Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 9 tháng 4 năm 2025

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 9 tháng 4 năm 2025

 

Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu 8 giải pháp để xuất khẩu sớm đạt 65 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra 8 giải pháp để đạt mục tiêu xuất khẩu, trong đó xác định việc phân công nhiệm vụ phải bảo đảm 5 rõ: 'Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành'.

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành văn bản về kế hoạch hành động và mục tiêu phát triển của ngành năm 2025. Trong đó phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm nay đạt 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD.

Quan điểm của bộ này là thống nhất từ tư duy đến hành động trong bộ và toàn ngành, cùng nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành và tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 được Chính phủ giao.

Kế hoạch hành động trên cũng xác định phải rõ ràng, cụ thể, khả thi, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá; việc phân công nhiệm vụ bảo đảm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành.”

Giảm mạnh thủ tục hành chính, khuyến khích phát triển xanh

Theo đó, để đảm bảo mục tiêu đề ra, kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới.

Thứ nhất là các đơn vị trong toàn bộ cần nâng cao nhận thức, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới trong toàn ngành nông nghiệp và môi trường để đạt mục tiêu tăng trưởng; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy bộ, cấp ủy các cơ quan, đơn vị thuộc bộ trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong việc theo dõi, giám sát thị trường, xúc tiến thương mại; phối hợp với các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển đổi mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Thứ hai là hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ tăng trưởng ngành và xuất khẩu nông lâm thủy sản; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, ngân hàng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các dự án xanh, thúc đẩy tín dụng xanh và đầu tư vào các ngành kinh tế thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp đầu tư kho bãi và hệ thống logistics để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản.

Thứ ba, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt ra giải pháp tập trung cơ cấu lại các tiểu ngành, lĩnh vực và trong từng ngành thực chất, hiệu quả, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao hiệu quả từ nông sản có giá trị thấp sang nông sản có giá trị cao; chú trọng xây dựng những vùng nguyên liệu lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải thấp.

Giải pháp thứ tư là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và môi trường đặt mục tiêu sẽ bảo đảm mỗi lĩnh vực giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính giảm ít nhất 30% thời gian xử lý, giảm ít nhất 30% chi phí chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Kiểm soát sản phẩm, ứng phó với những thay đổi liên quan đến thuế

Thứ năm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng xác định sẽ thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong cấp phép, kiểm soát mã số vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi bảo đảm truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu xây dựng sàn giao dịch nông sản quốc gia để đưa nông sản Việt Nam đến thị trường quốc tế nhanh và hiệu quả hơn.

Theo đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị trong bộ và ngành, tăng cường chuyển đổi số; thực hiện đột phá trong ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là các biện pháp canh tác bền vững, các giải pháp khoa học công nghệ, rải vụ hiệu quả nhằm giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”; đẩy mạnh ứng dụng viễn thám và trí tuệ nhân tạo để quan trắc, giám sát, quản lý vùng trồng, cơ sở nuôi, đánh giá sản lượng cây trồng chủ lực, kiểm kê rừng; theo dõi giám sát và phân tích dữ liệu thời tiết, đất đai, sâu bệnh; phát hiện bệnh sớm thông qua hình ảnh vệ tinh và thiết bị bay không người lái…

Giải pháp thứ sáu là thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, đối với thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp xác định sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc...); mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ xây dựng Bộ tiêu chí phân loại thị trường, xác định chỉ tiêu xuất khẩu theo tiểu ngành, lĩnh vực và thị trường, đặc biệt thị trường còn nhiềm tiềm năng; xây dựng báo cáo thị trường xuất khẩu nông sản, giải pháp ứng phó đối với những thay đổi liên quan đến thuế, xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật,… tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc.

Đối với thị trường trong nước, kế hoạch hành động yêu cầu phải có lộ trình, phương án giải pháp rõ ràng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đối với những sản phẩm có tính thời vụ cao (như rau, hoa, quả), dễ bị tác động của điều kiện tự nhiên, thời tiết, làm giảm phẩm cấp, chất lượng; có giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.

Thứ bảy là thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản; khơi thông nguồn lực nội tại của ngành nông nghiệp và môi trường, tạo không gian mở, động lực mới thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn; xây dựng, cập nhật các kịch bản phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; theo dõi chặt chẽ thời tiết, khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn; hướng dẫn các địa phương công tác quản lý an toàn đập mùa mưa lũ, quản lý đê điều, hồ chứa thủy lợi.

