Ra mắt Ban Chấp hành lâm thời nghiệp đoàn
Ông Trương Quang Lang - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đạ Huoai cho biết, từ nhiều năm qua, cây sầu riêng tại địa phương phát triển mạnh mẽ. Giá cả tốt và lượng sầu riêng xuất khẩu lớn đã mang lại sự trù phú cho mảnh đất Đạ Huoai. Tại các nhà vườn, người lao động trên địa bàn đã áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, được cấp chứng nhận OCOP và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. “Diện tích sầu riêng phát triển nhanh, số lượng người lao động tham gia vào nghề này ngày càng gia tăng, rất cần có một tổ chức để tuyên truyền, tập hợp và bảo vệ quyền lợi cho họ”, ông Trương Quang Lang nhấn mạnh. Vì vậy, LĐLĐ huyện Đạ Huoai đã định hướng thành lập tổ chức Công đoàn cho những người trong nghề canh tác cũng như mua - bán sầu riêng. Địa chỉ đầu tiên được chọn chính là HTX Nông nghiệp sầu riêng Đạ M’ri, thị trấn Đạ M’ri, HTX của trên 100 nông hộ canh tác, mua bán sầu riêng trong vùng.
Ông Trương Quang Lang chia sẻ, sau khi khảo sát thực tế và tổ chức tuyên truyền, vận động, đã có 81 người lao động trong nghề trồng sầu riêng tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn. Và, nghiệp đoàn đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp ra đời. Mới đây, LĐLĐ huyện Đạ Huoai đã công bố quyết định thành lập Nghiệp đoàn cơ sở tại HTX Nông nghiệp sầu riêng Đạ M’ri.
Anh Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Nghiệp đoàn cơ sở HTX Nông nghiệp sầu riêng Đạ M’ri, chia sẻ, các đoàn viên ở đây rất phấn khởi. “Chúng tôi cảm thấy vui mừng và tự hào khi được gia nhập tổ chức Công đoàn. Việc thành lập nghiệp đoàn là điều mà chúng tôi mong đợi từ lâu. Từ nay, chúng tôi đã có một mái nhà chung, được Công đoàn cấp trên hướng dẫn, hỗ trợ, nên rất yên tâm lao động”, anh Hải cho biết thêm. Anh Hải chia sẻ, là nông dân, xưa nay bà con cũng như bản thân anh quen làm việc độc lập. Trở thành thành viên của HTX, anh Hải và mọi người làm quen dần với cung cách làm ăn tập thể, sản xuất, mua bán theo hợp đồng, theo kế hoạch. “Tham gia tổ chức Công đoàn, tiếp cận nhiều thông tin, chúng tôi mới nhận thấy, hoạt động công đoàn có rất nhiều điều hay với người lao động. Chúng tôi hiểu biết thêm về chế độ chính sách, về các đãi ngộ dành cho bản thân cũng như người lao động khác. Tất nhiên, chúng tôi còn rất lạ lẫm với các hoạt động công đoàn nhưng tin chắc, với sự hướng dẫn tận tình của công đoàn cấp trên, nghiệp đoàn chúng tôi sẽ hoạt động tích cực, tham gia vào hoạt động chung của tổ chức Công đoàn”, anh Nguyễn Văn Hải chia sẻ.
Ông Trương Quang Lang thông tin, hiện LĐLĐ huyện Đạ Huoai đang quản lý 155 công đoàn cơ sở. Hầu hết các công đoàn cơ sở đều là các đơn vị trường học, doanh nghiệp... Tuy nhiên, theo ông, còn một đội ngũ rất lớn người lao động tự do, chưa thực sự nằm trong một tổ chức để tham gia vào công đoàn. “Với người lao động tự do, chúng tôi đánh giá mô hình nghiệp đoàn là mô hình thích hợp. Trước đó, chúng tôi đã thành lập Mô hình Nghiệp đoàn vận tải huyện, tập trung người lao động tự do trong lĩnh vực vận tải tham gia tổ chức Công đoàn. Sau một năm hoạt động, nghiệp đoàn đã cho thấy tinh thần cộng đồng, gắn bó với tổ chức Công đoàn của người lao động tự do. Vì vậy, việc thành lập Nghiệp đoàn tại HTX Nông nghiệp Đạ M’ri cũng là hướng đi tiếp của chúng tôi trong việc thu hút người lao động vào mái nhà chung công đoàn”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạ M’ri đánh giá, việc thành lập nghiệp đoàn đã tăng thêm tính đoàn kết trong HTX cũng như các thành viên liên kết. Ông Sơn chia sẻ thêm, mục tiêu của HTX cũng là thu hút thêm nhiều thành viên tham gia, cùng tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Xã viên, người lao động của HTX tham gia nghiệp đoàn càng giúp HTX tăng cường sức mạnh, thành viên thêm ý thức được vai trò của mình trong tập thể, tăng tính đoàn kết cũng như có nhiều chế độ, hỗ trợ cho thành viên, đặc biệt thu hút thành viên tham gia các hoạt động tập thể chung với công đoàn. “Tham gia các hoạt động tập thể chính là điểm nông dân chúng tôi còn thiếu. Nay tham gia vào công đoàn, các thành viên của HTX sẽ có thêm sân chơi để tăng cường sự gắn bó”, ông Nguyễn Thanh Sơn kỳ vọng.
Những người trồng sầu riêng của mảnh đất Đạ Huoai đã tham gia vào mái nhà chung Công đoàn Việt Nam. Dù còn nhiều khó khăn, vừa xây dựng tổ chức, vừa tìm hướng hoạt động cho phù hợp với một nghiệp đoàn mới mẻ, Nghiệp đoàn HTX Nông nghiệp Đạ M’ri đang sẵn sàng cho một mái ấm chung, mái ấm công đoàn.
Nông nghiệp xanh: Tìm cơ hội trong thách thức
Ngành nông nghiệp đang chịu nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu. Đứng trước thách thức này, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong nước đã sớm chuyển mình, đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững hơn, ổn định chất lượng sản phẩm, gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm để có thể tham gia sâu vào hệ thống phân phối trên thị trường toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đã sớm chuyển mình, đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững - Ảnh: VGP/MT
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan mà còn ảnh hưởng đến nông nghiệp, làm giảm diện tích đất canh tác, hạn hán và sâu bệnh dẫn đến năng suất canh tác thấp hoặc mất mùa hoàn toàn.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang tác động đến sản lượng rất nhiều cây trồng. Hạn hán còn gây hoang mạc hóa một số vùng, đặc biệt vùng Nam Trung Bộ, vùng cát biển, trung du, miền núi. Theo các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu dự kiến làm giảm 12% diện tích sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng và 24% ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng 1 m, năng suất canh tác lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ giảm 40% và nhiều cây trồng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đứng trước thách thức này, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đã sớm chuyển mình, đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững hơn, ổn định chất lượng sản phẩm, gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm để có thể tham gia sâu vào hệ thống phân phối trên thị trường toàn cầu.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của TTC AgriS quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư tài năng để kiến tạo những giải pháp nông nghiệp tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ cây mía, dừa - Ảnh: VGP/MT
Tiên phong của các doanh nghiệp tư nhân
Có thể kể đến Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS), một doanh nghiệp tốp đầu trong ngành mía đường và các sản phẩm từ cây dừa, lúa gạo đã tạo thu nhập cho hơn 8.000 hộ nông dân trồng cây mía và tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động các địa phương trên cả nước. Đặc biệt, với việc đầu tư cho công nghệ cao trong ngành nông nghiệp của mình, TTC AgriS đang nỗ lực hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm lực lượng nòng cốt góp phần vào phát triển kinh tế đất nước.
Bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT TTC AgriS cho biết, TTC AgriS luôn mang khát vọng đồng hành cùng đất nước trong lộ trình chuyển đổi kinh tế xanh, tham gia mở rộng chuỗi giá trị nông nghiệp đa phương bền vững.
"Với mục tiêu tiên phong trong nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, gắn với trách nhiệm cộng đồng và đổi mới sáng tạo, hơn 55 năm phát triển, TTC AgriS là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao dẫn đầu ngành mía đường với 46% thị phần và hiện diện tại hơn 69 thị trường quốc tế. TTC AgriS tạo chuỗi cung ứng vùng nguyên liệu gần 72.000 ha tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Australia, bảo đảm đầu vào chế biến đa dạng sản phẩm từ mía, dừa, chuối, gạo... đến thực phẩm dinh dưỡng cao", bà Đặng Huỳnh Ức My chia sẻ.
TTC AgriS tiên phong ứng dụng nền tảng số vào nông nghiệp. Theo đó, TTC AgriS áp dụng hệ thống quản lý doanh nghiệp ERP Oracle đồng bộ giúp doanh nghiệp kết nối vùng trồng đến logistics và phân phối, chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc, tăng giá trị xuất khẩu và đáp ứng tiêu chuẩn ESG.
Đứng trước nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, TTC AgriS cùng chung tay với mục tiêu cam kết đạt Net Zero vào năm 2035 và mô hình kinh tế tuần hoàn tại TTC AgriS, trong đó, doanh nghiệp không chỉ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số cho sản xuất trong nước mà còn xúc tiến mở rộng hệ sinh thái nông nghiệp xanh sang các quốc gia trong khu vực nhằm đưa doanh nghiệp trở thành đối tác quan trọng trong chuỗi thương mại quốc tế.
Cụ thể, vào ngày 18/4 vừa qua, TTC AgriS đã ký kết với Tập đoàn Sungau Budi của Indonesia triển khai các thỏa thuận hợp tác theo Biên bản ghi nhớ (MOU) ký trước đó vào tháng 3/2025 tại Indonesia về hợp tác chiến lược nâng cao ứng dụng khoa học - công nghệ và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp của hai nước.
Với hợp tác này, TTC AgriS và Sungai Budi sẽ cùng xây dựng Trung tâm R&D về nông nghiệp bền vững, triển khai mô hình vùng nguyên liệu mía kiểu mẫu (demo farm) trên diện tích 2.000 ha tại Indonesia. Dự án ứng dụng công nghệ canh tác hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu và thúc đẩy chuyển đổi xanh trong chuỗi giá trị cho sản phẩm từ cây mía.
Để xây dựng một môi trường làm việc, nghiên cứu sáng tạo các công nghệ mới trong ngành nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của TTC AgriS mới khánh thành đã quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư tài năng để kiến tạo những giải pháp nông nghiệp tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ cây mía, dừa từ đó phát triển hơn nữa xuất khẩu.
TTC AgriS và Sunga Budi sẽ cùng hợp tác liên doanh trong năm 2025 mở rộng quy mô 300 triệu lít các sản phẩm từ dừa - Ảnh: VGP/MT
Tập trung vào các cây trồng chủ lực
Riêng đối với ngành dừa, TTC AgriS và Sunga Budi sẽ cùng hợp tác liên doanh trong năm 2025 mở rộng quy mô 300 triệu lít các sản phẩm từ dừa. Trong đó, trong giai đoạn 1 triển khai sản xuất và thương mại sản phẩm từ dừa quy mô 120 triệu lít cung ứng cho thị trường Indonesia và quốc tế, đồng thời phát triển 20.000 ha vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với sự tham gia hợp tác của nông dân địa phương Indonesia.
Về sản lượng, TTC AgirS liên tiếp 5 năm duy trì sản lượng hơn 1 triệu tấn đường cung ứng cho thị trường nội địa và quốc tế trên nền tảng vùng nguyên liệu gần 72.000 ha tại 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Australia. Nhờ ứng dụng công nghệ thu nước từ quá trình bố hơi nước mía trong khâu luyện đường, TTC AgirS còn sản xuất hơn 3,6 triệu lít nước tinh khiết Miaqua. Ngoài ra, 100% nước thải sau sản xuất được xử lý và tận dụng để giải nhiệt máy móc, tưới cây, nuôi cá, hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam 40:2011/BTNMT; 100% nhà máy và văn phòng triển khai 5 S trong quản lý vệ sinh môi trường làm việc.
Về quản lý vùng nguyên liệu đối với cây dừa và cây mía, thời gian qua TTC AgriS áp dụng phương pháp thiên địch thả ong mắt đỏ trên diện rộng để diệt sâu đục thân mía. Phương pháp cho kết quả tỉ lệ sâu hại chỉ xuất hiện khoảng 1-2%. Thời gian tới, tiếp tục nhân rộng phương pháp này trên quy mô lớn, mục tiêu 60.000 ha cây mía.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ cùng các bộ, ngành, đối tác và người nông dân, TTC AgriS đã triển khai thành công mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Biến thách thức thành cơ hội, đó là thành quả của tư duy dám nghĩ, dám làm, thử nghiệm áp dụng các giải pháp sáng tạo kết hợp chuyển đổi số để từ đó xây dựng một nền nông nghiệp hiệu quả cao, góp phần tích cực vào sự phát triển nền kinh tế đất nước.
7 điểm mới của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 sẽ được triển khai thu thập thông tin trên phạm vi cả nước trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 30/7/2025, nhằm thu thập thông tin toàn diện về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thực trạng phát triển nông thôn trên phạm vi cả nước.
Ảnh minh họa
Theo Cục Thống kê, Cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 có nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, đòi hỏi một nền tảng dữ liệu đủ mạnh để phục vụ công tác hoạch định chính sách, phân tích xu hướng phát triển, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia và đáp ứng các yêu cầu mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, tổ chức tập Hội nghị tập huấn phiếu thu thập thông tin lập bảng kê Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 cho gần 70 cán bộ chủ chốt trong lĩnh vực thống kê.
Theo đó, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 bao phủ tất cả các hộ dân cư có hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; bao gồm cả các hộ tự sản xuất và hộ làm thuê, các trang trại sản xuất và khu vực nông thôn, nơi cư trú của người dân dù không trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
7 điểm mới
Với những thay đổi và cải tiến đáng kể trong quy trình thực hiện, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 có nhiều điểm mới so với các kỳ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp lần trước.
Cụ thể, việc thông tin thu thập trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 nhiều hơn, bao phủ đầy đủ hơn so với năm 2016 nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành, địa phương về thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, cơ cấu lao động nông thôn.
Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ lập bảng kê hộ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 cho Công chức Văn phòng Thống kê và điều tra viên Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 13 xã, phường.
Bên cạnh đó, cuộc Tổng điều tra cũng thay đổi về về thiết kế và phương pháp thực hiện phiếu bảng kê hộ giúp thu thập đầy đủ thông tin và tiết kiệm kinh phi; đồng thời nâng cao chất lượng thông tin và khai thác các thông tin đa chiều phục vụ phân tích và biên soạn báo cáo và khai thác tối đa dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra hiện có nhằm giảm thiểu thu thập thông tin từ thực địa, giúp nâng cao hiệu quả của Tổng điều tra.
Đặc biệt, cuộc Tổng điều tra lần này có sự thay đổi về hình thức thu thập thông tin sử dụng phiếu điều tra điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra và hoàn thiện số liệu.
