi, huyện Bát Xát) đã triển khai Đề án “HTX liên kết với hộ nông dân phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững”.

HTX Nông nghiệp Hảo Anh được hỗ trợ vay 1 tỷ đồng không lãi suất từ Quỹ Thiện Tâm trong 10 năm để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ chế biến gạo Séng cù. Nhà xưởng mới có công suất chế biến đạt 3 tấn thóc/ngày đã giúp HTX nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo việc làm ổn định cho 25 hộ nghèo, cận nghèo trong xã. Qua đó, HTX từng bước xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững, góp phần giảm nghèo và bảo vệ môi trường tại địa phương.

Chia sẻ về quá trình tham gia dự án, chị Phạm Thị Hảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hảo Anh nói: Trước đây, chúng tôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thương lái nên giá cả sản phẩm bấp bênh. Từ khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh (nay là Trung tâm Khuyến nông và Nước sạch nông thôn tỉnh) hỗ trợ tiếp cận dự án, HTX có điều kiện đầu tư nhà xưởng, máy móc chế biến gạo đạt chuẩn. Đặc biệt, nhờ được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, sản phẩm của đơn vị giờ đã có đầu ra ổn định, giúp nhiều hộ nghèo trong xã có việc làm và thu nhập khá hơn.

Bên cạnh đó, trung tâm còn triển khai các hoạt động hỗ trợ, tư vấn sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, nhà màng công nghệ và sử dụng phần mềm nhật ký đồng ruộng để số hóa quá trình sản xuất.

Ứng dụng công nghệ số là một trong những điểm nhấn trong đổi mới công tác khuyến nông. Trung tâm đã đẩy mạnh tư vấn trực tuyến qua mạng xã hội, video kỹ thuật, livestream hướng dẫn - giúp giảm chi phí và mở rộng phạm vi tiếp cận. Đồng thời, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về sản xuất - tiêu thụ cũng được chú trọng nhằm phục vụ công tác quy hoạch, điều phối thị trường hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, trung tâm còn tham gia kết nối giống cây trồng, vật nuôi mới. Điển hình như mô hình nuôi thử nghiệm giống gà 18M1 tại huyện Bảo Thắng với quy mô 2.000 con. Sau thời gian nuôi, giống gà này cho thấy năng suất cao, ít bệnh, chất lượng thịt tốt, được thị trường ưa chuộng. Từ kết quả đó, trung tâm đã hỗ trợ hơn 2.000 gà bố mẹ cho các hộ nuôi sinh sản, hướng tới tự chủ nguồn giống gia cầm trong tỉnh.

Ở lĩnh vực trồng trọt, Trung tâm đã kết nối hỗ trợ 300.000 cây dâu giống lai F1 GQ2, tương đương 10 ha cho nông dân tại hai xã trong vùng quy hoạch dâu tằm là Kim Sơn và Cam Cọn (Bảo Yên) để khôi phục diện tích bị thiệt hại sau bão số 3. Giống dâu mới sinh trưởng khỏe, năng suất cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Nông dân được tập huấn quy trình chăm sóc, cải tạo vườn và nuôi tằm hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập.

Ông Trần Quốc Đoàn, xã Kim Sơn được hỗ trợ giống dâu mới chia sẻ: Cán bộ khuyến nông luôn đồng hành với nông dân từ khâu làm đất, trồng và chăm sóc. Giống dâu mới này có đặc điểm nổi trội hơn như sinh trưởng tốt trên đất cằn, đất úng; lá to, năng suất cao; tằm ăn nhanh lớn, chất lượng kén tằm được cải thiện, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Hiện ngày càng có nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp chủ động liên hệ với trung tâm để được tư vấn về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì và quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp tư vấn kỹ thuật với hỗ trợ thị trường, góp phần nâng cao giá trị nông sản của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Kim Thoa

 

Nông dân Bắc Ninh làm chủ hợp tác xã, dẫn dắt kinh tế tập thể

Từ đầu năm đến nay, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Ninh đã tư vấn, vận động thành lập mới 10 hợp tác xã, phần lớn là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành thêm ít nhất 42 hợp tác xã.

Trong số 10 hợp tác xã thành lập mới, có đến 9 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 1 hợp tác xã môi trường. Tổng cộng có gần 40 thành viên, tổng vốn điều lệ dao động từ 1,2 đến 9,9 tỷ đồng mỗi hợp tác xã.