Giải pháp thứ tám là đẩy mạnh truyền thông phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, tiêu biểu; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt phương án phân cấp, phân quyền để giải quyết tốt các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

 

Việt Nam-ADB hợp tác chiến lược hướng tới phát triển xanh, môi trường sạch

Trọng tâm của ADB là hỗ trợ ngành nông nghiệp và môi trường của Việt Nam trong việc thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, bảo vệ hệ sinh thái...

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Ngày 8/4, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết tại buổi tiếp và làm việc giữa Bộ trưởng Đỗ Đức Duy với Đoàn Công tác Chương trình 2025 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) do Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty làm trưởng đoàn, diễn ra trong ngày hôm nay, phía ADB cam kết sẽ hỗ trợ các dự án trọng tâm về chuyển đổi bền vững ngành lúa gạo, bảo tồn hệ sinh thái và nâng cao chất lượng môi trường.

Tại buổi làm việc, ông Shantanu Chakraborty cho biết mục tiêu trọng tâm của ADB là hỗ trợ ngành nông nghiệp và môi trường của Việt Nam trong việc thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon đồng thời đẩy mạnh bảo vệ hệ sinh thái biển và an ninh nguồn nước.

Về tài chính, ADB hiện có đầy đủ năng lực để cung cấp các khoản vay cho Chính phủ và khu vực tư nhân. Trong hai năm qua, ADB đã tăng cường cho vay và kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhằm củng cố vị thế đối tác chiến lược quốc gia với Việt Nam (giai đoạn 2023-2026).

“ADB sẵn sàng hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, đa dạng hóa ngành trồng trọt nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, trong khuôn khổ Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030,” ông Shantanu Chakraborty nói.

Về các dự án và hỗ trợ kỹ thuật, ADB đã và đang phối hợp hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cũng như các địa phương.

Đơn cử như tại Yên Bái, thời gian qua, ADB đã triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế dựa vào cộng đồng, tăng cường kết nối với cụm dân cư, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và hài hòa với thiên nhiên.

ADB cũng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực quản lý rủi ro lũ lụt, gắn kết chặt chẽ với các nội dung về bảo vệ môi trường, bao gồm cải thiện chất lượng không khí đô thị. Hiện nay, ADB đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong các dự án liên quan tại khu vực Vịnh Thái Lan và bảo tồn hệ sinh thái biển.

Nho thân gỗ là một trong những sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Giang Phương - TTXVN)

Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới ADB vì những hỗ trợ thiết thực, tích cực trong thời gian qua đối với ngành nông nghiệp và môi trường Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, mở rộng hợp tác sâu rộng hơn nữa với ADB, nhằm triển khai hiệu quả các chương trình, dự án ưu tiên. Hiện nay, một số dự án trọng điểm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, nhất là trong chuyển đổi ngành lúa gạo theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững, được xem là trọng tâm của Việt Nam. Do đó, các nội dung hợp tác cần được lồng ghép hiệu quả với các dự án ứng phó biến đổi khí hậu của ADB để nâng cao hiệu quả tổng thể.

“Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang đặc biệt quan tâm đến việc quy hoạch lưu vực sông, đánh giá khả năng chịu tải, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh. Chúng tôi kỳ vọng ADB sẽ đồng hành trong công tác lập quy hoạch, đầu tư hạ tầng, và có được các biện pháp kịp thời,” ông Duy chia sẻ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng kỳ vọng ADB tiếp tục hỗ trợ triển khai các hợp phần kỹ thuật và tài chính, các hình thức cho vay linh hoạt.

Với tinh thần hợp tác chiến lược, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với lãnh đạo ADB tại Việt Nam thống nhất hai bên sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như: Quản lý an toàn hồ đập, đảm bảo an ninh nguồn nước xuyên biên giới và sử dụng bền vững tài nguyên nước, phát triển lâm nghiệp bền vững, phục hồi hệ sinh thái vùng ngập mặn, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng miền núi và xã đặc biệt khó khăn, hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ quốc gia./.

(Vietnam+)

 

8 giải pháp để xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 65 tỷ USD

Giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2025 tăng 4% trở lên. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD.

Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 42%. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Đó là những mục tiêu Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt ra trong Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp và môi trường và tổng kim ngạch xuất khẩu nông - thủy sản năm 2025 vừa được ban hành.

Để đảm bảo mục tiêu đề ra, kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới.