Theo chia sẻ từ Cục Thống kê, để chuẩn bị tốt nhất cho Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025, Cục Thống kê đã và đang tiếp tục khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị về phương án điều tra, nhân lực, thiết bị công nghệ… Công tác tập huấn cũng đã được Cục Thống kê tổ chức trong tháng 02/2025 với sự tham dự của lãnh đạo và công chức phụ trách chuyên môn của 63 Chi cục Thống kê cả nước. Qua đó, giúp trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, quy trình lập bảng kê, bảo đảm thực hiện đúng phương án điều tra và nâng cao chất lượng số liệu thu thập được.
Theo đánh giá của Cục Thống kê, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 không chỉ là một nhiệm vụ thống kê đơn thuần, đây còn là "cuộc tổng rà soát" toàn diện, khoa học và chính xác về thực trạng khu vực nông thôn - nông nghiệp, từ đó định hình các chính sách phát triển bền vững, hiệu quả và sát thực tế; từ đó góp phần giúp Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng hoạch định được các chính sách đúng đắn, phục vụ người dân và đất nước, vì một nông thôn - nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Miễn, giảm thuế đất nông nghiệp: Nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo an ninh lương thực
Trao đổi với báo chí xung quanh việc Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030, ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho rằng, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp kỳ vọng tạo ra sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn và thúc đẩy phát triển nông thôn mới…
Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp còn mang lại nhiều kỳ vọng tích cực trong tương lai. Ảnh tư liệu
PV: Thưa ông, đâu là lý do khiến Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030 và chính sách này tác động ra sao đối với ngành Nông nghiệp, cũng như bà con nông dân?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Như chúng ta đã biết, nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như ổn định kinh tế, ổn định chính trị và là nhân tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua. Theo quy định hiện hành, thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn đến hết ngày 31/12/2025, căn cứ theo các Nghị quyết 55/2010/QH12, Nghị quyết 107/2020/QH14 và Nghị quyết 28/2016/QH14. Theo các nghị quyết này, hầu hết đất nông nghiệp được miễn thuế, đặc biệt là đất giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đất nông nghiệp được giao nhưng không trực tiếp sản xuất mà cho tổ chức, cá nhân khác thuê lại để sản xuất thì không được miễn thuế.
Bên cạnh đó, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng nhằm đảm bảo các mục tiêu của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cũng như thúc đẩy tích tụ đất đai theo các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ sửa đổi chính sách thuế, phí trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất nông nghiệp phát triển.
Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp còn mang lại nhiều kỳ vọng tích cực trong tương lai, như: tạo ra sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo công ăn, việc làm cho khu vực nông thôn và thúc đẩy phát triển nông thôn mới; đồng thời đảm bảo tuân thủ các cam kết và thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
PV: Việc thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng ra sao đến nguồn thu ngân sách, Bộ Tài chính đánh giá như thế nào về hiệu quả từ việc triển khai chính sách này, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Mục tiêu thứ nhất trong thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Mục tiêu thứ hai là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thứ ba là, qua đánh giá quá trình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian qua, số thu từ đất nông nghiệp rất nhỏ, chỉ khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm (năm 2022 và 2023 đều khoảng 10 tỷ đồng). Số thu này chủ yếu để bù đắp chi phí cho các địa phương trong việc quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, chiếm tỷ trọng rất nhỏ khoảng 0,0057% tổng thu ngân sách nhà nước theo tính toán năm 2023 tổng kết đánh giá.
Như chúng ta đã biết, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp không phải mới mà đã được thực hiện từ lâu, do đó hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng miễn, giảm thuế này. Vì vậy, việc thực hiện chính sách này không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Việc đề xuất kéo dài chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến ngày 31/12/2030 dự kiến sẽ làm giảm thu khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm. Qua đánh giá tại các địa phương cho thấy, trong quá trình thực hiện chính sách miễn, giảm thuế này không gặp vướng mắc lớn và được các địa phương cho rằng, việc tiếp tục cho miễn, giảm thuế đất nông nghiệp là phù hợp và cần thiết để khuyến khích sản xuất nông nghiệp phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
PV: Có ý kiến lo ngại việc miễn thuế đại trà dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi này. Vậy Bộ Tài chính có giải pháp nào để chính sách này thực sự đi vào đúng đối tượng, sử dụng hiệu quả hơn?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Thực tế, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được thực hiện hơn 30 năm, kể từ năm 1993. Theo Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp ban hành năm 1993 và các sửa đổi, bổ sung từ năm 2001 đến nay, chính sách này được điều chỉnh nhằm phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng như mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Qua tổng kết, đánh giá các nghị quyết của Quốc hội đã được ban hành cho thấy phạm vi và đối tượng miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay vẫn còn phù hợp và không cần sửa đổi. Đề xuất kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030, nhằm tiếp tục khuyến khích sản xuất nông nghiệp, phát triển nông dân và nông thôn, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, việc kéo dài miễn, giảm thuế còn góp phần đảm bảo công ăn, việc làm cho người dân, khuyến khích họ gắn bó lâu dài với sản xuất nông nghiệp, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực nông thôn.
PV: Có thông tin cho rằng, tại nhiều địa phương có tình trạng đất nông nghiệp được miễn thuế sử dụng nhưng lại bị bỏ hoang nhiều năm không được đưa vào sử dụng đang gây ra sự lãng phí. Theo ông, cần có giải pháp quản lý ra sao để việc sử dụng đất được tiết kiệm, hiệu quả?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Nghị quyết không bổ sung phạm vi đối tượng miễn, giảm thuế. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đất bị bỏ hoang, nhưng số lượng này rất nhỏ. Việc quản lý nhà nước về đất đai, hiện nay được Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quản lý, cũng như các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương cùng tham gia thực hiện quản lý.
Do đó, việc quản lý đất đai thuộc chức năng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương. Theo quy định tại Khoản 7, Điều 81 Luật Đất đai năm 2024, đối với đất nông nghiệp như đất trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thủy sản, nếu không được sử dụng liên tục trong vòng 12 tháng; đất trồng cây lâu năm không sử dụng liên tục trong 18 tháng; đất trồng rừng không sử dụng liên tục trong 24 tháng bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn trong quyết định xử phạt, thì sẽ bị thu hồi.
Ngoài ra, tại Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định, trong trường hợp thu hồi đất nông nghiệp bỏ hoang, nhà nước sẽ không bồi thường cho phần đất bị thu hồi. Đây là biện pháp nhằm khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thực tế, khái niệm đất bỏ hoang rất hiếm gặp và số lượng đối tượng này rất nhỏ, đồng thời chưa có định nghĩa cụ thể về đất bỏ hoang.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm
Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Đây tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất…, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và ổn định kinh tế - xã hội.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025: Số hóa toàn diện, bao phủ sâu rộng
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là một trong ba cuộc tổng điều tra quốc gia do ngành Thống kê chủ trì, chuẩn bị triển khai từ ngày 1-7 trên phạm vi cả nước. So với kỳ điều tra năm 2016, cuộc điều tra năm nay có nhiều điểm mới nổi bật về nội dung thu thập và phương thức thực hiện. Báo Khánh Hòa đã có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Trúc Phương - Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh về vấn đề này.
- Xin bà cho biết điểm mới nổi bật nhất của điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 so với năm 2016?
- Tổng điều tra năm nay thu thập nhiều nhóm thông tin hơn, bao phủ rộng hơn cả về quy mô, đối tượng, thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản; cơ cấu lao động nông thôn. Đặc biệt, lần đầu tiên bổ sung phiếu điều tra dành riêng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và liên minh hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Điều này nhằm đảm bảo phạm vi điều tra đầy đủ, phản ánh toàn diện hơn về bức tranh phát triển khu vực nông thôn và ngành nông nghiệp.
Một điểm đột phá nữa là toàn bộ quá trình thu thập dữ liệu được số hóa, sử dụng phiếu điều tra điện tử, quản lý tiến độ và chất lượng thông tin qua hệ thống trực tuyến. Công nghệ thông tin được áp dụng trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện dữ liệu; một số công đoạn còn sử dụng bản đồ số để nắm rõ tiến độ, chất lượng điều tra tại địa bàn điều tra. Điều này giúp dữ liệu thống nhất, chính xác, dễ truy xuất và phân tích hơn nhiều so với điều tra giấy truyền thống; đồng thời tạo cơ sở để xây dựng Chính phủ điện tử sau này.
- Cuộc điều tra sẽ bao gồm những đối tượng nào và tổ chức theo phương pháp nào, thưa bà?
- Cuộc điều tra sẽ thu thập thông tin của lao động tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gồm: Hộ dân cư tham gia hoạt động nông, lâm, thủy sản; lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản; các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực này và UBND xã. Việc điều tra diễn ra từ ngày 1 đến 30-7.
Phương pháp điều tra là kết hợp giữa điều tra toàn bộ và chọn mẫu. Trong đó, điều tra toàn bộ áp dụng với tất cả đơn vị tham gia hoạt động nông, lâm, thủy sản; còn điều tra chọn mẫu áp dụng với một số hộ trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản để thu thập chuyên sâu phục vụ nghiên cứu hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với đối tượng này.
- Nội dung điều tra cụ thể bao gồm những gì, thưa bà?
- Nội dung điều tra năm 2025 được thiết kế để phản ánh thực trạng sản xuất nông, lâm, thủy sản và đời sống nông thôn như về quy mô, năng lực và hình thức sản xuất; cơ cấu và thời gian lao động; mức độ áp dụng cơ giới hóa, công nghệ số, ứng dụng khoa học kỹ thuật; tình hình truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ sản phẩm; tác động đến môi trường; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cuộc điều tra còn tập trung vào các vấn đề như: Kinh tế trang trại; vai trò của phụ nữ trong sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản xuất - tiêu dùng tự cung tự cấp của hộ nông dân; sử dụng đất nông nghiệp...
Về nông thôn, nội dung điều tra bao gồm chuyển biến về kết cấu hạ tầng; chính sách hỗ trợ kinh tế; vệ sinh môi trường; phát triển nông, lâm, thủy sản gắn với chế biến, dịch vụ và du lịch, tổ hợp tác và làng nghề; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của UBND xã. Với cư dân nông thôn, thông tin điều tra sẽ tập trung vào khả năng tiếp cận vốn, tín dụng; đào tạo nghề cho lao động; kết quả thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước; tình hình sử dụng điện, nước sạch, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
- Việc ứng dụng số hóa trong điều tra có thuận lợi và khó khăn gì, thưa bà?
- Số hóa mang lại rất nhiều thuận lợi cho việc điều tra: Dữ liệu được cập nhật tức thời, bảo mật tốt, giảm sai sót nhờ phần mềm kiểm tra logic tự động giúp kiểm soát tiến độ và đảm bảo chất lượng thông tin hiệu quả hơn. Các điều tra viên áp dụng 2 phương pháp thu thập thông tin gồm phỏng vấn trực tiếp và thu thập thông tin gián tiếp thực hiện hầu hết trên phiếu điều tra điện tử. Phiếu CAPI (phiếu điện tử cầm tay) được sử dụng khi điều tra viên phỏng vấn trực tiếp đối tượng; còn Webform là phiếu điện tử để UBND xã tự điền thông tin.
Khó khăn chủ yếu nằm ở bước đầu khi người dân hoặc cán bộ xã chưa quen thao tác trên hệ thống. Tuy nhiên, các điều tra viên sẽ hỗ trợ, cấp tài khoản, hướng dẫn đăng nhập và khai báo thông tin đầy đủ.
Dữ liệu từ phiếu CAPI và Webform đều được chuyển về máy chủ của Cục Thống kê, song đối với phiếu CAPI thì nhanh hơn vì được đồng bộ ngay từ thiết bị của điều tra viên. Những dữ liệu này đều được phần mềm kiểm tra, xử lý, mã hóa định danh và ẩn danh trước khi chuyển đến Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 Trung ương.
- Đến thời điểm này, tỉnh đã chuẩn bị như thế nào cho cuộc tổng điều tra, thưa bà?
- Đến nay, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, ban hành quy chế hoạt động và kế hoạch tổng điều tra; phân công rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương. Ban Chỉ đạo cấp huyện đã tổ chức các hội nghị tập huấn ghi phiếu, hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo cấp xã và các điều tra viên. Đầu tháng 6-2025, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ điều tra cho Ban Chỉ đạo các cấp, đội trưởng và điều tra viên để tiến hành điều tra thực địa bắt đầu từ ngày 1-7-2025.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền đang được đẩy mạnh nhằm giúp người dân hiểu, đồng thuận và phối hợp cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, góp phần cho cuộc tổng điều tra được tiến hành thuận lợi, thành công.
- Xin cảm ơn bà!
Hiệu quả hoạt động của HTXDVNN Kim Bình
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Kim Bình (thành phố Phủ Lý) có diện tích đất nông nghiệp hơn 200 ha. Trong quá trình hoạt động, HTX đã tổ chức tốt các khâu dịch vụ, gồm cả dịch vụ thiết yếu và dịch vụ thỏa thuận nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển.
Trong quá trình hoạt động, Hội đồng quản trị HTXDVNN Kim Bình luôn coi trọng, nâng cao chất lượng các dịch vụ thiết yếu như: Dịch vụ thủy nông – bảo vệ sản xuất, bảo vệ thực vật, khuyến nông... Điển hình, khi bước vào vụ sản xuất, dịch vụ thủy nông – bảo vệ đồng ruộng được triển khai đến các trưởng thôn, đồng thời là đội trưởng sản xuất điều tiết, dong dẫn nước theo chỉ đạo chung của HTX ở từng thời điểm của mùa vụ. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức vớt bèo, rác khơi thông dòng chảy, kết hợp bảo vệ lúa, hoa màu. Hằng năm, HTXDVNN đều dành nguồn kinh phí theo quy định từ khoản cấp bù thủy lợi phí đầu tư sửa chữa trạm bơm, cầu, cống và nạo vét kênh mương. Mỗi năm, khối lượng đất đào đắp thủy lợi của HTX khoảng hơn 3.000 m3…
Do làm tốt dịch vụ thủy nông – bảo vệ sản xuất, nhiều vụ gần đây sản xuất trên đồng ruộng ở Kim Bình luôn được bảo đảm. Với dịch vụ khuyến nông, HTX thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường và của thành phố tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Tính trong 5 năm (từ 2020 – 2024) HTXDVNN Kim Bình đã phối hợp tổ chức được 45 lớp tập huấn cho hơn 2.500 lượt xã viên. Hội đồng quản trị HTX trích quỹ phát triển sản xuất hỗ trợ xã viên phát triển diện tích cây trồng hàng hóa (tập trung vào cây dưa chuột)…
Diện tích trồng dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Kim Bình (TP Phủ Lý).
Cùng với dịch vụ thiết yếu, HTXDVNN Kim Bình còn tổ chức một số dịch vụ thỏa thuận với xã viên (dịch vụ cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm, diệt chuột và làm đất). Cụ thể, dịch vụ cung ứng vật tư phân bón và tiêu thụ sản phẩm được HTX liên hệ với các doanh nghiệp giống cây trồng… và sản xuất phân bón uy tín nhập giống lúa và các loại phân bón phục vụ sản xuất trên địa bàn bảo đảm chất lượng, giá cả. Từ năm 2020 đến vụ xuân 2025, HTX đã cung ứng được 250 tấn phân bón (chủ yếu là phân tổng hợp NPK), hơn 15 tấn giống lúa, 35 nghìn gói thuốc trừ sâu, bệnh và thuốc diệt chuột các loại. Trong tiêu thụ sản phẩm, HTX đã liên hệ với doanh nghiệp chế biến, đại lý thu mua nông sản cho người dân…
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTXDVNN Kim Bình cho biết: HTX luôn duy trì và nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ để hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhờ vậy, sản xuất trên đồng ruộng của xã chuyển dịch mạnh theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, tạo việc làm cho lao động địa phương…
Từ hiệu quả hoạt động của HTXDVNN, sản xuất nông nghiệp ở Kim Bình có sự thay đổi đáng kể. Đối với 2 vụ lúa, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống được chuyển đổi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Riêng vụ mùa, lúa chất lượng được gieo cấy gần 90% diện tích, nâng giá trị sản xuất từ 15 – 20% so với trước. Cùng với cây lúa, HTXDVNN Kim Bình đã tổ chức quy hoạch vùng sản xuất cây vụ đông hàng hóa trên 50 ha trồng ngô ngọt, bí xanh, bí đỏ… Riêng cây dưa chuột cho giá trị kinh tế cao được phát triển ở cả 3 vụ trong năm (vụ xuân, vụ hè thu và vụ đông), có tổng diện tích hơn 10 ha/năm. Cây hàng hóa phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, nhiều hộ đạt thu nhập 60 – 120 triệu đồng/vụ.
Điển hình, hộ bác Nguyễn Thị Kiêm, thôn An Lạc duy trì trồng 8 sào dưa chuột mỗi vụ. Với diện tích này, trừ mọi chi phí bác Kiêm thu lợi nhuận bình quân từ 120 - 150 triệu đồng/năm, cao gấp 5 - 7 lần cấy lúa trước đây. Theo bác Kiêm, các dịch vụ của HTXDVNN Kim Bình là chỗ dựa tin cậy, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Để hỗ trợ sản xuất, thời gian tới, HTXDVNN Kim Bình tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng; ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; từng bước đưa cơ giới đồng bộ vào đồng ruộng; tổ chức liên kết sản xuất… Đặc biệt, HTX hướng đến áp dụng chuyển đổi số trong công tác điều hành nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương ngày càng phát triển.
Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cung ứng gần 150 tấn lúa giống chất lượng cho thị trường
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng bởi bão lũ vào cuối năm 2024, nhưng sau khi khắc phục, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng đi vào sản xuất ổn định. 4 tháng đầu năm 2025, trung tâm đã cung cấp cho thị trường gần 150 tấn lúa giống chất lượng.
Giống lúa do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh sản xuất phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, trung tâm đã cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh các loại giống lúa như: LC25, LC212, LC270, Séng cù, LH12, LC18, LC26. Đồng thời, đơn vị còn cung cấp các loại giống ngô như: CS71, LVN66, TM181...
Mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng thiên tai, nhưng cán bộ, nhân viên Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh vẫn luôn tích cực thực hiện hoạt động nghiên cứu giống lúa phục vụ sản xuất theo kế hoạch 2025 đã đề ra.
Các giống lúa mới chất lượng được trung tâm nghiên cứu sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
OCOP nâng tầm sản phẩm nông nghiệp
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, Phú Yên đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo cơ hội cho các loại nông sản của địa phương khẳng định vị thế trên thị trường. Từ sự lan tỏa của chương trình, nhiều nông sản đã được các chủ thể đầu tư, phát triển trở thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân.
Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương trưng bày tại các cửa hàng, siêu thị được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao. Ảnh: NGỌC HÂN
Tạo việc làm, tăng thu nhập
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị. Chính vì vậy, Chương trình OCOP cũng được coi là nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới ở Phú Yên thời gian qua.
Ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu kế hoạch nhằm tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn liền với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn. Đồng thời, kế hoạch cũng nhằm bảo tồn giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Ông Đào Chu Tấn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Hòa cho hay: Qua triển khai thực hiện chương trình OCOP, địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả. Huyện cũng hỗ trợ phát triển các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP... góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP của tỉnh trên thị trường. Thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã góp phần tạo việc làm cho nhiều người, nhất là lao động có việc làm trong thời gian nông nhàn.
Để các sản phẩm OCOP của tỉnh thiết lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp sản phẩm; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ chủ thể mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm được thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh triển khai ứng dụng kinh tế số trong việc triển khai các sản phẩm OCOP để thuận tiện cho việc xúc tiến thương mại, ổn định đầu ra sản phẩm.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường
Là một trong những đơn vị điển hình trong xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) đã có 9 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao gồm: trái khóm, bánh khóm, giấm khóm, rượu khóm... Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này cho biết: Tham gia chương trình, sản phẩm OCOP của HTX được thị trường đón nhận, giá trị nông sản nhờ đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, không vì thế mà đơn vị dừng lại. HTX vẫn tiếp tục đầu tư nâng cấp các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP để sản phẩm OCOP của tỉnh bằng và vượt các sản phẩm OCOP các tỉnh bạn, đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hiện HTX tiếp tục hoàn thiện những sản phẩm nông sản mới để làm phong phú thêm sản phẩm OCOP mang thương hiệu HTX.
Tiếp tục phát huy hiệu quả
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 390 sản phẩm OCOP được công nhận, điều này đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho các đơn vị, hộ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, là một tỉnh nông nghiệp, nhưng số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của Phú Yên vẫn còn thấp so với các tỉnh khác. Vì vậy, theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 50 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 2 sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho hay: Năm 2025, Tây Hòa phấn đấu có 22 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP; 70% số sản phẩm có tham gia vào kênh bán hàng hiện đại và được hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm (tem nhãn, giải pháp truy xuất nguồn gốc, bao bì, quản lý nhãn hiệu, website, kiểm nghiệm…). Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP. Trong đó tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả cho các chủ thể OCOP; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản trị, marketing; khuyến khích các chủ thể tham gia giao dịch buôn bán sản phẩm OCOP qua các kênh bán hàng hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa thông tin: Theo kế hoạch, năm 2025 trên địa bàn thị xã sẽ có ít nhất 10 sản phẩm trở lên đạt chuẩn OCOP 3 sao. “Để thực hiện đạt mục tiêu này, UBND TX Đông Hòa yêu cầu các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường tiếp tục phối hợp đẩy mạnh quán triệt tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các chủ thể có sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đặc trưng tại địa phương tích cực đăng ký tham gia như các sản phẩm: hạt sen sấy giòn, trà củ sen, tinh bột củ sen, cam sành, bưởi da xanh, trà xương rồng, bánh trứng muối…
Để Chương trình OCOP đảm bảo thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh cho hay: Hội đồng đánh giá, phân hạng sẽ thực hiện việc ban hành các cơ chế, chính sách về hỗ trợ ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp điều kiện của địa phương; lồng ghép chặt chẽ chương trình OCOP với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như xác lập và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tập trung phát triển, nâng chất các sản phẩm đã được đánh giá; thực hiện xúc tiến thương mại điện tử để bán sản phẩm OCOP.
Đồng Nai nâng cao giá trị cho cây công nghiệp chủ lực
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND về Phát triển cây công nghiệp (CCN) chủ lực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và 2030. Quan điểm nhằm phát triển CCN chủ lực phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một doanh nghiệp tư nhân tại huyện Định Quán đầu tư chế biến sâu sản phẩm cà phê. Ảnh:B.Nguyên
Mục tiêu nhằm phát triển CCN chủ lực, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các vùng sản xuất CCN chủ lực tập trung, quy mô lớn, gắn với chế biến nâng cao giá trị gia tăng.
Giảm diện tích, tăng năng suất
Nhóm CCN chủ lực của tỉnh gồm: cao su, điều, cà phê, tiêu. Cụ thể, với cây hồ tiêu, diện tích đến năm 2025 có hơn 10 ngàn hécta, sản lượng đạt hơn 9,5 ngàn tấn; đến năm 2030 chỉ còn hơn 9,9 ngàn hécta, sản lượng đạt gần 21,3 ngàn tấn. Để đạt mục tiêu giảm nhẹ về diện tích nhưng sản lượng tăng gấp 2 lần so với hiện nay, giải pháp là áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến. Xây dựng hệ thống vườn giống hồ tiêu đầu dòng, ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh để cung cấp giống cho diện tích hồ tiêu trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn khoảng 40-50%.
Mục tiêu năm 2025, toàn tỉnh còn hơn 82,4 ngàn hécta các CCN chủ lực, sản lượng đạt 143 ngàn tấn. Đến năm 2030, tổng diện tích các CCN chủ lực còn khoảng 77,1 ngàn hécta, sản lượng đạt hơn 107,2 ngàn tấn.
Năm 2025, diện tích cây điều gần 27 ngàn hécta, sản lượng gần 41,1 ngàn tấn; đến năm 2030 sẽ còn 25 ngàn hécta nhưng năng suất sẽ tăng cao. Mục tiêu đến năm 2030, khoảng 80-90% diện tích điều trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất.
Hiện nay, diện tích trồng cà phê của tỉnh gần 5,3 ngàn hécta, sản lượng gần 13,4 ngàn tấn; đến năm 2030 tăng lên khoảng 6 ngàn hécta, sản lượng hơn 15 ngàn tấn. Tỉnh sẽ phát triển vùng trồng cà phê ở những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ... Tiếp tục trồng tái canh, ghép cải tạo diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các giống mới năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh...
Năm 2025, diện tích cao su đạt gần 40,2 ngàn hécta, sản lượng hơn 41,7 ngàn tấn; đến năm 2030 còn gần 36,1 ngàn hécta, sản lượng hơn 42,2 ngàn tấn. Diện tích cao su giảm mạnh do chuyển đổi sang cây trồng khác; đẩy mạnh tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các vườn cây hiện có, nâng cao năng suất, chất lượng.
Thu hút đầu tư chế biến sâu
Thời gian qua, Đồng Nai đã đề ra nhiều giải pháp phát triển các vùng CCN tập trung theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) Trương Đình Bá chia sẻ, Dự án Cánh đồng lớn hồ tiêu tại địa phương thu hút sự tham gia của 700 hộ sản xuất với diện tích 877 hécta. Trong đó, nông dân sử dụng men vi sinh IMO vào sản xuất để tự ủ phân, làm thuốc bảo vệ thực vật vừa tiết kiệm chi phí sản xuất đầu vào, nhưng quan trọng là việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm làm ra sản phẩm an toàn. Nhờ đó, sản phẩm hồ tiêu tham gia chuỗi liên kết có giá bán cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường; đạt chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như châu Âu.
Ngoài lợi thế phát triển được các vùng chuyên canh CCN, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước trong thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) lớn trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến, xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm chế biến CCN.
Đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết, DN đang xuất khẩu khoảng 40 ngàn tấn điều/năm, gồm hạt điều và các sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều, vào nhiều thị trường như: châu Âu, Hoa Kỳ... Mọi khâu chế biến, đóng gói của DN đều được tự động hóa với công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. DN cũng rất quan tâm đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu, trong đó có những vùng nguyên liệu sản xuất theo chuẩn hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, nhiều DN đang đầu tư chế biến sâu, xây dựng thương hiệu sản phẩm để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Trần Minh (xã Phú Tân, huyện Định Quán) Trần A Sáng cho biết, nguồn cung cà phê giảm mạnh khiến giá cà phê tăng cao. Việc kinh doanh thuần túy mặt hàng cà phê gặp nhiều khó khăn. Vài năm trở lại đây, DN tập trung đầu tư chế biến sâu, xây dựng nhãn hàng, thương hiệu riêng cho sản phẩm để tạo thêm giá trị gia tăng cũng như lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và môi trường Trần Lâm Sinh, các DN trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản ngày càng quan tâm ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại để tiết kiệm chi phí sản xuất, làm ra sản phẩm chất lượng cao, tăng lợi thế cạnh tranh cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh cũng rất quan tâm thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ nông dân và DN như: hỗ trợ phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; phát triển hợp tác xã... Trong đó, đặc biệt quan tâm hỗ trợ, khuyến khích các DN đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến, đặc biệt là chế biến sâu.
Ở nơi 'chè xanh, quế ngát, măng thơm, tơ vàng'
Những năm gần đây, Trấn Yên như một biểu tượng sinh động cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp địa phương. Không chỉ là nơi sản sinh ra những sản vật đậm đà bản sắc núi rừng Tây Bắc, Trấn Yên còn là điểm sáng trong việc hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất theo chuỗi liên kết, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Sản phẩm tơ tằm sản xuất tại Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đã xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ.
Thực hiện Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, huyện Trấn Yên đã ban hành nhiều kế hoạch hành động thiết thực, cụ thể. Đồng chí Nguyễn Thành Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: "Phát triển nông nghiệp không chỉ là chuyện của mùa màng mà là chiến lược phát triển dài hạn. Trấn Yên lấy người dân làm trung tâm, lấy liên kết chuỗi giá trị làm động lực và lấy hiệu quả bền vững làm tiêu chí cốt lõi”.
Từ định hướng ấy, Trấn Yên đã không ngừng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; ưu tiên công nghệ cao, khuyến khích sản xuất hữu cơ, chú trọng đăng ký nhãn hiệu và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, huyện hiện đã bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 9 sản phẩm, trong đó có các nhãn hiệu được thị trường biết đến rộng rãi như: chè xanh Trấn Yên, quế vỏ khô Trấn Yên, bưởi Trấn Yên, gà đồi Trấn Yên, mật ong Trấn Yên, Miến đao Quy Mông, quýt Hưng Thịnh và thanh long ruột đỏ Minh Quân, cùng chỉ dẫn địa lý "Măng tre Bát Độ Yên Bái”.
Hiện nay, Trấn Yên đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Những con số minh chứng cho sức bật của ngành nông nghiệp huyện: tre măng Bát Độ hơn 5.000 ha, sản lượng trên 34.000 tấn/năm; dâu tằm trên 1.000 ha, sản lượng kén trên 1.600 tấn/năm; quế 20.000 ha, trong đó có 12.000 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ; cây ăn quả trên 1.000 ha; chăn nuôi hàng hóa hơn 700 cơ sở, sản lượng gia cầm xuất chuồng gần 10.000 tấn/năm.
Không dừng lại ở sản xuất, huyện còn chú trọng khâu chế biến và truy xuất nguồn gốc. Trấn Yên hiện có 17 vùng/cơ sở đạt chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trong nước và quốc tế. Trong đó: 6 chứng nhận VietGAP, 3 chứng nhận hữu cơ trong nước, 1 chứng nhận hữu cơ Organic cho cây quế.
Xác định Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chiến lược quan trọng để nâng cao giá trị nông sản, Trấn Yên đã huy động sự vào cuộc từ cấp huyện đến thôn, bản. Đến nay, huyện đã có 50 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, vượt xa mục tiêu đề ra. Trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 3 sao.
Các sản phẩm OCOP không chỉ được gắn tem truy xuất nguồn gốc mà còn đạt các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Nhiều sản phẩm nổi bật đã trở thành biểu tượng của nông sản Trấn Yên như: quế điếu thuốc Đào Thịnh, bột quế Hòa Cuông, măng chua Bát độ Kiên Thành, chè xanh Bảo Hưng... Đặc biệt, 4 cơ sở sản xuất đã đạt tiêu chuẩn HACCP - tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe hàng đầu thế giới.
Nền tảng vững chắc cho phát triển nông nghiệp bền vững không thể không nhắc đến những nông dân "thế hệ mới” ở Trấn Yên - những người đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa sản xuất. Tại xã Hưng Thịnh, mô hình trồng bưởi của ông Hà Đình Giáp với diện tích 1,5 ha đã áp dụng thành công kỹ thuật tưới tiêu, chăm bón hiện đại. Tại thôn Khang Chính, ông Mai Văn Tình đầu tư 3,5 ha cam CT9 và CT36 từ Dự án hợp tác với Trường Đại học Hùng Vương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tươm ở thôn Yên Định đã phát triển mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt áp dụng công nghệ sinh học, quy mô lên đến 250 con lợn thịt và 45 con lợn nái. Ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh chia sẻ: "Xã đã quy hoạch và hình thành được vùng cây ăn quả tập trung. 2 sản phẩm chủ lực là quýt Đường canh và bưởi Diễn đã được công nhận OCOP, đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.vn”.
Theo bà Triệu Thị Bích Liệu - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Trấn Yên, nhiều sản phẩm chủ lực của huyện đã được xuất khẩu ra thế giới như: quế xuất sang châu Âu; măng tre Bát Độ xuất sang Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc; tơ tằm xuất sang Trung Quốc và Ấn Độ... "Chất lượng sản phẩm được nâng lên, giá trị tăng cao, đời sống người dân cũng khấm khá hơn. Đây là minh chứng sống động cho mô hình nông nghiệp gắn kết - hiện đại - bền vững” - bà Liệu nhấn mạnh.
Trấn Yên hôm nay không chỉ là vùng đất "chè xanh, quế ngát, măng thơm, tơ vàng”, mà còn là hình ảnh sinh động của một địa phương biết "đi tắt, đón đầu”, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa kinh nghiệm bản địa và công nghệ hiện đại. Trong hành trình chuyển mình đó, những sản phẩm nông nghiệp chủ lực chính là "hạt ngọc” quý giá kết tinh từ đất đai, con người và khát vọng vươn xa.
Trong năm 2024 - 2025, huyện Trấn Yên phấn đấu có ít nhất 2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; xuất khẩu 8-10 sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực ra thị trường quốc tế; xây dựng mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm trồng dâu - nuôi tằm - dệt lụa, khai thác văn hóa bản địa, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng; tiếp tục khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ hiện đại.
Chuyển đổi số, bứt phá nông nghiệp ở 'đất thép' Củ Chi
Giữa dòng chảy của chuyển đổi số, người nông dân Củ Chi (TP.HCM) không còn đơn độc trên cánh đồng. Họ được tiếp sức bởi khoa học công nghệ, bởi những HTX mạnh dạn đổi mới, và bởi chính khát vọng vươn lên làm giàu từ 'đất thép' quê hương.
Là huyện ngoại thành của TP.HCM, Củ Chi có hơn 14.000 ha đất sản xuất nông nghiệp – chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu phát triển kinh tế địa phương. Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nếu không thay đổi tư duy sản xuất, nông nghiệp nơi đây sẽ bị tụt hậu.
Nông nghiệp “số hóa” giữa lòng thành phố
Tuy nhiên, thay vì bị bỏ lại phía sau, Củ Chi đã và đang chủ động đón đầu làn sóng công nghệ, chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Với sự dẫn dắt của các HTX tiên phong trong chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, người nông dân Củ Chi đã chuyển mình mạnh mẽ.
Kể từ năm 2021 đến nay, huyện đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học công nghệ, hình thành các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử.
Ứng dụng khoa học công nghệ giúp HTX, nông dân Củ Chi tăng giá trị sản xuất.
Một trong những điểm sáng của Củ Chi trong quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp chính là các HTX tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cao và việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn.
Tiêu biểu là HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Nông (xã Tân Phú Trung). Thành lập từ năm 2019, HTX ban đầu chỉ có vài thành viên, sản xuất nhỏ lẻ rau ăn lá. Đến nay, nhờ ứng dụng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh, và phần mềm quản lý sản xuất theo chuẩn VietGAP, HTX đã mở rộng diện tích lên hơn 7 ha, tạo việc làm ổn định cho gần 40 lao động địa phương, với thu nhập trung bình 6-8 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Văn Nhã – Giám đốc HTX Tiến Nông – cho biết: “Chúng tôi đầu tư hệ thống IoT để giám sát nhiệt độ, độ ẩm trong nhà màng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón, thậm chí dự đoán dịch bệnh để can thiệp sớm. Mọi quy trình đều được số hóa, truy xuất nguồn gốc qua mã QR nên khách hàng rất yên tâm.”
Không dừng lại ở rau củ, HTX còn phát triển sản phẩm chế biến như nước ép rau, salad đóng gói – nhờ vậy có thể đưa nông sản vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, việc hợp tác với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Postmart... giúp sản phẩm HTX “đi xa hơn”, doanh thu tăng đều mỗi năm.
Mở đường cho nông nghiệp “4.0”
Tương tự, tại xã Trung Lập Hạ, mô hình của HTX Hoa lan Củ Chi cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt từ ứng dụng công nghệ. HTX quy tụ hơn 20 hộ trồng lan chuyên nghiệp, chuyên cung cấp các dòng lan Mokara, Dendro chất lượng cao cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Văn Dũng – thành viên HTX – chia sẻ: “Trước đây trồng lan chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, bón phân hay tưới nước đều làm thủ công, không chính xác nên hiệu quả thấp. Từ khi HTX hỗ trợ lắp hệ thống tưới tự động, theo dõi qua cảm biến, cây lan phát triển đồng đều, tỷ lệ hoa đạt chuẩn cao hơn hẳn”.
HTX còn sử dụng phần mềm quản lý sản xuất để theo dõi từng lô cây, lập lịch chăm sóc cụ thể. Ngoài ra, việc kết nối qua Zalo, Facebook và livestream bán hàng đã trở thành kênh tiêu thụ chính trong mùa dịch và vẫn tiếp tục được duy trì. Nhờ đó, doanh thu của HTX năm 2024 đạt trên 8 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động.
Các HTX đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Củ Chi.
Một hướng đi mới trong chiến lược chuyển đổi số tại Củ Chi là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp công nghệ và HTX nông nghiệp. Điển hình là sự hợp tác giữa HTX Rau củ Hòa Phú với doanh nghiệp đối tác để triển khai nền tảng số “FarmTrack” để giám sát quy trình trồng trọt, từ làm đất, gieo trồng đến thu hoạch.
Nhờ bắt tay với đối tác uy tín, HTX được hỗ trợ cài đặt cảm biến môi trường, sử dụng AI để phân tích dữ liệu và đề xuất canh tác tối ưu. Đồng thời, phần mềm sẽ tự động tạo nhật ký sản xuất số, giúp truy xuất nguồn gốc và chứng minh tiêu chuẩn chất lượng với đối tác.
Nhờ sự minh bạch, chuyên nghiệp, HTX Rau củ Hòa Phú đã ký được hợp đồng cung cấp rau sạch cho chuỗi nhà hàng và bếp ăn công nghiệp ở TP.HCM, với sản lượng gần 2 tấn/ngày. Doanh thu HTX năm qua đạt hơn 10 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động địa phương.
Hướng tới nền nông nghiệp thông minh bền vững
Một điều đáng chú ý là trong những năm qua, huyện Củ Chi đã từng bước khẳng định vai trò của kinh tế hợp tác, HTX trong phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững. Đồng hành với quá trình này, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh HTX TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.
Cụ thể, thông qua các chương trình mục tiêu, dự án hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với địa phương đầu tư cơ sở vật chất cho nhiều HTX tại Củ Chi, trong đó tiêu biểu là hỗ trợ nhà xưởng, kho bảo quản, hệ thống tưới nước tiết kiệm, máy móc sơ chế nông sản.
Đặc biệt, HTX Rau an toàn Phước An và HTX Nấm Xuân Hòa là hai mô hình điển hình được thụ hưởng thiết bị sơ chế, đóng gói và bảo quản, giúp gia tăng giá trị sản phẩm và giảm hao hụt sau thu hoạch.
Cùng với hạ tầng, các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng được triển khai thường xuyên. Nhiều thành viên HTX tại Củ Chi đã được đào tạo kỹ năng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tiếp cận các mô hình canh tác thông minh, sử dụng phân hữu cơ vi sinh và công nghệ tưới nhỏ giọt, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất đáng kể.
Liên minh HTX Việt Nam còn phối hợp với Liên minh HTX TP.HCM, cùng các đối tác tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giúp sản phẩm HTX tiếp cận với hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử và các thị trường tiềm năng. HTX Thảo dược Thiên Phúc chuyên sản xuất tinh dầu, trà thảo mộc tại xã Trung Lập Thượng hiện đã có mặt trên các sàn Shopee, Tiki và xuất khẩu đơn hàng nhỏ sang Hàn Quốc nhờ sự hỗ trợ về thiết kế bao bì, truy xuất nguồn gốc.
Theo lãnh đạo UBND huyện Củ Chi, mục tiêu đến năm 2030, huyện sẽ có trên 70% diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó các mô hình HTX sẽ đóng vai trò then chốt. Việc hỗ trợ nông dân tiếp cận chuyển đổi số không chỉ nằm ở thiết bị, mà quan trọng hơn là đào tạo kỹ năng số, tư duy quản lý mới, giúp người dân làm chủ công nghệ.
Tam Đường bảo đảm nước sản xuất
Nhờ chú trọng tu sửa, phát dọn cỏ, khơi thông dòng chảy, nâng cao hiệu quả hệ thống kênh mương thủy lợi, huyện Tam Đường bảo đảm nước cho sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt.
Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đình Thượng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) huyện Tam Đường cho biết: “Để bảo đảm nước sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu năm, phòng rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, trong đó, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư, sửa chữa các công trình thủy lợi. Phối hợp với các xã, thị trấn kiểm tra quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, trước, trong và sau mùa mưa lũ. Từ đó, tham mưu cho huyện đầu tư kinh phí sửa chữa công trình thủy lợi bị hư hỏng bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt hiệu quả cao”.
Hiện nay, huyện Tam Đường có 160 công trình, trong đó, 27 công trình do Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Thủy nông Lai Châu quản lý, 133 công trình cấp huyện quản lý, với 432,33km kênh mương, phục vụ tưới tiêu cho 618,3ha lúa vụ đông xuân, 3.546ha lúa vụ mùa, 557,1ha hoa màu và 111,6ha thủy sản. Thời gian qua, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&MT huyện phối hợp với các xã, thị trấn kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban quản lý, Tổ vận hành các công trình thủy lợi bản, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư nhằm bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất. Các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra nguồn nước tại các công trình thủy lợi; hướng dẫn nông dân thực hiện việc tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ; có kế hoạch phân phối nước hợp lý phục vụ sản xuất ngô, lúa ở cuối cánh đồng và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu thiết yếu sản xuất.
Người dân xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) kiểm tra nguồn nước công trình thủy lợi ở bản San Tra Mán.
Phòng tăng cường chỉ đạo nạo vét, be, che chắn các cửa lấy nước, lòng kênh mương bị bồi lắng đất, đá; đối với công trình bị hư hỏng, xuống cấp đưa vào danh mục đầu tư, sửa chữa, bảo đảm nước tưới cho sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy nông Lai Châu xây dựng lịch tưới luân phiên, điều tiết nguồn nước sản xuất cho người dân thuộc công trình thủy lợi do công ty quản lý. Nhắc nhở người dân sử dụng nguồn nước sản xuất tiết kiệm và hiệu quả. Hệ thống kênh mương trên địa bàn huyện từng bước được kiên cố, đảm bảo nước tưới tiêu cho các cánh đồng giúp nông dân trong huyện chủ động gieo trồng đúng khung thời vụ. Các xã, thị trấn thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi, duy trì hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác và tổ vận hành bản.
Chúng tôi có dịp đến hệ thống kênh mương thủy lợi của bản San Tra Mán (xã Tả Lèng). Công trình được đầu tư, đưa vào sử dụng hơn 10 năm qua, luôn phát huy hiệu quả. Bà con vừa hoàn tất việc phát dọn cây cỏ, vét rác và khơi thông dòng chảy. Tuyến kênh mương thủy lợi này dẫn nước tưới tiêu cho hàng trăm héc-ta ngô, lúa và hoa màu của người dân các bản trên địa bàn xã Tả Lèng và Thèn Sin. Người dân nơi đây duy trì, khai thác, nâng cao hiệu quả hệ thống kênh mương thủy lợi, đáp ứng nhu cầu nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Anh Phàn A Ếm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tả Lèng cho biết: “Ngay từ đầu mỗi mùa vụ, chính quyền xã huy động người dân tham gia nạo vét, sửa chữa và khơi thông dòng chảy, kênh mương thủy lợi. Xã tranh thủ nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện kiên cố hóa các tuyến kênh mương phục vụ đủ nước tưới cho những cánh đồng lớn sản xuất 2 vụ/năm. Đến nay, tất cả hệ thống kênh mương thủy lợi của xã phát huy hiệu quả. Nhờ bảo đảm nước tưới, 100% diện tích ngô, lúa của xã sản xuất đúng lịch thời vụ, cho năng suất cao”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lò Văn Lâm ở bản Nà Phát (xã Bình Lư) cho biết: “Hơn 20 năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp, tôi ý thức được việc tham gia đầy đủ các buổi khơi thông dòng chảy mùa khô hạn, tiết kiệm nước ngay từ đầu nguồn. Mùa mưa, tuyến kênh mương nhiều đoạn bị xói lở, thấm, rò rỉ, thất thoát nước, tôi tham gia tu sửa, dẫn nước tưới phục vụ sản xuất hiệu quả. Tôi vui khi được cùng bà con trong xã tu sửa, phát dọn, nâng cao hiệu quả hệ thống kênh mương dẫn nước tưới, phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả”.
Nhờ tu sửa, khai thác, sử dụng hợp lý hệ thống kênh mương thủy lợi, huyện Tam Đường thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển bền vững.