Danh sách các hợp tác xã mới được thành lập trải đều trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố: Hợp tác xã Nam Cường ECO (thành phố Bắc Ninh); Hợp tác xã Liên hiệp OCOP YHCT Việt Nam (Yên Phụ, Yên Phong); Hợp tác xã Nông nghiệp và Môi trường xanh KANTO (Lạc Vệ, Tiên Du); Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kinh Bắc (Lãng Ngâm, Gia Bình); Hợp tác xã Lộc Phát 8668 (Hiên Vân, Tiên Du); Hợp tác xã PTK (TT Lim, Tiên Du); Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đoàn Đạt (Quang Minh, Lương Tài); Hợp tác xã dịch vụ trồng trọt và chăn nuôi Hoa Cúc (Nghĩa Đạo, Thuận Thành); Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao An Thịnh Phát (An Thịnh, Lương Tài); và 1 Hợp tác xã Môi trường Thái Sơn I (Đông Tiến, Yên Phong).

Mô hình của Hợp tác xã sản xuất rau củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài việc vận động thành lập, Liên minh Hợp tác xã tỉnh còn tích cực phối hợp với các địa phương, đoàn thể hỗ trợ các mô hình mới về chuyển giao công nghệ, vay vốn, xúc tiến thương mại và đào tạo quản trị hợp tác xã. Trọng tâm là giúp người dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập thể, tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động.

Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng thể hiện rõ vai trò là lực lượng đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế tập thể. Các hoạt động hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, thực chất và hiệu quả.

Tính riêng năm 2024, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp tổ chức 48.194 lượt tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên, hỗ trợ xây dựng 67 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập được 5 câu lạc bộ “Khoa học kỹ thuật nhà nông” làm hạt nhân lan tỏa kiến thức và tư duy sản xuất tiến bộ tới cộng đồng nông dân.

Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh đạt quy mô trên 121 tỷ đồng, đang giải ngân cho 374 dự án với 1.671 hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp và tổ hợp tác đã vươn lên nhờ được tiếp cận vốn vay kịp thời và hỗ trợ kỹ thuật đúng hướng.

Đặc biệt, việc triển khai thành lập các Chi hội và Tổ hội Nông dân nghề nghiệp được coi là bước đệm quan trọng để hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã có 65 chi hội và 630 tổ hội nông dân nghề nghiệp đang hoạt động hiệu quả, tạo nền tảng tổ chức cho những bước phát triển tiếp theo của kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Căn cứ Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”, ngày 25/6/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án trên toàn tỉnh.

Theo kế hoạch, đến năm 2030 các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh phấn đấu tư vấn, hướng dẫn thành lập thêm ít nhất 42 hợp tác xã và 49 tổ hợp tác nông nghiệp; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động cho ít nhất 20 hợp tác xã do Hội vận động thành lập; thu hút thêm 675 hộ hội viên nông dân tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.

Cùng với đó, Bắc Ninh đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển ít nhất 16 chi hội và 135 tổ hội nông dân nghề nghiệp thành các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. Khoảng 45% số hợp tác xã do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập sẽ tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp, còn 30% sẽ được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Linh Nguyễn

 

Quảng Trị: Du lịch nông nghiệp - Lối đi mới cho vùng đất nắng gió

Quảng Trị đang từng bước khẳng định vai trò của du lịch nông nghiệp như một hướng phát triển bền vững, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch nông nghiệp

Tọa lạc tại trung tâm dải đất miền Trung Việt Nam, là điểm trung chuyển giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc – Nam và cửa ngõ ra hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), kết nối với Lào, Thái Lan và Myanmar, cùng với sự vận động hàng trăn năm của lịch sử, Quảng Trị trở thành vùng giao thoa giữa các môi trường sinh thái và văn hóa vùng miền, từ đây dễ dàng tiếp cận các luồng khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu Lao Bảo và các tuyến quốc lộ huyết mạch như QL9, QL1A.

Du khách đang tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch Pa Tuồng.

Mặt khác, Quảng Trị còn hội tụ đủ 4 đặc trưng vùng địa hình: vùng núi cao; trung du; đồng bằng ven biển và biển đảo tạo nên sự đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và hình thái sản xuất nông nghiệp phong phú.

Cùng với đó, những yếu tố tự nhiên, văn hóa và con người, Quảng Trị tạo nên mảnh đất đa dạng tài nguyên nông nghiệp và đặc sắc, trở thành một tỉnh nông nghiệp có thế mạnh về các sản phẩm đặc trưng như: Cà phê Arabica Khe Sanh, Hướng Hóa được đánh giá là một trong những vùng cà phê ngon nhất Việt Nam vầ TOP 5 thế giới; tiêu Cùa, Cam Lộ nổi tiếng với hương vị cay nồng đặc trưng; Lúa hữu cơ Hải Lăng và Triệu Phong phát triển theo hướng canh tác sạch, dần định hình thành thương hiệu lớn trong sản xuất thương mại; Dứa, dưa hấu, thanh long, ném, khoai môn, sắn dây... là những đặc sản có tiếng tại các vùng gò đồi; Chăn nuôi bò bản địa, gà đồi, vịt cỏ …gắn với sinh kế nông hộ…Những vùng canh tác này không chỉ tạo ra sản phẩm nông sản mà còn không gian trải nghiệm canh tác, thu hoạch, chế biến, rất phù hợp để phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

Sản phẩm nông nghiệp đồng quê cũng là nguyên liệu hình thành nên những món ăn dân giã phong phú về hình thái và hương vị như bánh bột lọc Mỹ Chánh, bún hến Gio Mai, cháo cá hành tăm (lá ném) vùng biển Cửa Việt – Cửa Tùng, cháo cá “vạc giường” Diên Sanh, canh ám làng Lam, cơm lam, cá suối nướng… đã đưa ẩm thực địa phương đến dân gian thành những giá trị văn hóa trường tồn qua thời gian.

Cùng với văn hóa sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng ven sông, thì bản sắc văn hóa làng xã và cộng đồng dân tộc thiểu số cũng là một trong những nét đặc trưng riêng của Quảng Trị, nơi cư trú của nhiều dân tộc như Kinh, Vân Kiều, Pa Cô… mang giá trị văn hóa đặc sắc với các hình thái văn hóa tập quán canh tác nương rẫy, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội ariêuping, văn hóa truyện cổ truyền miệng kể về sự tích loài người, dòng họ, nguồn gốc tổ tiên, âm nhạc, các nghi lễ cộng đồng của người đồng bào dân tộc Vân Kiều – Pa Cô; Kiến trúc làng truyền thống, đình làng, lễ hội vật, hát ru, hò khoan của người Kinh ở đồng bằng. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa mềm rất quý để kết hợp với du lịch nông nghiệp, tạo thành sản phẩm “du lịch văn hóa nôg nghiệp, nông thôn”.

Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có hệ di sản vô cùng quý giá về thiên nhiên nguyên sơ, cảnh quan sinh thái đẹp còn giữ được nét hoang sơ, hấp dẫn với du khách, đó là hang động, thác nước ở Tà Puồng, Chênh Vênh, Rào Quán…Cùng hệ sinh quyển núi rừng tự nhiên ở Hướng Hóa, Đakrông; thung lũng Khe Sanh, thiên nhiên xanh và thấp thoáng những ngôi nhà ẩn hiện trong mây trắng; Những triền đồi cà phê bát ngát ở Hướng Phùng, Hướng Hóa… Cánh đồng lúa trải rộng ngút tầm mắt ở Hải Lăng, Triệu Phong… Các vùng đồi trồng cây ăn quả, hồ thủy lợi lớn như hồ Bảo Đài, hồ Trúc Kinh, hồ La Ngà... Những khu vực này là địa điểm rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch nông trại (farmstay), dã ngoại, cắm trại, trekking và du lịch chữa lành (wellness tourism).

Thời gian qua, Quảng Trị đã tập trung nhiều nguồn lực trong đầu tư và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Hệ thống giao thông kết nối từ quốc lộ đến đường liên xã, liên bản được cải thiện đáng kể trong chương trình Nông thôn mới. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giúp hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công có thương hiệu có thể đưa vào khai thác du lịch. Chính sách ưu tiên đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn của Chương trình Xây dựng nông thôn mới và các cơ chế khuyến khích khởi nghiệp nông nghiệp, du lịch cộng đồng đã tạo nên động lực lớn cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn, trong đó có hoạtb động du lịch nông nghiệp. Tỉnh Quảng Trị cũng có chủ trương rõ ràng về phát triển kinh tế nông thôn đa dạng, trong đó du lịch nông nghiệp là một cấu phần quan trọng.

Thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp tại Quảng Trị

Với địa hình trải dài từ vùng núi đến đồng bằng, cùng hệ sinh thái đa dạng, Quảng Trị sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông nghiệp. Các huyện như Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng... đều đang hình thành những mô hình khai thác tài nguyên bản địa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Tại Hướng Hóa, thung lũng Khe Sanh nổi bật với mô hình nông trại nghỉ dưỡng như Khe Sanh Valley Farm, mô hình tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hợp…kết hợp giữa canh tác hữu cơ với không gian trải nghiệm. Thác Tà Puồng, thác Chênh Vênh cùng các bản làng Vân Kiều - Pa Cô đang trở thành điểm đến hấp dẫn với hình thức du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm thiên nhiên Trường Sơn hùng vĩ.

Ở Vĩnh Linh, dự án Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh (xã Vĩnh Hòa) đang được triển khai, mở ra không gian trải nghiệm sinh thái và nông nghiệp gắn với rừng nguyên sinh. Huyện cũng chú trọng phát triển các điểm đến tại Rú Bàu, Rú Đưng, gắn với sản phẩm OCOP như tinh dầu tràm, hồ tiêu, nước mắm…

Gio Linh phát huy lợi thế làng nghề và đặc sản địa phương: bún hến, rau liệt bánh lọc…đồng thời gắn kết hoạt động du lịch với các vùng chuyên canh trồng tiêu, trồng dứa… Việc khai thác các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng nổi tiếng như giếng cổ Gio An, đường Hồ Chí Minh, Cầu Hiền Lương – sông Bến Hải…tạo thành chuỗi giá trị nông nghiệp – du lịch hấp hẫn, thu hút du khách thập phương.

Trong những năm gần đây, du lịch nông nghiệp Quảng Trị dù mới hình thành, nhưng một số sản phẩm bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, hàng năm thu hút được lượng khách khá lớn đến tham quan. Cụ thể, sản phẩm du lịch nông nghiệp Khe Sanh Coffee Tour (Hướng Hóa), là kết quả hợp tác nghiên cứu và ứng dùng giữa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị, Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Việt Nam – Khe Sanh, Hiệp hội cà phê Khe Sanh. Sản phẩm du lịch là sự kết hợp du lịch tham quan trang trại cà phê, trải nghiệm quy trình chế biến, thưởng thức cà phê và giao lưu văn hóa với cộng đồng đồng bào dân tộc Vân Kiều; Nông trại trải nghiệm Khe Sanh Valley Farm, là cơ sở tiên phong trong mô hình farmstay gắn với canh tác nông nghiệp hữu cơ VAC và du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng; Các sản phẩm Du lịch cộng đồng Chênh Vênh (Hướng Phùng, Hướng Hóa), du lịch cộng đồng thác Tà Puồng (Hướng Việt, Hướng Hóa), du lịch cộng đồng suối A Lao, suối Pacha (Tà Long, Đakrông)…là những sản phẩm kết nối du lịch sinh thái thiên nhiên – bản địa với nông nghiệp truyền thống và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Pako – Vân Kiều; Du lịch cộng đồng Gio An hướng đến khai thác thế mạnh về sản xuất nông nghiệp vườn đồi với các sản phẩm như tiêu, khoai môn, sâm Bố Chính, rau liệt, di sản văn hóa nổi tiếng giếng cổ Chăm….

Các sản phẩm du lịch nông nghiệp luôn gắn kết với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng canh tác theo tiêu chuẩn OCOP. Nhiều địa phương đã khai thác sản phẩm địa phương vào hoạt động du lịch như cà phê Khe Sanh, tiêu Cùa, nước mắm Mỹ Thủy, bún hến Gio An, tinh dầu tràm Vĩnh Linh… Một số địa phương như Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa... bắt đầu lồng ghép phát triển du lịch nông nghiệp trong chương trình Xây dựng Nông thôn mới nâng cao như một tiêu chí góp phần tăng thu nhập, giữ gìn môi trường và bảo tồn văn hóa.