Một là nâng cao nhận thức, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới trong toàn ngành nông nghiệp và môi trường để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Hai là hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ tăng trưởng ngành và xuất khẩu nông lâm thủy sản; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ rà soát và sửa đổi toàn diện các văn bản pháp luật chuyên ngành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với mô hình tổ chức sau sáp nhập, đặc biệt với chính quyền địa phương cấp 2. Đồng thời, Bộ phối hợp với các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan để hoàn thiện cơ chế hỗ trợ các dự án và tín dụng xanh, thúc đẩy đầu tư cho các ngành kinh tế thân thiện với môi trường. Các đề xuất sửa đổi pháp luật nhằm đảm bảo hành lang cho hoạt động nông nghiệp và môi trường sẽ tập trung hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân, từ chính sách tín dụng, thuế, bảo hiểm đến sử dụng đất cho sản xuất kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn, đồng thời cung cấp các chính sách hỗ trợ trong trường hợp thị trường biến động (đặc biệt đối với các mặt hàng như lúa gạo, một số loại trái cây). Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai các nghị quyết và chiến lược đã ban hành về phát triển nông nghiệp - nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng như các quy hoạch ngành quốc gia.

Ba là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp và thủy sản.

Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang Thụy Sỹ tại nhà máy của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh tư liệu: TTXVN

Bộ sẽ tập trung cơ cấu lại các tiểu ngành, lĩnh vực và trong từng ngành thực chất, hiệu quả, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao hiệu quả từ nông sản có giá trị thấp sang nông sản có giá trị cao, chuyển đổi những vùng lúa năng suất thấp, một vụ sang sản xuất cây trồng hoặc vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn; chú trọng xây dựng những vùng nguyên liệu lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải thấp cho những sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Ngành phát triển nông nghiệp sinh thái, hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm gắn với môi trường bền vững; thực hiện tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao…

Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi... đáp ứng yêu cầu thị trường; bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường để kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất (thời vụ, cơ cấu và diện tích), hạn chế tối đa thiệt hại do thời tiết…

Ngành đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; tập trung giải quyết dứt điểm khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” trong năm 2025, ngăn chặn và xử lý nghiêm tầu cá khai thác trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.

Xuất khẩu gạo tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Bốn là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên và môi trường để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực, nhất là môi trường, kiểm tra chuyên ngành, đất đai, khoáng sản…

Năm là tăng cường chuyển đổi số; thực hiện đột phá trong ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cụ thể như: công nghiệp hóa nông nghiệp; nâng cao trình độ chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường; chú trọng khâu chọn, tạo giống; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Ngành giảm chi phí sản xuất, chi phí trung gian và giảm mạnh tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp; phát triển hệ thống chế biến gắn với vùng nguyên liệu và nhu cầu của thị trường…

Sản phẩm cà phê là 1 trong 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Sáu là thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh được đặt lên hàng đầu, với định hướng mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, song song với thúc đẩy tiêu thụ nội địa thông qua hệ thống phân phối hiện đại. Ngành cũng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng Bộ tiêu chí phân loại thị trường, xác định chỉ tiêu xuất khẩu theo tiểu ngành, lĩnh vực và thị trường, đặc biệt thị trường còn nhiều tiềm năng; xây dựng báo cáo thị trường xuất khẩu nông sản, giải pháp ứng phó đối với những thay đổi liên quan đến thuế, xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật… tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc.

Bảy là thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản. Ngành nông nghiệp và môi trường sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ khâu giống, canh tác đến chế biến, đồng thời xây dựng nền tảng dữ liệu số và hệ thống dự báo để nâng cao hiệu quả quản lý. Các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ được hỗ trợ tiếp cận công nghệ và mô hình sản xuất thông minh.

Tám là đẩy mạnh truyền thông phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Ngành nông nghiệp và môi trường sẽ đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, nhằm tạo sự đồng thuận và quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các mô hình sản xuất hiệu quả, khắc phục tình trạng thông tin không chính xác ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và các tổ chức sản xuất kinh doanh. Bộ cũng tiếp tục phối hợp với các địa phương trong tập huấn, truyền thông và hỗ trợ thực hiện hiệu quả phân cấp, phân quyền trong sản xuất kinh doanh.

Bích Hồng (TTXVN)

 

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp người dân Phước Sơn thoát nghèo bền vững

Huyện miền núi Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đang có những mô hình mới, khai thác tiềm năng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp với ưu tiên gắn cùng chuỗi liên kết và thể hiện vai trò nòng cốt của HTX. Qua đó giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.

Ở xã Phước Năng, huyện Phước Sơn có HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng được đánh giá là điểm sáng về mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, đem lại hiệu quả xã hội rất tốt cho địa phương.

HTX nâng tầm gạo lứt đen

HTX này đã giúp gạo lứt đen của xã Phước Năng trở thành sản phẩm đạt OCOP 3 sao và đang nâng cấp lên OCOP 4 sao. Ngoài ra, HTX còn cung cấp các loại nông sản, phân bón, vật liệu xây dựng…

Lúa lứt đen được sản xuất theo phương pháp hữu cơ của HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX, cho biết ngày càng có nhiều người dân đã tin tưởng và chọn đồng hành cùng HTX. Thời gian tới HTX sẽ tiếp tục vận động người dân sản xuất giống lúa lứt đen với quy mô lớn hơn, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, bền vững. Để gạo lứt đen Phước Sơn đủ sản lượng cung cấp cho thị trường và nâng cấp sản phẩm lên OCOP 4 sao.

Hiện nay có 600 hộ dân ở huyện Phước Sơn đang đầu tư cho giống lúa lứt đen đầy tâm huyết của HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng. Bởi hiện tại gạo lứt đen của HTX đang được ưa chuộng trên địa bàn huyện Phước Sơn và tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, đã có hai công ty tại Tp.Hà Nội đặt sản phẩm gạo lứt đen với số lượng lớn.

Thời gian qua HTX đã nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tập trung sản xuất giống lúa này. Đồng thời, HTX đầu tư 4 máy cấy, 1 máy gieo, hơn 30.000 khay gieo mạ cho người dân và hướng dẫn cho người nông dân quy trình sản xuất, gieo cấy để lúa đạt chất lượng, sản lượng cao.

Theo vị giám đốc HTX, sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp chính là nguồn động lực để HTX tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP này và thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư máy tách màu để giảm bớt công đoạn sàng lọc, phân tách gạo trắng lẫn vào gạo lứt đen.

Như chia sẻ của chị Hằng: "Trước đây chứng kiến cánh đồng của người dân địa phương tuy rộng nhưng sản xuất không đạt năng suất. Có hộ làm 3 - 4 sào ruộng nhưng vẫn không đủ ăn. Điều đó làm cho bản thân chị luôn trăn trở làm sao để giúp bà con thuận theo xu hướng nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp xanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tôi quyết tâm đưa giống lúa lứt đen của địa phương vào OCOP".

Thực ra, trên thị trường hiện nay có nhiều cơ sở, doanh nghiệp bán gạo lứt đen nhiều mức giá, đa dạng. Tuy nhiên, nếu gạo lứt đen của HTX đạt chuẩn OCOP 4 sao sẽ càng gây dựng được lòng tin với khách hàng về một sản phẩm chỉn chu từ công đoạn sản xuất đến đóng gói, an toàn và chất lượng.

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn cũng dành sự quan tâm và ủng hộ mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa hữu cơ của HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng để làm cơ sở nhân rộng mô hình. Đây cũng chính là cuộc vận động bà con nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo phong tục tập quán, cần phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng hiệu quả của nghề trồng lúa nước, đảm bảo an ninh lương thực trong nhân dân.

Vai trò nòng cốt của HTX gắn với mô hình mới đã giúp bà con dân tộc thiểu số ở Phước Sơn thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong trồng lúa hữu cơ.

HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng đã và đang áp dụng phương pháp sản xuất nông nghiệp không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không cho năng suất cây trồng cao nhưng đó là một lợi thế để sản xuất ra dòng sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ mà thế giới đang hướng đến. Chính vì vậy, chính quyền huyện Phước Sơn đã tuyên truyền vận động nhân dân tham gia cùng HTX, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn của HTX và đẩy mạnh hoạt động truyền thông về mô hình sản xuất lúa hữu cơ của huyện Phước Sơn.

Không chỉ với mô hình của HTX nêu trên, Phước Sơn đang tìm kiếm sức bật từ những mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân và bà con dân tộc thiểu số.

Thời gian qua huyện này đã thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đến nay trên địa bàn Phước Sơn đã thành lập mới 15 tổ hội nông dân nghề nghiệp với trên 150 hội viên nông dân tham gia. Các mô hình này phát huy hiệu quả, tạo nhiều sản phẩm và thu nhập cho nông dân.

Sau khi thành lập tổ hội nông dân nghề nghiệp, bà con địa phương được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, được hỗ trợ vay vốn nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân nếu có nhu cầu để đầu tư cây giống, phân bón, cải tạo đất sản xuất…

Theo đánh giá bước đầu, có 3 xã trong huyện đang thực hiện hiệu quả mô hình “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm”. Các mô hình hoạt động dựa trên nguyên tắc “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng chí hướng sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng thụ) đã mang lại nhiều sản phẩm và thu nhập, giúp nông dân cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Nhờ thấy rõ quyền lợi và tính cộng đồng, người dân hưởng ứng nhiệt tình, tham gia sôi nổi.

Từ điểm sáng của các tổ hội nông dân, các cơ sở hội trên địa bàn huyện Phước Sơn đã tích cực tuyên truyền, động viên hội viên thành lập các tổ hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất, tăng thu nhập. Và từ các tổ hội nghề nghiệp này sẽ tiến tới thành lập các tổ hợp tác, HTX, thúc đẩy liên kết sản xuất hàng hóa, giúp nông dân phát triển bền vững.

Ưu tiên gắn với chuỗi liên kết

Với những mô hình mới như vậy trong sản xuất nông nghiệp cũng là cách để Phước Sơn phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 22,06%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo 16,98%, cận nghèo 5,08%.

Huyện Phước Sơn đã và đang thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Thực ra, với mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo thì Phước Sơn cần cố gắng nhiều hơn nữa, ngoài nguồn lực hỗ trợ của ngân sách Trung ương, tỉnh thì huyện và mỗi người dân, mỗi hộ nghèo của huyện cần có ý thức vươn lên thoát khỏi diện nghèo, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm mang tính bền vững.

Chính vì vậy, huyện này đang tập trung xây dựng các vùng, khu sản xuất tập trung như: Vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu tập trung kết hợp sắp xếp, bố trí dân cư tại xã Phước Chánh và Phước Năng quy mô 590 ha; khu chăn nuôi tập trung xã Phước Hiệp, Phước Hòa, với diện tích mỗi khu khoảng 40ha,...

Ngoài ra, Phước Sơn sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh đất đai gắn liền với loài cây lâm nghiệp để trồng rừng phù hợp với điều kiện sinh thái theo từng vùng, phát triển trồng cây nguyên liệu (keo) ở các xã vùng trung và vùng thấp; phát triển trồng Quế, cây Dổi lấy hạt và các loài cây lâm nghiệp có giá trị cao khác ở vùng cao để hỗ trợ người dân phát triển trồng rừng theo hướng thâm canh, xen canh để sử dụng có hiệu quả diện tích đất. Đặc biệt là ưu tiên gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững.

Để giúp người dân, đồng bào thiểu số ở Phước Sơn thoát nghèo bền vững, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng địa phương tuyên truyền các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới để khuyến khích bà con địa phương tham gia.

Cùng với đó, các đơn vị trực thuộc của Liên minh HTX Việt Nam phối hợp các phòng chuyên môn của Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ quảng bá liên kết đầu ra sản phẩm cho các HTX của Phước Sơn là chủ thể sản phẩm OCOP của huyện. Nhất là tư vấn, đào tạo tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; tư vấn hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình OCOP…

Thanh Loan 

 

Ngành nông nghiệp triển khai nhiều kế hoạch hành động để đạt mục tiêu tăng trưởng 4%

Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn trước chính sách mới về thuế quan của Mỹ, ngành nông nghiệp và môi trường đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục khó khăn, ổn định mục tiêu tăng trưởng toàn ngành.

Ngành nông nghiệp và môi trường đưa ra 8 nhiệm vụ hành động để đạt mục tiêu tăng trưởng 4% năm 2025.

Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 4% năm 2025, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã ký ban hành văn bản về kế hoạch hành động và mục tiêu phát triển của ngành năm 2025. Cụ thể, phấn đấu giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4% trở lên.

Trong đó, giá trị gia tăng lĩnh vực nông nghiệp tăng 3,85% (giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,4-2,9%; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 5,7-5,98%); giá trị gia tăng thủy sản tăng 4,35%; giá trị gia tăng lâm nghiệp tăng 5,47%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 đạt 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD.

Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường là thống nhất từ tư duy đến hành động trong Bộ và toàn ngành, cùng nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành và tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 được Chính phủ giao.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, kế hoạch hành động được xác định phải rõ ràng, cụ thể, khả thi, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá; việc phân công nhiệm vụ bảo đảm 5 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành".

Để bảo đảm mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới:

Nâng cao nhận thức, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới trong toàn ngành nông nghiệp và môi trường để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ tăng trưởng ngành và xuất khẩu nông lâm thủy sản; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp và thủy sản.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tăng cường chuyển đổi số; thực hiện đột phá trong ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Đẩy mạnh truyền thông phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp và môi trường; tạo sự đồng thuận trong Bộ, toàn ngành quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tăng trưởng ngành, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản.

THANH TRÀ

 

Xuất hiện tình trạng bùn trào lên từ lòng đất ở Phú Yên

Những ngày qua, tại một thửa đất nông nghiệp ở thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên xuất hiện tình trạng vết rạn nứt, bùn nước từ trong lòng đất trào ra ngoài.

UBND xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã có báo cáo về trào bùn từ lòng đất lên mặt đất nông nghiệp. Theo báo cáo, ngày 7/4, trên mảnh đất nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Lợi (72 tuổi) ở thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam xuất hiện hiện tượng trào bùn nước mịn màu vàng nhạt, chảy dài và lan rộng, vị trí trào bùn khoảng 5m. Sau khi phát hiện hiện tượng lạ này, nhiều người dân đã báo cáo lên chính quyền địa phương. Nhận được tin báo, chính quyền và lực lượng chức năng đã đến hiện trường phong tỏa và theo dõi hiện tượng này.

Bùn trào ra từ lòng đất.

Đến sáng 8/4, bùn nước tại khu vực vết nứt tiếp tục trào lên. Tại vị trí phun trào, cơ quan chuyên môn vẫn chưa xác định được độ sâu trong lòng đất, xung quanh khu vực trào bùn có nhiều vết rạn nứt kéo dài trên mặt đất.

Vết nứt gần khu vực bùn đất trào lên.

Theo người dân địa phương, cách đây khoảng 46 năm, tại vị trí vừa nêu đã xuất hiện 1 lần trào bùn như thế này và đã có đoàn đến khảo sát nhưng không biết kết quả. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi hiện tượng.

Bùn trào lên trên thửa đất nông nghiệp của người dân thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

UBND xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã dùng dây phản quang và biển cấm rào quanh khu vực nguy hiểm; Thông báo cho người dân ở địa phương không được đến gần khu vực xảy ra hiện tượng bùn trào lên mặt đất.

Chính quyền địa phương đã rào chắn tại khu vực có bùn trào lên.

Chiều nay (8/4), lãnh đạo UBND huyện Đồng Xuân cho biết, hiện chưa xác định được khối lượng bùn trào lên. Bùn trào lên không nóng, không mùi, chưa ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân. Hiện nay, huyện Đồng Xuân tiếp tục ghi nhận hiện tượng bùn trào lên từ lòng đất trên diện tích đất nông nghiệp của người dân để báo cáo các ngành chức năng của tỉnh Phú Yên về kiểm tra.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

 

Hợp tác mở rộng các mô hình canh tác nông sản bền vững

Ngày 8/4, tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác mở rộng mô hình canh tác bền vững, thúc đẩy nông nghiệp hiệu quả và an toàn (MOU) tại Việt Nam trong năm 2025.

Lễ ký kết giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam.

Lễ ký kết đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn 2023-2025.

Tiếp nối những thành công mục tiêu chính của Bản ghi nhớ, hợp tác mở rộng mô hình canh tác bền vững, thúc đẩy nông nghiệp hiệu quả và an toàn lần này là hỗ trợ xây dựng 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời thúc đẩy các mô hình canh tác tiên tiến, quản lý dịch hại hiệu quả và bảo đảm an toàn cho các vùng trồng sầu riêng và cà phê trọng điểm, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên.

Trong đó, triển khai các hoạt động chính như: Thành lập các nông trại kiểu mẫu trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; trình diễn và nhân rộng các đổi mới trong thực hành canh tác cây lúa, sầu riêng và cà phê; triển khai các chương trình quản lý tổng hợp, bao gồm ứng dụng công nghệ bảo vệ mùa màng tiên tiến cho nông dân; tối ưu hóa hiệu quả bảo vệ mùa màng, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản; tổ chức các lớp đào tạo cho cán bộ khuyến nông, hợp tác xã, nông dân về giải pháp bảo vệ thực vật và áp dụng các phương pháp sáng tạo, bền vững.

PHƯƠNG BẰNG

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop