Ai sai sẽ chịu trách nhiệm
Ngay sau khi Tiền Phong đăng tải loạt bài “Đại phẫu vua trái cây tỷ USD”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã có những phản hồi với phóng viên. Ông Duy cho biết, dù đang có chuyến công tác ở Mỹ để đàm phán về thuế quan nhưng rất quan tâm nội dung mà báo Tiền Phong phản ánh.
Theo ông Duy, thực tế câu chuyện về phân bón DAP Korea được phản ánh nghi vượt dư lượng Cadimi nhập khẩu về Việt Nam đã xuất hiện từ năm 2023. Hiện Bộ NN&MT cũng đang mời cơ quan chức năng vào cuộc sau phản ánh của doanh nghiệp. “Khi đó ai đúng, ai sai sẽ được làm rõ. Ai sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay.
"Vừa qua, Đoàn công tác của Bộ NN&MT đã sang Trung Quốc trao đổi với Tổng cục Hải quan nước này, trong đó tiếp tục cho phép xuất khẩu sầu riêng Việt Nam mà không áp biện pháp tạm dừng hay yêu cầu đàm phán lại, đồng thời tự động gia hạn Nghị định thư ký ngày 11/7/2022, có hiệu lực theo chu kỳ 3 năm. Đây là dấu hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của Trung Quốc vào các biện pháp kiểm soát rủi ro của Việt Nam" Bộ trưởng NN&MT Đỗ Đức Duy
Ông Duy khẳng định, sau 3 tháng sáp nhập, nhận thêm nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, với tư cách tư lệnh ngành ông cũng đã nhận diện được các vấn đề bất cập đến từ sự phát triển nóng của ngành sầu riêng, và đang rất nỗ lực cùng Bộ NN&MT tháo gỡ.
“Vừa qua, Đoàn công tác của Bộ NN&MT đã sang trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong đó phía bạn tiếp tục cho phép xuất khẩu sầu riêng Việt Nam mà không áp biện pháp tạm dừng hay yêu cầu đàm phán lại, đồng thời tự động gia hạn Nghị định thư ký ngày 11/7/2022, có hiệu lực theo chu kỳ 3 năm. Đây là dấu hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của Trung Quốc vào các biện pháp kiểm soát rủi ro của Việt Nam”, ông Duy nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác đi thực địa vùng trồng sầu riêng tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk). Ảnh: NG
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho rằng, đối với vấn đề Cadimi, không chỉ đến từ các yếu tố đất, phân bón… như hiện nay mà còn tổng hòa của nhiều vấn đề khác. “Đây cũng có phần lỗi của Bộ NN&MT chưa giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn”, ông Duy nói, đồng thời khẳng định sẽ không né tránh những bất cập, song ngành hàng này cũng có nhiều thành tích đáng ghi nhận khi liên tục lập kỷ lục xuất khẩu trong thời gian qua.
“Vấn đề căn cốt là cần đảm bảo lợi ích bà con nông dân, doanh nghiệp”, ông Duy nói, đồng thời mong muốn cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đồng hành cùng ngành NN&MT trong bối cảnh hiện nay.
9 “kế sách” giúp sầu riêng vượt khó
Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến khẳng định, những phản ánh của báo Tiền Phong trong loạt bài là đúng vấn đề. Sau khi Thủ tướng ban hành Công điện 71 về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, ngành nông nghiệp đã đặt ra 9 nhóm giải pháp sẽ triển khai mạnh trong hai tháng tới.
Theo Thứ trưởng Tiến, thứ nhất là Bộ NN&MT sẽ rà soát quy trình canh tác, trong đó sẽ kiểm tra đất, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đẩy mạnh công tác chọn tạo giống, đảm bảo sầu riêng đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
“Bộ đang xây dựng ở Tiền Giang một mô hình về đất nhiễm Cadimi để tổng kết và nhân rộng, đồng thời đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật trồng trọt rà soát lại tất cả các cơ sở nhập phân bón, cũng như tổ chức thật nghiêm các cơ sở đóng gói để chúng ta có thể truy xuất từ vùng trồng, mang vào cơ sở đóng gói theo hướng chuyển đổi số”, ông Tiến nói.
Đối với vấn đề kiểm tra cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng; lãnh đạo Bộ NN&MT cho hay sẽ tăng cường quản lý, gắn với chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc minh bạch, tránh gian lận thương mại. Đặc biệt, vừa qua nhờ các nỗ lực ngoại giao, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã cập nhật thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam, nâng tổng số lên 1.396 mã vùng trồng và 188 mã cơ sở đóng gói (sau khi trừ các mã bị thu hồi).
Về vấn đề giảm nguy cơ nhiễm Cadimi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết sẽ xây dựng bằng cách xây dựng 5 giải pháp cải tạo đất, kiểm soát kim loại nặng, đặc biệt tại các vùng trồng trọng điểm như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời rà soát phân bón nhập khẩu, siết chặt kiểm soát chất lượng phân bón, nhất là phân DAP nhập từ Hàn Quốc, nơi từng ghi nhận hàm lượng Cadimi vượt ngưỡng 28 mg/kg (tiêu chuẩn cho phép 12 mg/kg).
Đặc biệt, sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&MT cũng sẽ hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể là rà soát và đồng bộ các văn bản pháp luật theo chuỗi an toàn dịch bệnh, đảm bảo quản lý chất lượng, năng suất và an toàn thực phẩm (hoàn thành trong quý III/2025). Cùng với đó, bộ sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc, phối hợp chặt chẽ với GACC trong kiểm dịch thực vật, đảm bảo thông quan nhanh, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch cao điểm.
“Bộ sẽ chỉ đạo mở rộng hệ thống phòng thí nghiệm, củng cố và bố trí thêm phòng kiểm nghiệm tại các địa bàn trọng điểm. Cty Vinacontrol TP.HCM đang đề xuất xây dựng phòng thử nghiệm tại Đắk Lắk, dự kiến vận hành trước mùa vụ 8-9/2025.
Cơ quan chuyên môn của bộ sẽ tăng trường cán bộ tại cửa khẩu để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp, tránh ùn tắc hàng hóa trong mùa thu hoạch rộ”, Thứ trưởng Tiến nói, đồng thời khẳng định sẽ giải quyết căn bản vấn đề chất lượng, tập trung kiểm soát từ gốc, từ khâu canh tác đến đóng gói, giúp ngành sầu riêng vượt qua những khó khăn trước mắt và phát triển bền vững.
Huyện Phú Giáo: Nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững
Huyện Phú Giáo đang nỗ lực định hình vị thế mới ngành nông nghiệp, trong đó lấy liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ làm chiến lược trọng tâm. Sự gắn kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp góp phần nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số, tạo nền tảng để địa phương xây dựng nền nông nghiệp thông minh, bền vững.
Unifarm thành công trong việc xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn huyện Phú Giáo
Từ những điển hình
Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) là một điển hình về việc xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn huyện Phú Giáo, cụ thể là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (xã An Thái). Unifarm đã tiếp nhận công nghệ, quy trình sản xuất từ các nước, vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp phát triển như Israel, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), tập trung vào các cây trồng chủ lực như chuối, dưa lưới, dứa. Sau khi mô hình thành công, công ty thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và liên kết phát triển vùng nguyên liệu bên ngoài.
Đặc biệt, Unifarm đã thành công trong việc trở thành đối tác độc quyền của Tập đoàn Dole, một trong những nhà sản xuất và tiêu thụ trái cây và rau quả tươi lớn nhất thế giới. Điều này đã đưa chuối của Unifarm tham gia vào thị trường thế giới. Bên cạnh chuối, dưa lưới là sản phẩm làm nên tên tuổi của Unifarm. Sau 10 năm, Unifarm đã có 15 ha dưa lưới đạt tiêu chuẩn chất lượng, năng suất và là đơn vị đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu dưa lưới ra thị trường nước ngoài (Singapore, Malaysia…). Unifarm cũng hình thành được vùng nguyên liệu dưa lưới chất lượng cao, đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Đại diện Unifarm chia sẻ Unifarm không hướng tới việc trở thành công ty nông nghiệp lớn nhất về diện tích hay sản lượng mà tập trung vào việc áp dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng đều, giảm chi phí sản xuất và đủ điều kiện xuất khẩu. Toàn bộ khâu trồng trọt, bón phân, bảo vệ thực vật đến thu hoạch, sơ chế và xử lý sau thu hoạch được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình của Unifarm và tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo) cũng là một điển hình về hiệu quả của việc liên kết chuỗi và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Được thành lập năm 2016 với 7 thành viên và 1,7 ha đất canh tác, đến nay HTX đã mở rộng lên 73 thành viên với tổng diện tích sản xuất hơn 20 ha. Sản phẩm chủ lực là dưa lưới công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, chia sẻ: “Ngay từ đầu thành lập, chúng tôi đã xác định phải liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ để bảo đảm sản phẩm chất lượng ổn định và đầu ra bền vững. HTX đã ký hợp đồng liên kết với nông dân, tổ hợp tác vùng nguyên liệu ở Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; thực hiện quy trình canh tác thống nhất, đồng bộ kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của các thành viên, với giá cả ổn định. Nhờ chuỗi liên kết này chúng tôi đã giải quyết được bài toán “được mùa rớt giá”, giúp các thành viên yên tâm sản xuất”.
Không dừng lại ở đó, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long còn tiên phong trong việc ứng dụng thương mại điện tử và livestream bán hàng. Từ năm 2021, sản phẩm dưa lưới Kim Long đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn như Vỏ Sò, Postmart, Sendo và hợp tác với các chuỗi siêu thị như Bách hóa xanh, MM Mega Market, Go, Co.opmart. Đặc biệt, từ năm 2023 HTX tổ chức các buổi livestream bán hàng trực tuyến trên Facebook và TikTok Shop.
Về quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, kiểm soát dinh dưỡng tự động, sử dụng nhật ký điện tử ghi chép toàn bộ quá trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Bao bì sản phẩm được đầu tư thiết kế chuyên nghiệp, đẹp mắt, có thông tin minh bạch và mã QR truy xuất nguồn gốc… Nhờ những nỗ lực này, sản lượng dưa lưới của HTX đạt hơn 2.200 tấn/năm, trong đó 800 tấn xuất khẩu, doanh thu đạt hơn 45 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 60-70 lao động.
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long cũng là 1 điển hình trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp
Xây dựng chuỗi liên kết bền vững
Giai đoạn 2021-2025 chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành nông nghiệp huyện Phú Giáo, khi diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đạt gần 15.000 ha, chủ yếu là trồng cây ăn trái như chuối, sầu riêng, cam, bưởi, dưa lưới. Trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện Phú Giáo không chỉ đạt được những con số ấn tượng về diện tích và sản lượng, mà còn xuất hiện nhiều điển hình với các mô hình sản xuất tiên tiến, làm điểm sáng cho cả tỉnh.
Tuy vậy, theo UBND huyện Phú Giáo, dù đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển nông nghiệp địa phương vẫn đối mặt với không ít thách thức trong xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Cụ thể, chuỗi giá trị hiện nay còn manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; sản xuất quy mô nhỏ, chi phí cao, thất thoát lớn sau thu hoạch. Cùng với đó, giao dịch chủ yếu theo hình thức mua bán tự do, thiếu hợp đồng ràng buộc, vai trò của HTX còn mờ nhạt; doanh nghiệp chưa đầu tư mạnh vào chế biến sâu hay xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, mối liên kết với nhà khoa học còn lúng túng...
Lãnh đạo huyện Phú Giáo cho biết, để thúc đẩy liên kết chuỗi và phát triển bền vững, đia phương đang tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia liên kết chuỗi thông qua các hội thảo, tập huấn, đồng thời phát huy vai trò kết nối của tổ hợp tác, HTX với doanh nghiệp công nghệ để nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, huyện chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông và thủy lợi, tạo thuận lợi cho sản xuất và phát triển du lịch nông thôn…
Ông Tô Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo: Huyện Phú Giáo phát triển sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như chuối, sầu riêng, thịt heo, gà; gắn kết chặt chẽ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Địa phương chú trọng ứng dụng nông nghiệp sạch, hữu cơ và xây dựng khu du lịch sinh thái, vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường…
Tập huấn về nông nghiệp hữu cơ lĩnh vực trồng trọt
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sở Nông nghiệp và Môi trường vừa tổ chức lớp tập huấn về nông nghiệp hữu cơ lĩnh vực trồng trọt. Hơn 120 đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự lớp tập huấn.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu được truyền đạt nội dung đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020- 2030 trên địa bàn tỉnh thực hiện trong năm 2025; các phương pháp, yêu cầu trong sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam; kỹ năng quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ...
Qua lớp tập huấn giúp các đại biểu nắm bắt kiến thức cơ bản liên quan đến hoạt động sản xuất và quản lý sản xuất hữu cơ; các nguyên tắc hữu cơ và nguyên lý chung khi lựa chọn, sử dụng các loại nguyên vật liệu đầu vào; các biện pháp bảo vệ thực vật phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm bảo đảm tạo ra sản phẩm an toàn, duy trì được đặc tính hữu cơ của sản phẩm.
Ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp thông minh
Những năm gần đây, trong sản xuất nông nghiệp ở Trà Vinh, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất được nhiều công ty, doanh nghiệp tham gia triển khai. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) được Công ty Cổ phần RYNAN Smart Agriculture thực hiện vào canh tác nông nghiệp, giúp nông dân tối ưu hóa chi phí sản xuất, hỗ trợ quyết định chính xác và giám sát phát thải khí nhà kính từ cánh đồng, góp phần thực hiện Đề án 01 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long hiệu quả.
Thiết bị phục vụ theo dõi độ ẩm trong canh tác ngập khô xen kẽ và hệ thống giám sát phát thải khí methane thông minh được lắp tại đồng ruộng của HTX nông nghiệp Phát Tài.
Trong sản xuất nông nghiệp (cây lúa), những nguồn phát thải khí methane (CH4) nhiều nhất. Việc quản lý nguồn nước kém hiệu quả trong canh tác ngập nước liên tục đã tạo điều kiện yếm khí, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ và giải phóng khí methane. Đây là loại khí nhà kính được đánh giá có mức độ ảnh hưởng lớn trong tất cả loại khí nhà kính chỉ sau khí carbon dioxide (CO2). CH4 cũng có tác động mạnh hơn CO2 vì khả năng bức xạ mà mỗi phân tử CH4 tạo ra lớn hơn. Theo tính toán, 01 tấn khí CH4 thải ra môi trường tương đương với 28 tấn khí CO2 (IPCC, 2014).
Hiện toàn tỉnh có trên 220.000ha sản xuất lúa (03 vụ/năm, tùy diện tích mỗi vụ lúa dao động từ 60.000 - 80.000ha). Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg, phê duyệt đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” với mục tiêu giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của đề án đạt được 01 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; trong đó, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững.
Thông qua Công ty Cổ phần RYNAN Smart Agriculture, hiện trên địa bàn tỉnh đã triển khai thành công giải pháp canh tác lúa thông minh, giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả; tích hợp các thiết bị thông minh ứng dụng công nghệ hiện đại giúp tối ưu hóa quy trình tưới tiêu, giám sát côn trùng gây hại và đo kiểm lượng phát thải khí nhà kính. Sản xuất và đưa vào ứng dụng phân bón thông minh, phân bón tan chậm có kiểm soát; cung cấp máy móc, thiết bị và các dịch vụ canh tác thông minh trong nông nghiệp như: phương pháp canh tác ngập khô xen kẽ (AWD - Alternate Wetting and Drying) qua lắp các trạm quan trắc chất lượng nước thông minh được lắp đặt ngoài nội đồng giúp theo dõi các thông số về chỉ tiêu như độ mặn, pH và mực nước.
Hệ thống giám sát côn trùng thông minh InSENTINELTM hỗ trợ công tác giám sát côn trùng gây hại trên các loại cây trồng đặc biệt là trong canh tác lúa. Hệ thống ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ điện toán biên (Edge Computing), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ IoT giúp tự động nhận diện, phân tích, thống kê số lượng, mật độ và đưa ra cảnh báo, dự báo về tình hình phát triển côn trùng gây hại. Hệ thống giám sát phát thải khí methane thông minh ngay tại đồng ruộng theo thời gian thực…
Theo đại diện Công ty Cổ phần RYNAN Smart Agriculture, thông qua hệ thống giám sát phát thải khí methane trong nông nghiệp đang được đặt tại các cánh đồng sản xuất lúa của hợp tác tác xã (HTX) ở Phước Hảo và Thanh Mỹ (huyện Châu Thành) trong Đề án 01 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ công tác đo kiểm, báo cáo và kiểm định khí nhà kính trong canh tác lúa. Dữ liệu được thu thập và phân tích cùng lúc đảm bảo kết quả định lượng khí chính xác, hạn chế sai số do khoảng cách về thời gian và không gian. Tích hợp hệ thống điều hòa nhiệt độ không khí trong buồng chứa khí, đảm bảo hạn chế sự thay đổi yếu tố môi trường gây ảnh hưởng đến phát triển của quần thể lúa bên trong buồng thu mẫu khí. Dữ liệu được thu thập tự động và đồng bộ lên dịch vụ điện toán đám mây nhờ vào ứng dụng công nghệ IoT.
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài chia sẻ: việc ứng dụng công nghệ sô 4.0 đã mang lại nhiều thuận lợi cho HTX và giúp HTX chủ động trong sản xuất (bơm tát). Trong 50ha diện tích sản xuất lúa theo Đề án đã được Viện Môi trường Nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai lắp 30 thiết bị đo mực nước để canh tác ngập khô xen kẽ và 01 thiết bị đo phát thải của Công ty Cổ phần RYNAN Smart Agriculture. So với trước đây, nông dân chỉ thực hiện bơm tát theo “cảm tính” bằng việc quan sát mặt ruộng để bơm hoặc rút nước. Hiện nay, thông qua các thiết bị trên, HTX chủ động trong bơm tát nước lên ruộng theo từng chu kỳ sinh trưởng của lúa cũng như nhu cầu nước trên đồng ruộng… một cách chủ động.
Nông nghiệp tuần hoàn: Chìa khóa cho tương lai bền vững
Ninh Bình đang từng bước viết nên câu chuyện nông nghiệp tuần hoàn đầy hứa hẹn, nơi những phụ phẩm được 'hồi sinh', chất thải biến thành tài nguyên, góp phần kiến tạo một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững. Không chỉ là xu thế, nông nghiệp tuần hoàn đã trở thành hiện thực, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường sống cho mai sau ngay trên những cánh đồng, trang trại của vùng đất Cố đô.
Rơm rạ được thu gom để làm thức ăn gia súc, trồng nấm... giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong ảnh: Thu gom rơm, rạ bằng máy cuộn rơm tại huyện Yên Khánh.
Từ tư duy tuyến tính đến vòng tuần hoàn giá trị
Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và áp lực ô nhiễm môi trường gia tăng, kinh tế tuần hoàn không còn là khẩu hiệu mà là hướng đi tất yếu. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả và tái sử dụng liên tục tài nguyên, chất thải, nhằm giảm thiểu chi phí, bảo vệ môi trường và tối ưu hóa năng suất.
Hãy hình dung: Thay vì quy trình “Khai thác-Sản xuất-Tiêu dùng-Thải bỏ” tuyến tính đầy lãng phí, nông nghiệp tuần hoàn đưa chúng ta vào một vòng tuần hoàn khép kín. Chất thải chăn nuôi trở thành phân bón cho cây trồng, rơm rạ khô héo lại là nguồn dinh dưỡng cho đất, thậm chí là thức ăn cho vật nuôi. Đó chính là sự chuyển đổi từ tư duy “làm một lần rồi bỏ” sang tư duy “Giảm thiêủTái sử dụng-Tái chế”, hướng tới một nền nông nghiệp xanh và một môi trường sống trong lành.
Tiến sĩ Mai Thành Luân, Khoa Nông lâm ngư nghiệp (Trường Đại học Hồng Đức) chia sẻ: “Nông nghiệp tuần hoàn không phải là điều gì quá xa vời hay phức tạp. Nó đơn giản là cách chúng ta nhìn nhận lại giá trị của ‘chất thải’ và tìm cách biến chúng thành nguồn lực mới. Điều này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào mà còn góp phần bảo vệ đất đai, nguồn nước-những yếu tố cốt lõi của nông nghiệp bền vững.” Bắt nhịp với xu thế nông nghiệp xanh và nông nghiệp tuần hoàn, không ít nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng thành công các mô hình phát triển kinh tế gia đình, biến lý thuyết thành những câu chuyện thành công đầy cảm hứng.
Điển hình là ông Đinh Xuân Hồng ở thôn Phúc Lộc, xã Phú Lộc, huyện Nho Quan. Bước vào trang trại tổng hợp rộng gần 2 ha của ông, bạn sẽ thấy một hệ sinh thái nông nghiệp thu nhỏ đầy sức sống. Với hàng trăm gốc ổi, na, bưởi trĩu quả, cùng đàn hươu, lợn rừng, gà, vịt, ngỗng và cá, ông Hồng đã xây dựng một mô hình sản xuất khép kín đáng nể. Bí quyết của ông nằm ở việc chủ động phòng chống dịch bệnh và tận dụng tối đa chất thải làm phân bón.
Ông Hồng kiên định với tiêu chí “3 không”: không thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học, không thuốc bảo quản. Chất thải chăn nuôi được thu gom cẩn thận, đưa vào hầm biogas để tạo khí đốt sạch, sau đó bã thải được ủ với chế phẩm vi sinh thành phân bón hữu cơ chất lượng cao.
Ông Hồng phấn khởi chia sẻ: “Cách làm này không chỉ tiết kiệm hàng chục triệu đồng tiền mua phân bón mỗi năm mà còn giúp năng suất cây ăn quả tăng khoảng 5%. Quan trọng hơn, sản phẩm của tôi luôn được thị trường đón nhận vì độ an toàn và chất lượng vượt trội.” Nhờ mô hình này, gia đình ông thu về từ 400 - 500 triệu đồng mỗi năm, đồng thời bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng một cách bền vững. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy nông nghiệp tuần hoàn góp phần tạo ra hệ sinh thái khép kín, gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp.
Không chỉ có ông Hồng, nhiều mô hình tuần hoàn khác cũng đang được nhân rộng khắp Ninh Bình. Cụ thể như: Tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, rơm rạ không còn là phế phẩm bị đốt bỏ gây ô nhiễm mà trở thành nguyên liệu quý để trồng nấm rơm, mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân. Rơm rạ còn được vùi vào đất làm phân bón hữu cơ, hoặc xử lý bằng chế phẩm sinh học để cải tạo đất, và làm thức ăn cho gia súc.
Hay mô hình lúa-tôm, lúa-cá phổ biến ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn Những không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao (tăng thu nhập gấp 5 - 10 lần so với chỉ trồng lúa) mà còn giảm thiểu dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường nhờ sự tương hỗ giữa cây trồng và vật nuôi. Ngoài ra, việc tiết chế hóa đầu vào, hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng thay vào đó áp dụng các biện pháp an toàn như bao trái, sử dụng giống cây kháng sâu bệnh và phân vi sinh cũng đang giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất.
Thách thức và lộ trình hướng tới tương lai
Nông nghiệp vẫn được xác định là ngành kinh tế quan trọng của Ninh Bình. Để đối phó với thách thức từ biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, một phần phụ phẩm cây trồng đã được thu gom, tái sử dụng. Chất thải chăn nuôi cũng được xử lý hiệu quả qua bể biogas, đệm lót sinh học, hoặc ủ phân hữu cơ. Toàn tỉnh đã có 21 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP và 8 cơ sở đạt tiêu chuẩn hữu cơ trong trồng trọt (sâm Cúc Phương, trà Hoa Vàng...); gần 5.000 ha lúa áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ; 92/119 xã được cấp mã số vùng trồng; 1 vùng rau, quả đủ điều kiện xuất khẩu; 1 vùng nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ được chứng nhận ASC đạt chuẩn xuất khẩu vào EU.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh vẫn đối mặt với những thách thức đáng kể. Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn chưa thực sự đầy đủ; nhiều nơi vẫn chú trọng tăng sản lượng bằng hóa chất, xem nhẹ xử lý chất thải. Khung chính sách về kinh tế tuần hoàn còn chưa hoàn thiện, các mô hình tự phát còn nhiều. Việc đầu tư nghiên cứu công nghệ phù hợp còn hạn chế, và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa thực sự mạnh mẽ.
Đồng chí Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Xúc tiến thương mại, Sở Nông nghiệp và Môi trường nhận định: “Ninh Bình có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Tuy nhiên, cần một sự chuyển đổi tư duy đồng bộ từ cấp quản lý đến từng nông hộ. Chúng ta không chỉ cần đầu tư công nghệ mà còn phải tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, và xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể, đồng bộ để tạo động lực cho nông dân và doanh nghiệp.” Để vượt qua những thách thức này và phát huy tối đa tiềm năng, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Ninh Bình xác định tập trung vào các giải pháp trọng tâm.
Bao gồm: Xây dựng các chương trình phổ biến kiến thức, quy định pháp luật và lợi ích thiết thực của nông nghiệp tuần hoàn cho mọi đối tượng, từ cán bộ quản lý đến người dân và doanh nghiệp. Lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn vào giáo dục để hình thành tư duy bền vững từ sớm. Xây dựng khung pháp lý vững chắc, ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu các giải pháp xử lý và tái sử dụng chất thải, phụ phẩm nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương. Hỗ trợ xây dựng thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn. Thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia có nền nông nghiệp tuần hoàn phát triển.
Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng nông sản, đồng thời góp phần xây dựng nền nông nghiệp Ninh Bình ngày càng xanh, hiện đại và bền vững, tạo dựng tương lai thịnh vượng cho người dân đất Cố đô.
Đưa thiết bị không người lái vào sản xuất nông nghiệp
Khoảng 5 năm trước đây, việc sử dụng thiết bị không người lái (UAV/drone) trong nông nghiệp chủ yếu tập trung ở một số tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, dịch vụ này đã lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Máy bay không người lái HLD-18 được Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc (HIRA) nghiên cứu chế tạo. (Ảnh: Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc)
DRONE được đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam lần đầu vào khoảng năm 2017. Năm 2020, Công ty cổ phần Thiết bị bay AgriDrone Việt Nam chính thức đưa drone ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay dịch vụ drone của công ty đã có mặt tại hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, một trong những ứng dụng phổ biến của drone là phun thuốc bảo vệ thực vật nhanh chóng, đồng đều và chính xác. Drone còn hỗ trợ tưới nước chính xác, giúp tiết kiệm nước và duy trì hiệu quả sinh trưởng của cây trồng. Ở những khu vực vùng sâu, vùng xa - nơi việc di chuyển gặp khó khăn, drone có thể dễ dàng tiếp cận và hỗ trợ giám sát tình trạng cây trồng mà không cần đến sự can thiệp của con người…
Để thống nhất quy trình trên toàn quốc, năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật (nay là Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) chính thức ban hành tiêu chuẩn về khảo nghiệm trên đồng ruộng thuốc bảo vệ thực vật phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng bằng thiết bị bay không người lái.
Ông Đặng Quốc Thắng-Trưởng nhóm drone () chia sẻ, mặc dù đã có những bước tiến đáng kể tại Việt Nam, nhưng việc ứng dụng drone vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn một số thách thức. Trước hết, quy trình vận hành drone trong nông nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn. Trong khi đó, nguồn nhân lực có chuyên môn về vận hành và hiệu chỉnh thiết bị bay ở nước ta hiện nay còn hạn chế. Quá trình khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên drone đòi hỏi các tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với điều kiện canh tác thực tế, trong khi cơ chế thực hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện dẫn đến việc doanh nghiệp mất nhiều thời gian để hoàn tất hồ sơ đăng ký thuốc sử dụng trên thiết bị này.
Chủ tịch Hội đồng quản trị AgriDrone Việt Nam Mai Anh Tuấn cho rằng, giá của thiết bị không người lái vẫn còn là một rào cản đối với nhiều hộ nông dân nhỏ lẻ. Doanh nghiệp kiến nghị các đơn vị có liên quan cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ drone phù hợp với điều kiện canh tác và đặc thù cây trồng tại Việt Nam.
Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, trong năm 2025, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan lên kế hoạch tổ chức thêm một lớp tập huấn về vận hành phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone cho cán bộ thuộc các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật. Cục tiếp tục lồng ghép chương trình đào tạo, xây dựng kế hoạch, ký kết hợp tác với một số hội, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực cho các cán bộ thuộc các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật về sử dụng, vận hành drone.
'Cách mạng' cây có múi ở Bình Dương: Khi nông nghiệp gặp khoa học công nghệ
Ở huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương), những quả cam, quýt, bưởi đang giúp đổi đời nhiều nông dân, đặc biệt là khi khoa học công nghệ và các HTX trở thành nhân tố dẫn dắt sản xuất hiện đại, hiệu quả.
Ở tuổi 23, sau những năm học tập và chu du khắp châu Âu, Lâm Thị Mỹ Tiên – một du học sinh từng sống tại Hà Lan – khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định quay về quê nhà xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, để làm nông.
Điều đặc biệt là Mỹ Tiên không chọn con đường làm nông truyền thống, mà bắt đầu hành trình xây dựng nông nghiệp công nghệ cao với tâm thế của một người trẻ có tầm nhìn toàn cầu.
Thành công với tư duy mới
“Tôi từng mê mẩn mô hình trồng chanh vàng ở Amalfi (Ý), nơi mà mỗi trái chanh không chỉ là nông sản mà còn là văn hóa, du lịch và kinh tế. Tôi tin rằng cam, quýt, bưởi ở quê mình cũng xứng đáng có một ‘tên tuổi’ như vậy”, Mỹ Tiên chia sẻ.
Năm 2019, cô gái trẻ bỏ lại những lời mời làm việc hấp dẫn ở Hà Lan để quay về bắt đầu với nông trại chỉ vài héc ta. Với kiến thức tích lũy từ nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Nhật Bản, Thái Lan,… Mỹ Tiên xây dựng mô hình trồng cây có múi kết hợp công nghệ sinh học, cảm biến môi trường, phân tích dữ liệu và quy trình canh tác sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ứng dụng khoa học công nghệ giúp nông dân Bình Dương nâng cao giá trị cây trồng.
Sau gần 5 năm, thương hiệu C-Farm của chị hiện đã quản lý trên 10 ha đất nông nghiệp, sản xuất các loại cam sành, cam V2, quýt đường, quýt hồng với doanh thu gần 3 tỷ đồng/năm.
Không dừng lại ở nông sản thô, C-Farm còn nghiên cứu sản xuất sốt cam, nước ép, sản phẩm chế biến từ quýt kết hợp mật hoa dừa – một bước tiến quan trọng trong nâng cao giá trị gia tăng.
Đặc biệt, cuối năm 2023, sản phẩm cam sành, cam xoàn, quýt đường của C-Farm được chứng nhận OCOP 3 sao, mở đường vào các siêu thị, sàn thương mại điện tử và xuất khẩu.
Câu chuyện của Lâm Thị Mỹ Tiên không còn là cá biệt tại Bắc Tân Uyên. Với hơn 3.000 ha cây có múi, trong đó hơn 200 ha đạt chứng nhận VietGAP và gần 100 ha đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, vùng đất này đã trở thành “thủ phủ” trái cây chất lượng cao của Bình Dương.
Liên kết ứng dụng công nghệ cao
Điều này có được không chỉ nhờ sự năng động của nông dân trẻ, mà còn đến từ sự phát triển mạnh mẽ của các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp. Và HTX Cây ăn trái Tân Mỹ, xã Tân Mỹ, là một trong những mô hình tiêu biểu.
HTX Tân Mỹ hiện có 22 thành viên với tổng diện tích canh tác hơn 60 ha, chuyên trồng các giống cây có múi như bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, cam và dưa lưới. Từ khi thành lập, HTX đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào từng khâu sản xuất.
Ông Lê Minh Sang – Giám đốc HTX – cho biết: “Chúng tôi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, ứng dụng phần mềm quản lý canh tác, sử dụng thiết bị bay không người lái để giám sát sâu bệnh. Ngoài ra, tất cả sản phẩm đều gắn tem QR code để truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng.”
Kết quả là mỗi năm, HTX sản xuất hơn 300 tấn trái cây, doanh thu đạt trên 18 tỷ đồng, lợi nhuận gần 2,8 tỷ đồng. HTX cũng tạo việc làm thường xuyên cho 36 lao động với thu nhập bình quân 90 triệu đồng/người/năm – một con số đáng mơ ước ở khu vực nông thôn.
Không chỉ trồng trái cây, HTX Tân Mỹ còn đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển các sản phẩm từ bưởi như muối tiêu lốp – một loại gia vị độc đáo dùng để chấm bưởi da xanh. Sản phẩm này đang nhận được phản hồi tích cực và mở ra cơ hội chinh phục thị trường đặc sản.
Phát triển nông nghiệp gắn với khoa học công nghệ là định hướng chung của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương.
Thành công của những mô hình như C-Farm hay HTX Tân Mỹ là minh chứng sống động cho việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp không chỉ là xu hướng mà đã trở thành “xương sống” của sự phát triển bền vững.
Để có được những thành công hiện tại, thời gian qua, huyện Bắc Tân Uyên đang tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi giống cây có múi chất lượng cao như cam mật không hạt, cam xã Đoài, bưởi Bạch Đằng, BH32... Đồng thời, địa phương cũng đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ lãi suất, đầu tư kho lạnh, máy sấy, máy phân loại nông sản và dây chuyền sơ chế.
Cùng với đó là các chương trình tập huấn kỹ thuật số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp các HTX và hộ nông dân sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, tích hợp dữ liệu sản xuất. Hàng chục trang trại tại Bắc Tân Uyên đã áp dụng hệ thống cảm biến đo độ ẩm đất, kết nối phần mềm giám sát thời tiết, lập kế hoạch tưới tiêu tự động hóa – tiết kiệm nước, nhân công, năng suất tăng rõ rệt.
Hướng tới một vùng trái cây thông minh
Bên cạnh chính sách hỗ trợ từ địa phương, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực tại huyện Bắc Tân Uyên.
Trong năm 2023 và đầu năm 2024, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Bình Dương và chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho hàng trăm lượt cán bộ quản lý HTX, thành viên và nông dân về kỹ thuật canh tác hữu cơ, ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu nông sản.
Song song với hoạt động đào tạo, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Bình Dương đã triển khai các gói hỗ trợ thiết bị nông nghiệp như hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, máy bay phun thuốc thông minh, nhà màng trồng cây ăn trái và phần mềm quản lý canh tác. Đặc biệt, nhiều HTX tại Bắc Tân Uyên đã được tư vấn xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso...
Những hỗ trợ này không chỉ giúp các HTX địa phương tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ nhỏ lẻ sang bài bản, hiện đại. Tính đến nay, huyện Bắc Tân Uyên có hơn 3.000 ha cây có múi, trong đó hơn 200 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và gần 100 ha sản xuất theo hướng hữu cơ.
Trong giai đoạn tới, Bắc Tân Uyên sẽ tập trung xây dựng vùng sản xuất cây có múi tập trung theo hướng nông nghiệp thông minh, có liên kết chặt chẽ giữa nông dân – HTX – doanh nghiệp – nhà khoa học. Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với các viện, trường triển khai các đề tài nghiên cứu chọn tạo giống cây có múi mới, tăng sức đề kháng, nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch.
Ngoài ra, huyện khuyến khích các HTX tiếp tục chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, đồng thời hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số, kết nối với các sàn TMĐT như Postmart, Voso, Shopee Farm... nhằm giúp nông dân mở rộng thị trường, tiếp cận người tiêu dùng thành thị và quốc tế.
Với cách nghĩ mới, cách làm mới, cùng sự chung tay của khoa học công nghệ và tổ chức kinh tế tập thể, cây có múi ở Bắc Tân Uyên không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà đang trở thành biểu tượng của một nền nông nghiệp thông minh, bền vững và thịnh vượng.
Nâng thu nhập nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở Hưng Nguyên
Là địa phương có lợi thế về phát triển nông nghiệp, thời gian qua huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã và đang hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ các doanh nghiệp và HTX với quy mô và hiệu quả tăng dần, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Trong số đó, nhiều HTX nông nghiệp hữu cơ đã trở thành những mô hình điển hình tiên tiến, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Chuyển hướng hiệu quả với cây trồng phù hợp
Trên diện tích hơn 2.500 m2 đất bãi ven sông Lam (thuộc xã Hưng Thành) là những luống nho giống Mẫu đơn và Hạ đen trĩu quả, bước vào kỳ khai thác. Anh Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh cho biết, trước đây, vẫn trên diện tích này, HTX trồng 2 vụ dưa lưới và 1 vụ dâu tây/năm, kết hợp trồng dưa chuột gai, rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP. Thu nhập từ mô hình đem lại khá tốt, khoảng hơn 500 triệu đồng/năm.
Mô hình sản xuất nho tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh.
Tuy nhiên, với định hướng lâu dài làm mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm canh nông để tăng giá trị khai thác nông sản, năm 2023, HTX quyết định chuyển sang trồng nho. Sau hơn 2 năm trồng và theo dõi, bước đầu cho thấy cây nho rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và chất lượng quả rất tốt.
Cũng theo anh Sơn, ưu thế của cây nho là vừa lạ, vừa đẹp và sạch, phù hợp cho hoạt động trải nghiệm. Thời gian sinh trưởng của cây nho khoảng 15 - 20 năm, mỗi năm cho vài ba lứa quả; đồng nghĩa thời gian thu hoạch cũng kéo dài hơn, thời gian trải nghiệm lâu hơn và kinh tế hơn so với các cây trồng khác.
Cũng canh tác trên vùng đất bãi, tại xã Hưng Lĩnh, mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX Dịch vụ nông sản hữu cơ công nghệ cao Vfresh Garden chính là sản xuất rau, củ, quả, hoa trong nhà màng, nhà lưới.
Anh Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông sản hữu cơ công nghệ cao Vfresh Garden cho hay, hiện tại, HTX có 4 nhà màng, nhà lưới; phân chia thành 4 khu sản xuất, gồm 2 khu sản xuất các loại rau màu bằng công nghệ Israel, như dưa chuột baby, cà chua beef, cà chua cherry, ớt chuông, súp lơ xanh; khu nuôi cá và trồng rau thủy canh theo mô hình Aquaponics; khu trồng ổi lê Đài Loan hơn 300 gốc.
Nhờ ứng dụng công nghệ kiểm soát lượng nước tưới, phân bón... thông qua điện thoại thông minh, HTX giảm đáng kể công chăm sóc, tiết kiệm chi phí, đồng thời năng suất tăng lên rõ rệt.
Được biết, mỗi năm với mô hình canh tác như trên sản xuất ít nhất 6 vụ rau, nuôi 2 vụ cá lăng. Mỗi vụ rau bán được 700-800kg, với giá 35.000 đồng/kg. Mỗi vụ cá lăng thu hoạch gần 400kg, giá bán bình quân 150.000 đồng/kg. Từ trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics mang về cho HTX nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hưng Nguyên cho biết: Trên địa bàn huyện đã xây dựng được 3 khu nhà lưới, nhà màng tại vùng bãi Hưng Lĩnh, Hưng Thành và Hưng Thông, kết hợp đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt để sản xuất rau, quả cao cấp như: Dưa lưới, dâu tây, dưa chuột baby, cà chua, cải thảo... cung cấp cho nhu cầu trên địa bàn huyện.
Một số xã đã xây dựng các vùng sản xuất rau, được đầu tư cơ sở hạ tầng như đường điện, hệ thống giếng tưới, hệ thống tưới tự động phun mưa, nhỏ giọt. Đó là vùng rau các xã Hưng Thành, Long Xá, Hưng Tân với diện tích gần 10 ha. Cùng đó, các hộ nông dân ở đây được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn, sản xuất rau theo hướng VietGAP... từng bước giúp cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Sau một thời gian triển khai, đến nay tại nhiều HTX, bình quân thu nhập đạt 180-220 triệu đồng/ha/năm. Ngoài giá trị kinh tế, thời gian gần đây, nhiều gia đình, trường học đã lựa chọn mô hình nông nghiệp công nghệ cao này làm điểm đến tham quan, trải nghiệm hiệu quả.
Không ngừng mở rộng diện tích
Ngoài các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất bãi, hiện các xã Hưng Thông, Hưng Phúc cũng đã xây dựng được mô hình nhà màng, nhà lưới. Huyện Hưng Nguyên đã phục tráng và nhân rộng diện tích cam Xã Đoài lên 17ha tại xã Hưng Trung; đưa giống bò 3B vào chăn nuôi dọc các xã ven sông Lam; quy hoạch vùng trồng rau hàng hóa tại một số xã như Hưng Tân, Châu Nhân, Hưng Thành, Long Xá,…; triển khai mô hình liên kết doanh nghiệp trồng khoai tây tại xã Xuân Lam, trồng tỏi tại xã Hưng Tân.
Các xã vùng ngoài của huyện, gồm Hưng Trung, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc tập trung cải tạo vườn đồi tạp sang trồng đào cảnh phục vụ Tết và các loại cây ăn quả: mít, táo, ổi, na, chanh các loại (hiện chanh sạch Hưng Yên Nam đã có mã truy xuất nguồn gốc), gắn với chăn nuôi gà thả đồi.
Mô hình sản xuất rau an toàn trên đất bãi của tại xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên.
Để khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, chính quyền huyện Hưng Nguyên kết hợp cùng Liên minh HTX tỉnh Nghệ An đã triển khai các lớp tập huấn, có cơ chế hỗ trợ 30% giá trị hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, tưới thấm, hệ thống làm lạnh, làm mát bảo quản sản phẩm; hỗ trợ 50% xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, điện; hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư... tại nhiều mô hình HTX.
Với các HTX, để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa hiệu quả từ mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao, đại diện các HTX tích cực tham gia các lớp tập huấn, chủ động học hỏi nâng cao trình độ và tìm kiếm thị trường đầu ra thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Anh Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh cho biết, ngoài bán hàng qua các đầu mối và kênh truyền thống, HTX chú trọng tập trung bán hàng qua các kênh mạng vì đây là kênh rất hiệu quả.
Để có thể nâng sản lượng, chất lượng sản phẩm, đại diện HTX mong muốn được chính quyền các cấp hỗ trợ các loại thiết bị máy móc sản xuất cũng như các cơ hội kết nối thương mại, hội chợ giao thương với các tỉnh thành, địa phương lân cận,...
Đại diện UBND huyện Hưng Nguyên cho hay thông qua các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị này nhằm lan tỏa, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp cho người dân tại các mô hình được xây dựng. Từ các mô hình hiệu quả, huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP.
Bên cạnh đó, cùng với chỉ đạo chuyển đổi, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vùng đất bãi, huyện Hưng Nguyên vẫn đang kiên trì chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tạo sản phẩm nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị kinh tế.
Hiệu quả đáng khích lệ
Hiệu quả từ nông nghiệp công nghệ cao của các HTX tại huyện Hưng Nguyên đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp theo hướng bền vững.
Các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn đã tham gia các hội chợ như: Hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Thành phố Hà Nội và tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, Lâm Đồng; Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội 2024; Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2024...
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của các HTX tại huyện Hưng Nguyên đã và đang góp phần tích cực phát triển kinh tế địa phương.
Có thể khẳng định, từ những mô hình nông nghiệp kể trên với kết quả ban đầu đã cho thấy sự thay đổi nhất định, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất, chế biến phát triển, góp phần xây dựng thành công các sản phẩm OCOP tại địa phương. Từ đó, mở rộng các mô hình tương tự trên địa bàn các địa phương lân cận của tỉnh Nghệ An.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của các HTX tại huyện Hưng Nguyên đã và đang góp phần tích cực phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, thể hiện vai trò quan trọng khu vực này đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, năm 2024, doanh thu bình quân của một HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng, lãi bình quân đạt khoảng 180 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 48,3 triệu đồng; doanh thu bình quân của một Liên hiệp HTX đạt khoảng 3,2 tỷ đồng, lãi bình quân đạt khoảng 90 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 40 triệu đồng; doanh thu bình quân của một tổ hợp tác đạt khoảng 408 triệu đồng, lãi bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng.
Đặc biệt, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều HTX vùng đồng bào DTTS đã đứng vững, ngày càng phát huy được vai trò là “bà đỡ” cho thành viên trong việc tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động.
Để phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2026-2030, năm 2025, tỉnh Nghệ An tổng kết Đề án tiếp tục đổi mới và phát triển HTX tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng chương trình phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với đặc thù của địa phương.
Tiếp tục xây dựng mô hình HTX kiểu mới, HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nghiên cứu phát triển các mô hình HTX, gắn với sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phát triển KTTT, HTX tại các địa phương; kịp thời khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các mô mình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả.
Chuyển giao kỹ thuật: 'Đòn bẩy' cho nông nghiệp bền vững
Từ chỗ 'lấy kinh nghiệm làm thầy', nhiều nông dân nay đã biết sử dụng giống mới, phân bón hữu cơ, thụ phấn nhân tạo cho cây ăn quả... Mỗi bước chuyển mình dù nhỏ đều có sự đồng hành của các chương trình khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật. Và chính những thay đổi âm thầm ấy đang làm nên một nền nông nghiệp hiện đại, giá trị và bền vững hơn từng ngày.
Chị chị Nguyễn Thị Hoan (ở xã Phú Thượng, Võ Nhai) thực hiện kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho vườn na của gia đình.
Những ngày đầu Hè, trên triền đồi xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), chị Nguyễn Thị Hoan tất bật bên vườn na xanh mướt. Từng bông hoa na được chị cẩn thận thụ phấn nhân tạo, một việc mà trước kia chỉ phó mặc cho tự nhiên. Không chỉ thế, chị còn kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học và ghi chép nhật ký sản xuất trên nền tảng số.
Những bước đi mới này tiếp nối thành công từ mô hình na hữu cơ rải vụ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các hộ dân trước đó. Nhờ kiên trì làm theo hướng dẫn kỹ thuật, sản lượng và chất lượng quả na của gia đình chị Hoan ngày càng cải thiện. Năm ngoái, trung bình mỗi gốc na cho 10-15kg quả/vụ, giá bán cũng cao hơn rõ rệt.
Chị kể, hiện có 40/300 cây na được chị đánh số riêng để theo dõi sát sao quá trình chăm sóc. "Cứ mỗi lần được đi tập huấn, tôi lại học thêm nhiều điều mới. Ban đầu chưa quen, nhưng giờ thì thành nếp rồi. Làm kỹ thì cây tốt, quả đẹp, người mua cũng thích hơn", chị Hoan chia sẻ.
Không riêng ở Phú Thượng, tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), mô hình chè hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041 đang được triển khai với sự tham gia của 11 hộ dân. Các hộ được hỗ trợ phân bón, vật tư và tập huấn kỹ thuật. Nhờ đó, chi phí đầu vào giảm mà chất lượng chè lại tăng, hướng đến những thị trường cao cấp hơn.
Bà Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX chè Kim Thoa, xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên), cho biết: Chi phí làm chè hữu cơ cao hơn thông thường. Nhưng nhờ Nhà nước và Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 70%, bà con chỉ lo 30%, nên yên tâm hơn để chuyển đổi. Chúng tôi sẽ nhân rộng toàn bộ vùng chè sang canh tác hữu cơ.
Hợp tác xã Bình Minh (ở xã Nhã Lộng) được huyện Phú Bình hỗ trợ 40% kinh phí để xây dựng nhà lưới trồng rau công nghệ cao.
Năm 2025, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai 8 mô hình trọng điểm, tập trung vào chè, cây ăn quả, lúa hữu cơ, chăn nuôi bò và lợn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tất cả đều hướng đến mục tiêu sản xuất xanh, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, nâng cao giá trị nông sản.
Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Chúng tôi hỗ trợ nông dân từ khâu giống, vật tư thiết yếu đến chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời kết nối hộ sản xuất với doanh nghiệp, HTX để tiêu thụ sản phẩm ổn định, theo đúng nhu cầu thị trường. Khi người dân được đồng hành như vậy, họ không chỉ tiếp cận kỹ thuật mà còn hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong chuỗi liên kết, từ đó hình thành sự hợp tác bền vững, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Đồng hành với nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng phân bón, giống cây trồng phổ biến những tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp.
Các nội dung chuyển giao gồm: giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà kính; hệ thống tưới nước tự động; kỹ thuật trồng rừng và chuyển hóa rừng gỗ lớn trồng cây bản địa có giá trị…
Từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức được 496 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 31.904 lượt hội viên, nông dân tham gia. Hội phối hợp với Công ty Phân bón Phú Điền triển khai hỗ trợ xây dựng 18 mô hình sử dụng phân bón cho cây chè tại huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và TP. Thái Nguyên; triển khai dịch vụ hỗ trợ nông dân về vật tư phân bón trả chậm…
Từ bàn tay lấm lem bùn đất, giờ đây người nông dân đã biết tra cứu thời tiết qua điện thoại, ghi nhật ký sản xuất trên nền tảng số, chọn giống chuẩn, canh tác thông minh. Mỗi vườn cây, thửa ruộng hôm nay không chỉ kết tinh mồ hôi công sức mà còn là kết quả của tri thức, công nghệ và niềm tin vào một nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Phát triển nông sản hữu cơ: Hướng đi tất yếu
Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng sử dụng thực phẩm nông sản hữu cơ sạch, với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây chính là cơ hội để nông nghiệp hữu cơ trở thành một trong những hướng đi chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Nông sản hữu cơ được bày bán trong hệ thống siêu thị Winmart. Ảnh: Minh Quân.
Ước tính, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đã đạt giá trị trên 100 triệu USD/năm, hiện ngày càng nhiều sản phẩm nông sản hữu cơ được bày bán ở các siêu thị lớn trên cả nước như: Co.opmart, Winmart, Lotte Mart hay MM Mega Market...
Đại diện quản lý thương mại chuỗi giá trị mảng thực phẩm tươi sống tại Central Retail Việt Nam cho hay, dù đắt hơn rau củ quả thông thường từ 25 - 35%, nhưng rau củ hữu cơ lại đang là những sản phẩm được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Nhiều khách phải đặt trước vì sản phẩm thường xuyên “cháy hàng” trên kệ.
Sự quan tâm của người tiêu dùng tới nông sản hữu cơ còn được mở rộng sang đồ uống. Đại diện Vinamilk cho biết doanh thu của hai dòng sữa Organic và Green Farm đều tăng so với những năm trước. Còn theo Công ty Cổ phần Phúc Sinh, sản phẩm cà phê hữu cơ của công ty không chỉ được yêu thích ở nước ngoài mà đang tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường nội địa.
Theo TS Nguyễn Đức Chinh, người sáng lập Nông trại GenXanh, các sản phẩm rau hữu cơ trong nông trại rộng 2,5ha của ông ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đang sản xuất theo mô hình mùa nào rau nấy. Theo đó, sau khi sản phẩm thu hoạch sẽ được đó vận chuyển trực tiếp từ nông trại đến tận tay người tiêu dùng, đồng thời bày bán tại một số cửa hàng ở nội thành Hà Nội đã có liên kết tiêu thụ. Do nông sản hữu cơ không thể sản xuất ồ ạt, nên mỗi tuần nông trại GenXanh chỉ cung ứng ra thị trường Hà Nội khoảng 4 - 5 tấn rau xanh và rau gia vị. Đến nay, GenXanh đã phát triển thêm 2 cơ sở tại Sa Pa (Lào Cai) và Hòa Bình.
Bà Đặng Thị Bích Hường - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Hiện người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm sạch, an toàn và có chứng nhận rõ ràng. Bà Hường cho biết thêm, với lợi thế tự nhiên, nguồn lao động dồi dào và hệ thống pháp lý đang dần hoàn thiện, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ trong tương lai gần. Song sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam đang đứng trước hai thách thức lớn, một là niềm tin người tiêu dùng chưa thực sự vững chắc, hai là chuỗi cung ứng chưa đủ mạnh và đồng bộ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. “Hệ thống đại lý đóng vai trò then chốt trong hành trình phát triển thị trường nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Chính vì vậy cần chú trọng phát triển hệ thống đại lý” – bà Hường khuyến cáo.
Hiện nay trên thế giới có 191 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tại Việt Nam, nông dân đã canh tác hữu cơ truyền thống từ lâu đời. Tuy nhiên, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2024, cả nước hiện có 495.000 hecta sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm 4,3% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam nhỏ nhưng vẫn có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt. Dù chưa phát triển nhanh như các nước trong khu vực nhưng Việt Nam được đánh giá là điểm đến bùng nổ của sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ.
TPHCM tìm kiếm ý tưởng sáng tạo lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao
Các dự án khởi nghiệp tiềm năng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được hỗ trợ tập huấn kỹ năng, ươm tạo và kết nối cộng đồng.
Đại diện Ban tổ chức và các đơn vị phối hợp thực hiện nghi thức bấm nút khởi động cuộc thi. Ảnh: BTC.
Ngày 6/6, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM tổ chức phát động cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cuộc thi được tổ chức với mục tiêu khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, phát huy trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ trong việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.
Cuộc thi chính thức mở rộng quy mô toàn quốc và trở thành chương trình thường niên đến năm 2030 dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM. Cuộc thi còn là nền tảng quan trọng nhằm phát hiện, ươm tạo và kết nối các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Với chủ đề “Chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp bền vững”, cuộc thi năm nay tập trung vào ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, thông minh và bền vững.
Cuộc thi được tổ chức nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TPHCM nói riêng và của cả nước nói chung ngang tầm khu vực.
Ông Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Phúc Uyên.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đánh giá, đây là cuộc thi không dừng lại ở một sân chơi ý tưởng, mà còn được Ban tổ chức xây dựng như một phần trong kế hoạch hành động dài hạn của ngành nông nghiệp.
Kế hoạch nhằm tạo dựng nền tảng cho một thế hệ doanh nhân phát triển ngành nông nghiệp năng động, sáng tạo và làm chủ công nghệ.
"Trong đó, vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số trong nông nghiệp", ông Dũng nhấn mạnh.
Cuộc thi được chia thành 2 bảng gồm bảng dành cho học sinh, sinh viên với giải nhất trị giá 20 triệu đồng. Bảng dành cho các nhóm dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp có giá trị giải thưởng cao nhất 50 triệu đồng. Thời gian nhận hồ sơ dự thi đến hết tháng 7.
Khẳng định vai trò hợp tác xã nông nghiệp
BHG - Hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã (HTX) những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh. Tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ thành lập mới 141 HTX (đạt 141% kế hoạch); lũy kế toàn tỉnh hiện có 473 HTX; trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 89 HTX, chăn nuôi 28 HTX, lâm nghiệp 11 HTX, nước sạch nông thôn 2 HTX, thủy sản 16 HTX, dịch vụ tổng hợp 327 HTX. Các mô hình HTX nông nghiệp phát triển đa dạng, sáng tạo, đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức sản xuất, kết nối nông dân với thị trường, thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới. Hiện nay, nhiều mô hình HTX tiêu biểu đang hoạt động hiệu quả, tập trung vào phát triển các sản phẩm như: Cam, dược liệu, chè, nuôi ong, chăn nuôi gia súc, trồng rau... Đồng thời, các HTX từng bước mở rộng liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị thông qua việc đăng ký nhãn hiệu theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP để quảng bá thương hiệu; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; tích cực đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đạt chuẩn chất lượng sản phẩm từ 3 sao trở lên.
Hợp tác xã Nông dân trồng Cam sạch xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) tham gia Hội chợ triển lãm đặc sản vùng miền cùng 63 tỉnh thành tại Hà Nội. Ảnh: CTV
Một trong những mô hình tiêu biểu là HTX Nông dân trồng Cam sạch xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) trồng và chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 291 ha, trong đó 120 ha trồng tại xã Vĩnh Phúc và 171 ha trồng tại các xã lân cận; năng suất bình quân đạt 17 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng trên 2.975 tấn, doanh thu đạt 4.460 triệu đồng/năm. Các sản phẩm cam của HTX hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành và trung tâm thương mại lớn như: Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Siêu thị Tmart, Winmart, siêu thị Big C Thanh Long…
Tại xã Sà Phìn (Đồng Văn), HTX Hà An là một trong những HTX khai thác được lợi thế địa phương, phát triển kinh tế bền vững. Được thành lập từ đầu năm 2018 với 7 thành viên là những người dân trong thôn, đến nay dự án liên kết nuôi ong lấy mật thu hút hơn 30 hộ tham gia tại 2 xã Thài Phìn Tủng, Sà Phìn, với quy mô chăn nuôi 1.905 đàn. Tổng sản lượng mật sản của HTX năm 2024 đạt 9.000 lít/1.905 đàn, giá trị sản xuất ước đạt 3,6 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí, mỗi hộ thu nhập bình quân từ 40-50 triệu đồng/năm. Từ năm 2021, sản phẩm mật ong của HTX Hà An đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Anh Sùng Mí Di, Giám đốc HTX Hà An chia sẻ: Nuôi ong có nhiều lợi thế hơn so với nuôi một số loài khác do ít dịch bệnh, vốn đầu tư không lớn và trong thời gian ngắn có thể thu lại được gốc. Qua quá trình học hỏi và nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, những năm gần đây, tôi đều dùng phương pháp tạo mũ chúa di trùng (tách đàn) có thể tự cung cấp đàn ong giống cho các thành viên trong HTX và người dân khu vực lân cận khi có nhu cầu nuôi ong. Nếu người dân nuôi ong tốt, chất lượng mật ong đảm bảo, HTX sẵn sàng làm đầu mối thu mua để tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mặc dù hiện nay còn nhiều HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít nhưng quy mô, giá trị sản lượng sản phẩm của HTX lại khá lớn. Do đó, cần thúc đẩy nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa và nâng cao thu nhập để các hộ, trang trại cùng nhau hợp tác, liên kết tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp an toàn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Đỗ Tấn Sơn cho biết: Để tạo đầu ra cho các sản phẩm HTX, những năm qua, tỉnh đã có các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các HTX tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng, đăng ký thương hiệu, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh; từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp.
Có thể thấy, các HTX nông nghiệp không chỉ là hạt nhân trong tổ chức sản xuất, mà còn là cầu nối quan trọng giữa người nông dân với thị trường, góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp, cây, con giống và thực hiện tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, người lao động. Việc phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đang mở ra hướng đi bền vững cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Biến nông sản Đam Rông thành đặc sản du lịch, tại sao không?
Sầu riêng, dứa mật, bánh tráng làng Tày Đam Rông được xác lập nhãn hiệu chứng nhận không chỉ là niềm tự hào của người dân bản địa mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và bản sắc địa phương. Đây được xem là hướng đi chiến lược để Đam Rông vươn lên trên bản đồ du lịch sinh thái – trải nghiệm của Tây Nguyên.
Khi nông sản không chỉ để ăn
Trong dòng chảy phát triển bền vững, xu hướng “du lịch nông sản” đang được nhiều địa phương lựa chọn như một hướng đi hiệu quả. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi địa phương phải có sản phẩm mang tính biểu tượng, có bản sắc, có câu chuyện để kể và có giá trị kinh tế rõ ràng.
Đam Rông còn nhiều dư địa để phát triển.
Đam Rông – huyện vùng sâu của tỉnh Lâm Đồng – tuy còn nhiều khó khăn nhưng lại sở hữu chính những điều kiện “vàng” ấy. Bánh tráng làng Tày – một biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Tày nơi đây. Dứa mật – giống dứa ngọt thanh không chua, hiếm gặp. Sầu riêng – đặc sản đang ngày càng khẳng định chất lượng vượt trội trên thị trường. Ba sản phẩm ấy không chỉ phản ánh tiềm năng nông nghiệp, mà còn mang theo giá trị lịch sử, văn hóa và thổ nhưỡng đặc trưng của vùng đất này.
Khi các sản phẩm này được cấp nhãn hiệu chứng nhận, chúng không chỉ được bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ, mà còn trở thành điểm tựa để phát triển chuỗi giá trị gắn với du lịch – từ sản xuất đến tiêu thụ, từ canh tác đến trải nghiệm. Thay vì chỉ bán ra thị trường như những mặt hàng nông sản thô, Đam Rông đang có cơ hội để bán trải nghiệm, bán câu chuyện và bán cảm xúc thông qua ba sản phẩm đặc trưng nói trên.
Hãy thử hình dung một hành trình khám phá làng nghề Bánh tráng làng Tày Đam Rông – nơi không chỉ đơn thuần là điểm đến, mà là cả một “thế giới hương vị” đậm đà bản sắc. Du khách sẽ được tự tay làm những chiếc bánh tráng vuông – tròn trong buổi sớm mai; phơi những vỉ bánh vừa làm được trong hanh hao nắng gió Tây Nguyên. Chắc chắn công đoạn được nhiều người mong đợi nhất đó là nướng bánh tráng mỡ hành - món ăn được mệnh danh là pizza Đà Lạt bên bếp than hồng bập bùng, nghe người dân kể câu chuyện về bánh tráng làng Tày.
Làm bánh tráng làng Tày Đam Rông.
Rồi hãy lạc bước đến một vườn dứa mật ngát hương – một không gian nông trại đúng nghĩa, nơi màu xanh của những luống dứa trải dài như thảm ngọc, rì rào trong gió núi đại ngàn. Du khách không chỉ hái từng trái dứa chín vàng, ngọt lịm mà còn được tham gia ép nước bằng tay, làm mứt thủ công dưới sự hướng dẫn tận tình của người nông dân. Với những ai thích an yên, chỉ cần thong dong dạo bước giữa những rặng dứa thẳng tắp, hít hà mùi hương ngọt ngào thoảng trong gió, cũng đủ thấy lòng mình nhẹ bẫng.
Và không thể thiếu những vườn sầu riêng trĩu quả, quả nào quả nấy như những “vương miện hương vị” lấp ló sau tán lá xanh um. Tại đây, du khách được tận tay bổ những trái sầu riêng thơm ngát, thưởng thức tại chỗ lớp cơm vàng sánh béo ngậy – một cảm giác khó quên. Không chỉ vậy, hành trình còn đưa bạn đến với những cuộc trò chuyện về kỹ thuật trồng sầu riêng đặc sản vùng cao – nơi độ cao, khí hậu và sự tận tụy của con người hòa quyện tạo nên trái ngon danh tiếng.
Khi hoàng hôn buông xuống, làn sương mỏng dần phủ nhẹ trên những triền đồi, du khách có thể thỏa thích trải nghiệm ngâm mình dưới dòng suối nước nóng ở Đạ Long, Đạ Tông. Chọn nghỉ đêm tại các homestay mộc mạc giữa vườn cây trái, nơi tiếng dế gáy, tiếng suối róc rách và ánh đèn dầu lập lòe như đưa ta trở về với ký ức tuổi thơ xưa cũ. Bữa cơm tối đầm ấm bên gia đình người bản xứ, với các món đặc sản như gà nướng lá chanh, cá suối nướng ống tre, cơm lam dẻo thơm… không chỉ là bữa ăn, mà là một trải nghiệm văn hóa vị giác khó quên.
Bản sắc văn hóa Đam Rông.
Và rồi, trong ánh lửa trại bập bùng, cùng hòa mình vào điệu xoang, điệu cồng chiêng rộn rã, nghe kể chuyện đất trời – nơi từng hạt giống được gieo xuống bằng tình yêu, từng cây trái được chăm bón bởi bàn tay cần mẫn. Du lịch nông nghiệp nơi đây không chỉ đơn thuần là hành trình khám phá ẩm thực, cảnh quan hay sản vật, mà còn là cuộc đối thoại sâu sắc giữa con người với thiên nhiên, giữa quá khứ và hiện tại, giữa du khách và chủ nhà.
Tất cả tạo nên một hành trình vừa chân thực, vừa huyền ảo – nơi mỗi bước đi đều có hương vị, mỗi khoảnh khắc đều là một lát cắt của ký ức và mỗi nụ cười trao nhau là một sợi dây kết nối bền chặt giữa con người với đất, với trời và với nhau.
Tạo bản sắc riêng cho du lịch Đam Rông
Phát triển du lịch từ nông sản đặc trưng không chỉ là ý tưởng mang tính cảm hứng, mà đang từng bước trở thành chiến lược thực tế. Việc xác lập nhãn hiệu chứng nhận cho sầu riêng, dứa mật và Bánh tráng làng Tày Đam Rông là nền móng quan trọng để xây dựng thương hiệu vùng, từ đó nâng tầm giá trị nông sản, mở rộng thị trường và tạo dấu ấn trên bản đồ du lịch.
Suối nước nóng Đạ Long.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều đó, huyện Đam Rông cần một hệ sinh thái đồng bộ: Quy hoạch vùng trồng ổn định, bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP hoặc hữu cơ.
Xây dựng chuỗi du lịch trải nghiệm nông sản, kết nối với các làng nghề, cộng đồng dân tộc thiểu số, homestay và farmstay. Đào tạo đội ngũ nông dân – người làm du lịch cộng đồng để vừa sản xuất giỏi, vừa trở thành người kể chuyện hấp dẫn. Đồng thời cần hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, bao bì – thương hiệu – truyền thông số, để ba sản phẩm này không chỉ ngon mà còn đáng nhớ và đáng quay lại.
Lâm Đồng từ lâu đã nổi tiếng với Đà Lạt mộng mơ, Bảo Lộc trà xanh, nhưng Đam Rông vẫn như một viên ngọc thô chưa được mài giũa. Chính ba sản phẩm đặc trưng này, khi được “đánh thức” bằng chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp – trải nghiệm – cộng đồng, có thể trở thành điểm nhấn tạo nên bản sắc riêng cho du lịch Đam Rông.
Du khách đến Đam Rông sẽ không chỉ đến để ngắm cảnh, mà để sống cùng người bản địa, để ăn đặc sản “tại gốc”, hiểu gốc gác từng món ăn, từng cách làm, từng mùa vụ và mang về những kỷ niệm gắn liền với đất và người.
Những đồi sầu riêng hình bát úp.
Ba sản phẩm sầu riêng, dứa mật, bánh tráng làng Tày không còn chỉ là những mặt hàng nông sản đơn lẻ, mà đã trở thành kết tinh của thiên nhiên – văn hóa – con người Đam Rông. Khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận, đó là thời điểm bắt đầu một hành trình mới hành trình đưa nông sản bước vào ngành công nghiệp không khói – du lịch.
Nếu biết cách tổ chức, đầu tư và gắn kết cộng đồng cùng tham gia, huyện Đam Rông hoàn toàn có thể xây dựng cho mình một mô hình phát triển đặc trưng: du lịch từ nông sản bản địa – kinh tế từ trải nghiệm nông nghiệp bền vững, sâu sắc và khác biệt.
Hội đồng Ngũ cốc Mỹ khẳng định cam kết lâu dài với Việt Nam
Hội đồng Ngũ cốc Mỹ vừa ký thỏa thuận hợp tác có thời hạn 5 năm với Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV).
Ngày 6.6 (giờ địa phương), tại thủ đô Washington D.C. của Mỹ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Môi trường Hoàng Trung đã có buổi làm việc với Hội đồng Ngũ cốc Mỹ (USGC).
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, mục tiêu chính của đoàn là tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp - môi trường, thúc đẩy hơn nữa thương mại nông-lâm-thủy sản song phương. Đồng thời, hai bên mở rộng kết nối giữa doanh nghiệp, qua đó nâng cao sức mua và nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Mỹ vào Việt Nam.
Hội đồng Ngũ cốc Mỹ bày tỏ vui mừng được tiếp đón đoàn cấp cao của Bộ Nông nghiệp - Môi trường Việt Nam - Ảnh: Đoàn công tác Bộ NN-MT
"Trong 4 ngày làm việc vừa qua, đoàn đã có nhiều cuộc trao đổi hiệu quả với chính quyền các bang, các doanh nghiệp và đại diện Bộ Nông nghiệp các tiểu bang, góp phần cụ thể hóa các mục tiêu đặt ra. Nhiều kết quả đáng ghi nhận đã được truyền thông hai nước đưa tin", Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định.
Đánh giá cao vai trò của USGC trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh rằng, USGC là một trong những tổ chức doanh nghiệp nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam.
Về phần mình, đại diện USGC khẳng định, Việt Nam là thị trường được USGC tiếp cận từ rất sớm. Mối quan hệ hợp tác giữa hai bên đã được xây dựng dựa trên nền tảng nghiên cứu chuyên sâu và cam kết lâu dài về thúc đẩy thương mại.
Ông Ryan LeGrand - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành USGC - cho hay, Hội đồng đã theo dõi sát hành trình của đoàn và đã tham gia hỗ trợ một số chương trình liên quan ở Iowa và Ohio.
Ông nhấn mạnh, quan hệ hợp tác giữa USGC và Việt Nam có lịch sử từ năm 1994, thậm chí trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Văn phòng đại diện của USGC được mở tại Việt Nam vào năm 1996, chỉ một năm sau khi hai bên bình thường hóa quan hệ.
Hiện nay, cả hai văn phòng của USGC tại Hà Nội và TP.HCM đều duy trì quan hệ gắn bó với các cơ quan chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Việt Nam được USGC đánh giá là điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng thương mại.
Chủ tịch kiêm CEO Ryan LeGrand và Thứ trưởng Hoàng Trung chứng kiến lễ ký MOU giữa Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ và Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) - Ảnh: Đoàn công tác Bộ NN-MT
"Trong danh sách ưu tiên hợp tác của USGC, Việt Nam luôn giữ vị trí hàng đầu", ông LeGrand bày tỏ sự lạc quan trước những tín hiệu tích cực từ thị trường Việt Nam. Lãnh đạo USGC cam kết hỗ trợ tối đa, hướng tới quan hệ song phương bền vững dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Bên cạnh các nội dung hợp tác chung, ông cho biết USGC đã chủ động làm việc với Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), nêu rõ quan điểm rằng mức thuế áp dụng hiện nay ở mức 46% là quá cao và cần được xem xét lại.
Về mặt kỹ thuật, ông LeGrand đề xuất một số sáng kiến nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại song phương, hướng đến một thị trường ổn định, cân bằng và bền vững cho cả hai bên. Cụ thể, ông mong phía Việt Nam xem xét việc nới lỏng các yêu cầu khử trùng để giảm chi phí cho các nhà nhập khẩu Việt Nam.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Việt Nam đang triển khai chiến lược phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững. Đàn lợn hiện vào khoảng 30 triệu con, gia cầm 550 triệu con, gia súc ước khoảng 14 triệu con.
Theo đó, nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước là rất lớn. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 8 tỉ USD nguyên liệu, chủ yếu là ngô, đậu nành, lúa mì, DDGS.
Thứ trưởng nhận xét: "Đây đều là những mặt hàng thế mạnh của Mỹ. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã và đang thúc đẩy các cơ chế chính sách để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại".
Đặc biệt, các vấn đề kiểm dịch và an toàn thực phẩm được Bộ Nông nghiệp - Môi trường chỉ đạo sát sao. Các cơ quan chuyên môn phản ứng nhanh, bám sát các yêu cầu kỹ thuật, nhất là các tiêu chuẩn SPS.
Thông tin thêm về nhu cầu của Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Nam - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khai Anh Bình Thuận - cho biết, doanh nghiệp đang mở rộng ngành hàng thức ăn chăn nuôi với nhu cầu nguyên liệu từ 20 - 22 triệu tấn mỗi năm.
Tính riêng năm 2024, Khai Anh đã mua trực tiếp khoảng 600.000 tấn ngô (bắp) Mỹ. Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nam đánh giá: "Chất lượng ngô Mỹ ngày càng cải thiện, hạt ngô chắc hơn và tỷ lệ vỡ khi chế biến cũng giảm rõ rệt. Màu sắc đẹp hơn, vàng tự nhiên, không còn ngả trắng như trước".
Mới đây, Khai Anh đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về việc mua khoảng 4,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi các loại. Đây là bước đi dài hạn, thể hiện cam kết hợp tác bền vững giữa hai bên.
Năm 2021, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp - Môi trường) đã ký bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với USGC, tập trung vào 3 lĩnh vực: xúc tiến thương mại ngũ cốc, đào tạo nâng cao năng lực và nghiên cứu phát triển nhiên liệu sinh học. Do MOU ký năm 2021 đã hết hiệu lực, ngay tại buổi làm việc, USGC đã ký thỏa thuận mới với Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) có hiệu lực trong 5 năm.
Mục đích chung của MOU mới là thiết lập quan hệ hợp tác kỹ thuật giữa PSAV và USGC trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, cũng như tăng cường trao đổi thông tin về chính sách, quy định pháp luật, mục tiêu phát triển của Việt Nam. PSAV sẽ nỗ lực hỗ trợ thương mại hơn nữa với ngành ngũ cốc thô của Mỹ theo trách nhiệm và thẩm quyền của mình.
Hợp tác xã An Hòa trên đà phát triển
Hợp tác xã (HTX) An Hòa, xã Khánh An thành lập cuối năm 2022, qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, HTX đang ăn nên làm ra với các lĩnh vực: nuôi trồng và sản xuất nông nghiệp, các ngành hàng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ mua bán sản phẩm nông nghiệp, đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ vậy mà số thành viên tham gia không ngừng được nâng lên, HTX ngày càng lớn mạnh, tạo tiền đề cho sự phát triển ngày càng bền vững hơn.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Ấp 13, xã Khánh An, thành viên HTX An Hòa. Trước đây, gia đình ông Hiền trồng 3 ha bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng, thu nhập tương đối khá, tuy nhiên có lúc bồn bồn không có đầu ra và bị rớt giá, khiến thu nhập giảm đáng kể. Nhưng từ thi tham gia HTX, lượng bồn bồn thu hoạch đều được tiêu thụ hết với giá ổn định, từ đó cuộc sống gia đình ông Hiền ngày càng khấm khá hơn.
Mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng mang về nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho thành viên HTX.
Ông Hiền cho biết: “Trước đây, khi vào vụ bồn bồn thường hay mất giá và không có đầu ra, từ khi tham gia HTX, mở rộng được thị trường tiêu thụ nên đầu ra sản phẩm bồn bồn ổn định hơn, giá cả cũng khá hơn. Hiện nay, 3 ha bồn bồn của tôi cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng, cá đồng mỗi năm khai thác cũng được vài chục triệu đồng nên cuộc sống gia đình ngày càng sung túc hơn”.
Cũng là thành viên của HTX An Hòa, gia đình bà Trần Thị Hiền, Ấp 14, xã Khánh An, có 3 ha trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng. Hiện mỗi tháng gia đình bà Hiền thu nhập hơn 40 triệu đồng từ việc bán bồn bồn, đây thực sự là nguồn thu nhập lý tưởng đối với gia đình vùng nông thôn. Bà Hiền phấn khởi nói: “Nhờ tham gia HTX, được anh em trong HTX hướng dẫn đăng ảnh sản phẩm bán hàng Online nên sản phẩm bồn bồn của tôi ngày càng được nhiều người biết đến và đặt hàng, nhờ vậy mà đầu ra đảm bảo, thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều”.
HTX làm ăn hiệu quả nên thu hút nhiều hộ tham gia. Khi mới thành lập, HTX chỉ có 16 thành viên, nay tăng lên 102 thành viên. Ðây là tiền đề quan trọng, nguồn lực dồi dào góp phần đưa HTX phát triển.
Chị Ðặng Yến Như, Giám đốc HTX An Hòa, cho biết: “Khi thành viên HTX tăng lên, sản phẩm nông sản sản xuất dồi dào, tạo điều kiện cho HTX ký kết với các đối tác tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn, nhờ vậy mà các sản phẩm của HTX làm ra đều có đầu ra ổn định. Hiện nay, HTX đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất nông nghiệp đến tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là mua bán sản phẩm bồn bồn tươi, cá đồng, chuối khô, chuối sấy dẻo và nhiều sản phẩm khác”.
Sản phẩm của HTX được xúc tiến thương mại mạnh mẽ tại các hội chợ, đồng thời được quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội nên ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cùng với việc phát triển nguồn nhân lực, vật lực, HTX chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ các thành viên xây dựng mô hình sản xuất gắn với sản phẩm OCOP, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, HTX tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhờ đó, doanh thu HTX tăng trưởng đáng kể, thu nhập thành viên được cải thiện, khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Chị Ðặng Yến Như cho biết thêm: “HTX đang đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng khu vực sơ chế, bảo quản sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Ðặc biệt, HTX tập trung mở rộng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm đạt các tiêu chuẩn sạch, an toàn. HTX cũng đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế biến từ bồn bồn để gia tăng giá trị và đa dạng hóa sản phẩm. Ðồng thời đào tạo, nâng cao năng lực cho các thành viên về kỹ năng quản lý, vận hành HTX theo mô hình hiện đại, tăng cường áp dụng công nghệ số trong quy trình quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.
Với những kết quả đạt được, cộng với sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và sự nháy bén của các thành viên HTX, tin rằng, HTX An Hòa sẽ không ngừng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến xây dựng những thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bền vững./.
Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp tỉnh chịu tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu. Hạn hán kéo dài, rét đậm, rét hại làm thiệt hại nhiều diện tích cây trồng khiến năng suất và chất lượng nông sản sụt giảm. Trước thực trạng đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, xã Mường Nhà trở thành vùng chuyên canh dứa lớn nhất huyện Điện Biên.
Năm 2024, tỉnh hứng chịu 34 đợt thiên tai khiến 1.332ha lúa và 175,279ha ngô, sắn và hoa màu thiệt hại. Chuỗi thiên tai dồn dập là minh chứng rõ nét cho tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Trước thực tế này, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp thích ứng hiệu quả, nhằm giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo duy trì sản xuất ổn định, bền vững.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm, mang tính chiến lược của ngành Nông nghiệp tỉnh trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, các địa phương đã tích cực hỗ trợ và khuyến khích nông dân chuyển đổi linh hoạt, lựa chọn những loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và nhu cầu của thị trường, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024 toàn tỉnh đã chuyển đổi 2.668,22ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác, tăng 233,5ha so với năm 2023. Trong đó, chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm 2.216,3ha (trên đất chuyên trồng lúa 46,49ha; trên đất lúa 1 vụ 112,11ha; chuyển đổi trên lúa nương 2.057,7ha); chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm 451,73ha chủ yếu trên diện tích lúa nương và chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản 0,19ha.
Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không chỉ giúp thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Tùy vào loại cây trồng chuyển đổi, giá trị kinh tế có thể cao gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa một vụ hoặc lúa nương. Hiện nay, nhận thức của người dân về chuyển đổi cây trồng đã có sự thay đổi tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh rau màu, cây hàng năm, cây ăn quả, cà phê, mắc ca… tạo nền tảng vững chắc cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Năm 2018, người dân bản Pu Lau (xã Mường Nhà, huyện Điện Biên) chuyển đổi diện tích đất dốc, nương kém hiệu quả từ trồng sắn, ngô sang trồng thử nghiệm dứa mật. Sau 1 năm thử nghiệm, cây dứa cho thấy tính thích nghi cao, năng suất và giá trị kinh tế vượt trội. Từ năm 2019 đến nay, phong trào trồng dứa lan rộng toàn bản. Đến nay, Pu Lau đã có hơn 60ha dứa, mang lại thu nhập ổn định từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi hộ dân, trở thành cây trồng chủ lực nâng cao đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Anh Vàng A Sống, người dân bản Pu Lau chia sẻ: Năm 2018, tôi chuyển đổi 3.000m2 lúa nương sang trồng dứa. Sau vụ đầu tiên, nhận thấy cây dứa cho hiệu quả kinh tế vượt trội, tôi quyết định tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng qua từng năm. Đến nay, gia đình tôi đã có hơn 1ha dứa, mỗi năm mang lại thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần canh tác ngô, lúa nương.
Người dân bản Pu Lau, xã Mường Nhà thu hoạch dứa.
Hiện nay, không chỉ riêng bản Pu Lau, phong trào chuyển đổi cây trồng trên nương sang trồng dứa đang lan rộng tại nhiều bản khác trên địa bàn xã Mường Nhà. Tính đến cuối năm 2024, toàn xã đã phát triển được 150ha dứa, trở thành vùng chuyên canh dứa lớn nhất huyện Điện Biên.
Ông Lò Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết: Xã đang tập trung xây dựng thương hiệu dứa mật theo chương trình OCOP. UBND xã chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật canh tác và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, giúp người dân nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xã đã thành lập Hợp tác xã Dứa Mường Nhà nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ, tạo điều kiện để bà con cùng phát triển bền vững với cây dứa mật.
Song song với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương đang đẩy mạnh sử dụng giống cây trồng chất lượng cao, vừa cho năng suất tốt, vừa có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Mường Ảng là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất tỉnh. Những năm qua, do tác động tiêu cực của thời tiết, một số diện tích cà phê trên địa bàn huyện đã có biểu hiện thoái hóa, năng suất và chất lượng hạt cà phê giảm. Trước thực trạng đó, huyện Mường Ảng đã tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn lựa chọn các giống cà phê mới, chất lượng để ghép, thay thế và cải tạo vườn cà phê.
Năm 2023, huyện Mường Ảng phối hợp với Cục Trồng trọt (nay là Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) triển khai dự án CRAS “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các nhóm nghèo sản xuất cà phê tại Mường Ảng”. Dự án thực hiện cải tạo vườn cà phê bằng cách cưa đốn và ghép cải tạo giống cà phê lai TN1 và TN2 cho năng suất cao và trồng mới thử nghiệm 0,8ha giống THA1 thay thế các giống cũ. Sau gần 2 năm triển khai, dự án cho thấy sự hiệu quả và từng bước được nhân rộng.
Anh Cà Văn Bi, bản Hua Nguống (xã Ẳng Cang) bắt đầu trồng cà phê từ năm 2010. Đến nay, gia đình anh sở hữu gần 3ha cà phê kinh doanh. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, một số diện tích trồng lâu năm giảm năng suất. Anh Bi đã tham gia dự án CRAS, thực hiện tái canh bằng hai phương án: Ghép cải tạo giống TN1, TN2 trên 1.500m2 và trồng mới giống THA1 trên diện tích già cỗi không thể ghép.
“Sau gần 2 năm triển khai, kết quả rất khả quan, tỷ lệ cây sống khi trồng mới đạt trên 90%, tỷ lệ mắt ghép thành công trên 85%, năng suất toàn vườn tăng trung bình khoảng 10% so với những năm trước khi tham gia dự án. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp này để tái canh những diện tích cà phê lâu năm, già cỗi” - anh Cà Văn Bi cho biết.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến cuối năm 2024 toàn tỉnh có 4.500ha cà phê, tập trung tại 2 huyện: Mường Ảng và Tuần Giáo. Nhằm đảm bảo nguồn giống chất lượng cao phục vụ tái canh và mở rộng diện tích trồng mới, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã công nhận 1.497 cây đầu dòng giống cà phê chè Catimor. Đây là nguồn nhân giống đạt tiêu chuẩn, giúp chủ động cung ứng giống chất lượng cho sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của cà phê địa phương.
Hiện nay, tỉnh đang từng bước phát triển vùng sản xuất lúa gạo, mắc ca, quế, chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ, chất lượng cao, gắn với chế biến sâu và xây dựng chuỗi giá trị. Đồng thời đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kĩ thuật, ứng dụng giống mới, quy trình canh tác an toàn cho người dân nhằm hướng tới nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Biến chất thải nông nghiệp thành năng lượng sạch
Các nhà khoa học đưa ra bảy kịch bản khác nhau về tỷ lệ dùng biogas để thay thế than, củi và LPG để phát điện và đun nấu nhằm đánh giá lợi ích môi trường của việc thay thế này.
Hầm biogas để xử lý chất thải nông nghiệp.
Năng lượng dồi dào
TS Nguyễn Thành Hưng - Viện Khoa học Biển Nhiệt đới (ĐH Quốc gia Singapore) và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu đánh giá đầu tiên về tiềm năng năng lượng sinh khối (biomass) thu được qua việc xử lý chất thải nông nghiệp trong cả điều kiện khí hậu hiện tại và tương lai trên cả nước ta.
Việt Nam có nền nông nghiệp phát triển mạnh, đồng nghĩa với khối lượng lớn chất thải từ chăn nuôi và phế phụ phẩm từ trồng trọt. Nếu được xử lý và tận dụng hiệu quả, đây là nguồn tài nguyên quý giá để sản xuất năng lượng sinh học, điển hình là biogas - một dạng khí sinh học chủ yếu gồm methane (CH₄) và carbon dioxide (CO₂), sinh ra từ quá trình phân hủy kỵ khí của chất hữu cơ trong điều kiện không có oxy.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn chất thải nông nghiệp vẫn bị đốt bỏ hoặc xử lý sơ sài, gây ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng phát thải khí nhà kính từ chất thải chăn nuôi và việc đốt rơm rạ ở Việt Nam sẽ tăng từ 38,5 triệu tấn CO₂ tương đương năm 2000 lên 95,2 triệu tấn vào năm 2050 nếu không có giải pháp can thiệp.
Biogas không chỉ giúp xử lý chất thải hiệu quả, mà còn mang lại nhiều lợi ích môi trường và kinh tế. Nghiên cứu cho thấy nếu sử dụng toàn bộ lượng biogas tiềm năng để thay thế cho các nhiên liệu truyền thống như than đá, củi, khí hóa lỏng (LPG) trong sản xuất điện và nhiệt, Việt Nam có thể cắt giảm lần lượt 148,4 và 147,9 triệu tấn CO₂ tương đương vào năm 2050 (tùy theo kịch bản thay thế than hoặc củi). Con số này vượt xa mức giảm được khi thay thế LPG (chỉ khoảng 65 triệu tấn CO₂ tương đương).
Không dừng lại ở khía cạnh môi trường, đầu tư vào hệ thống hầm ủ biogas quy mô hộ gia đình còn mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt. Với chi phí hợp lý và thời gian hoàn vốn ngắn (chỉ khoảng 1,7 năm), các hộ dân có thể tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu, nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu hóa thạch dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn
2020 - 2050. Ước tính, nếu dùng biogas để thay thế LPG, mỗi hệ thống biogas có thể mang lại giá trị hiện tại ròng (NPV) lên tới 4.878 USD, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 57,2% - một mức sinh lời rất hấp dẫn.
Việt Nam đang đầu tư mạnh vào điện mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, hai nguồn năng lượng này lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và địa lý. Những khu vực miền núi, nông thôn xa lưới điện quốc gia rất khó tiếp cận các công nghệ hiện đại này. Trong khi đó, chất thải nông nghiệp lại có sẵn ngay tại chỗ, có thể tận dụng dễ dàng để sản xuất biogas phục vụ nấu nướng, sưởi ấm hoặc phát điện cục bộ.
Sử dụng hiệu quả tiềm năng
Thực tế cho thấy Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu hóa thạch. Tỷ lệ tiêu dùng các loại nhiên liệu hóa thạch trong các hộ gia đình cũng tăng đáng kể. Theo Tổng cục Thống kê, chi tiêu hàng tháng cho nhiên liệu đốt của người dân đã tăng 30% trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, nhu cầu điện dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong ba thập kỷ tới.
Chính vì vậy, việc phát triển biogas từ chất thải nông nghiệp vừa giúp xử lý rác thải, vừa giảm phát thải khí nhà kính, lại vừa tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho người dân, là một hướng đi đúng đắn và cần được ưu tiên trong chiến lược năng lượng quốc gia.
Nhóm nghiên cứu tính toán, tổng lượng biogas có thể sản xuất từ chất thải nông nghiệp năm 2020 là 11,320 triệu m³ và sẽ tăng lên 48,428 triệu m³ vào 2050.
Từ lượng khí biogas này, có thể được sản xuất 20.952,1 triệu kWh và 52.302,5 triệu kWh vào năm 2030 và 2050, tương đương 20% và 15,3% tổng nhu cầu điện của Việt Nam. Sử dụng khí biogas được tạo ra từ chất thải nông nghiệp để sản xuất nhiệt có tiềm năng tạo ra 121.451, 211.298 và 531.014 triệu mega joule nhiệt vào năm 2020, 2030 và 2050. Con số này tương đương nhiệt lượng của khoảng từ 4,8 đến 21,1 nghìn tấn than đá.
Từ những phát hiện trên, nhóm nghiên cứu đề xuất Việt Nam thu gom và sử dụng hiệu quả chất thải nông nghiệp hơn để sản xuất năng lượng, đặc biệt tại các vùng có tiềm năng cao như Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể xây dựng một khung thu gom chất thải hiệu quả và tham khảo các mô hình thành công ở các quốc gia khác. Ngoài ra, cần triển khai các ưu đãi tài chính để khuyến khích ưu tiên sử dụng chất thải nông nghiệp để tạo ra năng lượng.
Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng từ chất thải nông nghiệp gồm xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác về nguồn phát thải từ chăn nuôi và đốt phụ phẩm để có chiến lược thu gom, xử lý tập trung. Khuyến khích và hỗ trợ người dân đầu tư hầm biogas quy mô hộ gia đình hoặc cụm hộ, nhất là ở các vùng chăn nuôi tập trung hoặc vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới.
Bài 2: Đông Nam Bộ - vùng đất đổi mới của nông nghiệp công nghệ cao
Đông Nam Bộ đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với chính sách hỗ trợ đồng bộ và chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, tạo đòn bẩy cho sản xuất nông sản bền vững, xuất khẩu và phát triển kinh tế xanh.
Vai trò của nông nghiệp công nghệ cao
Giữa những guồng quay hối hả của các ngành công nghiệp nặng, Đông Nam Bộ vẫn giữ cho mình mảng xanh quý giá, một nền nông nghiệp năng động, đang từng bước khoác lên “chiếc áo mới” của công nghệ cao. Nếu ví vùng đất này như một bản giao hưởng kinh tế, thì nông nghiệp công nghệ cao chính là những nốt nhạc tươi mới, ngân vang giai điệu đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) không còn là một khái niệm xa xỉ mà đã trở thành đòn bẩy đưa kinh tế tư nhân Đông Nam Bộ vươn lên phát triển mạnh mẽ. Ngoài những dây chuyền sản xuất hiện đại hay cánh đồng quản lý bằng thiết bị cảm biến thông minh, nền nông nghiệp khu vực này còn tạo thêm mảng xanh, sạch, minh bạch và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Mỗi trang trại, mỗi hợp tác xã giờ đây giống như một phòng thí nghiệm sống, nơi kỹ sư, nông dân và doanh nghiệp cùng nhau kiến tạo nên những “trái ngọt” đạt chuẩn toàn cầu, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu khốc liệt.
Vùng trồng nguyên liệu có truy xuất nguồn gốc của Tổng Công ty 939 tại Long Thành, Đồng Nai
Khu vực Đông Nam Bộ được ví như chiếc rổ ngọt lành, hội tụ những sản phẩm nông sản đặc trưng, với nhiều mặt hàng chủ lực ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Trái cây xuất khẩu đã trở thành thế mạnh của Đồng Nai, Bình Phước, với những trái xoài, chôm chôm, sầu riêng vươn ra thế giới, có mặt ở những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Trong lĩnh vực thủy sản, Bà Rịa - Vũng Tàu nổi lên như một “cánh đồng tôm cá công nghệ cao” với các ao nuôi tự động, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.
Nhiều sản phẩm hữu cơ, dược liệu, OCOP, các sản phẩm từ tinh dầu, trà thảo mộc không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần phát triển kinh tế xanh, nâng cao giá trị gia tăng và đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững.
Tại Tây Ninh, ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: “NNCNC là hướng phát triển mục tiêu nhằm nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển bền vững và đưa sản phẩm của Tây Ninh vươn ra thị trường quốc tế”. Hiện tỉnh đã quy hoạch và triển khai 122 dự án NNCNC, trở thành điểm sáng trong bức tranh đổi mới. Đặc biệt, liên danh De Heus - Hùng Nhơn đã triển khai 7 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, xây dựng mô hình chuỗi giá trị khép kín từ nông trại đến bàn ăn, góp phần đưa nông nghiệp Tây Ninh hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước sử dụng xe phun hiện đại (bình chứa 1.000 lít), có thể rửa nước mưa, phun thuốc dập dịch trên 10-15ha mỗi buổi sáng, chỉ cần 1 người lái và camera giám sát
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Trọng Nghĩa - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh chia sẻ: “Đưa NNCNC lên tầm cao mới trong thời kỳ chuyển đổi số đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh đã và đang đồng hành cùng tỉnh, tập trung hỗ trợ hội viên, doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây chính là nền tảng quan trọng để NNCNC trở thành cú hích thúc đẩy kinh tế nông nghiệp Tây Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa.”
Đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản
Để tạo bước đột phá cho ngành nông nghiệp, ngày 31/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 79/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong nông nghiệp; chú trọng đưa vào sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời tập trung phát triển công nghệ bảo quản và chế biến sâu, đặc biệt đối với các mặt hàng trái cây và nông sản có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm, chuyển dần từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu tinh chế, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh thăm cơ sở chế biến hạt điều Vinahe
Bộ Công Thương được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, triển khai các chương trình kết nối, tổ chức tuần lễ nông sản, hội chợ hàng Việt, khai thác tối đa tiềm năng của thị trường trong nước. Đồng thời, Bộ chỉ đạo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các hệ thống phân phối tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trong nước, ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương (như lúa gạo, rau quả: sầu riêng, vải, nhãn, xoài, thanh long…) khi bước vào vụ thu hoạch chính.
Tại Bình Phước, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước đã ứng dụng nền tảng AutoAgri, giúp kết nối sản phẩm từ ruộng điều và vườn cây ăn trái ra thị trường toàn cầu. Nông trại Thiên Nông triển khai công nghệ 5.0 với hệ thống tưới tiêu tự động, điện mặt trời áp mái và truy xuất nguồn gốc QR Code, biến thương hiệu “Bơ ông Hoàng” và tiêu organic thành “thẻ thông hành” vào các siêu thị lớn. TP.HCM cũng đang đi đầu với Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Củ Chi và Trung tâm Công nghệ Sinh học, nơi tập trung nghiên cứu và chuyển giao các giống cây trồng, công nghệ bảo quản và quy trình sản xuất hiện đại.
Ông Nguyễn Hoàng Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (Bình Phước) cho biết: “Để phát triển bền vững và đưa nông sản Việt Nam vươn xa, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú trọng ứng dụng công nghệ cao, đồng thời phải có quy trình sản xuất truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hiện nay tại Vinahe đang tập trung vào các giải pháp số hóa quy trình sản xuất, liên kết các hợp tác xã và nông hộ để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.”
Để ngành NNCNC phát triển bền vững, nhiều khó khăn vẫn cần được tháo gỡ. Quy hoạch vùng nguyên liệu còn manh mún khiến doanh nghiệp khó xây dựng được chuỗi nguyên liệu ổn định, dẫn đến phụ thuộc thương lái và thị trường. Liên kết sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, dễ đứt gãy khi giá cả biến động. Giá vật tư đầu vào tăng cao, cùng các rào cản thương mại từ thị trường xuất khẩu lớn, đang gây áp lực không nhỏ lên vai doanh nghiệp và nông dân.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị NNCNC hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, công nghệ và khả năng tiếp cận thị trường. Trong khi đó, tại Đồng Nai, 275 chuỗi liên kết đã hình thành, quy tụ hơn 127 doanh nghiệp, 70 hợp tác xã và hơn 15.300 hộ dân, tạo thành “tấm lưới vàng” kết nối sản phẩm với thị trường trong nước và quốc tế;
Bình Dương đang tích cực tháo gỡ bài toán “6 nhà” (Nhà nước, Nhà nông, Doanh nghiệp, Nhà khoa học, Ngân hàng và Nhà phân phối) để hạn chế tình trạng “được mùa rớt giá”;
Bình Phước đẩy mạnh phát triển đa giá trị từ cây cao su, điều, hồ tiêu và các loại cây ăn trái, biến mỗi sản phẩm thành một “viên ngọc thô” được mài giũa để tỏa sáng trên thị trường quốc tế.
Riêng Đồng Nai và Tây Ninh đang chủ động tăng cường liên kết vùng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, EU, Nhật Bản, từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Đông Nam Bộ.
Giữa bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số mạnh mẽ, vùng Đông Nam Bộ đang chuyển mình từ những cánh đồng truyền thống sang những trang trại công nghệ cao, từ hợp tác xã nhỏ lẻ thành “nhà máy xanh” hiện đại. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chính sách đồng bộ và sự đồng hành của doanh nghiệp, vùng đất này chắc chắn sẽ bứt phá mạnh mẽ, đưa những “trái ngọt” nông sản Việt vươn cao trên thị trường quốc tế.
(Còn nữa)
Bài 3: Logistics 'Xương sống' kinh tế tư nhân vùng Đông Nam Bộ
Bài 1: Vùng Đông Nam Bộ ‘mỏ vàng’ của kinh tế tư nhân
(PLVN) - Vùng Đông Nam Bộ được ví như bản hòa tấu tăng trưởng, nơi cỗ máy kinh tế tư nhân vươn mạnh trên sân ga đổi mới, trở thành vùng đất “vàng” giúp doanh nghiệp bứt phá và đóng góp lớn cho kinh tế vùng trọng điểm.
Những bánh xe lớn của kinh tế tư nhân
Giống như cỗ máy tăng trưởng đang sải bước giữa sân ga đổi mới, vùng Đông Nam Bộ những năm gần đây hiện lên như trái tim kinh tế của đất nước, một trung tâm công nghiệp, thương mại, logistics đầy sôi động. Trên dải đất chỉ chiếm 9% diện tích và 20% dân số cả nước, hiện vùng đất này đang thường xuyên duy trì hơn 30% GDP, gần 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu.
Đông Nam Bộ là "huyết mạch" vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu và sản phẩm từ các tỉnh thành ra cảng biển, sân bay
Nhìn trên bản đồ phát triển, vùng Đông Nam Bộ giống như chất truyền dẫn chính, chảy tràn sức sống cho nền kinh tế Việt Nam. TP.HCM giữ vai trò như “đầu tàu” kéo cả đoàn xe kinh tế quốc gia về phía trước, cùng Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh quần tụ thành một tam giác tăng trưởng mạnh mẽ. Không chỉ là nơi hội tụ của các khu công nghiệp hiện đại, Đông Nam Bộ còn trở thành mảnh đất lành cho những dự án quy mô lớn, công nghệ cao, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Kiên trì với nông nghiệp hữu cơ để có sản phẩm sạch
Một thực tế là, làm nông nghiệp hiện nay, nếu không sử dụng thuốc, phân hóa học, cây trồng rất khó phát triển, lại thường xuyên bị sâu bệnh gây hại. Sử dụng thiên địch là hình thức lựa chọn phổ biến của người làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và an toàn.
Cách làm này đã được ông Nguyễn Thanh Long (xã Phước Cát 2, huyện Đạ Huoai), ứng dụng thành công trên cây ca cao. Không sử dụng thuốc hóa học mà vẫn loại bỏ được các loại sâu gây hại, lại tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ vốn dùng để mua thuốc trừ sâu, sản phẩm làm ra không dư tồn các chất hóa học bất lợi nên sản phẩm ca cao của gia đình ông Long luôn được thị trường ưa chuộng.
Ông Nguyễn Thanh Long bên trong vườn ca cao hữu cơ.
Để có thiên địch của các loại sâu gây hại là kiến đỏ, ông đã nhiều lần vào rừng tìm kiếm, đem kiến về thả vào vườn ca cao rộng 5.000m2 của gia đình. Để sớm nhân rộng tổ, ông Long còn giăng dây từ cây này sang cây khác cho kiến đi lại, săn mồi và làm tổ. Thức ăn của kiến đỏ là các loại sâu, nhộng, rệp sáp, bọ cánh cứng. Vì thế, khi đàn kiến đỏ được nhân rộng, chúng tỏa đi khắp các cành, lá, thậm chí xuống cả đất để kiếm mồi, chia đàn xây tổ. Chỉ trong thời gian ngắn, vườn ca cao của ông Long không còn các loại sâu gây hại như trước đây.
Triệt hạ được sâu, nhộng, rệp… cũng góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn các loại dịch bệnh lây lan, gây hại trên cây trồng. Nhờ sử dụng thiên địch là kiến đỏ để tiêu diệt sâu bệnh, nhiều năm qua vườn cây ca cao của gia đình ông Nguyễn Thanh Long không phải sử dụng thuốc hóa học. Sản phẩm làm ra đảm bảo “chuẩn hữu cơ”, được các đơn vị nhận bao tiêu với giá cao.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất khó khăn, chi phí đầu tư cao nhưng từ năm 2017 tới nay, gia đình bà Lê Thị Thu Hậu (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) vẫn đang kiên trì theo đuổi mô hình này. Bà Hậu cho biết, ban đầu, khi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế, các loại rau của gia đình bà thường xuyên bị sâu bệnh tấn công, nhất là giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Điều này khiến sản lượng giảm xuống một nửa, thậm chí có vụ gần như mất trắng.
Trải qua nhiều lần thất bại, tới nay bà Hậu không những đã tích lũy được kinh nghiệm làm rau hữu cơ mà còn hướng dẫn cho các đối tác, liên kết sản xuất, tạo ra chuỗi nông sản sạch. Để sản phẩm nông nghiệp hữu cơ dưới chân núi Langbiang ngày càng vươn xa, “chính danh ngôn thuận” đến với người tiêu dùng, người phụ nữ này đã thành lập công ty, ngày càng mở rộng sản xuất các mặt hàng hữu cơ.
Để ngăn chặn sâu bệnh gây hại, trên cùng một diện tích đất, bà Hậu áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có đặt bẫy côn trùng, trồng xen các loại cây trồng khác nhau. Khi thu hoạch xong một loại rau thì chuyển ngay sang trồng rau khác. Điều này sẽ góp phần cắt đứt nguồn sâu bệnh gây hại phổ biến trên các loại cây trồng.
Theo Sở NN&MT tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2020, địa phương đã thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025.
Máy bay không người lái phục vụ vào nông nghiệp
Tại xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), một số nông dân đã sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc vườn cây ăn trái. Đây là cách làm mới đang được triển khai hiệu quả tại Tổ hợp tác sầu riêng 9 Đức, do ông Trần Văn Đức làm tổ trưởng với diện tích 15 hécta.
1. Thiết bị drone bay lượn, phun thuốc trên vườn cây ăn trái của nông dân xã sông Ray (huyện Cẩm Mỹ).
Xuất phát từ thực tế phương pháp phun thuốc thủ công bằng vòi kéo vừa mất nhiều thời gian, vừa khó tiếp cận được những tán cây cao, đầu năm 2022, ông Đức cùng các thành viên Tổ hợp tác sầu riêng 9 Đức chủ động đầu tư thiết bị drone chuyên dụng phục vụ sản xuất. Ban đầu, tổ hợp tác chỉ trang bị một chiếc drone để phục vụ phun thuốc cho các loại cây ăn trái phổ biến như mít và sầu riêng. Sau khi đánh giá hiệu quả, các thành viên tiếp tục đầu tư thêm một chiếc drone khác nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc vườn chuối và một số cây trồng khác như: chôm chôm, bắp, cao su…
2. Để vận chuyển drone đến vườn, nông dân phải sử dụng xe tải chở theo thiết bị bay cùng bộ sạc chuyên dụng.
Ông Trần Văn Đức cho biết, việc đưa công nghệ bay vào sản xuất mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Trước đây, mỗi lần phun thuốc rất cực, phải leo trèo, di chuyển nhiều mà vẫn không đảm bảo phủ đều cây. Nay với thiết bị drone, người điều khiển chỉ cần thiết lập đường bay và chế độ phun, máy sẽ tự động hoạt động, hiệu quả và an toàn hơn nhiều. Không những vậy, thời gian vận hành chỉ mất 15-20 phút đã phun xong diện tích khoảng 15 hécta.
3. Trong lúc một thành viên đảm nhận việc pha thuốc, thành viên còn lại tranh thủ chuẩn bị trạm sạc di động và tiến hành sạc pin cho drone. Mỗi viên pin chỉ đáp ứng thời gian bay khoảng 5 phút.
Giá thiết bị drone khoảng 390 triệu đồng/chiếc. Theo ông Đức, việc đầu tư thiết bị drone phun thuốc là khoản chi tương đối lớn, tuy nhiên khoản đầu tư này hoàn toàn xứng đáng nếu xét đến hiệu quả và năng suất mang lại. Drone giúp người nông dân tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức và chi phí nhân công; đồng thời phun thuốc đều, chính xác, hạn chế lãng phí và nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại cho người lao động. Đây là bước đi phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp.
4. Khi drone đã được kiểm tra kỹ lưỡng, nông dân bơm thuốc bảo vệ thực vật vào khoang chứa của drone. Công đoạn này đòi hỏi sự cẩn trọng để đảm bảo dung dịch không tràn, đúng liều lượng và phù hợp với lập trình bay.
5. Bước khó nhất cũng là bước quan trọng nhất là nông dân phải cài đặt chính xác tọa độ, độ cao và phạm vi phun để đảm bảo thuốc bảo vệ thực vật phủ đều, hiệu quả trên toàn bộ vườn cây.
6. Thiết bị drone bay lượn trên cao, được trang bị hai vòi phun hiện đại giúp phun thuốc nhanh, đều.
7. Nhờ hình ảnh hiển thị rõ ràng và trực quan, việc điều chỉnh đường bay, độ cao và lượng thuốc phun trở nên chính xác hơn.
8. Sau khi hoàn thành chặng bay, nông dân hạ cánh drone an toàn tại khu vực đất trống, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
9. Các thành viên tổ hợp tác tiến hành thu gom thiết bị và vận chuyển drone cùng các phụ kiện ra xe tải.
10. Sau khi hoàn tất việc phun thuốc, nông dân tiến hành kiểm tra lại vườn sầu riêng để đánh giá hiệu quả.
Thách thức đối với nông nghiệp toàn cầu - Bài 1: Tác động của chiến tranh thương mại
Cuộc chiến thương mại do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng đã gây ra cuộc tranh luận rộng rãi về tác động của nó đối với nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp.
Trong ảnh (tư liệu): Thu hoạch lúa mỳ tại vùng Stavropol, miền Nam nước Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo Arab News của Saudi Arabia vừa đăng bài viết của Tiến sĩ Turki Faisal Al-Rasheed, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Arizona đồng thời là tác giả của "Chiến lược Phát triển Nông nghiệp: Kinh nghiệm của Saudi Arabia", trong đó đánh giá về hậu quả của xung đột thương mại, đặc biệt liên quan đến an ninh lương thực, cũng như vị thế của các nước đang phát triển. Bài viết cho rằng hiểu được những động lực này là rất quan trọng để xây dựng các chiến lược giảm thiểu tác động tiêu cực và thúc đẩy hợp tác trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Dưới đây là nội dung chính của bài viết:
Cuộc chiến thương mại do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng đã gây ra cuộc tranh luận rộng rãi về tác động của nó đối với nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Khi thuế quan được áp đặt lên nhiều mặt hàng, ngành nông nghiệp của Mỹ phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu thiết yếu như đậu nành và ngô. Cuộc chiến thương mại bắt đầu nổ ra khi Mỹ muốn điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại và bảo vệ các ngành công nghiệp của mình. Thuế quan của Mỹ được thiết kế để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của nước ngoài và giải quyết các vấn đề liên quan đến hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hậu quả trực tiếp của các loại thuế này là sự gián đoạn trong xuất khẩu nông sản, nhất là sang Trung Quốc, vốn là một trong những thị trường lớn nhất đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Nông dân Mỹ cho biết doanh số bán của họ sụt giảm đáng kể, dẫn đến nhiều khó khăn về tài chính. Hậu quả đã vượt ra ngoài các trang trại riêng lẻ, đe dọa khả năng tồn tại của toàn bộ ngành nông nghiệp và ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu. Xung đột thương mại đã làm nổi bật sự mong manh của thị trường nông nghiệp, vốn gắn liền chặt với các động lực thương mại quốc tế.
Việc áp dụng các mức thuế quan đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu nông sản của Mỹ sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng như đậu nành. Khi Brazil và Argentina tăng cường sản xuất và chiếm lĩnh thị phần, nông dân Mỹ ngày càng thấy khó khăn hơn trong việc giành lại quyền tiếp cận các thị trường quan trọng. Chẳng hạn, lịch sử về lệnh cấm vận ngũ cốc đối với Liên Xô hồi những năm 1980 là một câu chuyện cảnh báo, minh họa cho cách thức mà các biện pháp bảo hộ có thể phản tác dụng, gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước, trong khi không ảnh hưởng nhiều đến các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Ngoài ra, gánh nặng tâm lý đối với nông dân Mỹ không thể bị bỏ qua. Sự hỗn loạn xung quanh quan hệ thương mại đã dẫn đến nỗi lo sợ về bất ổn kinh tế. Nông dân Mỹ lo ngại về nguy cơ nông sản của họ không bán được. Ông Kenneth Hartman, thuộc Hiệp hội Trồng ngô Quốc gia Mỹ đã nhấn mạnh hậu quả khủng khiếp của việc mất kết nối kéo dài với thị trường Trung Quốc.
An ninh lương thực từ lâu đã là một khía cạnh then chốt của quan hệ quốc tế. Mỹ thường tận dụng sức mạnh nông nghiệp của mình để gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Trong khi đó, cách tiếp cận của Saudi Arabia đối với tự cung tự cấp trong nông nghiệp đưa ra một phản biện hấp dẫn. Bằng cách đầu tư lớn vào nông nghiệp trong nước, quốc gia vùng Vịnh này đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào các nguồn từ bên ngoài và tăng cường an ninh lương thực quốc gia. Sự thay đổi chiến lược này nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố chủ quyền trong sản xuất lương thực và làm nổi bật tiềm năng của các quốc gia đang phát triển trong việc vạch ra con đường riêng của họ trước các áp lực thương mại toàn cầu.
Trước đây, ông John R. Block, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ đã ủng hộ "tự cung tự cấp" ở các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy ý tưởng rằng các quốc gia nên nâng cao năng lực nông nghiệp của mình để giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, quan niệm đó đã trở thành nghịch lý khi xét thấy nhiều quốc gia đang phát triển có thể đạt được an ninh lương thực hiệu quả hơn thông qua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Điều này minh họa cho một chiến lược thống trị rộng hơn: kiểm soát lương thực đồng nghĩa với việc nắm giữ quyền lực. Bằng cách thúc đẩy sự phụ thuộc vào nông sản của Mỹ, Washington không chỉ đảm bảo lợi ích kinh tế mà còn củng cố ảnh hưởng địa chính trị của mình.
Saudi Arabia là một ví dụ đi ngược lại mô hình này, khi chính quyền của Quốc vương Fahd đã thực hiện một bước ngoặt chiến lược hướng tới tự cung tự cấp nông nghiệp. Nhận ra những điểm yếu liên quan đến nhập khẩu lương thực, Saudi Arabia đã đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tập trung vào các sáng kiến để nâng cao năng lực sản xuất. Các khoản đầu tư đó đã mang lại những tiến bộ lớn về công nghệ, hệ thống thủy lợi và các hoạt động nông nghiệp, qua đó giúp nâng cao năng suất và giảm sự phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu.
Thách thức đối với nông nghiệp toàn cầu - Bài cuối: Bài học từ Saudi Arabia
Kinh nghiệm của Saudi Arabia cho thấy việc đạt được an ninh lương thực cũng có thể liên quan đến các khoản đầu tư chiến lược vào nông nghiệp trong nước.
Thách thức đối với nông nghiệp toàn cầu - Bài học từ Saudi Arabia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Báo Arab News của Saudi Arabia vừa đăng bài viết của Tiến sĩ Turki Faisal Al-Rasheed, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Arizona, đồng thời là tác giả của "Chiến lược Phát triển Nông nghiệp: Kinh nghiệm của Saudi Arabia".
Theo bài viết, việc theo đuổi mục tiêu tự cung tự cấp không chỉ tăng cường an ninh lương thực cho Saudi Arabia, mà còn trao quyền kinh tế cho công dân bằng cách tạo ra việc làm, thúc đẩy các ngành nghề địa phương và tạo ra nền nông nghiệp chính thống. Người nông dân được đào tạo và được cung cấp các nguồn lực cho phép họ đóng góp vào một ngành nông nghiệp mạnh mẽ hơn, giúp nâng cao khả năng phục hồi trước những biến động của thị trường toàn cầu.
Cách tiếp cận của Saudi Arabia nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền quốc gia trong an ninh lương thực. Điều này có thể giúp đạt được khả năng tự cung tự cấp thông qua việc lập kế hoạch chiến lược và đầu tư, thay vì phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài. Chính sách thành công của Saudi Arabia là bài học quý giá cho các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có tình hình địa chính trị tương tự. Có thể khẳng định rằng việc ưu tiên phát triển nông nghiệp trong nước có thể đảm bảo an ninh lương thực bền vững.
Hơn nữa, khi hệ thống lương thực toàn cầu tiếp tục phát triển, mô hình của Saudi Arabia chứng minh rằng các quốc gia có thể cân bằng hiệu quả giữa tự cung tự cấp và thương mại quốc tế. Bằng cách phát triển một ngành nông nghiệp trong nước mạnh mẽ, trong khi vẫn duy trì các mối quan hệ thương mại, Saudi Arabia đã định vị mình để điều hướng sự phức tạp của thị trường lương thực toàn cầu một cách hiệu quả hơn. Cách tiếp cận kép đó không chỉ đảm bảo nguồn cung lương thực, mà còn cho phép Saudi Arabia nâng cao ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán về an ninh lương thực khu vực và toàn cầu.Kinh nghiệm của Saudi Arabia cho thấy việc đạt được an ninh lương thực cũng có thể liên quan đến các khoản đầu tư chiến lược vào nông nghiệp trong nước. Bằng cách nhận ra sự tương tác giữa tự cung tự cấp và hợp tác quốc tế, các quốc gia có thể phát triển các hệ thống lương thực kiên cường hơn, bảo vệ lợi ích của họ, cũng như đóng góp vào các nỗ lực an ninh lương thực toàn cầu. Các nước đang phát triển, thường bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đang phải đối mặt với những thách thức riêng. Nhiều quốc gia trong số này dựa vào xuất khẩu nông sản để duy trì nền kinh tế của họ, khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường do chiến tranh thương mại gây ra. Xung đột thương mại có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện tại, vì các quốc gia giàu có hơn với nhiều nguồn lực hơn có thể hấp thụ tốt hơn các cú sốc từ thuế quan và các biện pháp trả đũa.Trong trường hợp của Saudi Arabia, mặc dù nước này đã có những bước tiến hướng tới tự cung tự cấp nông nghiệp, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào các loại lương thực nhập khẩu khác nhau. Chiến tranh thương mại làm phức tạp thêm các động lực này, vì giá lương thực tăng và sự bất ổn của thị trường có thể đe dọa đến an ninh lương thực của các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Do đó, sự tương tác giữa thương mại toàn cầu và các chính sách nông nghiệp trong nước trở nên rất quan trọng để đảm bảo các quốc gia đang phát triển có thể điều hướng những thách thức này một cách hiệu quả.Xét đến tính phức tạp của chiến tranh thương mại và những tác động của nó đối với an ninh lương thực và ngành nông nghiệp, một số chiến lược có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với cả Mỹ và các quốc gia đang phát triển. Thứ nhất, việc theo đuổi các quyết định ngoại giao để tăng cường tiếp cận thương mại với các thị trường chính, đặc biệt là Trung Quốc, có thể tạo ra một môi trường ổn định hơn cho xuất khẩu nông sản. Đối thoại mang tính xây dựng tập trung vào các hoạt động thương mại công bằng có thể vun đắp sự hợp tác và lòng tin.
Thứ hai, đổi mới thông qua các hoạt động canh tác bền vững có thể nâng cao năng suất và an ninh lương thực. Đầu tư vào công nghệ có thể giúp nông dân Mỹ cạnh tranh hiệu quả trên cả thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ ba, việc hình thành quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia vốn đang phải đối mặt với những thách thức tương tự về nông nghiệp có thể thiết lập một mặt trận thống nhất trong việc ủng hộ các hoạt động thương mại công bằng. Hợp tác với các quốc gia vì lợi ích nông nghiệp phù hợp có thể củng cố an ninh lương thực toàn cầu.
Thứ tư, khuyến khích nông dân đa dạng hóa thị trường xuất khẩu có thể giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào. Bằng cách khám phá các cơ hội ở các thị trường mới nổi, ngành nông nghiệp Mỹ có thể xây dựng khả năng phục hồi trước sự gián đoạn thương mại.
Cuối cùng, việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thông qua đầu tư, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực có thể giúp họ nâng cao khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất lương thực. Đổi lại, điều này có thể tăng cường an ninh lương thực toàn cầu bằng cách giảm sự phụ thuộc vào một số ít nhà cung cấp thống trị.Tóm lại, tác động của chiến tranh thương mại vượt xa những hậu quả kinh tế tức thì đối với nông dân Mỹ. Chúng thách thức chính nền tảng của an ninh lương thực toàn cầu, và các chiến lược được sử dụng để điều hướng cuộc xung đột này sẽ quyết định khả năng phục hồi của các ngành nông nghiệp trên thế giới. Khi các quốc gia cố gắng thích ứng với những thay đổi đó, các bài học kinh nghiệm từ cả Mỹ và Saudi Arabia là cần thiết để phát triển các con đường bền vững cho an ninh lương thực và hợp tác kinh tế trong tương lai.Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với nông nghiệp và an ninh lương thực toàn cầu. Khi nông dân Mỹ vật lộn với những thách thức do thuế quan và gián đoạn thị trường gây ra, điều cần thiết là phải xem xét những hậu quả rộng lớn hơn của những hành động này đối với các quốc gia đang phát triển. Bằng cách áp dụng một cách tiếp cận cân bằng tập trung vào hợp tác, đổi mới và cam kết chiến lược, Mỹ có thể điều hướng sự phức tạp của bối cảnh thương mại toàn cầu.Các quyết định đưa ra ngày hôm nay sẽ định hình tương lai của ngành nông nghiệp và quan hệ quốc tế cho các thế hệ tương lai. Với khả năng phục hồi và tầm nhìn chiến lược, ngành nông nghiệp Mỹ không chỉ có thể vượt qua những cơn bão của xung đột thương mại, mà còn tái khẳng định vai trò của mình là một quốc gia dẫn đầu trong sản xuất lương thực toàn cầu. Trong một thế giới kết nối, việc thúc đẩy hợp tác và nắm bắt thực tế của thương mại toàn cầu sẽ rất quan trọng để đảm bảo một tương lai bền vững và an toàn cho tất cả các quốc gia.
Nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất nông nghiệp bền vững
Chương trình 'Gắn kết-yêu thương' do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Tổ chức Care tại Việt nam và Công ty Thực phẩm PepsiCo tổ chức tại 2 xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) và Ia Băng (huyện Đak Đoa) đã góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân về giá trị của sản xuất nông nghiệp bền vững.
Chương trình Gắn kết-yêu thương” được tổ chức vào ngày 30 và 31-5. Bà Vũ Lan Hương-Quản lý dự án Tổ chức Care tại Việt Nam-cho biết: Chương trình nằm trong chuỗi Dự án “Tôi vui gieo-Nông nghiệp bền vững vì những đổi thay-She Feeds the World Việt Nam" do Tổ chức Care tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến Nông tỉnh và Công ty thực phẩm PepsiCo triển khai.
Tại Gia Lai, Dự án được tổ chức tại 2 xã Ia Tiêm và Ia Băng với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp bền vững, khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất và tiếp cận thị trường cho hơn 200 người canh tác quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Với chủ đề: “Nông nghiệp bền vững-Tái sinh-Bình đẳng giới”, Chương trình nhằm góp phần tạo sân chơi cũng như cung cấp kiến thức, thay đổi nhận thức cho người dân về vấn đề bình đẳng giới cũng như thực hành sản xuất nghiệp theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường.
Tại chương trình, bà Nguyễn Mai Chi-Giám đốc Đối ngoại Công ty thực phẩm PepsiCo cũng thông tin: Công ty Thực phẩm PepsiCo chuyên sản xuất các sản phẩm về sack khoai tây theo tiêu chuẩn Quốc tế.
Hiện nay, Gia Lai là một trong những vùng nguyên liệu về trồng khoai tây của Công ty với diện tích ổn định hơn 200 ha mỗi năm. Qua thực tiễn triển khai, cây khoai tây trồng tại Gia Lai cho năng suất đạt khoảng hơn 40 tấn/ha và độ tinh bột đạt cao hơn so với các vùng nguyên liệu khác trong nước. Hiện Công ty dự kiến sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu khoai tây trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian tới.
Do đó, việc tổ chức chương trình “Gắn kết-yêu thương” ngoài mục đích tri ân người dân vùng nguyên liệu tại tỉnh Gia Lai còn nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản liên quan đến vấn đề canh tác bền vững cho bà con nông dân trên địa bàn. Qua đó, tạo tiền đề cho việc mở rộng vùng nguyên liệu sạch cho Công ty trong thời gian tới”-bà Chi thông tin.
Để chương trình đạt hiệu quả, Ban Tổ chức đều triển khai cho người dân tham gia chương trình với 2 nội dung chính: Thi thể thao và giao lưu với khán giả. Ở phần thi thể thao, người dân tham gia các môn: kéo co, bóng chuyền, nhảy bao bố đố thông điệp và các trò chơi: "Gia đình vui bất thình lình", "Gia đình hiểu nhau" và "Con chúng ta giỏi lắm". Ở nội dung “Giao lưu với khán giả”, người dân trả lời các câu hỏi do ban tổ chức đưa ra liên quan đến chủ đề của chương trình.
Điểm nhấn của chương trình là hầu hết các nội dung thi đấu và giao lưu đều xoay quanh việc hỏi-đáp các vấn đề về bình đẳng giới, sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường như: nông nghiệp tái sinh là gì, đâu là ví dụ về tái chế trong nông nghiệp, làm gì để bảo vệ môi trường…
Người dân xã Ia Tiêm tham gia ghép hình và trả lời các câu hỏi của Ban Tổ chức Chương trình "Gắn kết-yêu thương". Ảnh: Hồng Thương
Tại xã Ia Tiêm, chương trình thu hút đông đảo người dân đến tham gia thi đấu và cổ vũ. Không khí sôi động hơn khi người dân tham gia trả lời gần 100 câu hỏi của Ban Tổ chức về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường.
Bà Rơ Mah H’Lam (làng Nú, xã Ia Tiêm) chia sẻ: "Gia đình tôi có 3 sào cà phê và 1 sào lúa. Nhờ tham gia Dự án “Tôi vui gieo-Nông nghiệp bền vững vì những đổi thay-She Feeds the World Việt Nam”, tôi được vay 10 triệu đồng và tập huấn kiến thức chăm sóc cây trồng theo hướng bền vững. Do đó, khi biết chương trình “Kết nối-yêu thương được tổ chức” với chủ đề về “Nông nghiệp bền vững-tái sinh-Bình đẳng giới, tôi tranh thủ đến tham gia để học hỏi thêm kinh nghiệm nhằm áp dụng chăm sóc vườn cây".
Tương tự, mặc dù trời mưa rả rích nhưng người dân tại xã Ia Băng cũng hào hứng khi đến tham gia chương trình và bày tỏ sự hài lòng khi tham gia nội dung hỏi đáp liên quan đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Anh Ning (thôn O Yố, xã Ia Băng) phấn khởi chia sẻ: Tại Chương trình “Gắn kết-yêu thương”, anh được biết thêm nhiều kiến thức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Trước đó, nhờ tham gia Dự án “Tôi vui gieo-Nông nghiệp bền vững vì những đổi thay-She Feeds the World Việt Nam, anh được đi tham quan mô hình kinh tế sản xuất nông nghiệp tiêu biểu tại tỉnh Lâm Đồng và học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất.
"Do đó, tới đây, tôi sẽ áp dụng kiến thức này vào chăm sóc 7 sào cà phê và 3 sào lúa nước theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm. Trong đó, sẽ thực hành việc tái chế các rác thải nông nghiệp làm phân bón hữu cơ, áp dụng các biện pháp can thiệp tự nhiên để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng phân bón phù hợp"-anh Ning cho biết.
Ban Tổ chức trao 6 chiếc xe đạp và hơn 300 phần quà cho học sinh có thành tích xuất sắc tại Chương trình. Ảnh: Hồng Thương
Có mặt để hướng dẫn các đội tham gia chương trình, ông Ksor Jar-Bí thư kiêm Trưởng thôn Châm Prông (xã Đak Đoa)-chia sẻ: Châm Prông có 251 hộ và hiện đang canh tác hơn 200 ha cây trồng các loại, chủ yếu là sầu riêng, cà phê. Chương trình được tổ chức đã giúp người dân có cơ hội được tham gia các trò chơi cũng như gặp gỡ, chia sẻ những kiến thức trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, vốn là địa bàn sản xuất nông nghiệp nên lượng phụ phẩm nhiều.
Trong thời gian tới, thôn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ủ phân bón từ phụ phẩm nông nghiệp nhằm giúp cây phát triển bền vững, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tham gia thu gom các rác thải nguy hại tại đồng ruộng để bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất.
Nói về tầm quan trọng của Chương trình, ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-nhấn mạnh: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, việc phát triển nông nghiệp bền vững và tái sinh không còn là lựa chọn mà là còn là con đường tất yếu. Những mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, tái tạo đất đai, tiết kiệm nước và thúc đẩy hệ sinh thái nông nghiệp đang là xu hướng mà chúng ta cần nhân rộng.
Do đó, bên cạnh tạo ra sân chơi bổ ích cho người dân để cải thiện đời sống tinh thần, Chương trình "Gắn kết-yêu thương" còn góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong cuộc sống cũng như cung cấp cho người dân thuộc dự án có thêm những kiến thức quan trọng để áp dụng thực hành trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị, mở ra cơ hội cho tiêu thụ sản phẩm.
Kết thúc chương trình, Ban Tổ chức đã trao 86 giải tập thể và các môn thi cùng nhiều phần thưởng khác cho các đội thi; đồng thời, tặng 6 chiếc xe đạp và hơn 300 phần quà cho học sinh có thành tích học tập tốt. Tổng trị giá tổ chức chương trình 2 xã trên 200 triệu đồng.