Bên cạnh xu thế phát triển và những ưu thế của địa phương trong phát triển thì du lịch nông nghiệp Quảng Trị còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hạ tầng du lịch đang chưa được đầu tư cơ bản, nhất là cơ sở vật chất tại vùng nông thôn còn yếu, đường giao thông nhỏ chất lượng thấp, nhà vệ sinh, nơi nghỉ chân chưa đạt chuẩn. Thiếu mô hình quy mô, chuyên nghiệp, phần lớn là mô hình tự phát, chưa có sự đầu tư bài bản hoặc chưa xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Nguồn nhân lực phục vụ dịch vụ du lịch còn khá yếu, người dân chưa có kỹ năng làm du lịch, thiếu ngoại ngữ, kỹ năng hướng dẫn, phục vụ khách. Thiếu kết nối tour – tuyến trong khai thác du lịch, tính thụ động trong du lịch nông nghiệp còn lớn, các điểm, sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn thường nằm ngoài các tuyến du lịch chính nên khó thu hút lượng khách lớn. Chính sách hỗ trợ còn dàn trải, chưa có cơ chế riêng, rõ ràng cho loại hình du lịch nông nghiệp – cộng đồng…

Một số giải pháp trọng tâm

Ông Nguyễn Đức Tân – Giám đốc Trung tâm xúc tiền đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị khẳng định, để phát huy vai trò của du lịch nông nghiệp trong xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Quảng Trị cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, như Quy hoạch vùng du lịch nông nghiệp phù hợp với tiềm năng từng địa phương; Tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch khu vực nông thôn, ưu tiên phát triển đường giao thông, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh hợp chuẩn, bãi đỗ xe, hệ thống điện – nước tại các điểm du lịch; Đào tạo nguồn nhân lực du lịch nông thôn, hỗ trợ người dân kỹ năng đón khách, làm dịch vụ; Tạo cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp kết hợp du lịch; Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, liên kết các tour – tuyến, xây dựng bộ sản phẩm đặc trưng từng vùng.

Valley farm, Hướng Hóa - điểm du lịch, vui chơi vùng miền núi đầy lảng mạn.

Đồng thời xây dựng Nông thôn mới, gắn liền phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp để mở ra hướng đi mới, hiệu quả và bền vững cho tỉnh Quảng Trị. Sự kết hợp hài hòa giữa khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn văn hóa và phát triển sinh kế đang từng bước làm “thay da đổi thịt” vùng quê, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Du lịch nông nghiệp không chỉ là ngành kinh tế mới mà còn là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho chương trình Xây dựng Nông thôn mới. Theo đó, việc thu hút du khách, nhiều địa phương sẽ có điều kiện nâng cấp hạ tầng nông thôn, cải thiện đời sống, tạo thêm việc làm tại chỗ. Đáng chú ý, mô hình du lịch nông nghiệp giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng quê – từ tập quán canh tác, ẩm thực truyền thống đến lễ hội dân gian, nghề thủ công. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng về gìn giữ môi trường sống và phát triển bền vững. Từ ý nghĩa này, hy vọng rằng tỉnh Quảng Trị cũng như các ban ngành liên quan sẽ có những động thái mới, mang tính cụ thể hóa cao, sớm đưa mô hình du lịch trải nghiệm nông thôn phát triển ngang tầm với tiềm năng vốn có nơi mãnh đất thuộc khúc eo của miền Trung.

Huy Long

 

Hà Nội chủ động tái cơ cấu nông nghiệp trước biến động thương mại toàn cầu

Trước biến động thương mại toàn cầu, UBND TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp chủ động tái cơ cấu, mục tiêu trở thành trung tâm cung ứng nông sản chất lượng cao.

Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp với diện tích trồng lúa hơn 155.000 ha, rau 30.000 ha, cây ăn quả 20.200 ha; tổng đàn lợn gần 1,5 triệu con và gia cầm xấp xỉ 42,4 triệu con. Trên địa bàn Thành phố có hơn 1.600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản, thực phẩm, trong đó hơn 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Năm 2024, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội vượt mốc 2 tỷ USD, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng 2,52% của toàn ngành, đứng thứ hai trong các tỉnh, thành phía Bắc. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 66.373 tỷ đồng, tăng 12,35% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn dai dẳng, gây không ít khó khăn cho nông dân. Năm nay, những biến động mạnh của thương mại toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản, khiến gánh nặng đầu ra càng thêm áp lực.

Lãnh đạo Hội Nông dân Thành phố Hà Nội thăm mô hình trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì).

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội được UBND TP. Hà Nội giao chủ trì triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu là nâng cao khả năng cạnh tranh, vượt qua các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Trung Quốc, EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Thành phố đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp để tạo giá trị gia tăng thực chất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Do đó, các địa phương được yêu cầu phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã để đa dạng hóa sản phẩm, tổ chức lại chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hà Nội cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong toàn bộ chuỗi sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, đẩy mạnh chế biến sâu, bảo quản hiện đại, và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng là những yếu tố nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra các sản phẩm nông sản đủ sức chinh phục các thị trường khắt khe.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Công thương tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là gian lận xuất xứ vốn đang gia tăng trong thời gian gần đây.

Giao các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và thương hiệu cho nông sản. Đây là điều kiện bắt buộc để hàng hóa nông sản Thủ đô có thể tiếp cận các chuỗi cung ứng quốc tế, đồng thời giúp tăng giá trị sản phẩm ngay tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm được đặt ở mức cao, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao uy tín của ngành nông nghiệp Hà Nội.

Các hiệp hội doanh nghiệp có nhiệm vụ kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý và các cơ sở sản xuất. Việc cập nhật chính sách kịp thời, định hướng thị trường, điều chỉnh mô hình sản xuất cho phù hợp đang trở thành yêu cầu sống còn, nhất là với các doanh nghiệp xuất khẩu và chuỗi liên kết lớn.

Hà Nội cũng nhấn mạnh vai trò thiết yếu của vùng nguyên liệu và logistics trong phát triển nông nghiệp bền vững. Cùng với việc xây dựng vùng chuyên canh tập trung, Thành phố khuyến khích đầu tư kho lạnh, hệ thống bảo quản sau thu hoạch, trung tâm chế biến nông sản và thương hiệu nông sản địa phương.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành nông nghiệp, Hà Nội đang đi đúng hướng khi chuyển từ tư duy “sản xuất cái mình có” sang “sản xuất cái thị trường cần”. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm cung ứng nông sản chất lượng cao, Thành phố cần đảm bảo sự phối hợp với các ban, ngành tạo cơ chế, chính sách giữa 3 nhà: nhà nông, nhà nước và nhà khoa học.

Linh Nguyễn

 

Tập đoàn Tân Hoàng Minh đề xuất tỉnh Lâm Đồng cho lập ý tưởng quy hoạch dự án khu đô thị thông minh 4.320ha

Vừa qua, ông Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Tân Hoàng Minh về các dự án nông nghiệp công nghệ cao và đô thị thông minh.

Theo Cổng thông tin tỉnh Lâm Đồng, tại buổi làm việc, công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện để đơn vị tiếp tục triển khai, lập ý tưởng quy hoạch Dự án khu đô thị thông minh ứng dụng công nghệ cao, khu du lịch và phim tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt với quy mô khảo sát khoảng 4.320 ha.

Công ty cho biết đây sẽ là đồ án có điểm nhấn kiến trúc đẹp, ấn tượng, hấp dẫn tại Đà Lạt, đồng thời rất phù hợp với kiến trúc, quy hoạch của Đà Lạt với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội địa phương, gắn với công tác hoàn thiện quản lý Nhà nước trên lĩnh vực quy hoạch, đất đai và trật tự xây dựng, đồng thời, phù hợp với định hướng quy hoạch chung, quy hoạch ngành tại khu vực.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh làm việc với tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lamdong.gov.vn

Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh mong muốn thực hiện đầu tư tại tỉnh với các dự án quy mô lớn, hoàn thành trong thời gian nhanh nhất, góp phần đưa thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung trở thành một trong những trung tâm kinh tế, du lịch đáng sống nhất của Châu Á trong tương lai.

Cùng với đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Tập đoàn Xuân Thiện đề xuất được nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư Tổ hợp nông nghiệp công nghệ tuần hoàn khép kín trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo tinh thần chủ trương của Chính phủ là “Hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp, chuyển mạnh phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn dựa vào khoa học công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị tăng cao phù hợp với lợi thế từng vùng…”.

Ông Trần Hồng Thái khẳng định, tỉnh Lâm Đồng luôn chào đón các nhà đầu tư đến đầu tư, kinh doanh, nhất là trên các lĩnh vực chiếm lợi thế như: du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… vì vậy nếu các nhà đầu tư có thiện chí và đủ tiềm lực thì tỉnh sẽ xem xét và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển nhằm góp phần đưa Lâm Đồng phát triển xứng với tiềm năng.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị thành phố Đà Lạt và các sở ngành, xem, xét các nội dung mà nhà đầu tư đề cập nếu phù hợp với các quy định của pháp luật thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các bước khảo sát theo quy trình, thủ tục đầu tư.

P.Đ

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop